Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Chiều xuân qua bắc Phong Hoà

Lê Học Lãnh Vân

Chớp mắt phong trần nửa kiếp mây

Tình xa soi lại khúc sông nầy

Chiều Xuân đang tím bờ mua ướt

Tiếng hát còn ngân bến nước đầy…

Xin gởi ai người phố nắng xưa

Hai bờ vai tóc lặng hồn trưa

Một câu nói… mà thành năm tháng

Tiếng sóng lòng nhau vỗ bến bờ…

L.H.L.V.

Con sông Hậu từ biên giới Cao Miên trước khi đổ ra cửa biển Trần Đề băng ngang Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ. Tại Long Xuyên có cầu Vàm Cống, tại Cần Thơ có cầu Cần Thơ vượt sông cái nối hai bờ Nam Bắc.

Xe bon bon đường Phong Hoà về bắc Phong Hoà, bắc nằm giữa hai cầu Cần Thơ và Vàm Cống. Thay vì từ Sa Đéc chạy thẳng quốc lộ 80 qua cầu Vàm Cống để quẹo trái về Thốt Nốt, họ thích đường Phong Hoà này vì lưu luyến hương vị sông nước khi chiếc bắc tách bờ Phong Hoà, và cũng vì con đường nhỏ từ Sa Đéc về bắc Phong Hoà quá đỗi bình yên. Hai bên đường tàu chuối phất phất chen lẫn tre vàng trong ráng chiều rực rỡ. Thoáng chốc, ráng mờ nhanh đi, tiếng ễnh ương quàm quạp nổi lên cùng mùi đồng quê khi thoảng thoảng, khi ngạt ngào.

- Em à, anh muốn đóng cửa business dưới này.

- Mọi việc đang chạy tốt sao lại đóng? Có khó khăn chút rồi cũng qua mau

- Anh lớn tuổi, em cũng lớn. Em đã cực quá nhiều.

- Cực là mười mấy năm trước lúc mới mở. Bây giờ mọi việc có người làm tiếp, mình có cực gì lắm đâu.

- Bạn bè mình về hưu hết rồi. Họ đi du lịch an vui.

- Tụi mình tiếng đi làm ăn mà có khác gì du lịch đâu. Đi đâu cũng anh cũng em, như đi dã ngoại về thăm cảnh quê xưa. Em thích đi buổi chiều như vầy, nghe ễnh ương kêu. Anh tấp xe vô cho em mua củ năng về con gái ăn. Có ổi, có gương sen nữa kìa…

Trong lúc bà lựa trái cây, ông ngắm và chụp cảnh đường làng. Ráng chiều vàng hực, xa xa tàn cây hai bên đường giao nhau làm thành vòm như cổng chào khiến con đường bội phần duyên dáng. Những căn nhà đã chớm mai vàng trước cổng, năm nay mai nở sớm. Thỉnh thoàng một chiếc xe gắn máy, xe hơi vụt qua, còn lại phần lớn trên đường là xe nhà nông: xe kéo chở rau trái, xe máy cày, người lùa trâu bò đi dọc lề đường hay thỉnh thoảng một đàn vịt leo từ ruộng bên đây băng qua đường xuống ruộng bên kia, trắng cả năm phút mặt đường điểm vô số chiếc mỏ vàng cạp cạp… Những người chăn vịt cười chân chất giơ cao tay xin đường.

Bắc Phong Hoà đây rồi! Chưa kịp xuống xe mua vé, chú nhân viên chạy ra đưa vé.

- Ông lớn tuổi sao không để con cháu lái hay mướn tài xế?

Ông bà ngó nhau cười. Những chuyến đi thế này không bao giờ ông bà nhờ người khác lái. Một chuyến đi bốn năm tiếng đồng hồ có bao nhiêu chuyện nói, chuyện làm ăn, chuyện gia đình, chuyện bà con, chuyện vui giỡn. Hạnh phúc êm đềm trong từng ánh mắt riêng tư. Một phút cũng quý giá, nỡ đâu phí phạm…

- Xe lên bắc rồi xuống một phần ba kiếng, em chợp mắt một chút nha anh!

Sáng nay bà thức sớm chuẩn bị chuyến đi. Còn chưa tới mươi ngày tới Tết, lớp việc trên Sài Gòn, lớp việc dưới tỉnh, lớp lo Tết cho gia đình, một tay bà.

Ông tính ngồi trên xe với bà, nhưng lúc bắc chuyển mình, thấy bờ sông những chòm hoa tim tím rung rinh, ông bước xuống. Hoa gì không biết chắc tên gì, nhìn hoa và lá, nghĩ thuộc họ hoa Mua.

Trời ơi, hơn ba mươi năm rồi sao! Năm đó lần đầu tiên sau ngày cưới ông bà về quê, cũng dịp Tết, sau Tết mấy ngày. Rồi tiếp theo là những năm dài đây đó lo sự nghiệp.

Chớp mắt phong trần nửa kiếp mây

Tình xa soi lại khúc sông nầy

Hồi đó, những cây cầu lớn chưa xây. Lúc ngồi chờ bắc, tiếng radio vang hết bài vọng cổ này tới bài khác. Dù thích tân nhạc hơn, sau bảy năm ở nước ngoài, ngộ thay, ông lại thấy giữa sông nước rạt rào âm thanh vọng cổ len vào từng góc nhỏ tâm hồn, đánh thức nhiều kỷ niệm ấu thời xa vắng. Dắt tay nhau xuống bắc, ông buồn cười và cảm động thấy bà còn con nít quá dù lúc đó bà đã là cô bác sĩ vài năm kinh nghiệm.

Và chiều nay, trên bờ bắc này, ông không biết mình đang ở đâu trên trục thời gian.

Chiều Xuân đang tím bờ mua ướt

Tiếng hát còn ngân bến nước đầy…

Hồi đó bà lên Sài Gòn học, ở nhờ nhà người chú ruột. Do hai gia đình quen biết từ đời trước, ông kêu chú bà là anh còn bà kêu ông là chú. Rồi ngày càng thân nhau hơn. Rồi rủ nhau đi chơi, bà có ba chiếc áo ông thích, màu xanh, màu tím, màu hồng. Hai người thường ngồi dưới giàn hoa giấy trên bến Bạch Đằng. Dưới bóng nắng trưa, tóc bà buông trên màu áo. Ông thường ngồi im ngắm bà cười…

Xin gởi ai người phố nắng xưa

Hai bờ vai tóc lặng hồn trưa

Tới giờ ông vẫn cám ơn giây phút ấy, giây phút ông nói với bà. Lòng không run vì đã vào tuổi chín chắn, đã cân nhắc nhiều mặt. Lúc đó, dù còn là cô sinh viên năm thứ ba, bà nhoẻn cười chấp nhận như nhận một điều đương nhiên. Ngó ánh mắt nhìn thẳng đầy niềm vui với chút tinh nghịch, ông biết mình sẽ có một chỗ dựa suốt đời.

Một câu nói… mà thành năm tháng

Tiếng sóng lòng nhau vỗ bến bờ…

Một câu nói mà tới nay, qua bao nhiêu năm tháng cuồn cuộn trôi, sau lưng ông, trong chiếc xe kia, niềm hạnh phúc bền bỉ của ông đã chăm sóc, vui cười khi ông lái xe quảng đường dài và giờ đang chợp mắt.

Chiếc bắc sắp cặp bờ nam sông Hậu, tiếng nước bị ép vỗ mạnh thành bắc tung bọt trắng. Ông trở về xe, bà vừa thức dậy. Lúc này ông mới chú ý trước xe ông hai chiếc xe gắn máy thồ chở hai chậu mai. Trên Sài Gòn dân chúng đang tự lo giãn cách còn không khí dưới này vẫn có vẻ yên bình.

Tiếng sóng, màu nước, bờ sông thân thiết với ông bà mấy mươi năm nay. Trong hơi gió đã nghe lạnh lạnh xuân, tiếng sóng vỗ bờ oạp oạp càng lớn trong tiếng xích loảng xoảng chuẩn bị neo bắc vào bờ…

Ngày 12 tháng 2 năm 2020

L.H.L.V.