Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Mênh mông chật chội… (18)

Lại Nguyên Ân

LÊ THANH (1912-1944)

NHÀ PHÊ BÌNH VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC

Lê Thanh, họ tên thật là Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1913 (hoặc 1912) (1) tại quê cha: làng Cam Đà, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây); mất ngày 26 tháng 4 năm 1944 vì bệnh lao tại Hà Nội. Bố mẹ ông đều là y tá (bố là Nguyễn Văn Lân, mất năm 1943 ở quê lúc 72 tuổi, mẹ họ Lê, quê tỉnh Hà Nam). Từ nhỏ, Lê Thanh đã được bố mẹ đưa theo sang Lào, ở đấy ông có người chú ruột là Nguyễn Văn Vận làm thông phán trong ngành giao thông công chính. Không rõ bố mẹ ông trở về Việt Nam lúc nào, chỉ biết chính Lê Thanh đã được người chú ruột (ông Nguyễn Văn Vận) nuôi ăn học đến trưởng thành trên đất Lào. Từ đầu nhũng năm 1930, Lê Thanh sống ở Hà Nội, (2) làm viên chức lần lượt tại các sở tài chính, canh nông. Khi lập gia đình, Lê Thanh cũng làm rể một gia đình công chức (bố vợ làm việc ở toà Khâm sứ Hà Nội). Vợ ông là nữ giáo học, bà tên là Nguyễn Thị Khang, mất sau chồng một năm cũng vì bệnh lao, ông bà có một người con gái là Nguyễn Thị Nhược Đạm (sinh năm l944, sau khi bố mất vài tháng). Cô Đạm sống với gia đình người bác ruột (ông Nguyễn Văn Nguyệt, anh ruột Lê Thanh), học hết tú tài, theo gia đình người bác di cư vào Nam (ở Sài Gòn, ông Nguyệt có xưởng in mang tên Lê Thanh) và hiện nay cư trú tại Hoa Kỳ.(3)

Theo Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm thì Lê Thanh bước chân vào làng văn làng báo từ 1935. Ban đầu ông viết cho tuần báo Tin văn những bài điểm sách, ông cũng thử bút trong thể loại tiểu thuyết với hai cuốn: Những nấm mộ cứu thanh niên Ly dị. (4) Có lẽ do sớm thấy mình không thật có duyên với thể văn sáng tác ấy, Lê Thanh đã quay lại ngay với văn phê bình. Những năm 1937-38, ông biên tập cho toà soạn báo Phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thảo, trong khi vẫn luôn luôn là công chức. Năm 1939, khi Tản Đà mất, Lê Thanh đem bản thảo cuốn sách về Tản Đà viết xong từ 1936 của mình ra viết thêm một chương cuối rồi đưa cho Tản Đà thư cục xuất bản. Theo Hoa Bằng, cuốn Thi sĩ Tản Đà của Lê Thanh “được trong làng văn suốt ba kỳ chú ý đến”. Tháng 8-1941, hai tháng sau khi tạp chí Tri tân ra đời, Lê Thanh bắt đầu cộng tác với tờ tạp chí văn hoá này và trở thành một trong những cây bút phê bình văn học nổi bật của Tri tân. Từ 1943, Lê Thanh còn viết thêm cho tờ Tin Lào ở Vientiane. Từ 1942 đến trước khi mất, Lê Thanh cho in thêm 4 cuốn sách mà chính ông ở trang “cùng một tác giả” mỗi cuốn, đã xếp vào loại sách “nghiên cứu và phê bình” của mình: Tú Mỡ (1942), Trương Vĩnh Ký (1943), Cuộc phỏng vấn các nhà văn (l943), Cuốn sổ văn học (l944), ông còn dự định viết và cho in những cuốn sách về thơ và thơ mới, về văn học Việt Nam thời kỳ 1900-1940, v.v. nhưng cái chết đột ngột do bệnh lao phổi đã làm cắt ngang hoạt động văn học đang độ sung mãn của ông.

Trong cái toàn cảnh cùng tồn tại nhiều nhóm phái, nhiều xu hướng khác nhau, trái ngược nhau của văn chương và học thuật thời kỳ trước l945, việc một cây bút như Lê Thanh chọn cộng tác với tờ Tin văn của Thái Phỉ hay tờ tạp chí của nhóm Tri tân đã phần nào cho thấy xu hướng của tác giả. (Nhất là khi tác giả ấy đến với văn chương không phải do sự bức bách kiếm sống: Lê Thanh là công chức, việc viết báo viết văn là do ham thích chứ không phải vì sinh kế). Có thể thấy rõ Lê Thanh không thuộc trong số những cây bút đứng về phía xu trào mới của văn học đương thời. Tiểu thuyết Những nấm mộ của thanh niên, tuy không mấy thành công ở nghệ thuật dựng truyện, dựng nhân vật, tả tâm lý... nhưng luận đề của nó lại bộc lộ khá rõ quan niệm xã hội của tác giả.

…Thế Giang, một viên chức trẻ, khi biết mình mắc bệnh lao đã quyết định thôi việc, rồi từ biệt chị ruột và hai bạn thân của chị là Dung và Vân, trong đó Dung là người yêu của chàng, để đi hoang, sống truỵ lạc trong các tửu điếm tồi tàn, đến nỗi suýt chết trong một nhà thương thí. Lý, chị chàng đón về và đưa đến nằm dưỡng bệnh tại khu trại của Vân, bạn gái của chị chàng; Vân đã có chồng nhưng bản thân mắc bệnh lao nên cũng đang sống cách ly ở đây. Trong cảnh hoang vắng của khu trại, hai người đồng bệnh trót ăn nằm với nhau. Vân có thai, phải nói dối Lý là lên ngược buôn sơn rồi thuê một căn buồng nát ở ngoại thành để chờ sinh con. Lý theo chồng vào Nam, phải gửi Giang lên Lạng Sơn ở nhà người thân tiếp tục chữa bệnh. Nhưng bệnh không khỏi, Giang lại mắc nghiện thuốc phiện. Hay tin Vân sinh con với mình, Giang vừa hối hận vừa điên loạn, về Hà Nội tìm Vân và đứa trẻ; Vân đau nặng rồi bị mù, Dung đem đứa trẻ về nuôi. Giang tìm đến, trong cơn say, đòi giết đứa trẻ. Dung phải mơn trớn, hiến thân cho Giang để cứu nguy, nhưng vì vậy Giang bị mẹ Dung tố cáo với cảnh sát. Trước tòa, Giang tự buộc tội mình đã cưỡng hiếp Dung và sẵn sàng nhận hình phạt. Quan toà lên án Giang, trạng sư bênh vực Giang, nhưng cả hai đều đồng thanh nhận định “Giang là một thanh niên trụy lạc kiểu mẫu” và nhân đây lên án “thanh niên Việt Nam bây giờ không phải là những người giàu chí phấn đấu, giàu lý tưởng, mà chỉ là những người sống với khẩu hiệu: “không bổn phận, không luân lý”. Lời tựa tác giả tự đề cho cuốn truyện của mình cũng nhấn mạnh luận đề đó, − một nhận định không phải thiếu căn cứ, nhất là đối với một bộ phận thanh niên đô thị đương thời, nhưng cũng rõ ràng là tác giả chỉ một chiều nhấn mạnh tác hại của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ trong lối sống của thị dân đương thời.

Đọc lại các trang viết của Lê Thanh, nhất là các bài ngắn về thời sự văn học, độc giả ngày nay có thể lấy làm ngạc nhiên khi thấy những hiện tượng văn học lớn của thời ông như phong trào thơ mới, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, văn xuôi tả chân, v.v. lại không hoặc ít khi được nhà phê bình này ghi nhận. Văn học những năm 1930, trong cách nhìn của ông, chỉ là “những truyện tình vớ vẩn, những văn thơ sầu thảm, những tiểu thuyết ca tụng những tự do không biên giới”, hoặc là “văn chương dâm uế” (Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1941). Đối với ông, những năm 1940 đang tới mới cho thấy dấu hiệu thay đổi đáng mừng, khi mà nhiều giới đều gặp nhau ở chỗ nhận ra rằng “Phải làm lại xã hội! Phải gây lấy một tinh thần mới!” Tinh thần mới đó chính là xu trào “tìm về dân tộc” trong văn hoá công khai đầu những năm 1940, vốn có thể được cắt nghĩa từ tác động nhiều chiều đương thời: tiếng dội của thế chiến II, những hoả mù từ khẩu hiệu “Cần lao, gia đình, tổ quốc” của chính quyền Pétain và thuyết “Đại Đông Á” của phát xít Nhật; những dư luận trong giới trí thức Tây học cấp về xung quanh việc cải cách thể chế chính trị Đông Dương; phong trào giải phóng của Mặt trận Việt Minh...

Về mặt thị hiếu văn học, Lê Thanh ít tỏ ra hiểu biết và thích thú đối với nhũng sản phẩm kiểu mới của văn học tiếng Việt, ví dụ thơ mới, tiểu thuyết và văn xuôi hư cấu kiểu mới, kịch nói và sân khấu kịch mới. Trái lại, ông tỏ ra thích thú và ham tìm hiểu văn học kiểu cũ nhiều hơn. Và trong sự tìm tòi riêng, ông đã tự cho thấy cái khu vực hiện tượng thu hút chú ý của ông, giai đoạn quá độ từ văn học kiểu cũ sang văn học kiểu mới. Đọc những trang Lê Thanh thể hiện về cuộc “bàn giao cái hương hoả tinh thần” của lớp thức giả Nho học cuối cùng cho các thế hệ Tây học đầu tiên, người đọc hậu thế như chúng ta hôm nay vẫn có thể thấy rằng, ở riêng một vài phương diện như vậy, Lê Thanh đã làm cho người ta thấy rõ được một sự kiện hệ trọng của văn hoá sử mà thậm chí những cây bút tài hoa như Hoài Thanh, tỉ mỉ như Vũ Ngọc Phan cũng không thể cho thấy được rõ rệt đến như thế.

Đọc lại các cuốn sách, các bài báo của Lê Thanh, có thể thấy thực chất công việc của nhà phê bình trong đời sống văn học hiện đại là làm việc với quá trình văn học đương thời mình, quan sát, ghi nhận các động thái của nó và tìm cách tác động vào nó. Độ rộng, sự pha tạp linh tinh của các loại công việc mà ngòi bút một nhà phê bình có thể và cần phải đụng đến, cho thấy độ rộng, sự pha tạp của đời sống văn học ở thời hiện tại của nó.

Tuy nhiên, giữa cái bộn bề của những nhân tố làm nên đời sống văn học một thời, Lê Thanh tự chứng tỏ là ông cảm nhận được một vài nhân tố chủ yếu. Đó trước hết là tác giả − một trong không nhiều đơn vị cơ bản của quá trình văn học. Lê Thanh dành ba trong số năm cuốn sách của ông để nói về từng tác giả (Thi sĩ Tản Đà, Tú Mỡ, Trương Vĩnh Ký). Cuốn thứ tư, Cuộc phỏng vấn các nhà văn thực chất cũng gồm 8 phần nói về 8 tác giả (Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Ngọc Phách, Tú Mỡ, Đào Duy Anh, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Vũ Đình Long). Mấy bài báo di cảo (Văn học Việt Nam hiện đại (1900-1940); Ba người thợ cần mẫn) cũng là những phác thảo thành tựu của một giai đoạn văn học trên cơ sở phác hoạ đóng góp của những tác giả quan trọng. Nói về những sự nghiệp đã hoàn thành, những người đã quá cố (Trương Vĩnh Ký, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh), Lê Thanh cố gắng nêu ra những đóng góp mà ông cho là quan trọng của các tác giả ấy vào tiến trình văn học. Nhưng để nói về nhũng tác giả còn sống, Lê Thanh cố gắng khách quan hoá sự mô tả, bao quát của mình, thay sự nhận định riêng của mình bằng những phỏng vấn, trò chuyện, tạo cơ hội cho độc giả nghe chính lời của các nhà hoạt động văn hoá, văn học này: họ nói lên quan niệm và tự kể những việc làm của mình. Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, người làm việc gần gũi với Lê Thanh thời Tri tân, đánh giá cao tác dụng của những cuộc “phỏng vấn” đó, vì đó là cách “thâu nhặt tài liệu quan hệ đến văn học”, là cách tìm hiểu “lý lịch của từng nhà văn” giúp những người viết văn học sử về sau; việc này càng cần thiết cho văn học mới ở ta, vì “phần đông nhà văn ta đây đều nhờ công tự tu mà tiến lên cả” (xem Hoa Bằng: Đời văn học của Lê Thanh // Tri tân số 141). Những trang “phỏng vấn” đó cũng như những phác thảo về đóng góp của từng tác giả đáng kể, dưới ngòi bút Lê Thanh, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị tư liệu văn học sử.

Sự nghiệp phê bình, nghiên cứu văn học của Lê Thanh thuộc trường hợp những tác giả bị bỏ quên. Mà đây lại không phải chuyện quên ngẫu nhiên. Nghiên cứu văn học của ta (ít nhất là ở miền Bắc những năm 1950-80) từng quên cả mảng thể loại văn học phê bình vốn là bộ phận hữu cơ của toàn cảnh văn học 1930-1945, từng quên một loạt tờ tạp chí nghiên cứu phê bình vốn có vai trò thật sự trong tiến trình văn chương và học thuật. Văn học 1900-l945 có cái mới so với văn học thế kỷ trước (xét ở quy mô toàn quốc) là có các thiết chế mới là báo chí và xuất bản. Thế nhưng hầu như rất ít thấy ai viết chuyên luận về lịch sử một tờ báo, tờ tạp chí, hay lịch sử hoạt động một nhà xuất bản! Trong cái “bị quên” của không ít đối tượng đáng phải nhớ phải biết, một trường hợp bị quên ở đây cố nhiên không phải là điều cần than phiền. Có lẽ chỉ gần đây người ta mới chợt thấy toàn cảnh văn học từng thời qua có thể mất hẳn, đến mức không ai thời sau còn hình dung nổi, và thế là một vài người bị tinh thần hoài cổ xâm chiếm, bèn bắt tay tham gia việc cứu vãn, dù được chăng hay chớ.

Cuốn sách Nghiên cứu và phê bình văn học, tập hợp những tác phẩm của Lê Thanh do tôi sưu tầm được đã được biên soạn trong nỗ lực cứu vãn những gì lẽ ra không đáng mất. Cố gắng của người biên soạn là thu nhặt hầu hết những bài vở thuộc phạm vi phê bình nghiên cứu của tác giả Lê Thanh. Còn việc khái quát về sự nghiệp của ông thì bài báo này chưa đáp ứng được bao lăm. Có thể, đó là việc các nhà nghiên cứu sẽ làm trên cơ sở sưu tập này.(5)

Hà nội, 5/6/2000

−−−−−−−

(1) Nguồn tư liệu hầu như duy nhất về Lê Thanh là 2 bài viết của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm và Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trên tạp chí Tri tân. Về ngày sinh Lê Thanh, hai ông lại nói khác nhau. Hoa Bằng cho biết Lê Thanh “sinh ngày mồng 8 tháng giêng năm Quý Sửu 1913" (T.T. số 141, ngày 4-5-1944): ứng Hoè lại viết: ông sinh ngày 13 tháng 8 năm 1912" (Tri tân số l12, ngày 11/5/1944). Các sách biên khảo sau này (như Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tổng tập văn học Việt Nam…) ở mục về Lê Thanh thường ghi theo dữ kiện của Hoa Bằng, coi năm sinh Lê Thanh là 1913; có lẽ vì chính Lê Thanh có lúc gián tiếp xác nhận như vậy. Trong bài ghi cuộc nói chuyện với Trúc Khê Ngô Văn Triện (sinh năm l901), Lê Thanh viết: “ông (Trúc Khê) hơn tôi vừa 12 tuổi".

(2) Trên tạp chí Văn (thành phố Hồ Chí Minh, số 85, tháng 11/l998) tác giả Hoài Anh khẳng định Lê Thanh là “nhà phê bình người miền Nam”, “sống ở Sài Gòn”. Điều này không đúng. Lê Thanh chỉ đến Sài Gòn một thời gian ngắn: dịp đó ông có đến lấy tài liệu ở khu lưu niệm Trương Vĩnh Ký; ông có viết lại cảm tưởng của một lữ khách tại Sài Gòn trong ngày Tết nguyên đán: bài Một Tết thiếu xuân (Tri tân số 34, số Xuân Nhâm Ngọ 1942). Cho rằng Lê Thanh là “người Việt Nam đầu tiên viết về Trương Vĩnh Ký” như Hoài Anh nói cũng không đúng, vì ít ra trong cuốn sách về họ Trương, Lê Thanh cũng đã nêu thư mục tham khảo sách hoặc bài vở của một số tác giả viết trước mình, trong đó có Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Tiến Lãng − những tác giả người Việt.

(3) Ngoài một số tài liệu trên Tri tân trong dịp làm sưu tập Lê Thanh, tôi có liên lạc nhờ Câu lạc bộ văn nghệ sĩ Xứ Đoài ở Hà Nội và một số bè bạn ở Sơn Tây tìm giúp thêm thông tin. Bạn tôi, nhà giáo Đỗ Tiến Bảng (giáo viên văn trường PTTH Sơn Tây) đến Cam Đà, gặp được người em con chú ông Lê Thanh và được cung cấp những thông tin như trên. Ngoài ra cũng được biết vào dịp thành phố Hà Nội giải toả nghĩa trang Hợp Thiện (những năm 1970-80) phần mộ Lê Thanh đã được chuyển từ Hợp Thiện (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì, Hà Tây), tức là về rất gần quê, chỉ hiềm vì có sơ xuất trong việc di chuyển nên hiện giờ gia đình không được biết chính xác mộ ông là ngôi nào trong khu nghĩa trang Yên Kỳ hiện nay.

(4) Những nấm mộ của thanh niên do bà Nguyễn Thị Thảo, 7 Hội Vũ, Hà Nội xuất bản và giữ bản quyền, 160 trang 13x19cm, in tại nhà in Thụy Ký 98 Hàng Gai, Hà Nội, xong ngày 1/9/1938. Tiểu thuyết Ly dị thì hiện nay tôi chưa thấy văn bản.

(5) Ghi thêm: bài viết này là lời nói đầu sưu tập: Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/ Hà Nội, 2002: Nxb Hội Nhà Văn, 484 tr. 14x20 cm), đã đăng Tạp chí văn học, Hà Nội, số: 3/2001. Sưu tập nói trên chưa gồm những tác phẩm của Lê Thanh trên tuần báo Bắc Hà năm 1937 mà tôi (LNA) tìm thấy sau thời điểm đó. Xem thêm bài về tuần báo Bắc Hà trong cuốn sách này.