Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Ký ức riêng và lịch sử chung – vẻ đẹp lấp lánh của nỗi bi thương

(Đọc Phải sống của Van B. Choat và The Best We Could Do của Thi Bui)

Nguyễn Hồng Anh

image_thumb2

   

Tôi dành một tuần để đọc hai tác phẩm về chiến tranh Việt Nam của hai tác giả người Mỹ gốc Việt: một viết bằng tiếng Anh, The Best We Could Do của Thi Bui (Nxb Abrams ComicArts, 2017) và một đã dịch ra tiếng Việt, Phải sống của Van B. Choat (Nxb Phụ Nữ, do Phương Nam Book ấn hành 2017). Điểm chung của cả hai là đây đều là tác phẩm đầu tay của các tác giả nữ, và đều chọn đề tài và hình thức sáng tác thường thấy với các nhà văn di dân gốc Việt: hồi ký về chiến tranh.

Ký ức riêng

Phải sống kể câu chuyện đời riêng của một bé gái bốn tuổi, trải qua nhiều sóng gió cho đến khi trở thành một người vợ, người mẹ. Cô bé ấy tên khai sinh là Nguyễn Thị Hiền, sau đổi thành Bích Vân và khi viết hồi ký lấy tên là Van B. Choat theo họ chồng. Câu chuyện trải dài qua cuộc chiến tranh Việt Nam, qua hai vùng lãnh thổ Việt - Mỹ và cuộc đời với nhiều thân phận bị/ được dán nhãn: trẻ mồ côi, con nuôi, đứa trẻ vô thừa nhận, người vợ, người phụ nữ goá chồng, Việt kiều. Đoạn đời nào cũng ăm ắp sự kiện riêng - chung, nhưng dễ nhận thấy lịch sử chỉ là phông nền, là nguyên cớ để làm nổi bật số phận bất hạnh – như rất nhiều những số phận chung khác trong chiến tranh.

The Best We Could Do được trình bày theo một cách thức hơi khác. Thứ nhất, đó không chỉ là chuyện kể bằng chữ, mà câu chuyện về một gia đình thuyền nhân được kể dưới hình thức truyện tranh, rất sống động và thay thế được hiệu quả biểu đạt của ngôn từ (đáng ngạc nhiên là tác giả tự học vẽ). Thứ hai, hàm lượng sự kiện lịch sử trong tác phẩm ngang ngửa với câu chuyện gia đình riêng vốn được phân bố thành hai tuyến chính, tuyến truyện về người cha và tuyến truyện về người mẹ, cho thấy nỗ lực của tác giả trong việc tìm tòi và nhận thức về lịch sử chiến tranh Việt Nam từ thời thuộc Pháp cho đến khi Sài Gòn sụp đổ.

clip_image002[4]

Một trang truyện từ The Best We Could Do

Sự khác nhau đó giữa hai tác phẩm cũng khá dễ hiểu: Vân trong Phải sống đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn nhất cuộc đời ngay tại Việt Nam những năm 60-70: ba và mẹ chết trong một trận thảm sát tại đồn lính ba đóng quân, Vân cùng anh chị em mình bị hành hạ thể xác và tinh thần bởi những người bà con xem mấy đứa trẻ mồ côi giờ đây là gánh nặng, chứng kiến chiến tranh sát cửa nhà trong trận Mậu Thân tại Sài Gòn, bị lạm dụng, v.v. Ký ức về Việt Nam của Vân hoàn toàn là ký ức trải nghiệm trực tiếp, trước khi đến Mỹ năm 15 tuổi. Còn Thi Bui sinh ra vào đúng 1975, những gì cô kể lại là những “research” và ghi chép từ hồi ức của ba má mình – một tiếp nhận trung gian mà có lẽ bằng tranh vẽ mới đủ mang lại kinh nghiệm đầy xúc cảm: trải nghiệm thị giác đã khoả lấp được khoảng trống của ký ức gián tiếp.

Thêm vào đó, Vân thuộc thế hệ di dân 1.5 – tức những người trải qua thời thơ ấu/ thiếu niên tại Việt Nam trước khi đến Mỹ – nên cách kể chuyện của cô là lịch sử của một cá nhân đặt trước và trong lịch sử một cuộc chiến, cho thấy cá nhân ấy đã sống sót và vượt qua số phận như thế nào. Và vì rời Việt Nam theo chế độ có thân nhân là người Mỹ, trước thời khắc 30.4.1975, nên lịch sử chiến tranh, với Vân, cũng đã dừng lại tại điểm mốc đó. Trong khi Thi Bui thuộc thế hệ thứ 2, là con cái của gia đình thuyền nhân, sống và trưởng thành hoàn toàn trong lòng nước Mỹ, nên mang tâm thế của người “tìm về”/ “tìm biết” chứ không phải “sống với”/ “sống cùng” lịch sử, vì thế câu chuyện riêng của gia đình cô đặt song song với lịch sử chung, một số chi tiết hoàn toàn tách biệt – như những trang vẽ về tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một người Cộng sản vào Mậu Thân 1968 và câu chuyện về người ký giả chụp bức ảnh nổi tiếng ấy. Và vì mang thân phận “thuyền nhân”, nên chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt khi họ rời thuyền: ½ câu chuyện của Thi Bui đặt trọng tâm vào giai đoạn hậu chiến với những nỗi sợ từ người lớn phủ bóng lên thế hệ sau, những đứt gẫy văn hoá và tình người là hệ quả của chiến tranh; chiến tranh vẫn diễn ra âm thầm giữa xứ sở tự do, một cách nào đó.

Lịch sử chung

Dù trần thuật bằng cách thức nào, thì mục đích của các hồi ức chiến tranh trong dòng văn học di dân của thế hệ 1.5 và 2 vẫn quy về điểm chung: hoà giải với quá khứ. Nhưng khoan hãy nói câu chuyện “hoà giải”, vì trước mắt ta bày biện ra quá nhiều những bi thương. Có điều, tôi sẽ gọi đó là nỗi bi thương lấp lánh, vì sau cảm xúc đau xót, ám ảnh cùng với nhân vật, tôi không thấy sự căm giận, tủi hờn, mà ngược lại là hình hài của tình yêu.

Tôi hiểu rằng đó là tình yêu lưu truyền, mà khi đã hấp thụ từ huyết thống thì dù có bị tước đoạt, vẫn mãi là di sản thiêng liêng nuôi dưỡng tinh thần. Đó là tình yêu của người mẹ đến giờ phút hấp hối vẫn cố cho đứa con ba tháng tuổi bú, vẫn hỏi bé Hiền (tức Vân) thích ăn gì mẹ mua. Đó là tình yêu của bà ngoại cưu mang đàn cháu mồ côi qua hết cuộc thăng trầm này (trầm nhiều hơn thăng) đến nỗi vinh nhục khác (nhục nhiều hơn vinh), hết sức bảo vệ mấy đứa cháu trong sự bất lực của thân phận yếu hèn, ăn nhờ ở đậu, mỗi đêm chỉ biết tự đấm ngực ăn năn tội chứ không chút nào trút nỗi bực dọc lên trẻ thơ. Và cũng như Phải sống, tình mẫu tử trong The Best We Could Do cũng là thứ di sản có khả năng biến cải tâm hồn, khiến Thi trong phút giây trở thành mẹ và những ngày chăm sóc con vất vả trong bệnh viện mới hiểu sâu sắc đoạn trường “Má” đã trải qua để giữ bốn đứa con và một cuộc hôn nhân nhiều phần rách nát đi qua chiến tranh và thời hậu chiến khó khăn. Mẹ hiện về trong đêm tân hôn của Vân và sau này khi Vân mất đi người chồng tuổi đời quá trẻ do bị ung thư, cũng như giọng nói của Má với tông giọng nhẹ nhàng, âm sắc tiếng Việt như tiếng nhạc, trở lại trong phút giây Thi bồng đứa con nhỏ trong lòng, đều là di sản về tình yêu thương vọng về từ ký ức xa xăm nhưng bền vững, giúp họ đi qua nghịch cảnh, nâng đỡ họ dậy từ nỗi đau, và từ đó họ không bao giờ gục ngã nữa. Thứ tình yêu lưu truyền ấy được khắc hoạ rất rõ qua mối dây liên kết giữa những người phụ nữ. Phụ nữ thường thuộc về phe yếu thế, bị loại trừ, bị nạn nhân hoá trong diễn ngôn chiến tranh, nhưng hình ảnh của người bà, người mẹ, người chị trong hồi ký của hai tác giả nữ hiện lên đầy nội lực và giàu nghị lực sống, nói như Vân: “Con sẽ sống bởi vì con là một người con gái và là một người chị, và ngôi mộ không phải là mục đích của con” (tr.221).

Với những thân phận đã sống qua bi kịch, đối diện với quá khứ đã là khó, huống chi là tha thứ và yêu thương. Vậy mà đoạn kết của cả hai tác phẩm đều hướng đến cái đích đó, tuy ứng xử có phần khác nhau. Vân cùng hai người con trai trở về Việt Nam, về lại Hồng Ngự nơi có đồn lính của ba, đứng bên sông Tiền nơi mẹ nằm lại và hứa rằng lịch sử của ba mẹ, của gia đình mình sẽ không bao giờ bị lãng quên, và thế hệ sau sẽ còn kể lại và ghi nhớ. Trong lúc đó, với Thi Bui, ban đầu cô nghĩ rằng bằng việc kể câu chuyện gia đình, cô có thể “thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, có thể lấp đầy khoảng trống giữa bố mẹ và mình” (tr.35), và hệ quả kéo theo là cảm giác về gánh nặng từ quá khứ của họ chuyển sang vai cô, rồi biết đâu chính cô sẽ gieo “cái gen buồn thương” cho chính đứa con của mình, dù vô thức đi nữa. Nhưng lịch sử cần kể lại để khép lại nỗi buồn, chứ không phải để tiếp tục nuôi dưỡng đau thương, nên Thi đã có thể nhìn thấy “tự do” nơi đứa con trai nay đã lên mười – tự do trong một đời sống mới, không còn vương lại chút nào của mất mát và chiến tranh.

Tôi vẫn bảo lưu suy nghĩ về việc cần kể lại ký ức chiến tranh, không phải để in hằn thêm nỗi đau buồn, mà là để đoạn tuyệt với ý niệm: chiến tranh là một định mệnh của dân tộc này – như cách hầu hết người nước ngoài nhìn về Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Thế hệ nhà văn Mỹ gốc Việt, như Van B. Choat, như Thi Bui, nhìn về quá khứ với nhận thức mới, cùng với phương tiện Anh ngữ, đã tạo lập nên diễn ngôn khác về chiến tranh Việt Nam: chiến tranh là nỗi bi thương, nhưng là nỗi bi thương lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu và sự xoá bỏ hận thù – như lời Van B. Choat nói trong buổi ra mắt sách ở quê nhà: “Tôi không viết hồi ký về cuộc chiến, tôi viết về nỗ lực của một con người” [1]. Bằng những trang hồi ký chân thật về đời riêng, họ đã thực sự viết lại lịch sử chung, viết lại để bước qua vĩnh viễn.

N.H.A, 9/2022

------

[1] https://tuoitre.vn/dung-noi-ve-cuoc-chien-hay-noi-ve-con-nguoi-20170909135758328.htm