Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Đến cùng một cơn gió xanh

Hồ Anh Thái

Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thường gợi nhớ vẻ đẹp trong văn học Đông Âu, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là phong vị miền núi phía Bắc.

Đến cùng một cơn gió xanh

Cảnh sắc miền núi phía Bắc in đậm trong những trang viết đầu tay của Phạm Duy Nghĩa. Ấn tượng nhất là cái truyện ngắn Nghĩa gửi qua thư điện tử cho tôi vào đầu năm 2007. Hoa cẩm tú cầu, câu chuyện mơ màng đầy chất liêu trai và chắc chắn khiến cho người nào đọc xong cũng thêm yêu Sa Pa. Tôi đã đổi tên truyện thành Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh, chữ “ứng mệnh” cũng là lấy từ trong truyện của Phạm Duy Nghĩa, và cái tên truyện như vậy vừa đúng với không khí kỳ ảo của truyện, vừa tránh được cái tên đơn giản ban đầu. Đổi tên truyện, tôi viết lời bình, gửi cả truyện cả lời bình cho báo Tuổi Trẻ chủ nhật. Truyện in ra, được nhiều người thích.

Phạm Duy Nghĩa hồi ấy là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Thầy giáo trẻ chắc cũng được cảm tình của nhiều đồng nghiệp nữ nhưng vẫn chưa có gì đọng lại. Chẳng biết Phạm Duy Nghĩa có gửi gắm nỗi niềm gì vào nhân vật ông thợ may Thụ, một người kỹ tính, bị ám ảnh về sự sạch sẽ của mọi vật, kể cả con người? Một lần tôi lên Lào Cai, ghé thăm Nghĩa, được Nghĩa dẫn lên Sa Pa. Sa Pa thì hầu như năm nào tôi cũng lên ít nhất một lần, nhưng lần ấy được thấy Sa Pa của Nghĩa, một Sa Pa như trong Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh. Chuyến ấy còn có mấy người bạn của Nghĩa như chị Hồng Nhung giáo viên, nhạc sĩ Phùng Chiến, tác giả bài hát Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời. Nghĩa còn cho tôi gặp nguyên mẫu của nhân vật ông thợ may Thụ và kể thêm nhiều về ông.

Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa hấp dẫn. Đây là một trong những phẩm chất thiết yếu của văn chương nghệ thuật. Không hấp dẫn thì đọc được vài ba trang người đọc sẽ bỏ anh mà đi, tư tưởng của anh chẳng đến được với người đọc. Cái hấp dẫn trong truyện của Phạm Duy Nghĩa trước hết ở tính li kỳ của những tình huống lạ. Một cơn gió màu xanh lam bỗng nhiên tràn đến ngôi làng trong thung lũng, mang đến cho người dân “bệnh trong sáng” và “bệnh yêu đời” (Gió xanh). Một chú bé bỗng nhiên biết bay làm cho mọi người nửa tin nửa ngờ và gây ra bao thăng trầm nóng lạnh trong cách ứng xử của cộng đồng (Người bay). Một chiếc áo second-hand mua về bỗng đâu mang theo phép lạ với hình bóng người chủ cũ xa lắc của nó từ phương trời Tây (Chiếc áo second-hand). Một vong hồn không a dua theo đám đông nơi vực núi lưng đèo để gây tội ác (Con ma trong hội xô xe). Một con dê có tính cách khác thường và màu lông xanh biếc không giống với bất cứ loài dê nào ở trên đời (Con dê xanh trên núi tuyết). Một người đàn ông tỉnh dậy thấy sương mù ngập tràn thành phố và toàn bộ cư dân trong thành đã biến mất, không biết đi đâu (Thành phố biến mất)... Tình huống lạ là sản phẩm của những nhà văn có đầu óc phát kiến, tình huống lạ cũng đòi hỏi một năng lực tưởng tượng và giỏi hư cấu. Những phát kiến của Phạm Duy Nghĩa khiến cho người đọc như được bay bổng trong không gian tưởng tượng vô biên.

Phát kiến của Phạm Duy Nghĩa là thú vị, không chỉ ở những tình huống và hình ảnh. Chẳng hạn truyện Sài thục (khi in trên báo Đại biểu Nhân dân có tên là Linh vật), không chỉ là một câu chuyện ma mị về một loại củ, mà cái tên củ sài thục cũng khiến người đọc băn khoăn nó là cái gì mà chưa nghe bao giờ. Rồi cũng vỡ lẽ: đấy là cái tên do tác giả đặt ra, không có trong đời thực. “Củ sài thục” chỉ có trong “từ điển” của Phạm Duy Nghĩa. Cũng giống như lá diêu bông là thứ lá hư cấu của riêng nhà thơ Hoàng Cầm.

Những câu chuyện kỳ ảo và huyễn tưởng của Phạm Duy Nghĩa đều có thêm sức nặng khi tác giả gài cắm vào đấy những vấn đề thế sự. Thực dụng và mộng mơ, giả dối và trung thực, tự do và độc đoán, dũng cảm và thỏa hiệp. Những chi tiết thực tế như sợi dây giữ cho chiếc diều tưởng tượng không bay bổng quá đà, và để người đọc soi thấy bóng dáng mình trong ấy.

Câu chuyện hồn ma ở lớp học thiền trong Chiếc áo second-hand không đơn thuần xuất phát từ trí tưởng tượng, mà Phạm Duy Nghĩa cho biết đấy chính là chuyện anh đã thực sự trải nghiệm. Anh dành nhiều thời gian để nghiên cứu thế giới tâm linh. Không chỉ đọc những tài liệu khoa học về lĩnh vực này, anh còn khảo sát thực tế những cuộc gọi hồn, áp vong, còn tìm đến với xứ Mường để tìm hiểu về hiện tượng chuyển kiếp, đầu thai. Hứng thú trải nghiệm một thế giới huyền bí và còn gây nhiều tranh cãi, nhưng với nhà văn, cảm hứng ấy đã mang đến một tập truyện đậm đặc không gian kỳ ảo.

Đáng kể nữa, truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thường gợi nhớ vẻ đẹp trong văn học Đông Âu, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là phong vị miền núi phía Bắc. Phạm Duy Nghĩa đã tạo dựng được một không gian rừng sâu núi cao đủ để cho người ta mơ màng cái lạ. Nhưng tác giả không câu nệ hiện thực để mà nắn giọng ngọng nghịu giả vờ ngây thơ “cho ra chất núi”. Miền núi chỉ là bối cảnh, chỉ là không gian mà tác giả mượn để nói những vấn đề của nhân loại, vốn bao giờ cũng có mẫu số chung. Giọng văn sáng góp phần tạo ra hiệu quả cho việc tạo dựng này.

Trước khi rời miền cao để xuống với đồng bằng sông Hồng, Nghĩa có trao đổi qua thư điện tử với tôi. Tôi có nói đại ý nên về Hà Nội, thủ đô luôn là trung tâm thông tin và nơi tương tác giữa các phong cách nghệ thuật, nhưng nên tiếp tục giảng dạy ở một trường đại học nào đó. Sự va đập trực tiếp với đời sống có ích cho người viết hơn là môi trường chỉ toàn người viết văn viết báo với nhau. Sau đó Phạm Duy Nghĩa đã chuyển về tạp chí Văn nghệ quân đội, trở thành phó tổng biên tập của tạp chí, và vẫn nhận lời đi thỉnh giảng cho một số trường ở Hà Nội.

Quan trọng là Phạm Duy Nghĩa vẫn viết. Những câu chuyện nhẹ nhàng bay bổng mà nhiều trăn trở thời cuộc. Tôi từng nói với Phạm Duy Nghĩa và bây giờ nhắc lại: những câu chuyện này, một lúc nào đó xâu chuỗi lại và mở rộng ra thành tiểu thuyết, chắc chắn sẽ được nhiều người đọc hơn nữa.

 

------

* Người bay trong gió xanh, tập truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn 2022.