Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 20)

30

Nơi tôi bị đưa tới là một trại giam của quân đội. Bề ngoài nó giống hệt một trại lính. Giống đến nỗi khi chiếc GAZ[1] từ từ leo lên dốc để qua cái cổng chào với hai vòng quân hiệu hai bên tôi còn nghĩ: hay người ta đưa chúng tôi đến đây để “giáo dục” rồi thả?

Tôi nghĩ thế bởi vì theo lời kể của những nạn nhân Cải cách ruộng đất thì sau thời gian chịu cảnh đấu tố và giam cầm, Đảng đã tuyên bố sửa sai, người ta vẫn chưa cho họ về nhà ngay. Tất cả bị gom lại một chỗ để học tập chính sách cái đã. Chuyện xảy ra trong Cải cách ruộng đất bây giờ lại lặp lại chăng?

Tôi nhanh chóng xác định được vị trí trại giam: nó nằm trong vùng bán sơn địa khô cằn với rất nhiều đồi sắn, nương khoai ở phía Nam huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây. Đầu thập niên 60 tôi đã tới vùng này vài lần. Đất ở đây bạc màu vèo vèo, nhanh như cam tẩu mã, bởi sự trục lợi hối hả của dân chúng ít học dưới sự dắt dẫn của những nhà lãnh đạo khinh học. Thưa thớt giữa thiên nhiên cằn cỗi mấy con đường đất đỏ bị cả Trời lẫn người bỏ quên nằm vắt vẻo qua những đồi trọc khô khốc, nơi có những mỏ đá ong khổng lồ. Những vồng bụi đỏ cuồn cuộn bốc lên đàng sau những xe tải họa hoằn, mãi không chịu lắng xuống.

Lê Thanh Tài sai lính tháo còng cho tôi rồi hối hả đi đâu đó, bỏ mặc tôi cả tiếng đồng hồ trong căn phòng thường trực trống rỗng. Trên cái bàn gỗ mộc bụi bặm và mốc thếch lăn lóc mấy tờ Quân đội Nhân dân nhàu nát. Tôi vồ lấy chúng, đọc ngấu nghiến để rồi ngồi thừ ra, thất vọng - tin tức trong báo chẳng nói với tôi điều gì mới.

Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Những tờ báo giống y như những tờ này tôi đọc hàng ngày, một năm trước. Chúng sẽ giống y như thế một năm sau, hoặc nhiều năm sau. Thế giới của tôi đã mắc bệnh bại liệt.

Tôi lơ đãng nhìn ra sân trại. Ngoài mấy người lính quân phục xộc xệch, áo phanh rộng ngoài quần, lê bước uể oải trong nắng trưa rực lửa, chồng tranh nứa nặng chĩu trên đầu, quanh đây chẳng còn bóng ai khác. Lúc đó tôi không biết rằng họ là những người tù tự giác của trại quân pháp.

Sau những ngày dài dằng dặc ở xà lim Hỏa Lò việc chuyển trại làm tôi khấp khởi mừng thầm. Thế là xong, tôi nghĩ, cuối cùng rồi cái sự điên khùng này đã đi đến chỗ kết thúc. Ít nhất thì ngay giờ đây tôi sẽ được gặp cha tôi và những người cùng vụ.

Viên y sĩ công an trông nom sức khoẻ chúng tôi ở Hỏa Lò xuất hiện, vẫy tôi theo y.

Bước ra khỏi căn phòng, tôi rơi tõm vào biển lửa của nắng trưa. Tháng bảy thường là tháng nóng nhất trong năm, ở vùng bán sơn địa cái nóng còn được nhân lên thêm vài lần nữa.

Tôi thở hồng hộc. Tôi yếu quá rồi. Mà có mang vác gì nặng cho cam. Tòn ten mỗn hai bộ quần áo với cái chăn len vợ gửi vào cho những mùa đông sau này (ai biết được sẽ còn bao nhiêu mùa đông nữa). Thế mà mệt.

Chúng tôi bước thấp bước cao theo một lối mòn lổn nhổn sỏi đá nằm men bức tường gạch chạy dài không dứt trong lau sậy um tùm. Bức tường không thẳng, nó uốn khúc nhấp nhô theo địa mạo triền đồi. Tới một cánh cổng bằng sắt tấm hoen rỉ, tên y sĩ mở khóa, dẫn tôi vào một cái sân nhỏ khô cong, không có lấy một ngọn cỏ. Bên trong sân là một ngôi nhà bé xíu, kiểu nhà ở bình thường với kích thước mini.

Cửa vào được mở ra.

Thì ra vẫn là nó, vẫn là xà lim. Xà lim trong một nhà thường, kiểu nhà ở, nhỏ bé.

Tôi nhầm trại giam với trại lính là phải - từ ngoài đường, chỗ cổng doanh trại nhìn vào không thể thấy được khu vực này[2].

Hi vọng được ở chung với các bạn đồng vụ tắt ngấm.

Thế mới biết cái sự giáo dục của Đảng ăn sâu thật! Vừa mới thấy cái cổng trại lính tôi đã nghĩ ngay đến chuyện được Đảng cho về với vợ con.

Tội nghiệp, tôi bao giờ cũng nghĩ về Đảng tốt hơn nó có trong thực tế.

Xà lim mới làm tôi nhớ đến trai phòng các tu sĩ dòng Châu Sơn. Cũng chiếc giường gỗ mộc nằm trơ bên trong bốn bức tường trần trụi, cũng cái trần thấp cuốn thành vòm, chứ không phải trần tứ giác phẳng như ở Hỏa Lò. Chỉ thiếu một thập giá bằng gỗ mun lạnh lẽo trên mảng tường hậu và một tu sĩ khổ hạnh xác ve với chiếc thừng đay thay thắt lưng. Tôi đã tới Nho Quan, Ninh Bình vào đầu năm 1947, nơi có những kho muối lớn dự trữ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Không xa những kho muối này, nằm kín đáo trong một khu rừng ẩm ướt, là tu viện của những tu sĩ có lời nguyền câm nín. Quấn mình trong tấm áo choàng đen khâu tay, bạc phếch và rách rưới, những tu sĩ tiếp tôi bằng nụ cười mơ hồ trên gương mặt bất động. Như những cái bóng, họ lặng lẽ đi lại thấp thoáng trong u tịch rừng già. Đêm đêm họ ngồi xếp bằng tròn quay mặt vào tường hậu, lặng lẽ cầu nguyện. Tôi ngạc nhiên - như thế mà là sống ư? Mà sống như thế để làm gì kia chứ?

Thế mà giờ đây tôi cũng sống như họ. Cô đơn. Khổ hạnh. Còn tệ hơn họ, tôi không được phép bước ra khỏi cái trai phòng đặc biệt, bị bỏ vào chứ không phải tự nguyện đến ở, không được phép gặp đồng loại, không được phép để đồng loại nhìn thấy mình.

Sau hết, và là cái khác cơ bản giữa chúng tôi - họ có Chúa, còn tôi thì không.

Tôi mệt mỏi quăng đồ đạc lên phản. Cửa xà lim khép lại với tiếng động quen thuộc – tiếng then sắt tra vào hõng, tiếng bấm khoá.

Xà lim là xà lim, cho dù có vài nét phân biệt. Tính về diện tích nó còn nhỏ hơn xà lim Hỏa Lò. So với tiêu chuẩn của thực dân thì ở đây đã xảy ra một sự cắt xén được đặt tên là cải tiến. Cái phản gỗ mộc bào cẩu thả còn lởm xởm sơ gỗ được gắn chết vào bốn trụ xi măng. Không thấy mặt cái cùm muôn thuở. Gầm phản là một hố sâu - một cái hầm trú ẩn.

Tôi trườn lên phản, nằm nghĩ vẩn vơ. Sự vắng bóng cái cùm sắt chứng tỏ nhà tù bộ đội có khác nhà tù công an. Sự hiện diện của cái hầm trú ẩn chứng tỏ người ta còn tình với đồng đội, người ta còn lo cho sự an nguy của đồng đội bị tù Một điểm khác nữa, rất bình thường, nhưng cũng cứ phải coi như ưu điểm của trại này là cái cửa sổ. Nó không phải là le judas đặc trưng cho xà lim, mà to gần bằng cửa sổ nhà nông thôn, với những song sắt to hơn song sắt cửa sổ của xà lim 1, được gắn chặt vào bê tông kiên cố.

Thoạt đầu, nhìn nơi ở mới thậm chí tôi còn hài lòng, còn tự hào về cái xà lim của trại giam quân đội. Dù sao nó cũng không đến nỗi tệ hại như xà lim Hỏa Lò.

Quan sát kỹ thì mới thấy mình nhầm. Nó không phải là một cái xà lim bình thường mà là một sáng tạo độc đáo trong nghề làm chuồng người. Căn nhà nhỏ gồm bốn căn phòng được thiết kế giống hệt nhau dưới một mái chung, cửa mỗi phòng quay về một hướng. Ở chỗ tiếp giáp giữa hai xà lim mọc ra một mảng tường tứ giác với một đường vát thượng thu hạ thếch chia ngôi nhà thành bốn ô riêng biệt, để người bên này không nhìn thấy người bên kia, kể cả khi quản giáo cho ra ngoài tắm rửa. Ở Hỏa Lò xà lim nằm thành hai dãy dài trong hành lang, một người ho khan cả dãy nghe thấy. Trong nhà-xà lim Bất Bạt chỉ có bốn phòng, nếu ba phòng kia không có người thì cảm giác cô đơn thật kinh khủng.

Mỗi ngôi nhà lại bị bao quanh bởi bốn bức tường con kiến không cao và không kiên cố, làm thành một khu biệt giam, với một cánh cổng bằng tôn mỏng xộc xệch. Hết thảy những khu nhà như thế (không biết là có bao nhiêu cái) bị bọc trong một bức tường cao chạy chung quanh, có vọng gác ở mỗi góc[3].

Cánh cửa xà lim vừa khép lại là tôi rơi vào một vùng tĩnh lặng hoàn toàn. Ngoài tiếng gió chạy trên đồi, không còn tiếng động nào khác trong buổi trưa hè.

Hôm sau, tôi thấy có tiếng động ở xà lim bên cạnh. Thì ra bên đó có người. Hai hôm sau, tôi giật mình nghe người đó gọi tôi:

- Bông hồng vàng! Bông hồng vàng![4]

- Ai đó?

Tôi chồm ra cửa sổ, khẽ kêu lên.

- Bác sĩ! Bác sĩ đây! - người đó trả lời.

- Chào bạn! - tôi trả lời thận trọng

- Tất-cả-ở-đây-hết!

Người xưng là bác sĩ lại kêu lên. Giọng anh ta lần này có nhỏ hơn, nhưng vẫn bị phát hiện. Mấy tên lính gác rầm rập chạy đến. Tôi nghe tiếng cãi vã, tiếng mở cửa, đóng cửa xầm xầm.

Tôi căng óc, cố đoán xem người xưng bác sĩ kia là ai, mà không nghĩ ra.

Trong số bạn làm nghề y chỉ có bác sĩ Phan Thanh Hoài là thân với tôi hơn cả. Nếu là anh thì tôi nhận ra ngay. Tôi quen giọng Phan Thanh Hoài lắm. Nhưng làm sao anh bị bắt được? Anh nổi tiếng phi chính trị. Hơn thế, anh còn là ân nhân của một số cán bộ cỡ lớn. Những người này sẽ bảo vệ anh, ít nhất thì cũng vì anh cần cho họ. Vài người trong bọn họ đã nhờ anh chữa bệnh phong tình. Là bác sĩ chuyên khoa sản, gì chứ mấy thứ bệnh tim la, lậu bình thường anh chữa rất mau khỏi. Hoài chỉ sợ cái bệnh anh đặt tên là tim la Tân Đảo[5] do thứ vi trùng đã lờn với nhiều loại kháng sinh gây ra. Về quan điểm chính trị anh gần với chúng tôi. Trong đám bạn bè tin cậy anh không giấu giếm rằng anh ghê tởm cái xã hội nhố nhăng với một lũ Cẩm Bá Nhạ[6], một lũ hủi, ở trên đầu. Mà với hủi thì tốt nhất là không dây. Anh biết giữ mồm giữ miệng cho nên đám công an theo dõi trí thức vẫn đinh ninh Phan Thanh Hoài là một bác sĩ giỏi nhưng mít đặc về chính trị.

Nhưng đến cả trung tá công an Hồng Sĩ mà cũng còn bị bắt thì Phan Thanh Hoài cũng có thể bị bắt lắm. Dù sao anh cũng có tội. Anh có tội chơi thân với tôi, giờ đã là tên phản cách mạng, và Văn Cao, tên đầu sỏ Nhân văn - Giai phẩm. Theo ngôn từ công an, chơi thân với nhau gọi là liên quan.

Tôi hi vọng Văn Cao bình an vô sự. Thời gian cuối này Văn Cao rất yếu. Anh khó lòng chịu đựng cuộc sống tù ngục. Anh đã may mắn một lần. Lần thứ hai có thể anh không may mắn nữa. Trong thời kỳ xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm người ta nhiều lần ám chỉ Văn Cao khi nói tới số phận Đinh Linh, Trần Xí Hà[7]. Người ta nói chuyện bên Tàu để nhắn nhủ anh coi chừng, rất có thể anh sẽ như họ đấy. Sau vụ Nhân văn - Giai phẩm Văn Cao dìm nỗi buồn trong rượu. Lần nào gặp anh tôi cũng thấy anh trong trạng thái ngà ngà, chai rượu để trước mặt. Anh kể cho tôi nghe anh đã bị bọn công an giả dạng lưu manh gây sự rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay với anh mấy lần trong những quán rượu bình dân. Từ đó chị Băng không cho chồng ra khỏi nhà nữa. Chị bấm bụng mua rượu về cho anh, tuy vẫn luôn miệng nhắc nhở anh đừng uống nhiều. Chị biết để anh uống như thế anh sẽ chết vì rượu, nhưng chị biết, anh còn chết nhanh hơn nếu phải sống với nỗi buồn.

Huỳnh Ngự cũng có lần hỏi tôi về Phan Thanh Hoài. Y đưa ra một danh sách những tên sách, truyện ngắn, hỏi tôi có biết những tác phẩm này không? Tôi giật mình: đó chính là tên những truyện Phan Thanh Hoài dự định viết.

Làm sao chúng có được danh sách này? Phan Thanh Hoài đã bị bắt, đã khai? Hay chúng đột nhập vào nhà lục lọi khi anh đi vắng?

Phan Thanh Hoài chưa phải là người viết văn có tên tuổi. Anh yêu văn học bằng một tình yêu lười biếng. Sau khi đặt tên cho một tác phẩm tương lai, anh viết nguệch ngoạc vài ba trang rồi vứt đấy. Những trang bản thảo vương vãi khắp nơi trong căn phòng lộn xộn, trong đó có nhiều trang tuyệt vời. Lần nào Phan Thanh Hoài cũng tự hẹn với mình sẽ viết tiếp vào một lúc khác. Tiếc rằng cái lúc khác ấy hiếm khi xảy ra. Tôi giật mình vì chỉ riêng những cái tên sách mà Huỳnh Ngự cho tôi xem đã không ổn rồi, đã bốc mùi bất mãn rồi.

Đáp lại câu hỏi của Huỳnh Ngự, tôi chỉ cười.

- Anh cười chi?

- Phan Thanh Hoài không phải là nhà văn. – tôi nói - Xin đừng nghi anh ấy chuyện văn chương. Anh ấy cũng có lúc bốc lên, muốn viết thật đấy, nhưng rồi chỉ thành công được một lần. Cuốn sách duy nhất được in của anh Phan Thanh Hoài là một cuốn sách loại người tốt việc tốt in ở Nhà xuất bản Kinh Nguyệt Không Đều...

Huỳnh Ngự gắt lên:

- Anh nói cái chi? Nhà xuất bản chi... ?

Tôi giải thích rằng chúng tôi gọi Nhà xuất bản Phụ nữ là Nhà xuất bản Kinh Nguyệt Không Đều vì sách ở đây ra loạc choạc, khi có khi không, khi nhiều khi ít.

Huỳnh Ngự tủm tỉm cười.

- Tôi chơi với Phan Thanh Hoài vì cái khác. - tôi thủng thẳng nói thêm - Anh Hoài rất chiều bạn. Thỉnh thoảng có món gì ngon anh lại ới tụi tôi đến ăn. Tiết canh vịt Hoài đánh thì tuyệt, không ai sánh bằng, Văn Cao gọi nó là tiết canh xâu lạt...

Huỳnh Ngự ngẩn người:

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là tiết canh đông đến nỗi có thể lấy lạt xâu vào mà xách đi được.

- Phịa.

- Văn Cao vốn thích nói thậm xưng. Nhưng thật thế - tiết canh anh Hoài đánh đông lắm. Tôi chưa thấy ai đánh tiết canh tài bằng anh ấy.

- Đánh thế nào?

Tôi nhẩn nha kể cho Huỳnh Ngự cách đánh tiết canh mà Phan Thanh Hoài dạy tôi. Đành phải hy sinh bí quyết nhà nghề của anh để đưa Huỳnh Ngự ra xa cái đề tài nguy hiểm. Huỳnh Ngự nghe chăm chú, sau đó không vặn vẹo thêm nữa. Tôi đồ rằng trở về nhà y sẽ ghi công thức đánh tiết canh vào sổ tay.

Còn ai nữa là bác sĩ trong số người quen tôi? Rồi tôi cũng nhớ ra bác sĩ Phan Thế Vấn. Với bác sĩ Vấn thì không thể nói rằng tôi quen. Chúng tôi có gặp nhau đôi lần ở nhà bạn bè, không nhớ là ở nhà Vũ Huy Cương hay nhà ai. Mọi người nhận xét Vấn là một tay Ivan. "Ivan" là một cách nói vui hồi ấy, chỉ một người không thích lối sống giáo điều, công thức, không chịu uốn mình theo khuôn phép của Đảng, không cứ là một người thân Liên Xô, như bọn tự xưng mác-xít chân chính chụp mũ. Có những Ivan chẳng biết đến chính trị, chẳng biết đường lối của Đảng cộng sản Liên Xô ra sao.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp Phan Thế Vấn ở trong nội thành Hà Nội. Anh hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh. Năm 1956 anh được cử đi dự Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới ở Moskva. Đó là vinh dự lớn cho một thanh niên trước kia ở trong vùng tạm chiếm, cho dù có hoạt động cho kháng chiến.

Vấn thì có thể bị bắt, tôi đoán.

Tôi không gặp anh lần nào trong thời gian ở Bất Bạt, cũng như trong thời gian ở tù nói chung. Gặp lại anh tại Sài Gòn năm 1989, tôi hỏi có phải anh đã gọi tôi hồi ở Bất Bạt không thì anh nói không. Tôi ngạc nhiên: vậy còn ai trong những người bị bắt là bác sĩ? Hay đó là một bác sĩ quân y nào mà tôi không quen, nhưng biết tôi. Anh nhìn thấy tôi qua một khe hở phòng anh và anh muốn cho tôi biết tôi không đơn độc. Mà cũng có thể không phải thế. Nhưng nếu đây là trò của công an thì tại sao bị phát hiện nói chuyện với tôi anh ta lại bị chuyển đi ngay? Và chẳng làm một việc gì có lợi cho việc dò xét của công an?

Trong trại giam - xà lim này, quản giáo bộ đội đối với chúng tôi tử tế hơn quản giáo Hỏa Lò. Họ mở cửa, đóng cửa, cho chúng tôi với nét mặt vô can - tôi với anh không quen thuộc, không thù không oán, tôi làm việc này vì tôi ăn lương thì tôi phải làm, chứ tôi cũng chẳng muốn.

Trong nhà tù nét mặt, cách đối xử của quản giáo ảnh hưởng đến tâm lý người tù nhiều lắm. Một bộ mặt lầm lì, một cái nhìn hằn học cũng gây ra không nhiều thì ít tâm trạng ẩn ức.

Tôi nhanh chóng làm quen được với một anh tù gánh cơm cho các xà lim. Khi cho tôi ăn sáng, anh tù trẻ, mặt mũi sáng sủa, được phép đến sát cửa sổ để đưa cho tôi vài củ khoai hoặc mấy khúc sắn. Bữa trưa anh đặt phần cơm trên bể nước.

Anh tù thì thào cho tôi biết anh bị tòa quân sự kết án ba năm tù vì tội là lái xe anh đã bất cẩn để xe bọc thép lăn xuống vực, làm chết đồng đội. Quen rồi, tôi lân la hỏi anh về những người tù không phải phạm binh trong trại.

- Tôi có thấy hai ông già. - anh nói.

- Một trong hai ông già là cha tôi đấy.

- Cụ nhà trông thế nào?

- Cụ tôi hói đầu.

Mỗi cuộc nói chuyện xảy ra nhiều nhất một lần trong một ngày, mà cũng chỉ giới hạn trong vài ba câu. Phải nói cho nhanh kẻo bị phát giác. Dứt lời, anh lại lặc lè quang gánh chạy đi.

- Cụ hói đầu, có sẹo ở bụng, phải không? - một buổi sáng khác, anh hỏi.

- Đúng. Cụ tôi đấy. Cụ bị cắt mật.

Trong xà lim nóng, cha tôi cởi trần, nhờ đó anh bạn trẻ nhận ra đặc điểm.

- Còn cụ kia?

- Là thiếu tướng Đặng Kim Giang.

- Cha mẹ ơi, vậy mà tôi không biết.

Hôm sau, anh móc trong lưng quần ra gói Tam Đảo, ngó trước ngó sau rồi ném vào phòng:

- Cụ gửi cho anh.

Thì ra anh tù đã tự động báo cho cha tôi biết anh có liên lạc với tôi.

Tôi xem xét cẩn thận gói thuốc. Nó có vẻ còn nguyên lành. Để ý thật kỹ thì thấy nó có bị bóc ra rồi dán lại. Tôi mân mê từng điếu. Không thấy gì. Đó là gói thuốc kiểm tra. Cha tôi vốn cẩn thận. Ông không hấp tấp tin ai, trong hoàn cảnh này lại càng phải cẩn thận.

Một tuần sau, tôi lại nhận được gói thuốc nữa. Trong gói thuốc lần này có một điếu đáng ngờ. Dốc thuốc ở hai đầu đi tôi được một mẩu giấy cuộn tròn, trong đó có những hàng chữ nhỏ li ti:

“Nợ nước đời tôi trả đã tròn

Việc nhà gửi mẹ với đàn con

Trăm năm đầu bạc đành sai hẹn

Thủy chung tôi giữ tấm lòng son”.

“Con học thuộc mấy câu thơ này rồi đốt đi. Nếu bố không trở về thì đây là mấy lời cuối cùng bố gửi mẹ. Nói với mẹ bố xin mẹ tha lỗi vì đã làm khổ mẹ, nhưng bố không thể sống khác được. Cố gắng tập khí công, tập yoga để giữ sức khỏe chờ một ngày tươi sáng. Đêm tối rồi sẽ qua, ma quỷ rồi phải chạy trốn mặt trời trí tuệ, cái ác sẽ phải quỳ gối trước lòng nhân ái. Bố của con”.

Tôi ứa nước mắt. Cầu Trời Phật cho cha tôi sống được đến ngày gặp lại mẹ tôi và chúng tôi.

Nhờ anh bạn tù tốt bụng, tôi chuyển được một bức thư cho cha tôi. Tôi hứa với cha sẽ thực hiện lời người dặn. Đến đó liên lạc giữa hai cha con chấm dứt.

Thỉnh thoảng Huỳnh Ngự gọi tôi ra, không phải để hỏi cung mà hỏi thăm sức khỏe.

Y lúng túng lắm mỗi lần bị tôi hỏi về thời hạn giam giữ. Nó kéo dài quá rồi, vượt qua mọi giới hạn rồi. Không thể cứ một mực gầm thét, mà y biết là vô ích. Chính y cũng cảm thấy mệt. Giờ đây, như một y tá bên giường bệnh, y an ủi tôi, nói những lời sáo rỗng không biết là lần thứ bao nhiêu về lòng tin ở lượng khoan hồng của Đảng: Đảng sáng suốt, Đảng đúng đắn, Đảng là cha mẹ vv... Tôi thậm chí ái ngại cho y - y không đến nỗi quá ngu để không biết tí gì về pháp luật. Nhưng y không biết phải xử sự thế nào. Sự vi phạm pháp luật của các ông chủ của y quá trắng trợn.

Trong những ngày ở xà lim Bất Bạt tôi thỉnh thoảng lại nhớ tới một câu nói của Hoàng:

- Tôi không muốn dọa anh. Dọa anh cũng chẳng được, tôi biết. Tôi tin anh không sợ - anh đã bắt tay Thần Chết nhiều lần, như anh nói. Nhưng anh chưa biết đấy thôi - ở đời có nhiều cái còn đáng sợ hơn cái chết.

Hoàng đúng.

Chúng tôi không bị đánh đập, không bị giết. Chúng tôi chỉ bị chôn sống mà thôi.

Tôi không tưởng tượng nổi mình có thể sống trong một cái cũi hẹp, đúng hơn là một cái huyệt kim tĩnh kiên cố, với một tấm phản, một cái bô, một ống bương đựng nước. Không phải vài ngày, vài tháng, mà hàng năm. Một mình.

Trong một lần đi cung tôi gặp cô bộ đội dắt đứa con trai. Cháu bé chừng ba tuổi, lũn cũn bên mẹ. Nó nhìn tôi, nhoẻn cười. Tôi cười đáp, lấy tay vẫy. Nó cũng vẫy lại. Thằng bé mới kháu làm sao! Tôi ngây người ngắm nó. Như thể nó là một kỳ quan của thế giới. Như thể trên đời này tôi chưa từng nhìn thấy một đứa bé. Tôi đi chậm lại để được ngắm nó lâu hơn. Tôi cảm thấy mắt tôi rưng rưng.

- Đi nhanh lên! - viên quản giáo giục.

Mặc. Tôi đi ngang cháu bé. Tôi nhìn thấy những lông tơ trên đôi má phính mịn màng của nó. Tôi đi qua nó. Thật chậm. Cháu ngước nhìn tôi, đôi mắt trong veo, miệng lại nhoẻn cười. Người mẹ trẻ bồng nó lên tay. Cô nhìn tôi, cái nhìn đầy thương cảm.

Tôi ngoảnh lại, vẫy cháu bé. Nó vẫn nhìn theo, bàn tay tí xíu vẫn vẫy.

- Nhanh lên!

Viên quản giáo lại giục.

Đứa bé xa dần.

Tôi đã biết ăn dè, tiêu dè. Khốn nạn, thì ra cuộc đời còn có cái dè khác - nhìn dè.

Một hôm, bên ngoài có tiếng cuốc lục cục, xoèn xoẹt trên mặt đất. Nhìn qua khe cửa sổ khép chặt, tôi thấy những bàn chân người đen đủi bước tới bước lui - đó là tù ở trại chung được đưa vào khu xà lim làm vệ sinh. Khi họ đi khỏi, cửa sổ lại được mở. Trước mặt tôi là một khoảng đất trống, không còn lấy một nhúm cỏ. Ngay trước cửa sổ phòng tôi chừng hai mét có một cây con mới được trồng, loe hoe mấy cái lá.

Thế là màu xanh cuối cùng của sự sống cũng bị tước nốt. Mặt đất bệch ra những sỏi cùng đá. Tôi buồn xỉu.

Sau nhiều ngày sống lay lứt dưới nắng quái đặc biệt dữ dội ở trung du, cái cây quặt quẹo tưởng bị thiêu chết rồi đã đứng thẳng dậy, ngang ngạnh, bất khuất. Tôi thường ngậm nước trong miệng để phun cho nó. Việc tưới cây kiểu này chẳng dễ dàng - phải biết cách khéo léo để phun cho mạnh, phun cho xa và phải phun trúng.

Tôi đã ở đấy với cái cây từ lúc nó bé tẹo cho tới khi nó tỏa bóng mát. Trong cái huyệt kim tĩnh ấy.

Cái cây con ngang bướng cũng là ân nhân của tôi trong những năm tháng bị giam cầm. Nó dạy tôi phải biết nghiến răng lại mà sống.

Người "đồng vụ" đầu tiên mà tôi gặp ở đây là Trần Minh Việt. Chúng tôi háo hức thông tin cho nhau.

Để hình dung tù xà lim nói chuyện với nhau bằng cách nào, trước tiên phải kể đến cái tường ở Bất Bạt. Không hiểu tên khốn kiếp nào đã sáng tạo ra lối vẩy xi măng lên tường như thế? Phải là một tên kiến trúc sư cực kỳ đểu cáng, với trái tim thú dữ, mới làm ra được một bức tường ghê tởm đến như vậy. Nó xù xì, đầy gai nhọn và sắc. Người tù mỏi mệt trong tư thế ngồi không dám dựa lưng vào đấy. Dựa vào tường tấm lưng để trần vì trời nóng sẽ rớm máu. Dùng tay gõ vào tường có thể gây thương tích. Tôi phải bọc vải vào tay mà gõ.

Cái khó là chúng tôi không sao thống nhất được ám hiệu truyền tin. Trước Cách mạng Tháng Tám tôi là một sói con[8] bầy Hồng Đức. Anh sói già Vương Trọng Thành chẳng những dạy dỗ chúng tôi trở thành những đứa trẻ từ tâm với phương châm "mỗi ngày làm một điều thiện", mà còn dạy chúng tôi biết nhiều cái vặt vãnh mà hữu dụng khác, trong đó có ngôn ngữ morse. Trần Minh Việt chưa bao giờ là sói, là hướng đạo sinh, thành thử anh không biết đánh morse như thế nào. Chúng tôi đành dùng thứ tín hiệu thủ công, trong đó các chữ cái cứ dài mãi ra theo thứ tự, chẳng hạn chữ a gõ một tiếng thì chữ k phải gõ mười tiếng, chữ v gõ hai mươi mốt tiếng. Giữa các chữ là một khoảng lặng, kết thúc một từ là một tiếng gõ thật mạnh. Nói chuyện như vậy rất chậm. Và rất mệt. Thế mà trong một tháng ở bên cạnh nhau tôi đã thông tin cho anh được hết những gì xảy ra bên ngoài kể từ tháng 7 cho tới tháng 12 năm 1967. Khi anh được biết về thông báo số 1, số 2 của Lê Đức Thọ, Trần Minh Việt đập rầm rầm vào tường:

- Đồ chó đẻ! Thằng khốn nạn!

Hai tháng sau bỗng nhiên tôi bị chuyển đi nơi khác. Không lý do. Chắc chắn không phải việc chúng tôi liên lạc với nhau bị lộ.

Chúng tôi mỗi ngày một thô lỗ thêm cùng với thời gian bị nhốt. Một hôm tôi nghe tiếng Lưu Động[9] oang oang vang động cả một vùng:

- Cút mẹ mày đi! Đừng có mang mấy thằng mất dạy nhà mày ra dọa tao. Bảo cho thằng Lê Đức Thọ khốn kiếp của chúng mày biết, tao ỉa vào mồm nó! Cả cái thằng Lê Duẩn ăn cứt nữa! Tao nguyền rủa con đĩ ngựa đẻ ra nó. Tiên sư chúng mày! Tổ bố chúng mày!

Nghe Lưu Động chửi thật đã con ráy! Tiếng Lưu Động ồm ồm không lẫn với tiếng người khác được. Nền văn hóa làm cho con người bớt thật đi, bớt được là mình đi trong sự bộc lộ cảm xúc. Thỉnh thoảng phải được sống nguyên sơ, sống hoang dã như thế mới sướng. Tôi còn muốn nghe Lưu Động chửi nữa, nhưng đang chửi ầm ầm anh bỗng im bặt. Cơn giận dữ bùng lên qua nhanh, chắc hẳn anh thấy ngượng với mình, thấy mình xử sự không xứng với tư cách trí thức.

Từ trong khúc ngoặt, viên y sĩ công an mặt xám ngoét, chạy như ma đuổi. Lính gác rầm rập chạy tới. Các cửa sổ đóng lại rầm rầm.

Tôi ngồi trong bóng tối, lắng tai nghe những tiếng động từ bên ngoài. Có vẻ như không có gì xảy ra.

Chúng không đánh Lưu Động. Nếu chúng đánh anh ắt tôi phải nghe thấy - căn cứ tiếng chửi vọng tới phòng tôi thì anh ở khá gần tôi, chỉ cách một ô. Từ đó tôi không nghe tiếng Lưu Động nữa – hẳn anh đã bị chuyển đi ô khác.

Tại trại Bất Bạt, chúng tôi còn được hưởng chế độ phơi nắng. Nó không phải giờ đi dạo của tù nhân các nước khác mà ta thường thấy trên màn ảnh. Tuần một lần, quản giáo mở cửa cho tôi ra ngoài phơi nắng một giờ. Còn thì suốt ngày ở trong phòng. Gọi là phơi nắng, vì tôi chỉ được đứng hoặc ngồi xổm ở ngoài trời, không được đi lại, phòng người ở gian bên nhìn thấy.

Khi nào lính gác bỗng dưng chạy tới đóng cửa sổ là tôi biết chúng sắp giải tù đi ngang. Nhờ một khe hở, tôi nhìn thấy lần lượt: Vũ Huy Cương, Hồng Sĩ, Phạm Viết, Trần Minh Việt, Trần Thư, Huy Vân và những người khác nữa tôi không quen mặt. Thấy những người này không đi cùng quản giáo bộ đội mà đi với quản giáo công an thì biết là người đồng vụ, thế thôi. Khốn nạn, thế mà chúng nó gọi là nhóm chống Đảng, là chống đối có tổ chức, rõ không biết dơ.

Bây giờ tôi mới hiểu cái sự vu khống chính trị là thế nào. Thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm, tôi nghe vậy thì biết vậy, chứ không hiểu.

Văn Cao, tên đầu sỏ đám trí thức mưu toan đoạt quyền lãnh đạo của Đảng, gọi theo cách của những nhà lãnh đạo văn nghệ, nói với tôi rằng toàn bộ vụ Nhân văn - Giai phẩm chỉ là trò cờ gian bạc lận.

- Hồi ấy, văn nghệ sĩ còn tin Đảng lắm, - Văn Cao kể - còn yêu Đảng lắm. Gì thì gì Đảng vẫn là Đảng của mình, cậu hiểu không? Là ruột thịt của mình. Nhưng là trí thức, bọn mình không quen, không thích tin mù quáng. Bọn mình thấy xã hội có những khuyết tật, những cái cần sửa chữa. Mới lên tiếng cảnh báo. Đảng cầm quyền thì phải đề xuất với Đảng, chứ còn đề xuất với ai? Chuyện đề xuất bằng hình thức nào là cái không nên bắt bẻ. Không phải lúc nào cũng phải kính đơn. Phát biểu cũng được chứ sao. Viết báo cũng được chứ sao. Chẳng ai hô hào lật đổ các ông ấy cả. Chỉ có các ông ấy tru tréo lên: ối giời ơi, có địch, có địch ngay trong hàng ngũ ta, rồi dựng thành vụ để trấn áp. Nguyễn Mạnh Tường[10] chỉ ra cái sai rành rành trong sự thi hành luật pháp cũng bị đánh. Họ đánh tuốt tuột mọi trí thức, chứ không phải chỉ văn nghệ sĩ không thôi đâu. Đánh để trị, để răn đe.

- Nhưng trong lãnh đạo Đảng ai khởi xướng vụ đánh này?

- Cậu muốn hỏi ai là tác giả, hở? Không phải Hồ Chí Minh đâu, Ông Cụ không nghĩ ra cái đó, Ông Cụ không tệ đến thế. Cũng không phải Nguyễn Chí Thanh. Đừng vì vụ Trần Dần bị giam vào cải hối thất mà đổ cho “lúy” (hắn). Thằng cha lúc ấy còn bận củng cố địa vị vừa chiếm được của général (tướng) Giáp. Tác giả chính là Longue Marche[11], cậu nghe rõ chưa, là-Trường-Chinh.

- Thế còn Tố Hữu?

- Tố Hữu ấy à? Không, cũng không phải đâu. Cần phải công bằng. Tố Hữu có không ưa mình, có làm khổ mình thật, do lòng đố kỵ mà ra. Mình cũng ghét cái thằng bắng nhắng ấy lắm. Nhưng có thế nào nói thế ấy. Tố Hữu chỉ là kẻ thừa hành thôi. Nói gì thì nói, trong lòng Tố Hữu vẫn còn một chút gì của nhà thơ chứ. Bề ngoài thì thế đấy - Tố Hữu lãnh đạo cuộc đánh từ đầu chí cuối. Người ta tưởng vụ Nhân văn - Giai phẩm nổ ra là bởi báo Nhân văn đăng mấy bài phê bình thơ Tố Hữu, Tố Hữu tức, Tố Hữu đánh. Nhầm hết. Longue Marche mới là kẻ sáng tác ra Nhân văn - Giai phẩm. Để chạy tội Cải cách ruộng đất. Để tạo ra cái hố rác mà trút mọi tội lỗi của lúy vào đấy. Chính Longue Marche chứ không ai khác. Đừng tước bản quyền của lúy, tội nghiệp! Longue Marche còn cho mời mình và Nguyễn Tuân đến gặp. Lúy nói cả tiếng đồng hồ về đảng tính, về trách nhiệm đảng viên. Chiêu hồi mà. Nguyễn Tuân nghe, mặt hất lên, ngáp không cần che miệng. Nguyễn Tuân vẫn thế - bất cần đời. Đôi lúc cũng có hèn một tí, hèn có mức độ thôi, nhưng trong đại đa số trường hợp Tuân là kẻ bất chấp. Mình nói với Longue Marche: "Nếu trong vườn hồng có sâu thì ta phải chịu khó mà bắt bằng tay, từng con một. Đổ ụp cả đống thuốc trừ sâu vào đấy thì chết sạch vườn hồng. Rồi anh sẽ thấy: qua đợt đánh phá này không biết bao giờ nền văn nghệ Việt Nam mới ngóc đầu dậy được!" Lúy nghe, mặt câng câng. Cái cách của Trường Chinh là thế. Lúy gọi mình đến còn có ý này nữa: lúy muốn mình phải hiểu - tôi đã chịu khó nghe các anh rồi đấy nhá, tôi dân chủ lắm rồi đấy nhá! Chứ còn cái nền văn nghệ của các anh, nó đáng giá mấy xu?".

Tôi ghi lại lời nói của Văn Cao ở đây để sau này có ai nghiên cứu thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm có thể tìm thấy trong đó một chứng cứ của người trong cuộc.

Một hôm, tôi thấy Trần Minh Việt đi cung, khoảng vài giờ sau anh trở về, lủng củng những gói cùng bọc, vẻ mặt buồn rượi. Sau đó đến lượt Huy Vân, Trần Thư, Lưu Động, rồi mấy người nữa.

Họ được gặp gia đình, tôi kết luận.

Vụ án, theo tôi phán đoán, đã sang một chương mới không có lợi cho chúng tôi. Sau gần ba năm giam cầm không cần tuyên bố lý do, không cho chúng tôi gặp gia đình, mà không bị phản ứng cả trong Đảng lẫn ngoài xã hội, giờ đây nhà cầm quyền nhơn nhơn coi sự bỏ tù chúng tôi, những phần tử chống Đảng, là việc đương nhiên họ có quyền làm.

Lường trước khả năng gặp gia đình, tôi viết sẵn một bức thư gửi ông Nguyễn Lương Bằng. Bọn công an chủ quan không ngờ tôi quan sát được động thái bên ngoài sẽ không khám xét. Không có mực, tôi dùng nicôtin đọng trong cái điếu Thành cho (phòng xa không có thuốc lá mà hút) viết trên mẩu giấy gói kẹo:

"Thưa bác. Cháu đề nghị bác, với tư cách người cầm thanh kiếm bảo vệ sự trong sáng của Đảng, tự mình xem xét vụ án này. Cháu là đứa cháu được bác và bố mẹ giáo dục tinh thần trung thành với sự nghiệp cách mạng. Nếu sau khi kiểm tra bác thấy cháu phản cách mạng thật thì cứ mang ra bắn, nhưng nếu không phải là như thế thì bác phải đưa bọn lạm dụng chức quyền đàn áp những người cách mạng trung thực ra xử. "

Tôi đoán đúng. Chẳng bao lâu sau đến lượt tôi được gọi ra.

Mẹ tôi, vợ tôi và các em tôi đã chờ sẵn trong một túp tranh được dựng cấp tốc cho khách thăm tù xét lại.

Đây là lần gặp đầu tiên sau hai mươi bảy tháng tôi bị giam.

Cả nhà ùa tới ôm lấy tôi. Tôi sợ mọi người sẽ òa khóc, nhưng mẹ tôi điềm tĩnh như thể trong thời gian gần ba năm ấy[12] không xảy ra chuyện gì đáng kể. Tôi hiểu mẹ - bà bao giờ cũng tỏ ra cứng rắn trước kẻ thù. Chỉ giọng nói hơi nghẹn ngào ở một đoạn nào đó tố cáo nỗi xúc động trong lòng bà.

Mẹ tôi già đi nhiều quá. Mái tóc bạc thưa thớt, nhiều chỗ trơ sọ. Tôi nhìn mẹ, nước mắt ứa ra. Đời mẹ khổ quá nhiều.

Tôi nhớ tới một buổi sáng se lạnh bên sông Đà. Mẹ tôi lịch thiệp và bình thản trả lời viên sĩ quan Pháp áp giải đoàn tù đi Sơn La[13] khi y hỏi tại sao mẹ tôi biết tin sự di chuyển mà đi tiễn chồng: "Người vợ yêu chồng bao giờ cũng biết chồng mình ở đâu". Y lại hỏi: tại sao bà không khuyên can chồng để đến nỗi gia đình bị ly tán, bà đáp: "Chồng tôi làm công việc mà bất cứ người Việt Nam tự trọng nào cũng phải làm". Tôi nhìn thấy ánh mắt tự hào của các đồng chí nhìn mẹ tôi trên con phà chở tù sang thị xã Hòa Bình.

Mẹ luôn dặn tôi không được tỏ ra mềm yếu trước kẻ thù. Nhưng đó là nói về một kẻ thù nào khác, chứ không phải thứ kẻ thù quái đản này. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, bà không tin sẽ được thấy ngày đất nước độc lập và bà âm thầm chuẩn bị đến lượt chúng tôi phải đối mặt với chúng. Mẹ đã dạy dỗ tôi không vô ích. Chính những lời dạy dỗ của mẹ đã giúp tôi rất nhiều trong những ngày phải sống trong xà lim, bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Vợ tôi thì cứ lúng ta lúng túng, không biết ứng xử với bọn công an như thế nào cho phải, không biết phải gọi chúng bằng gì. Cứ như thể một khi tôi là tù thì vợ tôi cũng là tù một nửa. Thương quá. Tội nghiệp, vợ tôi không hề được chuẩn bị để chịu đựng cảnh sống này. Nhưng nhìn vào mắt vợ tôi, tôi hiểu vợ tôi sẽ chịu đựng cùng tôi bất cứ khốn khó nào mà chế độ phát-xít mang lại.

Tôi bế đứa con giờ đây mới biết mặt. Khi bị bắt tôi chưa biết vợ tôi có mang. Hoài Thu giãy giụa trong tay tôi, không chịu theo. Chị nó, Mi Lan, cũng bắt đầu lạ tôi. Tôi ôm hôn con gái, rồi nhân một phút tên quản giáo lơ đãng, nhét vào túi áo con bức thư: "Con giấu đưa cho bà". Mi Lan nhìn tôi chăm chú. Rồi gật đầu. Đưa cho con rồi tôi đâm lo - nhỡ con tôi không hiểu lại đưa ngay cho bà nội mẩu thư cuộn trong mẩu vỏ tuýp kem răng trước mặt bọn Công an thì sao? May mà Mi Lan có trí thông minh trước tuổi. Trong suốt cuộc gặp mặt, con tôi ngồi trên đùi tôi, vui vẻ cười đùa, không gây ra một sự nghi ngờ nào.

Bức thư được mẹ tôi trao tận tay Nguyễn Lương Bằng.

Ông tiếp mẹ tôi trên gác ngôi nhà có công an canh gác, nói những lời an ủi vô thưởng vô phạt. Tiễn mẹ tôi xuống nhà, khi đã ra đến vườn rồi, ông mới hứa sẽ đặt vấn đề ra trước Trung ương để Trung ương xem xét.

- Tội nghiệp, chưa bao giờ mẹ trông thấy bác ấy thảm hại như thế! - mẹ tôi kể về cuộc gặp gỡ đáng buồn.

Lời hứa của ông chẳng bao giờ được thực hiện. Địa vị cao sang và nỗi sợ hãi trước Lê Đức Thọ đã làm tâm hồn người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng năm xưa tê liệt. Mẹ tôi kể rằng trong những lần bà tới gặp Nguyễn Lương Bằng, bà biết chắc nhà ông bị gài rệp[14], thái độ lúng túng của ông cho thấy ông cũng biết.

Nói cho công bằng, trong ông cũng có xảy ra một cuộc đánh nhau giữa tình bạn và cái ghế. Đáng tiếc, tình bạn bị đo ván trong cuộc đọ sức không cân xứng. Tôi biết về cuộc đánh nhau ấy do cha tôi kể lại. Khi hấp hối, Nguyễn Lương Bằng cho người mời cha tôi đến. Ông ân hận. Ông xin cha tôi tha thứ. Cha tôi nói: "Việc đã qua rồi. Anh không phải là người gây ra. Giữa anh và tôi không còn tình đồng chí, nhưng tình bạn thì còn. Anh hãy yên tâm nhắm mắt".

Có một số tác gia cho rằng trong cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa con người quan chức, không trừ cả lãnh tụ, bị buộc chặt vào cơ chế đến mức không thoát ra được cho dù họ có muốn, cho nên đánh giá họ bằng chuẩn mực hành xử thông thường của loài người là không được, không nên. Cách suy nghĩ độ lượng ấy không có tác dụng nào khác hơn sự biện hộ cho những tên hoạt đầu, những tên cơ hội, những tên độc tài đứng trên bọn chúng, xóa nhòa ranh giới giữa đao phủ và nạn nhân. Chẳng qua bằng sự xuống cấp từ từ, không nhận thấy được, của những chuẩn mực đạo đức trong một xã hội bị bần cùng hóa, bị nô lệ hoá, con người quan chức trong cơ chế đó đã hành động một cách vô thức, theo bản năng tự vệ, để không bị cơ chế tống ra ngoài mà mất đi những quyền những lợi đang được hưởng. Hơn thế nữa, những việc làm thấp hèn lại được tuyên xưng như là sự hành xử theo những chuẩn mực đạo đức, làm cho lớp quan chức vững tin ở những hành động thật sự vô đạo đức, và cứ thế họ trượt dần xuống dốc phi nhân bản lúc nào không biết.

Căn cứ việc công an hỏi tôi, bắt tôi làm bản khai về Nguyễn Lương Bằng thì tháng 12 năm 1967 Nguyễn Lương Bằng còn nằm trong diện những người bị tình nghi chống Đảng. Thế mà chưa tới một năm sau, tháng 11 năm 1968 ông đã nhảy phóc một cái qua hàng ngũ kẻ trấn áp, trở thành người của ban chỉ đạo chuyên án.

Trường hợp Nguyễn Lương Bằng là trường hợp điển hình cho sự trượt dốc đó.

Tôi có thể thông cảm với Nguyễn Lương Bằng. Ông tham gia ban chỉ đạo chuyên án của Lê Đức Thọ do sợ hãi. Nhờ biết sợ, ông chẳng những thoát nạn mà còn lên chức phó chủ tịch nước vào năm 1969. Ông có mất mát chút ít, nhưng là những thứ không đáng giá: tình bạn, tình đồng chí, tình yêu của những đứa cháu không ruột thịt, lòng kính trọng của những người cách mạng chân chính.

Đó chính là sự tha hóa của con người. Nó hiện diện trong mọi tầng xã hội. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã chính là do sự tha hóa trong lòng nó, sự mục rữa chất người, hay nói theo cách của Lênin, do sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực mà ông dùng để nói về bản chất của giai cấp vô sản. Hệ thống này tan rã không phải trong thời điểm kinh tế suy thoái nhất (của Liên Xô cũng như của các nước Đông Âu), mà tan rã vào thời điểm dân chúng ở những quốc gia này không còn chịu đựng nổi sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực[15] ấy, do ý thức được sự mất nhân tính ấy họ, và cả nhân loại nữa, đã không còn có thể điều hòa được với nó.

Mẹ tôi cho biết cả nhà đã được gặp cha tôi. Bố cũng ở đây, sức khoẻ bình thường, mẹ tôi nói, khẽ nháy mắt với tôi và mỉm cười buồn bã. Tôi hiểu cha tôi yếu, nhưng bọn công an không muốn mẹ tôi nói thế.

Lại một đặc tính ngớ ngẩn của bọn đạo đức giả cộng sản: chúng chỉ cho phép tồn tại một sự thật là cái sự thật làm đẹp cho chúng. Ngoài ra không có sự thật khác. Ngay trong việc nhỏ nhất. Nhìn thấy trên bàn có cái giỏ tích đáng ngờ, tôi ra điều dẹp chỗ cho vợ tôi sắp thức ăn để bỏ nó qua chỗ khác. Tên công an trông thấy. Y nhao tới, hấp tấp đặt nó vào chỗ cũ. Tôi đoán đúng: trong cái giỏ tích có “rệp”.

Cuộc chiến gây ra từ một phía chưa kết thúc. Lê Đức Thọ vẫn sợ một cái gì đấy, cho nên mới phải bí mật theo dõi cả những cuộc nói chuyện trong gia đình chúng tôi. Hay Thọ còn muốn giăng bẫy để bẫy một cái gì khác?

Mẹ tôi im lặng theo dõi việc diễn ra trước mắt, mỉm cười khinh mạn. Bà tỏ vẻ hài lòng thấy tôi không ngơi cảnh giác. Bằng lời lẽ khéo léo, mẹ tôi khuyên tôi phải kiên nhẫn chờ đợi, không nên ảo tưởng, hãy cố gắng chịu đựng. Tôi nghe mẹ nói, lòng buồn rượi.

Ngoài kia vẫn là đêm tối, chưa có gì hứa hẹn bình minh. Mà bây giờ đã là mùa hè năm 1969.

Lợi dụng tên y sĩ công an nhìn đi nơi khác vợ tôi rụt rè đưa cho tôi cây bút bi hai màu. Vợ tôi muốn cho tôi cái gì đó, và đã chọn cây bút - món quà này, vợ tôi biết, chắc chắn làm tôi vui thích. Tôi liếc nhanh tên công an. Y vẫn lắng nghe, nhưng không nhìn chúng tôi, mặt quay ra sân. Tôi giật phắt cây bút trong tay vợ tôi nhét vào túi áo bông. Vợ tôi mở to mắt, ngạc nhiên vì hành động sỗ sàng của chồng.

Ngày hôm đó, tôi đã làm một hành động rất phản văn hóa là hủy hoại một cây bút tuyệt đẹp. Tôi vờ xin phép tên công an cho tôi ra ngoài. Ngồi rất lâu trong cái chuồng xí dựng tạm ở sau nhà, bốn bề trống hoác với mấy tấm tranh quây quanh, tôi quan sát rất kỹ chung quanh rồi bẻ nát cây bút, dùng que đào lỗ chôn những mảnh nhựa vụn. Bằng con dao giấu trong giày, tôi xẻ quãng giữa đường khâu kép nơi mặt trong áo bông, luồn hai ruột bút bi vào đó.

Từ hai ruột bút bi này bắt đầu cuốn Miền Thơ Ấu, cuốn sách mười chín năm sau rốt cuộc rồi cũng được thấy ánh sáng mặt trời.

(Còn tiếp)


[1] Một loại command-car của Liên Xô mới sản xuất trong thập niên 60.

[2] Nghe nói sau khi tôi đi khỏi đó ít lâu trại quân pháp Bất Bạt được sử dụng làm nơi giam giữ tù binh Mỹ.

[3] Thiếu tá Trần Thư cũng bị giam ở trại này năm 1973 trước khi được tha. Anh không bị giam trong xà lim nữa mà được ở trong một ngôi nhà nhỏ như điếm canh đê, có một mảnh vườn con bên trong hàng rào dây thép gai vây bốn bề. Đây là nơi cư trú trung chuyển giữa chế độ giam giữ và sự thả cho về, làm thành một khu riêng biệt, cách khu xà lim và khu trại chung. Lại một sáng tạo độc đáo của hệ thống giam tù "xử lý nội bộ".

[4] Tên một tác phẩm của nhà văn xô-viết K. Paustovsky (nhà xuất bản Văn Hóa, bản dịch của Vũ Thư Hiên).

[5] Nouvelle Hébrides, nay là Vanuatu, vùng đất thuộc lãnh thổ Pháp quốc hải ngoại, nơi có nhiều người Việt Nam di cư đến theo những hợp đồng mộ phu của chính quyền thuộc địa vào đầu thế kỷ 20..

[6] Chơi chữ, nói chại đi từ tiếng Pháp campagnard = tên nhà quê.

[7] Đinh Linh, hay Ding Ling (1904-1986), nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc. Bà có một số phận cay đắng. Năm 1930 bị cảnh sát Quốc Dân Đảng Trung Quốc bắt giam, chồng là nhà văn Hu Yapin bị chính quyền Quốc Dân Đảng hành quyết năm 1931. Bà tham gia Đảng cộng sản Trung Quốc để rồi bị đảng này quy kết là phái hữu và khai trừ khỏi Đảng năm 1957. Đinh Linh và nhà văn Trần Xí Hà được gôp thành một vụ án vn8hc mang tên hai người. C ả hai đều bị hạ ngục vì những phát biểu bất đồng với đường lối văn nghệ của đảng cầm quyền.

[8] Một tổ chức thiếu nhi rất phổ biến trên thế giới. Một bầy sói gồm có huynh trưởng là sói già và sói con như trong truyện "Rừng" của Rudyar Kipling. Sau năm 1954 tổ chức này bị cấm. Tổ chức Thiếu niên Tiền phong là tổ chức duy nhất cho thiếu niên. Thay vào phương châm Mỗi Ngày Làm Một Điều Thiện của Sói con, tổ chức này có phương châm: thực hiện Năm Điều Bác Hồ Dạy.

[9] Nhà báo lão thành, được biết đến bởi những phóng sự chiến tranh trong kháng chiến chống Pháp.

[10] Giáo sư trường Đại học tổng hợp Hà Nội, đỗ hai bằng tiến sĩ ở Pháp. Sau vụ này ông không được phép giảng dạy cho đến suốt đời.

[11] Trường Chinh, dịch sang tiếng Pháp.

[12] Theo Thọ Mai Gia Lễ thì thời gian này vừa đúng bằng thời gian vợ để tang chồng. "Ba năm hai mươi bảy tháng chàng ơi... ".

[13] Năm 1939 tôi được đi theo mẹ lên thị xã Phương Lâm, tỉnh Hòa Bình, để tiễn đoàn tù cộng sản bị đi đày Sơn La. Trong đoàn tù này còn có các ông Trần Huy Liệu, Trịnh Tam Tỉnh, Nguyễn Văn Phúc, Đặng Kim Giang... Trung ương Đảng được mật báo đã cử mẹ tôi đón đường tiếp tế cho các đồng chí. Tôi còn nhớ cha tôi lột cái mũ nồi tôi đang đội cho ông Phi Vân, bị còng tay chung với cha tôi trong chuyến đi đó. Ông Phi Vân sau bị thủ tiêu vì tội “bán nữ đồng chí cho nhà chứa” ở bên Tàu, theo lời ông Nguyễn Lương Bằng. Lại cũng có người nói Phi Vân bị giết theo lệnh của Hồ Chí Minh.Không biết tin nào đúng.

[14] Máy ghi âm bí mật.

[15] Có thể tìm thấy cách suy nghĩ rất thú vị của Lênin về tha hóa, về bản chất của giai cấp vô sản, trong Bút Ký Triết Học của ông, ở những đoạn ghi chép về cách luận giải của Marx và Engels trong vấn đề cách mạng vô sản.