Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Quê hương thứ hai (Kỳ 4)

284946478_2496282233836348_3971440609487078150_n

 

“THE VIRGINIAN” CỦA OWEN WISTER

Như nói ở bài trước, “The Virginian” của Owen Wister được coi quyển tiểu thuyết đã sản sinh ra một nền văn học mới: Văn học miền Viễn Tây. Nền văn học này chủ yếu đề cập đến cuộc sống của các chàng chăn bò miền Tây nước Mỹ khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Xuất hiện cả dưới dạng truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, nó ca ngợi sự chinh phục của người da trắng đối với thế giới tự nhiên, bao gồm cả dân tộc Da đỏ, như một “thiên thư định mệnh”, mô tả tính nghĩa hiệp của các chàng cao bồi sẵn sàng xả thân cứu nguy người đẹp gặp nạn hoặc đám dân làng bị áp bức, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của những quy tắc bất thành văn về danh dự ở một thế giới hoang dã và vô pháp.

Tiểu thuyết “The Virginian” của Owen Wister do nhà Macmillan xuất bản năm 1902, tháng đầu tiên bán được 20.000 bản, năm đầu tiên bán được 300.000 bản. Tính đến nay, nó được coi là một trong những tiểu thuyết Mỹ bán chạy nhất mọi thời đại với tổng cộng hơn hai triệu bản bìa cứng và vô số bản bìa mềm, được đưa vào chương trình học cả phổ thông lẫn trung học, được dựng thành phim 6 lần và được coi là nền tảng cho các bộ phim cao bồi về sau. Tiếp theo “The Virginian”, một loạt các tiểu thuyết khác của Zane Grey, Louis L'Amour, Elmore Leonard, Leigh Bracket, Larry McMurty, Tony Hillerman cũng ra đời và đều được chuyển thể thành phim truyền hình hoặc phim chiếu rạp.

Truyện “The Virginian” tóm tắt như sau: Tác giả, nhân vật xưng ‘tôi” trong truyện và là cư dân New York, được Thẩm phán Henry mời đến chơi trên trang trại nuôi bò của mình ở vùng Bear Creek hẻo lánh và khá xa thị trấn Medicine Bow, bang Wyoming. Khi đến Medicine Bow, là ga cuối, tác giả nhìn qua cửa sổ xe lửa thấy một đám cao bồi đang cố quăng thòng lọng bắt một chú ngựa non tinh khôn trong chuồng lộ thiên, nhưng tất cả đều thất bại. Đột nhiên một anh cao bồi trẻ dáng như hổ nãy giờ ngồi quan sát gần đó bước lại và chỉ bằng một cú quăng dây điệu nghệ, chú ngựa đã bị tóm. Chàng cao bồi trẻ là “The Virginian” và cũng chính là người thẩm phán phái tới để đón tác giả về trang trại.

Đường về trại khá xa, phải đi ngựa nên phải đợi sáng hôm sau mới lên đường được. Bằng một giọng đặc chất phương Nam, câu cú và cách phát âm lúc chuẩn lúc không và với một thái độ kính trọng nhưng xa cách, The Virginian mời tác giả tắm táp qua loa rồi mời ông qua nhà hàng ăn tối. Ở đây, họ gặp Steve, một cao bồi trẻ khác và là bạn của The Virginian. Hai người này thân nhau đã lâu, hồi trẻ đã cùng nhau chọc phá thiên hạ, lớn lên cũng cùng đi uống rượu, cùng đi chăn bò thuê, cùng chung phe đánh lộn và cùng tán gái. Sau khi cùng ăn tối, trời còn sớm, chưa muốn về nhà trọ ngay nên họ tạt vào một quán rượu gần đó. Ở đây, The Virginian sà vào một bàn chơi bài.

Trong số tay chơi có một gã tên Trampas, cũng chăn bò nhưng thuộc thành phần bất hảo. Lúc canh bạc đến hồi gay cấn, mọi người đã ngả bài, chỉ còn chờ The Virginian, Trampas sốt ruột. Sẵn coi thường anh chỉ là một tên nhà quê lâu lâu mới ghé thị trấn một lần, lại muốn ra oai, gã buột miệng: “Kìa thằng chó, ngả bài đi chứ!” “Thằng chó” nói giữa bạn bè thì được, nhưng với người lạ lại là một tiếng chửi. Bởi vậy, vừa nghe Trampas dùng tiếng đó với mình, The Virginian lẹ làng móc súng chĩa vào hắn, giọng lạnh tanh: “Cảnh cáo anh, lần sau dùng chữ đó thì đừng quên kèm một nụ cười”. Bị bất ngờ, và vì đang ở thế việt vị, Trampas làm ra vẻ đàn anh không chấp, chỉ cười giả lả.

Sáng hôm sau, The Virginian từ biệt Steve rồi mời tác giả lên chiếc xe ngựa đang đợi sẵn, còn mình thì cưỡi ngựa đi trước dẫn đường. Ở vùng Viễn Tây này, trời đất mênh mông nên từ thị trấn về trang trại của ông thẩm phán phải mất mấy ngày đường vượt đèo lội suối. Trong mấy ngày đi đường, họ tình cờ gặp ông Taylor, cũng là một trại chủ lớn cùng vùng Bear Creek với trại của ông thẩm phán. Khi biết tác giả từ New York đến, ông Taylor móc túi áo ra một lá thư đưa tác giả coi và nhờ ông đánh giá xem theo như lời lẽ trong thư thì người viết có đủ chuẩn để dạy đám trẻ trong vùng học đọc và làm toán không? The Virginian cũng được coi ké thư và anh rất ấn tượng.

Xin mở ngoặc nói một chút về người viết thư. Cô tên Molly, con gái một gia đình quý phái ở Vermont nay đã sa sút. Là người được ăn học, lại nhân lúc Bear Creek vừa xây trường và đang cần một giáo viên, cô đã viết cho người quen cũng là vợ ông Taylor hỏi xin chân dạy học ở đây. Khi thư xin việc được chuẩn thuận, Molly đáp xe lửa đến Medicine Bow. Trên đường từ thị trấn về Bear Creek, khi băng ngang một khúc sông cạn, xe ngựa bị dòng nước xiết lật nghiêng, Molly rơi tõm xuống sông. Trong lúc nguy ngập, The Virginian từ đâu chợt phóng ngựa ra, vươn tay nhấc bổng cô đặt ngồi trên lưng ngựa và đưa về trường. Molly có cảm tình với chàng cao bồi tuy ngoài mặt vẫn nghiêm nghị.

Bây giờ xin trở lại với tác giả. Sau khi về đến trang trại của người bạn thẩm phán, ông thấy thích cuộc sống khoáng đạt ở miền Viễn Tây này. Ông học bắn súng, học cưỡi ngựa để tự do lang thang, học nhận diện thú hoang, v.v. Ông cũng đặc biệt chú ý đến một con gà mái già trên trang trại mà ông đặt tên là Em’ly. Em’ly to thô như gà trống và rất xấu, lông cổ trụi, lông đuôi chỉ một chiếc xệ về một bên, lúc nào cũng nhớn nhác vẻ nghiêm nghị, cảnh giác một cách hết sức ngớ ngẩn và buồn cười. Vì khi còn trong vỏ chờ nở thì gặp đêm trời sấm to chớp giật, Em’ly đâm lạc hồn phách và mất khả năng đẻ trứng, mất nhưng vẫn muốn nên hễ gặp cái gì tròn tròn giống trứng là nhảy lên ngồi ấp!

Về phần Molly, nàng rất vui với công việc dạy học, The Virginian mấy lần muốn làm quen với nàng nhưng còn ngại. Thế rồi dịp thuận tiện cũng đến. Đó là vào hôm trong vùng tổ chức tiệc xã giao. Molly được mời với tư cách cô giáo vùng. The Virginian cũng được mời vì tuy trước chỉ đi chăn bò thuê, nhưng do tài năng, sự cần cù và phẩm chất trung thực, anh đã được vị thẩm phán cất nhắc lên chức chủ quản trang trại. Trong buổi tiệc dĩ nhiên có khiêu vũ. Lợi dụng dịp này, The Virginian lấy hết can đảm đến mời Molly nhảy với mình một bản. Nhưng Molly “sửa lưng” anh ngay: Phụ nữ miền Đông không nhảy với đàn ông khi người đó chưa được “chính thức” giới thiệu với nàng!

Dĩ nhiên, không ai có thể làm việc giới thiệu này hợp cách và xứng đáng hơn là ông Taylor, chủ trang trại lớn kiêm đại diện phụ huynh vùng. Sau đó hai người trẻ tuổi đã khiêu vũ với nhau và trở nên thân thiết. Mỗi khi rảnh việc, The Virginian thường ghé trường thăm và chuyện trò với Molly. Còn mỗi khi Molly nghe anh nói tiếng Anh sai văn phạm hay dùng từ không chuẩn, nàng luôn chỉnh sửa cho anh, còn khuyến khích anh đọc sách, nhất là sách văn học cổ điển Nga, để tự hoàn thiện vốn văn hóa của mình. The Virginian rất sáng dạ, từ khi được làm quen với văn học thì anh ngày đêm đọc ngấu nghiến khiến Molly phải viết thư về gia đình yêu cầu gửi thêm sách cho nàng.

Thế rồi xảy ra chuyện bò của trang trại cứ bị đánh cắp. Ngày đó ở miền Viễn Tây, tội gì có thể bị tù, ngay cả bắn nhau chết người cũng có thể trắng án, nhưng ăn cắp ngựa hay bò là trọng tội, nhất định phải bị treo cổ tại chỗ. Với cương vị chủ quản trang trại và theo lệnh của thẩm phán, The Virginian liền tổ chức đoàn truy lùng. Sau nhiều ngày đêm trèo đèo lội suối lần vết, đoàn đã phát hiện ra bọn trộm khi chúng nhóm lửa cắm trại. Nhóm trộm có bốn tên, đầu đảng là Trampas, tên cao bồi bất hảo, một tên Ed, lầm lì ít nói, một tên Shorty, người nhỏ thó, ngờ nghệch. Chính Shorty là người đã nhóm lửa. Còn người cuối cùng lại là Steve, bạn thân từ thời niên thiếu của The Virginian!

Ở trên là các tình tiết chính trong tác phẩm “The Virginian”. Qua các tình tiết ấy, có thể thấy Owen Wister đã xây dựng một mẫu người hùng miền Viễn Tây dũng cảm, thông minh, có tinh thần hiệp sĩ, lại khéo léo, trung thành, trọng danh dự. Anh bắn súng giỏi, coi khinh hiểm nguy, sẵn sàng “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” và không khoan nhượng với cái gian, cái xấu. Tuyệt vời hơn, anh không chỉ là một tay võ biền. Cuộc sống của anh dù hiểm nguy, gian khó, anh vẫn cố tự hoàn thiện mình, cố đọc sách mỗi ngày và quan sát những người đến từ miền Đông để học tập những giá trị và cung cách cư xử của những con người có văn hóa trong một xã hội văn minh.

Một người hùng là một kết hợp hài hòa giữa ưu điểm của thế giới tự nhiên và thế giới văn minh, giữa chủ nghĩa cá nhân thô bạo và sự lịch lãm, giữa Tây và Đông, giữa chắt lọc của quá khứ và nỗ lực không ngừng vươn lên vì tương lai, giữa công bằng về quyền lợi và rạch ròi về danh dự như The Virginian rõ ràng là một hình mẫu lý tưởng mà xã hội Hoa Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 đang khát khao hướng tới để hiện thực hóa giấc mơ đường đường chính chính đoạn tuyệt với cái bóng đè của một Châu Âu quý tộc nhưng đã già cỗi, lỗi thời, và để vươn lên chiếm một vị thế ngang bằng hoặc ngay cả vượt trội nếu có thể. Đây chính là lý do khiến tác phẩm của Owen Wisler ăn khách đến thế.

GHI CHÚ:

Đây là link vào đọc “The Virginian” của Owen Wisler. Truyện và phim có hơi khác. Các bạn bấm vào các mũi tên tới lui ở phía dưới để lật trang. Chúc các bạn đọc vui.

https://archive.org/.../virginianhors.../page/n9/mode/2up...

NHỮNG ĐIỂM THÚ VỊ VỀ “THE VIRGINIAN” CỦA OWEN WISTER

Dĩ nhiên một tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất mọi thời đại với tổng cộng hơn hai triệu bản bìa cứng và vô số bản bìa mềm, lại được đưa vào chương trình học cả ở phổ thông lẫn trung học, được dựng thành phim 6 lần như “The Virginian” của Owen Wister thì tất nhiên cũng đồng thời là đối tượng của rất nhiều các bài viết phê bình, mổ xẻ và đánh giá. Đọc kỹ tác phẩm và những lời phê bình này trong liên hệ với số lượng khổng lồ độc giả Mỹ từ quá khứ đến hiện tại, chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều thú vị, cả về chủ đề tư tưởng và nghệ thuật xây dựng truyện của Owen Wister nói riêng lẫn về thế giới quan và nhân sinh quan của người Mỹ nói chung.

Về chủ đề tư tưởng, một số nhà phê bình, kết hợp phân tích nhân vật truyện với những tham chiếu về quan điểm chính trị-xã hội của tác giả, cho rằng Owen Wister đề cao một thứ chủ nghĩa Darwin xã hội. Chính Owen Wister trong tác phẩm của mình cũng bộc lộ: “Bất kỳ đâu ở nước Mỹ cũng có sự phân định ra hai tầng lớp: tầng lớp ưu tú và tầng lớp ngang bằng... Sự phân định này sẽ chỉ biến mất khi những người phụ nữ của chúng ta sinh ra đứa con nào cũng đều là vua. Người Mỹ chúng ta đã công nhận sự bất bình đẳng mãn kiếp này của con người bằng chính Bản tuyên ngôn Độc lập. Chính nhờ Bản tuyên ngôn này mà chúng ta đã triệt tiêu thể chế quý tộc của thế giới cũ!

“Người Mỹ chúng ta đã nhận ra rằng, trong thể chế đó, những kẻ bất tài thì lại ngất ngưởng đè đầu cả xã hội, còn những ai có thực tài thì lại bị dìm xuống đáy. Trái tim yêu công lý của chúng ta ghê tởm sự xúc phạm thô bạo này đối với bản chất con người, bởi thế nên chúng ta mới ra sắc lệnh là kể từ nay, bất kỳ ai cũng được tự do vươn lên đạt đúng với tầm cỡ tài năng của mình. Nói cách khác, bằng sắc lệnh này, chúng ta tuyên bố công khai rằng: “Phải để những người giỏi nhất chiến thắng, bất kể anh ta là ai!” Đó chính là nguyên tắc của nước Mỹ, và đó mới đích thực là một nền dân chủ đúng nghĩa! Ai không thấy được điều đó thì mắt hắn hẳn đã mù!” (Chương 13)

Dĩ nhiên việc diễn dịch “The Virginian” chỉ như là một tuyên ngôn về chủ nghĩa Darwin xã hội, dù không phải không có lý, nhưng vẫn thiếu công bằng đối với một tác phẩm được dân Mỹ yêu mến đến thế. Tuy nhiên tôi xin không sa đà vào phân tích văn học. Điều duy nhất tôi muốn bình luận ở đây là về Bản tuyên ngôn Độc lập” với câu mở đầu: “Con người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng”. Nếu cách hiểu của Owen Wister và các nhà phê bình là đúng thì câu nói bất hủ này hóa ra không giản đơn chỉ là: “Tôi cũng như anh và anh cũng như tôi”, mà chính xác là: “Nếu anh giỏi hơn tôi thì anh có quyền hưởng nhiều hơn tôi và tôi sẽ không phàn nàn vì đó là luật công bằng ghi trong Hiến pháp!”

Cách hiểu trên rõ ràng là mang nội hàm của chủ nghĩa tư bản và có vẻ như cách hiểu này và nỗ lực không ngừng hiện thực hóa nó trong đời sống mọi mặt hàng ngày đã giúp người dân Mỹ tạo nên một đất nước giầu mạnh như hiện nay. Từ ý nghĩ này, tôi miên man suy rộng hơn, là năm 1945, khi dùng câu nói bất hủ này để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước Quảng trường Ba Đình, không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có lường hết được cái “nội hàm tư bản chủ nghĩa” rất “trớ trêu” này của câu nói trong buổi lễ khai sinh nước VNDCCH mà mục đích tối hậu là xây dựng CNCS trong đó ai cũng có quyền “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”? Hay Chủ tịch HCM có ẩn ý khác?

Đó là điểm thú vị về chủ đề tư tưởng. Về nghệ thuật dựng truyện của Owen Wister cũng có rất nhiều điều thú vị. Nếu như về chủ đề tư tưởng còn có những diễn dịch và đánh giá này khác, từ khen hết mực đến phê thậm tệ, thì đánh giá về mặt nghệ thuật hầu như đồng nhất, đó là tiểu thuyết này quá “luộm thuộm”. Có nhà phê bình còn cho rằng trong hơn 500 trang với 36 chương hồi, bất cứ chương nào cũng có thể bỏ đi mà không mảy may phá vỡ cấu trúc của câu truyện! Một lần nữa, xin không bàn về tính cực đoan của những đánh giá như vậy mà chỉ xin nêu ra một chương rất “kì dị” trong quyển tiểu thuyết này, kì dị nhất trong tất cả các tác phẩm văn học mà tôi đã được đọc.

Đó là chương 6 nói về con gà mái già mà tác giả đặt tên là Em’ly. Như đã kể sơ ở bài trước, Em’ly rất xấu xí và thảm hại, trụi lông, xệ đuôi, lúc nào cũng “căng thẳng như không hài lòng về mọi việc” và “nghiêm trang, trách nhiệm một cách ngớ ngẩn”. Con gà có điểm kì dị là, do khi còn là bào thai trong vỏ chờ nở thì sấm to chớp giật làm kinh hồn bạt vía, may mà không ung thối như các trứng cùng lứa nên vẫn nở, vẫn “nên dáng nên hình” nhưng lại mất khả năng sinh đẻ! Mất khả năng nhưng bản năng làm mẹ thì vẫn còn nên Em’ly hễ gặp gì tròn tròn giống trứng là nhảy lên ngồi ấp!

Trước tiên, Em’ly ngồi ấp mấy quả đào xanh, rồi mấy củ hành, rồi cả cục xà phòng. Ấp mãi không thấy nở, Em’ly chán, bèn nghĩ đến việc chiếm đoạt mấy chú gà con của các mẹ gà khác để lập một “gia đình” cho riêng mình. Một hôm, thấy gà tre mẹ đang dẫn đàn con đi kiếm mồi, Em’ly lén đi theo. Chờ đến khi có hai chú gà đi rớt lại phía sau, Em’ly lẹ làng xòe cách lùa chúng về tổ của mình, rồi cũng kiếm ăn cho chúng và hớn hở đưa chúng đi dạo. Hôm sau lại lừa bắt thêm hai chú nữa. Tưởng mọi việc thế là yên, ai ngờ một hôm đang túm tụm với mấy “con”, Em’ly chợt thấy một đàn gà tây mới nở đang bơ vơ cạnh bãi cỏ mới cắt, thế là Em’ly tưng tưng chạy tới tính lùa trọn đàn.

Nghe tiếng gà tây con xáo xác, gà tây mẹ đang kiếm mồi gần đó lao lại đánh cho Em’ly tơi tả cả lông đầu. Hoảng quá, Em’ly bỏ chạy về ổ, về đến nơi thì bốn con gà tre đã bỏ về nhập đàn với anh chị của chúng. Vậy là mất cả chì lẫn chài, Em’ly thấy đời sao bất công, nên cứ rình hễ lúc nào gà tây hay gà tre mẹ đi vắng là lại ào đến bắt con, rồi lại bị đánh tơi tả, lại chạy tháo thân. Dĩ nhiên bị giằng co tới lui mãi như thế, đám gà con cũng kiệt sức, chết dần chết dần cho đến khi chẳng còn con nào nữa! Em’ly lại bơ vơ, lại nháo nhác đi tìm. Thời may, trong trại có con chó mẹ mới sinh một bầy con còn chưa mở mắt, thương quá, Em’ly liền hấp tấp đến xòe cánh phủ cho chúng khỏi gió máy.

Chó mẹ thuộc giống lười, tự dưng có con gà đến trông con cho mình thì mừng, nên cứ mặc Em’ly muốn làm gì thì làm. Em’ly hạnh phúc lắm. Nhưng rồi qua thời gian, mấy chú chó con lớn lên, thấy Em’ly tối ngày cứ “bảo bọc” phiền quá nên há miệng táp. Bị táp mấy lần thì Em’ly tởn, không dám xớ rớ gần bầy chó con nữa, và lại buồn. Chứng kiến tất cả các cảnh này, tác giả thương tình tìm hai hòn đá nhẵn để Em’ly ấp. Em’ly vui vẻ hẳn. Tuy nhiên khi thấy tác giả làm thế thì The Virginian phản đối, cho là quá ác và bất công khi để Em’ly bỏ công làm một việc mà chắc chắn không có kêt quả. Để sửa chữa, The Virginian lấy một quả trứng của một chị gà mái khác đang ấp đem qua cho Em’ly.

Việc làm của The Virginian tưởng tốt bụng hóa ra lại gây bi kịch! Số là quả trứng The Virginian đem qua cho Em’ly ấp đã được chị gà mái ấp 3 tuần rồi, nên khi Em’ly ấp chưa được 24 tiếng đồng hồ thì đã nở ra con! Sự nở quá “trái quy luật tự nhiên” này khiến Em’ly thất hồn, vỗ cánh bay vụt lên một cành cây gần đó, miệng cứ quang quác thất thanh, quang quác như thế suốt một đêm đến sáng hôm sau thì lả đi, rơi xuống đất chết. Cái chết tức tưởi của con gà mái già tội nghiệp không mảy may tác động đến tác giả, chỉ như một chuyện mắc cười đã qua đi, nhưng nó lại khiến The Virginian buồn thảm thiết. Anh chiêm nghiệm đời nó sao mà giống đời mình và bạn bè, mãi kiếm tìm, vô vọng.

Rất nhiều nhà phê bình cho rằng sự xuất hiện của chương 6 về con gà là không thể hiểu vì nó chẳng ăn nhập gì đến cốt truyện. Đại đa số cho rằng chương này chỉ cốt chọc cười, một số nhỏ cho rằng đây là sự bùng nổ của một uẩn ức tâm lý, lý do là suốt đời mình, Owen Wister khi nhỏ thì bị mẹ áp chế, khi lớn thì bị vợ tối ngày càu nhàu chê trách đến phát điên, nên đã viết ra cái chương cay độc đó như một trả đũa ác ý. Tuy nhiên nếu ta chú ý đến chi tiết nhỏ là sau khi Em’ly chết, The Virginian đã lén đem Em’ly đi chôn ở nghĩa địa trang trại, miệng lẩm bẩm: “Con gà này đáng kính trọng hơn khối kẻ mà mình đã từng chôn ở đây” thì chương 6 này rất có thể là hữu ý và cần thiết!

Dù ai chê bai mặc lòng, riêng tôi vẫn rất thích chương nói về con gà tội nghiệp. Cũng thích luôn là các chương 30, 31, 32. Các chương này nói về việc truy bắt nhóm trộm bò. Đội truy bắt do The Virginian dẫn đầu bắt được hai tên, hai tên trốn thoát. Hai tên trốn thoát là Trampas bất hảo và Shorty ngờ nghệch. Trong quá trình đào tẩu, một con ngựa chết vì kiệt sức, hai tên phải thay phiên cưỡi con còn lại. Khi bị đuổi rát, Trampas đã giết Shorty để độc chiếm con ngựa. Về cuối truyện, khi The Virginian và Molly lên thị trấn chuẩn bị làm lễ cưới vào ngày hôm sau thì Trampas xuất hiện, ra tối hậu thư buộc anh hoặc “cút” khỏi thị trấn trước khi mặt trời lặn hoặc đấu súng tay đôi với hắn.

Khi biết lời đe dọa, Molly nằng nặc bắt anh đưa nàng rời thị trấn. Nhưng đây là vấn đề danh dự, anh không thể nghe theo. Toàn bộ đoạn tả này rất thú vị: Molly đã van nài rồi dọa hủy hôn ra sao, phản ứng của The Virginia thế nào... Cả diễn biến tâm lý của Trampas sau khi buông lời thách cũng rất thú vị: Hắn cứ thất thần, len lét rình rập, tự hỏi sao mình dại dột thế, lỡ ra... Thời gian với hắn lúc này sao mà nặng nề... Rồi chợt thấy The Virginian xuất hiện đầu phố, hắn móc súng bắn liền, viên đạn sượt tay áo đối phương. The Virginia cũng lập tức bắn trả và Trampas đổ gục... Đây là trận đọ súng tay đôi đầu tiên trong văn học Mỹ để sau trở thành chuẩn mực trong các phim cao bồi Hollywood.

Riêng hai kẻ bị bắt là Ed lầm lì và Steve bạn nối khố của The Virginian. Khi được giải về một căn chòi giữa rừng đợi bị đem treo cổ vào sớm hôm sau, Ed vẫn lầm lì và chỉ mở miệng một lần để nhận chính mình là kẻ đốt lửa dẫn đến việc bị phát hiện, ý đồ của anh là muốn cứu Shorty bởi Shorty chỉ là một đứa dở người ai cũng thương. Trái với Ed, Steve vẫn huyên thuyên chuyện trò với mọi người dù biết sáng hôm sau chính họ sẽ treo cổ mình, lại còn “rút kinh nghiệm” với họ về việc đốt lửa hớ hênh, ngồi cùng bàn ăn tối với họ, thậm chí sáng hôm sau vẫn được họ đưa và vẫn uống cùng họ ly cà phê sáng trước khi mọi người “vào việc”, và đến khi “vào việc” thì còn “Anh em ở lại mạnh giỏi” nữa!

Steve bị treo cổ bằng cách cho ngồi lên yên ngựa, cổ móc vào thòng lọng buộc vào nhánh cây gòn to bên cạnh căn chòi. Sau câu của Steve “anh em ở lại mạnh giỏi”, một người đập vào mông ngựa cho lao vụt tới trước, để Steve tòng teng lại phía sau. Việc xử Steve nằm cả ở chương 30. Đọc chương này, nghe những đối đáp vô tư giữa kẻ bị treo cổ và người treo cổ, tôi thấy thật bất nhẫn, đọc mà cứ lan man nghĩ về một đoạn trong “Của chuột và người” của Steinbeck khi George vẽ ra cho Lennie hình ảnh một trang trại mơ ước và Lennie hào hứng trước viễn cảnh được tha hồ ve vuốt những con thỏ mềm mại trước khi George đau đớn nả một phát súng vào đầu Lennie từ phía sau.

Nếu George bắn Lennie là để giải thoát cho bạn nên không bị ám ảnh bởi việc làm đó, thì The Virginian, trái lại, cứ đau khổ dằn vặt mãi. Hai chương còn lại chủ yếu là mô tả cái nội tâm đầy u uất này. Anh đã từng chôn Em’ly rất tử tế. Anh cũng đã tự bảo sẽ thả cho Shorty đi nếu bắt được hắn. Vậy thì điều gì đã buộc anh phải giết bạn? Một lần, tác giả, người đã có mặt nhưng giả vờ ngủ để tránh chứng kiến cảnh bất nhẫn, đã hỏi nếu đêm đó được phân công canh gác Steve thì liệu anh có sẽ thả bạn không, anh đã dứt khoát là không, rằng nếu phải làm lại sẽ cứ làm! Tại sao lại như thế? Do trách nhiệm? Do danh dự? Hay do không muốn cưỡng lệnh của ông thẩm phán?

Còn nữa, điều khiến anh đau khổ nhất là, trong khi suốt đêm đó và cả sáng hôm sau Steve vẫn vui vẻ với mọi người, còn chúc mọi người ở lại mạnh giỏi, nhưng với anh thì Steve lại không thèm chuyện trò dù chỉ một lần! Steve và anh đã bao năm cặp kè bên nhau, vui buồn, say tỉnh cùng nhau, mơ một cuộc sống tươi đẹp cùng nhau, cùng biết luật chơi là trộm bò sẽ bị treo cổ... Vậy mà trong khi anh cần cù làm ăn thì Steve chỉ muốn giầu nhanh bằng phạm pháp! Bây giờ, việc đã thế, sao lại oán anh? Sao nỡ đối xử với anh như thế? Thật không công bằng! Tại sao Steve lại đẩy anh vào tình trạng phải mãi tự dằn vặt như thế? Ước gì Steve đã mỉm cười với anh, dù chỉ một lần!

Cứ thế, những dằn vặt về Steve cứ đeo theo anh suốt những ngày còn lại của cuộc truy tìm, len cả vào giấc ngủ, khiến nhiều đêm anh la hoảng, bật ngồi dậy và toát mồ hôi vì ác mộng. Đọc hai chương này về nội tâm của The Virginian thật cuốn hút như khi đọc về nội tâm của Raskolnikov trước và sau khi giết bà chủ cầm đồ Alyona Ivanovna trong “Tội ác và trừng phạt” của Dos. Cũng may, The Virginian cuối cùng đã đọc được một hàng chữ viết tay trên mảnh báo tìm được cạnh xác Shorty trong rừng. Đây là mảnh báo tác giả đã cho Steve mượn đọc vào cái đêm bi thảm. Hàng chữ viết: “Jeff ở lại mạnh giỏi. Mình không muốn từ biệt Jeff vì không muốn tỏ ra mủi lòng như một đứa trẻ trước mặt bạn”. Jeff chính là tên thật của The Virginian và chỉ mình Steve biết được tên này!

Thay lời kết: “The Virginian” là một tác phẩm hấp dẫn, giúp người đọc thời nay hiểu về một thời tuy đã xa nhưng rất sôi động của nước Mỹ. Qua tác phẩm, người đọc thấy lại quang cảnh của các thị trấn Viễn Tây cũ, của núi rừng bao la và vắng bóng người, chỉ lâu lâu rình rập những toán Da Đỏ bất ngờ phục kích những đoàn chăn bò để xả hận, thấy lại một thời nghiệt ngã khi vì trộm bò mà bị treo cổ, thấy cái “luật danh dự” mà vì nó họ đã sống và đã chết, thấy cả những ăn, ngủ, yêu đương. Trên hết, “The Virginian” còn hé lộ cái thế giới nội tâm của con người thuở ấy, phong phú chẳng khác gì của chúng ta ngày nay. “The Virginian” quả xứng đáng là một tác phẩm văn học đáng đọc, càng đáng đọc hơn khi biết rằng chính nó đã khai sinh ra một nền văn học độc đáo: Văn học miền Viễn Tây.

T.Đ