Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Còn tình yêu ở lại

Dạ Ngân

Tháng 4 năm 1982 ở Trại viết Vũng Tàu đã đi vào lịch sử ấy, lần đầu tiên tôi mới được diện kiến nhà văn Nguyên Ngọc. Chính xác là diện kiến. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc cho những người miền Nam kháng chiến 10 năm trước đó, Đường Chúng Ta Đi của tác giả Đất Nước Đứng Lên là thuốc, thực sự là thuốc kháng sinh, là thuốc bổ, là nước tăng lực của tất cả chúng tôi. Chòi Cứ nào cũng chiếc radio Nhật nhỏ xíu, bữa cơm chiều trên nền đất, cả nhóm vây quanh “ăn và uống” bằng từng mẩu tùy bút hào sảng ấy qua sóng Đài phát thanh Giải phóng. Nuốt từng chữ, uống từng câu và lạc quan bước tiếp.

Nguyên Ngọc quá thấp bé so với hình dung của tôi. Lập tức nhớ câu trả lời của Napoléon “Ngươi chỉ dài hơn chứ không cao hơn ta” (khi vị tướng dưới quyền chỉ vào cái bóng của hai người và trêu ông). Nguyên Ngọc nói như viết, hăm hở sôi sục và thành văn ngay, ấn tượng nhất ở cái miệng sang và giọng nói cũng… rất sang. Nhưng chừng nửa thời gian Trại thì sóng gió ghê gớm, giá hồi ấy có mạng xã hội như bây giờ, có lẽ độc giả sẽ chia phe và ùng oàng nhau hết biết. Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Thân, Biên Hồ - Đào Hiếu luôn đầu têu phản biện từ bàn ăn đến buổi họp, đến mức Đinh Thị Thu Vân (đang rất nổi với bài thơ Nếu Không Có Ngày Ba mươi tháng Tư), vâng, Đinh Thị Thu Vân phải nói như chực khóc “Các em vừa nhen nhúm niềm tin nhỏ như que diêm mà các anh nỡ nào thổi cho tắt phụt”, Nguyễn Quang Thân cười phớ lớ “Em ơi, niềm tin của các anh từng đùng đùng như củi đống mà còn tắt ngóm huống chi các em mới có mấy que diêm!”. Nguyên Ngọc bối rối. Đến khi báo Nhân Dân ứng xử với cái chết của Nguyên Hồng với một “mẩu Cáo phó bằng bao diêm trên bìa 4” thì giọt nước tràn ly. Trần Mạnh Hảo, mấy tay nhà văn đầu têu phản kháng tranh cãi không khoan nhượng với Nguyên Ngọc về phương pháp hiện thực nguy cơ bị vứt vào sọt rác. Trại kết thúc trong không khí đưa tang Nguyên Hồng, đưa tang mô hình hiện thực xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô và, như anh Thân nhận định “Tố Hữu chỉ mong Trại thất bại kiểu này để một lần nữa đạp Nguyên Ngọc xuống ruộng!”

Tôi có bối rối của tôi. Gật đầu yêu và nghĩ sẽ chờ đến khi cả hai về một mối, nhưng có lẽ anh ấy đã đi quá xa so với nhận thức của nhiều người khi đó, rằng “Vì sao phải dựa vào Tàu để lập quốc?”. Không gì thuyết phục được anh khi anh viện dẫn sai lầm bi thảm, theo anh là bi thảm nhất cho Dân tộc qua Cải cách ruộng đất. Tôi không nói gì, chỉ nghe, bởi tôi đã biết gì để nói gì trong khi chúng tôi thân với Nhật Tuấn, người duy nhất anh Thân có thể nói mọi điều và cũng là người chứa chấp cưu mang chúng tôi sau Vũng Tàu (Nhật Tuấn khi ấy đang viết Đi Về Nơi Hoang Dã – theo tôi ấy là cuốn tiểu thuyết hay nhất song song với cuốn của Bảo Ninh thời Đổi Mới).

Năm 1983, nhà văn Nguyên Ngọc xuất hiện ở trụ sở báo Văn nghệ tỉnh Hậu Giang (ghép từ hai tỉnh Cần Thơ - Sóc Trăng vào), vâng, nhà thơ Nguyễn Bá – sếp của tôi khi ấy – đưa khách đến. Anh Bá có kiểu cười khà khà híp mắt “Anh Ngọc đã xuống ruộng thật như cái tay gì của em ở Vũng Tàu tiên đoán. Anh Ngọc vào tá túc với anh chị em văn nghệ miền Tây mình. Cơ quan nhờ em cơm nước chăm sóc đại tá Nguyên Ngọc nghen Dạ Ngân”. Nguyên là nhà tịch biên của một đại tá Sư trưởng bộ binh VNCH, nhà biệt thự hai tầng, tôi được cơ quan cho tá túc trong thời gian chờ ly hôn, chỗ dành cho chú Ngọc bên kia cầu thang là phòng cho khách và phòng Văn thư báo. Con gái tôi chạy sang “Tác giả Đất nước đứng lên hả mẹ?”, con trai khi ấy mới 7 tuổi đứng thật gần để xem xem rồi buột miệng “Ông này mà đại tá hả?”. Chết cười, với nó đại tá phải lừng lững như chủ cũ ngôi biệt thự này (đang chờ ở túp lều bên cạnh để chuẩn bị đi Mỹ diện HO).

Chú Ngọc hay đi các tỉnh. Những bữa ăn nhiều tâm tư ở mâm của mẹ con tôi. Chú khảnh ăn, nhai chậm, nói nhiều, hay hạ đũa để nói, vì thế bữa nào cũng cả giờ. Chú chỉ hỏi một lần “Chuyện Thân - Ngân đến đâu rồi. Thân viết rất thông minh, cho thấy tài văn và đọc nhiều nhưng chú chưa thấy gan ruột của tác giả. Trong tình yêu, phải tận cùng và tận hiến Ngân ạ”. Tôi không nói gì, bởi chỉ người trong cuộc mới biết người kia có tận cùng tận hiến hay không. Rất nhiều lần tâm sự chuyện chú và thím, tôi mới hiểu vì sao chú Ngọc băn khoăn về chuyện yêu đương của tôi như vậy. Khi biết chú Ngọc đang ở chỗ tôi, có những bữa ăn với mẹ con tôi, là người đầu tiên đọc Quãng Đời Ấm Áp của tôi, anh Thân viết thư trêu “Chú Ngọc đã nói những gì về Đường chúng ta đi, về Đề Dẫn, về mọi thứ mà ông ấy đã quăng thân vào, Chú Ngọc của em ấy?”. Cụm từ Chú Ngọc của em có từ dạo đó. Chút hờn ghen, một chút tiếc cho bộ óc như thế mà đã không sớm rời quan trận Văn hóa tư tường và Hội Nhà văn, lẫn ngạc nhiên vì sao Nguyên Ngọc không thèm đến Đảng như Phan Đình Diệu… Anh Thân là thế, man kiểu Otenlo và sự cực đoan thì… thì không khác gì Nguyên Ngọc!

Mùa thu 1984 lần đầu tiên tôi ra Hà Nội. Người thứ nhất phải gặp là ai, các bạn biết rồi đấy và người thứ hai là Chú Ngọc của em. Anh Thân để tôi đến đó một mình, vì không biết thím Ngọc sẽ nhìn anh kiểu gì. Một căn hộ trong Khu nhà binh 8 Lý Nam Đế, bếp ở bên kia lối đi, cũ thê thảm và khu toilet chung thì trên cả thê thảm (trong con mắt người Nam). Tôi không tò mò gì về người đàn bà của chú Ngọc, bởi qua những câu chuyện của chú, thím Ngọc đúng như tôi nghĩ. Hai người có gương mặt phu thê, làm gì nói gì và có lẽ nghĩ gì cũng từ cùng một bộ não ấy, đến cách nhìn băn khoăn và cách hỏi “Chuyện của Thân Ngân sao rồi” cũng giống hệt nhau. Sâu xa, tôi và Chú - Thím Ngọc dễ tỉ tê tâm sự hơn, vì chúng tôi có quá nhiều năm tháng cùng một phía, cùng một chiến hào, chỉ có lý tưởng phải thống nhất, non sông phải liền một dải, những người có thể chết khi tim óc và huyết quản có Đường chúng ta đi. Tình cảm người nhà ở chúng tôi là có thật.

Mỗi năm sau đó, khi nào ra Hà Nội, nhà Chú - Thím Ngọc là một trong những địa chỉ của riêng tôi phải đến. Để xem tủ lạnh thím toàn thuốc nè Dạ Ngân, biết Dạ Ngân thích gà luộc thím mua nguyên con gà về làm nè Dạ Ngân. Và để ngắm nhà văn lừng danh chăm vợ: tự đi chợ (chú Ngọc không biết đi xe đạp), tự làm lụng mọi thứ, cả cọ nồi, rửa chén bát trong cái bếp thấp tè. Vì sao? Vì thím Ngọc vướng đủ thứ bệnh bởi 7 năm tù ngục và tra khảo, hai tay dầm nước cũng đau nhức trong khi con gái nhỏ cũng không khỏe mạnh gì. Tôi chưa thấy ai, tôi đoan chắc, tôi chưa thấy ai bền bỉ chăm vợ như người đàn ông có tên là Nguyên Ngọc, cũng chưa thấy ai “một giuộc” với chồng như Thím Ngọc. Một lần ký sách tặng hai người, tôi nghĩ rất lâu và viết “Cho Chú kính yêu & Thím tuyệt vời”. Chú Ngọc thích lắm, cứ khanh khách cười mấy chữ Thím tuyệt vời.

Làm vợ một người như Nguyên Ngọc là chấp nhận chồng khi nào cũng Sôi sục, Suy nghiệm, Phản biện, Dấn thân và Hành động. Khi con gái vừa lớn, Chú Ngọc lại biền biệt ở Tây Nguyên, Quảng Nam, Hội An, trường Đại học và Quỹ Phan Châu Trinh. Cơm tập thể và giường cá nhân với GS Chu Hảo. Nhiều lần cả vợ chồng tôi gặp chú Ngọc ở Đà Nẵng, hay ở các buổi Giải Sách Hay, Giải của Quỹ Phan Châu Trinh, tôi vui sướng xiết bao, anh Thân đã cùng hội cùng thuyền Văn Đoàn Độc Lập với nhà văn Nguyên Ngọc, đã có thể nói chuyện với “Chú Ngọc của em” mọi thứ mà không phải băn khoăn, dè chừng.

Một con người kiên cường với lý tưởng một khi đã xác quyết để đổi thay. Một con người như vậy nhất định phải có một đồng chí (theo nghĩa đẹp nhất của từ này), phải, một người ăn cùng ngủ cùng hít thở cùng bầu khí quyển cả hai làm cho nhau, để sự tận hiến cho xã hội này là hữu ích. Bài Điếu do chính tay “anh Ngọc” viết cho người đàn bà duy nhất yêu và được yêu ấy đã nói lên tất cả.

Rằng Tình yêu là có thật. Mọi thứ có thể trôi qua, mọi thứ có thể đổi thay, mọi thứ có thể phôi pha nhưng Tình em là có thật. Phải, của hai người, vĩ đại và mãi mãi Tình yêu ấy.