Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Người đi hái giấc mơ (1)

Tiểu thuyết ngắn Trương Đình Phượng

image

 

1.

Tôi là Trí, năm nay tôi ba mươi hai tuổi, tôi xuất thân từ gia đình nghèo, nói theo cách nói người dân nước mình là nghèo rớt mồng tơi, mà nghèo rớt mồng tơi là nghèo như thế nào thú thật tôi cũng cóc hiểu, bố tôi chết năm tôi mười bốn tuổi, ông chết vào một sáng tháng mười, hôm ấy có mưa, thứ mưa phùn buồn như chấy cắn, suốt đời lao tâm lao lực khiến ông bị căn bệnh ung thư phổi, nhà đói tiền mẹ tôi cố chạy vạy vay mượn khắp nơi ba lần đem ông đi viện cả ba lần bác sĩ trả về, đêm trước hôm ông lìa cõi thế nhân người ta hút dịch phổi cho ông, nhiều lắm, chừng đầy cả chiếc chậu nhựa, mẹ tôi ngồi bên thẫn thờ như gà mất ổ trứng, bà buồn và đớn đau vô cùng nhưng nước mắt bà cứ cố tình chạy ngược, tôi khi đó còn hồn nhiên như dế, trong lùm cỏ lũ dế vô tư hát điệu nhạc của chúng, trên chiếc giường lạnh lẽo thiếu hơi ấm của cha của mẹ tôi vô tư chìm vào giấc ngủ, đêm đó tôi mơ, một giấc mơ mà mãi tận sau này tôi cố đi tìm lại cũng không bao giờ gặp được, tôi mơ tôi hóa thành những tờ tiền mới cứng toe toét cười trên bàn tay xém sạm nỗi đời của mẹ tôi, bàn tay bà run lẩy bẩy, một đời đói rạc đói rượi tự dưng từ đâu xuất hiện số tiền lớn khiến bà hoang mang, khốn nạn đời bần cùng nó thế, khổ quen, hạnh phúc đột ngột đến không dám đón nhận cứ như tù nhân được tha bổng nhưng chả dám nhảy cỡn lên lao ra khỏi cánh cửa nhà ngục vì sợ tai mình có vấn đề, lỡ nghe nhầm, chân vừa ló ra đường đã bị tóm lại, tội chồng thêm tội.

Đám tang cha tôi diễn ra đơn giản, nói trắng phớ ra là qua loa, qua loa như đám ma một tên ăn mày chết đói ở đầu đường xóm tôi dạo mùa đông năm tôi mười tuổi, gã chết cứng đơ trong đêm, sáng ra có người đi làm đồng sớm qua nhìn thấy, mụ đàn bà ấy sợ quá la toáng lên như có giặc đổ bộ đất liền của tổ quốc, chiều đó người ta mua cỗ áo quan rẻ tiền nhồi xác gã vào, rồi thuê bốn tên thanh niên khiêng đi chôn, đến tận giờ mộ gã vẫn còn, nằm côi cút bên dòng sông, mùa lụt nước dâng ngập mặt, mùa hạ trâu bò của tụi nhóc phởn phơ đến gặm cỏ, hứng lên chúng tương luôn bãi cứt lên mộ.

Hôm người ta đưa cha tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, mùa đông trời động cỡn, nắng tách óc, lúc đầu tầm vài chục người đưa ma, nắng ác nghiệt quá cuối cùng ra đến huyệt chỉ còn vỏn vẹn năm sáu người, tính cả tôi và mẹ tôi, trừ mấy gã chôn thuê, quan tài hạ xuống, mẹ tôi không còn đủ sức mà khóc, tôi cũng tắc luôn cuống họng, chỉ còn mấy tiếng rấm rứt vang lên trong miệng như con chó bị thít cổ, mãi nửa năm sau người ta còn bàn tán nhà tôi vô phúc chồng cha chết mà không có lấy tiếng than khóc khi hạ huyệt, mỗi lần như thế tôi chỉ cười, cái cười bất cần, tôi lớn thêm một chút sự miệt thị của người đời tôi càng xem như cỏ rác, giữa tôi và họ vốn cũng chẳng thân tình máu mủ chi, họ cũng chả cho tôi cái quái gì, cho dù chỉ là sự bố thí chút tình thương đồng loại.

Mười sáu tuổi tôi bỏ học, mẹ tôi khóc khan hơi khuyên tôi, tôi bỏ ngoài tai, tôi không phải là thằng con mất dạy bất hiếu, nhưng tôi không muốn đời mẹ tôi lưng oằn thêm chỉ vì lo cho tôi, tuổi như tôi lũ thanh niên trong làng đua đòi chơi bời, riêng tôi sáng tới tối hì hục vục mặt vào những xô hồ nặng trịch, có lần tôi ngã từ trên giàn giáo xuống suýt tí gãy quách cái chân, may mà có lẽ linh hồn cha tôi phù hộ nên chỉ toác một miếng, lần đó khâu mất mười mũi, hôm sau mới tờ mờ sáng tôi đã mò dậy chuẩn bị đi làm, mẹ tôi ngồi đan rổ ngoài mảnh sân ken đầy đá móng ngựa, ánh sáng từ ngọn đèn điện tù mù chiếu lên thân hình khẳng khiu của bà, bóng bà đổ dài như bức tượng bị thời gian gặm nhấm, thở dài nói, đang ốm bệnh nghỉ ngơi cho lành hẳn rồi đi chứ con, lỡ có mệnh hệ nào nữa thì sao, tôi gạt nước mắt nhìn lên nền trời đen như hắc ín, cười, cái cười chả biết chua hay ngọt, mẹ yên tâm con khỏe rồi, mẹ tôi vẫn không quay lại, đôi vai bà run run, có lẽ lòng bà đang bão nổi, mẹ nấu cơm rồi đó có chút tép rang trong nồi con ăn tạm lấy sức mà làm, dạ con biết rồi, tôi nghe lời tôi nghẹn ngào như đứa bé ba tuổi dài cổ ngóng mẹ về khi chiều cạn được mẹ cho cục kẹo to ơi là to.

Năm tôi hai mươi mốt tuổi, mẹ tôi giục tôi lấy vợ, tôi nghe gật đầu xong để đó, tiền lo miếng đút mồm chưa có nói gì chuyện xây dựng gia đình, cái câu một túp lều tranh hai trái tim vàng có lẽ là câu nói nhảm nhí nhất trong lịch sử nhân loại, mọi người quanh xóm bảo tôi, cứ kiếm đại con nhỏ nào đó chả được, có đực có cái mới lo làm ăn, nghèo quan trọng quái gì, miễn sao chồng vợ thương yêu nhau, tôi lơ đãng đáp, lấy vợ về cạp đất sống qua ngày chăng, không khéo hạnh phúc đâu chưa thấy đã thấy bất hạnh ngập đầu, ai cũng nói tôi càn rỡ, tôi quay đít đi thẳng, ném toẹt tiếng cười đắng như mật cá quả (tràu) vào khuôn mặt chiều cong cớn.

Sau lưng tiếng mẹ tôi đầy rẫy nỗi u uẩn, tính nó vậy thôi âu cũng là cha mẹ sinh con trời sinh tính, tôi dẫm lên những xác nắng tàn bước về phía dòng sông, tôi chả tin vào điều vớ vẩn ấy, trời chả bao giờ điều khiển hay áp đặt được bản tính con người, xã hội, chính xã hội mới là kẻ tạo nên bản chất con người, xã hội thối nát khốn nạn thì những kẻ sống trong xã hội ấy cũng theo đó mà thành ma quỷ, xã hội bình đẳng nhân ái thì con người cũng theo đó mà hóa thành những thiên thần.

Đêm đó tôi thao thức mãi tận ba giờ sáng, phòng bên tiếng mẹ tôi trở mình cùng tiếng thở dài đứt nối hoà trộn tiếng lũ côn trùng rỉ rả, tôi vùi đầu vào chiếc gối thum thủm mùi mồ hôi cố nhắm mắt, cuối cùng giấc ngủ cũng đánh ngã tôi, tôi mơ, tôi mơ thấy thiên đàng, thiên đàng trong giấc mơ tôi toàn bóng tối, những nhân ảnh xám vật vờ dìu nhau lê trên con đường chi chít gai nhọn, cuối con đường rất nhiều kẻ bịt mặt đang vẫy tay mời gọi, từ khoang miệng chúng phát ra những lời lẽ phỉnh phờ ngọt lịm, tôi không đi theo những người ấy, tôi nhất quyết đứng lại, này thì gan lì, một gã cầm dùi cui nện vào đầu tôi quát tháo, từng nhát nện đau thấu tim khiến tôi không chịu nổi hét toáng lên, mẹ tôi nghe tiếng tôi la hét hốt hoảng chạy sang lay tôi như lắc chai rượu, tôi choàng tỉnh, bên ngoài trời tang tảng sáng, mùa đông mưa lâm thâm, lớt phớt vài cụm gió buồn, mơ thấy gì mà hét ghê vậy con, mẹ tôi hỏi, con mơ thấy thiên đàng, tôi đáp. Mẹ tôi im lặng rời đi, tôi ngồi dậy, nhìn ra ngoài, lá vàng ào ào trút, hình như linh hồn chúng đang tìm về cõi thiên đàng...

2.

Tôi sinh ra cuối thế kỷ 20, mùi vị chiến tranh và chết chóc đã nhòe nhoẹt, nhưng may mắn tôi cũng được dự phần vào khoảng thời gian đời sống xơ xác như tấm màn tuyn nồng nực mùi khói rơm rạ và máu muỗi khô, ánh sáng tòe nhòe những ngọn đèn dầu hỏa đêm mùa đông in hằn vào tâm trí tôi cho đến tận bây giờ, tôi nhớ đêm nào cũng thế, tầm hai ba giờ sáng, mẹ ôm tôi ngủ, gắng gượng cố vùi đi cái cảm giác dạ dày rên la vì đói, thời gian đó mỗi bữa cơm thường một phần gạo chín phần cám, mỗi người chỉ được lưng chén nhỏ, ớ thế mà tình cảm yêu thương vẫn cứ dạt dào, khẽ khàng cha tôi ngồi dậy, vặn to ngọn đèn dầu soi từng góc màn, bàn tay khéo léo và cẩn trọng xử lý từng con muỗi, ông không dám thở mạnh sợ làm vợ con thức giấc, bên ngoài gió rít từng cơn, hai cánh cửa sổ làm bằng những mảnh ni long thừa bị gió giỡn kêu loạc xoạc, tiếng chuột rưng rức khóc trong bồ vì lúa cạn gạo kiệt, cha tôi lặng lẽ ngồi xuống chiếc bàn cũ kỹ, làn khói thuốc lào nhuộm mờ chiếc bóng run run, khi ấy tôi nào đã biết nghĩ suy gì, vô tình thức dậy thấy cha chưa ngủ tôi hồn nhiên hỏi, sao cha còn thức khuya rồi ngủ đi cha, cha tôi trả lời tôi, âm thanh nhẹ nhẹ buồn buồn như những tiếng sương đêm đang vỡ ngoài khung trời lạnh lẽo, ừ con ngủ đi cha hút xong điếu thuốc rồi cha ngủ, giấc ngủ trở về với tôi nhanh chóng, tôi mơ, tôi mơ thấy cánh diều tôi thả trên ngọn đồi Hy Vọng đang say sưa đớp gió bỗng lộn nèo chao nghiêng rồi đâm thẳng xuống vực thẳm, tôi ngồi choãi ra đất khóc bù lu bù loa, xung quanh vắng lặng, chỉ có tôi và đám cò trắng cắm cúi nhai bóng chiều nhờ nhợt, nỗi cô độc nhấn chìm tôi, tôi ngước mắt nhìn quanh tìm niềm an ủi, tiếng chuông nhà thờ bên kia dòng sông Ơn Phước vang lên từng hồi khắc khoải, từ xa một bóng người đi đến, dưới màu nắng gần tàn lem luốc tôi nhận ra cha tôi, tôi đứng bật dậy lao về phía cha, cha dang đôi tay ôm chầm lấy thân hình bé nhỏ của tôi xoa mái đầu khét lẹt mùi nắng, về thôi con cánh diều của con bay mất rồi hả, dạ nó rơi xuống vực rồi cha, tôi nghẹn ngào nói, cha tôi cười nụ cười trìu mến, không sao đâu con ngày mai cha làm cho con cái mới, hai cha con tôi chầm chậm bước trên con đường Chờ Đợi, đêm dần buông, bóng tôi thè chiếc lưỡi liếm láp dần khung cảnh trần gian, tôi và cha lọt thỏm vào màn lưới đêm, xa xa ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn dầu hỏa cố nhoài ra khỏi những căn nhà tồi tàn, tiếng chó sủa tiếng gà gọi nhau về chuồng rạc rượi vang lên lan man rồi chìm dần vào khoảng không vô định. Cha tôi bất chợt thở dài, người nắm cánh tay gầy khược của tôi hỏi nhỏ, con yêu nếu một ngày mai cha không còn trên thế gian này con có cảm thấy bơ vơ lạc lõng không, tôi nghe tiếng tôi trả lời, ri rí như tiếng côn trùng than trong lùm cỏ, dạ không con sẽ luôn nhớ về cha để thấy cuộc đời con luôn ấm áp và tràn đầy yêu thương, con hứa sẽ sống thật tốt cha à, hứa với cha đấy nhé tuyệt đối con không được đánh mất niềm tin vào cuộc sống dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi giật mình tỉnh dậy trời đã vào trưa, căn nhà vắng vẻ, tôi bước ra mái hiên, ngồi xuống chiếc chõng tre ọp ẹp ngẩn ngơ ngó trời, lác đác dăm cánh chim chao chác kêu, chúng đang thiên di về miền nắng ấm.

Những giấc mơ ấy cứ lặp đi lặp lại suốt triền sông tuổi thơ tôi, cho đến lúc cha tôi rời bỏ con đường nhân thế.

Tôi vốn không phải tên Trí, mẹ tôi rặn rớt tôi khi đang đi vệ sinh, nên cha đặt tên tôi là thằng Ngoi, với mong muốn tôi sẽ ngoi lên giữa vũng bùn cuộc đời dẫu có bao nhiêu sự dập vùi, năm tôi mười bảy tuổi tôi đến ủy ban xã làm lại giấy khai sinh và lấy tên là Trí.

3.

Trương Đình Trí còn có tên là Ngoi, hăm hai tuổi, chưa vợ, cha chết còn mẹ, nơi ở thôn X xã Gồng, phạm tội hiếp dâm và giết người, sau khi thu thập chứng cứ tiến hành hỏi cung ban chuyên án đã đi đến kết luận mọi bằng chứng cho thấy Ngoi là kẻ máu lạnh đang tâm xuống tay hãm hiếp cô Đào Thị Lụa tại vườn chuối, sau khi thực hiện hành vi thú tính thỏa mãn cơn thèm khát Ngoi tàn nhẫn bóp cổ nạn nhân cho đến chết, chưa dừng tại đó Ngoi còn dùng vật nhọn đâm liên tiếp vào vùng kín, ngực và bụng nạn nhân, rạch nát mặt nạn nhân hòng khiến mọi người không nhận diện được kẻ bị hại, với những chứng cứ rành rành tội ác của Ngoi trời không dung đất không tha, pháp luật công minh càng không thể nương tay, chiếu theo điều luật tòa tuyên án Trương Đình Trí tức Ngoi tù chung thân.

Bản án ném ra giữa hội trường xử án như quả bom giặc Mỹ ném xuống đỉnh rú Quèn quê Ngoi thuở nào, mẹ Ngoi lập tức lên cơn co giật hai mắt trợn ngược nước miếng nước mồm nhễu nhão, bà thét lên một tiếng trời ơi rồi lịm vào cơn hôn mê, mọi người đổ dồn lại kẻ xoa người bóp tiếng qua lời lại huyên náo cả hội trường, Ngoi không quay đầu nhìn lại, lúc đó tâm trí hắn hoàn toàn trống rỗng, không vui không buồn không đau khổ cũng chả tuyệt vọng, trước mặt hắn tất cả như không còn tồn tại, hắn không có hiếp dâm cũng không giết người hắn thề trên linh hồn cha hắn, những lời dạy về đạo làm người mà cha hắn đã truyền vào máu hắn vĩnh viễn còn đó, bất biến muôn đời như dòng sông Nghẹn chảy qua làng quê nghèo của hắn thao thiết đêm ngày tìm về biển.

Đêm đó không khí trong lành, gió phe phớt, vầng trăng tí tởn đổ ánh vàng xuống con đường đất, xuống cánh đồng đang thời kỳ lúa động cỡn, mới mưa xong lũ ếch nhái phè phỡn kêu inh ỏi, Ngoi xách chiếc đèn măng xông đi soi, ếch đồng quê Ngoi con nào con nấy béo nẫy nà, tụi trên phố huyện mỗi lần thấy Ngoi đưa ếch lên nhập tranh nhau toác đầu vỡ trán dành mua cho bằng được, mới soi hơn tiếng đồng hồ Ngoi đã bắt được gần đầy một giỏ, bọn ếch lẹo nhau say sưa cơn thống khoái khiến chúng mờ mắt, Ngoi chỉ cần chiếu thẳng đèn vào chúng rồi nhanh tay chộp một phát xem như chúng xong đời, lũ ếch hăng say cuộc chiến duy trì giống nòi đến khi nằm gọn trong giỏ của Ngoi chúng còn ngơ ngác không hiểu vì sao mình bị tóm.

Đang mải mê bắt ếch Ngoi bỗng khững lại, trong vườn chuối có tiếng sột soạt, Ngoi lắng tai nghe tiếng van xin của một cô gái, tiếng cười man dại của một gã đàn ông, Ngoi cẩn trọng tiến lại gần.

Vườn chuối này là của lão Tuyên bố thằng Truyền bạn từ thuở còn để chỏm của Ngoi, mấy năm trước Truyền vào nam tìm kế sinh nhai, nghe đâu vớ được con gái nhà đại gia an cư lập nghiệp luôn trong đó, vườn chuối của lão Tuyên chiếm hơn mẫu, là nơi cung cấp khẩu phần cho các gia đình nuôi lợn trong thôn.

“ngoan nào, thế, cứ thế anh mới thương được chứ”

“đồ nỡm ạ, thú tính vừa vừa thôi, anh mà còn thế này khéo có ngày con vợ anh nó cắt mẹ của nợ đi đấy”

“quan trọng gì đâu chứ, chỉ cần đêm nay anh làm em lên chín tầng mây là được rồi”

Những lời lẽ dâm tục khiến Ngoi chờn chợn, hắn cảm thấy mình vô duyên, người ta đang tằng tịu liên quan gì đến mình mà xía mặt đến, Ngoi quay bước tiếp tục công việc của mình, xa xa thấp thoáng ánh đèn măng xông, dưới ánh trăng Ngoi nhận ra hai bóng người đang quanh quẩn trên đồng, đó là những kẻ đi săn ếch như Ngoi.

Thấy Ngoi đem về một giỏ ếch đầy mẹ Ngoi mừng lắm, bà nói, để đó mai mẹ đem lên chợ huyện bán, chuyến này đừng nhập sỉ nữa con à, bán ngoài chợ giá cao hơn, chí ít cũng kiếm thêm được chút tiền mua thêm vài cân cá khô dự trữ tháng ba ngày tám, Ngoi vừa và cơm vừa đáp, tùy mẹ vậy, bát cơm nguội với tép đồng mặn mặn bùi bùi khiến Ngoi có cảm giác mình đang thưởng thức món sơn hào hải vị độc nhất vô nhị trên thế gian, hắn nhìn bóng mẹ lầm lũi đi ra sau bếp bất giác hắn nghe lòng nhoi nhói, tiếng con chim hít cô rã rược hét trên cây ngô đồng đầu ngõ, thả vào lòng đêm dự cảm ma quái, người ta nói, mỗi khi loài chim ấy hót kiểu gì cũng có điềm báo đen đủi, có nơi người ta gọi chúng là chim lợn hay còn có cái tên dễ sợ là chim ma, ăn xong Ngoi dọn bát rửa mồm qua loa bảo mẹ, con ngủ trước nhé sớm mai con không đi làm mẹ để con ngủ nướng thêm chút đừng gọi, mẹ biết rồi, sự im lặng vây buộc màn đêm.

Không khí êm ái đưa Ngoi vào giấc ngủ say, lần đầu tiên Ngoi không hề bắt gặp bất cứ giấc mơ nào, mẹ Ngoi lặng lẽ châm hương cắm lên bàn thờ cha hắn lâm râm khấn, cầu xin linh hồn ông sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho mẹ con tôi bình an vô sự, ông ơi nếu ông thương mẹ con tôi ông hãy hiện hồn về khuyên bảo thằng Ngoi nó lấy vợ ông nhé, nhà neo đơn có đứa con dâu tôi cũng đỡ tủi ông ạ, đời nó vốn khổ mong sao có con vợ sẽ khiến cho nó tìm thấy bến bờ hạnh phúc, tôi chỉ ước trời cao cúi xuống thương xót nó đừng để nó sống đời trâu chó như vợ chồng chúng ta ngày xưa, khói hương bờn bợt lan, trong đôi mắt mệt mỏi của bà bóng ông chập chờn gần gũi mà xa xôi nẻo vợi, xa xa đầu xóm lũ chó tru lên từng hồi, chó sủa ma hay chó đay nghiến nỗi đời?

...

4.

Sáng. Đầu thu không khí dịu dàng như bàn tay người con gái mơn man trên khuôn mặt tình nhân, Trí nằm lười trên giường, ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ bươm bét chiếu thẳng vào mặt, Trí vùi đầu vào chăn, nghĩ ngợi mông lung, đêm hôm trước đi xem phim ngoài bãi Phân Bò (là một bãi cỏ rộng lũ trẻ hay thả trâu bò cái tên cũng là do tụi nhóc đặt) lần đầu tiên Trí được cảm nhận nụ hôn một người con gái, Lụa mười tám tuổi thân hình nõng nượt, hai má hồng xinh xinh, đôi mắt lúng liếng như biết nói, hiện Lụa đang học đại học Nông Lâm năm nhất, trong làng nhiều gã trai tơ mê Lụa như chuột mê thóc nhưng Lụa đều phớt lờ, ra thủ đô trai phố chạy theo Lụa rần rật nàng cũng chả thèm liếc mắt, không hiểu sao Lụa lại trao tình cho Trí, lão Thớm Chột lò rèn có lần thấy hai đứa đi cùng nhau hôm sau gặp Trí liền hỏi, con nhỏ thích mày hử, Trí cười híp mắt đáp, cứ cho là vậy đi, lão Thớm cười hềnh hệch khoe hẳn hàm răng cáu xỉn, nó chả chân tình gì với mày đâu Trí ạ có chăng nó thích mày vì thân hình vạm vỡ khoai to dai sức làm tình thôi, con nhỏ nhìn qua tao đã biết đĩ phỡn phải biết, nghe lão nói Trí chỉ cười nửa miệng làm lơ, hắn chả chấp lão, trong thôn ai cũng nói lão gàn dở, trước lão có mụ vợ tươi mát lắm gần bốn mươi mà cứ phây phẩy như gái mười bảy nhưng chả hiểu lão ứng xử kiểu gì nửa đêm mụ cuỗm sạch tiền của lão bồng dắt hai đứa con trai mười tuổi gái tám tuổi bỏ xứ đi biệt, ban đầu lão thẫn thờ như kẻ mất rương tiền dần dần lòng lão sạn chai, cả thôn ai cũng ghét lão vì ăn nói bặm trợn vô thiên vô pháp nhưng được cái đồ lão rèn cả tỉnh không ai qua mặt.

Tiếng ồn ào bên ngoài khiến Trí tỉnh hẳn, hình như là tiếng mẹ hắn, bà đang phân bua với ai đó, Trí vùng dậy lao ra, dân làng xúm đen xúm đỏ ngoài rào trong sân, mẹ hắn đang quỳ dưới đất hai tay chắp vào nhau ra chiều cầu khẩn, hai người mặc sắc phục công an nét mặt lạnh đơ không vướng một chút tình đồng loại, một người nói, bà đừng quỳ mất công chúng tôi chỉ thi hành công vụ hư thực thế nào sau khi điều tra sẽ rõ, nếu tay Trí phạm tội tày trời thì phải đền tội thôi, mẹ Trí khóc nấc lên, tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy hai chú tôi lạy toàn thể các cấp chính quyền đèn trời soi xét thằng Trí con tôi xưa nay nó hiền như cục đất nào có bao giờ dám giết dù chỉ con sâu cái kiến cớ sao nó lại hiếp dâm giết người cho được, người công an còn lại cười mỉa mai, biết mặt ai dễ soi lòng hở bà ham muốn thú vật nổi lên hắn đang tay giết người cũng chả có chi là lạ, làng xóm láng giềng nghe nói Trí phạm tội phi nhân thất đức đều trố mắt nhìn nhau bàn tán xôn xao, Trí chậm rãi bước ra, hắn bình tĩnh hơn bao giờ hết, đỡ mẹ dậy nắm chặt bàn tay gầy mòn Trí nói, mẹ cứ yên tâm con của mẹ vĩnh viễn không bao giờ vứt bỏ hai chữ con người, quay sang hai người công an Trí nói, các anh không cần còng trói gì cả tôi tự đi được, Trí quay lại nhìn mái nhà oằn oại rêu phong, mắt hắn ráo hoảnh, trong bầu ngực hắn từng mũi dao đang thi nhau lia những đường tàn bạo!

Những dấu chân để lại nơi vườn chuối vừa khít cỡ dép mà Trí đang đi, trên người nạn nhân người ta khám thấy một lá thư nét chữ nguệch ngoạc, lá thư đích danh Trí viết, trình độ chưa hết cấp hai lời lẽ con chữ của Trí còn hằn dấu quê mùa thánh thiện, nhưng có ai ngờ sự thánh thiện trong lá thư ấy lại là bằng chứng kết tội Trí.

Hai kẻ được mời ra làm nhân chứng một mực khẳng định trong đêm oan nghiệt ấy chúng chỉ nhìn thấy một người từ vườn chuối đi ra, dáng vẻ lấp la lấm lét, là Trí ngoài ra không có bất cứ kẻ thứ hai nào, Lụa chết, trái tim Trí cũng vì thế mà rỉ máu, đời nghèo mạt hạng, sự cô độc đeo bám suốt đường trần thơ ngây cho đến khi biết cảm nhận mùi đời, tình yêu của Lụa như những giọt nước cam lồ tưới mát mảnh vườn hẩm hút đời Trí, giờ với Trí cuộc sống bỗng chốc thành sa mạc, hắn phút chốc thành gã du mục độc hành gánh trên tấm lưng chằng chịt vết thương cả tinh cầu ái tình dang dở...

......

Tàu đang chạy trên đường ray, đêm không trăng, tăm tối đan vào tăm tối, người ta nhất quyết không bật đèn, cũng chả ai thèm kêu la đòi bật, đêm cứ triền miên khỏa lấp những kiếp người, tàu cứ cắm đầu chạy, bỗng, một trận bão vô hình từ đâu ùa đến, gió dữ giật bay cửa, con tàu rung lắc, một người bị ngã, ngay lập tức có mấy kẻ lao đến giơ chân đạp người đó ra ngoài, màn đêm tua tủa móng vuốt, vồ chụp và nhai ngấu nghiến con mồi vừa bị đồng loại đá văng ra, tiếng thét kinh hoàng xuyên qua những cánh rừng, bầy thú hoang đang say ngủ, giấc mơ về đồng cỏ huy hoàng bị cắt ngang cuống phổi, chúng choàng dậy ngó quanh, máu, từng dòng máu tanh ngòm chảy tràn, là máu con người, máu của kẻ cô độc, bầy thú đứng dậy cúi đầu, chúng tưởng niệm linh hồn kẻ xấu số, tàu vẫn chạy bon bon trên đường ray nhân thế, đèn vẫn không được bật lên, vầng trăng cố gắng mãi cuối cùng cũng ló được đầu ra khỏi đám mây ken đặc, ánh sáng nhoè nhoẹt nhỉ xuống những miền đất chập chùng làn sương vô cảm, người ta bắt đầu hát, một người hai người rồi cả đoàn tàu đồng thanh hát, bài hát ngợi ca yêu thương và sự tẩy rửa linh hồn, lẫn trong dàn đồng ca chốc chốc lại vang lên tiếng thét đớn đau của một kẻ nào đó, nhanh chóng bị nhấn chìm, mất hút...

5.

Mưa. Gõ lên mái tôn như điệu nhạc hân hoan. Rơi lên tàu lá như tiếng nấc của bầy côn trùng đêm lạnh. Gieo lên vỉa hè vắng như tiếng gã say rượu loạng quạng về sau một cuộc nhậu bí tỉ.

Trí ngồi tựa lưng vào tường, đầu óc trống rỗng, lúc này hắn chẳng thèm nghĩ đúng hơn là hắn chẳng suy nghĩ được điều gì rõ rệt, bát cơm tù nhân gã quản ngục đem đến đã nguội lạnh, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn điện cũ kỹ, chiếc đầu cá với hai con mắt thao láo đang nhìn hắn, có lẽ chiếc đầu cá ấy đang thắc mắc, thế quái nào mà tên tù nhân kia không chịu thanh lý mình, những hạt cơm khô queo được nấu từ thứ gạo lấy trong kho dự trữ lâu ngày cũng đang thẫn thờ nhìn Trí, con kiến nhỏ ngửi thấy mùi thức ăn liền chạy đến, nó giơ hai cọng râu bé xíu chừng như dò xét, có vẻ an toàn nó bò lên chiếc đầu cá, rỉa một tý thịt cá nó nhanh chóng quay về tổ, cứ như thế cho đến khi chiếc đầu cá chỉ còn trơ lại xương, trời tảng sáng, bên ngoài mưa đã dứt, suốt đêm qua Trí ngồi chăm chăm quan sát hành trình của con kiến, gió sáng phây phẩy luồn qua khe cửa sổ nhỏ mang theo mùi hương hoa nồng nàn, mùi hương hoa chắc là từ một nơi nào đó chứ không phải ở trại giam này, hôm kia khi bị áp giải vào đây trên đường đi Trí đã dành thời gian quan sát mọi thứ, xứ sở này chỉ có đá và cỏ dại, tuyệt nhiên không có bất cứ thứ gì đáng gọi là chất xúc tác tạo nên sự lãng mạn... Trí cười, lần đầu tiên từ rất lâu rồi, hắn cũng không nhớ nổi bao nhiêu thời gian hắn mới cười trở lại, có lẽ từ khi hắn biết cảm nhận mùi vị chân thật của cuộc đời, khi còn nhỏ hắn cảm nhận cõi sống này bằng giác quan của một con côn trùng, lớn lên hắn cảm nhận đời bằng đôi mắt con thú bị thương, rồi khi yêu hắn cảm nhận mọi sự xung quanh bằng hơi thở bình yên, bây giờ hắn lại trở về cảm nhận nỗi thống khổ của mình bằng giác quan loài thú hoang, hắn khao khát ngay lúc này hắn trở thành một con ác thú khát máu, hắn sẽ cắn nát cánh cửa phòng giam dơ dáy lao ra ngoài kia, hắn sẽ vồ xé và nhai ngấu nghiến bất cứ thứ gì di động, nhất là con người...

Tiếng kinh cầu nguyện u trầm vọng lại từ ngôi nhà thờ xa xa, Trí tĩnh tâm trở lại, hắn nhìn qua khe cửa và thấy bầu trời, hôm nay ít mây, trời xanh, một màu xanh non, một cánh chim bình thản dang cánh, Trí mơ hồ nghĩ về cánh đồng quê hắn, tiếng cười của đám trẻ thò lò nước mũi hò reo khi thấy con diều no gió tung tăng giữa khoảng trời thanh sạch.

Trí nhớ mái nhà côi cút và dáng mẹ xiêu xiêu ngồi đan rổ nơi mảnh sân rêu, mảnh sân có lần hắn hứa với mẹ hắn sẽ bớt thời gian cải tạo lại, nhưng giờ không còn cơ hội nữa, tất cả đã quá muộn, ngày mai hắn sẽ được ban cái chết, hắn sẽ thành ma, một con ma không có nơi chứa chấp hoặc người ta sẽ giam hắn vĩnh viễn ở đây, sống mà như đã chết, hắn chỉ còn là đồ phế phẩm xã hội vứt đi.

-Này anh người ơi, sao anh không ăn cơm đi, xin lỗi anh vì tôi đã tước đoạt mất khẩu phần cá của anh.

Tiếng nói vang lên thật nhỏ, Trí lắng nghe, hắn nhìn quanh, trong phòng giam chỉ có mỗi mình hắn, hay là hắn chết rồi, những lời hắn vừa nghe là giọng nói của âm giới?

-Tôi ở đây, ngay dưới chân anh đấy.

Trí cúi xuống, căng mắt tìm kiếm.

-Tôi đây, tôi là kiến.

Con kiến bé xíu đang ngước cổ nhìn Trí.

-Anh không giận tôi vì cái tội rỉa mất chiếc đầu cá của anh đấy chứ?

-Tôi không biết. Trí trả lời như kẻ vô thức.

-Anh vào đây vì tội gì?

-Hiếp dâm và giết người. Trí gằn lên hai mắt đầy vằn máu.

Con kiến nhỏ giật mình, nó lùi nhanh, lùi mãi, lùi sát tận góc tường, đôi mắt sợ hãi nhìn Trí:

-Thật vậy sao, tôi ở đây lâu rồi, đã có rất nhiều kẻ bị giam tại căn phòng này, chúng đều là những kẻ ác, nhưng tôi quan sát mãi vẫn không tìm thấy bất cứ biểu hiện nào trên mặt anh chứng tỏ anh là kẻ tàn bạo vô nhân tính.

-Tôi không biết, có lẽ kẻ ác thì vẻ mặt thường hay thánh thiện. Trí đáp, bên ngoài nắng đã chan hòa, lác đác tiếng chân người đi lại.

-Tôi đi đây, mai tôi sẽ lại đến thăm anh, nếu được xin anh hãy cho tôi được làm một người bạn của anh, anh có thể tâm sự với tôi bất cứ điều gì. Con kiến nhỏ chân tình nói.

Trí mỉm cười gật đầu, con kiến nhỏ ngo ngoe hai chiếc râu, có lẽ nó chào Trí, cách chào thân thiện của loài kiến. Phòng giam trở về sự vắng lặng muôn đời, sự vắng lặng như căn nhà mồ, Trí ngồi bệt xuống nền đất, bên ngoài loáng thoáng tiếng người nói...

-Nguyễn Đình Trí tù nhân phạm tội hiếp dâm giết người, mau lên phòng hỏi cung để thanh tra tỉnh thẩm vấn.

Một âm thanh sắc lạnh như lưỡi đao của gã đao phủ dội vào tai Trí, khiến hắn choàng tỉnh, dưới bóng tối nhờ nhờ khuôn mặt gã lính ngục hiện lên thật ghê rợn, Trí có cảm tưởng hắn đang nhe hàm răng nhọn hoắt chực chờ Trí bước ra sẽ ngoặm mất đầu.

-Bây giờ là sáng hay chiều vậy anh? Trí mệt mỏi hỏi.

-Mày mê sảng hả, bây giờ là mười hai giờ đêm, đồ ngu. Gã lính ngục gắt gỏng. Tiên sư nhà chúng nó thẩm vấn con cặc gì chọn đúng giờ hoàng đạo thế không biết.

Vậy ra nãy giờ mình ngủ mơ. Trí lẩm nhẩm.

-Mày chửi cái gì đó. Gã lính ngục hằm hè. Coi chừng ông đấm bỏ mẹ mày đấy.

-Dạ không, tôi có nói gì đâu, tôi cứ ngỡ bây giờ mới là sáng sớm.

-Sáng sớm hay đêm tối có quái gì quan trọng đâu, với tụi tội phạm đặc biết nguy hiểm như chúng mày trước sau gì chả bị xử bắn, chết là hết.

Trí lặng lẽ bước theo gã lính ngục.

-Trong này tối quá.

-Sáng mà làm gì, tâm chúng mày như ác quỷ thì ở đâu cũng vậy cả thôi. Đi nhanh đi đừng lảm nhảm nữa, ông cho một dùi cui điện bây giờ. Gã lính ngục cau có.

Trí nín thinh, con đường đến phòng hỏi cung theo trí nhớ của Trí đâu có dài, sao hôm nay đi mãi chưa đến?...

Trí quay đầu nhìn lại nơi phòng giam, hình như có tiếng ai đó gọi hắn...

(Còn tiếp)