Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Đôi lời thưa lại với chị Thuỵ Khuê

Cao Quang Nghiệp

Cảm ơn chị đã dành thời gian viết bài “Đôi lời cùng anh Cao Quang Nghiệp” (Văn Việt, ngày 28.10.2021) để trao đổi về bài viết “Bài thơ Tương biệt dạ và thời điểm lần đầu tiên Nhất Linh rời Hà Nội sang Trung Quốc” (Văn Việt, ngày 29.10.2021) của tôi. Nay chúng tôi có đôi điều xin thưa lại với chị. Để cho rõ ràng chúng tôi sẽ bám sát từng vấn đề theo thứ tự trong bài của chị.

1. Bài thơ Tương biệt dạ khi in trên Giai Phẩm Đời Nay 1943, đề năm 1941, nhưng theo chị thì điều này không “chứng tỏ nó đã được viết năm 1941”. Thưa chị! Việc ghi sai ngày tháng năm sáng tác của tác phẩm đúng là có xảy ra thật. Nhưng mỗi trường hợp cần phải được xem xét một cách cụ thể. Và nếu không có bằng chứng cho thấy năm tháng được ghi là sai thì người nghiên cứu buộc phải chấp nhận thời điểm đã được chính tác giả ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen.

Trong nghiên cứu khoa học, người ta có quyền cân nhắc dùng hay không dùng tài liệu nào, nhưng cần phải thông tin về những tài liệu đó và nhất là phải giải thích tại sao tin tưởng tài liệu này mà bất tín với tài liệu nọ. Trong trường hợp này, chị đã viết “Đinh Hùng không viết gì về sự kiện này trên sách, báo” và chị tuyệt nhiên không nhắc đến cuốn hồi ký Đốt lò hương cũ của Đinh Hùng. Chỉ sau khi tôi chỉ ra thiếu sót này thì chị mới đưa ra lý do “chị không tìm thấy chỗ nào Đinh Hùng nói đến hoàn cảnh sáng tác bài Tương biệt dạ”.

Chị dẫn lời Quốc Nam thuật lại nhà thơ Đinh Hùng kể rằng câu mở đầu bài thơ “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề” là của Thạch Lam “gà” cho Huyền Kiêu, 17 câu còn lại mới là của Huyền Kiêu.

Nhưng chính Đinh Hùng trong hồi ký của mình thì không viết như thế. Ông nói rõ (Đốt lò hương cũ. Sài Gòn: Lửa Thiêng, 1971, bản in lại của Nhà xuất bản Xuân Thu, xuất bản ở Carlifornia, 1991, tr. 69-70): “Những câu sau đây là của Thạch Lam:

Ngậm ngùi ngùi [sic!] chén rượu ánh vầng giăng,

..................................................

Đã tắt lò hương, lạnh phím đàn,

..................................................

Trời cao, mây nhạt, ngàn sao rụng,

Một giải sương theo vạn dặm buồn,

........................................................

Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự,

Anh đã xa rồi, anh biết đâu?.”

Như thế, Đinh Hùng xác nhận Thạch Lam là tác giả của 6 trong tổng số 16 câu của bài thơ và câu mở đầu “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề” lại không nằm trong số 6 câu đó.

Hơn nữa, theo Đinh Hùng, không phải Thạch Lam xướng câu “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề” mở đầu để cho Huyền Kiêu làm tiếp 17 câu thơ còn lại, mà là Huyền Kiêu làm xong bài thơ, Thạch Lam không ưng ý, đề nghị sửa lại 6 câu như đã dẫn: “Bài thơ “Tương biệt dạ” của Huyền Kiêu, sự thực có mấy câu không phải của Huyền Kiêu, mà của Thạch Lam đã sửa lại – phải nói là Thạch Lam sáng tác thì đúng hơn. Vì Thạch Lam đọc bài thơ của Huyền Kiêu không ưng một vài câu, liền đề nghị thay thế bằng mấy câu đổi thay hoàn toàn” (Đốt lò hương cũ. tr. 69).

Nếu đúng như lời chị quả quyết “Tôi đã đọc kỹ cuốn Đốt lò hương cũ trước khi viết chương Con đường cách mạng” thì lẽ nào một nhà nghiên cứu cẩn trọng như chị lại không thấy cần phải chỉ ra sự khác biệt lớn đến thế giữa lời của chính Đinh Hùng và lời mà Quốc Nam cho là của Đinh Hùng?

Đi xa hơn, từ đó lẽ nào chị dẫn Quốc Nam mà không hề đặt nghi vấn về mức độ khả tín của tư liệu do Quốc Nam cung cấp?

Đốt lò hương cũ do chính Đinh Hùng viết nên phải được xem là tài liệu gốc; còn tài liệu của Quốc Nam chỉ nên xem là thứ cấp. Đó là chưa kể Đinh Hùng hoàn tất hồi ký Đốt lò hương cũ trễ nhất là năm 1967 – năm ông qua đời – nghĩa là khoảng 26, 27 năm sau sự kiện “hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề”; trong khi đó, bài viết “Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu” của Quốc Nam công bố năm 1997, nghĩa là 32 năm sau khi nghe Đinh Hùng kể lại. Thử hỏi giữa tài liệu của Đinh Hùng và tài liệu của Quốc Nam, lý do nào để nhà nghiên cứu chọn Quốc Nam?!

2. Chị viết “Phần quan trọng nhất của Đốt lò hương cũ, dành cho Thạch Lam, gồm nhiều bài, Đinh Hùng chỉ nhắc đến Huyền Kiêu hai lần” và chị kể rõ hai lần đó, một ở bài Sóng rượu Hồ Tây trang 45 và một ở bài Cơn say chưa tỉnh trang 43 [chị nhầm, đúng ra là tr. 53 – CQN]. Thực ra, Sóng rượu Hồ Tây Cơn say chưa tỉnh chỉ là phần 2 và phần 4 của bài “Những kỷ niệm ‘chia ngọt xẻ [sic] bùi’ cùng Thạch Lam” (tr. 35-58). Nếu đọc kỹ hơn, thì chị hẳn biết Đinh Hùng còn nhắc đến Huyền Kiêu ở bài “Thạch Lam thẩm âm” (tr. 59-67) và bài “Tìm hiểu con người đích thực của Thạch Lam” (tr. 69-73). Tổng cộng cái tên Huyền Kiêu trong ba bài trên được Đinh Hùng nhắc tới ít nhất 14 lần – trang 39, 44, 45 (2 lần), 48 (2 lần), 49, 53, 57, 59 (2 lần), 63, và 69 (2 lần).

3. Chị khẳng định rằng “Đinh Hùng viết về tài làm thơ của Thạch Lam, và ông dẫn ra mấy câu thơ trong bài Tương biệt dạ được Thạch Lam sửa, để tỏ tài thơ của Thạch Lam, nhưng những câu thơ này không được ghi lại trong bài Tương biệt dạ đã đăng báo và trong bản Nhất Linh in trên Văn Hoá Ngày Nay”. Nếu hiểu “những câu thơ này” là những câu thơ gốc của Huyền Kiêu trước khi được Thạch Lam sửa, thì vô lý: Trong Đốt lò hương cũ, Đinh Hùng không hề dẫn những câu thơ đó. Còn nếu hiểu đó là những câu thơ của chính Thạch Lam thay cho câu thơ của Huyền Kiêu thì còn vô lý hơn: tất cả 6 câu thơ này đều có trong bài Tương biệt dạ đăng trên Giai phẩm Đời Nay 1943 và cả trên Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay năm 1958 mà ảnh chụp được chính chị đã đưa vào bài “Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (41)”.

4. Chị viết: “Đinh Hùng cũng không nói: "Khái Hưng và Nhất Linh cùng rời Hà Nội vào tháng tư.1941 để ghé Đài Loan và sau đó đến Quảng Đông" như anh viết”. Đây là câu không chặt, có thể khiến người đọc hiểu rằng tôi xác quyết chuyện "Khái Hưng và Nhất Linh cùng rời Hà Nội vào tháng tư 1941 để ghé Đài Loan và sau đó đến Quảng Đông" là do Đinh Hùng nói – trên thực tế, không có một chỗ nào trong bài viết của tôi dẫn đến cách hiểu như thế. Trong bài viết của mình tôi hoàn toàn không dựa vào tài liệu của Đinh Hùng để xác định thời gian Khái Hưng và Nhất Linh sang Đài Loan và Trung Quốc. Kết luận của tôi trong bài viết nguyên văn như sau: “Như vậy, kết hợp từ báo cáo về lời khai của Khái Hưng ngày 31.10.1941, cùng lời khai của Trần Văn Lư ở Sở Mật thám Bắc Kỳ ngày 17.9.1941, và thông tin về năm ra đời của bài thơ do Huyền Kiêu đề cuối bài Tương biệt dạ cũng như thông tin từ câu thơ “Giăng mùa Xuân đó ai tâm sự?” trong bài thơ này mà chúng tôi có thể kết luận rằng Nhất Linh thật sự đã rời Hà Nội vào mùa xuân, tháng 4.1941, chứ không phải là vào mùa thu năm 1940, như Thụy Khuê đã suy luận sai.” (tôi in đậm để lưu ý).

5. Chị cũng đồng ý rằng tháng 4.1941 Khái Hưng có mặt ở bên Tàu, nhưng chị không biết rõ là bằng cách nào mà Khái Hưng sang bên đó. Trong khi đó Sở Mật thám ghi lại lời khai của Khái Hưng nói là ông đã “cùng với Nguyễn Tường Tam đến Quảng Châu và Đài Loan, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua [4.1941]”. Thông tin này không mới đối với chị vì chính chị đã dẫn trong bài “Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (41)”. Điều khó hiểu là chị chỉ dùng thông tin này để xác nhận Khái Hưng cũng ở bên Tàu tháng 4-1941, nhưng lại bất tín một phần nội dung quan trọng trong đó nói là Khái Hưng cùng đi với Nhất Linh.

Chị giải thích cho việc chọn lựa của mình: “Nhất Linh đi một mình, theo chứng của Đinh Hùng và Komaki Omi”; ở một chỗ khác, chị nhắc lại: “Nhất Linh không đi cùng Khái Hưng: Nhất Linh đi rồi, Khái Hưng mới bị bắt, theo Đinh Hùng”. Lời giải thích này có thuyết phục không?

Theo chứng của Đinh Hùng thì thưa chị, tuyệt nhiên không có chỗ nào Đinh Hùng có lời chứng như thế. Thực ra, Đinh Hùng chỉ viết:

“Nhất Linh, sau một đêm “hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề” họp mặt lần cuối cùng với chúng tôi bên bàn rượu kề gốc liễu, tảng sáng bỗng ra đi biệt tích.

Khái Hưng bị bắt đưa đi Vụ Bản, Thế Lữ sợ liên quan cũng lẩn trốn mất dạng”. (Đốt lò hương cũ, tr.56-57).

Căn cứ vào những gì Đinh Hùng viết, chỉ có thể nói Nhất Linh “biệt tích” sau họp mặt với bạn bè, trong đó có Đinh Hùng, “bên bàn rượu kề gốc liễu” nhà Thạch Lam. Mấy chữ “ra đi biệt tích” không hề có nghĩa là “sang Trung Quốc”. Đinh Hùng viết đúng những gì ông biết: sau cuộc rượu hôm đó, ông không thấy Nhất Linh nữa; chứ Nhất Linh còn lẩn trốn trong nước, rồi mấy tháng sau mới đào thoát qua Trung Quốc hay đã đi ngay sau đó, ông không thể biết – một người hoạt động cách mạng như Nhất Linh liệu có sơ suất nói cho Đinh Hùng, người trẻ nhất trong những người bạn văn uống rượu hôm đó và là người chuyên viết tình yêu, chứ tuyệt không có một hành động nào liên quan đến chính trị, những thông tin quan trọng cỡ đó không? Như thế, những gì Đinh Hùng viết đó có thể xem là lời chứng cho việc “Nhất Linh không đi cùng Khái Hưng” hay không?

Còn lời chứng của Komaki Omi? Trong bài “Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (41)”, chị viết: “Theo điện thư Aki Tanaka gửi cho tôi ngày 7-9-2020, thì Komaki Omi (tên thật là Omiya Komaki) có viết hồi ký kể lại rằng chính ông đã giúp Nguyễn Tường Tam sang Tàu: Đi qua Đài Loan (lúc đó là thuộc địa của Nhật) rồi mới sang Tàu. Ông Komaki Omi không nói là ông đưa cả Khái Hưng sang Tàu.” Tuy thế, hai kỳ sau, do Aki Tanaka gửi điện thư đính chính, chị sửa lại: “Vậy tôi xin viết lại thông tin này như sau: "Komatsu Kiyoshi (cố vấn cho nhà văn hóa Nhật), đã viết trong tiểu thuyết rằng Shimura [tức Komaki Omi, trong tiểu thuyết đổi tên thành Shimura] đã giúp Nguyễn Tường Tam sang Đài Loan". (“Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (43)”). Đính chính này lộ ra hai điểm quan trọng: (a) Komatsu Kiyoshi, chứ không phải chính Komaki Omi, viết sách kể về chuyện Komaki Omi giúp Nguyễn Tường Tam sang Đài Loan – nghĩa là ta lại gặp một trường hợp Quốc Nam: lời mà chị dựa vào là của người khác kể lại, chứ không phải “chính chủ”; và (b) So với bài viết của Quốc Nam, mức độ khả tín của cuốn sách đó còn thấp hơn: đây không phải là hồi ký mà là tiểu thuyết, tức tác giả có quyền nhào nặn tư liệu lịch sử theo mục đích nghệ thuật của mình. Có thể dựa vào tiểu thuyết của một người không liên quan đến sự việc để bác bỏ lời khai của Khái Hưng không? Chị nói có; tôi nói không.

clip_image002

Bìa cuốn tiểu thuyết Vetonamu no chi [Máu Việt] của Komatsu Kiyoshi (Tokyo: Kawade Shobe, 1954)

6. Để bác bỏ sự kiện Nhất Linh và Khái Hưng đi cùng nhau qua Tàu, ngoài việc viện dẫn “lời chứng” của Đinh Hùng và Komaki Omi, chị còn đưa thêm một lý do: bản ghi lời khai của Khái Hưng không đáng tin: “Thông tin này, không thể dùng để xác nhận Nhất Linh và Khái Hưng cùng sang Tàu với nhau, vào tháng 4-1941, bởi vì, Nhất Linh không nhờ Trần Văn An tức Shibata đưa sang Tàu […]”. Xin chị đọc lại lời khai: “Khái Hưng đã đi Quảng Đông và Đài Loan cùng Nguyễn Tường Tam, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật vào tháng 4 vừa qua [4-1941] để gặp Trần Văn An tức Shibata”. Rõ ràng bản khai chỉ nói “để gặp Trần Văn An” (nguyên văn: pour y rencontrer TRAN VAN AN dit SHIBATA), chứ không hề nói nhờ Trần Văn An đưa sang Tàu. Đấy là hai việc hoàn toàn khác nhau. Và như thế, lý do này còn đứng vững không?

7. Chị viết: “Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị bắt ngày 16 tháng 9, năm 1941.”

“Khái Hưng phải đi trốn từ ngày 16-9, trong vòng một tháng rưỡi. Ông bị bắt ngày 31-10-1941.”

“Vậy cuối năm 1941, Khái Hưng không thể ngồi nhà Thạch Lam bên Hồ Tây, uống rượu tiễn Nhất Linh.”

Quả đúng là Hoàng Đạo bị bắt ngày 16.9.1941 thật, nhưng Nguyễn Gia Trí thì bị bắt trước đó, chính xác là lúc 1 giờ 30 phút, ngày 15.9.1941.

clip_image004

Tài liệu của Sở Mật thám cho biết Nguyễn Gia Trí bị bắt ngày 15.9.1941[1]

Còn việc Khái Hưng ngồi nhà Thạch Lam bên Hồ Tây, uống rượu tiễn Nhất Linh thì tuyệt nhiên Đinh Hùng trong Đốt lò hương cũ không cho biết một thông tin nào như vậy. Nhưng Quốc Nam thì nói như thế, mà chị thì tin Quốc Nam, lấy lời Quốc Nam làm một trong những căn cứ để xác định thời điểm Nhất Linh sang Tàu.

Căn cứ vào Quốc Nam, chị nhất định cho rằng trong buổi uống rượu để đưa tiễn Nhất Linh, có mặt Khái Hưng và Huyền Kiêu. Bài Tương biệt dạ của Huyền Kiêu và tranh minh họa của Khái Hưng được sáng tác là chính vào hôm đó. Vì thế, trong bài “Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (41)” chị mới đặt tên “Nhất Linh lên đường – Thơ và tranh tiễn biệt” cho một tiểu mục. Tuy thế, bức tranh của Khái Hưng phải được vẽ sau khi Nhất Linh “lên đường”. Xin đọc mấy dòng sau đây trong lời dẫn của bài Tương biệt dạ đăng trên Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay năm 1958, mà trong bài “Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (41)” chính chị cũng có dẫn: “Đây là một bức tranh chính tay Khái Hưng vẽ (mấy chữ nho bên cạnh là Khái Hưng họa) để tỏ nỗi buồn khi một người bạn văn thân thiết của ông, Nhất Linh, vì công việc chống Pháp, phải bỏ đi xa. Khái Hưng vốn không phải là họa sĩ nhưng bức tranh ông vẽ này đẹp như một bức danh họa và tả được hết nỗi buồn ngồi đối diện ánh trăng khuya nhớ tới bạn.” Mấy chữ “tả được hết nỗi buồn ngồi đối diện ánh trăng khuya nhớ tới bạn” cho thấy bức tranh của Khái Hưng nhất định không thể vẽ trong đêm tiễn biệt được, mà phải sau đó[2].

Cho nên, lập luận của chị: “Cuối cùng, nếu Khái Hưng sang Tàu cùng với Nhất Linh, tháng tư năm 1941, thì làm gì có bài Tương biệt dạ?” sẽ không thuyết phục đối với những ai không tin vào tài liệu của Quốc Nam, mà tin vào Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay, một ấn phẩm do chính Nhất Linh phụ trách. Trong số đó, có tôi.

clip_image006

Trăng xưa, Văn Hoá Ngày Nay số 5, trang 85

8. Chị viết: “Khi Nhất Linh trở về nước, ông tới Hà Nội tháng 11-1945.[3]

Báo Việt Nam chào mừng lãnh tụ sau năm năm hoạt động cách mệnh ở hải ngoại đã trở về. Tức là Nhất Linh đã rời nước từ cuối năm 1940.”

Nếu tính theo “kiểu ta” thì từ năm 1940 đến 1945 thì là 6 năm, chứ không phải 5 năm. Cách tính này được các cụ ngày xưa hay áp dụng và vẫn còn phổ biến đến tận bây giờ. Chỉ từ năm 1941 đến 1945 mới là 5 năm. Như vậy, thông tin này càng chứng tỏ Nhất Linh rời Việt Nam lần đầu năm 1941.

Dựa theo tài liệu hiện có tôi có thể suy luận ra rằng bài Tương biệt dạ được Huyền Kiêu sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến cuối năm 1941. Năm 1941 là thông tin năm sáng tác được ghi dưới bài thơ Tương biệt dạ khi cho công bố lần đầu tiên trên Giai Phm Đời Nay 1943. Còn tháng 4.1941 là thời điểm Khái Hưng cùng Nhất Linh sang Trung Hoa, theo lời khai của Khái Hưng.

Trong một bài viết sẽ công bố trên Văn Việt, tôi sẽ giải thích vì sao lời khai của Khái Hưng là đáng tin. Đồng thời chúng tôi sẽ đưa ra tài liệu mới để chứng minh lần đầu tiên Nguyễn Tường Tam sang Trung Hoa là năm 1941.

Hamburg, 05.11.2021


[1] ANOM: RST/NF 6495 RST.N.F. RESIDENCE SUPERIEURE AU TONKIN, “Dai Viet Dan Chinh” (activités nationalistes) – 1941 –. Note 19720, p. 7

[2] Tức là sau khi rời Liễu Châu về và trước ngày 20.4.1943, ngày in xong Giai Phẩm Đời Nay 1943.

[3] Về thời điểm “trở về nước” và “tới Hà Nội” chính Nguyễn Tường Tam cho biết: “ – Giữa năm 1945, về Hà-Giang với anh em quân nhân, nhưng xét thế ở một khu du kích nhỏ không có lợi cho công cuộc cứu nước, trở về Côn-minh, đi Trùng khánh. – Đầu tháng năm 1946, về Hà-nội, hợp tác với “Chính phủ Liên hiệp quấc gia kháng chiến” (1-3-1946), giữ ghế bộ trưởng bộ Ngoại giao”, theo Nguiễn-Ngu-Í. Sống và viết. Sài gòn: Ngèi Xanh, 1966, trang 22. Còn theo tài liệu lưu trữ ở ANOM (mà trước đó là CAOM) thì “Nguyễn Tường Tam chính thức đến Hà Nội ngày 12.2. [1946] cùng với Nghiêm Kế Tổ”. Trích từ François Guillemot. Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam. L’échec de la troisième voie (1938-1955) [Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam. Sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955)]. Paris: Nxb Les Indes Savantes, 2012, trang 317.