Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Tôi gặp lại thầy tôi khi người đang cùng tân binh khiêng lợn giữa chiều hè nắng gắt

La Khắc Hòa

Một kỷ niệm thỉnh thoảng lại trở về trong kí ức của lão hủ. Mỗi lần nhớ lại như thế, lão hủ không ngăn được sự cảm khái, bùi ngùi. Bài viết từ 8 năm trước, giờ đăng lên đây nhân tháng quốc tế nhà giáo.

Ấy là tôi đang nói về lần được gặp lại thầy Nguyễn Cảnh Phức trên đường đê Yên Thành vào mùa hè năm 1972.

Tôi học Khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, Khoá V, 1965 - 1968. Trước đó là Khoá III, vì Khoá IV không tuyển sinh. Tôi vào học, Khoa Văn chỉ có hai khối: “Văn I” và “Văn III”. Hồi ấy, hệ đại học Sư phạm chỉ học ba năm. Ba năm, học hai chuyên ngành: Văn và Sử. Tức là, với tấm bằng được cấp, tôi có quyền dạy cả sử, lẫn văn ở các trường phổ thông cấp III, giờ gọi là phổ thong trung học. Dĩ nhiên, học văn vẫn là chính, vì tôi nhớ, Khoa có rất nhiều giảng viên văn, mà chỉ có hai thầy dạy sử là thầy Phan Văn Ban và thầy Hoàng Văn Lân. Tất cả các giảng viên, già cũng như trẻ, đều được gọi là “cán bộ giảng dạy’, thường viết tắt là “cờ bờ giờ dờ”. Thầy Nguyễn Cảnh Phức dạy chúng tôi môn Trung Văn hai năm liền: năm thứ nhất và năm thứ hai. Khoá tôi có 72 sinh viên, chia thành hai lớp: A và B. Bảy mươi lăm phần trăm sinh viên khoá tôi là cán bộ đi học, bây giờ nhiều vị đã thành người thiên cổ. Trước khi đi học, nhiều vị từng là Trưởng phòng ở các Ty Giáo dục, hay Hiệu Trưởng, Hiệu Phó các trường phổ thông. Giáo dục toàn miền Bắc lúc ấy có ba “lá cờ đầu”: Bắc Lí, Hải Nhân và Cẩm Bình. Hai vị Hiệu phó Cẩm Bình (Nguyễn Huy Vang) và Hiệu phó Hải Nhân (Nguyễn Văn Nho) là sinh viên lớp tôi, lại cùng tổ với tôi. Cánh này đều đã ba lăm trở lên, nhiều tuổi hơn hầu hết các thầy trong Khoa. Tôi nom anh Hoàng Ngọc Giới, Nguyễn Huy Vang, Nguyễn Cảnh Tuân còn “oách” hơn cả Thầy Nguyễn Khắc Phi, hay Thầy Đỗ Đức Huyến… Cho nên, khi thầy Phức bước vào lớp trong buổi giảng đầu tiên, cả lớp tôi, ai cũng ngỡ ngàng trước sự trẻ trung của Thầy. Mấy đứa con gái, mắt chữ “I”, mồm chữ “O”, nhìn Thầy không chớp mắt. Chúng tôi vào năm thứ Nhất, thì Thầy tốt nghiệp Đại học. Ra trường, Thầy về dạy chúng tôi ngay. Chắc Thầy chỉ nhỉnh hơn chúng tôi chừng ba, bốn tuổi. Ngồi với nhau, người ngoài nhìn vào ngỡ anh em, chứ không mấy ai biết là thầy - trò. Thầy da trắng, vóc người nhỏ, rất thư sinh. Răng Thầy hơi hô, lúc nào cũng tựa như đang cười, nom rất tươi. Thầy gọi lứa lớn tuổi bằng “các anh”, gọi đám chúng tôi là “các cậu” và xưng “tôi”. Tôi vẫn nhớ những buổi dạy của Thầy. Mỗi tuần Thầy dạy bốn tiết: hai tiết Trung văn và hai tiết Hán Nôm. Thầy vừa dạy theo giáo trình, vừa hướng dẫn chúng tôi đọc báo. Sau hai năm Thầy dạy, tôi đã đọc được “Tân hoa xã”. Thế mà về sau tôi bỏ, lâu dần quên hết. Tiếc thật! Thú nhất là những giờ Thầy dạy Hán Nôm. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ ý nghĩa của chữ “tích việt” (“có thiên tích việt cầm tay”) trong Truyện Kiều, hay các chữ “phúc”, chữ “dân”... Thày giảng, hiểu theo kiểu chiết tự, thì “phúc” là một miệng ăn, lại có cả ruộng, lẫn người lễ tết (福: một bên là bộ “lễ”, một bên là các chữ “nhất”, “khẩu”, “điền”), còn “dân” chẳng qua là “thằng ngu tự cầm kim chọc mù mắt mình” (các vị nhìn vào hình chữ “dân” xem có đúng thế không nhé: “民”). Các bài “Quốc tộ” (國祚) của Đỗ Pháp Thuận, “Cáo tật thị chúng”(告疾示眾) của Mãn Giác Thiền Sư, hay “Nam quốc sơn hà” (南國山河) và nhiều bài thơ khác mà Thầy dạy, cho đến nay, tôi vẫn nhớ mặt chữ Hán. Nhờ Thầy dạy mà bây giờ tôi vẫn có thể đọc thuộc lòng bản phiên âm chữ Hán của các áng thiên cổ hùng văn, như “Hịch tướng sĩ”, hay “Bình Ngô đại cáo”…

Tiếng là được đào tạo ba năm, nhưng khoá chúng tôi chỉ thực học hai năm, hay hai năm rưỡi gì đó. Vì trong ba năm học ấy, chúng tôi phải chuyển trường hai lần: từ Nghệ An chuyển ra Hà Trung, Thanh Hoá (cuối năm 1965 - đầu 1966), rồi lại từ Hà Trung sơ tán lên Thạch Thành (tháng 9, năm 1966). Mỗi lần sơ tán như thế, bao nhiêu sách vở và toàn bộ cơ sở vật chất của Trường đều được khiêng vác trên đôi vai của chúng tôi. Tối: khiêng vác hòm xiểng sách vở của thư viện và xoong chảo nhà bếp. Ngày: đẵn cây, cắt cỏ tranh, đào hầm trú ẩn, dựng lán làm lớp học. Hai lần di chuyển mất đứt gần nửa năm. Kiến thức trong ba năm học, bây giờ chữ nhớ, chữ quên. Nhưng những kỉ niệm về cái đói, cái bẩn và sự bức bối thời sinh viên thì lứa sinh viên chúng tôi đứa mào cũng khắc cốt ghi xương. Nhiều lúc cứ nghĩ lẩn thẩn, khi mình chết, con cháu đem mình hoả táng, không khéo chúng sẽ đọc được nguyên vẹn những kỉ niệm ấy vẫn in hằn trên đống xương cốt cháy xạm đen sì.

Đói, chao ơi là đói! Sáng ngày, vừa mở mắt ra đã thấy đói. Ngồi học trên lớp, đói cồn cào. Trưa, vài lưng cơm độn toàn những ngô với sắn, chả bõ bèn gì, ăn xong, vẫn cứ đói. Bốn rưỡi chiều, đã thấy cả lớp cắp bát xuống nhà bếp. Ăn từ lúc ấy, đến 11, hoặc 12 giờ khuya đi nằm, đặt lưng xuống chiếu, bụng réo ùng ục, lúc tỉnh dậy, chẳng biết mình ngủ được là do thiếp đi, hay lả đi. Hễ không thấy đói, biết ngay là mình ốm. Ốm và đói là hai cảm giác rùng rợn nhất trong suốt mấy năm học đại học của tôi. Đói quá, sinh ăn nhiều. Vào ngày chủ nhật, hay ngày lễ, cánh Thanh Hoá, gần nơi sơ tán của Trường, thường về nhà kiếm ăn. Đám xa nhà, ở lại, không cho chúng cắt cơm. Có thằng trong lớp, bị mấy đứa thách, xơi một hơi 6 suất cơm và nải chuối 28 quả, lại còn uống cạn được chai sáu nhăm mật mía. Tôi nhớ, ăn uống xong, hắn ta chạy ra suối, úp bụng lên tảng đá mát lạnh, nằm thở. Vì đói quá, nên thấy gì cũng ăn. Ốc sên được xem là cao lương mĩ vị. Mỗi ngày vào rừng, cố kiếm mấy con, để dành khi có bạn khoa khác đến chơi, mang ra thết đãi. Không có gì ăn, dân hở ra cái gì, liền mất ngay với sinh viên cái đó. Thằng Căn lớp tôi người Hà Nội, từng đi Thanh niên xung phong, trông như công tử, thế mà đói quá không chịu được, bẻ trộm cây mía, bị chủ bắt được báo Khoa, hắn bị đuổi học. Kỉ luật nghiêm khắc thế nào vẫn không ngăn được sinh viên vặt trộm của dân. Ở đâu có sinh viên, ở đấy vườn tược bị tàn phá, mọi loại cây, củ, quả ăn được đều bị vặt trụi, thành ra tiêu điều. Dân hai tỉnh Thanh, Nghệ, ở những nơi chúng tôi sơ tán, có một truyền ngôn về “sức mạnh” tàn phá của sinh viên thời ấy: “Thứ nhứt bom bi, thứ nhì đại học”. Nhiều năm sau, khi đã trở thành “cờ bờ giờ dờ” của Trường Vinh, chúng tôi vẫn bị đói thế. Còn nhớ, hồi ở Quỳnh Văn học Nga văn với Nguyễn Văn Lợi, Hồ Hồng Quang, mỗi lần ăn xong, tay Đặng Ngọc Lệ, giờ là Giáo sư đã nghỉ hưu, thường gõ bát, hát một bài nhạc “chế”, rất phản động: “Chế độ ta tươi đẹp. Ngày hai bữa cơm lép. Mà chúng vẫn nói phét. Rằng chế độ ta tươi đẹp”. Nghe hắn hát, chúng tôi sợ quá, nhỡ mấy lãnh đạo nghe được thì nguy... Nhưng thú thật, cái giọng the thé cố gào to chữ “phét”, nhất là đôi mắt híp hấp háy như cười của hắn khi hát lại khiến chúng tôi khoái chá.

Đã đói, lại bẩn nữa mới khổ! Ở trong nhà dân, chiếu chăn chẳng có để thay, giường toàn rệp. Tôi ra Hà Nội, ngủ với tay chú họ học Trường Bách Khoa cũng bị rệp đốt. Tay chú mình bảo, giờ mỗi trường đại học là một ổ rệp khổng lồ. Mới tập trung được vài tháng ở Thanh Hoá, cả lớp tôi, con trai cũng như con gái, đứa nào cũng ghẻ kềnh ghẻ càng. Ngứa không chịu được, ngồi học, cả lớp thi nhau gãi sồn sột, vui đáo để. Tôi nhớ, ở xã Hà Thanh, nơi chúng tôi sơ tán, cả làng chỉ có mỗi một cái giếng. Đám con trai chúng tôi kéo nhau ra đó, cứ để nguyên quần áo, lấy gầu múc nước lên giội, bôi xà phòng, kì cọ, vừa tắm, vừa giặt, xong, lại giội nước cho sạch, rồi về, cười cười nói nói ầm ỹ, thú vô cùng. Chúng tôi nghĩ ra mẹo vứt gầu xuống giếng, như thể gầu bị đứt dây, lấy cớ nhẩy xuống tìm gầu để tắm cho thoả thích. Những lần như thế, mặt mũi đứa nào cũng hả hê, quên cả đói.

Hãi nhất là sự bức bối. Đói, bẩn, lại thêm bức bối, trong mấy năm liền, cứ hễ đến mùa hè, là đám con gái lại hoá dại. Chúng tôi chưa kịp đưa đứa này đi viện, thì đứa khác đã lại hoá dại rồi. Khi hoá dại, chúng ngồi trong phòng, lúc lặng im như tượng đá, lúc cười khanh khách như Thị Mầu. Từ sáng tới tối, nơi chúng tôi sơ tán, chỗ nào cũng nghe thấy những tiếng cười rùng rợn. Có đứa cười ngặt nghẽo, vừa cười vừa hát, lại còn kể ra vanh vách những cậu nào định tán tỉnh mình. Thời ấy, trai gái yêu nhau phải báo cáo tổ chức. Đứa nào chưa báo cáo mà để tổ chức bắt được đang hôn nhau, thì chỉ có chết! Tập thể lớp, chi đoàn thanh niên, chi bộ sẽ đưa ra kiểm điểm thứ tình yêu được cho là “bất chính” này. Cho nên, đám con trai nghe mà nơm nớp, chỉ sợ cái cô điên dại kia réo tên mình lên thì khốn. Lại có đứa vừa cười, vừa khóc, nghe não nuột thê lương y như là nhân loại bước vào thời tận thế, hoang mang quá.

Phải đến già tôi mới nghiệm ra: sống vừa có nghĩa là vật lộn, chống trả, vừa có nghĩa là buông thả, tha hoá. Thích nghi cả với những hoàn cảnh tồi tệ nhất để tồn tại chính là biểu hiện rõ nhất của sự tha hoá như vậy. Thế hệ chúng tôi đã vượt qua tất cả một phần nhờ ở sự chống trả, nhưng chủ yếu là nhờ vào sự tha hoá, hay nói cho sang trọng, nhờ ở sự thích nghi: thích nghi với đói khát, với bức bối, với sự bẩn thỉu hiểu theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Vào năm thứ ba, chúng tôi học Nga văn, không học Trung văn và Hán Nôm nữa, nên không còn mấy khi được gặp Thày Phức. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại Trường làm giáo viên của Khoa đào tạo giáo viên cấp II. Khoa Văn đóng trên trên miền núi Thạch Thành. Khoa cấp II nằm dưới đồng bằng, ở Tây Giai, Vĩnh Lộc, ngay trong thành Nhà Hồ. Năm 1969, Trường Vinh chuyển về Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khoa Văn ở Quỳnh Thạch. Khoa cấp II ở Quỳnh Bảng. Lại vẫn một Khoa trên rừng, một Khoa dưới biển. Có lần, tôi được tin Thầy Phức đã nhập ngũ. Từ ấy, hình ảnh Thầy không mấy khi trở về trong kí ức của tôi.

Nhưng cuộc đời thường đầy những bất ngờ, bất ngờ đến kì diệu. Thángg 4 năm 1972, Trường Vinh một lần nữa phải bỏ Quỳnh Lưu chạy lên Yên Thành để tránh bom đạn. Các khoa đóng rải rác dọc con sông nông giang mà phía thượng nguồn là ba-ra Đô Lương. Khoa Đào tạo giáo viên cấp II đóng ở Thọ Thành. Khoa Văn đóng ở Lăng Thành. Thế là chạy tới chạy lui, suốt 8 năm trời, Khoa Văn không sao thoát ra ngoài hai chữ “Thành” và “Thạch”. Tháng 6 năm 1972, Khoa cấp II cử tôi là người duy nhất cùng nhập với đoàn Khoa Văn đi coi thi tuyển sinh ở Quảng Bình. Người ta không cho đi ô tô, vì sợ bị máy bay ném bom. Chỉ cần bom rơi trúng một ô tô, coi như một khoa bị xoá sổ. Cho nên, từ Yên Thành, chúng tôi đạp xe đạp dọc theo đường 7, qua Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Hà Tĩnh. Vượt Quảng Văn, Bắc Quảng Trạch, sang lối Quảng Hoà, chúng tôi về điểm tuyển sinh ở Hiền Ninh. Ở Trường cấp III Bắc Quảng Trạch tôi được hai bạn hiền Đỗ Quảng và Hồ Ngọc Diệp chiêu đãi món cháo cá quả. Sợ ban ngày đun nấu, khói bay lên, sẽ bị máy bay phát hiện, các ban chờ đêm xuống mới đào hố cát thật sâu, nhóm lửa, bắc bếp. Ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn thấy thoang thoảng đâu đây hương vị thơm ngọt của món cháo cá thời chiến.

Mỗi ngày dậy sớm, đi từ 4 giờ sáng, 9 giờ vào nhà dân nghỉ thổi cơm ăn, ngủ chán chê, 4 giờ chiều lại dậy đi cho tới tận 10 giờ đêm. Ròng rã như thế, cả đi, cả về, cả thời gian tuyển sinh, tôi đã cưỡi trên con xe Phượng hoàng suốt 24 ngày liền. Lúc về, tôi tách đoàn đi một mình. Tôi vào thành Đồng Hới, ngồi ăn bánh mướt (tức bánh cuốn). Giữa chiến tranh mà tôi thấy khung cảnh vắng lặng, thanh bình quá. Chỉ còn quán bánh mướt tôi ăn và một hiệu chụp ảnh trụ lại. Đến Ba Đồn, tôi mua chiếc nón “bài thơ” bọc thật kĩ mang về tặng người yêu. Tôi cởi áo ba lỗ buộc vào thắt lưng, vận độc chiếc quần cộc phóng xe qua Thạch Hà, thấy thị xã Hà Tĩnh vắng vẻ, chỉ thấp thoáng bóng người. Ra Nghệ, tôi đến cấp III Vinh sơ tán ở Nam Dương, Nam Đàn chơi với bạn, lại cùng bạn đến Hưng Nguyên, rồi về thành Vinh mấy ngày. Ở Vinh, có cảm giác, mình và đám bạn như đàn chim sẻ làm tổ giữa khu nhà hoang, không thèm biết gì tới cảnh bom rơi, đạn lạc.

Tôi rời Vinh vào một ngày đẹp trời. Tôi lại quay về đường 7, rẽ sang Công Thành để rồi dọc theo đê đi về Lăng Thành và Thọ Thành. Tôi đến Công Thành vào quãng 4 giờ chiều. Mùa hè, trời nắng gắt. Đang đạp xe, từ xa, tôi thấy hai anh bộ đội khiêng một con lợn đi theo chiều ngược lại. Có lẽ vì khiêng nặng, họ lầm lũi đi, chẳng để ý tới người qua đường. Nhưng tôi thì tựa như có luồng điện chạy dọc toàn thân, khi đến gần, nhận ra gương mặt quen thuộc của một người trong số họ. Trời ơi, Thầy Phức của mình kia kìa. Thày Phức mà mình và bao sinh viên kính trọng, quí mến đang cùng anh tân binh khiêng lợn kia kìa… Tôi phanh xe, đứng lặng như trời trồng. Phải vài phút sau mới trấn tĩnh, tôi quay lại gọi Thầy. Nghe tôi gọi tên, Thầy ngoái đầu, thoáng chút ngạc nhiên, nhưng rồi ông cũng nhận ngay ra tôi. Hai người hạ con lợn xuống vệ đường. Thầy trò gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Thầy bảo, đến phiên Thầy làm anh nuôi nên phải đi kiếm thực phẩm. Nhìn da Thầy sạm đen, không còn trắng trẻo như xưa, tôi ứa nước mắt thương Thầy. Thầy trò tay trong tay, chỉ nhìn nhau, chẳng biết nói gì, vì nói gì lúc này cũng trở thành vô duyên. Rồi tôi chia tay với Thầy. Tôi nhìn theo cho đến khi bóng Thầy và anh tân binh khuất hẳn vào sau luỹ tre làng.

Thế là trời đất run rủi để tôi gặp lại Thày Phức, gặp lại trong một hoàn cảnh thật trớ trêu, khiến hình ảnh Thầy mãi mãi khắc sâu trong kí ức. Hình ảnh ấy gợi dậy nỗi đắng cay của bao nhiêu kiếp người. Hồi còn dạy ở Trường Vinh, tôi cũng chẳng từng phải cầy bừa, gặt hái, chăn trâu và khiêng lợn đó sao? Nghĩ tới Thầy Phức, tôi thấy hiện về hình ảnh các Thầy Lê Kinh Khiên, Tưởng Đăng Trữ, Ngô Xuân Anh, Nguyễn Trung Hiếu.. và nhiều Thầy khác mà giờ không còn trên cõi đời này nữa. Các Thầy “thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Qua tờ Văn hóa Nghệ An, tôi biết Thầy Phức về trời năm 2012. Chữ Hán, “Phức” nghĩa là “Thơm”. Không biết hồn thơm của Thầy ở đâu bây giờ?

Hà nội, 17.7.2014.

Nguồn:FB La Khắc Hòa