Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Với thầy Trần Hữu Tá

Nguyễn Thị Bình

Tốt nghiệp Đại học, do làm luận văn về truyện ngắn Lỗ Tấn, tôi được chọn giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Văn học nước ngoài. Lẽ ra phải thấy mừng vui, hãnh diện nhưng trong lòng tôi lại đầy một nỗi hoang mang. Xung đột ở biên giới phía Bắc đang căng thẳng, khoa Tiếng Trung bên trường bạn (ĐHSP Ngoại ngữ) rục rịch giải tán, thế mà các thầy lại phân công tôi vào nhóm Văn học Trung Quốc. Tôi là sản phẩm hoàn hảo của thời bao cấp, nghĩa là rất thụ động, nhút nhát, lại chẳng có họ hàng thân thich gì ở Thủ đô để bám víu, để nhờ tư vấn... Tôi tìm đến nhà GS Chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn mếu máo "xin thầy cho em về quê". Thương tình, cụ Viễn bảo: "Thôi, để thầy chuyển em sang tổ Văn học Việt Nam hiện đại, bên đó cũng đang thiếu người".

Có lẽ những duyên may trong đời người đều khởi đầu kiểu không đâu như thế. Suốt những năm tháng tập sự rồi làm giảng viên chính thức ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi luôn thấy mình may mắn đã "đầu quân" vào bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, nơi có những người thầy uy tín chuyên môn cao, nhân cách đẹp nhưng quan trọng nhất là ở cộng đồng khoa học ấy có không khí dân chủ, cởi mở, mọi cá tính đều được dung nạp, mọi ý kiến khác biệt trong học thuật đều được lắng nghe. Các "đấng bậc" đều giàu chất nghệ sĩ. Đứa con gái nhà quê là tôi không lo bị tổn thương vì những xét nét, bắt bẻ này nọ theo chuẩn trí thức thị thành.

Thầy Trần Hữu Tá khi ấy là Phó Chủ nhiệm bộ môn. Tôi được học thầy một học kì của năm học thứ tư, phần "Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng 8". Cho đến giữa thập niên 80 thế kỉ trước, học phần này có nội dung cực nghèo nàn, xương xẩu. Oái oăm là nó lại nối tiếp một học phần thuộc loại thú vị nhất nhì chương trình đào tạo ngữ văn ở Đại học: giai đoạn văn học 1930-1945!

Tôi nhớ năm 1978 ấy, chúng tôi vẫn học với giáo trình được xuất bản từ năm 1961. Các tác giả giáo trình phải tuân thủ nhãn quan ý thức hệ nên các bài viết đều theo hướng khẳng định những thành tựu to lớn của nền văn học cách mạng/hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các nhận định khái quát thì vô cùng lạc quan, nhưng tác phẩm được dẫn ra để chứng minh sự “phong phú”, “rực rỡ” thì chỉ loanh quanh mấy chủ đề: cuộc đấu tranh giữa cái riêng với cái chung làm bừng sáng vẻ đẹp con người mới, cuộc chiến đấu anh hùng chống ngoại xâm, nối dài và tô đậm chủ nghĩa ái quốc.

Không khó lắm để thuyết phục chúng tôi rằng thời đại mới đã làm nên sự khác biệt của nền văn học cách mạng nhưng rất khó để chúng tôi công nhận các tác phẩm tiêu biểu cho văn học chặng này hay ho hơn chặng trước. Chúng tôi không nhìn thấy sự hấp dẫn của các cá tính sáng tạo, sự đa dạng của các khuynh hướng/trường phái nghệ thuật, các chủ đề phản ánh cái đa dạng, sống động của cõi nhân sinh...

Nói thật, đang đọc các tác giả trứ danh của văn học nước ngoài, rồi ngốn ngấu văn học hiện thực phê phán 1930-1945, cộng thêm đọc vụng ít Thơ mới và văn xuôi lãng mạn, chúng tôi phải cố ép mình yêu thích những tác phẩm thuộc một khuôn hình thẩm mĩ đầy tính lý tưởng với hình tượng con người tập thể, đẹp một cách hoàn hảo như trong các kịch bản "Bắc Sơn", "Chị Hoà"; các truyện ngắn "Một lần tới thủ đô", "Gặp gỡ", "Thư nhà"; các bài thơ "Đồng chí", "Viếng bạn", "Thăm lúa", "Bài ca vỡ đất"... Thật chẳng dễ dàng gì! Dù các tác giả có lưu ý đến tính chất "đặt móng xây nền", học trò cũng cứ băn khoăn sao đặt móng lâu thế, sao cái nền đó chật chội thế? Chúng tôi bắt lý trí ngợi ca nhưng thâm tâm thấy mình đang hoài nhớ bao nhiêu tác phẩm thời trước.

Kể ra nếu hồi đó người ta đừng cố gò văn chương vào tiêu chí chính trị một cách giáo điều, cứng nhắc, nếu đừng tước bỏ đi hết những vận động phong phú, phức tạp của thực tiễn sáng tác thì bức tranh văn học sử chặng này cũng không ít điều thú vị. Đấy là mãi sau này khi công cuộc đổi mới tạo điều kiện cho giới nghiên cứu được tiếp cận tư liệu thuận lợi hơn và nhất là được chia sẻ nhiều kinh nghiệm nghệ thuật của nhân loại hơn, tôi mới nghĩ được thế. Chứ ngay cả khi đã đứng lớp được mấy năm, tôi vẫn không tìm được hứng thú với những bài phải dạy. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh an ủi tôi: “Dạy văn học Việt Nam, phần này là chán nhất. Dạy hay thế quái nào được khi không có tác phẩm hay”.

Và càng hiểu khó khăn ấy, tôi càng thêm nể phục thầy Trần Hữu Tá. Có lẽ rất thông cảm với tâm lý miễn cưỡng, hờ hững của sinh viên nên thầy thường tạo không khí lôi cuốn ngay từ cách vào bài, rồi dẫn dắt vấn đề theo hướng gợi mở. Thầy chưa bao giờ hùng biện. Bằng chất giọng trầm, hơi nhanh, ngôn từ sắc và rất hóm hỉnh, thầy kể cho chúng tôi nghe vô số chuyện "bếp núc văn chương", chuyện cá tính và đời tư của các nhà văn, chuyện tác phẩm và "thời tiết" chính trị... Chúng tôi hào hứng theo lời thầy, quên cả cơn đói đang giày vò, đến khi thầy bất ngờ đặt câu hỏi, đại loại: "Anh/chị thấy gì qua việc Nam Cao đưa bản thảo cho chú giao liên người Mán đọc trước?”. Hay: “Anh/ chị đoán xem vì sao Nguyễn Đình Thi đánh giá cao ý kiến chị cấp dưỡng về đoạn đối thoại trong một chương của cuốn tiểu thuyết "Xung kích" mà ông đang viết?”. Hoặc giả: “Cảnh ngộ riêng của Nguyễn Thi có để lại dấu ấn gì trong thế giới nhân vật mà ông sáng tạo không?", v.v. khi ấy chúng tôi mới ồ lên trước điều vừa thu hoạch được. Hoá ra những khái niệm lý luận khô khan như "hoàn cảnh lớn", "hoàn cảnh nhỏ", phương pháp phê bình tiểu sử học, xã hội học... qua các câu chuyện hóm hỉnh, sống động của thầy lại đến với chúng tôi dễ dàng như vậy.

Bây giờ nhớ lại, tôi cứ nghĩ có lẽ khi đó thầy đã muốn chúng tôi nhìn thấy nhiều khía cạnh khác của đời sống văn học nên thầy mới chia sẻ những chuyện bên lề như vậy. Thầy bảo muốn làm nghiên cứu phải rất công phu trong khâu sưu tầm tư liệu. Đọc những bài thầy viết, nghe thầy giảng, tôi hiểu sức mạnh của người làm chủ tư liệu. Người sớm nhất "khai tâm" cho tôi về mảng văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 cũng chính là thầy. Trở về từ những chuyến đi thỉnh giảng miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, thầy mang theo khá nhiều sách của các tác giả mà chúng tôi chưa bao giờ nghe tên. Thầy bảo: "Mua ở vỉa hè Huế, Sài Gòn, những nơi bán đồ cũ... Phải cố chi chút ngân sách eo hẹp để mua kẻo không sẽ bị thất tán hết, lấy gì mà nghiên cứu, tiếc lắm”.

Chúng tôi tuổi trẻ vô tư, vô tâm, túi chẳng bao giờ có tiền, tình yêu sách phó thác cho thư viện, nghe thầy thống thiết nói thế, chỉ toét miệng cười, liên tưởng ngay đến những giai thoại về bệnh "keo kiệt sách" của mấy ông thầy khả kính. Dạy chuyên đề Cao học (1979) cho nhóm học viên Sau Đại học khóa 3 chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, thầy đã giúp chúng tôi mở rộng thêm phông tri thức ngoài khu vực văn học chính thống bằng việc thầy cho đọc và thảo luận về mấy tác phẩm mang tinh thần phản chiến hoặc tinh thần hiện sinh chủ nghĩa của các nhà văn vùng đô thị miền Nam như Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm Mậu, Ngụy Ngữ... Những bài nghiên cứu hồi đó thầy viết về mảng văn học này, dù còn rất dè dặt trong cách đánh giá và phân loại, nhưng rõ ràng bằng việc kiểm soát tư liệu, thầy đã nhận ra việc nghiên cứu kĩ lưỡng, khoa học bộ phận văn học miền Nam trước 1975 là một đòi hỏi chính đáng, giới nghiên cứu không thể lảng tránh. Đến tận bây giờ, sau khoảng bốn thập kỉ rồi, công việc khó khăn đó xem như mới đang được khởi động và tôi càng thán phục những người làm tư liệu với tầm nhìn xa trông rộng như thầy.

Học Cao học, tôi được phân công làm luận văn với thầy. Đây chính là quãng thời gian tôi có nhiều kỉ niệm với thầy và gia đình thầy. Hồi ấy ba người con của thầy còn nhỏ. Vợ chồng thầy sống ở một căn hộ đâu chừng 24 mét vuông trong một khu tập thể cũ kĩ trên phố Nguyễn Công Trứ. Cuộc sống công chức đạm bạc, hành lang chung thành nơi để xe đạp, bếp dầu, xô nước và đủ thứ vật dụng linh tinh của các gia đình. Căn hộ thầy ở chỉ có một phòng. Và tôi bị ấn tượng mạnh trước cái giá sách chất ngất và cách sắp đặt trong nhà thầy, thầm so sánh với không gian nhà quê của mình mà phục bàn tay khéo léo của cô Diệp vợ thầy. Lần nào tới nhà thầy, tôi cũng được cô niềm nở đón tiếp. Trong mắt tôi, thầy cô là người Hà Nội lịch lãm, tinh tế. Lúc đầu, điều ấy làm tôi ngần ngại. Dần dà tôi nhận ra tấm chân tình của thầy. Thầy cho tôi tự đề xuất đề tài luận văn. Tôi chọn "Những đóng góp của phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước". Thầy yêu cầu tôi lập danh mục tài liệu tham khảo và các thi phẩm.

Đến lúc này tôi mới sợ toát mồ hôi vì không dễ gì bao quát hết được. (Khoá Cao học tôi theo học mới là khoá thứ 3, hồi ấy gọi là Sau Đại học. Chương trình còn nặng tính chất thể nghiêm. Thời gian để học viên làm đề tài chỉ vài ba tháng, không có quy trình chặt chẽ như sau này). Tôi rất biết ơn thầy vi đã chỉ dẫn cho những thao tác căn bản cần có của người nghiên cứu, đã tôn trọng những suy nghĩ riêng và phần nào chịu đựng sự bướng bỉnh của tôi. Ngày tôi bảo vệ luận văn, thầy đi công tác vắng. Hội đồng đưa ra đến 9 câu hỏi. Run lắm, nhưng nghĩ đến ánh mắt khuyến khích của thầy, tôi trấn tĩnh lại và trả lời không đến nỗi nào. Gặp, thầy chỉ bảo: "Chúc mừng em! Bắt tay vào soạn giáo án tác giả Tô Hoài, Chế Lan Viên đi nhé!". Tôi nhẹ cả người, cảm thấy được thầy tin tưởng.

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại của tôi được cả trường kính trọng bởi tên tuổi các vị Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá.... Thiên hạ đồn rằng ở đây mỗi người là một cá tính gai góc lắm mà cũng tài hoa lắm. Sau vài buổi sinh hoạt bộ môn tôi thấy họ nói không ngoa. Nhưng điều tôi thích nhất là được làm việc cùng những con người thẳng thắn, ưa đùa giỡn, giỏi hài hước và rất tôn trọng nhau. Các cuộc họp tổ đều vui không thể tả. Đến nỗi tôi chỉ mong có họp bộ môn để được nghe các thầy đấu hót.

Thầy Tá luôn là người rất tài “kích hoạt" những cuộc vui như thế, nhiều nhất là về các tình huống “có hiếu với vợ” của các đấng tu mi nam tử trong tổ, trong khoa.

Tôi quý thầy ở thái độ làm nghề nghiêm túc, ở cung cách giao tiếp thân mật và đặc biệt cảm kich sự quan tâm kiểu cha chú mà thầy dành cho tôi. Bao giờ đến nhà gặp thầy để trao đổi công việc, thầy cũng hỏi tôi: đi lại bằng gì, nóng thế này đã mua được quạt máy chưa, bố mẹ ở quê thế nào, con cái thế nào, chú ấy có làm thêm được gì không, v.v. Nhiều năm về sau, thầy cô sống ở Sài Gòn, mỗi lần điện thoại, thầy đều không quên kèm thêm một câu cuối: “Cho thầy gửi lời thăm kẻ nô lệ vĩ đại của em nhé". Thầy hóm hỉnh hỏi tôi: "Này cái tay H nhà cậu ít nói đến mức tớ cứ hình dung hỏi hắn câu gì đó rồi nằm ngủ một giấc, lúc dậy mới nghe được câu trả lời. Thế thì các cậu cãi nhau thế nào? Vợ chồng mà không cãi nhau thì nhạt lắm!”

Hồi tôi nộp đơn xin chuyển công tác vào Nam theo tiếng gọi tình yêu đúng thời điểm thầy Tá cũng đang chuẩn bị chuyển cả gia đình vào Nam. Biết chuyện, vào Sài Gòn thầy tìm gặp cái tay đương kim chồng tôi, tìm hiểu sự tình rồi thầy âm thầm liên hệ xin việc cho tôi trong ấy. Một cơ may như trên trời rơi xuống giúp người yêu tôi về được Hà Nội. Tôi yên vị tại khoa. Các thầy cô trong bộ môn chẳng ai chấp sự hồ đồ trẻ con của tôi. Nhưng tôi mãi mãi mắc nợ tấm lòng thầy Tá. Thầy không giận, không trách, chỉ thỉnh thoảng giễu cợt cái bệnh “luỵ tình” nông nổi của đứa học trò.

Từ khi gia đình thầy chuyển vào Sài Gòn, thầy trò tôi ít có dịp gần gũi. Cuộc sống nhiều nhọc nhằn cuốn tôi đi. Thi thoảng thầy ra Hà Nội họp hành đôi ba bữa, bộ môn Văn học Việt Nam Hiện đại lại tìm cách "xắn" của thầy chút thời gian để được hàn huyên. Thầy vẫn là kho chuyện vui bất tận, đến đâu đem lại tiếng cười đến đấy. Tôi biết thầy tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trong nghiên cứu, giảng dạy. Tôi cũng nghe biết về những bất hạnh, mất mát trong gia đình khiến sức khoẻ thầy sa sút. Thế mà khi gặp gỡ, thầy không bao giờ nói tới những vinh quang cũng như nỗi muộn phiền thầy nếm trải.

Trong lễ kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (ĐHSP Hà Nội), tôi xót xa thấy thầy yếu đi nhiều quá. Căn bệnh parkinson gây cho thầy khó khăn với mọi cử động. Thế mà thầy vẫn ân cần và hóm hỉnh, vẫn thăm hỏi tất cả mọi người, không quên động viên tôi hãy sống bình tâm, hãy giữ lấy những nghĩa tình tốt đẹp. Tôi trầm ngâm, thầy đùa: "Này, nếu thầy không chuyển vào Nam, có khi thầy bị nạn cùng em đấy". Mắt tôi cay xè. Suốt thời gian sóng gió trường văn trận bút ập xuống đầu tôi, thầy luôn quan tâm theo dõi từ xa và không ngừng khich lệ tôi, không ngừng tìm cách bảo vệ tôi. Và tôi cũng chỉ biết điều này qua người khác. Nhờ được những người tôi kính trọng, tin cậy như thầy hiểu mình, chia sẻ đồng cảm với mình mà tôi nhanh chóng lấy lại được sự thăng bằng tâm thế.

Năm 2017, khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ mừng thọ 80 cho thầy rất long trọng. Nhìn hình, tôi thấy thầy rất yếu nhưng cười tươi. Nghe nói nhân dịp này, các hội đoàn, học trò, đồng nghiệp... biếu thầy khoảng một trăm triệu, giúp thầy cô chữa bệnh. Thầy và gia đình đã tặng lại toàn bộ cho khoa để làm một quỹ khuyến học.

Tôi biết cái nghiệt ngã của thời gian, cái bất lực của tuổi già. Nên tôi càng kính trọng thầy hơn!