Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Dám ngoái đầu nhìn lại (1)

Nguyễn Thị Tịnh Thy

image

Lời mở đầu

DÁM NGOÁI ĐẦU NHÌN LẠI

Trong diễn từ Nobel 2000, nhà văn Cao Hành Kiện cho rằng, văn học Trung Quốc thế kỷ XX gặp kiếp nạn một lần rồi hai, hai lần rồi ba, đến nỗi có hồi chỉ còn thoi thóp. Vì chính trị làm chúa tể của văn học cho nên cả cách mạng trong văn học và văn học cách mạng đều cùng đưa văn học và cá nhân vào chỗ chết. Văn học không còn là tiếng nói nội tâm sâu thẳm của người viết; văn học chỉ là tiếng nói minh hoạ cho mọi thứ chủ nghĩa, in sâu những vết bỏng của chính trị và quyền lực. Rốt cuộc trong một thế kỷ qua, bao nhiêu tiên tri của văn học đều trở thành lừa đảo, bao nhiêu nhà văn bị chết sặc trong vũng bùn giả dối. Văn học Trung Quốc chính thức hồi sinh từ sau Cách mạng văn hoá với các trào lưu “vết thương”, “phản tư”, “tiên phong”, “tầm căn”,… mà thành tựu lớn nhất thuộc về thể loại tiểu thuyết. Đặc biệt, từ cuối thế kỷ XX đến nay, tiểu thuyết lại khiến cho văn đàn thế giới một lần nữa phải thừa nhận vị thế của văn học Trung Quốc với các gương mặt sáng giá như Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Dư Hoa.

Trong năm tác gia trên, phong cách sáng tác mỗi người mỗi khác, nhưng họ có một điểm chung là đều có mối quan hệ “căng thẳng với hiện thực”. Đó có thể là hiện thực trong quá khứ, có thể là hiện thực trong hiện tại; có thể thuộc các chủ nghĩa “hiện thực yêu tinh”, “hiện thực dữ dội”, “hiện thực hoang đường”, “hiện thực huyền ảo”, “hiện thực thần bí hoang tưởng”,… nhưng chắc chắn không phải là “chủ nghĩa hiện thực giả dối”. Họ can đảm đối mặt với hiện thực, không khoan nhượng hiện thực; thông qua bi kịch cá nhân để tái hiện quá khứ, tái hiện lịch sử đầy biến động, sai lầm và tủi nhục của đất nước trong hơn một trăm năm qua với những ngoại xâm, nội chiến, Cải cách ruộng đất, Đại nhảy vọt, Đại cách mạng văn hoá và Cải cách mở cửa. Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa và Dư Hoa đều là những người từng bị chà xát, quăng quật trong bão táp của lịch sử. Đối với họ, viết về lịch sử vừa như một điều tự nhiên nhi nhiên của sáng tác được di truyền từ thuở xa xưa của văn học dân tộc, vừa như một hành động bộc bạch những ẩn ức, trải nghiệm, cảm nhận của chính mình về những thăng trầm, đúng sai, được mất của xã hội và bản thân. Cay nghiệt, dữ dội, dũng cảm, tha thiết, chân thành và bền bỉ, các nhà văn đã viết để đối thoại, để phê phán, để chuộc lỗi, để ăn năn, để trừng phạt và để sòng phẳng với lịch sử.

Trò chuyện với sinh viên Đại học Phúc Đán vào năm 2014, Diêm Liên Khoa đã bày tỏ sự dũng cảm và chân thành của một nhà văn qua việc dám chọn “những điều không được phép viết”. Ông cho rằng, “khi bạn chọn điều đó, thì bạn phải chấp nhận vứt bỏ tất cả, kể cả cơ hội được xuất bản tác phẩm”. Chọn điều đó, nghĩa là bạn đang viết cho chính mình, bạn có thể viết bất cứ điều gì mình muốn. “Đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị,… điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại, đừng lấy những danh nghĩa đẹp đẽ để che đậy trách nhiệm và năng lực của nhà văn”. Nhà văn Mạc Ngôn cũng từng bộc bạch: “Khi viết về số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình”. Đó là tôn chỉ sáng tác, là tuyên ngôn nghệ thuật không chỉ riêng Mạc Ngôn hay Diêm Liên Khoa mà tất cả các nhà văn nói trên đều theo đuổi. Bằng tâm huyết và tài năng của mình, họ đã chọn “những điều không được phép viết” và “động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn”; “dám ngoái đầu nhìn lại” những ký ức đau thương đến cực cùng của cá nhân và dân tộc; dám đối mặt với hiện thực không khoan nhượng.

Dám ngoái đầu nhìn lại nghĩa là dám lật lại trang sử máu của dân tộc, đặc biệt là lịch sử hiện đại; dám phơi bày nhân tính, quốc dân tính Trung Hoa trong tận cùng vực thẳm xấu xa và tàn bạo. Dám ngoái đầu nhìn lại nghĩa là dám cự tuyệt hợp xướng, can đảm độc tấu để cất lên tiếng nói, tiếng lòng của mình bằng thi pháp tiểu thuyết độc đáo in đậm dấu ấn sáng tạo của cá nhân từ bút pháp, kết cấu đến ngôn từ nghệ thuật. Đó là sự dấn thân, thẳng thừng giãi bày và dâng hiến bất chấp sự an nguy của sinh mệnh tác phẩm cũng như sinh mệnh cá nhân.

Người Ả Rập có câu: “Mực của học giả còn quý hơn máu kẻ tử đạo”. Đọc tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa và Dư Hoa, tôi muốn sửa câu danh ngôn đó thành “Mực của nhà văn còn quý hơn máu kẻ tử đạo”. Bởi vì, mỗi tác phẩm đều được viết ra không chỉ bằng sinh mệnh, mà bằng thọ mệnh của những người khát khao dùng ngòi bút “đỡ dậy ký ức của một dân tộc” với tất cả “sự quan tâm và yêu thương đến đau đớn đối với mảnh đất và dân tộc này”.

Năm nhà văn với hơn hai mươi tiểu thuyết, dĩ nhiên điều cần bàn luận sẽ rất nhiều. Trong cuốn sách này, từ phẩm cách dám ngoái đầu nhìn lại của họ, chúng tôi chọn những vấn đề chung nhất thuộc về lịch sử, hiện thực, nhân tính, sinh mệnh qua sự tham chiếu với các lý thuyết văn học hiện đại để giải mã sức hấp dẫn của tác phẩm và sức ảnh hưởng của tác giả. Xuất phát điểm và mục đích tối thượng của cuốn sách là khoa học văn chương, vì thế, mọi yếu tố nghệ thuật đều được phân tích, chứng minh và kiến giải đến tận cùng, không tránh né những vấn đề được cho là “nhạy cảm” về văn hoá lẫn chính trị. Đối tượng được khảo sát và trích dẫn trong sách đều là những tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Những tác phẩm chưa được dịch, chúng tôi xin hẹn trong những công trình khác.

Người xưa nói, chuyện văn chương là chuyện của tấc lòng ngàn năm. Mọi đúng sai, hay dở từ cảm nhận của cá nhân trong hiện tại chỉ là tương đối. Tấc lòng nhỏ nhoi này, tôi xin trao đến những người yêu thích văn chương đương đại Trung Quốc. Nhưng từ trong sâu thẳm nhất, tôi muốn trao đến những người quan tâm tới văn chương Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn. Tôi mong họ dám ngoái đầu nhìn lại, mong họ có những đột phá về đề tài và bút pháp, có thể dùng ngòi bút của một người “đỡ dậy ký ức của một dân tộc”. Và, cũng với tấc lòng chân thành, tôi xin đón nhận những góp ý, chỉ giáo về cuốn sách từ người đọc.

Cuốn sách này là thành quả nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi. Tôi có thể đo được thời gian hoàn thành cuốn sách là năm năm, nhưng không thể đo được những tình cảm yêu thương, sự động viên và giúp đỡ của người thân, thầy cô, đồng nghiệp và bằng hữu. Nghĩ đến điều này, lắm lúc tôi còn “không dám ngoái đầu nhìn lại”. Tôi có thể viết được mười sáu vạn chữ cho cuốn sách, nhưng không thể viết nhiều hơn bốn chữ Vô Cùng Biết Ơn với tất cả mọi người. Tôi hiểu, chỗ mà lòng đã đến rồi, bút bất tất phải đến!

Huế, tháng 03, năm 2021

Nguyễn Thị Tịnh Thy