Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 25)

37

Tù chính trị ở trại Tân Lập khá đông. Tại nơi tôi được đưa tới, sau mới biết tên là Trại A Tân Lập, có tới trên hai trăm người “số lẻ”. Sáng hôm sau, khi theo mọi người ra sân trại để nhập vào cái khối xám xịt lúp xúp nón mê đang ngồi xổm úp mặt vào lưng nhau chờ bị gọi đi lao động. Nhìn diện mạo những bạn tù này tôi sửng sốt: "Thế này mà là những người làm chính trị ư?!!".

Những nhà chính trị bị bỏ tù, những chính trị phạm, theo cách gọi ngày trước, hoặc bọn phản động, theo cách gọi hiện tại, mà sững sờ, không hiểu nổi. Phần lớn là những nông dân đen đúa, cam chịu, chất phác, thậm chí hiền lành. Số ít còn lại có dáng dấp người thành phố, có thể nghĩ là những thầy ký, thầy giáo. Thảng hoặc mới gặp vài ba bộ mặt có đôi chút láu lỉnh của những người mà xã hội mới khinh bỉ gọi là “con phe”, sống bằng nghề chạy chợ. Họ được phân thành từng “toán”, ngày làm các công việc khác nhau, tối ngủ trong mấy nhà giam riêng biệt, cách không xa những nhà giam tù hình sự. Đó là những ngôi nhà với bề ngoài bình thường, nhưng quádài so với nhà bình thường, tường quét vôi trắng, nền cao, với những cửa sổ lớn, nửa giống nhà cho công nhân nông trại, nửa giống chuồng trại gia súc. Nhà trại khác nhà thường ở chỗ cửa ra vào của nó rất lớn, nhưng chỉ có một cánh rất dày, chắc nịch, bằng gỗ lim, rất nặng nề, lốm đốm những bù loong, với then, chốt sơn đen xì. Những ngôi nhà như thế làm thành hai dãy thẳng hàng trong một khu đất rộng, bao quanh là một bức tường cao trên chăng dây thép gai, ở mỗi cạnh của cái tứ giác không đều ấy là một vọng gác cao lênh khênh. Lính đứng trên vọng gác lăm lăm tiểu liên AK, mũi súng chúc xuống sân trại.

số lẻ được phân chia thành từng toán, mỗi toán hơn bù kém độ ba chục người do một quản giáo trông coi. Dưới quyền quản giáo là một cai tù, gọi là toán trưởng, người này không phải do tù bầu ra mà được Ban Giám thị lựa chọn trong số tù nhân “cải tạo tốt”. - Phải cẩn thận với thằng toán trưởng[1] đấy. - một người đi ngang tôi, nói khẽ - Giave[2] có hạng đấy!

Tôi ngẩn ngơ nhìn người nói với tôi, nhưng anh ta đã đi khuất, nhanh như cắt, lẫn vào trong đám áo xám.

Lát sau, một anh chàng không còn trẻ, nhưng cũng chưa già, ăn vận có thể nói là bảnh bao, tuy vẫn quần áo tù nhưng mới và sạch, lại không có hai chữ CT[3] to bằng bàn tay trên lưng áo như những người tù khác, đến trước mặt tôi:

- Tôi là toán trưởng. Anh tên chi?

Tôi nói tên họ. Anh ta giở sổ, hí hoáy ghi.

- Số tù bao nhiêu?

Chưa bao giờ người ta nói với tôi rằng tôi là một con số.

- Tôi không biết!

- Sao lại không biết? - anh ta gắt - Mỗi người phải có số của mình chứ. Nó là cái tên của anh trong tù, sao lại không biết? Anh dở người chắc?

Tôi lạnh lùng nhìn vào mắt y:

- Này, anh hãy ăn nói cho cẩn thận. Tôi nói không biết là không biết. Anh đi mà hỏi Ban Giám thị!

Trên mặt toán trưởng thoáng một nét ngạc nhiên pha lẫn bối rối. Chắc chưa có người tù nào nói với anh ta bằng giọng như vậy.

Những người tò mò ùa tới, vây quanh chúng tôi. Nhìn họ, tôi biết họ không muốn tôi bị toán trưởng bắt nạt. Họ nhao nhao:

- Anh ta vừa ở biệt giam ra. Có khi chưa có số thật đấy.

- Thì phải từ từ giải thích cho anh ấy biết.

- Số lẻ với nhau cả. Đừng làm cái trò ma cũ bắt nạt ma mới.

Toán trưởng phân trần:

- Thì tôi chỉ hỏi số anh ta để ghi vào sổ thôi. Anh ta lại bảo không biết. Biệt giam thì cũng phải có số chứ.

- Có phải thứ biệt giam nào cũng giống thứ biệt giam nào đâu.

- Chưa có số thì cứ tạm ghi tên vào sổ cái đã, hỏi sau. Đi đâu mà vội.

- Mới, ai người ta biết phải làm gì.

Toán trưởng xua xua tay:

- Im nào. Để tôi làm việc!

Y muốn lên mặt, rõ ràng thế.

- Tôi khuyên anh hãy để việc đó cho Ban Giám thị. - tôi điềm đạm nói - Họ có trách nhiệm, chứ không phải anh.

Toán trưởng bối rối:

- Nhưng tôi là toán trưởng, tôi phải nắm quân số.

- Anh cứ nói toán anh có một người tù không biết số bao nhiêu. Thế là xong!

Mọi người cười ồ.

- Thôi được, lát nữa anh lên Ban Giám thị hỏi số của anh bao nhiêu, nhé! - toán trưởng hạ giọng - Phàm là tù thì phải có số chứ.

Tôi đáp:

- Tôi đã nói rồi - đó là việc của công an. Số tù đối với tôi chẳng để làm gì, tôi không cần đến nó, tôi không xin.

Mọi người lại cười ồ. Toán trưởng phẩy tay, bực dọc bỏ đi.

Trần Chấn Hoa lẳng lặng theo dõi cuộc đấu khẩu đầu tiên của tôi với toán trưởng. Tôi vừa xách túi quần áo bước vào ngôi nhà ồn ào y đã chạy tới, vồ vập săn đón.

- Anh Hiên, phải không?

- Ai vậy?

- Em nhận ra anh ngay. - Trần Chấn Hoa liến thoắng - Khi còn ở ngoài em đã được tin anh bị bắt. Anh có nhớ gặp em ở đâu không?

Tôi mỉm cười, giả vờ chăm chú nhìn y:

- Chịu, trông thì quen, mà không nhớ ra được.

Y cười hì hì:

- Anh hay quên quá! Ở nhà anh X. phố Y., anh còn nhớ không?

Tôi nhớ Dứa đã cho tôi biết tên chỉ điểm tôi sẽ gặp tên là Trần Chấn Hoa.

- Ờ, bây giờ nhớ ra rồi. – tôi giả vờ như vừa nhớ ra y là ai - Nhưng nhớ mặt thôi, nhớ mang máng, tên thì quên mất. Chú tên gì nhỉ?

- Em là Hoa.

Thì ra Trần Chấn Hoa chính là anh chàng này.

Thời gian cuối ở Bất Bạt tôi đã đóng khá đạt vai kịch người tù kém trí nhớ. Trả lời những câu hỏi của chấp pháp, tôi làm ra vẻ thành thật, nhưng trong bản khai thì lẫn lộn lung tung sự kiện này với sự kiện kia, thời điểm này với thời điểm khác. Lợi dụng cái trí nhớ tồi tàn của tôi, chắc hẳn người ta đã mớm cho Trần Chấn Hoa bịa ra cuộc gặp gỡ ở nhà anh X. ở phố Y. Anh X. ở phố Y. là có thật, tuy nhiên trong hoàn cảnh này tôi không thể nào kiểm tra được, dù có muốn.

- Cậu bị bắt hồi nào?

- Sau anh chừng một năm.

- Vì sao mà bị?

Sau một phút ngần ngừ, y ghé vào tai tôi:

- Em là người Hoa.

- Cậu mà là người Hoa?

Trần Chấn Hoa cười hì hì:

- Nói chẳng ai tin, anh ạ, chả là em thạo tiếng Việt quá. Nhưng em sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có khác gì người Việt đâu. Hồi sáu ba sáu tư Hội Tứ Liên phát triển sang bên này. Em gia nhập. Anh biết Hội Tứ Liên chứ? Nó là một tổ chức chống Mao bên Trung Quốc. Việc bại lộ, em với mấy người nữa bị bắt.

- Thế người ta không trả cậu sang Trung Quốc à?

- May, họ không trả về bên ấy. Về bên ấy thì chỉ có chết.

Câu chuyện có vẻ giống thực. Tôi chẳng biết Hội Tứ Liên Ngũ Liên nào. Người Tàu vốn thích các con số, cái gì cũng tương chúng vào - Bát lộ quân, Tân tứ quân, Tam phản, Ngũ phản... Cái tổ chức Tứ Liên mà Trần Chấn Hoa khoe tôi chưa nghe nói, nó có thật hay không tôi cũng chẳng biết, nhưng tôi gật đại. Nghe nói ở bên kia biên giới vào thời gian Đại nhảy vọt cũng có một số tổ chức chống Mao thật. Không có người chống Mao mới là sự lạ.

Trước khi bị bắt tôi gặp Nguyên Hồng ở nhà Bùi Ngọc Tấn. Bùi Ngọc Tấn hồi ấy đang làm trong một xí nghiệp hải sản ở Hải Phòng. Anh đãi chúng tôi một bữa tối rất sang, toàn đồ biển. Đang thời thực phẩm hiếm hoi, mọi sự phụ thuộc vào tem phiếu, một bữa như thế phải coi bằng đại tiệc. Chị Bích, vợ anh Tấn, lại là tay nấu nướng có hạng.

Tôi thích những cuộc gặp gỡ với Nguyên Hồng. Tác giả Bỉ Vỏ là người uyên bác trong lĩnh vực đời sống dân dã. Lần nào gặp nhau tôi cũng kiếm được ở anh một chút kiến thức thú vị. Nguyên Hồng là người phàm tục. Anh thích nhắm ngon, thích rượu ngon, nhưng thích nhất là khi có những thứ đó mà quanh anh là bè bạn. Nhưng trong bữa ăn khoái khẩu hôm ấy anh chỉ lẳng lặng uống. Sau mỗi miếng nhắm anh chống đũa, tư lự. Có vẻ anh buồn.

- Bên Tàu loạn to. Nhiều người chạy sang ta, chạy loạn hay là chạy chính phủ không biết, trông tội lắm - anh nói, giọng rầu rầu - Mình ở Hải Phòng lâu, các cậu biết đấy, cả thời trẻ mình sống lẫn với người Hoa, mình có cảm tình đặc biệt với người Hoa. Họ chăm làm, tử tế... Trông những người chạy loạn gày còm, đen đủi, nhếch nhác, mình thương quá. Họ tưởng mình cũng là công an, quỳ xuống mà lạy, nước mắt lã chã. Họ xin đừng đem họ trả Trung Quốc, đem trả họ sẽ bị giết hết, họ nói thế. Mình can mấy cậu công an, bảo từ từ để xem thế nào đã, nhưng mấy cậu không nghe, một hai đem trả, nói luật biên giới là thế, không trả không được. Những người Hoa kia lăn lộn, kêu khóc ầm ĩ, phải lôi xềnh xệch sang bên kia... Thảm lắm!

- Rồi sao? - chúng tôi hỏi.

- Đồn biên phòng ta cách đồn bên kia có một quãng. Lát sau, mình vẫn ngồi đấy, nghe phía bên kia có tiếng súng nổ. Hôm sau, những người khác chạy sang nói mấy người bị trả về bị bắn chết hết, bắn tại trận...

Một giọt nước mắt đục lăn trên má anh.

Trần Chấn Hoa thấy tôi không có chăn màn, rủ tôi nằm chung. Tôi vui vẻ nhận lời. Chăn màn tôi để hết ở trại B rồi. Hoa nhanh nhảu thu xếp việc đổi chỗ cho tôi.

Những người tù số lẻ, kẻ thù của cách mạng, xem ra cũng dễ mến. Bên trong bộ đồng phục tù họ giống hệt nhau khi thoạt nhìn. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi bắt đầu đoán được ai người thành phố, ai người nông thôn. Người thành phố phần nhiều là viên chức, sĩ quan chính quyền Bảo Đại hoặc từng phục vụ quân đội Pháp trong thời kỳ kháng chiến chín năm. Số này đông nhất, tuy không thể phân biệt ai từng ở trong quân ngũ ai không, cho nên được gọi chung là "ngụy". Kế đến những tu sĩ Thiên Chúa giáo, rồi đến những chánh trương, trùm trưởng các họ đạo, những chức sắc đạo Phật, phần lớn là các đại đức và cư sĩ, tôi không gặp nhà sư nào. Họ rơi vào tù không phải do có hành vi chống lại chính quyền mà do những hoạt động tôn giáo đơn thuần nhưng lại không nằm trong khuôn khổ những tổ chức tôn giáo yêu nước do Đảng nặn ra. Ngoài ra, rất linh tinh, không thuộc về những khối rõ rệt là những người bị bắt vì có chân trong các đảng phái phản động có thật và không có thật, cùng là các thứ phần tử được gọi chung chung là “có hại cho an ninh xã hội”. Chẳng hạn như Toán Xồm và Lộc Vàng, một cây ghi-ta và một giọng nam trung nổi tiếng trong lớp thị dân thời ấy ở Hà Nội. Họ bị bắt vì tội hát những lãng mạn thời tiền chiến và những bài "nhạc vàng" lọt ra từ miền Nam. Mà lại không phải “boọc[4]”, có án hẳn hoi mới lạ.

Những người nói trên mắc vào tội chính trị còn có một cái lý nào đó, còn lên gân lập trường mà giải thích được. Nhưng lẫn vào họ có một số ít tù số lẻ nhà quê chất phác và thực thà đến nỗi không thể tưởng tượng nổi họ có thể mắc một tội gì, đừng nói tội chính trị. Chỉ cần nhìn những gương mặt rất mực hiền lành của họ cũng biết ngay đó là những người dân quê chân lấm tay bùn, mà niềm vui nỗi buồn của họ xưa nay chỉ gắn liền với những vụ mùa được mất và sự vơi đầy của nồi cơm. Hỏi ra mới biết mỗi người trong số họ đều có một thiên ngục sử kỳ lạ, vừa bi lại vừa hài, cái nào cũng xứng đáng với một cuốn tiểu thuyết.

Hầu hết tù số lẻ đều là tù không có án, đều là tù tập trung cải tạo. Những người bị tập trung cải tạo, những trại viên, có số tù, y như tù thật, tôi muốn nói tù có án, tù chính cống. Mọi tiêu chuẩn ăn, mặc, ở của cả hai loại y như nhau, trừ một chút khác biệt: tù tập trung cải tạo được lĩnh một khoản tiền hàng tháng tương đương với giá hai phong thuốc lào. Cái sự phân biệt trại giam và trại cải tạo như thể đó là hai thứ trại khác nhau chỉ lừa được những người không biết thực tế Việt Nam, hoặc chỉ biết nó qua sách báo chính thống của nhà nước.

Nổi bật lên trong những người nhà quê này một anh chàng mặt dài thượt và rỗ chằng rỗ chịt, tên là Dịp Pún Mằn, người Hoa.

Không hiểu sao người Hoa rơi vào tù nhiều thế? Mà lại toàn là tù chính trị cả.

Ai cũng biết rằng người Hoa ở Việt Nam rất đông, làm thành một sắc dân đặc biệt. Có những dòng họ ở Việt Nam lâu đời đến nỗi chỉ có thể nhận ra họ là người Trung Quốc bằng những họ tên không Việt, còn thì về sinh hoạt, ngôn ngữ, thậm chí hình hài, họ chẳng khác gì người bản địa.

Tại Hà Nội trước kia có cả một cộng đồng đông đảo người Hoa, gọi là bang, đứng đầu là một bang trưởng. Nay thay vào tổ chức đó có Hội Hoa Liên (Liên hiệp Hoa kiều). Hội có tờ báo riêng là tờ Tân Việt Hoa. Theo một thỏa thuận ngầm giữa hai Đảng từ lâu, Hội Hoa Liên và báo Tân Việt Hoa chịu sự lãnh đạo phối hợp của hai cơ quan - đại sứ quán Trung Quốc và đảng bộ Hà Nội của Đảng Lao động Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn là đại sứ quán. Nhưng từ khi có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, vai trò Trung Quốc quan trọng hẳn lên trong thế giới thứ ba, thì chính sách Hoa kiều vận của Bắc Kinh thay đổi. Được Bắc Kinh khích lệ, những ông con giời thế hệ mới liền vênh mặt với chính quyền sở tại. Hội Hoa Liên và tờ Tân Việt Hoa tách hẳn khỏi sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, giao thiệp với chính quyền Việt Nam cũng theo kiểu bề trên. Hoa kiều vụ của Trung Quốc chỉ chăm chút đám Hồng vệ binh ở xa Tổ quốc, chứ không phải tất cả đồng bào của Mao Trạch Đông. Cho nên những người Hoa không dính dáng với các thứ phong trào đấu tranh cách mạng vĩ đại ở quê hương chẳng hề được Bắc Kinh bảo vệ. Họ rơi vào nhà tù Việt Nam cả đống, không thể hiểu vì những tội phản cách mạng loại gì.

Anh chàng người Hoa mà tôi vừa nói là tù “tự giác”, được đi lại tự do trong khu vực trại đóng. Anh thường qua lại các nhà giam để mua bán đổi chác. Hàng của anh là cá, lươn, trạch, còn sống hoặc kho mặn, giá cả phải chăng. Những người tù đói khát chất tươi lấy áo, lấy quần, hoặc phong thuốc lào, bánh xà phòng, tuýp kem răng vv... ra đổi. Đồ đổi được Dịp Pún Mằn mang ra ngoài trại bán cho dân, giá của anh bao giờ cũng rẻ hơn giá mậu dịch[5]. Hiếm khi thấy anh ta dùng thứ gì mới - quần áo thì rách bươm, chân không mang dép, đồ xa xỉ như xà phòng hay bàn chải răng chẳng bao giờ anh ta dùng đến. Không hiểu anh ta để dành tiền kiếm được làm gì?

Bên trong vẻ ngoài xấu xí Dịp Pún Mằn là người rất tốt bụng, hay giúp đỡ bạn bè cũng như bất cứ ai cần tới anh. Anh sẵn sàng bỏ cả ngày lang thang trong rừng để kiếm lá thuốc cho một người ốm, người Hoa cũng như người Việt. Người như anh khó mà mắc tội, bất kể tội gì. Ông bạn mới quen, một công chức ngụy quyền tóc bạc trắng, phong thái ung dung tự tại, không hiểu sao lại thân với Dịp Pún Mằn, giới thiệu về Dịp Pún Mằn:

- Anh ta là gián điệp quốc tế đấy!

Trời hỡi, thế kia mà là gián điệp quốc tế ư? Ông bạn nói đùa, tôi nghĩ.

Hóa ra không phải. Tội danh Dịp Pún Mằn đúng là như thế. Nó được đọc to, rất rõ ràng, trước toàn trại trong một lần tổng điểm danh[6] ít lâu sau.

- Anh là gián điệp quốc tế thật hở?

Tôi hỏi Dịp Pún Mằn nhân một hôm anh rẽ vào chỗ chúng tôi để bán cá. Gương mặt rỗ ngẩng lên nhìn tôi, ngơ ngác một thoáng.

- Thật - anh nói bằng giọng không thể thật thà hơn.

Trong nhà tù có một quy ước không thành văn: những người tù không hỏi tội danh của nhau. Tôi là lính mới, không biết quy ước đó. Nhưng Dịp Pún Mằn không giận. Anh cười, phô những chiếc răng dài và xỉn.

- Mà làm gián điệp thế nào?

- Là dắn tệp côốc tế.

Tôi lấy làm lạ: là gián điệp quốc tế, ắt phải là những điệp viên xuất chúng, thần xuất quỷ nhập, vậy mà Dịp Pún Mằn không bị Ban giám thị coi là phần tử nguy hiểm, không bị biệt giam, không bị lính canh áp giải, không bị theo dõi từng bước, đã thế lại còn được tín nhiệm cho đi tự giác?

Công việc chính của Dịp Pún Mằn là chăn đàn trâu trại. Những con trâu ngu ngốc quấn lấy anh không rời. Chúng hiểu: anh yêu chúng. Mà Dịp Pún Mằn yêu những con vật to kềnh càng và đen trùi trũi đó thực sự, bằng tất cả tình yêu của con người không còn ai để mà yêu. Trong đàn trâu có một con nổi tiếng hung dữ. Với cặp sừng dài, nhọn hoắt nó húc lòi ruột một phạm nhân chăn trâu khi anh này dùng roi song trừng phạt oan nó vì một tội gì đó. Thế mà từ khi vào tay Dịp Pún Mằn chăn dắt nó liền trở thành con trâu rất hiền. Chỉ cần Dịp Pún Mằn huýt một tiếng sáo hoặc gọi tên nó là nó đã tơn tớn chạy lại để được cọ mình vào anh. Xiêu vẹo bởi tình yêu của con vật, Dịp Pún Mằn toác miệng ra cười, cả gương mặt bừng sáng niềm vui. Anh vừa mắng yêu con trâu vừa vuốt ve nó. Con trâu cũng khoái trá lúc lắc cặp sừng kềnh càng mà rên lên khe khẽ. Anh tắm cho những con trâu mà như bà mẹ tắm cho lũ con nhỏ, kỳ cọ cho chúng từng li từng tí, cậy từng chút nhử mắt, cọ cả răng trên răng dưới cho chúng. Những đứa con to đùng nằm yên, mắt lim dim tận hưởng cái khoái được mẹ chăm sóc. Anh đi trước, cả đàn trâu lững thững theo sau, con nào con nấy béo núc ních, hõng phẳng lì. Trâu có tật mỗi khi gặp bãi nước đái đồng loại thì dừng lại, cúi xuống hít hít rồi vươn dài cái cổ, nhe răng ra cười một cách ngây ngô. Dịp Pún Mằn thấy trâu cười thì cũng cười im lặng, không có tiếng, y như trâu vậy.

Trông toán tự giác là một viên quản giáo trẻ tên là Nguyễn Văn Nhẩm. Đó là một con người nhân hậu lạ thường, hiện tượng dị biệt trong giới cai ngục. Thấp, đậm người, không đẹp giai, nhưng hồn nhiên và dễ tính, Nhẩm thương tù bằng một tình thương bẩm sinh, không phải tình thương chiếu cố. Biết đánh giá tình thương từ trong tim ấy không ai bằng những người tù. Trong toàn trại[7] toán ông Nhẩm nổi tiếng là toán dễ chịu nhất. Người tù nào cũng ước ao: giá mình được chuyển sang toán ông Nhẩm.

Dịp Pún Mằn chỉ là một trong những tên gián điệp kỳ cục mà tôi gặp trong tù. Chắc chắn còn nhiều tên gián điệp tương tự.

Một chủ nhật, trại được nghỉ, chúng tôi đang chuyện vãn, thì có người gọi tôi. Từ tầng trên của cái giường dài chạy suốt chiều dọc của nhà giam, tôi thấy một người đàn ông dài ngoẵng, gày quắt và đen nhẻm đứng dưới ngó lên.

- Nị có thư.

Nghe giọng anh ta thì biết là người Hoa.

- Ai gửi cho tôi vậy?

- Ông Trần mà. Nị biết chớ? Ông ở nhà B.

Tôi đọc qua rồi đưa bức thư cho ông bạn già vừa đến chơi với tôi. Ông tên là Trúc, làm chức gì đó nghe rất kêu, tương đương thông phán, từ thời vua Bảo Đại còn được người Pháp tin dùng. Cũng là một người bị vào tù vì tính cẩn thận của chính quyền, chứ ông không có chân trong bất cứ đảng phái phản động nào, cũng không làm gì chống nhà nước hết. Ông đã qua vô số trại, biết vô số tù số lẻ, là người có kinh nghiệm sống trong môi trường tù.

Ông nhón tờ thư, đọc lướt qua rồi nói:

- Lão Trần, đại tá đặc vụ. Tôi biết lão từ trại tạm giam Hải Phòng. Hơi toqué[8] một tí, nhưng là người đàng hoàng. Anh cứ sang chơi.

- Được, anh về trước đi. Tôi sẽ sang. - tôi nói với anh chàng đưa thư.

Anh ta vui vẻ chạy đi.

Trong bức thư, viên đại tá đặc vụ của Trung Hoa Dân Quốc gọi tôi bằng “tiên sinh”, khẩn khoản mời tôi đến chơi, tức là sang nhà giam bên cạnh, cách mấy bước chân, mà ông gọi là “tệ xá”.

Trần Chấn Hoa cũng đang ngồi tán dóc với chúng tôi, nói:

- Để em đưa anh đi. Em cũng quen bác Trần.

- Không tiện. Người ta mời một mà mình đi hai là không lịch sự.

Y tiu nghỉu.

Tôi thay quần áo. Không thể không thay quần áo để yết kiến một người già đối xử trịnh trọng với mình như thế. Chúng tôi chẳng có nhiều quần áo để thay đổi. Không kể bộ pi-gia-ma vợ tôi mang lên khi tôi còn ở trại quân pháp đã rách nát tôi có hai bộ đồng phục tù mới tinh do Trần Chấn Hoa đem thuốc lá đi chác cho tôi.

Thì ra lão Trần chính là cái ông già lụ khụ, tuổi có dễ suýt soát tám mươi, với gương mặt nhăn nhúm ló ra từ cái mũ len tứ thời. Nặng nề và chậm chạp trong bộ quần áo không giống ai, bó chẽn cả vạt áo lẫn gấu quần, với đôi tất to sù của vận động viên bóng đá, ông được miễn lao động, sáng sáng cầm cái chổi xể cán dài quét xoèn xoẹt trước cửa nhà B. Tôi biết mặt ông, chỉ không biết ông là đại tá đặc vụ.

Lão Trần ở giường trên lập cập trèo xuống, chắp hai tay vái tôi:

- Thỉnh tiên sinh.

Tôi nói:

- Chào bác. Xin miễn lễ.

Chúng tôi theo nhau trèo lên.

- Tiên sinh an vị.

- Đa tạ.

Tôi ngồi vào chỗ lão chỉ, xếp chân bằng tròn.

Anh chàng đưa thư - đệ tử của lão Trần - nhanh nhảu dọn bàn trà. Trong tù mỗi nhân vật khác thường một chút bao giờ cũng có vài đệ tử. Người thì do cao tuổi, tư cách đáng trọng, người thì do giàu có, được người nhà tiếp tế thường xuyên nên được bạn tù nghèo hầu hạ để ăn theo. Lão Trần thuộc loại thứ hai, loại giàu có. Những người tù nghèo kiết xác, không thể có đệ tử, thì có anh em kết nghĩa, bố con kết nghĩa, tạo thành một gia đình. Thứ gia đình thế phẩm này là biểu hiện của xu hướng quần tụ tự nhiên, nhưng trong nhà tù, đôi khi nó cũng bệnh hoạn lắm. Những vụ đánh ghen xảy ra thường xuyên, có cả máu chảy.

Để tiếp khách quý, lão Trần mua hẳn một lạng trà "tự biên tự diễn"[9] của cánh lâm sản. Trên cái đĩa sắt tráng men cóc gặm, một gói Polyvitamine vàng rực được đổ ra. Trong tù, nó là sự chiêu đãi long trọng.

- Thỉnh tiên sinh khai trà.

Viên đại tá đặc vụ trong bộ quần áo xơ xác, trông như con chuột cống già, giơ bàn tay với những ngón cong queo vì phong thấp kính cẩn mời tôi. Tôi lễ phép nâng chén lên ngang tầng mắt, nhìn ông lão qua làn hơi nước. Cuộc thưởng trà diễn ra trịnh trọng, giống như trong một màn tuồng cổ.

Hoá ra viên đại tá đặc vụ không mời tôi đến chơi vì một lý do nào khác ngoài chuyện ông lên cơn nhớ thơ phú. Không để ý tới đám tù ồn ào nằm ngồi lộn xộn, người chơi cờ, người may vá, người bắt rận, chúng tôi im lặng cạn chén trà đầu tiên. Bằng cách đó chúng tôi đồng tình tạo ra một sự tự kỷ ám thị như thể không phải chúng tôi đang ở trong tù mà ở một nơi nào khác của xã hội văn minh, nơi con người có thể nhẩn nha đàm đạo văn chương.

Sau tuần trà thứ hai buổi chuyện thơ bắt đầu. Lão Trần là một thi sĩ bất phùng thời. Lão yêu thơ và rất thuộc thơ Lý Bạch, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ[10] cũng như những nhà thơ danh tiếng khác của nước Trung Hoa cổ. Tôi thì nhớ lõm bõm, câu được câu chăng, luôn nhầm lẫn nhà thơ này với nhà thơ khác. Lão Trần rộng lượng không để ý chuyện đó. Tôi chẳng qua là cái cớ cho cuộc trở về với thơ của lão, cho vơi nỗi nhớ thơ của lão. Cứ mỗi bài thơ qua lão Trần lại biến đổi trước mắt tôi. Không phải là ông già lẩn thẩn quét rác nữa mà là một lão nho thư thái, ung dung tìm được phút giây hạnh phúc trong những vần thơ bất tử.

Tôi thích cách thưởng thơ của lão Trần. Lão có những lời bình độc đáo cho những vần thơ đa nghĩa khi người đọc chuyển dịch những dấu ngắt câu không có mặt trong thơ Trung Quốc. Sau mỗi bài thơ chúng tôi trịnh trọng mời nhau uống trà đặc sệt và chát xít đựng trong khúc nứa tép cắt ngắn và nhấm nháp mấy viên Polyvitamine.

Đại tá đặc vụ họ Trần thời trẻ là giáo viên dạy văn trung học. Vui chuyện, lão kể cho tôi nghe đời lão. Thì ra lão là nhân viên tình báo Trung Quốc thật, không sai.

- Bác công tác trong ngành tình báo được bao lâu?

Lão cười không có tiếng:

- Công tác khỉ gì đâu, thưa tiên sinh. Tôi chỉ ghi tên vào đấy thôi.

- Tức là...

- Có tên ở đấy coi như đã vào lính, hức - lão bật nấc - Cái nghề tình báo có lợi là thế. Mình vẫn được là mình, hức, mà lại cứ như có mặt trong quân ngũ, Tôi vào được ngành này cũng là nhờ, hức, một người quen thân gia đình giới thiệu...

- Tôi chưa hiểu lắm...

- Thì để trốn lính mà – lão cười, phô hàm răng trên có nhiều lỗ thủng - Tình báo tình biếc gì đâu. Tháng tháng chỉ có việc ký vào giấy nhận lương là xong. Lương tôi đã có người khác lĩnh, ai lĩnh tôi cũng không biết. Thế rồi tuần tự như tiến, hức, tôi được thăng cấp, được lên lương, cấp trên tôi không biết ai, cấp dưới tôi không có, đã bảo là hoạt động tình báo mà. Thỉnh thoảng, hức, người ta còn bịa ra thành tích cho tôi nữa, để cho lương tôi tăng nhanh, lương tôi có tăng thêm thì họ mới được nhiều tiền hơn. Không thì họ thiệt. Thời bấy giờ lạm phát đại phi mã, hức hức, chắc tiên sinh còn nhớ...

Anh chàng đệ tử dài ngoẵng vội lết lại đấm lưng cho ông lão.

Tôi nhớ cái sự lạm phát ấy. Năm 1945, quân Tưởng vào miền Bắc giải giáp quân đội Nhật bại trận, mang theo hai thứ tiền: Quan kim và Quốc tệ, bắt người Việt phải tiêu. Tiền Quan kim còn có giá, chứ tiền Quốc tệ thì than ôi, nó chỉ đắt hơn giấy lộn chút ít. Ngày quân Tưởng sắp rút về nước, giá một bát phở gánh tương đương với một bị Quốc tệ. Những ông hàng phở bực dọc với lũ Tàu phù[11] thu tiền xong là quẳng luôn vào bếp thay củi. Tiền Quan Kim in trên giấy tốt, rất đẹp, nhưng rồi cũng vứt đi. Nhóm bếp không được, nó cháy chậm và dễ tắt, còn kém cả tiền Quốc tệ. Mãi tới năm 1950 ở trong kho ủy ban tỉnh Tuyên Quang vẫn còn vài chục bao tải tiền Quan kim không biết dùng làm gì.

- Để theo kịp lạm phát, tôi được thăng cấp vèo vèo. – lão cựu điệp viên tiếp tục câu chuyện - Rồi Hoa quân nhập Việt, tôi được lệnh theo sang. Ở Hải Phòng, tôi xin được chân giáo viên dạy văn ở trường trung học Trung Hoa. Rồi tôi lấy vợ Việt Nam. Hoa quân rút, người ta chẳng gọi tôi, họ quên hay là họ mặc kệ tôi, không biết. Thế là tôi ở lại hẳn. Mình có vợ con rồi, yên chỗ rồi, đi đâu làm gì? Người Pháp đến, họ chẳng đụng đến tôi. Người Trung Hoa chúng tôi rất dễ sống trên đất lạ, ông ạ - ở đâu có cỏ mọc, ở đó có người Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam tiếp quản Hải Phòng, tôi vẫn tiếp tục dạy học. Thế rồi chẳng biết ai báo cáo, tôi bị công an gọi...

Tôi ngạc nhiên nhìn ông:

- Bác nhận ngay bác là đặc vụ?

- Vâng. – ông già gật đầu, bình thản chiêu ngụm trà - Chối sao được hở ông, khi người ta biết rồi. Tại sao người ta biết, tôi chẳng hiểu. Chắc khi Hoa quân rút đi vội vã, giấy tờ vương vãi thế nào đấy, một cái bảng lương chẳng hạn. Người ta chẳng kịp, hoặc chẳng buồn huỷ những giấy tờ ấy vô dụng ấy đi làm gì, tống đại vào kho. Thế rồi nó rơi vào tay các ông Việt Minh. Chắc vậy. Ông công an hỏi tôi người hiền lành lắm, tử tế lắm. Nghe tôi kể tình đầu tại sao tôi là gián điệp, ông chỉ cười hì hì rồi khuyên tôi cứ khai báo thành khẩn, Đảng là đèn giời, Đảng sẽ xét cho. Tôi khai hết, chuyện là như thế như thế. Tiên sinh nghĩ, phận mình là dân, cứ thật thà là hơn, người ta hiểu, người ta sẽ tha cho về, giữ mình làm quái gì...

Ông lại cười, lại nhe hàm răng cái còn cái mất.

- Bác ở đây mấy năm rồi?

- Mười năm có hơn, thưa tiên sinh.

- Người ta xử bác mấy năm?

- Thiên nả[12]! Nào có được xử. Xử thì phải có tội mới xử được, đàng này tôi chẳng có tội gì...

Lão đại tá thở dài:

- Lẽ ra tôi nhận lấy một cái tội, chẳng hạn tôi được cơ quan tình báo Trung Hoa cài lại, để làm cái gì đấy... - ông ngẩn người, nghĩ ra một nhiệm vụ tình báo làm thí dụ, nhưng nghĩ không ra - Tức là, phải nhận một cái tội bé bé để người ta đưa ra xử. Nhưng tôi không biết, ngu quá! Không có tội ở chế độ ta khổ hơn có tội, tiên sinh à.

Tôi ngớ người. Chẳng lẽ đó là chuyện có thật? Nhìn vào mắt lão tôi tin lão không nói dối. Mà nói dối tôi phỏng có ích gì?

- Bác phải viết đơn khiếu nại chứ. Người này không tin còn có người khác.

- Tôi viết nhiều nhiều rồi đấy, nhưng chẳng có ai trả lời.

- Phải kiên trì, bác ạ.

- Vô ích mà, tiên sinh.

Lý Bạch, Đỗ Phủ và Khuất Nguyên đã ba chân bốn cẳng chạy mất dép rồi. Thời các vị, hơn hai ngàn năm trước, làm gì có cái luật pháp văn minh thế này.

Đến đây, buổi thưởng thơ cũng kết thúc. Tôi đang bùi ngùi cho số phận lão Trần thì Dịp Pún Mằn la đà xách giỏ tới nhà B. Mọi người lập tức bâu quanh anh ta. Lão đại tá đặc vụ cử anh chàng dài ngoẵng leo xuống sàn đi trinh sát. Anh ta lôi Dịp Pún Mằn về. Dịp Pún Mằn leo lên tầng trên, ngồi vào chiếu lão Trần:

- Tài cố, hẩu ma[13]?

- Còn gì không, Dịp đệ?

- Cồn cố cồn cố nhều nhều.

- Bán cho tôi hết.

- Pán thì pán. Kho lồi có, cồn sống có.

- Kho rồi thứ gì?

- Cá trê a! Tố hảo xực a. Ngôn nhều nhều.

- Tôi đãi khách, Dịp đệ à, không ngon không lấy đâu.

- Tã pảo ngôn mà. Ngộ ăn cùng, tược chớ?

- Tốt. Biết tiên sinh đây không?

- Pết, pết lắm chớ.

-Tiên sinh ở đây dùng cơm với tôi, chẳng mấy khi. - lão Trần xoa hai tay vào nhau, trịnh trọng. - Chú Dịp kho cá ngon, lại vệ sinh lắm lắm nên mới dám mời tiên sinh.

Cứ như thể lão không biết cơm trại thế nào. Chúng tôi thường xuyên ăn cơm độn sắn với “rau muống tần đại dương”, thỉnh thoảng được thêm món ca la thầu[14]. Ca la thầu là xu hào muối với xì dầu, do nước bạn Trung Quốc viện trợ cho quân đội Việt Nam, mặn chát và thối rình, quân đội không ăn được, bèn chuyển cho tù. Một chiếc xe tải quân sự chở ca la thầu đến, khắm lặm cả một khu bếp trại. Ca la thầu được đổ vào trong một cái bể lớn, nhà bếp hằng ngày vớt ra, rửa qua loa cho trại ăn dần. Người nhà bếp không ai đụng đũa vào món ấy. Có người nói rằng trong bể ca la thầu có cả xác chuột. Thế mà những người tù vẫn chén ca la thầu như thường, còn mút mát là đàng khác.

Tôi ăn bữa trưa ngon lành cùng với viên đại tá đặc vụ của một quân đội không còn tồn tại.

Lão Trần ra dáng phong lưu lắm. Tôi không cần phải quay về đội lĩnh cơm. Lão đặc vụ cho người sang nhắn mấy người ăn chung với tôi cứ tự nhiên dùng suất của tôi, tôi ăn bên này rồi. Lão còn sai đệ tử mua thêm ba suất nữa cho ba chúng tôi, gọi là ăn đúp. Trong tù sự mua bán này là bình thường – người thì bán cơm để trả nợ, người thì nhịn ăn để mua thêm thuốc lào, tù ở toán lâm sản bán cơm vì họ kiếm được củ mài khi đi rừng. Đồn rằng lão có hai cô con gái lấy chồng Việt, hai ông chồng đảng viên lại là cán bộ lương thực thực phẩm, cửa hàng trưởng hay cửa hàng phó chi đó, họ tiếp tế cho ông bố vợ đầy đủ. Hai cô xinh lắm, những người tù đã gặp hai cô lên thăm cha kể thế. Những đảng viên cộng sản khi vào đảng không hề mất đi cái nhìn bình thường của con người đối với sắc đẹp.

Nhân tiện, tôi hỏi về trường hợp Dịp Pún Mằn. Lão Trần cười hề hề:

- Dịp đệ kể cho tiên sinh nghe đi!

Dịp Pún Mằn chống đũa nhìn tôi, bẽn lẽn:

- Cố dề mà kể chớ! Hổi lồi mà, kể lồi mà.

- Thì cứ kể lần nữa đi! - lão Trần giục.

Bằng giọng ngọng ngoẹo, chỗ nào khó hiểu quá đã có lão Trần thông ngôn, Dịp Pún Mằn kể cho tôi nghe vụ án của anh.

Số là anh chàng Dịp Pún Mằn làm nghề cu-li bắt-tê[15]. Cu-li bắt-tê ở Sáu Kho Hải Phòng toàn người Tàu, cha truyền con nối. Người Việt không làm nghề này, vì không làm nổi chứ không phải vì chê nó hèn. Người Tàu to con hơn, khỏe hơn. Với một cái móc sắt trong tay phu bắt-tê Tàu có thể quật lên lưng cả tạ hàng mà không cần ai giúp đỡ.

Một thủy thủ người Hoa làm việc trên một con tàu Hi Lạp làm quen với Dịp Pún Mằn trong một lần cập bến ngắn ngủi. Anh ta đưa tiền cho Dịp Pún Mằn, nhờ anh mua báo Việt Nam rồi gửi cho anh ta hàng tuần bằng đường bưu điện theo một địa chỉ ở Hồng Kông. Để làm gì không biết.

Dịp Pún Mằn nhận lời liền. Tính Dịp Pún Mằn thế, hay giúp đỡ. Tiền thì người ta đưa trước cả năm, lại đưa thừa chứ không thiếu. Từ cầu cảng về nhà có tới hai ba quầy báo và một trạm bưu điện. Mỗi hôm đi về Dịp Pún Mằn mua một loạt báo, tích lại đến cuối tuần ra bưu điện gửi một thể. Còn có việc gì dễ hơn!

Ba tháng sau cuộc gặp gỡ định mệnh với ông bạn đồng hương, Dịp Pún Mằn bị công an tóm ngay tại trận với bó báo chưa kịp gửi rồi đưa thẳng về nhà giam. Người ta tra hỏi Dịp Pún Mằn: mua báo cho ai? để làm gì? địa chỉ gửi báo là của cơ quan gián điệp nước nào? đã gửi những thông tin gì ra ngoại quốc? bằng hệ thống mật mã nào?

Nói tóm lại, Dịp Pún Mằn hoa mắt đến muốn ói trước những câu hỏi anh không tài nào hiểu nổi. Vốn tiếng Việt của anh quá nghèo. Họ hỏi anh sáu tháng liền. Câu nào Dịp Pún Mằn không trả lời được thì người ta gà cho anh. Chấp pháp ghi biên bản rồi đưa cho anh ký. Dịp Pún Mằn ký. Anh biết ký tên mình từ đó. Bằng chữ Việt hẳn hoi.

Hoàn cung, anh ra tòa. Bào chữa viên do tòa cử ra không cãi cho anh mà khẳng định ngay rằng anh phạm tội rất nặng - làm tay sai cho bọn đế quốc và bè lũ phản động quốc tế. Sau một hồi ca ngợi Đảng và lên án bị can đủ điều ông ta mới xin tòa mở lượng khoan hồng giảm nhẹ hình phạt cho bị can vì bị can "thuộc thành phần nhân dân lao động, do kém giác ngộ nên bị gián điệp nước ngoài dụ dỗ, mua chuộc nên mới phạm pháp". Được bồi dưỡng đến nơi đến chốn trong trại tạm giam rồi mà trước vành móng ngựa Dịp Pún Mằn vẫn run như cầy sấy. Anh đáp lại những câu hỏi của tòa bằng những câu trả lời đã thuộc lòng:

- Dà, túng thế (đúng thế)!

- Dà, khôông cốô sai!

- Dà, túng là dắn tệp cốôc tế lồi (đúng là gián điệp quốc tế rồi)! Túng lắm (đúng lắm)! Túng lắm!

Tòa thương tình ban cho Dịp Pún Mằn, người con của nhân dân lao động, mười lăm năm tù. Dịp Pún Mằn rưng rưng nước mắt chắp hai tay vái bào chữa viên rồi phát biểu trước tòa, bày tỏ lòng biết ơn của anh:

- Cấy Tảng Duỵt Nàn tốt nhều nhều (cái Đảng Việt Nam tốt nhiều nhiều) lớ!

Khi tôi lên trại Tân Lập thì Dịp Pún Mằn đã ở được chín năm. Do an tâm cải tạo và chăm chỉ lao động anh được giảm án hai lần, chắc chỉ một hai năm nữa là được tha.

- Anh sắp về rồi, vui hả? - tôi hỏi Dịp Pún Mằn.

- Cố dề mà vui? Mềnh ở tâu cũng làm vệc, ổ Hẩy Phoòng cũng lầm vệc, ổ tây cũng lầm vệc à.

- Nhưng ở nhà thích hơn chứ.

- Khôông thếch tâu. Pá pá chếch lồi (chết rồi), má má dà nhều nhều (già lắm), lói khôông tược, khôông vui tâu. Mà ổ tây nhàn hơn nhều nhều...

Khi tôi sắp rời trại Tân Lập thì Dịp Pún Mằn được giảm án thêm một lần nữa. Mọi người xúm đến chúc mừng, còn anh thì lầu bầu:

- Về dà làm dề (về nhà làm gì), ổ tây cố pạn (có bạn) nhều nhều, về dà pây dờ ổ vấy ai? Má má mình sắp chếch lồi. Êm cấy (em gái) lấy chồông ổ nhà chồông, không ổ tược vấy ló tâu...

Có những con người như vậy: họ ra đời để chịu lầm than. Họ sống trong lầm than như trong lẽ tự nhiên của trời đất, chẳng kêu ca, chẳng phàn nàn. Cái số nó vậy, biết làm sao, họ nói. Trong đời tù của tôi không phải Dịp Pún Mằn là người duy nhất có thái độ dửng dưng đối với sự tù oan. Có người còn oan hơn anh nhiều cũng thế.

Không riêng Dịp Pún Mằn, một số người tù được tha không muốn trở về quê quán nữa mà xin ở lại trại. Đó là những người không có đâu để mà về, những người đã chán ngán đến tột độ cuộc đời cũ. Không có "tiêu chuẩn" được ở trong trại nữa, họ xin đất trại dựng nhà để sống cuộc sống đã trở thành quen thuộc, thỉnh thoảng lân la tới khu vực trại để mua bán đổi chác với tù tự giác.

Buổi chiều trước hôm tôi bị chuyển đi trại Phong Quang, Dịp Pún Mằn tìm tôi, giúi cho tôi một lạng trà tự biên tự diễn:

- Mai chuển trại tấy! Chắc chắn mà! Anh cầm xà lày (trà này) mà ôống. Lênh chỗ mới, khôông kếm tợc xà ngay tâu. Hôm lay các ôông cán pộ xếp hồ sơ nhều nhều, là ti (đi) tấy...

- Anh không bị đi à?

Dịp Pún Mằn lắc đầu.

- Cán pộ lói lồi. Khôông phải ti.

Tôi nắm tay con người chất phác:

- Anh ở lại mạnh khỏe nhé!

Mắt chớp chớp, anh dặn:

- Nhớ trôông pác Trần. Pác ấy íu (yếu) lắm, khôông pết cồn sống tược pao lâu.

Tôi hứa:

- Tôi sẽ săn sóc bác ấy!

- Tố chề. Hảo lớ!

Tôi không có dịp săn sóc đại tá tình báo. Ông không bị chuyển trại cùng với chúng tôi. Ông được ở lại với gián điệp quốc tế.

(Còn tiếp)


[1] Cai tù, do Ban giám thị cắt cử. Hoặc đội trưởng, nếu người ta không chia tù thành “toán”, mà “đội”.

[2] Nhân vật phản diện trong tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ (xuất bản năm 1862) của đại văn hào Pháp Victor Hugo, một tên mật thám săn đuổi người tù khổ sai Jean Valjean (1802-1885). Chỉ những tên làm tay sai cho Ban giám thị để dò xét tù nhân, còn gọi là ăng-ten.

[3] Cải tạo. Trên lưng áo của người tù người ta in hai chữ CT (Cải Tạo) bằng hắc ín. Áo của toán trưởng cũng bị in chữ nhưng anh ta tẩy đi, để phân biệt mình với tù thường. Cán bộ biết nhưng không khiển trách, coi đó là đặc ân dành cho anh ta.

[4] Bị tập trung cải tạo.

[5] Thương nghiệp quốc doanh.

[6] Thường mỗi năm một lần trại tổng điểm danh tù để kiểm tra lại hồ sơ.

[7] Khi nói toàn trại, tôi gộp cả các phân trại khác vào đấy.

[8] Gàn, khùng,dở người (tiếng Pháp).

[9] Tù tự giác chuyên hái lượm lâm thổ sản và trông đồi chè của trại. Trà "tự biên tự diễn" có nghĩa không phải trà do quốc doanh sản xuất mà do tù hái và sao thủ công. Do hái không xô bồ, sao kỹ, thứ trà mộc này đặc biệt ngon.

[10] Lý Bạch (chết năm 762), Đỗ Phủ ((712-70), Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN), ba nhà thơ lớn của Trung Hoa cổ đại.

[11] Gọi là Tàu phù vì quân đội Tưởng vào Việt Nam gồm dân đói ở Lưỡng Quảng được gọi vào quân đội cho đủ quân số. Những toán quân này, lê lết vì phù thũng, ghẻ lở đầy mình, kéo vào Việt Nam để kiếm miếng ăn, chính quân Nhật bại trận cũng khinh bỉ đội quân giải giáp họ.

[12] Trời hỡi! (tiếng Trung Quốc).

[13] Đại ca, khỏe chứ? (Tiếng Trung Quốc).

[14] Xu hào muối, tên gọi Trung Quốc đã Việt hóa.

[15] Phu khuân vác, từ tiếng Pháp porteur.