Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Hiện tượng tác phẩm văn học xuyên không của Trung Quốc viết lại lịch sử với tư tưởng đại bá

Hà Thanh Vân

Tôi là người đọc khá nhiều thể loại văn học đương đại mang tính đại chúng của Trung Quốc: ngôn tình, tiên hiệp, quan trường, đô thị, quân sự, xuyên không, huyền huyễn, cung đấu, gia đấu… Tôi nhận ra một điều rất rõ nét trong nhiều tác phẩm này, đó là sự đề cao dân tộc Trung Hoa, coi thường các dân tộc khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên và các dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Tuy nhiên có lẽ loại truyện xuyên không thể hiện đậm đặc nhất tư tưởng “đại bá” và “bành trướng” của Trung Quốc.

Tôi vừa đọc xong tác phẩm “Bắc Tống phong lưu” của tác giả Nam Hi, nội dung kể về nhân vật Lý Kỳ, một anh chàng đầu bếp ở thời hiện đại xuyên không về thời Tống, ngay trước khi Trung Quốc bị nước Kim xâm lược và nhà Tống chạy xuống phía Nam lập nhà Nam Tống (1127). Với khả năng nấu ăn của mình, anh chàng Lý Kỳ này đã từng bước tiến thân, tham gia vào việc triều chính và trở thành Xu mật sứ, người nắm toàn bộ quân quyền của triều Tống. Cũng nhờ khả năng biết trước tương lai, cùng với những tư duy và kiến thức của người hiện đại, nên với sự giúp sức của Lý Kỳ, nhà Tống không thua trận trước nhà Kim mà đã chiến thắng, mở rộng, thâu tóm các quốc gia lân cận như Đại Lý, Cao Ly, Tây Hạ, Cao Xương Hồi Cốt… và một loạt các quốc gia Trung Á, mở đường sang châu Âu. Cuối cùng anh chàng Lý Kỳ xâm chiếm Nhật Bản, lên ngôi Thiên Hoàng và thiết lập hình thức liên bang với Đại Tống.

Tất nhiên đây là tác phẩm văn học, lại là thể loại xuyên không nên có thể hư cấu thoải mái, song tôi để ý mấy nội dung sau của tác phẩm. Thứ nhất là tác phẩm nhấn mạnh chính sách “viễn giao cận công” của Trung Quốc. Chính sách này là đặt quan hệ ngoại giao với các nước ở xa, tấn công xâm lược các nước ở gần. Suốt mấy ngàn năm lịch sử các triều đại của Trung Quốc đều áp dụng triệt để chính sách này. Minh chứng lịch sử thì có lẽ chúng ta đều đã biết, từ chuyện xâm lược Việt Nam đến chuyện đón tiếp nồng hậu các sứ giả ngoại giao đến từ các nước vùng Trung Á, Tây Á, và chuyện cho phép người phương Tây làm quan trong triều đình. Tuy nhiên, trong tác phẩm “Bắc Tống phong lưu”, khi thực hiện “viễn giao” thì nhà Tống sau khi thiết lập quan hệ đồng minh, sẽ tìm cách khống chế các quốc gia đó thông qua con đường kinh tế, khiến cho các quốc gia đó phụ thuộc kinh tế hoàn toàn vào Trung Quốc và dần dần trở thành nước chư hầu. Hoặc thông qua “viễn giao” ngấm ngầm cổ vũ các thế lực ở quốc gia đó đấu tranh nội bộ, buộc một phe phải cầu viện nhà Tống, từ đó nhà Tống đưa quân xâm nhập và tiến hành chính sách đồng hóa về văn hóa, kinh tế. Chẳng hạn như ở Nhật Bản đầu tiên nhà Tống ủng hộ phe võ sĩ đạo đấu tranh với hoàng tộc Nhật Bản. Sau đó lấy cớ hỗ trợ đồng minh, nhà Tống đưa quân sang Nhật, nâng đỡ một dòng họ võ sĩ lên ngôi Thiên hoàng, rồi tiến hành chính sách đồng hóa, cuối cùng lật đổ hoàng tộc Nhật Bản và lên ngôi thay thế.

Về chuyện “cận công” thì đáng chú ý có chuyện tiêu diệt Nam Ngô, tức là Việt Nam ngày nay. “Bắc Tống phong lưu” miêu tả rất kỹ nỗi nhục và nỗi căm thù của triều Tống kéo dài cả gần một thế kỷ khi bị Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh phá ba châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075–1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy. Chính vì thế Lý Kỳ đã quyết tâm “viết lại lịch sử” bằng cách mang quân đi xâm lược Nam Ngô và dĩ nhiên là kết thúc bằng thắng lợi. Nam Ngô (tức là Việt Nam) trở thành một quận của Trung Quốc. Tác phẩm “Bắc Tống phong lưu” miêu tả Lý Kỳ mang các danh tướng Nhạc Phi, Hàn Thế Trung đi đánh Nam Ngô và trận quyết chiến diễn ra trên sông Phú Lương với phần thắng thuộc về quân Tống. Sông Phú Lương là một tên gọi khác của sông Như Nguyệt, còn gọi là sông Cầu, và chính là tác phẩm cố tình gợi nhắc đến phòng tuyến sông Như Nguyệt nổi tiếng trong lịch sử của Lý Thường Kiệt. Trong tác phẩm, Nam Ngô được miêu tả như là một nơi rừng thiêng nước độc, người dân nhỏ yếu, triều đình hèn hạ. Về sau nơi này trở thành một quận chuyên trồng cây… cà phê cung cấp cho Trung Quốc.

Dẫu biết rằng đây chỉ là một tác phẩm văn học đại chúng bình thường trong hàng vạn tác phẩm kiểu này ở Trung Quốc, song khi đọc tôi vẫn cảm thấy khó chịu, bực bội bởi sự xuyên tạc trắng trợn về lịch sử dưới cái lốt “xuyên không”. Hơn thế nữa, tác phẩm này ngoài chuyện kích động lòng tự hào dân tộc một cách cực đoan, tuyên truyền tư tưởng đại bá thông qua một nhà nước Đại Tống, phải chăng cũng là thể hiện giấc mơ về một “Đại Trung Quốc” và những chính sách như “viễn giao cận công” mà tác phẩm miêu tả với những âm mưu, thủ đoạn có lẽ cũng không xa lạ gì với những sự thật lịch sử không chỉ từ thời xưa mà còn cả trong những năm tháng gần đây.

Tiếc thay các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam hầu như không có mấy ai quan tâm đến mảng văn học đại chúng đương đại của Trung Quốc với đa dạng thể loại (lên đến hàng chục loại) để có những sự nhìn nhận, đánh giá cho chính xác cái hay, cái dở và nếu cần thì lên tiếng cảnh tỉnh cho độc giả Việt Nam biết những thông điệp, tư tưởng gì mà những cây bút Trung Quốc đang tuyên truyền lồng ghép trong những trang văn. Thêm nữa, khi theo dõi bình luận của bạn đọc Việt Nam trên các trang mạng, tôi giật mình ngỡ ngàng khi bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự lên án, khó chịu với tác phẩm thì có không ít ý kiến khen hay, hấp dẫn và lôi cuốn.

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng

Không có mô tả ảnh.

(Ảnh chụp ở đền thờ Nhạc Phi, bên bờ Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc).