Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Khoa học đã trở nên thối nát như thế nào?

Matthew Crawford, https://unherd.com/2021/05/how-science-has-been-corrupted/

Triêu Nhan dịch

Đại dịch đã bộc lộ khía cạnh chuyên chế tối tăm của kiến thức chuyên gia.

Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường tiến hành các thí nghiệm về mọi thứ trong nhà. Khi thổi ngang miệng chai rượu thì sẽ có bao nhiêu chế độ rung? Làm thế nào để bạn có được những nốt cao hơn?

Một lần khác, vấn đề được xem xét có thể là "góc định vị" của một đống cát, ví dụ như trong một chiếc đồng hồ cát. Nó có phụ thuộc vào kích thước hạt cát không? Hay hình dạng của cát? Những yếu tố này có xác định tốc độ hay thời gian cát trong ly chảy hết xuống dưới không?

Tôi thích nhất là câu hỏi kỹ thuật nào sẽ làm cạn một bình nước nhanh nhất. Bạn chỉ cần úp ngược nó lại và để không khí tràn vào (vì nó phải thay nước bằng không khí) theo kiểu tạm dừng, rồi lặp lại, hay giữ nó ở một góc nhẹ nhàng hơn để quá trình đổ không bị gián đoạn? Câu trả lời là: lật ngược bình và xoáy mạnh để tạo hiệu ứng xoáy nước. Việc này tạo ra một không gian rỗng ở trung tâm của dòng chảy, nơi không khí được tự do đi vào. Bình sẽ rỗng rất nhanh.

Cha tôi trở nên nổi tiếng với những thí nghiệm “vật lý nhà bếp” như thế sau khi ông đưa các bài tập này vào một cuốn sách giáo khoa do ông viết, xuất bản năm 1968 và được nhiều thế hệ sinh viên vật lý yêu quý: Sóng (Berkeley Physics Course, Vol. 3). Em gái tôi và tôi, hai tuổi và năm tuổi, được ba tôi nhắc tới trong Lời cảm ơn vì đã "hy sinh" cho chính nghĩa bằng việc tham gia những thí nghiệm này.

Ba tôi theo đuổi những cuộc thí nghiệm như vậy, không chỉ đơn giản là một bài tập sư phạm, mà để thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Và ông đã dành thời gian cho việc này ngay cả khi đang làm việc ở vị trí hàng đầu trong chuyên ngành vật lý lượng tử, tại phòng thí nghiệm của Louis Alvarez trong Khu thí nghiệm Lawrence Berkeley. Những thí nghiệm như thế xuất hiện khá sớm trong quá trình chuyển đổi thực hành khoa học thành “khoa học lớn”.

Alvarez giành giải Nobel năm 1968 nhờ phát minh và sử dụng buồng bong bóng, một công cụ để phát hiện sự phân rã của các hạt. Đó là một thiết bị có thể đặt vừa vặn trên mặt bàn một cách thoải mái. Hôm nay bạn có thể tự mình xây dựng một cái nếu bạn thích. Nhưng trong vài thập kỷ tiếp theo, các máy gia tốc hạt đã trở thành những cơ sở lắp đặt khổng lồ (CERN, SLAC) đòi hỏi phải có những bất động sản mà chỉ chính phủ và các tổ chức lớn, thực sự là các tổ chức liên hợp, mới có thể đảm bảo được. Các bài báo khoa học đã có, không phải một số ít tác giả, mà là hàng trăm. Các nhà khoa học trở thành các quan chức khoa học quan liêu: những người hiểu biết luật chơi của thể chế, thành thạo trong việc nhận các khoản trợ cấp của chính phủ, quản lý lực lượng lao động rộng lớn và xây dựng các đế chế nghiên cứu.

Điều không thể tránh khỏi là, một môi trường như thế đã chọn một số loại người nhất định, loại người sẽ thấy một cuộc sống như vậy là hấp dẫn. Cần phải có một mức độ lành mạnh cho sự sáng suốt về chuyên môn và tài năng chính trị. Chúng ta hãy nói rằng những phẩm chất như vậy là trực giao với động cơ tìm kiếm chân lý cơ bản của khoa học.

Bạn có thể hình dung ra sức hấp dẫn của việc quay trở lại những vấn đề cơ bản đối với một người đã bị thu hút vào sự nghiệp khoa học khi triển vọng của nghề làm khoa học có một tầm vóc gần gũi hơn. Vật lý nhà bếp là về sự sảng khoái trí tuệ thuần túy khi bạn tự hỏi về điều gì đó mà bạn quan sát được trên thế giới, và sau đó tự tìm câu trả lời bằng sức mạnh tự lực của chính mình. Đây là hình ảnh cơ bản mà chúng ta có về khoa học, một hình ảnh đã trở thành bất tử trong giai thoại Galileo đi lên tháp nghiêng Pisa và thả các vật thể khác nhau xuống để xem chúng rơi nhanh như thế nào.

Khoa học với tư cách là một thẩm quyền

Năm 1633, Galileo bị đưa ra trước Tòa án dị giáo vì ông đã chứng minh rằng trái đất không đứng yên mà quay quanh mặt trời. Rõ ràng đây là một vấn đề, bởi vì các nhà chức trách giáo hội tin rằng tính chính danh của họ dựa trên tuyên bố là họ có đủ hiểu biết về thực tế đúng với bản thân thực tế.

Galileo không quan tâm đến việc trở thành một người tử vì đạo, và đã chối bỏ quan điểm của mình để thoát án tử. Nhưng trong truyền thuyết về sự Khai sáng, người ta cho là ông vẫn lẩm bẩm khi ra khỏi tòa án, "nhưng dù sao thì trái đất vẫn quay!"

Giai thoại này có một vị trí nổi bật trong câu chuyện chúng ta kể về ý nghĩa của việc sống hiện đại. Một bên là khoa học với sự tôn sùng sự thật. Bên kia, là thẩm quyền của giáo hội hay chính trị. Trong câu chuyện này, "khoa học" là viết tắt của sự tự do của tâm trí vốn dĩ trái ngược với ý tưởng về quyền lực.

Đại dịch đã làm giảm bớt sự xung đột giữa một mặt là hình ảnh lý tưởng hóa của chúng ta về khoa học và mặt khác là công việc “khoa học” được kêu gọi thực hiện trong xã hội của chúng ta. Tôi nghĩ rằng sự xung đột này có thể bắt nguồn từ sự không phù hợp giữa khoa học như một hoạt động của tâm trí đơn độc, và thực tế đã được thể chế hóa của nó. Khoa học lớn về cơ bản mang tính xã hội trong thực tiễn của nó, và cùng với đó là những đòi hỏi nhất định.

Như một vấn đề thực tế, “khoa học đã bị chính trị hóa” là thứ duy nhất ở đó (hay đúng hơn, là loại duy nhất bạn có thể nghe người ta nói đến). Nhưng chính hình ảnh phi chính trị của khoa học, với tư cách là trọng tài vô tư vô vụ lợi từ thực tế, đã khiến nó trở thành một công cụ chính trị mạnh mẽ. Sự mâu thuẫn này hiện đang được bộc lộ công khai. Khuynh hướng “phản đối khoa học” của chủ nghĩa dân túy là một phản ứng đáng kể đối với khoảng cách đã mở ra giữa thực tiễn khoa học và lý tưởng làm nền tảng cho quyền lực của nó. Với tư cách là một cách tạo ra tri thức, niềm tự hào của khoa học là nó hoàn toàn có thể làm giả được (không giống như tôn giáo).

Tuy nhiên, khoa học là loại quyền lực nào khi nó khẳng định sự nắm bắt thực tế của nó chỉ là tạm thời? Có lẽ, toàn bộ ý nghĩa của thẩm quyền là giải thích thực tế và đem lại sự chắc chắn trong một thế giới không có gì là chắc chắn, vì lợi ích của sự phối hợp xã hội, ngay cả khi phải trả giá bằng sự đơn giản hóa. Để phục vụ vai trò được giao, khoa học phải trở thành một cái gì đó giống như tôn giáo.

Điệp khúc phàn nàn về sự giảm sút “niềm tin vào khoa học” đã nói lên vấn đề gần như quá thẳng thắn. Người phản đối nhiều nhất trong số chúng ta là những người hoài nghi vấn đề về khí hậu, chưa kể đó là những người phủ nhận Covid, những người bị buộc tội không tuân theo khoa học. Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ như chúng ta đang ở thời trung cổ, thì nó phải tạm dừng.

Chúng ta đang sống trong một chế độ pha trộn, một hỗn hợp không ổn định của các hình thức quyền lực dân chủ và kỹ trị. Khoa học và ý kiến ​​phổ biến phải nói cùng một tiếng nói ở mức độ càng nhiều càng tốt, nếu không sẽ có xung đột. Theo diễn ngôn chính thức, chúng ta cố gắng thông qua giáo dục để tạo ra sự hài hòa giữa kiến ​​thức khoa học và quan điểm. Nhưng trên thực tế, khoa học rất khó và có rất nhiều thứ. Chúng ta phải tiếp thu nó chủ yếu dựa trên niềm tin. Điều đó đúng với hầu hết các nhà báo và giáo sư, cũng như thợ sửa ống nước. Công việc dung hòa giữa khoa học và dư luận được thực hiện, không phải thông qua giáo dục, mà thông qua một loại mị dân, tức là chủ nghĩa sùng bái Khoa học. Chúng ta đang học bài học rằng đây không phải là một giải pháp ổn định cho vấn đề lâu dài về thẩm quyền mà mọi xã hội đều phải giải quyết.

Cụm từ "hãy làm theo khoa học" có một chỗ sai lầm. Đó là bởi vì khoa học không dẫn đến đâu cả. Nó có thể làm sáng tỏ các quy trình hành động khác nhau, bằng cách định lượng các rủi ro và xác định rõ sự đánh đổi. Nhưng nó không thể đưa ra những lựa chọn cần thiết cho chúng ta. Bằng cách giả vờ rằng khoa học có thể đưa ra lựa chọn đúng, những người ra quyết định có thể tránh chịu trách nhiệm về những lựa chọn mà họ đưa ra thay cho chúng ta.

Càng ngày, khoa học càng bị ép vào nhiệm vụ xử sự như là một thực thể có thẩm quyền. Nó được sử dụng để hợp pháp hóa việc chuyển giao chủ quyền từ các cơ quan dân chủ sang kỹ trị, và như một công cụ để ngăn cản những động thái đó khỏi lĩnh vực đấu tranh chính trị.

Trong năm qua, một công chúng sợ hãi đã chấp nhận sự mở rộng bất thường quyền phán xét của chuyên gia đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống. Mô hình “chính phủ khẩn cấp” đã trở nên nổi bật, trong đó việc phản kháng những cuộc xâm phạm như vậy bị coi là “phản khoa học”.

Nhưng câu hỏi đặt ra đối với tính chính danh về mặt chính trị khi giới chính trị ra quyết định với ý kiến của các chuyên gia là một câu hỏi sẽ ít có khả năng biến mất. Nếu có, nó sẽ còn khốc liệt hơn trong những năm tới khi các nhà lãnh đạo của các cơ quan quản lý đưa ra một tình huống khẩn cấp về khí hậu được cho là đòi hỏi một sự chuyển đổi toàn diện của xã hội.

Cần biết là chúng ta đã đi đến tình huống này như thế nào.

Trong tác phẩm Cuộc nổi dậy của công chúng, tác giả Martin Gurri, vốn từng là một nhà phân tích tình báo, lần theo nguồn gốc của một “nền chính trị của sự phủ định” đã nhấn chìm các xã hội phương Tây và gắn liền với sự sụp đổ hoàn toàn quyền lực trên tất cả các lĩnh vực – chính trị, báo chí, tài chính, tôn giáo, khoa học. Ông đổ lỗi việc đó cho internet.

Quyền lực luôn được đặt trong cấu trúc phân cấp thứ bậc về chuyên môn, được bảo đảm bởi sự kiểm định và thời gian học việc rất dài, trong cấu trúc đó “phản xạ ghê tởm những kẻ nghiệp dư dám xâm phạm lãnh địa của khoa học” đã phát triển trong các thành viên của cộng đồng khoa học.

Để quyền lực nói chung thực sự có thẩm quyền, nó đòi hỏi sự độc quyền mang tính nhận thức, cho dù là kiến ​​thức khoa học hay kiến thức của thầy tư tế. Trong thế kỷ 20, đặc biệt là sau những thành công ngoạn mục của Dự án Manhattan và cuộc đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo, đã có một vòng xoáy phát triển, trong đó công chúng mong đợi những điều kỳ diệu của chuyên môn kỹ thuật (ô tô bay và các thuộc địa trên mặt trăng được cho là sắp xảy ra). Có đi có lại, việc đặt ra những kỳ vọng về tiện ích xã hội đã được bình thường hóa trong quá trình tìm kiếm tài trợ và cạnh tranh của các tổ chức nghiên cứu, đó là điều không thể tách rời khỏi thực tiễn hoạt động khoa học hiện nay.

Hệ thống đó đã từng bền vững. Nó đã không thoải mái dễ dàng như vậy, nếu như các lỗi không thể tránh khỏi đã được giữ ở trong hậu trường, khuất tầm mắt của công chúng. Điều này đòi hỏi phải có sự bảo vệ chặt chẽ và lành mạnh, sao cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các thể chế khoa học là một việc nội bộ (ví dụ như các ủy ban chuyên môn; bình duyệt đồng nghiệp), và cho phép xây dựng “các hiệp ước không chính thức về bảo vệ lẫn nhau”, như Gurri đã nói. Internet và các phương tiện truyền thông xã hội phổ biến các trường hợp thất bại cùng với sự thích thú, đã khiến cho việc canh gác như vậy trở nên bất khả thi. Đó là cốt lõi của lập luận rất hay và sáng suốt mà Gurri giải thích cho cuộc nổi dậy của công chúng.

Trong những năm gần đây, một cuộc khủng hoảng về sao chép/tái lập kết quả nghiên cứu trong khoa học đã gạt bỏ một số đáng kể những kết quả nghiên cứu từng được cho là lành mạnh, đáng tin cậy trong nhiều lĩnh vực. Điều này bao gồm cả những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa nền tảng cho toàn bộ các chương trình nghiên cứu và đế chế khoa học, giờ đây đã sụp đổ. Lý do của những thất bại này thật thú vị, và đem lại một cái nhìn sơ lược về yếu tố con người trong thực hành khoa học.

Henry H. Bauer, giáo sư hóa học và là cựu trưởng khoa nghệ thuật và khoa học tại Virginia Tech, đã xuất bản một bài báo vào năm 2004, trong đó ông đã tiến hành mô tả cách khoa học thực sự được tiến hành trong thế kỷ 21: "về cơ bản, nó là một doanh nghiệp (theo nghĩa là một hoạt động tập thể). “Vẫn phải đánh giá cao rằng khoa học thế kỷ 21 là một thứ gì khác với ‘khoa học hiện đại’ của thời gian từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 20”. Hiện nay, khoa học chủ yếu được tổ chức xung quanh các đế chế "độc quyền tri thức" nhằm loại trừ các quan điểm bất đồng. Họ làm như vậy không phải là vì có phần thất bại trong việc cởi mở với những cá nhân ghen tị với sân cỏ của họ, mà là vì những lý do có tính chất hệ thống.

Tất cả sự quan trọng của quá trình đánh giá đồng cấp phụ thuộc vào sự khách quan và năng lực của người bình duyệt. “Tuy nhiên, từ khoảng giữa thế kỷ 20, chi phí nghiên cứu và nhu cầu về các nhóm chuyên gia hợp tác đã khiến việc tìm kiếm những người phản biện vừa am hiểu trực tiếp lại vừa không có lợi ích liên quan ngày càng khó khăn; những người thực sự được có đầy đủ thông tin hiệu quả thì hoặc là đồng nghiệp hoặc là đối thủ cạnh tranh của các tác giả”.

Bauer viết rằng “những người bình duyệt trong hành trình này có xu hướng kìm hãm hơn là khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới thực sự. Việc tài trợ tập trung và việc ra quyết định tập trung làm cho khoa học trở nên quan liêu hơn và làm ít đi hoạt động của những người tìm kiếm sự thật một cách độc lập và tự chủ”. Trong các trường đại học, “thước đo thành tựu nghiên cứu khoa học đã trở thành số tiền “hỗ trợ nghiên cứu” họ mang lại cho các trường, chứ không phải là sản xuất được bao nhiêu kiến ​​thức hữu ích”. (Các nhà quản lý trường đại học "cắt phế" theo tiêu chuẩn 50% trên bất kỳ khoản tài trợ nghiên cứu nào để trang trải “chi phí gián tiếp” hỗ trợ nghiên cứu).

Trước đòi hỏi về các nguồn lực cần thiết để tiến hành những nghiên cứu khoa học quy mô lớn, khoa học cần phục vụ một số chủ thể, đó có thể là các tổ chức kinh doanh hay tổ chức chính phủ. Trong 12 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến ​​ngành công nghiệp dược phẩm và năng lực cơ bản của nó để đạt được thành tựu khoa học ở mức tốt nhất. Sự phát triển của vắc-xin mRNA thể hiện một bước đột phá về hệ quả thực sự. Điều này đã diễn ra trong các phòng thí nghiệm thương mại tạm thời không còn nhu cầu gây ấn tượng với thị trường tài chính hoặc kích thích nhu cầu của người tiêu dùng, vì đã có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ. Điều này nên giúp tạm dừng những phản xạ chính trị coi các công ty dược phẩm như là bị quỷ ám phổ biến ở cả Cánh tả và Cánh hữu.

Nhưng không thể cho rằng “điểm mấu chốt” của việc thực hiện chức năng tuân theo kỷ luật đối với nghiên cứu khoa học sẽ tự động điều chỉnh nó cho nhất quán với động cơ tìm kiếm sự thật. Đã quá nổi tiếng việc các công ty dược phẩm trả tiền trên quy mô lớn cho các bác sĩ để ca ngợi, giới thiệu và kê đơn sản phẩm của họ, đồng thời tuyển dụng các nhà nghiên cứu để đưa tên của họ vào các bài báo ma được viết bởi các công ty sau đó được đăng trên các tạp chí khoa học và chuyên nghiệp. Tệ hơn nữa, các thử nghiệm lâm sàng mà kết quả được các cơ quan liên bang dựa vào để quyết định xem có phê duyệt các loại thuốc là an toàn và hiệu quả hay không thường do chính các công ty dược tiến hành hoặc ủy quyền.

Do đó, tầm quan trọng của khoa học lớn – cả hình thức tập thể của hoạt động khoa học lẫn nhu cầu đối với các nguồn lực lớn (nhu cầu này được tạo ra chứ không phải do chính bản thân khoa học đòi hỏi) – đã đặt khoa học vào thế giới của những mối quan tâm ngoài khoa học, bao gồm cả những mối quan tâm do những người vận động chính trị hành lang thực hiện. Nếu mối quan tâm ấy có đặc điểm quan trọng, thì bất kỳ sự bất đồng ​​nào đối với sự đồng thuận chính thức ấy đều có thể gây nguy hiểm cho sự nghiệp của nhà nghiên cứu.

Các cuộc thăm dò dư luận thường cho thấy rằng những gì “mọi người đều biết” về một số vấn đề khoa học, và những vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng, sẽ giống với quan điểm đã được thể chế hóa tốt. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, xét về vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc tạo ra sự đồng thuận. Các nhà báo, hiếm khi có đủ năng lực để đánh giá các báo cáo khoa học trên tinh thần phê bình, luôn tỏ ra hợp tác trong việc tuyên truyền các tuyên bố tự vệ của “các tập đoàn nghiên cứu” như thể những tuyên bố đó chính là khoa học.

Khái niệm về tập đoàn nghiên cứu của Bauer ["tập đoàn" dịch từ chữ cartel = liên minh các tổ chức nhằm điều khiển giá cả và tránh cạnh tranh nội bộ] đã được công chúng biết đến trong một tập phim diễn ra 5 năm sau khi bài báo của ông xuất hiện. Vào năm 2009, một người nào đó đã hack email của Đơn vị Nghiên cứu Khí hậu tại Đại học East Anglia ở Anh và phát tán nó, gây ra vụ bê bối "điều khiển khí hậu", trong đó các nhà khoa học đứng đầu cơ quan quản lý khí hậu được tiết lộ là đang chống lại các yêu cầu của người ngoài về việc cung cấp dữ liệu gốc của họ. Đây là thời điểm mà nhiều lĩnh vực chuyên ngành, để đối phó với các cuộc khủng hoảng về tái lập kết quả nghiên cứu của chính họ, đang áp dụng chia sẻ dữ liệu như một tiêu chuẩn trong cộng đồng nghiên cứu, cùng với các hoạt động khác như báo cáo các kết quả nghiên cứu vô hiệu và đăng ký trước các giả thuyết trong các diễn đàn chuyên ngành.

Tập đoàn nghiên cứu khí hậu khẳng định thẩm quyền của mình đối với quy trình bình duyệt của các tạp chí được coi là chính danh, điều mà những kẻ thách thức các kết quả nghiên cứu về khí hậu đã không trải qua. Tuy nhiên, như Gurri lưu ý trong thái độ của ông với vấn đề khí hậu, “vì nhóm đó chủ yếu kiểm soát hoạt động bình duyệt trong lĩnh vực của họ, và chủ đề của các email là làm thế nào để ngăn chặn tiếng nói bất đồng không để nó xuất hiện trên các tạp chí và phương tiện truyền thông, cho nên tuyên bố này của họ cũng nằm trong phạm vi hợp lý thôi".

Tôi hy vọng người ta có thể hoàn toàn bị thuyết phục về thực tế và những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn tự cho phép bản thân tò mò về những áp lực chính trị đối với khoa học. Hãy thử tưởng tượng một bối cảnh lớn hơn khi Tiểu ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc (IPPC= Intergovernmental Panel on Climate Change) triệu tập họp. Các tổ chức hùng mạnh được biên chế đủ nhân viên, với các nghị quyết được chuẩn bị, các chiến lược truyền thông được áp dụng, các “đối tác toàn cầu” của công ty được bảo đảm, các lực lượng đặc nhiệm liên ngành túc trực và các kênh ngoại giao luôn mở, chờ đợi nhận được những lời tốt đẹp từ một nhóm đồng minh gồm các nhà khoa học làm việc trong ủy ban.

Đây không phải là một thiết chế có lợi cho sự bảo lưu, chất lượng hoặc khả năng chất vấn của hoạt động nghiên cứu. Chức năng của những tổ chức ấy ngày nay là tạo ra một sản phẩm: đó là tính chính danh về mặt chính trị.

Chân đứng thứ ba: chủ nghĩa đạo đức

Vụ bê bối về khí hậu đã giáng một đòn mạnh vào IPPC, và do đó đối với các trung tâm quyền lực trong mạng lưới mà nó đóng vai trò là người-dàn xếp-khoa-học. Điều này có lẽ đã dẫn đến thái độ tiếp nhận rất cao ở những trung tâm đó đối với sự xuất hiện của một nhân vật chẳng hạn như Greta Thunberg, người đã làm tăng mức độ cấp bách về đạo đức của sự nghiệp chống biến đổi khí hậu (“Làm sao các người dám!). Tạo cho nó một khuôn mặt con người gây ấn tượng sẽ có thể kích thích năng lượng mạnh mẽ. Cô bé này được chú ý cả vì hiểu biết và vì cô là một đứa trẻ, thậm chí còn trẻ hơn và trông mong manh hơn so với tuổi, và do đó là một nạn nhân-hiền nhân lý tưởng.

Có vẻ như có một mô hình, không giới hạn ở khoa học khí hậu-chính trị, trong đó năng lượng đại chúng được kích thích bởi những người nổi tiếng (những người luôn nói một cách khẳng định chắc chắn) nhằm củng cố bàn tay của các nhà hoạt động trong việc tổ chức các chiến dịch trong đó bất kỳ cơ sở nghiên cứu nào không xử lý kỷ luật một nhà khoa học có ý kiến bất đồng sẽ bị cho là đóng vai trò như một kênh "thông tin sai lệch". Thiết chế này được đặt dưới hình thức tiếp nhận đạo đức, sẽ được dỡ bỏ khi những người đứng đầu cơ sở đó tố cáo nhà khoa học ấy vi phạm và tránh xa những phát hiện hay kết quả nghiên cứu của nhà khoa học này. Sau đó, họ tìm cách sửa chữa thiệt hại bằng cách khẳng định rằng mục đích của các nhà vận động đã được nêu ra trong những điều kiện khác với khẳng định của các tổ chức đối thủ.

Khi điều này lặp đi lặp lại trên các lĩnh vực khác nhau trong tư duy của giới cầm quyền, đặc biệt là ở những lĩnh vực liên quan đến những điều cấm kỵ về hệ tư tưởng, nó tuân theo một logic leo thang trong việc hạn chế các loại nghiên cứu có thể được chấp nhận, đối với những nghiên cứu được hỗ trợ bởi các tổ chức và chuyển chúng theo một hướng đi do các nhà vận động hành lang chính trị thống trị.

Khỏi cần phải nói, tất cả những điều này diễn ra khác xa với lĩnh vực của những lập luận khoa học, nhưng màn kịch được trình bày như một phần của việc khôi phục tính liêm chính của khoa học. Trong thời đại internet với các luồng thông tin tương đối cởi mở, một nhóm chuyên gia chỉ có thể được duy trì nếu nó là một phần của một nhóm quan điểm và lợi ích có tổ chức hơn, cùng có thể điều hành một loại khung bảo vệ đạo đức-nhận thức. Ngược lại, các vận động hành lang chính trị phụ thuộc vào các cơ quan khoa học sẽ sẵn sàng đóng vai trò của họ.

Đây có thể được xem là một phần của sự thay đổi lớn hơn trong các thể chế từ văn hóa thuyết phục sang văn hóa mà các sắc lệnh đạo đức mang tính cưỡng chế xuất phát từ đâu đó phía trên, khó xác định chính xác, nhưng được truyền tải theo phong cách đạo đức của Phòng Quản lý Nhân sự. Bị suy yếu bởi việc phổ biến thông tin một cách thiếu kiểm soát và sự bẻ gãy quyền lực của những người tham gia, các tổ chức phê chuẩn những bức tranh cụ thể về những gì đang diễn ra trên thế giới không chỉ đơn thuần khẳng định sự độc quyền về kiến ​​thức mà còn phải cấm đoán cả việc đặt câu hỏi và cấm luôn sự chú ý đến các mô hình.

Các cartel nghiên cứu huy động năng lượng tố cáo của các nhà hoạt động chính trị để can thiệp và, có đi có lại, các tổ chức vận động phi chính phủ cũng như các tổ chức đo lường dòng tài trợ và hỗ trợ chính trị cũng ưu tiên cho các cơ quan nghiên cứu, trong một vòng tròn khép kín hỗ trợ lẫn nhau.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thời điểm hiện tại, đối với bất kỳ ai cảnh giác với chính trị, là chúng ta ngày càng bị chi phối thông qua cơ chế của những cơn hoảng sợ có vẻ như được tạo ra để khiến mọi người đồng tình, trong bối cảnh công chúng đã trở nên hoài nghi về các thể chế được xây dựng dựa trên những tuyên bố của giới chuyên môn. Và điều này đang xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Những thách thức chính sách từ những người bên ngoài được trình bày thông qua thực tế và lập luận, đưa ra một số bức tranh về những gì đang diễn ra trên thế giới đang cạnh tranh với bức tranh đang thịnh hành về thế giới, đã không được trả lời một cách đàng hoàng, mà trái lại được đáp ứng bằng sự tố cáo. Bằng cách này, các mối đe dọa mang tính nhận thức đối với quyền lực thể chế được giải quyết bằng cách biến nó thành những xung đột đạo đức giữa người tốt và người xấu.

Cần phải giải thích nội dung đạo đức gia tăng của các tuyên bố có vẻ như mang tính chuyên gia-kỹ thuật. Tôi gợi ý rằng có hai nguồn đối thủ của tính chính đáng chính trị, đó là khoa học và ý kiến ​​phổ biến, được dung hòa một cách không hoàn hảo thông qua một kiểu phân phối có tính chất mị dân, mà chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa sùng bái khoa học. Sự mị dân này được phân bố theo nghĩa là các trung tâm quyền lực được lồng vào nhau dựa vào nó để hỗ trợ lẫn nhau.

Nhưng khi sự sắp xếp này bắt đầu lung lay, khi ý kiến ​​phổ biến trong công chúng không bị ràng buộc bởi thẩm quyền chuyên môn và mới đây đã chống lại nó một cách quyết đoán, một chân kiềng thứ ba đã được thêm vào cấu trúc này với nỗ lực muốn ổn định nó: sự lộng lẫy về mặt đạo đức của Nạn nhân. Đứng cùng với Nạn nhân, như mọi tổ chức lớn hiện nay đang làm, là bắt giữ những lời chỉ trích. Hành động đó là một niềm hy vọng cứu vãn tình hình, ở bất kỳ mức độ nào.

Vào mùa Hè không thể quên năm 2020, năng lượng đạo đức chống phân biệt chủng tộc đã được khai thác cho các cơ quan có thẩm quyền khoa học về sức khỏe cộng đồng, và ngược lại. Bởi vì, “đặc quyền của người da trắng” là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng – một tình huống khẩn cấp đủ để ra lệnh đình chỉ việc bắt buộc giãn cách xã hội vì lợi ích của các cuộc biểu tình. Vì vậy, làm thế nào sự mô tả về nước Mỹ như những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng lại có thể được chuyển đổi thành một tuyên bố nghe có vẻ khoa học cho được kia chứ?

Michael Lind đã lập luận rằng covid đã gây ra một cuộc chiến tranh giai cấp, không phải giữa lao động và tư bản, mà là giữa hai nhóm có thể được gọi là “giới tinh hoa”: một bên là các chủ doanh nghiệp nhỏ phản đối việc đóng cửa và mặt khác là các nghề nghiệp được bảo đảm công việc tốt hơn, có thể làm việc tại nhà và thường có quan điểm tối đa về sự sạch sẽ của chính trị. Chúng ta có thể nói thêm rằng, ở trong “nền kinh tế tri thức”, các nhà chuyên môn đương nhiên thể hiện sự tôn trọng hơn đối với các chuyên gia, vì đơn vị tiền tệ cơ bản của nền kinh tế tri thức là uy tín lâu đời.

Sự chia rẽ này được lập bản đồ dựa trên tình trạng ly giáo đã tồn tại từ trước. Bản đồ này đã tự tổ chức xung quanh Tổng thống Trump, với dân chúng được phân loại thành người tốt và người xấu. Đối với những người hành nghề chuyên môn, không chỉ là tình trạng tâm hồn, mà là vị thế và khả năng tồn tại của một người trong một nền kinh tế có tính thiết chế, sẽ phụ thuộc vào việc người đó có đi đúng hướng của sự phân chia đó một cách rõ ràng hay không. Theo hệ thống nhị phân Manichaean được thành lập vào năm 2016, dấu hỏi cơ bản treo trên đầu mọi người là sức mạnh và sự chân thành trong hoạt động chống phân biệt chủng tộc của người đó. Đối với những người da trắng làm việc trong các cơ quan kỹ thuật liên quan đến y tế cộng đồng, sự hợp lưu của các cuộc biểu tình George Floyd và đại dịch dường như đã tạo cơ hội để chuyển đổi sự dè dặt về đạo đức của họ đối với vấn đề chủng tộc thành một điều ngược lại: thẩm quyền đạo đức.

Hơn 1.200 chuyên gia y tế, với tư cách là các chuyên gia y tế, đã ký một bức thư ngỏ khuyến khích các cuộc biểu tình quần chúng khi cần thiết để giải quyết “sức mạnh gây chết người lan rộng của quyền lực da trắng thượng đẳng”. Lực lượng lan tỏa này là thứ mà họ có đủ điều kiện đặc biệt để phát hiện bằng kiến ​​thức khoa học của họ. Các bài xã luận trên các tạp chí như The Lancet, The New England Journal of Medicine, Scientific American và thậm chí Nature hiện đang nói bằng ngôn ngữ của Thuyết Phê phán Chủng tộc, gọi chướng ngại vật vô hình của “độ trắng” như một thiết bị giải thích, kiểm soát các biến số và biện minh cho bất kỳ quy định chính sách đại dịch nào có vẻ tốt để tự tuân theo.

Khoa học rất rõ ràng. Nhưng nó cũng đã được uốn cong cho các mục đích có tính chất mở rộng. Vào tháng 2 năm 2021, tạp chí y khoa The Lancet đã triệu tập Ủy ban Chính sách Công và Sức khỏe trong Kỷ nguyên Trump để phàn nàn về việc chính trị hóa khoa học của tổng thống – đồng thời thúc giục "các đề xuất do khoa học dẫn dắt" sẽ giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng thông qua việc bồi thường cho con cháu nô lệ và những người khác là nạn nhân của áp bức lịch sử, tăng cường ưu tiên trong tuyển sinh cho họ và việc thông qua Thỏa thuận mới xanh, cùng các biện pháp khác. Chắc chắn có thể có trường hợp người ta đưa ra các chính sách như vậy một cách chân thành, tự do và có cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều người trong trường hợp đó. Nhưng có lẽ cũng có trường hợp sự phân loại đạo đức dẫn đến sự mất an toàn cho các chuyên gia kỹ trị đã khiến họ nhanh chóng chuyển thành các nhà hoạt động (activists) và cam kết tham gia với các tầm nhìn lớn hơn về một xã hội đã biến đổi.

Thành công ngoạn mục của “sức khỏe cộng đồng” trong việc tạo ra sự đồng tình sợ hãi của dân chúng trong thời kỳ đại dịch đã tạo ra một sự vội vàng để thực hiện tất cả mọi dự án kỹ trị-tiến bộ, những ý tưởng sẽ có rất ít cơ hội để thực hiện nếu được theo đuổi một cách dân chủ. [Giới cầm quyền] coi những dự án đó như một phản ứng đối với một số mối đe dọa hiện hữu. Trong tuần đầu tiên của chính quyền Biden, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện đã thúc giục tổng thống tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" và đảm nhận các quyền hạn cho phép ông tránh khỏi sự kiểm soát của Quốc hội để có thể cai trị bằng hành pháp. Đáng ngại là, chúng ta đang chuẩn bị cho tình trạng "phong tỏa khí hậu”.

Trí tuệ phương Đông

Các quốc gia phương Tây từ lâu đã có kế hoạch dự phòng để đối phó với đại dịch, trong đó các biện pháp cách ly được phân định theo các nguyên tắc tự do – tôn trọng quyền tự chủ của cá nhân và tránh ép buộc càng nhiều càng tốt. Vì vậy, những người đã bị nhiễm bệnh và đặc biệt dễ bị tổn thương nên được cách ly, trái ngược với việc nhốt những người khỏe mạnh trong nhà. Trong khi đó, Trung Quốc là một chế độ độc tài giải quyết các vấn đề tập thể thông qua kiểm soát chặt chẽ dân chúng và giám sát trên diện rộng. Theo đó, khi đại dịch COVID bắt đầu nghiêm trọng, Trung Quốc đã phong tỏa mọi hoạt động ở Vũ Hán và các khu vực bị ảnh hưởng khác. Ở phương Tây, người ta chỉ đơn giản cho rằng hành động như vậy không phải là một lựa chọn khả dụng.

Như nhà dịch tễ học người Anh Neil Ferguson đã nói với Times vào tháng 12 năm ngoái: “Đó là một nhà nước độc đảng cộng sản, chúng tôi đã nói rồi. Chúng ta không thể thoát khỏi [việc phong tỏa] ở châu Âu, chúng tôi nghĩ… và sau đó nước Ý đã làm được. Và chúng tôi nhận ra mình có thể”. Ông nói thêm rằng "Những ngày này, việc phong tỏa là điều không thể tránh khỏi."

Do đó, điều tưởng như không thể xảy ra do các nguyên tắc nền tảng của xã hội phương Tây giờ đây không chỉ đơn thuần là có thể mà là không thể tránh khỏi. Và sự đảo ngược hoàn toàn này đã xảy ra trong vài tháng.

Việc chấp nhận một món hời như vậy dường như phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa. Chắc chắn có những điểm nguy hiểm mà ở mức độ đó các nguyên tắc tự do trở thành một thứ xa xỉ không thể chi trả được. Covid thực sự là một căn bệnh rất nghiêm trọng, với tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng cao hơn khoảng mười lần so với bệnh cúm: khoảng một phần trăm của tất cả những người bị nhiễm bệnh chết. Tuy nhiên, không giống như bệnh cúm, tỷ lệ tử vong này bị lệch theo độ tuổi và các yếu tố nguy cơ khác, thay đổi hơn một nghìn lần từ người rất trẻ đến người già, đến mức con số tổng hợp một phần trăm có thể bị sai lệch. Tính đến tháng 11 năm 2020, độ tuổi trung bình của những người bị Covid giết hại ở Anh là 82,4 tuổi.

Vào tháng 7 năm 2020, 29% công dân Anh tin rằng "6-10 phần trăm hoặc cao hơn" dân số đã bị giết bởi Covid. Khoảng 50% trong số những người được hỏi có ước tính thực tế hơn là 1%. Con số thực tế là khoảng một phần mười của một phần trăm. Vì vậy, nhận thức của công chúng về nguy cơ chết vì Covid đã bị thổi phồng lên một đến hai bậc. Điều này rất có ý nghĩa.

Dư luận ở phương Tây có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với ở Trung Quốc. Chỉ khi mọi người đủ sợ hãi thì họ mới từ bỏ các quyền tự do cơ bản vì mục đích an ninh – đây là công thức cơ bản của Hobbes’s Leviathan. Gây sợ hãi từ lâu đã là một yếu tố thiết yếu của mô hình kinh doanh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và điều này dường như đang trên quỹ đạo tích hợp với các chức năng của nhà nước ở phương Tây, trong một sự cộng sinh chặt chẽ. Trong khi chính phủ Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng chế từ bên ngoài, thì ở phương Tây, sự cưỡng chế phải xuất phát từ bên trong; từ một trạng thái tinh thần trong cá nhân. Nhà nước về danh nghĩa nằm trong tay những người được bầu ra để làm đại diện của nhân dân, vì vậy nó không thể là đối tượng của sự sợ hãi. Một cái gì đó khác phải là nguồn gốc của sự sợ hãi, từ đó nhà nước có thể đóng vai trò cứu vớt chúng ta. Nhưng việc thực hiện vai trò này đòi hỏi quyền lực nhà nước phải được định hướng bởi các chuyên gia.

Đầu năm 2020, dư luận đã chấp nhận sự cần thiết của việc đình chỉ ngắn hạn các quyền tự do cơ bản với giả thiết rằng, một khi tình trạng khẩn cấp đã qua, chúng ta có thể trở lại một xã hội không phải là Trung Quốc. Nhưng điều này là dựa trên giả định rằng chúng ta có một nền văn hóa chính trị tự do mạnh mẽ, mà giả định đó có thể không được đảm bảo. Lord Sumption, một luật gia và là thành viên đã nghỉ hưu của Tòa án tối cao của Vương quốc Anh, cho rằng các vụ phong tỏa ở phương Tây là vượt qua một giới hạn mà khó có thể không vượt qua. Trong một cuộc phỏng vấn với Freddie Sayers tại UnHerd, ông chỉ ra rằng, theo luật, chính phủ có quyền hành động trong tình trạng khẩn cấp. “Có rất nhiều điều chính phủ có thể làm, điều mà nói chung họ chấp nhận là không nên làm. Và một trong số đó, cho đến tháng Ba năm ngoái, là nhốt những người khỏe mạnh trong nhà của họ ”.

Ông đưa ra nhận định của Burkean cho rằng địa vị của chúng ta với tư cách là một xã hội tự do, không phải dựa trên luật lệ, mà dựa trên quy ước, một “bản năng tập thể” về những gì chúng ta có nghĩa vụ phải làm, bắt nguồn từ những thói quen trong suy nghĩ và cảm nhận phát triển chậm qua nhiều thập kỷ và thế kỷ. Đây là những thứ mong manh dễ vỡ. Việc phá hủy một quy ước dễ hơn nhiều so với việc thiết lập một quy ước. Điều này cho thấy việc trở lại một xã hội không phải là Trung Quốc có thể khá khó khăn.

Như Lord Sumption nói, “Khi bạn phụ thuộc vào việc các quyền tự do cơ bản của mình dựa trên quy ước thay vì luật pháp, một khi quy ước bị phá vỡ, thì câu thần chú sẽ bị phá vỡ. Một khi bạn đã đi đến một vị trí không thể tưởng tượng được là nhốt mọi người trong nhà, trên phạm vi quốc gia, trừ khi ai đó cho rằng đó là một ý kiến ​​hay, thì thành thật mà nói, không còn bất kỳ rào cản nào nữa. Chúng ta đã vượt qua ngưỡng đó. Và chính phủ các nước không quên những điều này. Tôi nghĩ rằng đây là một mô hình sẽ được chấp nhận, nếu chúng ta không cẩn thận, như một cách giải quyết mọi vấn đề của tập thể ”. Ở Mỹ cũng như ở Anh, chính phủ có quyền lực vô cùng lớn. "Điều duy nhất bảo vệ chúng ta khỏi việc sử dụng quyền lực chuyên quyền đó là một quy ước mà chúng ta đã quyết định loại bỏ."

Rõ ràng, sự ngưỡng mộ đối với quản trị kiểu Trung Quốc đã nở rộ trong cái mà chúng tôi gọi là quan điểm trung tâm, phần lớn là phản ứng trước những bất ổn của chủ nghĩa dân túy thời Trump và Brexit. Rõ ràng là “Khoa học” (trái ngược với khoa học thực sự) đang đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Giống như những hình thức mị dân khác, chủ nghĩa sùng bái khoa học trình bày các sự kiện được cách điệu hóa và một bức tranh thực tế đã được sắp xếp lai. Bằng cách làm như vậy, nó có thể tạo ra nỗi sợ hãi đủ mạnh để biện giải cho [việc từ bỏ] các nguyên tắc dân chủ có thể gây tranh cãi, bất đồng.

Đại dịch hiện đang rút lui và vắc xin có sẵn cho tất cả những ai muốn có ở hầu hết các vùng của Hoa Kỳ. Nhưng nhiều người không chịu bỏ mặt nạ, như thể họ đã gia nhập một dòng tu mới. Việc triển khai rộng rãi nỗi sợ hãi như một công cụ tuyên truyền của nhà nước đã có tác động làm mất phương hướng, do đó nhận thức của chúng ta về rủi ro đã bị tách rời khỏi thực tế.

Chúng ta chấp nhận mọi rủi ro trong cuộc sống mà không suy nghĩ nhiều về nó. Để chọn ra một cái rủi ro và biến nó thành đối tượng tập trung cao độ là áp dụng một triển vọng méo mó phải trả giá thực sự, và nó được trả giá ở đâu đó ngoài rìa tầm nhìn hẹp của người ta. Việc nhìn thấy lối thoát của chúng ta ra khỏi tình huống đó – tức là đặt các rủi ro trong bối cảnh thích hợp của nó – đòi hỏi một thái độ khẳng định về cuộc sống, nhấn mạnh lại tất cả những hoạt động đáng giá đã nâng cao giá trị sự tồn tại của chúng ta [như một con người] chứ không chỉ đơn thuần như một thứ cỏ cây.

Sự mất đi khuôn mặt

Có lẽ đại dịch chỉ đơn thuần là đã và đang tăng tốc và đưa ra sự bảo đảm chính thức cho sự trượt dài của chúng ta trong quá trình chia rẽ, phân rã. Với sự trần trụi của khuôn mặt, chúng ta gặp gỡ nhau với tư cách cá nhân, và khi làm như vậy, chúng ta trải nghiệm những khoảnh khắc chấp nhận nhau và tin tưởng nhau. Che giấu khuôn mặt của chúng ta sau chiếc mặt nạ là rút lại lời mời này. Điều này hẳn phải có ý nghĩa lớn lao về mặt chính trị.

Có lẽ chính nhờ những khoảnh khắc nhỏ như vậy, chúng ta mới ý thức được mình như một dân tộc, bị ràng buộc trong một số phận chung. Đó là chính là ý nghĩa của sự đoàn kết. Ngược lại, đoàn kết cũng là bức tường thành tốt nhất chống lại chế độ chuyên quyền, như Hannah Arendt đã lưu ý trong tác phẩm Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị (On The Origins of Totalitarianism). Việc rút lui khỏi những cuộc tiếp xúc cá nhân như vậy bây giờ được đóng dấu là một công dân tốt, tức là, biết giữ gìn vệ sinh tốt. Nhưng chúng ta là công dân của thứ chế độ nào đây?

“Tuân theo khoa học” để giảm thiểu một số rủi ro nhất định trong khi phớt lờ việc những người khác đang giúp chúng ta thực thi tự mình phán đoán, là điều đã được neo lại ở một khía cạnh nào đó là những gì làm cho cuộc sống trở nên đáng giá. Nó cũng giải tỏa chúng ta khỏi thách thức hiện sinh của việc ném mình vào một thế giới không chắc chắn với niềm hy vọng và sự tự tin. Một xã hội không có khả năng khẳng định ý nghĩa cuộc sống và không có khả năng chấp nhận cái chết sẽ là nơi chốn của những người chết biết đi, những tín đồ của giáo phái dở sống dở chết luôn kêu gọi sự hướng dẫn nhiều hơn nữa của các chuyên gia.

Người ta đã nói rằng, mỗi dân tộc sẽ có một chính quyền mà họ xứng đáng có được: dân nào thì chính quyền đó!!!