Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Con mắt

Alice Munro

Nguyễn Đức Tùng dịch

image

 

Khi tôi lên năm tuổi, mẹ tôi bỗng sinh thêm một đứa con trai, điều mà bà nói là do tôi lúc nào cũng đòi hỏi.

Vì sao mẹ tôi nghĩ thế thì tôi không biết. Bà nói về chuyện ấy một cách tỉ mỉ, chi tiết, toàn là tưởng tượng, nhưng khó mà cãi lại.

Một năm sau, một đứa bé gái ra đời, lại thêm một lần khó chịu nữa, nhưng lần này bớt nhặng xị hơn so với đứa con trai kia.

Trước khi đứa em đầu tiên của tôi xuất hiện, tôi không biết rằng cảm giác thật của mình có thể khác ra sao so với cách mà mẹ tôi mô tả về tôi. Cho đến thời điểm ấy cả ngôi nhà là nhà của mẹ, toàn tiếng bước chân, giọng nói, mùi của bà, thơm đầy hương phấn, nhưng đáng ngại, tràn ngập các phòng ngay cả khi mẹ tôi không có mặt.

Tạo sao tôi nói đáng ngại? Tôi không cảm thấy sợ hãi. Không phải là mẹ tôi thực sự đã bảo tôi phải cảm giác thế nào về mọi việc sao? Bà là quyền năng không cần đến việc đặt ra những câu hỏi hay nghi vấn. Không phải chỉ trong trường hợp một đứa em trai mới sinh nhưng cả trong những việc khác như bột ngũ cốc hiệu Hồng hà tốt cho tôi, vì vậy tôi phải ưa thích nó. Và trong sự tưởng tượng của tôi về bức tranh treo ở chân giường, lộ rõ cảnh Chúa Giê-su đau khổ trước những đứa trẻ nhỏ đến với ngài. Đau khổ ngày ấy có nghĩa khác, nhưng đó vẫn không phải là điều chúng tôi chú ý. Mẹ tôi chỉ tay về đứa bé gái khuất một nửa sau góc tường vì nó muốn đến với đức Giê-su nhưng ngượng ngùng xấu hổ. Đó là tôi, mẹ tôi bảo thế, và tôi cũng tin như vậy, mặc dù tôi không hề tự mình tưởng tượng ra cách nào nếu bà không bảo, mà tôi cũng không ao ước chi điều ấy.

Có một chuyện làm tôi cảm thấy thật đáng thương là chuyện Alice ở xứ sở thần tiên (1) to lớn và bị mắc bẫy trong cái hang thỏ, nhưng tôi cười phá lên vì mẹ tôi tỏ ra thích thú.

Chính từ lúc em trai của tôi ra đời, và câu chuyện nhắc đi nhắc lại về việc nó là một món quà tặng gởi đến cho tôi, mà tôi thừa nhận rằng những ý niệm của mẹ tôi về tôi khác xa biết bao những ý niệm của chính tôi về mình.

Tôi tin rằng tất cả những thứ ấy đã làm tôi sẵn sàng đón nhận chị Sadie khi chị đến làm việc cho chúng tôi. Mẹ tôi thu mình lại vào không gian riêng của bà bên những đứa con mới sinh. Không có mẹ thường xuyên bên cạnh, tôi có khả năng hơn nhận ra điều có thật và không có thật. Tôi đủ khôn ngoan, không nói ra việc ấy với bất kỳ ai.

Điều khác lạ nhất về Sadie – mặc dù đó không phải là điều được chú ý lắm trong gia đình tôi – là chị ấy vốn là người nổi tiếng. Thị trấn của chúng tôi có một đài phát thanh nơi chị chơi đàn ghi-ta và hát những bài mở đầu tự sáng tác.

“Xin chào, xin chào, xin chào, tất cả quý vị - ”

Và nửa tiếng đồng hồ sau, “Tạm biệt, tạm biệt, tạm biệt, tất cả quý vị.”

Giữa hai lần ấy chị hát những ca khúc được yêu cầu, và những bài chị tự chọn. Những người sành điệu trong thị trấn thường trêu chọc về bài hát của chị và về cả đài phát thanh, vốn được coi là cái nhỏ nhất ở Canada. Những người ấy nghe đài phát thanh Toronto với những bài phổ biến thời ấy – cả bài Ba con cá và con cá mẹ nữa – và với phát thanh viên Jim Hunter gào lên những tin tức chiến tranh đen tối. Nhưng người dân ở các nông trại yêu thích đài phát thanh địa phương và những bài ca của Sadie. Giọng chị mảnh và buồn, và chị hát về cô đơn và niềm thương tiếc.

Em tựa lên hàng rào

Bao quanh chuồng ngựa

Nhìn xuống hàng rào đổ bóng hoàng hôn

Nhớ người thương ôi giờ đi mất phương nào

Hầu hết các nông trại của xứ sở chúng ta đã được dọn dẹp khoảng một trăm năm mươi năm trước đây, và nếu bạn đứng ở một nhà nông nhìn ra, chỉ có thể thấy một căn nhà tương tự khác cách đó nhiều cánh đồng. Thế nhưng những bài hát mà người nông dân muốn nghe đều nói về chàng chăn bò cô độc, sự quyến rũ và nỗi thất vọng của những nơi chốn xa vời, tội lỗi cay đắng đã dẫn những kẻ phạm tội đến chỗ chết, khi trên môi của họ mấp máy tên người mẹ dấu y êu hay tên Thượng đế.

Đó là chủ đề bài hát của Sadie, với nỗi buồn sâu xa trong chất giọng nam cao (2) của chị, nhưng trong công việc của chị với chúng tôi, chị lại đầy sức lực và lòng tự tin, sung sướng được trò chuyện và hầu hết là trò chuyện về bản thân mình.

Thường khi cũng chẳng có ai để nói trừ tôi ra. Công việc của chị và của mẹ tôi làm họ ít gặp nhau và không hiểu vì lý do nào tôi nghĩ họ cũng không mấy thích thú trò chuyện với nhau. Mẹ tôi là môt người nghiêm khắc như tôi kể, bà từng dạy học ở trường trước khi dạy tôi ở nhà. Có thể bà cũng thích Sadie trở thành người mà bà có thể giúp đỡ, dạy cho cô đừng nói những tiếng lóng như “tụi bây” (3). Nhưng Sadie không hề tỏ ra cần sự giúp đỡ của bất cứ ai, hoặc phải tập nói khác đi cách mà cô vẫn nói.

Sau bữa ăn chiều, thật ra vào lúc trưa, Sadie và tôi còn lại hai người trong bếp. Mẹ tôi đi nghỉ một lát và nếu bà may mắn, mấy đứa bé kia cũng ngủ. Khi thức dậy bà mặc một loại y phục khác vì chuẩn bị cho buổi chiều vui vẻ, mặc dù chắc chắn bà có nhiều tã lót phải thay và một vài việc chẳng thú vị gì, tôi không muốn để mắt tới, khi đứa em nhỏ nhất của tôi tham lam bú vú mẹ.

Cha tôi cũng nghỉ trưa – khoảng chừng mười lăm phút trên chiếc ghế dài ngoài hiên với tờ báo Bưu điện chiều thứ Bảy úp lên mặt, trước khi trở lại làm việc ở chuồng gia súc.

Sadie đun nước trên ấm lò và rửa chén bát có tôi phụ giúp và kéo những màn cửa xuống tránh nóng.

Khi xong việc chị lau chùi sàn nhà, tôi quét khô nó, bằng một phương pháp mà tôi tự nghĩ ra – chơi trò trượt bánh xe trên những giẻ lau. Rồi chúng tôi lấy xuống những chồng giấy màu vàng có nhựa bám để bẫy ruồi, chúng được treo lên sau bữa ăn sáng, chất đầy những con ruồi đã chết hoặc đập cánh vù vù sắp chết, và treo lên những cuộn giấy khác, mà đến bữa ăn tối cũng sẽ đầy những con ruồi chết. Chính trong những thời gian ấy Sadie kể với tôi về cuộc đời mình.

Lúc ấy, tôi đã biết chú ý đến sự cách biệt tuổi tác. Người ta hoặc là trẻ con hoặc là người lớn, và tôi nghĩ chị ấy là một người lớn. Có lẽ chị khoảng mười sáu tuổi, hoặc mười tám, hoặc hai mươi. Dù vào tuổi nào, chị từng tuyên bố hơn một lần rằng chị chẳng vội vàng chi chuyện đi lấy chồng.

Chị tới các buổi khiêu vũ mỗi cuối tuần nhưng đi một mình. Đi một mình và cho mình.

Chị kể cho tôi nghe về khách sảnh khiêu vũ. Có một cái như vậy ở thị trấn, gần con đường chính, nơi trò chơi đẩy vật nặng trên băng (4) diễn ra vào mùa đông. Bạn trả một hào cho một lần khiêu vũ, rồi đứng lên và nhảy trên sàn nhảy với những người chung quanh trố mắt ra nhìn bạn, nhưng bạn bất cần. Lúc nào chị cũng tự trả lấy tiền, không muốn chịu ơn ai. Nhưng đôi khi có một chàng tranh lấy việc trả tiền trước. Anh ta liền hỏi liệu chị có muốn nhảy không và câu đầu tiên chị trả lời là, thế anh có biết nhảy không? Anh có nhảy được không? Chị hỏi thằng thừng. Thế rồi anh chàng ấy liền nhìn chị, tỏ vẻ buồn cười và nói có chứ, ý muốn nói là nếu không thì anh tới đây làm gì? Rồi cuối cùng, té ra đối với anh ta khiêu vũ tức là nhảy lóc cóc trên hai chân với những bàn tay núc ních mỡ và vã đầy mồ hôi nắm chặt lấy người chị. Đôi khi chị hất tay, để mặc anh chàng kia đứng như trời trồng, và nhảy một mình – chính là việc chị lúc nào cũng muốn. Chị kết thúc màn khiêu vũ đã trả tiền kia, và nếu người thu tiền phản đối và yêu cầu chị trả tiền cho hai người trong khi thật ra chỉ có một người nhảy thôi, chị liền bảo anh ta chuyện ấy xưa rồi. Họ cứ việc cười cợt đứng nhìn chị nhảy một mình nếu họ muốn.

Có một chỗ khiêu vũ khác bên ngoài thị trấn trên đường cao tốc. Bạn trả tiền vào cửa, mua vé không phải cho từng bản nhạc mà cho cả đêm. Nơi ấy có tên Hoàng Gia. Chị trả tiền cho mình. Thường có những người khiêu vũ giỏi hơn ở đó, nhưng chị bao giờ cũng coi xem họ nhảy nhót kiểu gì trước khi cho phép họ mời mình ra sàn nhảy. Thường đó là những người dân thành thị trong khi ở chốn khiêu vũ kia là nông dân. Họ có những cặp chân khá – những người ở thị trấn – nhưng không phải bao giờ chân cẳng cũng quan trọng nhất trong nghệ thuật khiêu vũ. Đó là nơi người khác muốn biết nhiều thứ về bạn. Đôi khi chị phải cảnh cáo họ và bảo họ chị sẽ làm gì nếu họ không dừng lại. Chị nói cho họ biết chị tới đó để nhảy và tự mình trả tiền lấy. Hơn nữa chị còn biết thúc mạnh tay vào chỗ nào của họ. Cái trò ấy khiến họ bừng tỉnh. Đôi khi cũng có người nhảy giỏi và chị lấy làm thích lắm. Thế rồi khi họ nhảy xong bản cuối cùng, chị liền trốn về nhà.

Chị không giống người khác, chị bảo. Không phải sợ bị bắt gặp.

Bị bắt gặp. Khi chị nói thế, tôi nhìn thấy một cái lưới bằng sắt to lớn phủ xuống, những con vật quái quỷ nhỏ bé nào đó chụp nó quanh bạn làm bạn chết ngộp, không cách gì thoát được. Sadie chắc là nhìn thấy cảm giác đó của tôi trên mặt, chị bảo em ơi đừng sợ.

“Không có gì đáng sợ trên đời này, chỉ cần em đề phòng cẩn thận.”

“Con và Sadie nói chuyện nhiều quá đấy,” mẹ tôi bảo.

Tôi biết một điều gì đó sẽ tới, cần chú ý hơn, nhưng tôi không biết đó là gì.

“Con thích chị ta, đúng không?”

Tôi bảo đúng.

“À tất nhiên rồi. Mẹ cũng vậy.”

Tôi hy vọng tất cả chỉ có thế và trong một lát tôi cũng nghĩ, chỉ có thế.

"Mẹ con mình ít có thì giờ với nhau từ khi chúng ta có mấy đứa bé. Chúng nó lấy hết thì giờ của ta, phải không nào?"

“Nhưng chúng ta yêu mến các em con, phải thế không?”

Tôi trả lời mau lẹ, đúng thế.

Mẹ tôi hỏi: “Đúng thế hả con?”

Mẹ tôi sẽ không ngớt nói nữa cho đến khi tôi bảo đúng thế, vì vậy tôi nói y như vậy.

Mẹ tôi rất muốn một thứ gì đó. Có phải đó là có bạn bè của bà không? Những người phụ nữ chơi bài bridge (5) trong khi chồng họ đi làm với com lê cà vạt? Không hẳn thế, không hy vọng thế. Có phải đó là tôi, một con bé ngày trước với những lọn tóc bó lại và có thể đứng im thật lâu vì chúng, hay những buổi đọc thuộc lòng bài giảng ngày chủ nhật của tôi? Mẹ tôi chẳng còn thì giờ làm mấy việc ấy. Và một điều gì đó trong tôi đã thay đổi, trở nên gần như bội bạc, mặc dù mẹ tôi không biết tại sao, tôi cũng không biết. Tôi không có bạn nào ở nhà trường ngày chủ nhật. Thay vì vậy, tôi tôn thờ Sadie. Tôi nghe mẹ tôi kể lại với cha tôi, con bé ấy tôn thờ Sadie.

Cha tôi bảo Sadie là một thứ của trời cho. Nói vậy nghĩa là gì? Cha tôi tỏ ra vui vẻ. Có thể câu ấy có nghĩa là ông sẽ không đứng về phía nào.

“Em ước gì chúng ta có những lề đường rộng rãi cho con bé,” mẹ tôi nói. “Có lẽ nếu chúng ta có những khoảng sân rộng để nó có thể tập chơi trượt pa- tanh và kết bạn với nhiều đứa khác.”

Toi cũng ao ước được chơi pa- tanh. Nhưng bây giờ mặc dù không biết tại sao, tôi biết tôi sẽ không bao giờ nói ra điều ấy nữa.

Rồi mẹ tôi đề cập một chuyện gì đó, rằng khi nhà trường khai giảng mọi chuyện sẽ tốt hơn. Một điều gì đó về tôi sẽ tốt hơn hoặc một điều gì đó bà e ngại về Sadie sẽ tốt hơn. Tôi không muốn nghe nữa.

Sadie dạy tôi một vài bài hát của chị nhưng tôi biết tôi hát chẳng hay ho gì. Tôi hy vọng đó không phải là chuyện mà mẹ tôi nhắc đến và bảo sẽ tốt hơn. Thực ra tôi không hề muốn việc hát ấy dừng lại.

Cha tôi không có chuyện gì để nói nhiều. Tôi là một thứ bổn phận của mẹ tôi, ngoại trừ khi tôi trở nên nhiều chuyện quá và bị trừng phạt thì không kể. Cha tôi chờ cho em trai tôi lớn lên và trở thành bổn phận của chính ông. Một đứa con trai thì không có gì phải lo cả.

Và quả nhiên em trai tôi không có gì phiền phức. Nó lớn lên tự nhiên thoải mái.

Bây giờ trường học đã bắt đầu. Khai giảng vài tuần trước đó, trước khi lá cây chuyển sang màu đỏ, rồi vàng. Giờ đây chúng rụng gần hết. Tôi không mang cái áo khoác đồng phục của nhà trường nhưng mang cái áo khoác rất đẹp của tôi. Cái áo có cổ và các cườm tay bằng nhung đen. Mẹ tôi mặc chiếc áo khoác bà dùng đi lễ nhà thờ và một cái mũ đội đầu che gần kín tóc.

Mẹ tôi lái xe tới một nơi chúng tôi cần phải tới. Bà không hay lái xe, và kiểu cầm lái của bà bao giờ cũng trịnh trọng, thế nhưng vẫn không chắc chắn như cách của cha tôi. Bà bóp còi inh ỏi mỗi khi rẽ lối.

Tới rồi, mẹ tôi bảo, nhưng mất một lúc lâu bà mới đưa xe vào đúng chỗ được.

Bây giờ chúng ta đã tới. Giọng nói của mẹ tôi rất khích lệ. Bà chạm vào tay tôi để tôi có thể cầm lấy tay bà, nhưng tôi giả vờ không để ý, mẹ tôi liền rút tay lại.

Ngôi nhà không có lối đi vào cửa cũng không có lối ngoài hiên. Nhà đẹp nhưng trơ trụi. Mẹ tôi đưa bàn tay mang găng lên gõ cửa, nhưng té ra không cần phải thế. Cửa đã mở sẵn cho chúng tôi. Mẹ tôi vừa mới nói một câu để khuyến khích tôi – đại ý như mọi việc sẽ mau lẹ hơn tôi nghĩ – nhưng bà không kịp nói hết. Giọng nói bà lạnh lùng nhưng tỏ ra an ủi. Giọng nói ấy thay đổi khi cánh cửa mở ra, trở nên khẽ khàng, dịu lại, khi bà cúi đầu xuống. Cánh cửa mở để cho một vài người nào đó bước ra, không phải để chúng tôi bước vào. Một trong những người phụ nữ vừa bước ra quay đầu gọi với lại bằng một giọng không hề cố làm cho dịu xuống.

“Bà ấy, mà cô ta giúp việc, và đứa con gái.”

Rồi một người đàn bà ăn mặc chững chạc tới gần nói chuyện với mẹ tôi, giúp bà cởi áo khoác ra. Mẹ tôi cởi áo ra và nói với người đàn bà kia, tôi đặc biệt yêu mến Sadie. Mẹ tôi hy vọng rằng việc đưa tôi tới đây là đúng cách.

“Ồ cô gái nhỏ bé ơi,” người đàn bà nói và mẹ tôi chạm nhẹ vào người tôi để tôi chào bà ta.

“Sadie yêu thích trẻ con,” người đàn bà kia nói. “Nó thực sự yêu thích.”

Tôi chú ý có hai đứa trẻ khác ở đó. Những đứa con trai. Tôi biết chúng ở trường, một đứa cùng học lớp Một với tôi, đứa kia lớn hơn. Chúng đứng nhìn ra, có lẽ từ trong bếp. Đứa nhỏ hơn miệng nhai đầy bánh bích quy trông hài hước còn đứa kia, lớn hơn làm mặt khỉ. Không phải về phía thằng bé nhai bánh mà về phía tôi. Bọn chúng ghét tôi thấy rõ. Bọn con trai thường tảng lờ không để ý đến con gái nếu chúng gặp bạn một nơi nào đó không phải nhà trường (ở trường cũng thế) hoặc chúng nhăn mặt nhăn mày và gọi bạn bằng những cái tên quỷ quái. Nếu tôi phải tới gần một tên trong bọn chúng, tôi liền cứng người lại, chẳng biết làm gì. Tất nhiên mọi sự sẽ khác nếu có người lớn quanh đó. Hai đứa trẻ này vẫn giữ im lặng nhưng tôi khổ sở vô cùng cho đến khi có một người nào đó lôi chúng vào trong bếp. Khi đó tôi bắt đầu nhận ra giọng nói đặc biệt dịu dàng và đầy thương cảm của mẹ tôi, đầy nữ tính còn hơn cả giọng nói của người đàn bà đang trò chuyện với bà, và tôi nghĩ có thể khuôn mặt có ý nghĩa hơn với mẹ tôi. Đôi khi có người bắt chước giọng nói của mẹ khi bà gọi tên tôi ở trường.

Người đàn bà trò chuyện với mẹ tôi, có vẻ là người đứng đầu, dẫn chúng tôi đến một phần của căn phòng, nơi có một người đàn ông và một người đàn bà ngồi trên ghế bành, có vẻ như họ chẳng biết vì sao lại ngồi đó. Mẹ tôi cúi người xuống và nói với họ với giọng kính trọng và chỉ về phía tôi.

“Con bé này thương Sadie lắm,” mẹ tôi bảo. Tôi biết lẽ ra tôi phải nói một cái gì nhưng trước khi tôi kịp nói, người đàn bà ngồi kia bèn rú lên một tiếng. Bà ta không hề nhìn chúng tôi nhưng tiếng thét của bà giống hệt như đang bị một con gì cắn hay ngoạm một miếng. Bà ta lấy tay đập mạnh một cái lên tay mình như thể để hất văng một cái gì đó nhưng nó không chịu rơi ra. Bà nhìn mẹ tôi như thể mẹ tôi là người phải làm gì đó về việc ấy. Ông già ngồi bên cạnh bảo bà im đi.

“Bà ấy tội nghiệp lắm,” người đàn bà dẫn đường cho chúng tôi bảo. Bà không còn biết bà đang làm gì. Cô cúi người xuống thấp hơn và nói, “Bây giờ, bây giờ, bà đang làm cho con bé kia sợ chết khiếp.”

“Làm con bé hoảng hồn,” ông già nói theo với giọng phục tùng.

Khi ông ta nói xong, bà già liền im bặt và chỉ còn lấy tay đập vào tay mình như thể không biết việc gì đã xảy ra với nó.

Mẹ tôi nói, “Tội nghiệp chưa.”

“Chỉ là một đứa trẻ thôi,” người đàn bà dẫn đường nói. Hướng về phía tôi cô ta bảo, “Đừng có lo em à.”

Tôi lo lắm, nhưng không phải về tiếng kêu rú của bà kia.

Tôi biết Sadie đang ở đâu đó trong nhà, nhưng tôi không muốn gặp chị ấy. Mẹ tôi chưa từng nói tôi phải gặp chị nhưng cũng không nói tôi không thể gặp.

Sadie đã bị giết chết trong khi đi bộ từ tiệm khiêu vũ Hoàng Gia. Một chiếc xe hơi tông vào chị ngay khoảng đường rải sỏi giữa bãi đậu xe của tiệm nhảy và lề đường thị trấn. Chị ấy chắc là đang vội vàng ra khỏi chỗ khiêu vũ như mọi khi, và không hề nghi ngờ rằng những chiếc xe hơi chạy qua không thấy được mình, hoặc chị đang có quyền của người đi bộ, hay có lẽ chiếc xe sau lưng chị đã quay vòng nguy hiểm hay có lẽ chị không chắc lắm mình đứng ở đâu. Chị bị xe đụng từ phía sau, chiếc xe trượt ra khỏi đường chạy của chiếc xe sau nó, và chiếc xe thứ hai này đang tìm cách bẻ ngoặt vào con đường của thị trấn. Có người đã uống nhiều rượu ở tiệm khiêu vũ, mặc dù bạn không thể mua rượu ở đó. Lúc nào cũng có tiếng bóp còi xe, la ó, tiếng hối thúc khi buổi khiêu vũ kết thúc. Sadie chạy lon ton dọc các lối đi trong tay không có cả đèn pin làm như thể những người khác có nhiệm vụ tránh chị.

Một đứa con gái không có bạn trai đi nhảy đầm, một bà bạn của mẹ tôi đã từng nói thế. Bà nói với giọng dịu dàng và mẹ tôi lầm bầm một điều gì đó hối hận.

“Như thế là tạo ra biết bao rắc rối,” bà kia tiếp tục nói với giọng nhẹ nhàng.

Tôi đã nghe mọi người trò chuyện ở nhà nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Mẹ tôi muốn làm một việc gì đó cho Sadie liên quan đến chiếc xe hơi đụng vào cô nhưng cha tôi ngăn lại. “Chúng ta không có vai trò gì ở thị trấn,” ông bảo. Tôi không cố gắng tìm hiểu về chuyện ấy bởi vì tôi không tìm cách để nghĩ về Sadie, chứ chưa nói về cái chết của chị. Khi tôi nhận ra chúng tôi đến nhà Sadie, tôi ước gì mình không phải đi nhưng tôi không biết cách nào để tránh được trừ khi phải làm chuyện đáng hổ thẹn.

Bây giờ sau cơn la hét của bà kia, dường như chúng tôi chỉ việc quay đi và trở về nhà. Tôi sẽ không bao giờ dám nói thế, rằng thật ra tôi sợ thấy người chết.

Vào lúc tôi nghĩ sắp được về nhà, tôi nghe mẹ tôi và người đàn bà, dường như cũng đồng lõa, nói về một điều gì đó đáng sợ hơn cả.

Nhìn mặt Sadie.

“Đúng thế,” mẹ tôi nói. “Tất nhiên chúng ta phải tới nhìn mặt Sadie.”

Một Sadie đã chết rồi.

Tôi luôn giữ mắt mình nhìn xuống, chỉ thấy mấy đứa con trai chẳng cao hơn tôi bao nhiêu, và những người già cả đang ngồi. Nhưng bây giờ mẹ tôi nắm tay lôi tôi đi qua hướng khác.

Có một chiếc quan tài vẫn đặt giữa phòng, nhưng tôi cứ nghĩ đó là thứ gì khác. Bởi chưa từng thấy, tôi không biết một chiếc quan tài có hình dáng ra sao. Vật mà chúng tôi tiến lại gần có thể là một cái kệ đặt các bó hoa, hay chiếc đàn dương cầm đậy nắp, chẳng hạn.

Có thể những người đứng quanh đó đã góp phần làm nó biến dạng đi về kích thước, hình thể và mục đích. Nhưng giờ đây họ rẽ lối, kính cẩn chờ mẹ tôi đi tới, bà nói với một giọng mới mẻ, hết sức dịu dàng.

“Tới đây con,” mẹ tôi bảo tôi. Kiểu đằm thắm của bà toát ra vẻ căm ghét, đắc thắng.

Bà cúi xuống nhìn vào mặt tôi và điều ấy, tôi biết chắc, là để ngăn một việc phải xảy ra với tôi- đó là nhắm chặt mắt lại. Rồi bà nhìn đi nơi khác nhưng nắm chặt tay tôi trong tay bà. Tôi cũng kịp hạ mí mắt xuống vừa khi mẹ tôi quay đi, nhưng tôi không thể nhắm chặt được vì sợ té hoặc lỡ ra có ai xô tôi một cái vào chỗ không muốn chút nào. Tôi chỉ vừa thấy bóng lờ mờ của những bông hoa cứng đơ và thấy lấp lánh màu gỗ đánh bóng.

Rồi tôi nghe mẹ tôi khịt mũi và bị bà lôi tuột đi. Có tiếng mở bóp của bà. Mẹ tôi phải cho tay vào đó, nên buông lỏng tôi ra và tôi nhân dịp này thoát khỏi tay bà. Mẹ tôi khóc thút thít. Nhìn thấy mẹ tôi khóc và khịt mũi, lòng tôi cũng dịu lại.

Tai nạn đã không chạm tới cổ và mặt của chị ấy nhưng tôi cũng không nhìn rõ, trong một lúc. Tôi có ấn tượng mọi thứ không khủng khiếp như mình tưởng. Thoạt tiên tôi nhắm mắt lại nhưng rồi không thể không liếc nhìn lần nữa. Trước hết, cái gối vàng đặt dưới cổ chị, cũng che một phần cổ họng và cằm và một bên má mà tôi nhìn rõ. Cách hay nhất là bạn nhìn thật mau một tí của chị ấy, thế rồi nhìn xuống cái gối, kế đó bạn nhìn lên tí nữa khi đã bớt sợ hãi. Và bây giờ là Sadie, toàn thể chị ấy, hoặc ít nhất một bên người chị ấy.

Một cái gì động đậy. Tôi nhìn thấy. Mí mắt của chị ở phía bên gần tôi bỗng dưng động đậy. Không phải chị mở mắt ra, cũng không phải mở hé hay một cái gì tương tự thế, nhưng mí mắt chị nhướng lên một chút xíu, như thể con mắt cố gắng làm thế, hay như thể bạn chính là chị ấy, bạn đang ở bên trong chị ấy, và có thể nhìn ra ngoài qua những hàng lông mi khép kia. Chỉ để phân biệt ánh sáng từ bên ngoài và bóng tối từ bên trong.

Lúc ấy tôi không ngạc nhiên lắm, lòng cũng không sợ hãi. Ngay lập tức điều nhận thấy ấy phù hợp với mọi thứ mà tôi biết về Sadie và bằng một cách nào đó cũng thích hợp với những kinh nghiệm riêng đối với tôi. Tôi không hề mơ sẽ gọi ai đó tới gần để nhìn thật kỹ sự động đậy kia, bởi vì điều ấy không dành cho họ, chỉ hoàn toàn dành cho tôi mà thôi.

Mẹ tôi cầm lấy tay tôi và nói chúng tôi phải ra về. Có một vài trao đổi qua lại nữa, nhưng chỉ thoáng một cái, chúng tôi đã ở bên ngoài.

Mẹ tôi nói, “Thế là tốt cho con lắm.” Bà nắm chặt tay tôi và bảo, “Bây giờ thì xong. Mọi chuyện qua rồi.” Bà phải dừng lại và nói chuyện với một người nào khác đang đi từ ngoài vào nhà, và rồi chúng tôi lên xe hơi lái về nhà. Tôi có cảm giác mẹ tôi muốn tôi nói một điều gì đó, hoặc kể lại cho bà nghe một chuyện, nhưng tôi không làm gì cả.

Không có bất cứ một thứ gì như thế nữa và rồi hình bóng của Sadie biến mất nhanh chóng trong đầu óc tôi, với bài vở tràn ngập ở nhà trường, nơi tôi học cách làm sao để đối phó, giữ cho được sự cân bằng giữa một bên là nỗi sợ hãi và một bên là thói khoa trương khoác lác. Thực tế là tầm quan trọng của Sadie đã biến mất trong tuần lễ đầu tiên của tháng chín. Khi chị nói với chúng tôi chị phải ở nhà để trông coi cha mẹ chị, vì vậy chị không thể làm việc cho chúng tôi nữa.

Nhưng rồi mẹ tôi phát hiện chị tới làm việc ở một tiệm bán phô mát.

Một thời gian thật lâu khi tôi nghĩ về chị, tôi không bao giờ thắc mắc việc tôi đã tin vào những điều mà người ta cố tình để cho tôi thấy. Lâu lắm, rất lâu về sau, khi tôi không còn thích thú gì về những trò mô phỏng không tự nhiên của con người, tôi vẫn còn giữ như in trong tâm trí mình những điều đã xảy ra. Tôi đã tin tưởng nó một cách quá dễ dàng, cách mà bạn tin tưởng và trong thực tế khăng khăng nhớ lại rằng bạn đã từng có một hàm răng khác, bây giờ nó đã biến mất nhưng dù thế, nó thực sự đã tồn tại. Cho đến một ngày, một ngày, khi tôi đã bước vào tuổi dậy thì, tôi liền cảm thấy, với một lỗ hổng mơ hồ trong lòng, rằng từ đây tôi sẽ không còn tin gì vào điều ấy nữa.

Chú thích của người dịch:

(1) Alice in Wonderland, tên đầy đủ là Alice’s Adventures in Wonderland, tiểu thuyết xuất bản năm 1865 của nhà văn người Anh Charles Lutwidge Dodgson, lấy biệt hiệu Lewis Carroll. Chuyện kể về cô gái Alice rơi vào cái hang thỏ và tới một thế giới huyền bí.

(2) Nguyên văn: alto.

(3) Nguyên văn: youse, tức là you’se, không phải là một chữ chính thức trong Anh ngữ hiện nay.

(4) Curling, trò chơi đẩy một vật nặng trên băng để tính điểm, xuất phát từ Scotland.

(5) Bridge, một loại bài tây, quân bài như bài “xì lác” hay “black jack”.