Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Một lần gặp bác Đặng Văn Việt

Đào Tiến Thi

Khoảng 2014 hay2015 tôi không nhớ chính xác, vào một ngày đầu tháng giêng Âm lịch, vừa ngay sau tết Nguyên đán, tôi được chú Nguyễn Khắc Mai mời gặp mặt đầu xuân. Nhà chú chật chội nên chú mời đến một cái quán, hình như gọi là quán Gió. Quán đặt ngoài trời lại vào đúng hôm gió mùa đông bắc về nên không sai tí nào với cái tên của nó. Gió mạnh và lạnh phát khiếp! Khách mời gồm một số chú, bác già, vài anh em trẻ, và vài người không còn trẻ nhưng chưa già như tôi.

Trời mỗi lúc một lạnh. Chủ quán phải đem vải bạt ra che chắn và sau còn phải nhóm lửa cho đỡ rét. Tôi để ý thấy có một bác nói chuyện suốt nhưng vì ngồi xa chỗ tôi nên ăn xong, cuối tiệc, tôi mới lân la lại làm quen. Đó là bác Đặng Văn Việt, người mà cho đến lúc đó tôi cũng mới loáng thoáng biết đến cái tên và được mệnh danh là "Anh hùng đường số 4" thời chống Pháp. Năm ấy bác đã 94 hay 95 tuổi. Hôm ấy bác vẫn đi đến bằng xe máy, một cái xe đã cũ lắm, tàng lắm. Thế mà nghe kể bác vẫn đi thường xuyên và có khi còn lai một bác nữa.

Càng về chiều gió càng mạnh và càng lạnh. Chúng tôi chưa già mà còn thấy không chịu nổi, nghĩ không khéo hôm nay về ốm mất. Ấy thế mà bác Việt U100 lại hầu như không thấy rét. Rồi có lúc gió quẩn khiến bếp lửa khói mù khói mịt bác cũng chẳng bận tâm. Bác cứ nói chuyện suốt được. Nói nhiều mà vẫn mạch lạc đến lạ lùng. Cũng không cần dừng lại nghỉ, cũng không lúc nào quên để phải dừng ít giây mà cố nhớ lại cái gì đó như thường thấy ở người già.

Qua câu chuyện của bác, cùng với lớp người như bác mà tôi biết (trong đó có cả bố tôi, kém bác 3 tuổi), tức là lớp người đã tham gia cuộc kháng chiến lần thứ nhất, tôi hình dung ra ngay những con người của thời ấy:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Thành liền mong tiến bệ rồng,

Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu….

Đó là những câu thơ trong Chinh phụ ngâm khúc, ra đời cách đó đã 200 năm, nhưng cái lý tưởng cổ điển của "đấng nam nhi" đã sẵn ở trong máu những người thanh niên trí thức Việt Nam nhiều thế hệ, khi luồng gió thời đại thổi đến là họ "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong", giống như hàng trăm năm trước.

Gần hơn nữa là bối cảnh của phong trào sinh viên yêu nước những năm 1943 –1945, mà lúc ấy bác Đặng Văn Việt đang là sinh viên Trường Đại học Y khoa Đông Dương. Tôi đã từng được nghe bác Nguyễn Xuân Sanh (nhà thơ Tiền chiến, sinh viên Luật khoa cùng sinh năm 1920 với như bác Việt) kể về những ngày sôi sục với "Tiếng gọi thanh niên" khi đó: "Nào anh em ơi ! Tiến lên đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng nhau, ta đi sá gì thân sống…"

https://www.youtube.com/watch?v=fCltPtbEY4g

Ra về, bác tặng tôi một cuốn sách - loại sách tự in, chỗ vị trí tên nhà xuất bản có ghi rõ: "Sách cho bạn bè và các gia đình".

clip_image002

Đêm đó về tôi đọc nghiến ngấu cuốn sách bác tặng. Gọi là "Hồi ký" nhưng thực tế bao gồm rất nhiều thể loại: hồi ức, ký sự, ghi chép về bạn bè, thư từ, kiến nghị,… Tuy còn hơi luộm thuộm về các sắp xếp bài vở, văn phong, trình bày, chế bản, nhưng nội dung bài nào cũng hay.

Về nội dung, ngoài những chuyện như chuyện bác từng chỉ huy hạ cở quẻ ly để treo cờ đỏ sao vàng ở Ngọ Môn (Huế) ngày 21/8/1945, chuyện tham gia bắt sống toán biệt kích mà Pháp thả xuống Huế ngày 29/8/1945 trong kế hoạch chiếm lại Việt Nam, chuyện các trận chiến thời chống Pháp mà bác trực tiếp chỉ huy (hơn trăm trận), bác đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng hiện nay của đất nước, như chuyện tham nhũng, chuyện sửa đổi Hiến pháp, chuyện đổi tên Đảng, tên nước, chuyện chủ nghĩa Mác – Lê nin, chuyện giáo dục thanh thiếu niên,… .

Toàn chuyện người thực việc thực và những suy nghĩ thực trên thực tế đất nước chứ không viện dẫn bất cứ thứ lý luận gì. Tác giả lại diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ hết sức giản dị, chân thành, đôi khi pha giọng trào lộng, dí dỏm. Dưới đây là một vài ví dụ:

Về quốc nạn tham nhũng: "Hiện nay nước Việt Nam ta được thế giới xếp vào hàng ngũ những nước bị tham nhũng hoành hành vào loại nhất thế giới (…) Càng độc quyền càng chuyên chế, càng thiếu dân chủ, càng tăng tham nhũng".

Trong bức thư gửi Bộ chnh trị để bênh vực ông Đoàn Duy Thành cựu Phó thủ tướng (khi Trung ương cho một đoàn công tác về họp để xử lý ông Đoàn Duy Thành), tác giả viết: "Ông Đỗ Mười có lần là thủ tướng (...), nay cũng đã nghỉ hưu, cũng là một phó thường dân như ai (…), hai phó thường dân nói chuyện với nhau, có điều gì đúng sai, làm không vui lòng nhau thì nên gặp nhau, trực tiếp đối đáp, cãi cọ nhau, nếu cần thì mời cấp trên chứng kiến, chỉ một, hai tiếng là xong ngay (...), cần gì mà phải huy động đến các ban, ngành của Đảng, tổ chức của Nhà nước, cả Bộ chính trị để giải quyết việc đấu đá của các phó thường dân?" Và kết luận: "Việc chưa thực thi được ý đồ trả thù của ông Đỗ Mười là một việc may mắn cho Đảng (...) Thật là làm việc nhỏ, bỏ việc lớn".

Một trong những hệ lụy của chủ nghĩa Mác – Lê nin là nó sinh ra "chủ nghĩa thành phần". Tác giả viết: "Con người bị chia ra ba loại: thành phần cơ bản tốt là công nhân, bần cố nông; thành phần cơ bản xấu là địa chủ, tư sản, phú nông (…) Nhưng thành phần là cái gì? Là một loại thước đo kỳ lạ, muốn dài, nó có thể dài vô tận; muốn ngắn nó sẽ cụt lủn (…) Hôm nay tôi là tư sản, ngày mai tôi bị phá sản, tôi đã trở thành vô sản – thế mà lý lịch đã ghi là tư sản thì tôi vẫn mang tiếng là người giàu có suốt đời? Hôm nay tôi nghèo khổ, là vô sản, ngày mai tôi tham nhũng, vớ được món bở thành giàu bự, nhưng lý lịch đã ghi là vô sản thì tôi vẫn là thành phần cơ bản, nằm trong lực lượng lãnh đạo cách mạng?".

Còn đây là cảm nghĩ sau khi đi thăm nước Mỹ về: "Hằng ngày qua báo chí, qua phím ảnh, tôi cứ tưởng nước Mỹ như con ngoáo ộp, chỉ là một cuộc sống hỗn loạn, toàn chuyện đâm chém nhau, nhân dân Mỹ sống nơm nớp dưới sự đe dọa của trùm khủng bố Bin Laden. Mỹ đi theo đường lối bành trướng bá quyền: quân đội tung đi khắp nơi gây chiến tranh, tàn sát dân lành một cách tàn bạo, nền giáo dục thì đồi trụy, hư hỏng, mại dâm, ma túy tràn lan (...) Vào giữa nước Mỹ mới thấy cuộc sống thanh bình, hài hòa, dân chủ, bình đẳng (...) Nếp sống văn minh của người Mỹ biểu hiện ở thái độ lễ phép, lịch sự, tôn trọng nhau, nhất là tôn trọng người già".

Việc đời biết bao bận bịu lôi cuốn tôi đi, để hóa ra lần gặp bác Việt ấy cũng là lần duy nhất. Chứ tôi vẫn có ý định phải gặp bác nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để nghe bác kể chuyện. Vì đây là những nhân chứng quá hiếm hoi còn sót lại của một thời kỳ đầy biến động. Để hiểu rõ cơ duyên nào đã dẫn dân tộc ta đến tình cảnh "không giống ai"?

Một thế hệ trí thức lớn lên dưới mái trường Pháp – Việt, vừa thấm nhuần lý tưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái của cách mạng Pháp 1789, vừa mục kích cảnh mất nước, mất tự do của dân tộc, những cảnh lầm than cùng cực của nhân dân do chính người Pháp áp đặt lên. Thế là khi có cơ hội, họ đã "Xếp bút nghiên theo việc đao cung" để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.

Thế nhưng làn sóng độc lập, tự do không phải đến từ một ngả mà từ nhiều ngả. Do đó những con người cùng mang lý tưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái ấy lại đi theo những ngả rẽ khác nhau, đôi khi chỉ trong tích tắc, đôi khi rất ngẫu nhiên. Và bỗng nhiên trở thành kẻ thù của nhau,…

Đến nay chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng những thành kiến và thù hận vẫn không vơi được bao nhiêu, kể cả trong phạm vi gia đình. Gia đình bác Việt và chính bác cũng là nạn nhân của hàng loạt chính sách sai lầm của nhà nước VN và của thành kiến, của thù hận trong nhiều mối quan hệ hôm nay. Bác Việt hiểu điều này lắm, nhưng bác có nguyên tắc riêng, bản lĩnh riêng, không hề chao đảo. Trong một bài viết hồi 2004, bác kể: "Bà đại diện lãnh sự quán hỏi tôi:

- Cụ có đầy đủ các điều kiện để ở lại Mỹ, cụ có ở lại không?

- Thưa không. Tôi sinh ra, lớn lên tại Việt Nam và tôi cũng thích chết ở Việt Nam".

Có thể nói, về cuối đời bác Đặng Văn Việt sống giữa hai "lề", cả hai lề đều có nhiều người yêu bác cũng như nhiều người không ưa bác. Bác có đau, có buồn, nhưng về cơ bản là bác an nhiên, vui vẻ, sống hạnh phúc theo quan niệm riêng của mình.

(27/9/2021, ngày vĩnh biệt bác Đặng Văn Việt)