Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Một thời quanh quẩn

Truyện Cung Tích Biền

CTICHBIEN

Tác giả Cung Tích Biền

Để nhớ những tháng ngàychủ nghĩa Hiện sinh lung lạc, những vòng rào quanh quẩn, mọi ngõ đời chán chường, một thân phận quê hương phân ly, tan rã.

Mùa mưa bắt đầu những ngày nhiều mây, bầu trời xám đục. Không gian chật hẹp bởi cái mông lung âm u. Buổi trưa, xóm vườn tịch mịch. Từ khu nghĩa địa tiếng gà trưa vọng lại bồn chồn, một loại kinh nguyện không lời. Một vang kêu lẻ loi, hốt hoảng.

Thu đã từ biệt từ ba hôm nay. Tuấn nằm bệnh viện, vết thương khá nặng nơi vai. Khi mặt trận hạ màn, những bi kịch bắt đầu. Nhượng có ý định sáng mai sẽ về Đà Lạt. Chiếc va ly nhỏ, hành trang ít ỏi, nằm một mình trên chiếc ghế trống. Nhà tôi trở nên vắng vẻ. Một cái lạnh bất ngờ. Tôi châm một điếu thuốc. Vẩn vơ như khói. Bọn thằn lằn bò trên trần nhà. Nỗi chán chường an nghỉ trong từng đốt xương. Nhượng đi từ giã bạn bè trở về chỗ cổng vườn, băng qua khoảng đất rộng cây cỏ um tùm. Tiếng hát Hoàng Oanh trong và ngọt vang ra từ chiếc radio đâu đó.

Lá khô muối xác trong bùn. Nhượng đi lòng vòng. Vừa bước vừa nghĩ vẩn vơ. Mắt nhìn lung. Khoảng trời mờ đục che khuất bởi những đỉnh cây. Giá có một ngôi nhà để ở. Giá có một người vợ để chăm sóc lúc ốm đau như thế này. Hai mươi bảy tuổi. Nhượng tự nghĩ. Nhìn đời mình, một cây sầu đông trong mùa lạnh.

- Cậu thơ thẩn, làm như thi sĩ? Tôi đánh thức Nhượng bằng câu hỏi lơ đãng và những bước chân không tiếng động trên nền ướt.

- Trời sang mùa, buồn chết thôi. Cậu còn thuốc hút?

- Bác sĩ khuyên cậu nên kiêng thuốc lá kia mà.

- Kiêng cái nỗi gì.

Tôi đưa Nhượng một điếu. Bật cây diêm chìa ra. Gặp gió thổi mạnh, ngọn lửa cong run rẩy. Nhượng tiếp:

- Ở đây nhớ Đà Lạt, đến Đà Lạt lại nhớ Sàigòn.

- Không hẳn cậu nhớ một chốn này hay nơi kia. Nơi chốn chỉ là cái điểm biểu tượng cho nỗi nhớ thương không tên không tuổi của tuổi trẻ hôm nay.

***

Buổi chiều trời đổ cơn mưa lớn. Những chùm hạt rơi ào ạt trên mái tôn những tràng âm thanh ấm, nặng. Tôi co mình trong chăn nhìn Nhượng nơi bàn viết. Hai gò má Nhượng nhô cao, bàn tay những ngón khô xanh xao. Nhượng mất sức nhanh chóng. Hôm từ bệnh viện ra tuy yếu ớt nhưng còn chút da thịt. Tôi trở mình hỏi, Bộ cậu chán đời? Nhượng trả lời mệt mỏi, Đời con khỉ khô này ở đó mà chán. Gió bay rào rạt phía sau nhà. Nước tạt sũng ướt cả nền đất chái hè. Lát sau mẹ tôi về, từ cửa hàng chợ. Nhượng nói, Sao bác không đợi hết mưa hãy về. Mẹ tôi cười trả lời, Ngoài đường phố biểu tình đập phá quá trời, biểu tình với giới nghiêm riết cũng hết nghề buôn bán. Mẹ tôi xuống bếp.

Nhượng nhìn tôi, nói:

- Thật ra mình thích ở lại đây, nằm trong căn gác này, có thể chết như một tình cờ, dễ dàng, thế thôi. Mong được chôn trong một nghĩa địa hoang vắng ít ai lui tới.

Nhượng yên lặng. Mùi chiều ẩm. Tôi nhớ Lĩnh. Nàng và khung cửa sổ, trên cao, buổi chiều đầu tiên. Những “đầu tiên” thường về sau là sâu thẳm trong trí nhớ. Mỗi chúng ta, mỗi nạn nhân của Nỗi Nhớ. Nàng nhìn lung xuống đại lộ. Tóc rối gió lùa. Khuôn mặt bị khung cửa viền như một khung tranh lơ lửng. Như thế, đầu tiên và đơn giản ấy đã khiến một cậu con trai dừng lại trên hè phố ngẩn ngơ. Bây giờ hình bóng đó trong tôi như một ảo giác, một thứ vết thương quá khứ. Nhượng nói nhỏ, Hết mưa đi dạo phố nghe mày. Tôi ừ.

***

Nước từ trong các hẻm chảy ra đường lớn những nhánh đục. Tôi nhớ Trà Khúc. Sông chảy từ Trường Sơn về ngoài thành Quảng Ngãi. Có một dòng mà chia hai bên mỗi bờ trong đục rõ ràng. Giữa sông cây cầu sập gãy, nằm trơ vơ hoen rỉ. Người lái đò nói, Bom của chiến tranh đó, mới đây đã mười mấy năm rồi. Người chèo đò buồn, tôi buồn, một dòng nước tháng ngày không mấy vui.

Có tiếng hát cô Liên, Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang… đến ngồi bên mộ nàng. Tôi hỏi, Bữa nay không hát vọng cổ nữa hà. Liên cười, nói, Hát tân nhạc nghe nó “buồn mà vui” cậu ơi. Tôi nói, Ủi hộ cái áo này chốc nữa cậu đi phố. Nhớ mua cho em vài bản nhạc nghe cậu. Liên đi lấy cái bàn là. Vừa đi vừa hát tiếp… đến ngồi bên mộ nàng.

Tôi lại bàn ngồi, định lấy giấy viết thư. Năm ngoái nhận thư của Lĩnh tôi không trả lời. Lĩnh trách móc, Toàn ơi, em muốn nói, muốn gào thét, rằng em cần đọc thư của anh, viết cho em đi anh, anh chửi em em cũng đọc. Chửi em em đọc thấy ngon. Cũng như tôi đã nói với nàng, Yêu em, em có thai với người khác anh vẫn cưới em.

Vậy mà tôi với Lĩnh giờ rã tan rồi. Như cơm nguội trộn nước lạnh. Đêm hôm đó, hôm chúng tôi chia nửa người cho nhau, nàng khóc. Em không thể làm vợ anh nên cho anh cái phần không có phần hai của đời con gái này.

Về sau, Lĩnh làm vợ một đại úy Mỹ. Xã hội còn trong bóng tối, lạ lẫm với hôn nhân dị chủng. Ai cũng xầm xì con nhà gia thế mà đi làm cái việc me tây me mỹ. Ba của Lĩnh không nhận Lĩnh là con. Lĩnh có nỗi buồn riêng.

Anh Toàn, em đã đi qua ngã đời da trắng mũi lõ. Với tình yêu anh cho, em như con rắn một lần trút vỏ.

Liên đã ủi xong áo, cậu thấy em ủi nhanh chưa. Tôi nói, ủi luôn cái quần nữa nghe. Vừa thôi chứ cậu. Nhiều khi nghĩ, con Liên sướng nhất trên đời. Đi giúp việc mỗi tháng có tiền, suốt ngày vô tâm đùa cợt. Lúc nấu ăn lau nhà, dọn dẹp, lúc nào cũng hát hò. Về sau nó vẫn có chồng, ủ mình trong một thứ hạnh phúc đơn thuần, trí óc giản đơn. Tôi gọi, Nhượng ơi thức dậy đi phố mày, trời đẹp. Nhượng trở mình, mệt mỏi nói ú ớ, Đừng có ồn ào để ta ngủ chút đã.

Tôi một mình ngồi quán ngã ba. Ly cà phê không đường. Uống từng ngụm thật đắng, ruột gan thức giấc.

Lúc trở về thấy Nhượng đứng nơi cửa. Tôi đi thẳng vào nhà. Sân, vườn, nhiều nước đọng, lá vàng đầy hiên.

Nhượng nói:

- Chiều buồn lạ. Nhơn vừa đến đây tìm cậu. Dạo này thằng sĩ quan ấy ốm o.

***

Chúng tôi lại xuống phố. Cả ngày chẳng biết làm gì. Dạo phố lẩn quẩn. Cà phê thẫn thờ. Không nhìn ra mình, chẳng hiểu được ai. Sống vội sống cuồng điên mà tàn tạ như sống mòn. Mà vớt vát như sống sót. Yêu đương là lâm nạn. Một bọn cuồng si than thở, tình yêu như trái phá, như mũi nhọn, như a-xít lan dần trên da thịt. Con tinh yêu thương, con quỷ tính dục. Bọn tuổi trẻ triết nhân dỏm, đi giữa một cõi người nồng cháy bon chen. Cực là ồn ào tiếng thét của hòn đạn trái bom. Trong lửa nguồn, mà một lũ tuổi trẻ chúng tôi luôn thấy lạnh lùng, cô đơn, luôn ảm đạm trong ngột ngạt.

Một cuộc nội chiến có ma dẫn lối quỷ đưa đường, bên này giới tuyến, bên kia đất thù, mỗi bên anh em đều có lý tưởng sáng choang đèn nghìn watts. Mà tuổi trẻ chúng tôi thấy mình luôn lạc đường, thiếu quê hương. Càng có học, lạc lõng càng dài xa, mất phương hướng. Một bọn kia láu cá, tư lợi. Một bọn khác tiêu xài ngày tháng đời mình trong tư thế tam hầu. Con khỉ này dùng hai tay bịt hai con mắt, con kia bịt hai lỗ tai, con nọ bịt mồm. Không nghe. không biết, không thấy.

Ra phố, phố buồn thật. Một bọn thả bộ dọc theo đường Duy Tân. trường Luật đóng kín. Nơi cổng câu khẩu hiệu hàng chữ đỏ trên nền vải vàng làm tôi chợt nhớ những ngày tranh đấu 1963, xuống đường, hô hào, lựu đạn, giày dép bỏ chạy. Qua đài Chiến sĩ, tượng đồng trên đỉnh đã bị giật sập, chỉ còn trơ cây trụ xi măng cốt sắt, màu xám rêu. Lại nhớ Huế, Thành nội những rêu phong, trên bờ hồ trên đền đài. Bùi ngùi thương xót một xa xăm, hình dung tổ tiên, lịch sử nằm yên trong đó, cái Nghìn Năm.

***

Một suối người như tận hiến cho cuộc rong chơi, đầy trên đại lộ Bonard. Dạo mỏi chân vào quán ngồi. Kim Sơn, Thanh Bạch, Kim Hoa, Thanh Thế, Rex, Givral... Cà phê, thuốc lá, bia, rượu, tình, bạn, thời sự, Mỹ, Đại Hàn, Việt Cộng, Phật giáo, Quốc gia, nằm vùng, biểu tình, đấu tranh, buồn nôn, phi lý, trốn lính, tử trận, tự tử…

Vỉa hè bày bán đủ thứ đồ hàng. Lộn xộn như chiến tranh. Mua cho em cái này đi thầy, bao thư tốt lắm, mua dùm đi thầy, thuốc này loại hảo hạng giặt mau trắng, cả đồ ni lông, thuốc sán lãi đây anh, có trẻ em nên mua về nhà dùng... Những vụn vặt, tục thô chen chúc những cửa hàng kính bày bán huy chương vải gấm sáng loáng bên trong, những cửa hàng sách triệu chữ thu gom tư tưởng nhân loại. Nơi đây có cả.

Tôi dừng lại chờ Nhượng, không quên chú ý đến anh chàng làm hề quảng cáo cho một hãng thuốc nhuộm. Tôi hỏi Nhượng, Con nhỏ nào vừa trò chuyện với mày vậy? Nhượng nói, Bích học luật, nó biết mày mà, bảo rằng mày hô hào trong các đám biểu tình đấu tranh như con khỉ trong đoàn xiếc. Tôi trả lời Nhượng, Có thể Bích nói đúng, lịch sử là một sân khấu, có bi hài kịch, có trò múa rối.

Chiều chủ nhật nhà sách Khai Trí đông đúc lạ thường. Mấy cô hàng sách Khai Trí xinh đẹp, lễ độ, áo dài xanh, đeo huy hiệu để tên. Ông Khai Trí có khuôn mặt chữ điền, nước da sậm màu, một màu da của con người có phần chí thiện, lam lũ với công việc mình đã chọn.

Những khuôn mặt khách trẻ đăm đăm vào giá sách. Đây là những năm tháng thịnh hành của các triết thuyết nhão nhoẹt từ phương Tây tràn đến. Nhưng nó hãy còn là một quyến rũ, thời thượng nơi này. Không những Đọc mà Sống cùng mớ chữ nghĩa rối rắm của S.Freud, M.Heidegger, F.Niestzche, A.Camus, J.P.Sartre…

Những sách đầu giường là hiện sinh, phân tâm học. Những sống thực là băn khoăn, nghi ngờ, sống tạm, sống vội. Những cần thiết là buồn nôn, phi lý, phân thân. Nhiệt liệt gồng gánh những nỗi đau thân phận da vàng, nỗi buồn nhược tiểu, những ám ảnh nội chiến. Tự ru mình bởi những tình sầu, tình muộn, tình lỡ, tình xa, tình cho không biếu không, tình anh lính chiến. Chết vì chiến tranh, có khi chết vì chính mình giết mình.

***

Dạo Bonard đến gặp đường Catinat là trở lui, trở lại hướng chợ Bến Thành. Cứ đầu đường cuối đường, lại cuối đường đầu đường. Đi tới đi lui. Lẩn quẩn hết ngày hết tuần, có khi hết đời. Hôm nay chúng tôi đi băng luôn qua phía sau tòa nhà Hạ nghị viện. Bên trái là nhà triển lãm hội họa Dolce Vita. Bọn Họa sĩ trẻ đang bày tranh. Tới nữa là khu cư xá cao cấp của quân viễn chinh Mỹ. Kẽm gai, lô cốt ngầm, lề đường một hàng những thùng phuy to lớn sơn trắng, được chắn ngang làm chướng ngại vật. Không thể không nghĩ đến những vụ nổ TNT, những người quằn quại, máu và tiếng khóc than não lòng.

Đứng trên bậc thềm toà Hạ nghị viện, là nhà hát cũ thời thuộc Pháp, nhìn xuống đường Bonard bát ngát, ta có cảm tưởng nước non này là một xứ thanh bình. Bọn người quý phái đang phô diễn vóc dáng qua từng bước đi, những áo màu, trang sức, vật dụng nào cũng hàng cao cấp, đắt tiền. Ai nào nghĩ hình chữ S ốm yếu này, đang từng gánh nặng vai, một cuộc chiến huynh đệ mấy mươi năm. Ai nghĩ rằng thành phố này đang là nơi an hưởng một cách vô liêm bởi những con người chui rúc cúi lòn. Hỡi bọn Tam hầu, hãy ra đây nhìn mặt chiến trường, nhìn những cánh đồng quê hương ta đui mù vì khói súng, thiên tai.

Hoàng hôn xuống chậm. Đèn đường bật sáng lúc trời chưa tối. Ánh sáng trắng như khăn tang. Một đêm kinh kỳ đã đến.

***

Nhượng ngồi bàn ăn. Mẹ tôi nói hay là cháu ở luôn dưới này với bác, lên Đà Lạt xa xôi lạnh lẽo. Thưa bác, cháu lên đó tránh bớt ồn ào. Nhượng trả lời, ngỡ ngàng, cúi xuống và miếng cơm khô khan. Với gia đình tôi, Nhượng không bà con thân thích. Mẹ tôi thương tình Nhượng là người tứ cố vô thân, từ Bắc vào đây một mình, lạc cha mẹ ở bến tàu Hải Phòng. Gần đây anh bị thương vì tai nạn, tuy nhẹ nhưng luôn thất nghiệp. Mẹ tôi xem Nhượng như người trong nhà. Nhưng mẹ nghèo, chỉ tình thương người và sự giúp đỡ hết lòng. Nhượng muốn ra đi, dù sao cũng đành, để cho mẹ bớt gánh nặng.

Tôi thức giấc mặt trời đã lên cao. Ánh nắng chói chang soi xuống nền đất ẩm ướt, những đọt cây sau đêm mưa có vẻ tươi, lá vươn ra xanh ngắt, buồn hơn chết. Nhượng châm thuốc hút. Cô Liên nói bà đi chợ rồi, bà cho hai cậu ba chục bạc ăn sáng. Liên nhìn tôi cười, nói thật thà, Em có tiền khi nào cần cậu nói em đưa. Đường hẻm vắng. Những xích lô đã ra đường kiếm khách, thợ thầy ai nấy đi làm, những chửi đổng văng tục không còn huyên náo. Những đứa trẻ, trò chơi nghèo ném đá thay bi ăn nhau từng năm cắc bạc. Tôi hỏi Liên, Em có tiền cho cậu mượn một trăm. Liên xoay người vào phía trong moi nơi nịt vú sột soạt lấy tiền. Cười, nói, Cậu nợ của em bao nhiêu rồi biết không? Tôi nói, Cậu nhớ mà, ngày chồng cưới em cậu trả lại hết. Thôi mà cậu, hẹn nợ làm chi.

Nhượng ngồi như chờ chết.

Có thể cái xác buồn nôn đang hình dung Đà Lạt những buổi sương mù, phố xá ủ mình trong cái lạnh dịu dàng. Lạnh trong nắng trưa vàng. Những buổi mai buồn có thể là con đường dẫn về quá khứ. Nhớ và nhớ. Rừng cao nguyên, tiếng suối tiếng chim. Ước gì có thuở thanh bình. Những hoài mơ mong manh thường nhóm lửa trong những tâm hồn vây hãm bởi ám ảnh chiến tranh tràn lan. Nhượng, anh Nhượng ơi. Bao giờ về Hà Nội. Có thể bằng lòng chết, khi được nằm trong lòng thành phố ngàn năm ấy. Bây giờ những người thân yêu của chúng ta ngoài ấy có được nụ cười? Thượng đế của chúng ta ngoài đó có được tự do tiếp nhận những linh hồn gục chết, nát nẩm bởi số phận điêu linh. Hãy hôn em, hãy đến với em, dù giáp mặt hôm nay, đường phố hôm nay ngày mai, đã là phai nhạt tình yêu chúng ta. Vì sao, anh bỏ đi không một lời từ biệt, ngày xưa ấy. Tình yêu, thảm cỏ nước mắt. Bao giờ có gió mùa đưa chúng ta trở về Hà Nội? Mùa thu ngoài ấy có còn nắng lạnh và mây tơ vàng, như ngưng, chờ hóa kiếp trong bầu trời kêu vang thần thoại. Anh Nhượng, không nên thù oán em. Đến cuối con đường này, vực thẳm. Bàn tay anh có chìa ra cho em được bám? Em, người tội lỗi, người vô tri, băng giá linh hồn… Tôi đi về phía Nhượng. Tôi nói vu vơ gì đó.

***

Buổi trưa Nhượng trở về mang theo cái vé xe. Tôi buồn. Đường đi Đà Lạt hôm qua bị chặn lối Định Quán. Mìn. Có thương vong. Nắng buổi trưa chói chang. Mẹ tôi làm cơm trong bếp, mồ hôi thấm ướt vạt áo lưng. Có tiếng kêu than bên cạnh nhà. Rồi có tiếng oà khóc. Chị Tư hàng xóm kêu thất thanh trời ơi con tôi trời ơi con tôi. Thằng con tôi chết oan rồi. Thằng bé chín tuổi, mới ban sáng chơi vui, rồi kêu đau bụng, đau quá mẹ ôi, nhiều tiếng đồng hồ sau lăn quay ra chết. Ruột thừa vỡ. Con đau, chị Tư dùng dằng, rất muốn đưa con đi bệnh viện lại túi không tiền, lại đang lúc đi làm thuê khó thể bỏ vệc. Lát sau có tiếng lộp cộp đóng chiếc áo quan. Tôi nằm bần thần, nhìn trần nhà. Những mây đen mây xám như vần vũ nơi đó.

Khi xế chiều hai người đàn ông khiêng chiếc quách thằng Bá ngang qua trước nhà, mấy ngọn nến nhấp nháy. Bọn nhỏ áo quần xốc xếch chạy theo sau, có đứa cười, có đứa than thở, thằng Bá vậy là đi chơi chỗ khác rồi. Nhà bên kia đường, lúc quan tài đi ngang qua, tiếng hát cải lương om sòm, đứa con gái ngồi nơi ghế hàng hiên đu đưa hai chân hát nhại theo.

Nhượng chìa tờ báo cho tôi và nói, Bữa nay ngoài Trung lại ồn ào, biểu tình, bãi chợ, Hà Nội chịu ngồi vào bàn thương thuyết, đường đi Vũng Tàu ăn mìn. Tôi cầm tờ báo, lòng dửng dưng. Chỉ đọc các mục rao vặt, tin xe cán chó, cần người giúp việc, bọn du côn tống tiền chủ quán, người từ quê chạy loạn vào thành phố túng đói bỏ con nhỏ chỗ ngã ba đường kèm lá thư nhờ kẻ từ tâm nuôi dưỡng, một vụ giết nhau vì tình trong khách sạn, tin mừng đám cưới trăm năm hạnh phúc đăng ngay bên tin buồn chuẩn uý Nguyển văn Năm đã đền xong nợ nước…

Đám thanh niên hàng xóm tự nguyện đi chôn em Bá đã về, cùng ra quán lai rai rượu đế, cười vui, văng tục.

***

Buổi sáng chúng tôi thức dậy sớm. Sàigòn ngày mới. Hành trang của Nhượng là sự thiếu thốn và nỗi cô đơn.

Cháu đã quyết định đi thì bác không còn cách nào giữ lại được. Mẹ tôi nói. Bác khuyên cháu không nên thức quá khuya, bỏ thuốc lá đi. Ráng mà điều độ để phục hồi sức khỏe. Có thân phải lo cháu ạ. Cháu cần tiền hay bất cứ gì thì gửi thư hay đánh điện về đây cho bác.

Nhượng dạ.

Tôi xách hộ va li và ngồi cùng xích lô với Nhượng đến bến xe. Cậu nhớ viết thư về cho mình. Chúng ta đã bỏ hoang cuộc đời quá nửa đi rồi. Tôi lại nói vu vơ.

Nhượng ngồi hàng ghế thứ ba. Xe lăn bánh trở đầu về hướng Viện Hoá Đạo, chạy thẳng đường Trần Quốc Toản. Tôi vẫy tay rồi quay trở về.

Tôi không biết đi đâu.

1969

C.T.B