Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Một kỷ niệm buồn mà rất vui về bài hát “Tâm tình người thủy thủ”

Hà Nhật

Sau mùa hè 1962, tôi giã từ miền núi Tây Nghệ An, về Quảng Bình, rồi nhận luôn quyết định trình diện nhận việc tại Ty Giáo dục Quảng Bình.

Hay quá, tôi được ở gần nhà, gần mẹ và em.

Hoá ra lại chẳng hay chút nào.

Từ một giáo viên Văn cấp ba, tôi trở thành một giáo viên “toàn cấp”, nghĩa là dạy đủ thứ lớp. Trước hết, tôi dạy cho các anh chị xã viên từ các xã, rồi các anh chị công nhân từ các nông lâm trường. Gọi học trò lên hỏi bài, tôi toàn phải gọi là đồng chí. Vui nhất là thỉnh thoảng dạy thay tại các lớp của anh chị em người dân tộc. Có phải vất vả dạy dỗ gì đâu. Chỉ phải dạy họ cầm sách đọc sao cho đúng: Đàn lợn của cụ Hoàng Hanh. Thế mà họ dứt khoát chỉ đọc: Đan lơn cùa cu hoang hành!

Rồi một bài khác thì họ đọc: Đật nược ta cọ nhiêu dận tóc, dận tóc Kinh, dận tọc Nung…

Nhưng họ rất khoái khi nghe tôi giảng bài: Ba mươi tết có thịt treo trong nhà nghĩa là gì? Nghĩa là: pay chịt tết bưn xách tờ leo tăng đông.

Nhìn thấy họ mặt tươi cười, tôi cũng khoái chí.

Vui nhất là lúc đi lại trong khuôn viên trường, có em chào tôi:

- Thây chà đôi doa? (Thầy ăn cơm chưa)

Tôi đáp ngay:

- Chà mâm (ăn rồi).

Thỉnh thoảng họ còn rủ:

- Thây pờ nhing phim (đi xem phim).

Tôi dạy đủ thứ lớp, riêng cái lớp bổ túc cán bộ thì, dù có lúc thiếu người, tôi không bao giờ được gọi lên lớp. Bởi một anh không có lập trường như tôi, làm sao dạy họ được. Càng khỏe!

Sở dĩ tôi kể cà kê thế này là để nói lên rằng, cái mà người ta gọi là vị thế của tôi ở Quảng Bình ngày ấy nó thảm hại đến mức nào!

Vậy là có một lần một đoàn gọi là “văn công trung ương” vào biểu diễn tại Quảng Bình. Nơi diễn chính là cái gọi là Hội trường tỉnh ủy. Chỉ những ai có giấy mời của tổ chức mới được vào xem. Tất nhiên tôi không thể có được cái giấy mời ấy.

Tuy vậy, tối ấy tôi cũng lóc cóc đi bộ từ đồi Thuận Lý xuống, biết đâu gặp may một người gác cửa là người quen, cho tôi lỏn vào? Không có vận may nào. Tôi lững thững qua lại, rồi ghé xem tờ giấy to tướng ghi chương trình đêm diễn. Lướt nhanh các hàng chữ, tôi đọc thấy một hàng ghi rõ:

- Bài ca Tâm tình người thủy thủ, nhạc Hoàng Vân, lời phỏng thơ Mai Liêm, đơn ca: Kiều Hưng.

Người tôi lúc ấy như nóng bừng lên. Chua chát thế!

Thật ra thì thời gian ấy, bài hát này ra đời chỉ mới mấy tháng. Một đứa bạn gửi thư cho tôi cho biết “Tối qua tao vừa nghe trên Đài phát bài hát phổ bài thơ của mày, người hát là Quý Dương”. Tôi biết vậy, nhưng làm sao có “đài” để nghe!

Cho đến lúc này tôi chưa hề biết mặt ngang mũi dọc của cái bài hát ấy thế nào. Đây đúng là dịp may hiếm có.

Nhưng làm thế nào bây giờ? Cửa hội trường đã đóng kín. Đêm diễn đã bắt đầu.

Rồi trong cái khó cũng ló cái khôn. Đợi đến lúc mọi người đã về hết, tôi nhẹ nhàng đi ra phía sau ngôi nhà. Tôi đoán không sai, phía ấy có hàng rào, nhưng tôi dễ dàng lách qua, cho đến lúc tiếp cận được cánh cửa mở hé phía sau sân khấu. Tôi đứng một lúc rồi có người đi đến. Tôi nói nhỏ:

- Làm ơn nói với anh Kiều Hưng tôi muốn gặp.

Nói xong câu đó, tôi hơi run. Nhưng rồi ông Kiều Hưng bước ra, hỏi với một vẻ rất ngạc nhiên:

- Tôi là Kiều Hưng. Có gì không đồng chí.

- Nói thật, tôi là Mai Liêm, tác giả lời bài hát Tâm tình người thủy thủ. Tôi không có giấy mời vào xem biểu diễn.

Kiều Hưng à lên, rồi rủ:

- Thôi, anh cứ tạm vào đây đứng chơi với anh chị em diễn viên, vừa xem cũng được. Tôi xúc động quá.

Tuy nhiên, đứng một lúc, tôi lại nghĩ rằng đứng ở chỗ này thì làm sao xem được biểu diễn, nhất là sắp đến lúc Kiều Hưng sẽ hát “bài hát của tôi”.

Thế là tôi nhẹ nhàng men ra phía trước sân khấu, nhẹ nhàng bước xuống, đi đến khoảng lối đi giữa hai hàng ghế ngay sát sân khấu. Biết chắc đây là chỗ ngồi của các đại biểu quan trọng, tôi không thể sơ suất. Tôi nhẹ nhàng tụt đôi dép lốp của mình ra, lấy nó làm ghế cho riêng mình và lẳng lặng ngồi xuống.

Ai ngờ, một lát sau, từ trên sân khấu, một cô gái bước xuống, hai tay bưng đến một chiếc ghế và mời tôi ngồi.

Những năm sau này, tôi từng nghe bài hát của mình rất nhiều lần, nhưng chưa có lần nào tôi cảm thấy bài hát ấy hay và đầy hồn như lần đó!

Tôi cũng nhớ mãi và biết ơn ca sĩ Kiều Hưng!

Không ngờ tôi còn có thêm một kỷ niệm này nữa vào 15 năm sau.

Lúc ấy tôi đang dạy ở Phan Thiết. Một cậu bạn tôi làm việc ở Ty Văn hóa, một hôm rủ tôi về nhà nó ăn cơm. Vợ nó là diễn viên múa, nhà nó là một căn phòng trong khu nhà ở của Đoàn Văn công tỉnh. Trong khi chờ vợ nó chuẩn bị bữa ăn, nó dắt tôi đi qua mấy nhà hàng xóm. Ngay cạnh nhà nó là nhà nghệ sĩ biên đạo múa Đặng Hùng (sau này là Nghệ sĩ Nhân dân, vừa mất cách đây không lâu ở Sài Gòn). Cạnh nhà ông này là chỗ ở của một diễn viên múa. Khi tôi được giới thiệu, cô ta ồ lên ngay:

- Anh không nhận ra em à? Em chính là cái con bé ngày ấy đã vác cái ghế cho anh ngồi đó.

Chao ôi, biết bao nhiêu là nghĩa tình.

Đời tôi là thế, giữa những cái buồn, vẫn có cái vui. Dẫu sao, cuộc đời cũng cho tôi nhiều lắm.