Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Lục Tỉnh đang tha hương…

Lê Học Lãnh Vân

LỤC TỈNH ĐANG THA HƯƠNG…

Đi rồi, nghệ sĩ Diệp Lang

Nhớ anh sân khấu sáo đàn chen nhau

Diễn như không diễn mà sao

Chật phòng khán giả nghe sầu mênh mông

Buổi chiều vọng cổ bên sông

Ông già Lục Tỉnh nát lòng tha hương…

Lê HL Vân, 230313

Từng coi gần như hết các vở cải lương nghệ sĩ Diệp Lang đóng, giờ nghe tin anh mất, không buồn sao được? Nhưng, sáu câu thơ kia không để khóc anh, mà khóc cho buổi chiều Cải Lương!

Không biết về kịch nghệ, đâu dám nói gì về tài nghệ của nghệ sĩ Diệp Lang dù được nghe bao người tấm tắc. Chỉ biết, dù rất hâm mộ Thành Được, Thanh Nga, Hùng Cường, Bạch Tuyết, tôi chỉ sống trọn vẹn hơn với sân khấu, trong vở tuồng mỗi khi xem Diệp Lang, Hồng Nga diễn. Ấy là bởi hai nghệ sĩ này nếu chưa là ngôi sao sáng nhất thời của họ thì đã rất xứng đáng với lời khen diễn mà không diễn. Qua các vai diễn, hình ảnh ông, bà, cha, mẹ, cậu, dì, chàng trai, cô gái được họ vẽ lên rất chân thực trên quê hương nơi họ sinh ra, sống, làm nghề, nơi sản sinh ra làn điệu cải lương, chính là đất Nam Kỳ Lục Tỉnh trời rộng sông dài!

Cải Lương, hiểu đơn giản là cải tiến cho tốt hơn. Phức tạp hơn người ta có thể hiểu theo hai câu “Cải cách hát ca, theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Vậy, cái tên Cải Lương mang trong mình nó một giá trị rất quan trọng của nghệ thuật là luôn luôn cải tiến. Theo các bậc tiền bối, ông Năm Châu là người góp phần lớn nhất làm sâu sắc ý nghĩa thực tiễn của hai từ cải lương bằng cách đưa loại nghệ thuật tuồng này gần gũi với kịch hiện đại. Điều này được thể hiện bằng sự ra đời của các vở cải lương đề tài xã hội đương thời, và các vở cải lương theo tích cũ cũng được cải biến sao cho phần thoại và phần ca phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật và với nhịp điệu cuộc sống thực. Tiêu biểu cho khuynh hướng cải lương này là các vở Đời Cô Lựu, Nửa Đời Hương Phấn, Sân Khấu Về Khuya, Tuyệt Tình Ca cùng hàng chục vở khác…

Các vở cải lương đó rất được hoan nghênh vì chúng đúng bản chất của người dân Lục Tỉnh trung thực, thẳng thắn, rộng mở, chân thành, có sao nói vậy, dễ chấp nhận điều mới, mang đầy đủ khí chất khai phá. Khí chất đó cũng nằm trong cách diễn, tiếng ca của những diễn viên cải lương. Cải lương đạt đỉnh cao thịnh thời vào thập niên 1960 rồi sau năm 1975 còn kéo dài thêm một thập niên nữa nhưng chỉ là kéo dài thêm thời thịnh trước năm 1975 để dần dần lịm xuống.

Những ai quan tâm tới sân khấu sau năm 1975 chắc không xa lạ với việc một vở diễn muốn được ra mắt công chúng phải qua sáu bảy cửa phúc khảo. Còn đâu bầu trời tự do cao rộng trên vùng đất mới khai phá để cho cải lương tiếp tục sự nghiệp và sứ mạng của mình? Cải lương không còn được tự do cải tiến thích hợp với đà phát triển tiệm tiến của cuộc sống xã hội. Cải lương bị đứt gãy bởi vì xã hội cũng bị đứt gãy theo với cuộc đổi đời nghiệt ngã!

Thời gian mười năm 1978-1988 là thời gian của dòng thuyền nhân ào ạt di tản. Xã hội bị xáo trộn tung lên, nghệ sĩ cũng xôn xao, không ít người mơ chuyện vượt biên. Không chỉ nghệ sĩ hoang mang, hồn cải lương cũng không còn. Xã hội ngoảnh mặt trước hàng triệu người lương thiện trở thành nạn nhân của cuộc sắp xếp lại xã hội khốc liệt, làm sao cải lương giữ được lòng bao dung, nhân hậu, nghĩa tình? Xã hội đóng khung trong cơ chế xin cho, đông cứng trong ngăn sông cấm chợ, cải lương làm sao giữ được nếp phong lưu, phóng khoáng, trượng nghĩa khinh tài?

Mất đi những điều đó là cải lương đã mất tâm hồn của mình. Sau Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Trần Minh Khố Chuối, những vở cải lương ngày càng trở nên nhạt nhẽo, cạn xợt… Buổi chiều cải lương đã được thấy trước từ buổi trưa oi bức!

Viết gần xong bài này thì được đọc tiếng lòng quá đỗi ngậm ngùi của Nguyễn Văn Tiến Hùng trước sự ra đi của Diệp Lang, “Buổi chiều rất chiều của Cải Lương giờ chỉ là những tin buồn lặng lẽ”, tôi gởi bạn một câu bình:

Cám ơn Tiến Hùng vì giọt lệ, chỉ một giọt thôi mà lăn ra từ nỗi lòng với cải lương, với một thời Nam Kỳ Lục Tỉnh! Chiều Cải Lương có là hình ảnh của Chiều tàn phong cách, Chiều tàn tấm lòng một Lục Tỉnh mất bản sắc, bị đồng hóa, đang tha hương?

Ngày 12 tháng 3 năm 2023