Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Xuất bản Trại súc vật (Trích hồi kí Lách qua luật ngầm) (1)

Tạ Duy Anh

LTG:

Trong đời làm biên tập tổng cộng chẵn 20 năm của mình, trái với vài người “khôn ngoan” cho rằng chẳng dại gì mà phải chết cho một cuốn sách, tôi luôn làm ngược lại: đặt việc xuất bản cuốn sách nào đó quan trọng hơn công việc của mình, nếu nó xứng đáng phải được xuất bản.

Nhưng phải nói ngay một sự thật: Tôi sẽ không thể làm được những gì như đã làm, nếu không có những đồng nghiệp tài năng, bản lĩnh, uy tín và lương tâm nghề nghiệp rất lớn, chấp nhận đứng mũi chịu sào.

Bắt đầu là giám đốc Nguyễn Phan Hách, tuy công khai nói mình nhát, nhưng luôn lắng nghe và bảo vệ cấp dưới. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là một tài năng và bản lĩnh lớn. Sau này, thời nhà văn Trung Trung Đỉnh làm giám đốc, tôi có cơ hội TOÀN QUYỀN làm theo ý mình. Sang thời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về cơ bản ông ủng hộ mọi đề xuất của tôi, cùng hợp sức để vượt qua những giới hạn cấm kị và giống như Trung Trung Đỉnh, sẵn sàng nhận và chịu mọi trách nhiệm.

Nhờ những lãnh đạo như vậy, dù chỉ là một biên tập viên (về sau, do sự nài nỉ của Trung Trung Đỉnh suốt hơn một năm, tôi chấp nhận làm trưởng ban biên tập nhưng việc chính thì không thay đổi), tôi đã giúp cho ra đời và “xóa án” (tái bản những cuốn sách bị coi là có vấn đề) một số tác phẩm văn học quan trọng.

Tôi giúp tái bản Cơ hội của chúa (Nguyễn Việt Hà), Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Quang Lập), Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Chiều chiều (Tô Hoài), Miền hoang tưởng (Hoang tưởng trắng – Nguyễn Xuân Khánh), Lão Khổ, Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh)… Khi một cuốn sách nào đó bị coi là có vấn đề mà được tái bản (thường không dễ) thì kể như án đình chỉ áp cho nó trước đó coi như bị xóa. Tại thời điểm những cuốn sách vừa kể được tái bản, không ở đâu ngoài Nhà xuất bản Hội Nhà văn dám làm.

Tôi đã nỗ lực để xuất bản bộ sách gần 10 ngàn trang (11 cuốn) của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trần Bạt, cùng các tác phẩm văn học: Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường); Những ngã tư và những cột đèn, Đêm núm sen (Trần Dần); Xem đêm (Phùng Cung); Hồi kí Phạm Cao Củng; Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh); Để gió cuốn đi (Ái Vân), Cung đàn số phận (Kim Dung - Kỳ Duyên); Trư cuồng (Nguyễn Xuân Khánh); Lưng rồng (Đỗ Hoàng Diệu); Phép tính của một nho sĩ (Trần Vũ); Tuổi hai mươi yêu dấu (Nguyễn Huy Thiệp); Tuyển tập Hoàng Ngọc Hiến; Tuyển tập Phạm Vĩnh Cư; tập sách vinh danh Nguyễn Đăng Mạnh giữa lúc tên ông bị đánh dấu đen sau khi cuốn hồi kí phát tán; Phê bình thế kỉ 20 (Thụy Khuê); Từng đoạn đường văn (Lại Nguyên Ân); Bát phố và các tập thơ của Bảo Sinh; Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn bốn ngày là đến 30 tháng tư (Thuận); tập phê bình của Phạm Xuân Nguyên (khi ông có tên trong Ban vận động Văn đoàn độc lập); Đọc tôi bên bến lạ (Cầm Thi); bút kí và các tập thơ của Du Tử Lê; Trần Lệ Xuân, quyền lực bà rồng (Monique Brinson Demery); Lolita (Nabocop); Chỉ tại con chích chòe (Dương Tường); Người sông mê (Phạm Toàn); Đất trời vần vũ (Nguyễn Một); Phố Hoài (Trần Thị Trường); Người Trung Quốc xấu xí (dưới cái tên Khoe bàn chân nhỏ – Bá Dương); Tư bản thân hữu ở Trung Quốc (Minxi Pei); Hoa Đường tùy bút (Phạm Quỳnh); Một trời gió bụi (Thiên Sơn); các tập thơ thế sự của Phạm Xuân Trường; Con đường Hồi giáo (Phương Mai); Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, ác và smartphone (Đặng Hoàng Giang); Đêm ngồi ngã ba sông (Nguyễn Thành Phong)… (Tôi không thể nhớ và kể ra hết). Chúng là những tác phẩm hầu như không thể xuất bản kể cả khi chấp nhận không còn nguyên vẹn ở đâu khác ngoài Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi ra đời nhiều tác phẩm trong số đó bị thu hồi, đình chỉ phát hành, cấm tái bản, còn lại hầu hết đều bị công văn cảnh cáo, yêu cầu sửa chữa…

Những gì vừa nói vừa là tư liệu, vừa cho tôi cảm hứng để viết cuốn hồi kí Lách qua luật ngầm. Tôi viết xong từ lâu, kết thúc ở việc tiểu thuyết Mối chúa bị đình bản. Sau khi về hưu năm 2020, tôi bổ sung chút ít và kết thúc ở việc xuất bản tiểu thuyết Đất mồ côi. Như vậy thời gian diễn ra các sự kiện trong cuốn sách kéo dài chẵn 20 năm, chính là thời gian tôi làm công việc biên tập sách tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Lường trước việc có lúc trí nhớ phản lại tác giả, vì thế những gì tôi chưa chắc chắn là sự thật, tôi thấy tốt nhất là không nói tới. Tôi luôn duy trì nguyên tắc cứng rắn: Để một cuốn hồi kí không vô dụng và không vô đạo đức, không nhất thiết sự thật nào cũng phải được nói ra, nhưng những gì đã quyết định nói ra thì phải là sự thật.

Hy vọng sẽ có lúc tôi đủ cảm hứng và can đảm xuất bản cuốn sách.

Dưới đây, xin tặng bạn đọc phần nói về sự kiện xuất bản tiểu thuyết Trại súc vật, một sự kiện xuất bản rõ ràng là lớn nhất, tạo ra nhiều thuyết âm mưu nhất, gây chấn động nhất trong dư luận cũng như đối với các cơ quan quản lý.

------------------------------------

GEORGE ORWELL VÀ TIỂU THUYẾT TRẠI SÚC VẬT

Nhà văn George Orwell (1903-1950) tên thật là Eric Arthur Blair (25/6/1903 – 21/1/1950), là một trong những cây bút tiếng Anh được hâm mộ và tranh cãi nhất ở thế kỷ 20. Sinh tại Ấn Độ, trong một gia đình như ông tự miêu tả là "nhóm dưới của tầng lớp thượng - trung lưu". Lên 5 tuổi ông được đưa đến trường nam sinh ở Henley-on-Thames. Nhờ học giỏi năm 14 tuổi, George Orwell nhận học bổng King’s Scholar vào trường Eton. Sau khi tốt nghiệp ông làm việc cho Indian Imperial Police (Lực lượng Cảnh sát thuộc địa) tại Miến Điện. Những hiện thực tại đây đã làm ông nhận ra bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Năm 1927 ông quyết định từ chức và quay trở về Anh. Tác phẩm Burmese Days (Những ngày ở Miến Điện) xuất bản năm 1934 mang một cái nhìn tăm tối vào chủ nghĩa thực dân Anh tại Miến Điện chính là những trải nghiệm của ông khi còn ở xứ sở thuộc địa này.

Năm 1937, ông tới Tây Ban Nha, tham gia chiến đấu cho nền Cộng hòa chống lại lực lượng phát xít do Francisco Franco cầm đầu, mà như ông viết trong thư: “Nhất định phải ngăn chặn chủ nghĩa phát xít”. Theo ông, “quyền tự do và nền dân chủ đi liền với nhau, và cùng những thứ khác, bảo đảm tự do cho người nghệ sỹ; nền văn minh tư bản hiện hành bị tha hóa, nhưng chủ nghĩa phát xít là một thảm họa luân lý”.

Orwell sau đó bị thương nặng, và phải chuyển sang sống một thời gian tại Morocco trước khi trở về Anh. Những ngày chiến đấu chống độc tài Franco ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới quan của Orwell và các tác phẩm sau này của ông như Animal Farm (Trại súc vật / Chuyện ở nông trại) hay “1984”.

Ông mất ngày 21 tháng Một năm 1950 trong một bệnh viện ở London.

Trại súc vật là một truyện ngụ ngôn mang màu sắc trào phúng lấy bối cảnh nông thôn nước Anh, kể về một nhóm gia súc nổi dậy đuổi ông chủ trại tên Joens đi và chiếm quyền quản lý. Thoạt đầu chúng đề ra những nguyên tắc bình đẳng rất cao cả và mang tính lý tưởng, với mong muốn tất cả mọi công dân trong Trại súc vật đều được sống một cuộc sống tươi đẹp, ấm no. Nhưng dần dần một số gia súc cứ từng bước nắm trọn quyền hành và trở nên tha hóa biến chất, cuộc sống trong nông trại ngày càng xa rời mục đích cao đẹp ban đầu. Cuối truyện, lũ gia súc trở lại liên minh với loài người, thế lực mà trước đây theo chúng là “kẻ thù thực sự duy nhất”. Cuộc sống trong trại lại trở về cảnh lam lũ như ngày còn chủ trại Jones.

Ngay từ khi ra đời, Trại súc vật đã gây nhiều tranh cãi. Giống như nhiều ngụ ngôn khác, tác phẩm có thể được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau, có thể phù hợp hoàn toàn hay một phần với các sự việc, nhân vật trong thực tế lịch sử. Đặc biệt, do Trại súc vật ra đời ngay sau Thế chiến II, thời kỳ khởi đầu của Chiến tranh lạnh nên đây cũng là cuốn sách chịu nhiều ảnh hưởng chính trị, và bị các bên đưa ra các phán đoán chủ quan với mục đích riêng. Tới nay, tựu trung có ba luồng ý kiến:

-Luồng thứ nhất, do các học giả của các nước tư bản thời kỳ 1950 khởi xướng, coi Trại súc vật là một câu chuyện thu nhỏ chế độ Stalin, trong đó miêu tả đậm nét cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực giữa Stalin và Trosky. Luồng ý kiến này đặc biệt được khai thác trong thời kỳ chiến tranh lạnh, với mục đích bôi nhọ Liên Xô.

-Luồng thứ hai, chỉ ra những ngụ ý của Orwell trong Trại súc vật với những diễn biến có thực dưới chế độ phát xít Đức, đặc biệt là những tương đồng giữa nhân vật Nã Phá Luân trong truyện với lãnh tụ đảng Quốc xã Adolf Hitler, bên cạnh đó là các chi tiết trùng hợp: vụ Nã Phá Luân say rượu tưởng bị mưu sát trong truyện với những cuộc mưu sát Hitler ngoài đời thật, vụ tàn sát cướp trứng nhóm gà mái với cuộc diệt chủng tàn bạo người Do Thái dưới chế độ phát xít, công cuộc xây cối xay gió với những kế hoạch to lớn của nước Đức quốc xã, vụ Nã Phá Luân giết bốn con lợn với cuộc thanh trừng các nhân vật chống đối năm 1937, v.v. Nhà tuyên truyền Joseph Göbbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền được xem là hình mẫu cho nhân vật Mồm Loa (Squealer) trong truyện.

-Luồng thứ ba, coi Trại súc vật đơn giản là một câu truyện ngụ ngôn, như chính Orwell đã đặt nhan đề phụ cho cuốn sách: Animal Farm, a fairytale với tất cả những đặc thù lâu đời của loại truyện này, từ ngụ ngôn Esop cho tới ngụ ngôn La Fontaine. Tác phẩm mượn cuộc sống của các con vật để thể hiện những tình cảm phổ quát của con người: tình yêu thương đồng loại, căm ghét bạo tàn, cũng như những bài học đã thành quen thuộc: quyền lực khi không được giám sát sẽ mau chóng bị tha hóa và di hại khôn lường.

George Orwell viết bản thảo của cuốn sách trong khoảng cuối năm 1943 đầu 1944. Ấn bản đầu tiên được Nhà xuất bản Secker and Warburg xuất bản năm 1945.

Cuốn sách luôn được vinh danh trong hầu hết các danh sách hay bảng xếp hạng uy tín. Tạp chí Time đã chọn cuốn sách này là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh (1923 tới 2005). Đến nay, tác phẩm đã được in nhiều triệu bản, được dịch ra 70 thứ tiếng trên thế giới và thường xuyên được tái bản.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều bản dịch nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện đã có tới gần 20 bản dịch khác nhau tác phẩm này. Nhà xuất bản Thượng Hải cũng đã xuất bản Trại súc vật từ năm 1989, bản dịch mới nhất do Nhà xuất bản Văn học nhân dân xuất bản năm 2012. Năm 2004, Trại súc vật được Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nam, Trung Quốc giới thiệu trong series “100 tác phẩm nổi tiếng ảnh hưởng tới cuộc đời trẻ thơ”.

Còn ở Việt Nam thì sao?

Việc xuất bản Animal Farm ở Việt Nam được tiến hành khá sớm, ngay những năm 50 của thế kỷ trước đã có bản dịch mang tên Cuộc cách mạng trong trại súc vật. Tới năm 1975 lại có một bản dịch của Giáo sư Đỗ Khánh Hoan mang tên Trại súc vật. Tuy nhiên do những hiểu lầm, ngộ nhận, cùng nhiều tranh cãi như đã nói trên, Animal Farm trở thành một vấn đề cấm kỵ bất thành văn trong công tác xuất bản, và một thời gian dài không có thêm bản dịch nào chính thức ra đời. Đây cũng là nguyên nhân khiến hiện nay có nhiều bản dịch trôi nổi trên mạng, hoặc được in không chính thức với chất lượng dịch, biên tập khó kiểm chứng và nội dung không được kiểm soát.

Có thể là tranh biếm họa image

Không có mô tả ảnh.CÁC BÁO ĐẢNG ĐUA NHAU ĐƯA TIN VỀ TRẠI SÚC VẬT

Trại súc vật, sau khi đổi tên thành Chuyện ở nông trại, được phát hành bởi Nhã Nam, thông qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn, dựa trên bản dịch của An Lý, nghe nói còn rất trẻ.

Cho đến giờ tôi vẫn chưa từng một lần gặp mặt dịch giả, cũng không biết tí gì về thân thế, sự nghiệp của cô ta. Về mặt lý thuyết thì cuốn sách tuân thủ đúng các quy trình theo Luật xuất bản hiện hành, được dịch và biên tập kỹ lưỡng, phát hành rộng rãi một cách công khai cho đến khi có lệnh thu hồi.

Thực sự tận khi nhận bản thảo Trại súc vật, tôi mới biết đến cuốn tiểu thuyết đình đám này, còn trước đó, hầu như tôi chỉ biết chút ít về nó cùng cái tên tác giả, nhờ một bài báo ngắn mà tôi không thể nhớ mình đọc ở đâu.

Nếu không lầm thì đó là vào khoảng những năm 1989, khi phong trào Cải tổ đang vào giai đoạn cao trào ở Liên-Xô, một tờ báo của ta đã đưa dòng tin ngắn là lần đầu tiên, cùng với Quần đảo địa ngục, Lolita, tiểu thuyết Trại súc vật của George Orwell được xuất bản ở Liên-Xô. Tác giả bài báo, trong mục thông tin văn nghệ, chỉ tóm tắt sơ qua về nội dung, đại ý nó phê phán độc tài, thói giả nhân giả nghĩa và những cuộc tàn sát ngầm người bất đồng quan điểm dưới thời Staline (hay là Hitler gì đó mà tôi không nhớ rõ).

Tại Liên-Xô thời gian đó, Gooc-ba-chốp vừa có bài diễn văn nổi tiếng tố cáo những tội ác man rợ của Staline. Báo Nhân Dân của Việt Nam, ngày nào cũng dành một góc trang trọng phía phải, bên trên của trang nhất để in ý kiến, chỉ thị, phát biểu, những việc làm của M.X Gooc-ba-chốp tít tận Liên Xô xa xôi, coi như những lời vàng ý ngọc của lãnh tụ lớn lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới. Lúc bấy giờ chưa có sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, chưa có Hội nghị Thành Đô trong khi Bắc Kinh thì đang tràn ngập sinh viên đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn. Trong không khí đó, việc đưa tin Trại súc vật được xuất bản sau gần nửa thế kỷ bị cấm tiệt tại tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, trở thành một cái tin bình thường. Thậm chí người ta còn dám công khai cả chuyến hồi hương của văn hào Alexandre Soljenitsyne bằng giọng điệu đầy trìu mến và ca ngợi sự giản dị của văn hào khi ông đi tàu chợ, ở khách sạn bình dân, từ chối giải thưởng văn học Nhà nước Nga chứ không phiền đến Chính phủ của Ngài Enxin, vốn rất muốn bù trì cho nỗi khổ cực mà ông từng phải chịu bằng bất cứ ưu đãi nào mà ông muốn.

Tuy thế tôi cũng không bị thu hút quá mạnh vào thông tin về cuốn sách, như đáng lẽ nó phải thế. Bởi vì cái tên George Orwell hầu như vẫn xa lạ tuyệt đối với thế hệ mù ngoại ngữ, bị bưng bít toàn phần như lớp tuổi tôi. Khi có điều kiện tìm hiểu thì tính thời sự của nó qua mất.

Tôi chỉ lưu trong đầu đúng cái tên tiểu thuyết.

Nhưng hóa ra không chỉ mình tôi như vậy.

Khi Chuyện ở nông trại chính thức ra mắt, Nhã Nam tiến hành họp báo giới thiệu. Tất cả vẫn vô cùng hồn nhiên. Cả người chủ trì là Nhã Nam và các phóng viên, cùng chung một tâm trạng háo hức. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, mấy chục tờ báo điện tử trong hệ thống đảng, từ trung ương đến địa phương đều đồng loạt đưa tin lên trang nhất với cái tít lớn: “Truyện ngụ ngôn nổi tiếng của George Orwell đã đến Việt Nam”. Có báo còn đưa luôn cả thông tin về tác phẩm nằm trong số 100 cuốn sách hay nhất của thế kỉ hai mươi, đứng thứ 31 theo thứ tự xếp hạng, đã được dịch và in ở trên 70 quốc gia.

Xin kể tên một số tờ báo và trang mạng đưa tin vào loại nhanh nhất: Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí xây dựng Đảng, Báo Hà Nội mới, Trang thông tin của Cổng chính phủ, Báo Đà Nẵng, Báo Hưng Yên, Báo Gia đình… Các báo vừa ghi tên Chuyện ở nông trại, vừa mở ngoặc chú thêm tên nguyên bản là Trại súc vật, trương lên chiếc bìa một vàng rực và đập vào mắt mọi người.

Sau đây là nội dung bài giới thiệu in trên báo Hà Nội Mới online, vào lúc 15:57 ngày 04/3 năm 2013, kí tên Hoàng Lân, với hàng tít nổi bật: "Truyện ngụ ngôn kinh điển thế giới có mặt tại Việt Nam".

"Truyện ngụ ngôn kinh điển của tác giả George Orwell – Chuyện ở nông trại – vừa được Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam phát hành và giới thiệu tại Việt Nam. Chuyện ở nông trại đã in được hàng triệu bản, được dịch ra 70 thứ tiếng trên thế giới đồng thời đứng ở vị trí 31 trong Danh sách tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.

Đây là tác phẩm ngụ ngôn kinh điển về xã hội của thế kỷ 20, song cũng lại là một câu chuyện giản đơn về việc những ý định tốt có thể dễ dàng bị biến đổi ra sao nếu như mỗi người chỉ tư lợi cho bản thân. Sau hơn nửa thế kỷ từ lần xuất bản đầu tiên, Chuyện ở nông trại đã in được hàng triệu bản. Sách có mặt trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh của Tạp chí Time. Tại Trung Quốc, Chuyện ở nông trại cũng đã được xuất bản từ rất sớm. Tới nay đã có khoảng gần 20 bản tiếng Trung.

Chuyện ở nông trại mở đầu khi bọn gia súc trong một nông trại nằm ở một vùng nông thôn của nước Anh nghe theo lời Ông Cả, một chú lợn thông thái tiến hành khởi nghĩa,lật đổ ông chủ trại Jones chiếm lấy quyền điều hành nông trại, với mục đích cao cả là đem lại bình đẳng cho mọi con vật, giải thoát chúng khỏi sự áp chế của loài người. Chúng âm thầm chuẩn bị, nhưng phải đến sau khi Ông Cả qua đời, bọn gia súc mới nổi dậy thành công dưới sự lãnh đạo của hai chú lợn, Nã Phá Luân và Tuyết Cầu. Khi trại đã về tay gia súc, chúng đề ra những nguyên tắc đẹp đẽ, mọi súc vật trong trại đều phải tuân theo, với mong muốn từ nay tất cả mọi thành viên đều được sống một cuộc sống tươi đẹp, ấm no và “mọi con vật đều bình đẳng”.

Thế nhưng những ngày tươi đẹp sau khởi nghĩa của lũ gia súc không kéo dài lâu, giữa Nã Phá Luân và Tuyết Cầu nhanh chóng nảy sinh mâu thuẫn về tương lai của nông trại, mà thực chất là biểu hiện của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa chúng. Cuối cùng, những điều tệ nhất của nông trại này đã lại xảy ra.

Nhà văn nổi tiếng George Orwell viết bản thảo của cuốn sách trong khoảng cuối năm 1943 đầu 1944. Việc xuất bản cuốn sách ban đầu gặp nhiều khó khăn nên đến năm 1945 bản in đầu tiên mới được NXB Secker and Warburg xuất bản.

Nhưng sau những trở ngại đầu tiên, Chuyện ở nông trại đã trở thành một thành công nhanh chóng. Việc thiếu giấy sau Thế chiến II tại Anh đã khiến số bản in tại nước này bị giới hạn, nhưng tính đến 1950 vẫn có đến 25.500 bản sách được ra đời tại Anh và 590.000 bản tại Mỹ. Cuốn sách luôn được vinh danh trong hầu hết các danh sách hay bảng xếp hạng uy tín. Tạp chí Time đã chọn cuốn sách này là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh (1923 tới 2005)"

(Hết trích)

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng ba, bốn ngày, (có tờ chỉ sau chưa đầy một ngày) là tất cả những báo trên đều rút bài, đóng cửa kiểm điểm nhau chí tử. Điều đó chứng tỏ, ấn tượng về cuốn sách không có trong rất nhiều người. Phần lớn những vị “lính gác cửa của chế độ” đều chưa từng một lần nghe tên của “kẻ đáng chết nhất mọi thời đại” khi hắn chế ra “quả bom bẩn” đặt vào chân móng chế độ. Nếu biết rằng quy trình duyệt in bài của những báo đó nghiệt ngã thế nào, thì sẽ thấy Trại súc vật thậm chí còn không nằm trong kho từ phải cảnh giác cao độ.

Nhưng hóa ra, trước đó không lâu, Trại súc vật được xuất bản với đúng cái tên ấy bởi Nhà xuất bản Giấy Vụn của nhóm Mở miệng ở thành phố Hồ Chí Minh, do một dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ. Nhưng nó không gây nên sự ồn ào nào đáng kể trong số đông độc giả đang mua sách hiện nay. Giải thích về hiện tượng đó cực kỳ đơn giản nhưng không phải ai cũng biết hoặc công nhận. Với thói quen chuộng chính thống ngấm vào từng mao mạch của người Việt, với hàng nửa thế kỷ bị nhồi sọ tinh thần địch-ta, đa số bạn đọc hiện nay vẫn giữ nguyên não trạng thứ gì chính thống, hợp pháp mới là thứ đáng tin. Vì thế, tính chính danh của một cuốn sách chưa khi nào thôi quan trọng, nếu muốn thu hút sự quan tâm của độc giả. Nhiều người không thừa nhận điều này. Với họ thì việc in ở các trang cá nhân, in ở nước ngoài, với in ở Nhà xuất bản của Nhà nước chẳng có gì khác nhau. Đúng là chẳng có tí gì khác nhau về nội dung văn bản. Thậm chí lấy trên mạng còn dễ hơn đi mua một cuốn sách với nội dung y hệt nhau. Nhưng tác dụng xã hội của chúng thì, bất chấp mọi lý lẽ, lại vẫn cứ khác nhau rất xa, ít ra là trong bối cảnh cụ thể Việt Nam với thói quen văn hóa như tôi vừa nói. Phần lớn bạn đọc vẫn mặc nhiên coi những gì in trên các trang mạng, nhà xuất bản không chính thức là không đáng tin, thậm chí còn đi xa hơn khi gán cho nó là do bọn phản động tuyên truyền. Đã là phản động thì đương nhiên họ phải tố cáo xã hội, tố cáo những người lãnh đạo, moi móc hoặc bịa ra những tiêu cực, vẽ ra mọi sự thối nát để bôi xấu chính quyền, thể chế. Khi đã bị tâm lý đó chi phối, thì người ta thờ ơ với mọi vấn đề, không coi nó là thật, chứ chẳng riêng gì sách. Mà đã không coi là thật, thì theo quy luật tâm lý, vấn đề đó không tạo ra bất cứ xúc tác nào mang tính lan truyền.

Nhưng cũng vấn đề ấy, cuốn sách ấy mà đọc trên báo chính thống, được xuất bản bởi một nhà xuất bản chính thống, thì đầu tiên người ta tin ngay những gì có trong nội dung đều là thật. Chỉ sự thật mới có thể gây sốc về tâm lý, trước khi dẫn hướng tới các phản ứng khác: Căm phẫn, khinh bỉ, không chấp nhận…Bất chấp sự không công nhận của những người theo chủ nghĩa tự do, thực tế đó (rõ ràng là bất công) hiện tại vẫn chưa thay đổi nhiều. Những nhà quản lý tư tưởng của chế độ luôn là những người hiểu hơn ai hết thực tế tâm lý này. Vì thế, họ làm tất cả để ngăn cản tối đa sao cho càng ít càng tốt sự ra đời, lan truyền bài báo, cuốn sách nào mà họ không thích tìm được cách chính thống hóa trước khi đến với độc giả.

Tôi thì gọi đó là sức mạnh của tính hợp pháp.

image

Có thể là hình ảnh về văn bản

DƯ LUẬN VÀ CÁC THUYẾT ÂM MƯU

rất nhiều lời đồn đoán cũng như các giả thiết mang mầu sắc thuyết âm mưu về việc Trại súc vật được xuất bản chính thức tại một nhà xuất bản lớn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đầy tự tin khẳng định có sự đánh đấm hạ bệ nhau từ Bộ Chính trị và bọn Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh chỉ là mấy kẻ được nhờ đánh thuê. Ông cho rằng nếu không có phe nhóm nào tầm cỡ Bộ Chính trị bật đèn xanh rồi chống lưng, thì “mấy thằng cha kia” có cho mật gấu cũng không dám. Quan điểm này được Nguyễn Huy Thiệp bảo lưu nhiều năm sau, ngay cả khi mọi sóng gió về cuốn sách đã tạm lắng lại.

Tôi không nghe trực tiếp từ Nguyễn Huy Thiệp, mà nghe qua lời kể của nhà thơ Bảo Sinh, người bạn vong niên tâm giao nhất của ông hiện vẫn đang rất khỏe mạnh và lãng mạn.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thì có hẳn cả một nhóm chống phá đảng nằm mai phục suốt 70 năm qua. Chúng rất kiên trì và nham hiểm, ém rất sâu, chỉ chờ đảng ta “sơ suất” là đặt bằng được “quả bom bẩn” vào tận móng chế độ. Nhà thơ Chủ tịch Hội Nhà văn còn đưa ra cả “các bằng chứng” theo ông không thể thuyết phục hơn để khẳng định ý kiến không chỉ của ông, mà của cả cơ quan chức năng. (Xin mời đọc phần sau).

Một hôm, sau khi Trại súc vật đã “nằm trên thớt”, vào lúc đã khá khuya, nhà thơ Trần Quang Quý gọi điện cho tôi thông báo ông nghe tin có mấy nhà văn cùng tố cáo tôi lên cấp trên, rằng Tạ Duy Anh là “kẻ chống cộng số một” trong Hội Nhà văn vì thế ông ta đang rất “khoái chí” vì xuất bản thành công Trại súc vật. Trần Quang Quý sau đó cứ hỏi tôi có đọc kỹ tác phẩm không, nếu đọc kỹ chả lẽ không biết nội dung của nó nhằm vào chế độ Staline? Tôi bèn bảo Trần Quang Quý rằng cứ để họ muốn hiểu thế nào cũng được.

Một luồng dư luận thầm thì khác thì cho rằng, cả tôi là biên tập và những người đọc duyệt đều không đọc bản thảo, nên không biết nội dung của nó nói về chuyện gì. Tức là cuốn tiểu thuyết ra đời được là do Nhà xuất bản điếc nên không sợ súng. Nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang, người đang thụ án 9 năm tù về tội “chống phá nhà nước!?” trả lời một tờ báo nước ngoài xuất bản bằng tiếng Việt rằng, cô không bao giờ tin những người cấp phép xuất bản Trại súc vật gan to đến thế? Theo ý cô “Chỉ có thể là họ không đọc”.

Luồng ý kiến đông đảo nhất và cũng đáng buồn nhất là nhiều người trách móc Nhà xuất bản đã cho ra đời một cuốn sách “có nội dung độc hại”. Trong số những người đó có khá nhiều đồng nghiệp của chúng tôi. Một nhà văn vốn rất có thiện cảm với Nhà xuất bản, vẫn thường khen chúng tôi mạnh mẽ và có gu thẩm mỹ, nhưng gặp tôi ông cũng nhăn mặt nhăn mày bảo: “Nói gì thì nói, việc các cậu cho in Trại súc vật là không thể chấp nhận được. Cái gì cũng có giới hạn của nó thôi chứ”.

Bạn tôi, cán bộ ngân hàng, một lần phải tham gia lớp tập huấn chính trị. Trong chương trình có buổi lên lớp của một ông báo cáo viên, về tình hình an ninh chung của đất nước. Ông này coi việc xuất bản Trại súc vật là một sự cố an ninh nghiêm trọng.

Còn vô số câu hỏi khác, vô số lời thì thầm truyền tai nhau, vô số thắc mắc, vô số giả định… về sự có mặt của cuốn tiểu thuyết.

Đúng là – như một câu châm ngôn phương Tây – khi nhân chứng im lặng thì xuất hiện huyền thoại.

Có thể là hình ảnh về sách

Có thể là hình minh họa

CUNG ĐÌNH NỔI GIẬN

Về nhiều mặt, Đinh Thế Huynh không có gì so được với Hữu Thỉnh. So với uy tín văn chương, báo chí, Đinh Thế Huynh luôn chỉ là bậc đàn em của Hữu Thỉnh.

Nhưng Hữu Thỉnh không là gì, so với Đinh Thế Huynh, về mặt quyền lực. Là Ủy viên Bộ Chính trị, dưới mắt Đinh Thế Huynh thì Chủ tịch Hội Nhà văn chỉ là người giúp việc đúng nghĩa.

Việc để lọt Trại súc vật đã khiến Cung đình nổi giận. Qua chính miệng Hữu Thỉnh, thì ông bị Trưởng ban Tuyên giáo là Đinh Thế Huynh “gọi” lên mấy lần chỉ trong một thời gian ngắn. Nỗi uất ức của Hữu Thỉnh là có thật. Và ông không thể không trút nó lên một ai đó.

Tuy nhiên, sức ép lên lãnh đạo Hội Nhà văn càng ngày càng mạnh không chỉ đến từ các cơ quan chức năng. Sức ép còn đến từ nhiều nhà văn đồng nghiệp của chúng tôi.

Hữu Thỉnh không còn lựa chọn nào khác là phải ra tay.

Trong cuộc họp chính thức với Nhà xuất bản Hội Nhà văn về cuốn Chuyện ở nông trại, ngoài Hữu Thỉnh là chủ tịch Hội, cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản, có thêm nhà văn Khuất Quang Thụy, trưởng ban kiểm tra, nhà thơ Nguyễn Hoa, trưởng ban tổ chức của Hội cùng vài ba người khác mà tôi không nhớ cụ thể.

Vào cuộc họp, Hữu Thỉnh đề nghị ban giám đốc Nhà xuất bản phát biểu theo tinh thần phải nhận ra tội lỗi nghiêm trọng của mình. Ông nhắc đi nhắc lại là ông chỉ nghe những lời nhận tội, chứ không nghe thanh minh, giải thích. Còn thanh minh, giải thích tức là chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong khi tội lỗi – ông nhấn mạnh – thì rõ ràng như ban ngày rồi. Cuốn sách có nội dung chống cộng là điều không cần phải bàn cãi, thậm chí là cuốn sách chống cộng số một cũng không cần phải bàn cãi.

Sau khi mào đầu gay gắt như vậy, Hữu Thỉnh ngồi nghe chăm chú, nét mặt lộ ra (lần này thì tôi không biết là thật hay ông vẫn lại đang đóng kịch?) vẻ đau khổ pha sự căm giận. Có lẽ tôi thấy ông nghiêm túc nhất từ trước tới nay khi tham gia một hội nghị và vì thế mà cũng tức cười nhất.

Trung Trung Đỉnh phát biểu đầu tiên. Khi Trại súc vật ra khỏi nhà in, Nhã Nam mang cho tôi năm cuốn. Vừa lúc ra tết, nhà phê bình Ngô Thảo mời Trung Trung Đỉnh và tôi đi ăn món nướng Hàn Quốc. Tôi bèn cầm theo một cuốn làm quà cho ông. Trước mặt Trung Trung Đỉnh, tôi bảo với Ngô Thảo:

-Tặng bác cuốn này, để từ nay về sau bác chớ có coi thường tụi em.

Ngô Thảo đón cuốn sách, cười, bảo:

-Oách đấy!

Trong khi Trung Trung Đỉnh không hề biểu lộ một cảm xúc nào.

Sau đó tôi còn đưa vài cuốn nữa cho vài người, trước mắt Trung Trung Đỉnh, khiến một hôm ông hỏi:

-Cuốn sách có cái đéo gì hay mà tao thấy mày tặng ai mặt cũng hớn hở thế?

Tôi bảo ông:

-À, truyện ngụ ngôn ấy mà. Nay mai rồi bác cũng biết thôi.

Khi cuộc họp này diễn ra, Trung Trung Đỉnh đã biết nội dung cuốn sách nói gì. Nhưng ông chẳng hề biểu lộ sự lo lắng, ít nhất thì cũng vờ lo lắng. Vẫn với lối nói mà người nghe rất khó chắp nối nội dung, cố giấu đi vẻ bông lơn, Trung Trung Đỉnh thú nhận ông chỉ đọc cuốn sách sau khi có dư luận ồn ào và bị cấp trên yêu cầu. Ông lý sự: “Tôi là giám đốc, làm sao tôi đọc hết mọi bản thảo đưa duyệt”.

-Nhưng mà thú thực là tôi thấy cuốn sách rất hay – Trung Trung Đỉnh hồn nhiên dội cả một gáo nước lạnh vào đầu Hữu Thỉnh. Đã thế ông lại còn ê a nói thêm rằng ông rất thích cuốn tiểu thuyết này, không nghĩ là nó lại chống cộng như mọi người vừa chỉ cho ông thấy. Vì thế ông nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Ông đề nghị nếu có kỷ luật thì chỉ kỉ luật mình ông.

Trung Trung Đỉnh nói xong thì cười rất “đáng ghét”, như thói quen của ông ta mỗi khi bàn những chuyện cấp trên coi là nghiêm trọng. Hữu Thỉnh cực kỳ nhạy cảm khi phán đoán thái độ người khác nên nghe Trung Trung Đỉnh nói xong, ông thể hiện ra mặt sự không hài lòng. Ông muốn cấp dưới phải tỏ thái độ hối lỗi sâu sắc, hối lỗi toàn diện trong từng âm tiết phát ra. Ông muốn cấp dưới phải hơi run sợ một chút, lập cập trong ăn nói một chút. Nhưng cách nhận tội của Trung Trung Đỉnh thì lại ngầm tỏ ra là ông ta bất cần, thậm chí còn như muốn nói, chuyện đã xảy ra rồi, giờ các vị muốn làm đéo gì nhau thì làm đi. Nhất là cái kiểu cười cợt không đúng lúc rất khó chịu của Trung Trung Đỉnh làm Hữu Thỉnh thấy điên tiết.

Nhưng Hữu Thỉnh quyết định ngồi im, nghe tiếp lời phát biểu của Trần Quang Quý, phó giám đốc, trực tiếp ký duyệt nội dung. Ông Quý vốn là người lợi khẩu, trình bày vấn đề gì đều rất có lớp có lang, khúc chiết, logic, có lúc nhẩn nha, có lúc hùng hồn, lên bổng xuống trầm, thu hút được người nghe. Thế nhưng lần này Trần Quang Quý tỏ ra có chút lúng túng. Lý do của sự lúng túng ấy thì chỉ mình tôi biết. Ông rất muốn nói là ông chưa đọc khi đặt bút kí duyệt nhưng cũng không muốn người khác hiểu là ông không biết gì về cuốn Trại súc vật. Mà có nói thật thế thì cũng chẳng ai tin. Một nhà văn cộng sản mà mất cảnh giác với Trại súc vật, nhất là khi nó được coi là cuốn sách chống cộng số một, là điều khó tha thứ, còn nặng hơn là hồ đồ thiếu trách nhiệm ký bừa. Sau một hồi vòng vo, nhưng kết lại Trần Quang Quý cũng nhận trách nhiệm về mình mà không đổ lỗi cho bất cứ ai.

Khi ông Quý phát biểu xong, không ai bảo ai nhưng mọi người cùng đổ dồn mắt về phía tôi. Hữu Thỉnh thì chỉ liếc nhanh rồi ngồi lại tư thế của một ông phán quan, mặt lạnh tanh hay là ông cố làm ra thế. Một vài ánh mắt lo lắng cho tôi. Đáp lại, tôi cũng thể hiện thái độ là tôi đang rất nghiêm túc. Khi tôi nói thì Nguyễn Hoa và Hữu Thỉnh cầm bút và sổ ghi chép. Lần này thì tôi biết rõ là ông đóng kịch, vì ông quá thừa kinh nghiệm để hiểu rằng những gì diễn ra tại căn phòng này sau đó đều đến tai cấp trên trực tiếp của ông không sót một chi tiết. Thậm chí nó đang được tường thuật trực tiếp theo một cách nào đó. Bằng cách nào thì sẽ còn là bí ẩn. Họ, những người mà Hữu Thỉnh rất sợ, sẽ căn cứ vào vẻ mặt và thái độ, lời nói của ông để đánh giá ông có thành khẩn nhận lỗi buông lỏng quản lý hay không? Lập trường tư tưởng của ông có vững vàng, kiên định hay không? Ông có thực lòng nghiêm khắc với sai sót nghiêm trọng của cấp dưới hay không để đánh giá thái độ chính trị của ông? Đó sẽ là chỉ số của lòng trung thành mà, tiếc thay cho ông vẫn luôn không đủ để chiếm được điểm cao nhất từ một số lãnh đạo, dù ông đã miệt mài nỗ lực chứng minh bằng nhiều cách trong suốt nửa thế kỉ.

Bắt đầu bài phát biểu, trước hết tôi nói một chút chuyện ngoài lề. Tôi bảo trong hơn mười năm công tác tại Nhà xuất bản, đã có khoảng vài chục cuốn do tôi biên tập được Hội Nhà văn, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật trao giải, trong đó có cả cuốn thơ của chủ tịch Hữu Thỉnh. Nếu giải thưởng của Hội được coi là có giá trị, thì cũng phải ghi công cho tôi chứ. Nhưng mấy chục cuốn ấy thì không ai nhắc đến, trong khi cứ nhè những cuốn bị coi là có vấn đề (so với quan điểm chính thống chứ thực ra đều là những cuốn thực sự có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chẳng hạn Lolita của Nabocob) để quy kết tôi tội này tội khác. Cứ nhắc tên tôi là người ta nghĩ ngay đến những cuốn sách bị coi là vượt rào về quan điểm. Nhưng tôi bảo tôi không quan tâm đến những đánh giá đó. Tiện có chủ tịch ở đây, tôi chỉ nói thế thôi.

Sau đó tôi trình bày diễn biến của quá trình biên tập. Tôi nói thật là TRƯỚC ĐÂY tôi chưa hề đọc cuốn nào của nhà văn George Orwell. Có muốn đọc cũng không có. Nhà nước cấm đoán ngặt như vậy thì đọc vào đâu. Vì thế, khi đọc cuốn Chuyện ở nông trại, tôi thấy nó rất hay, mang tính phê phán độc tài rất cao, vạch trần thói đạo đức giả rất thâm thúy, lại được cả thế giới vinh danh là một trong một trăm cuốn sách hay nhất của thế kỷ 20. Một cuốn sách như vậy không lý gì mà bạn đọc Việt Nam lại không được đọc. Tôi, với tư cách là người làm cầu nối giữa tác giả và bạn đọc, không thể bỏ qua cơ hội quý báu như vậy. Vì thế mà tôi đã làm bản thẩm định mà bất cứ lãnh đạo nào đọc được cũng phải cầm bút kí duyệt cho xuất bản.

Mọi người ngồi nghe tôi nói thì im phăng phắc, khung cảnh chỉ thấy trong các tòa án khi chờ tuyên tội. Hữu Thỉnh nhìn lên trần nhà để khỏi phải lộ ra vẻ mặt một trăm phần trăm không tin. Khuất Quang Thụy nhìn ra cửa, trong khi Nguyễn Hoa thì thật thà xúc động. Trung Trung Đỉnh và Trần Quang Quý không biểu lộ sắc thái tình cảm đồng tình hay nghi ngờ, mà theo đuổi ý nghĩ của những kẻ cùng một giuộc, cười thầm trong bụng.

-Về nội dung có tính ám chỉ – tôi nói tiếp – nghe mọi người bảo là ám chỉ Staline và chủ nghĩa cộng sản, thì tôi cũng mới biết, chứ trong thâm tâm khi đề nghị duyệt in, tôi đinh ninh cuốn sách ám chỉ Hitler và đồng đảng của hắn. Việc hai nhân vật này giống nhau về hành vi, bản tính và việc hai chế độ Cộng sản và Quốc xã có nét tương đồng khiến các vị suy diễn, là điều tôi không quan tâm vì chính các vị không công nhận. Các vị cứ đọc kỹ mà xem. Hitler và đảng Quốc xã cũng xưng với nhau là đồng chí. Nhân vật Nã-phá-luân gần như mô phỏng nguyên xi tính cách của Hitler: Tàn bạo, độc đoán, giả nhân giả nghĩa. Nhân mật Mồm Loe thì còn ai khác ngoài Gơ-ben, bộ trưởng tuyên truyền của Đức quốc xã.

Phòng họp im phăng phắc, nhưng là sự im lặng của nỗi sợ cơn sấm sét sắp nổ ra. Vẫn chỉ có Nguyễn Hoa là thật thà xúc động. Còn lại, mọi người đều biết tôi đang diễn vở kịch để chế nhạo là chính, biến toàn bộ cấp trên thành đám hề.

-Tôi thấy ý kiến của Tạ Duy Anh có cơ sở đấy – thêm một người tỏ ra thật thà. Đúng là có hình bóng của Hitler trong nhân vật Nã-phá-luân. Nếu không có dư luận từ trước bảo cuốn sách chống cộng, thì có thể nói đó là cuốn sách chống Phát-xít cũng hoàn toàn hợp với nội dung và tôi cũng tin như vậy.

Lời phát biểu của ông Phó giám đốc Trần Quang Quý rõ ràng là rơi tõm ngay vào im lặng. Về phần mình, tôi coi như đã nói hết, vì thế tự đưa ra kết luận và nó nguyên văn như sau:

-Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về việc để ra đời cuốn sách Chuyện ở nông trại. Tôi đã viết một lời thẩm định không chỉ ông Quý, ông Đỉnh mà bất cứ ai cũng sẽ kí duyệt. Nay tôi nhận mọi hình thức kỉ luật và không liên quan đến ai khác. Các hình thức ấy là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển sang làm việc khác, buộc thôi việc, ra khỏi Hội Nhà văn hoặc bất cứ hình thức nào nữa nếu Hội muốn và cấp trên nào đó muốn. Tôi vui vẻ chấp nhận tất và không có bất cứ thắc mắc hay oán thán nào.

Có thể là tranh biếm họa về văn bản cho biết 'GEORGE ORWELL READ BY RALPH COSHAM ANIMAL FARM UNABRIDGED'

Không có mô tả ảnh.