Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Đôi lời cùng anh Cao Quang Nghiệp

Thụy Khuê

Cảm ơn anh đã có nhã ý trao đổi với tôi về một vài chi tiết trong bài Tự Lực văn đoàn Văn học và cách mạng (41): Con đường cách mạng, đăng trên Văn Việt ngày 12-10-2021.

Mục đích bài viết của anh là để chứng minh rằng Nhất Linh không sang Tàu cuối năm 1940 như tôi trình bày mà ông sang Tàu cùng với Khái Hưng tháng 4 năm 1941, bằng những luận điểm sau đây:

-Tôi đã lầm khi dùng bài viết của Quốc Nam mà không dùng tài liệu do chính Đinh Hùng viết trong cuốn Đốt lò hương cũ.

- Anh tìm được số báo Giai Phẩm do Đời Nay xuất bản năm 1943, in bài thơ Tương biệt dạ, có ghi năm sáng tác là 1941.

- Anh dùng bản tin của công an Pháp về việc bắt Khái Hưng ngày 31-10-1941 và Khái Hưng "thú nhận" rằng: ông đi Quảng Đông và Đài Loan cùng Nguyễn Tường Tam, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật vào tháng 4 vừa qua [4-1941] để gặp Trần Văn An tức Shibata (Trần Phước An)[1], để anh xác nhận rằng: Nhất Linh và Khái Hưng đi cùng với nhau sang Trung Quốc tháng 4-1941.

Anh Nghiệp thân mến,

- Bài Tương biệt dạ được in cùng bức tranh của Khái Hưng trong Văn Hoá Ngày Nay số 5 (tháng 7-1958) và được Nhất Linh viết lời tòa soạn như thế, chứng tỏ Nhất Linh và Khái Hưng đã xác định: Tương biệt dạ được làm trong dịp Khái Hưng và Nhất Linh chia tay nhau, "Nhất Linh vì công cuộc chống Pháp phải bỏ đi xa".

- Tôi chép lại phần Quốc Nam viết về bối cảnh ra đời của bài thơ, qua lời Đinh Hùng. Bởi vì tôi chưa tìm thấy một tài liệu nào khác, viết về bối cảnh này.

- Bài thơ Tương biệt dạ khi in trên Giai Phẩm Đời Nay 1943, đề năm 1941; do anh tìm thấy, chưa đủ chứng tỏ nó đã được viết năm 1941. Là người cầm bút, chắc anh cũng biết việc ghi sai năm, tháng bài viết của mình là thường, nhất là nếu nó không được in ngay, mà vài năm sau mới in.

- Anh đưa ra một câu của tôi: "Đinh Hùng không viết gì về sự kiện này trên báo", để trách tôi không đọc Đinh Hùng, vì theo anh, ông có viết "về việc này" trong cuốn Đốt lò hương cũ.

Tôi đã đọc kỹ cuốn Đốt lò hương cũ trước khi viết chương Con đường cách mạng, và không tìm thấy chỗ nào Đinh Hùng nói đến hoàn cảnh sáng tác bài Tương biệt dạ.

Cuốn Đốt lò hương cũ, do Lửa Thiêng in tại Sài Gòn năm 1971, sau khi Đinh Hùng mất, ngày 24-8-1967. Lửa Thiêng giới thiệu: "Đốt lò hương cũ, Đinh Hùng đọc trên đài phát thanh hay đăng trên một vài tạp chí"[2].

Vì thế tôi đã nghĩ rằng: Đinh Hùng không đi sâu vào chi tiết, bởi vì đó là những bài viết để đọc trên đài phát thanh (ra Bắc), nếu không thận trọng có thể làm hại cho Huyền Kiêu. Mà tôi biết Đinh Hùng và Huyền Kiêu thân nhau lắm, tôi còn giữ văn bản viết tay những bài thơ Đinh Hùng và Huyền Kiêu chép tặng "chị Lê Thị Lựu", nhân ngày chị Lựu đi Pháp (1940).

Phần quan trọng nhất của Đốt lò hương cũ, dành cho Thạch Lam, gồm nhiều bài, Đinh Hùng chỉ nhắc đến Huyền Kiêu hai lần:

Trong bài Sóng rượu Hồ Tây, ông viết:

"Tôi không bao giờ quên được bữa rượu hội kiến đầu tiên, bữa đó có mặt: Nhất Linh, Thế Lữ, anh chàng Huyền Kiêu (tác giả bài thơ Tương biệt dạ), Thạch Lam và cả nữ kịch sĩ "Song Kim" (trang 45).

Sau đó ông kể chuyện Nhất Linh cởi trần nhảy xuống Hồ Tây tắm. Trong bài này, Huyền Kiêu chỉ được nhắc đến như tác giả bài thơ Tương biệt dạ, chứng tỏ bài thơ này lúc đó, ở trong Nam, đã nổi tiếng. Nhưng ta vẫn không biết gì vế xuất xứ bài thơ này.

Lần thứ nhì trong bài Cơn say chưa tỉnh, ở trang 43, Đinh Hùng viết:

"Nhất Linh, sau một đêm "hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề"[3] họp mặt lần cuối cùng với chúng tôi bên bàn rượu kề gốc liễu, tảng sáng bỗng ra đi biệt tích.

Khái Hưng bị bắt đưa đi Vụ Bản, Thế Lữ sợ liên can cũng lẩn trốn mất dạng. Huyền Kiêu về ở quê nhà tại Vân Đình. Bạn bè thân sơ không còn mấy ai lai vãng tới căn nhà "cửa trúc cài phên gió" nữa" (trang 56-57).

Đoạn này mạnh dạn hơn, viết rõ hôm họp mặt lần cuối cùng và Nhất Linh "tảng sáng bỗng ra đi biệt tích". Tuy có trích một câu trong bài Tương biệt dạ nhưng tuyệt nhiên không nói đến việc Huyền Kiêu sáng tác bài này trong dịp tiễn Nhất Linh.

Đinh Hùng cũng không nói: "Khái Hưng và Nhất Linh cùng rời Hà Nội vào tháng tư.1941 để ghé Đài Loan và sau đó đến Quảng Đông" như anh viết. Mà ông nói: Khái Hưng bị bắt đưa đi Vụ Bản. Vậy sau khi Nhất Linh "biến mất", thì Khái Hưng "bị bắt" đưa đi Vụ Bản.

- Việc Nhất Linh được người Nhật đưa sang Đài Loan rồi sang Tàu là từ điện thư Aki Tanaka[4] gửi cho tôi, cô cho biết ông Komaki Omi (tên thật là Omiya Komaki) có viết hồi ký kể lại rằng chính ông đã giúp Nguyễn Tường Tam sang Tàu: Đi qua Đài Loan (lúc đó là thuộc địa của Nhật) rồi mới sang Tàu. Ông Komaki Omi không nói là ông đưa cả Khái Hưng sang Tàu.

Nếu có đưa Khái Hưng, thì ông đã nói rồi.

- Về mấy câu thơ của Thạch Lam mà anh trích ở các trang 69-70 cũng vậy: ở đây, Đinh Hùng viết về tài làm thơ của Thạch Lam, và ông dẫn ra mấy câu thơ trong bài Tương biệt dạ được Thạch Lam sửa, để tỏ tài thơ của Thạch Lam, nhưng những câu thơ này không được ghi lại trong bài Tương biệt dạ đã đăng báo và trong bản Nhất Linh in trên Văn Hoá Ngày Nay.

- Anh dùng lời trong bản tin của công an Pháp viết về việc bắt Khái Hưng ngày 31-10-1941 và Khái Hưng đã "nhận tội" có đi Quảng Đông và Đài Loan cùng Nguyễn Tường Tam, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật vào tháng 4 vừa qua [4-1941] để gặp Trần Văn An tức Shibata (Trần Phước An)[5], để xác nhận: Nhất Linh và Khái Hưng sang Tàu cùng với nhau vào tháng 4-1941.

Thông tin này của công an, tôi cũng đã trích dẫn, nhưng tôi chỉ dùng để xác nhận Khái Hưng cũng ở bên Tàu tháng 4-1941. Vì theo tài liệu của những người cựu Quốc Dân Đảng có mặt bên Tàu lúc đó, như Lý Thái Như thì Khái Hưng có đến thăm trường võ bị Hoàng Phố, gặp gỡ nhiều lãnh tụ quốc gia và đi nhiều nơi khác cùng với Nhất Linh.

Thông tin này, không thể dùng để xác nhận Nhất Linh và Khái Hưng cùng sang Tàu với nhau, vào tháng 4-1941, bởi vì, Nhất Linh không nhờ Trần Văn An tức Shibata đưa sang Tàu, mà ông còn nghi ngờ ông này là mật vụ hai mang, (đó là chuyện khác) mà ông nhờ ông Komaki Omi, một người làm trong uỷ ban văn hoá Nhật Bản, và Nhất Linh đi một mình, theo chứng của Đinh Hùng và Komaki Omi đã nói ở trên.

Anh Cao Quang Nghiệp,

Khi xác định Nhất Linh sang Tàu cuối năm 1940, tôi đã căn cứ vào các chứng sau đây:

- Nhất Linh sang Tàu một mình, do ông Komaki Omi, giúp đỡ.

- Nhất Linh không đi cùng Khái Hưng: Nhất Linh đi rồi, Khái Hưng mới bị bắt, theo Đinh Hùng.

- Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị bắt ngày 16 tháng 9, năm 1941.

- Khái Hưng phải đi trốn từ ngày 16-9, trong vòng một tháng rưỡi. Ông bị bắt ngày 31-10-1941.

- Vậy cuối năm 1941, Khái Hưng không thể ngồi nhà Thạch Lam bên Hồ Tây, uống rượu tiễn Nhất Linh.

- Khi Nhất Linh trở về nước, ông tới Hà Nội tháng 11-1945.

- Báo Việt Nam chào mừng lãnh tụ sau năm năm hoạt động cách mệnh ở hải ngoại đã trở về. Tức là Nhất Linh đã rời nước từ cuối năm 1940.

Cuối cùng, nếu Khái Hưng sang Tàu cùng với Nhất Linh, tháng tư năm 1941, thì làm gì có bài Tương biệt dạ?

Chúng ta nên tránh cho độc giả phải mất thì giờ đọc những biện luận không cần thiết về một việc không hề xảy ra.

Thụy Khuê

Ngày 28-10-2021

thuykhue.free.fr


[1] Note Công an số 23670, Hà Nội ngày 3/11/1941, về Đại Việt Dân Chính "Hoạt động quốc gia chống Pháp", CAOM, Toà Công Sứ Bắc Kỳ; in trong François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam, L'échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam, sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes savantes, 2012, Paris, t. 87.

[2] Tác phẩm này viết về những kỷ niệm với Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Kim Hà. Thơ và đời Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Ưng Bình Thúc Giạ, Baudelaire.

[3] Trong bài thơ Tương Biệt Dạ của Huyền Kiêu (Chú thích của Đinh Hùng).

[4] Aki Tanaka gửi cho tôi ngày 7-9-2020.

[5] Note Công an số 23670, Hà Nội ngày 3/11/1941, về Đại Việt Dân Chính "Hoạt động quốc gia chống Pháp", CAOM, Toà Công Sứ Bắc Kỳ; in trong François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam, L' échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam, sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes savantes, 2012, Paris, t. 87.