Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Cái chìa khóa phòng restroom ở Lãnh sự quán

Hồi ức Nguyễn Minh Kính

Chuyện chẳng có gì ầm ỹ mà sao tôi vẫn cứ “lăn tăn” nên kể ra đây để may ra bớt “lăn tăn”. Mà kể ra cũng phải có đầu có đuôi nên lại phải dài dòng.

Chuyện là, ngày 04 tháng 8 năm 2015, tôi có việc phải đến cơ quan đại diện Việt Nam tại San Francisco, nước Mỹ. Nói đúng hơn là để xin cái giấy xác nhận chữ ký ủy quyền cho người thân ở Việt Nam giải quyết vài công việc riêng. Tuổi ngoài thất thập, lẩn thẩn dễ quên nên các giấy tờ cá nhân dính dáng đến mỗi công việc, tôi thường để riêng ra trong từng sơ-mi riêng biệt. Tôi có cái sơ-mi đựng các loại giấy tờ liên quan đến Lãnh sự quán tại San Francisco, thậm chí kể cả chục tờ biên lai thu phí cũ tôi vẫn lưu giữ từ năm này qua năm khác. Hồ sơ xin giấy ủy quyền cần có ba thứ: 1/ Bản photo passport của người xin ủy quyền, 2/ Bản photo thẻ căn cước của người được ủy quyền tại Việt Nam. 3/ Mẫu đơn giấy ủy quyền do cơ quan đại diện Việt Nam cấp phát tại chỗ.

Trước bàn cửa sổ tiếp khách, tôi mở cái sơ-mi có nhiều thứ giấy tờ của tôi để sang một bên, tay chỉ cầm hai bản photo passport và photo căn cước của người được ủy quyền. Tiếp tôi là một cô xinh xinh trạc tuổi ba mươi, nói giọng Bắc. Tôi đã vào cơ quan ngoại giao ở đây nhiều lần nhưng không biết tên ai nên xin được phép tạm đặt tên cho cô này là cô Xinh Xinh. Và sau đây là lời đối thoại.

- Bác cần gì không ạ?

- Cô làm ơn cho tôi xin cái mẫu giấy ủy quyền.

Thấy các loại giấy tờ của tôi bên cạnh và có cả xấp biên lai cũ, cô hỏi bằng giọng không phải xã giao bình thường:

- Bác mang biên lai cũ đến làm gì vậy?

- Tôi hay quên nên các giấy tờ cùng một công việc tôi thường gom vào một cái sơ-mi để khỏi lẫn lộn nên mang theo luôn.

- Mẫu đây, bác mang ra ngoài điền xong rồi vào nộp.

Cô Xinh Xinh không vui vẻ lắm, nhưng tôi là người cần việc nên lúc nào cũng tự nhủ mình phải nhẹ nhàng làm theo sự hướng dẫn. Vả lại tuổi đời càng cao, tính tình con người hình như có mềm đi đôi chút, nhẹ nhàng đi đôi chút. “Con chim sắp chết, cất tiếng bi thương; con người sắp chết, nói lời thành thật”; tôi nghiệm thấy đúng, khi tuổi đời đã cao.

Cửa sổ văn phòng ở Lãnh sự quán thông thường chỉ có một người đứng tiếp khách. Khi điền xong mẫu đơn, tôi trở lại cửa sổ thì gặp một cô khác. Cô này đứng tuổi hơn, dáng người mảnh dẻ, vui vẻ, nhẹ nhàng, lịch sự, cũng nói giọng Bắc. Để dễ phân biệt, tôi xin tự đặt tên để gọi là cô Đứng Tuổi. Và sau đây là mẫu đối thoại giữa cô Đứng Tuổi và tôi:

- Bác lấy giấy tờ hay nộp giấy tờ ạ?

- Tôi nộp hồ sơ xin xác nhận giấy ủy quyền cho người thân ở Việt Nam.

Cô xem một cách cẩn thận rồi vui vẻ nói:

- Đủ rồi bác ạ, xin bác đóng lệ phí mười đô.

Tôi nộp tiền xong, hỏi:

- Chừng nào tôi được trả lại giấy tờ hả cô?

- Bác ngồi chờ một chút, lát nữa thôi.

Tôi mừng quá, công việc coi như đã tạm xong, lại gặp được cô tiếp khách vui vẻ, lịch sự nên lại càng vui.

Chợt nhớ gần như cả buổi sáng chưa đi restroom (toilet) và cái bụng đang thôi thúc. Thông thường trên kệ bên cạnh cửa sổ tiếp khách có hai cái chìa khóa phòng restroom, một cho phòng đàn ông và một cho phòng của đàn bà. Chìa khóa thường có cái móc, sợi dây hay cái kẹp đính vào, của đàn ông thì đơn giản, của đàn bà màu mè hơn một chút, như bông hoa bằng vải ni-lon chẳng hạn. Tôi vào đây nhiều lần nên đã biết phân biệt hai loại chìa khóa này. Trên bàn, tôi thấy chỉ có cái chìa khóa phòng restroom đàn ông. Từ lúc tôi đến làm việc và chờ đợi đến lúc đó không thấy một người đàn bà nào cả. Không nhớ đến thì thôi, khi nhớ đến, cái bụng lại càng thôi thúc. Khổ thế. Ai đã ở cái tuổi như tôi thì biết ngay. Tôi vội vàng chộp cái chìa khóa và ra khỏi phòng chờ đợi để đi restroom. Mở phòng restroom đàn ông không được. Đứng tần ngần, nghĩ thầm trong đầu, cái bụng nó thôi thúc thế này, ngộ nhỡ trên bảo dưới không nghe thì làm sao. Tôi tra chìa khóa vào phòng restroom đàn bà thấy mở được nhưng không dám mở cửa, vả lại thấy khả năng còn có thể điều khiển được phần dưới nên tôi rút chìa khóa ra. Ngay lúc đó, cô Xinh Xinh xuất hiện. Bằng một giọng tôi không dám nói là quát tháo nhưng rất to và chát chúa, theo âm hưởng của bản nhạc có lẽ đã lên tới nốt la, xi:

- Ai cho bác mở phòng restroom đàn bà?

- Xin lỗi cô, cái chìa này tôi thấy là của phòng restroom đàn ông nhưng mở không được. Tôi tra vào restroom này thấy được, nhưng tôi không mở cửa đâu.

Thật ra câu nói này tôi chưa nói hết, cô không cần nghe, đã cắt ngang bằng một giọng có phần gay gắt hơn vừa rồi:

- Ai cho bác mở cửa restroom đàn bà? Bác có biết ở đây người ta gắn camera không?

- Tôi biết. Tôi đã sống ở Mỹ lâu rồi. Tôi biết. Xin lỗi cô.

May mà ở hành lang restroom chỉ có hai người. Xấu hổ quá và nhu cầu đang cấp bách, tôi bỏ đi, mặc cho cô nói gì thì nói.

Trở lại phòng chờ đợi tiếp khách đang có hai người đàn ông và hai cậu bé trạc mười hai đến mười lăm tuổi cũng đang ngồi, tôi gặp được cô Đứng Tuổi. Trả lại cái chìa khóa vào vị trí cũ, tôi nói với cô Đứng Tuổi.

- Thưa cô, vui lòng cho tôi mượn chìa khóa phòng restroom của đàn ông.

Cũng với nét vui vẻ quen thuộc như vừa rồi, chỉ vào cái kệ phía ngoài nơi tôi đang đứng, cô nói:

- Bên cạnh đó, bác lấy đi. Chìa có cái kẹp giấy màu đen dính kèm đó.

- Chìa có kẹp giấy màu đen dính kèm thì có nhưng không phải của phòng restroom đàn ông.

- Tại sao nhỉ?

- Tôi đã thử rồi nhưng không đúng. Đây chỉ có một chìa thôi. Cô cho mượn cái khác đi.

Sau một lúc tìm kiếm mấy ngăn đựng dụng cụ bên cạnh chỗ cô đứng tiếp khách không thấy, cô chạy vào phòng phía trong lấy cho tôi một cái chìa trần trụi không có móc khóa hay vật gì dính kèm rồi vui vẻ nói:

- Bác nhớ sử dụng xong, trả lại tận tay cho cháu nha.

Tôi cảm ơn rồi vội vàng ra ngoài đến phòng restroom đàn ông.

Sau khi giải quyết xong vấn đề, tôi trở lại giao cái chìa hóa restroom mới cho cô Đứng Tuổi, lòng thấy nhẹ nhàng khoan khoái. Vừa lúc đó cũng nhận được hồ sơ giấy tờ đã xong do cô giao, tôi nói:

- Cảm ơn cô. Xin phép cô cho tôi nói chuyện với cô một phút được không ?

- Vâng, bác cứ nói.

- Tôi đến đây đã nhiều lần. Có lẽ hôm nay là lần đầu tiên tôi được đón tiếp lịch sự, vui vẻ, thoải mái, công việc giải quyết nhanh, thu phí đúng quy định, không thể chê vào đâu được. Cảm ơn cô nhiều lắm. Tuy nhiên vừa rồi đi restroom vì cái chìa khóa này mà xảy ra một việc làm tôi cứ “lăn tăn” suy nghĩ và thấy xấu hổ.

Tôi thuật lại câu chuyện vừa xảy ra với những lời đối thoại với cô Xinh Xinh cho cô Đứng Tuổi nghe. Cô Đứng Tuổi vui vẻ trả lời:

- Bác thông cảm. Có lẽ do áp lực công việc bác ạ. Chúc bác một ngày vui vẻ.

- Cảm ơn cô. Tôi cũng chúc cô một ngày vui vẻ.

Ra khỏi cơ quan Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, tôi đi bộ theo con đường California St. xuống dốc về trạm đón tàu điện.

Mùa hè, thành phố San Francisco cổ kính vừa tân kỳ tấp nập du khách khắp mọi miền đổ về. Mơn man trong những làn gió biển từ vịnh San Francisco bên bờ Thái Bình Dương thổi vào, tôi thầm mong câu trả lời của cô Đứng Tuổi là đúng.

“Bác thông cảm. Có lẽ do áp lực công việc bác ạ”.

Ngày 30-08-2015