Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Hoa gạo và cái đói 60 năm trước

Bùi Xuân Đính

Đang là mùa hoa gạo – loài hoa cho sắc màu đỏ thắm từ loài cây bình dị, tôn thêm vẻ đẹp của làng quê vào giữa tiết Xuân. Mấy ngày rồi, có biết bao hình ảnh, nhiều bài viết về hoa gạo. Riêng tôi, nhìn cây và hoa qua ảnh mà thấy bồi hồi nhớ đến cái đói, nạn đói mà tôi, gia đình tôi và làng quê tôi phải chịu 60 năm trước.

Tôi không bao giờ quên được những ngày đó, sau cái Tết Nhâm Dần – 1962, miền Bắc đã bước qua “đỉnh cao muôn trượng”, nhưng quê đôi đói lắm, vì như lời mẹ tôi “Chúng nó thắt dân”. “Chúng nó” mà mẹ tôi gọi ở đây là hợp tác xã, còn “thắt”, sau này tôi mới hiểu là chính sách cải tiến quản lý hợp tác xã, xóa bỏ hoa lợi được chia theo ruộng đất, trâu bò của xã viên khi đóng góp vào HTX. Nhà tôi góp vào hợp tác xã 1 mẫu 8 sào, nên nguồn hoa lợi này rất lớn, đồng nghĩa với mất một nguồn thu nhập lớn, trong khi hợp tác xã làm ăn bết bát, năng suất lúa chẳng hơn thời trước là bao, thóc lúa thu bị “thất năm, tán bảy”, cán bộ hợp tác xã chè chén quá đà. Tháng Hai lịch âm, tháng 3 lịch dương, còn 2 tháng nữa mới đến vụ gặt, lúa vẫn đang thì con gái, nên xóm làng “náo động” vì đói. Nhà tôi một ngày chỉ được 2 bữa cơm mà sắn, ngô trội hơn cơm đến mấy phần, bữa tối thì ăn cháo toàn cải bắp. Sang tháng Ba thì cái đói đến điểm cùng. Không mấy nhà trong làng nổi lửa ba bữa một ngày. Trong xóm tôi có gia đình đến ngày giỗ bố, chỉ bày lên ban thờ bát ngô bung. Nhà tôi cứ 3 giờ sáng, mẹ tôi dậy bung ngô, mỗi người được một bát, còn một ít để đến bữa trưa nấu lẫn với chút gạo, gọi là có cơm. Bố tôi phải gác rá ngô tít trên cao, để anh em tôi không “ăn vụng” được. Nhưng đến 10 giờ, cái đói nó vật. Tôi và em tôi bắc ghế lấy ngô xuống ăn. Dù chỉ một bát, nhưng cũng ảnh hưởng đến bữa trưa của cả nhà với 6 người. Bố tôi đi chợ về, thấy rá ngô bị vơi, đã mang roi ra, định vụt, và anh em tôi cũng sẵn sàng chịu đòn. Nhưng rồi, bố tôi lại cất roi và tôi thấy cổ ông nghẹn nghẹn. "Tháng Tám đói qua, tháng Ba đói cùng”. Câu mà bố tôi nói với tôi khi đó, tôi mới thấm. Mọi thứ rau dại ở ngoài đồng có thể ăn được bị vặt trụi. Nhà nhà phải tìm đến các loại cây, rau vừa lớn (rau khoai lang, mồng tơi, cà bát…). Nhưng cũng chẳng được là bao, vì hợp tác xã cho trồng hạn chế, vừa phải hái dè chừng, vì sợ ảnh hưởng đến sức lớn của cây. Một số người đã vượt con ngòi, sang đồng làng bên để hái trộm rau khoai lang của làng đó, nhưng bị canh giữ nghiêm ngặt. Một buổi tối, qua bữa “cơm” một lúc lâu, mà anh tôi đi đâu không thấy về. Mẹ tôi lo lắng, bồn chồn, giục bố tôi đi tìm. Bố tôi vừa ra khỏi nhà thì anh tôi về, bê theo một rổ phủ đầy rạ vụn lên trên, nhưng bên dưới là rau lang và vài quả cà bát, hái được từ đồng làng bên. Thì ra anh tôi và hai người khác, thấy dân quân làng đó về ăn cơm, không có người canh, đã vượt ngòi sang hái. Mẹ tôi van xin anh tôi: “Đói thì chịu, đừng làm thế con ạ, họ mà bắt được thì chỉ có què, ăn còn chả đủ, lấy đâu tiền thuốc thang”.

Làng tôi có một cây gạo rất to và cao, ở ngay ven đường liên xã, chỗ trước cửa đình làng bây giờ. Trước đây, hoa gạo chỉ để ngắm, chẳng ai ăn gì thứ hoa ấy. Nhưng năm 1962 đói, lũ trẻ chúng tôi và cả lớp tuổi anh chúng tôi (sinh 1948-1949) ném hoa gạo cho rụng xuống để ăn, lúc đầu ăn cái “cộp” gạo (phần quả gạo bắt đầu hình thành), sau “cộp” gạo hết, ăn cả cái cánh của hoa gạo. Vì cây ngay ven đường, ném bằng tre, đá, rất dễ trúng người qua lại, một nhóm trẻ phải phân công hai đứa “gác” ở hai đầu đoạn đường có cây gạo, khi có người đi qua thì hô “dừng”. Những đứa khác có sức hơn thì ném. Sái cả tay mà có khi chẳng được mấy hoa rơi xuống. Hoa, cộp nào rơi thì nhanh tay nhặt và lui vào để ném tiếp. Cứ thế, ngày qua ngày, lớp hoa ở các cành dưới cũng hết, đến cuối vụ chỉ còn hoa ở mấy cành trên cao, sức trẻ con không thể ném tới. Cũng lúc vụ gặt chiêm đang đến gần.

Cây gạo và cái đói 60 năm trước không bao giờ phai nhòa trong ký ức tuổi thơ tôi. Tôi, gia đình và làng quê tôi còn chịu thêm trận đói năm tiếp theo (1963), còn dữ dội hơn. Đến tháng 12/1963, nhà tôi rời quê đi lập quê hương mới ở xã Yên Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, thoát khỏi cái đói và “ném cộp gạo”. Tôi cũng không rõ cây gạo đó mất từ bao giờ.

Ảnh : "Cộp" gạo (từ của quê tôi) và cây gạo (chôm trên mạng).

 

Nguồn: FB Bùi Xuân Đính