Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Nghĩ về nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự

Nguyễn Đức Tùng


brochure (3)

Tuyển tập Tiêu Dao Bảo Cự gồm 4 tập.

Lời Dẫn: Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, từ Đà Lạt, gửi cho chúng tôi truyện ngắn sau đây, cũng là một chương trong tiểu thuyết của anh, cuốn Trên đỉnh thanh xuân, viết từ năm 1967, khi anh còn là sinh viên ở Huế, trong phong trào Phật giáo miền Trung, những năm sôi động.

Bảo Cự sinh ngày 1 tháng 8 năm 45, tại Hương Trà, Thừa Thiên, là một người nổi tiếng, một nhân vật gây tranh cãi, một nhà bất đồng chính kiến, đối với cả hai chính quyền trước và sau năm 1975. Anh tham gia phong trào sinh viên phản chiến, sau này là Ủy viên Thường trực Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Anh bị khai trừ khỏi đảng cộng sản Việt Nam năm 1989, cùng với nhà thơ Bùi Minh Quốc, vì phản biện đường lối lãnh đạo của đảng cộng sản. Hà Sĩ Phu, Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh là bốn thành viên của nhóm trí thức độc lập có tên nhóm thân hữu Đà Lạt.

Từ khoảng năm 1993 Bảo Cự viết các bài phân tích chính trị, phê phán các chính sách của nhà cầm quyền, trả lời phỏng vấn của Thông Luận, Diễn Đàn, Người Việt, Thế kỷ 21, các đài phát thanh BBC, VOA, RFI. Một trong những tuyên bố của Bảo Cự tại đại học UC Berkeley là: "(ông) đã giúp cộng sản đánh đổ một chế độ tốt đẹp hơn cái chế độ cộng sản mà mình đã hy sinh cả tuổi trẻ để phục vụ".

Tám tác phẩm được xuất bản ở Mỹ: Nửa đời nhìn lại, Hành trình cuối đông, tập truyện Trên cả hận thù, Mảnh trời trên thung lũng, Tiếng chim báo bão… Bảo Cự là một nhân vật của lịch sử, nhiều quan điểm của anh có thể gây tranh luận, con đường mà anh đã đi qua có thể vẫn còn là những câu hỏi lớn, nhưng tấm lòng của anh đối với quê hương đất nước, mơ ước của anh đối với dân chủ và tự do, là hết sức rõ ràng.

Bảo Cự là một nhà văn, và về phương diện này, với số lượng sáng tác dồi dào, anh đã để lại những dấu ấn quan trọng đặc biệt trong thể bút ký và tiểu thuyết. Đọc anh là đọc cả một thời kỳ, câu chuyện của một thế hệ, của nhiều thế hệ đi tìm đường và lạc đường. Đó cũng là bi kịch của những người trí thức Việt sinh ra trong thời loạn. Ký hay tự truyện kể về thời đi học tại đại học sư phạm Huế, một thời điểm mà nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử với biết bao điều đúng và sai, tốt và xấu, nhiệt thành và nông nổi. Tác giả như một người trẻ tuổi đã hành động vì những tiếng gọi bên trong, không vì sự lãnh đạo của ai cả, vì trong sâu thẳm Bảo Cự là một nghệ sĩ tự do. Cuốn sách, với một chương được trích ở đây, là một câu chuyện của một giai đoạn đặc biệt, mênh mông tình yêu, dạt dào mê hoặc.

Bút pháp của Bảo Cự sáng, mãnh liệt, hiện thực, chứa không khí của thời đại mình đang sống. Đó là câu chuyện của tuổi trẻ trong môi trường đại học, của một người lớn lên trong chế độ tự do Việt Nam Cộng Hòa, nhận thức và phản ứng, chịu ảnh hưởng của một nền văn học nhân bản, chịu ảnh hưởng của phong trào Phật giáo, đã từng phân vân lựa chọn giữa nhập cuộc và đứng bên lề. Giữa những đợt sóng của thời đại, Bảo Cự còn có những quan hệ cá nhân xúc động, tình bạn, tình yêu.

Bảo Cự là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập.

Ngoài đời, anh là người bạn chân thành, tình cảm, thẳng thắn, đôi khi dí dỏm bất ngờ. Đọc anh thật thú vị, không những chỉ vì những chi tiết lịch sử mà còn vì lối viết phóng khoáng, vừa chất phác vừa tài hoa, táo bạo.

(Lời giới thiệu trên Trang Văn Học Miền Nam 21/1/2022) – NĐT

*

Đối với nhiều người, có lẽ Tiêu Dao Bảo Cự nổi tiếng như một nhà hoạt động xã hội, hơn là một nhà văn, nhất là từ năm 1988, khi anh cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà thơ Hữu Loan tổ chức chuyến đi dũng cảm, đòi hỏi tự do dân chủ, suốt chiều dài đất nước. Cho đến nay, hãy còn quá ít người được dịp đọc văn anh, trong tiểu thuyết, truyện ngắn, chân dung, bút ký, hồi ký. Đó là điều đáng tiếc. Mới đầu Bảo Cự viết như những ghi chép riêng tư, về những năm tháng đấu tranh ở Huế, thời sinh viên dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một thứ hồi ký, về sau anh thăm dò xa hơn những hình thức khác của văn học, nghiêng về sáng tác. Tuy vậy, đọc những trang viết của anh, dù thể loại nào, tôi vẫn thấy hiện lên rõ ràng trước mắt cuộc đời của tác giả, những nhân vật mà bạn tin là có thật.

Đứng trước chân dung Bảo Cự và thế hệ anh, lắng nghe câu chuyện mà anh kể, tôi tự hỏi, làm cách nào chúng ta có thể đi tìm sự thật trong quá khứ đất nước qua văn học. Sự thật ấy, trong văn chương Bảo Cự, là một sự thật cá nhân. Lịch sử xã hội được anh nhìn từ góc nhìn đặc biệt, đôi khi chỉ mình anh có. Cuộc đời hăng hái hoạt động từ lúc còn trẻ đã dẫn anh đi qua nhiều chặng đường, những khúc quanh oan trái, bóng tối nghiệt ngã, những năm khốn khó, nhưng đọc anh, tôi hình dung thấy ở đâu, lúc nào, anh cũng giữ được nụ cười trên môi, thông minh nhẫn nại, và nguồn sáng kỳ lạ trong tâm hồn. Nguồn sáng ấy như một ngọn đèn đêm thắp lên bên cửa sổ, cuối đường.

Văn chương không phải là phép lạ. Nó không thay đổi được cuộc đời chúng ta hay thay đổi một lịch sử đau xót. Nhưng đọc những dòng chữ của anh, chân phương, sáng láng, như chúng đi ra từ một suối nguồn trong vắt, cảm giác của tôi về nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự bao giờ cũng là muốn nhận lấy trọn vẹn kiến thức, kinh nghiệm, những nhầm lẫn, những điều chỉnh, những bài học, mà anh cố gắng truyền lại cho chúng ta, và trên tất cả, lòng thương yêu đối với cuộc đời bất tận.

Tôi đọc Tiêu Dao Bảo Cự từ lâu, nhưng ít thôi, gần đây mới có dịp đọc anh nhiều hơn. Tôi bắt đầu hiểu được cuộc đời anh và một giai đoạn lịch sử dài qua những trang viết, hiểu một cách đầy đủ và sâu xa hơn. Chữ của anh dẫn tôi tới với một thời chiến tranh đã qua, nhiều mơ mộng, một thời hòa bình mà loạn lạc, đi theo anh vào những suy nghĩ sâu kín, những hồi tưởng buồn rầu và nghiêm khắc, những tình thân ái bao la, với bạn bè, với người nữ, với quê hương. Trong văn anh ít thấy bóng dáng của kẻ thù, kẻ địch, đối phương, sự thù hận, mặc dù có thể vẫn có, vì đó là lịch sử có thật, mà thấy nhiều hơn bằng hữu, người đồng hành, người yêu dấu. Điều ấy chính là hạnh phúc, tôi nghĩ, của một con người.

Tôi mong được đọc nhiều hơn nữa những trang văn của anh tả lại cảnh sống, sự gặp gỡ khách quan, chi tiết và chừng mực, với nụ cười nhẹ nhõm đằng sau, đôi khi cay đắng, đôi khi hiền lành, khi nào cũng dí dỏm. Tôi tìm thấy trong giọng điệu dịu dàng ấy của anh sức mạnh của các nguyên tắc, sự an nhiên của một tâm hồn được tôi luyện, sự ấm áp của ngọn lửa tình yêu. Tôi nghĩ rằng nếu một người đọc anh thật kỹ, nếu họ không bỏ cuộc, thì trước sau gì người ấy cũng đem lòng kính mến một tác giả có quá khứ sôi nổi, đã trải qua biết bao niềm vui và những ngày đen tối, một nhà văn chân thật, tài năng, và nhân hậu vô cùng.

Nguyễn Đức Tùng

Phụ lục hình ảnh:

NDT TDBC

Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự & nhà văn Nguyễn Đức Tùng.