Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (9)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

13. N.H.

Cuộc hội nghị phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu lần thứ 2: Sôi nổi và tiến bộ rõ rệt

Sau cuộc họp thứ nhất tối 31-3-1955, Ban văn học Hội văn nghệ Việt Nam lại triệu tập cuộc họp tối 7-4-1955 phê bình lần thứ hai tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Lần họp này chủ yếu vẫn dành riêng cho những anh chị em trong ngành thơ và một số bạn yêu thơ. Có 68 người dự, trong đó có 5 phụ nữ, nhiều anh em công tác văn thơ miền Nam và nhiều anh em văn nghệ bộ đội. Những nhà thơ quen biết đều có mặt: Tú Mỡ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Bảo Ðịnh Giang, Tế Hanh, Hằng Phương. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm Tổng cục chính trị cũng tới dự. Lần này lại có thêm các giáo sư đại học Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Giầu tham gia. Không khí thảo luận sôi nổi hơn lần trước.

Cũng như lần trước, cuộc họp này chứng tỏ dưới chế độ dân chủ cộng hòa, tự do tư tưởng đang được phát triển, và giữa thủ đô Hà Nội không khí phê bình, tự phê bình lành mạnh đang thu hút các bạn văn nghệ cùng nhau tìm rõ phương hướng tiến lên. Trong buổi họp, cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề mà Hoàng Yến đã đặt ra "thơ Tố Hữu đã hiện thực chưa?" Nhiều bạn đã đi sâu phân tích, so sánh thơ Tố Hữu trong thời kỳ đấu tranh bí mật và thơ Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến vừa qua. Việc phê bình đang dần dần đi vào nề nếp suy luận chín chắn, căn cứ vào hoàn cảnh thời gian, không gian và xúc cảm thật của tác giả trong khi sáng tác mà đối chiếu với tiêu chuẩn tư tưởng của văn học, phê bình với tinh thần xây dựng. Nhà văn Nguyễn Hữu Ðang phát triển những ý kiến đã phát biểu trên báo của Hoàng Yến và Hoàng Cầm cho rằng trong tập thơ Việt Bắc cái buồn tiểu tư sản rơi rớt từ đầu đến cuối và không thấy con người Việt Nam qua kháng chiến thử thách lớn mạnh lên chút nào. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị và thi sĩ Huy Cận bênh vực những bài thơ của Tố Hữu đã bị phê bình nhiều nhất. Theo giáo sư Hoàng Xuân Nhị, thơ Tố Hữu đã được nâng cao, đã đạt tới chỗ "thơ ở ngoài lời" mà người xưa đã nói. Thi sĩ Huy Cận muốn phân biệt chủ nghĩa hiện thực với tưởng tượng lãng mạn, và cho rằng chủ nghĩa hiện thực là đi từ thực tế theo một hướng phát triển có lãnh đạo của giai cấp công nhân mà sáng tác, như vậy thì thơ Tố Hữu trước kia có nhiều tính chất tưởng tượng lãng mạn, còn thơ Tố Hữu ngày nay là hiện thực chủ nghĩa: hướng chung là có đi lên trên cơ sở thực tế. Tuy vậy theo thi sĩ Huy Cận, tập thơ Việt Bắc chưa phải là kiệt tác, chất thơ có hạn, gợi đồng cảm còn ít, nhiều chỗ còn ngậm ngùi, rơi rớt buồn.

Thi sĩ Huy Cận nhường lời cho thi sĩ Lưu Trọng Lư, chưa nói hết ý kiến mình về điểm này. Nhiều người còn muốn phát biểu ý kiến nhưng vì thời giờ hạn chế nên phải để đến những lần khác.

Nguồn: Nhân dân, 11.4.1955

14. NHÂN DÂN

Cuộc họp thứ ba thảo luận về tập thơ Việt Bắc

Tiếp theo hai cuộc họp trước, tối thứ năm 14-4-1955 Ban văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam đã triệu tập cuộc họp thứ ba để thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Ðến dự, cũng như trong hai cuộc họp trước, có đông đủ anh chị em quen biết trong ngành thơ và một số anh chị em yêu thơ hoặc hoạt động trong các ngành nghệ thuật khác.

Cuộc thảo luận rất sôi nổi vẫn xoay quanh vấn đề tính chất hiện thực trong thơ Tố Hữu.

Cuộc thảo luận vẫn tiếp tục.

Nguồn: Nhân dân, 17.4.1955

15. VĂN NGHỆ

Tin văn hóa (trích)

Các cuộc họp phê bình tập thơ Việt Bắc:

Tối 7 và tối 14-4-55 vừa qua Ban Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam tiếp tục triệu tập các cuộc họp phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Các buổi họp này vẫn chủ yếu dành riêng cho anh chị em trong ngành thơ và một số bạn yêu thơ. Các giáo sư đại học, sinh viên, cán bộ phụ nữ, nhiều anh em công tác Văn nghệ miền Nam và nhiều anh em văn nghệ và cán bộ quân đội đều có mặt.

Nguồn: Văn nghệ, số 69 (21.4.1955)

16. HIỆN THỰC [1]

Sổ tay văn nghệ (trích)

Trong một bài thảo luận về tập thơ Việt Bắc, tác giả có viết một câu: "Phút công đồn là phút quyết liệt nhất trong cuộc đời người lính chiến đấu… Nhân dân nuôi cơm nghìn bữa để hôm nay đánh giặc một giờ…" [3]

Tôi rất hiểu tác giả muốn nói bộ đội biết ơn nhân dân, biết ơn công sức của nhân dân, nên quyết tâm vì nhân dân diệt địch. Nhưng cách nói không ổn. Ðọc câu này tôi liên tưởng nhớ đến thời nhỏ đọc sách truyện Trung Quốc, khi các nhà vua và tướng phong kiến đưa quân đi đánh trận, chúng thường kể ơn cho ăn cho mặc, đại khái nói: "Nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một lúc", v.v... Câu văn của tác giả cũng vậy, có tính cách đếm ngày nuôi, đếm bữa ăn, đếm giờ đánh giặc, gợi ra một tương quan đếm lường không đúng. Nhất định chúng ta không bao giờ có ý nghĩ "ăn cơm bà chúa, bây giờ múa đi!"

Tinh thần tác giả muốn nói một đằng, câu văn tác giả lại nói một nẻo.

Nguồn: Văn nghệ, số 68 (11.4.1955).

[1]Hiện Thực là bút danh ký dưới các bài trong tiểu mục “Sổ tay văn nghệ” của báo Văn nghệ trong năm 1955. Chưa rõ những nhà văn nào thường viết cho mục này. Sang năm 1956, một trong số những người viết mục này ký là Bạch, tức là nhà văn Nguyễn Tuân.

[3]Ðây là ý và câu trích từ bài của Hoàng Yến.