Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (31)

MỘT SHIPPER BUỒN NHẤT THẾ GIỚI VÀ MỘT THẰNG BÁN GAS QUÁ RẢNH

FB Lan Nguyen Van

Vâng, mình đã hứa chiều nay giờ mình sẽ viết. Viết cho những gì chứng kiến trưa nay lúc 12h30 phút trên đoạn đường về nhà.

Cái tính mình tưng tửng, do đó cái tít bài cũng rất cà tửng nhưng thật ra đó là một buổi trưa quá buồn.

Gần hai chục năm kiếm ăn ở đất Saigon, chưa bao giờ mình chứng kiến không khí ảm đạm, thê lương như lúc này. Anh làm to "chết" theo kiểu anh làm to, anh làm nhỏ "chết" theo kiểu anh làm nhỏ. Khắp mọi nơi nhà nhà đóng cửa, hàng quán đóng cửa. Cả một quãng đường đi làm thường ngày mình phải mất 1h15' lái xe, nay chỉ cần thong thả 40 phút là đến nơi. Mật độ giao thông ở Saigon lúc này chỉ còn khoảng độ 5-10% so với ngày thường. Ơn trời, cái nghề gas tưởng như xa xôi, không duyên nợ nay lại là một trong những ngành nghề thiết yếu còn được phép ra đường. Ế, là một từ duy nhất cho các công ty gas lúc này dù vẫn còn thoi thóp so với các nghề khác. Ế nhưng dù sao vẫn kiếm được tí cháo, vẫn cố duy trì được hệ thống vận hành và nuôi được các nhân viên còn gắn bó với công ty. Ế, tất nhiên sẽ rảnh, rất rảnh là đằng khác. Các anh chị khoan hãy thả icon haha bởi mỗi người sẽ chọn lựa việc sẽ làm lúc mình rảnh.

Trưa nay đúng là rảnh thực sự. Sau khi điều phối cho các em giao hàng buổi chiều, mình lên xe về nhà. Ngang qua ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn "shipper" trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hũ đựng cốt hỏa thiêu. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên. Thế là tò mò, thông chốt chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hũ cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh Covid này. Mình rà xe lẽo đẽo bám sau. Trên một đoạn chưa đầy 2km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú mà em ấy đã giao hết một nửa. Phần lớn là dừng xe trước mỗi đầu hẻm nhỏ bị giăng dây cách ly phong tỏa. Rất thành thạo y như giao một món hàng bình thường. Em ấy dừng xe, móc điện thoại gọi ai đó, chờ, khoảng 3 phút sau là có người ra ký nhận vô cái biên bản in sẵn. Mình vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến hẻm 42 Âu Cơ, hẻm cũng bị giăng dây. Mình đứng bên này đường quan sát. Trước hẻm chỉ có một vị cựu chiến binh mang hàm thượng tá trông coi. Thấy em "shipper" trao đổi gì đấy, vị cựu binh dạt ra xa lên hiên nhà. Em "shipper" hình như sau một hồi cố phân trần nhưng vị kia vẫn khoát tay lia lịa. Hơn 10 phút trôi qua, mình xuống xe băng ngang đường hỏi lý do. Thì ra vị cựu chiến binh cũng có lý khi hai hũ cốt không có người đủ trách nhiệm nhận bởi cả gia đình trong hẻm kia đều rất hoàn cảnh. Mình chợt xen vô đề nghị vị ấy gọi cho cảnh sát khu vực nhưng rất tiếc khi biết anh công an kia cũng đang là F1, bị cách ly rồi. Tội nghiệp anh "shipper" đang lo lắng vì trên xe còn đến hơn chục hũ, sợ không hoàn thành chỉ tiêu. Bất chợt từ bên trong có thằng bé tầm 10-12 tuổi đi cùng một bà già tiến ra đầu hẻm. Bà già vội vắn tắt giới thiệu mà nghe rùng mình: Giờ nhà còn nó một mình ở đây thôi đó, đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hũ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đâu, vẫn để tạm trong nhà. Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hũ này nữa, cha mẹ nó đó, chắc mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp. Vậy là bà hàng xóm ấy bất đắc dĩ phải thò bút ký nhận vì thằng bé không biết chữ. Mặt nó trông vô hồn khi hai tay xách hai hũ cốt như cách người ta bỏ trái dừa trong bao ni lông lẽo đẽo theo bà già quay trở vô. Mình quay qua hỏi vị cựu binh đang đứng xa trên hiên nhà: "Ủa, đ/c không ở địa bàn này à?". "Có đâu! Tui ở khu phố khác, hội cựu chiến binh phường mới điều tôi về canh hẻm này từ hôm qua, các vị canh giữ đây giờ đi cách ly hết rồi...", ông ấy trả lời một tràng như phân trần khi thấy mình đưa máy lên chụp hình.

Trời chợt đổ cơn dông, mình vội vàng giúp em "shipper" lấy tấm áo mưa che tạm cho mười mấy hũ cốt chưa giao kịp. Liếc vội vào những cái tem dán sẵn, đa số còn rất trẻ, địa chỉ Tân Phú, Tân Bình. Núp dưới hiên nhà hút thuốc chờ mưa tạnh, em "shipper" chợt hỏi: Anh làm nghề gì mà rảnh dữ vậy? Đưa số điện đây, mai mốt tui gọi đi theo chứng kiến nhiều câu chuyện buồn hơn lúc nãy nhiều!

Mình không trả lời, chỉ thầm nghĩ, ờ anh đang rất rảnh, rảnh lắm, rảnh để nhìn một Saigon đang rất ảm đạm, buồn thương hơn lúc nào hết đây em ạ.

clip_image002

ĐỀ XUẤT VỚI GIÁO HỘI PHẬT GIÁO TPHCM VÀ CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ

FB Nguyễn Thiện

Hôm nay, dư luận xã hội hết sức đau buồn, thương cảm khi đọc bài "phóng sự" về một shipper chở 27 lọ tro cốt đi giao cho thân nhân người xấu số ở thành phố Hồ Chí Minh.

Do khi gia đình có người chết vì Covid thì các thành viên đều trở thành F1, bị cách ly hết, vì vậy nhiều trường hợp không có người có trách nhiệm đứng ra nhận tro cốt. Hơn nữa, trong lúc thành phố đang bị phong tỏa, nhà nào có người nhận cũng khó có phương tiện để lập bàn thờ.

Trước thực trạng đó, tôi đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM và Chính quyền thành phố nên thống nhất: tạm thời đưa tro cốt của người chết là tín đồ Phật giáo về một số ngôi chùa do Thành Hội Phật giáo chỉ định để làm lễ cầu siêu và giữ gìn, sau khi hết dịch giao lại cho thân nhân. Lúc đó, nếu thân nhân muốn gởi lại chùa thì theo thỏa thuận giữa hai bên.

Tôi không rõ tro cốt của tín đồ các tôn giáo khác thì có thể tạm thời đưa vào cơ sở thờ tự của tôn giáo đó được không nên chưa dám đề xuất. Có lẽ, thành phố nên bàn với các tôn giáo về vấn đề này.

Tôi xin nhờ các bạn share giúp đề xuất này.

 

VỤ SHIP TRO CỐT TRONG GIỎ NHỰA: PHƯỜNG PHÚ TRUNG KHÔNG CÓ CHUYỆN GIAO TRO CỐT NGƯỜI MẤT VÌ COVID-19

Tuổi trẻ, 06/08/2021 21:05

TTO - Thông tin gây chú ý bởi chi tiết người ship tro cốt gặp em bé có 4 người thân gồm ông bà, cha mẹ đều mất trong dịch COVID-19. Tuy nhiên, phía phường Phú Trung cho biết không có hẻm 42 Âu Cơ, cũng không có gia đình nào có người chết như vậy.

 

Vụ ship tro cốt trong giỏ nhựa: Phường Phú Trung không có chuyện giao tro cốt người mất vì COVID-19 - Ảnh 1.

Hình ảnh giao tro cốt người mất lan truyền trên mạng xã hội sau một ngày đã nhận 2,9 ngàn lượt like, 1,3 ngàn lượt chia sẻ và gần 1.000 bình luận - Ảnh: Facebook Lan Nguyen Van

Sáng 6-8, mạng xã hội lan truyền câu chuyện một người mặc đồ liên quan lĩnh vực mai táng, hỏa táng chở các hũ tro cốt người mất đi giao ở các khu phong tỏa. Số tro cốt được bỏ vào một giỏ nhựa chở sau xe khiến nhiều người cảm thấy thương xót.

Facebook Lan Nguyen Van (hiện đã ẩn bài) viết:

"Ngang qua ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn "shipper" trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hũ đựng cốt hỏa thiêu. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên.

Thế là tò mò, thông chốt chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hũ cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh COVID-19 này.

Mình rà xe lẽo đẽo bám sau. Trên một đoạn chưa đầy 2km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú mà em ấy đã giao hết một nửa. Phần lớn là dừng xe trước mỗi đầu hẻm nhỏ bị giăng dây cách ly phong tỏa. Rất thành thạo y như giao một món hàng bình thường".

Đây là một đoạn trong bài viết được đăng trên Facebook Lan Nguyen Van ngày 5-8. Bài viết đã nhận được rất nhiều bình luận, chia sẻ bởi sự "đau buồn, tang thương đến tận cùng".

Bài viết còn mô tả rất kỹ cảnh nhận tro cốt của một em bé 10-12 tuổi đi cùng một bà cụ ra nhận hai hũ cốt của cha mẹ ở hẻm 42 Âu Cơ.

"Bà già vội vắn tắt giới thiệu mà nghe rùng mình: Giờ nhà còn nó một mình ở đây thôi đó, đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hũ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đâu, vẫn để tạm trong nhà.

Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hũ này nữa, cha mẹ nó đó, chắc mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp".

Chiều 6-8, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với chủ cơ sở mai táng có người giao tro cốt trong bài viết nói trên để tìm hiểu sự việc.

"Người giao tro cốt là đứa em của tôi. Tôi thấy sự việc trên mạng xã hội thì hỏi lại và được kể lại rằng có một người giao gas chụp hình rồi bỏ đi, không hỏi chuyện gì, chỉ nói 1 câu "để cho mày nổi tiếng luôn", người chủ cơ sở mai táng kể lại.

Anh cũng cho biết thêm số hũ cốt được giao chỉ khoảng 10 hũ, không có chuyện 27 hũ như Facebook Lan Nguyen Van đăng tin.

Đồng thời 10 hũ cốt này giao trên địa bàn nhiều quận như quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận 6, chứ không riêng gì phường Phú Trung, quận Tân Phú như bài đăng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 6-8, bà Lê Thị Tuyết Nhung - chủ tịch UBND phường Phú Trung, quận Tân Phú - cho biết đã nắm sự việc trên, đồng thời khẳng định phường không có hẻm 42 Âu Cơ như bài viết trên đề cập, mà trên địa bàn phường chỉ có một trường hợp mất vì bệnh tim tại hẻm 477 Âu Cơ.

"Người mất được giao cốt là bà Tôn Nữ Thị T., mất vì bệnh tim mạch, bệnh viện đã hỏa táng và giao cho dịch vụ mai táng C.Đ.T giao tro cốt về", bà Nhung cho biết.

Với thông tin trong bài viết nói rằng trên một đoạn chưa đầy 2km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú giao hết một nửa (tương đương 13 hoặc 14/27 hũ theo bài viết), bà Nhung cho biết thêm thống kê trong tháng 7 phường không có người mất, tháng 8 có 3 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp mất vì COVID-19.

Tuổi Trẻ Online trao đổi với anh Lân, chủ Facebook Lan Nguyen Van có bài viết nói trên, anh Lân cho biết: "Câu chuyện tôi đăng trên Facebook của tôi là câu chuyện tôi chứng kiến sao viết theo cảm xúc như thế. Tôi thật sự không ngờ bài viết có sức lan tỏa mạnh như vậy.

Hôm qua, tôi chứng kiến câu chuyện sao kể vậy, tôi không hỏi thông tin của ai hết. Về hoàn cảnh thằng bé, tôi biết từ bà hàng xóm dẫn cháu bé ra ký tên xác nhận để nhận 2 hũ tro cốt".

Về số lượng hũ tro cốt, anh Lân nhấn mạnh: "Tôi thấy sao nói vậy, đếm sao nói vậy. 50 tuổi rồi, không phải thằng con nít mà đếm nhầm. Dưới chân anh shipper còn một đống dây băng keo để ràng 3 lớp hũ tro cốt, nếu bung hình sẽ thấy rõ".

Khi hỏi về thông tin số lượng hũ tro cốt từ trại hòm với thông tin từ anh viết không đồng nhất, anh Lân cho biết khi hỏi nhân viên trại hòm còn hốt hoảng.

Về việc liên hệ hỗ trợ cháu bé trong câu chuyện anh Lân viết, anh Lân cho biết nhân viên công ty anh đã liên hệ Ủy ban MTTQ phường để hỗ trợ cháu bé. Anh Lân nói chính quyền địa phương đã hỗ trợ đầy đủ thức ăn cho người dân trong khu phong tỏa.

Anh nói thêm: "Rất cần sự tôn trọng với gia đình cháu bé, người ta muốn nén nỗi đau nhưng mình lại nhắc đến vô tình thêm một nhát dao khiến họ đau thêm, điều này tôi không muốn".

HOÀI PHƯƠNG

Ông Huỳnh Minh Nhựt - giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, là đơn vị được TP.HCM giao phối hợp với Sở Y tế trong công tác hỏa táng người mất vì COVID-19 - cho biết hình ảnh trên không phải là người của đơn vị. Đây là nhân viên của các cơ sở mai táng tư nhân.

Ông Nhựt khẳng định hiện tại công ty đã tạm ngưng dịch vụ giao tro cốt tại nhà. Số tro cốt của người mất hiện tại đều được lưu giữ tại khu hỏa táng Bình Hưng Hòa đối với trường hợp người nhà chưa đến nhận được.

Trong trường hợp người nhà đến nhận thì sẽ được trao tận tay và không có thu chi phí gì thêm. Có một số trường hợp thân nhân ủy thác cho các cơ sở mai táng đến nhận thì công ty mới giao cho các cơ sở này.

"Thời điểm chúng tôi còn dịch vụ giao cốt tại nhà thì hoàn toàn miễn phí cho người dân và tro cốt đều đóng vào thùng cactông đúng quy cách, chứ không chở "lổn ngổn" giống giao rau như hình ảnh mạng xã hội lan truyền.

Đây có thể là các cơ sở mai táng tư nhân họ thỏa thuận với người nhà sẽ lấy cốt sau hỏa táng giúp người nhà rồi giao lại", ông Nhựt nói.

 

 

NHẬT KÝ OXY

FB Nguyen Leanh

Bệnh viện Phụ Sản cần Oxy.

Sáng nay sau khi đồng ý đề xuất là ưu tiên cho bệnh viện Phụ Sản, rồi quyết định chi mua đồ bảo vệ như khẩu trang và quần áo bảo hộ cho Cộng Tác Viên và để tặng cho gia đình bệnh nhân, chi mua vài thực phẩm để cung cấp cho gia đình người bệnh khi mang được oxy cho họ.

Bệnh viện Phụ Sản Tp. Hồ Chí Minh cần tầm 30 bình cho trẻ sơ sinh. Tôi đồng ý đưa cho họ 10 bình. 10 bình là rất nhiều so với số 200 bình hiện nay. Hiện tại 100 bình 40L đến cảng Sài Gòn rồi nhưng 2 ngày mà vẫn chưa lấy ra được khỏi cảng.

Tôi mệt quá nên ngủ quên mất. Tôi vừa tỉnh dậy thì thấy tốc độ vận hành mọi việc đang diễn ra chóng cả mặt.

10 bình 40l

Nơi nhận: 179 Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận.

Nơi giao: 182A Triệu Quang Phục, Q5. A Thành 0912290475 (a sẽ hướng dẫn vào viện bằng cổng sau + khử khuẩn)

Xe giao bình đến bệnh viện Hùng Vương, có cổng Triệu Quang Phục, địa chỉ căn nhà kế bệnh viện là số 182A Triệu Quang Phục, quận 5. Gọi anh Trương Đức Thành, Điện thoại: 0912290475 để ra hướng dẫn xe vào bệnh viện theo cổng sau (tránh lấy nhiễm) và nhận bình khử khuẩn.

Thực tế bây giờ mới là lúc bệnh nhân nghèo chết nhiều và chết tại nhà.

Mấy hôm rồi các thông tin về bệnh nhân nặng cần oxy đều qua tôi, thời điểm này mọi việc đang tự vận hành. Hôm qua tôi mệt quá nên có ý dừng, nhưng mà không nên dừng. Bây giờ mới là lúc người dân lao động nghèo chết nhiều nếu không có oxy và thực phẩm.

Chúng ta lại vẫn tiếp tục chiến dịch quyên góp mua oxy và thực phẩm cho Sài Gòn các bạn nhé.

"Mua 10 máy thở cho bệnh viện Phụ Sản. Tổng tiền là 1 tỷ 250 triệu."

Số tài khoản

19020911085021

TECHCOMBANK Hoàng Quốc Việt - Hà Nội - Việt Nam.

SWIFT code VTCBVNVX

Chủ tài khoản

Nguyen Le Anh

Máy thở của hãng Fisher & Paykel, xuất xứ máy New Zealand. Giá máy 125 triệu. (Máy này là bệnh viện Dã Chiến 30-4 đề nghị mua, nên chắc chắn nó tốt.)

 

DÂN KÊU CỨU KHẮP NƠI, CHÍNH QUYỀN THÌ ĐANG LÀM GÌ?

Không có khả năng giúp dân thì phải để dân tự giúp nhau.

Năng Tịnh – Luật Khoa, 06/08/2021

clip_image004

Những lời kêu cứu xuất hiện khắp nơi ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình trang web sosmap.net vào sáng 6/8/2021.

Chắc bạn đã tưởng lầm khi nhìn vào tấm hình ở trên. Nó không phải là bản đồ dịch bệnh của TP. Hồ Chí Minh. Đó là bản đồ kêu cứu của cư dân thành phố.

Mỗi một chấm đỏ là một lời kêu cứu. Những chấm ghi số có nghĩa là khu vực đó tập hợp nhiều người kêu cứu.

Bản đồ này nằm ở trang web SOSmap.net, dự án thiện nguyện do Phạm Thanh Vi, một chuyên gia công nghệ, và các tình nguyện viên lập ra. [1] Dự án này hỗ trợ kết nối những người cần giúp đỡ và các đội nhóm làm từ thiện.

Ngày 28/7, khi thông tin về dự án được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ, có hơn 1.000 lời kêu cứu được đăng lên, trong đó chỉ có hơn 100 trường hợp là đã nhận được giúp đỡ. [2] Vào thời điểm trên, trang web mới hoạt động chưa đến bảy ngày.

Một tuần sau đó, tính đến ngày 6/8, số lượng cần cứu trợ đã lên tới 7.600, với chỉ hơn 500 trường hợp ghi nhận đã được giúp đỡ.

Nghĩa là trong 100 trường hợp kêu cứu, chỉ mới có khoảng 6 trường hợp là được trợ giúp, tỷ lệ 6%. Con số tương đối này, dù xám xịt, vẫn chưa phản ánh hết bức tranh đau lòng trên thực tế.

Phía sau hơn 7.000 lời kêu cứu chưa được hồi đáp không phải chỉ là 7.000 con người đang tuyệt vọng. Trong rất nhiều trường hợp, đó là lời kêu cứu từ một gia đình, hay đại diện cho cả dãy phòng trọ, hoặc một khu vực đang bị phong tỏa.

***

Giúp đỡ em với, em đang gặp khó khăn và thất nghiệp do dịch covid-19, hiện tại em có con nhỏ nữa, thất nghiệp 1 tháng, gia đình nằm trong khu phong tỏa.

Anh chị ơi, hỗ trợ vợ chồng em với ạ. Hiện tại hai vợ chồng em bị thất nghiệp do dịch, đồ ăn dự trữ cũng đã hết. Tiền cũng cạn kiệt, em lại đang mang bầu nữa ạ, 2 đứa em quê ở ngoài Bắc vào đây lập nghiệp. Cho bọn em xin chút lương thực để qua mùa dịch này với, em xin cảm ơn nhiều ạ.

Xóm trọ em chủ yếu là lao động tự do, thất nghiệp nhiều nên mong quý mạnh thường quân giúp sớm để mọi người đỡ khổ trong giai đoạn này ạ. Xin chân thành cảm ơn rất nhiều.

Tôi thất nghiệp 2 tháng nay, tiền phòng chỗ tôi không giảm và tôi cũng không nhận được sự cứu trợ từ đâu hết, hiện tại tôi đang gặp khó khăn về kinh tế và nhu yếu phẩm mong được sự giúp đỡ.

Khu trọ thất nghiệp hơn tháng nằm trong hẻm sâu chưa được ai giúp đỡ. Toàn công nhân thất nghiệp khu nhiều trẻ con. Mong được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân ạ.

Khu phòng trọ 12 phòng có nhiều trẻ em và người già, tất cả các phòng đều thất nghiệp lâu do nghỉ dịch nên khó khăn, thiếu thốn, mong được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, xin cảm ơn.

Xin chào các anh chị, chúng tôi cần trợ giúp. Tôi ở tỉnh Long An lên Sài Gòn làm, mất việc làm trước dịch đã mấy tháng nay, tiền nhà trọ đóng đều hàng tháng, chủ bớt tiền ít nên gặp khó khăn. Nhà trọ có 19 người đa số làm phụ hồ, công nhân, và bán vé số. Chúng tôi trụ từng ngày ở đây. Xin nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Em ở trọ. Em làm ở chợ đầu mối Thủ Đức, vợ làm công ty. Do dịch 2 vợ chồng em thất nghiệp hơn 1 tháng rồi ạ. Tài sản hiện giờ còn 6 gói mì 3 quả trứng, tiền mặt em còn 66k. Mong anh chị hỗ trợ giúp đỡ em qua được mùa dịch ạh.

Thất nghiệp 2 tháng. Cạn kiệt lương thực rồi ạ. Cứu em với.

clip_image006

Ảnh chụp màn hình những lời kêu cứu trên SOS map.

Đó mới chỉ là vài lời kêu cứu ngẫu nhiên trên những chấm đỏ SOS. Nếu bạn thấy không khí quá nặng nề, hãy tưởng tượng tình cảnh của người phải viết ra những lời trên.

Hãy tưởng tượng tiếp tâm trạng của họ khi đọc thấy những lời nô nức báo công của chính phủ kiểu “100% lao động tự do tại TP. Hồ Chí Minh đã nhận được hỗ trợ”. [3] Tưởng tượng họ nghĩ gì khi nghe những khẩu hiệu chắc như đinh đóng cột của các lãnh đạo như “không được để dân đói”, “không để người nào thiếu ăn, thiếu mặc”, hay “không cho phép có người bị bỏ lại phía sau”. [4] Tưởng tượng xem họ thấy “ấm lòng” cỡ nào khi nghe nhà nước thông báo “giảm 10-15% tiền điện trong hai tháng”. [5]

Chỉ khi nào tưởng tượng được, bạn mới có cảm giác rùng mình giống họ trước quyết tâm của chính phủ phải “chống dịch quyết liệt hơn” hay mệnh lệnh của thủ tướng “kiên quyết yêu cầu người dân ‘ai ở đâu ở đó’”. [6] [7]

Chống dịch mà đẩy người dân vào chỗ sống dở chết dở, đó là chống dịch kiểu gì? Rốt cuộc là chính quyền đang chống dịch hay chống dân?

Điều tệ nhất trong chính sách chống dịch cực đoan của chính quyền không phải là chuyện đẩy người dân lâm vào cảnh khốn cùng.

Điều tệ hại nhất là chính quyền, với các biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp đặt kiểm soát vô lý, phản khoa học, đã và đang ngăn cản người dân giúp đỡ lẫn nhau.

Bạn có thể lên trang web sosmap.net để tìm hiểu và liên lạc trực tiếp với những người đang cần giúp đỡ, nhưng khả năng cao là bạn sẽ không thể giúp họ, khi giờ đây bạn, cùng với hàng triệu người khác, cũng đang bị nhốt một chỗ.

Nếu “dám” tự tiện đi giúp người, bạn rất có thể sẽ bị phạt vì “ra đường không có lý do chính đáng”.

Nhờ vào tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam, giúp người giờ đây trở thành một lý do không chính đáng.

Sẽ có những người bảo vệ cách làm phong tỏa, hay nói thẳng ra là cầm tù người dân của chính quyền.

Lý do là việc tự do đi lại sẽ làm lây lan dịch bệnh, còn hỗ trợ người dân thì đã có nhà nước lo.

Năng lực của nhà nước trong việc hỗ trợ người dân đến đâu, hãy để chính những người sống dở chết dở với chính sách phong tỏa lên tiếng.

Còn việc lo lắng rằng một khi người dân được tự do đi lại, dù chỉ là trong phạm vi thành phố, sẽ khiến dịch bệnh lây lan, là một giả định rất có vấn đề.

Hãy hỏi bất kỳ một chuyên gia y tế nào, rằng khi hai người tiếp xúc với nhau đều đeo khẩu trang, đều giữ khoảng cách, và đều rửa tay trước khi chạm vào mắt mũi miệng, xác suất họ lây bệnh cho nhau, nếu một trong hai người có bệnh, là bao nhiêu?

Trên thực tế, virus corona chỉ lây lan khi những người tiếp xúc gần không thực hiện các biện pháp tự bảo vệ.

Đó là cơ sở để những người làm công tác “chống dịch” vẫn có thể tự do đi lại, tiếp xúc với người khác.

Nếu cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ như nhau (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay kỹ càng), chẳng có lý do gì cho rằng nhóm người này sẽ không làm lây bệnh, còn nhóm khác thì sẽ khiến bệnh lây lan.

Vấn đề ở chỗ chính quyền luôn xem dân là đối tượng phải bị cai trị thay vì là một đối tác bình đẳng cùng quản trị đất nước.

Nhiều người lấy các trường hợp người dân xem thường dịch bệnh, không đeo khẩu trang, không giữ vệ sinh để từ đó suy rộng ra rằng cứ phải áp dụng biện pháp mạnh vì “người Việt Nam đều thiếu ý thức như nhau”. Điều kỳ lạ là những kẻ tuyên bố như trên thường vô tư xem mình là ngoại lệ “tôi không phải đám dân trí thấp đó”.

Tiêu chuẩn kép này lộ rõ khi chính quyền tự nói về mình. Vô số các trường hợp cán bộ phạm luật, bị truy tố, ngồi tù, v.v. đều chỉ bị phủi tay cho đó là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Họ tìm mọi cách để giữ lại nồi canh nhung nhúc sâu của mình, trong khi sẵn sàng vặt lá tìm sâu để hất đổ nồi canh của người khác.

***

Chính sách chống dịch cực đoan của chính quyền rõ ràng đang gây hại nhiều hơn lợi.

Bản đồ kêu cứu trên SOS map, cho dù con số tăng lên từng ngày, vẫn chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh ai oán của người dân. Còn biết bao nhiêu trường hợp tuyệt vọng chưa được ghi nhận. Còn hàng vạn người lao động thành phố đã phải lũ lượt bỏ về quê trên những chuyến đi đầy nguy hiểm. Và đó mới chỉ là hình ảnh của TP. Hồ Chí Minh, nơi đang biến thành trại tập trung khổng lồ.

Chính quyền cần thẳng thắn thừa nhận sự bất lực của mình trong việc chăm lo cho những nhu cầu cơ bản nhất của người dân. Họ phải gỡ bỏ chính sách chống dịch cực đoan, ngăn sông cấm chợ, xem dân như giặc, để cho người dân ít nhất có thể tự giúp đỡ lẫn nhau qua cơn khủng hoảng này.

Vì nếu đã không giúp được, thì việc tối thiểu có thể làm là tránh ra.

Chú thích:

1.  SOS map. (2021). https://www.sosmap.net

2.  Online T. T. (2021, July 30). SOSmap – “bản đồ” kết nối giúp đỡ người khó khăn. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/sosmap-ban-do-ket-noi-giup-do-nguoi-kho-khan-20210729213208362.htm

3.  100% lao động tự do tại TPHCM đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. (2021). Baodientu.Chinhphu.Vn. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/100-lao-dong-tu-do-tai-TPHCM-da-nhan-duoc-ho-tro-theo-Nghi-quyet-68/440194.vgp

4.  News, V. N. N. (n.d.). Không để cho dân đói trong đại dịch. VietNamNet. https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/khong-de-cho-dan-doi-trong-dai-dich-covid-19-761973.html

5.  Online T. T. (2021b, July 31). Thủ tướng: Giảm tiền điện trong 2 tháng cho người dân ở nơi giãn cách theo chỉ thị 16. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/thu-tuong-giam-tien-dien-trong-2-thang-cho-nguoi-dan-o-noi-gian-cach-theo-chi-thi-16-20210731184412944.htm

6.  Ban M. (2021, August 3). Cần chống dịch quyết liệt hơn với những giải pháp đặc biệt. Báo Công an Nhân dân điện tử. https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Can-chong-dich-nghiem-ngat-hon-quyet-liet-hon-voi-nhung-giai-phap-dac-biet-vi-an-toan-hanh-phuc-am-no-cua-nhan-dan-i622263/

7.  Thu H. (2021, August 6). Thủ tướng: Kiên quyết yêu cầu người dân ‘ai ở đâu ở đó.’ ZingNews.vn. https://zingnews.vn/thu-tuong-kien-quyet-yeu-cau-nguoi-dan-ai-o-dau-o-do-post1247710.html

THU HỒI CÔNG VĂN VỀ THUỐC ĐIỀU TRỊ COVID-19, ĐẠI GIA NÀO ĐANG SỞ HỮU DƯỢC LIỆU TRUNG ƯƠNG 2?

Infonet, 4/8/2021

Dù trên giấy tờ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Chiến chỉ nắm giữ 5,18% cổ phần tại CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), nhưng thực tế ông Chiến đang sở hữu gần 68% cổ phần tại Phytopharma thông qua sở hữu tại Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam.

Thu hồi công văn ngay trong ngày

Công văn số 5216/SYT-NVD ngày 3/8/2021 của Sở Y tế TP.HCM do Phó Giám đốc Nguyễn Hoài Nam ký được gửi đến các bệnh viện công lập trực thuộc và bệnh viện ngoài công lập, các cơ sở chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19,… với nội dung hướng dẫn các cơ sở này mua thuốc để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế khẳng định hai loại thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để điều trị bệnh nhân hiệu quả, cứu được kịp thời nhiều người. Đó là thuốc kháng viêm Medrol (Methyl prednisolone) 16mg của Công ty Pfizer và thuốc kháng đông Xarelto (Rivaroxaban) 20mg của Công ty Bayer.

clip_image008

Công văn thứ nhất được ký vào ngày 3/8.

Đáng chú ý, Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn cụ thể địa chỉ mua hai loại thuốc trên là Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma).

Liền sau đó, Sở lại có công văn số 5289/SYT-NVD về việc thu hồi công văn nói trên.

Do có một số nội dung chưa phù hợp, nay Sở Y tế thu hồi công văn nói trên và sẽ có hướng dẫn cho các đơn vị sau, thông báo ngắn gọn trong công văn thu hồi.

clip_image010

Công văn thông báo về việc thu hồi hai công văn trước đó của Sở Y tế TP.HCM.

Phytopharma thực sự của ai?

Vậy Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) được Sở Y tế TP.HCM nhắc đến là đơn vị nào? Theo tìm hiểu của PV Infonet, Phytopharma là đối tác của nhiều hãng dược lớn trên thế giới như Pfizer, Zuellig Pharma, DKSH và AstraZeneca.

Theo giới thiệu, đây là công ty chuyên kinh doanh nguyên liệu và thành phần Đông Nam dược, thành phẩm tân dược, dụng cụ y tế thông thường, bao bì hương liệu, mỹ phẩm để hổ trợ cho việc phát triển dược liệu.

Ngoài ra, Phytopharma còn là doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực chẳng liên quan dến dược liệu, đó là kinh doanh bất động sản, kinh doanh mỹ phẩm, nước hoa, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, vận tải hành khách và hàng hoá, dịch vụ kho bãi, đại lý đổi ngoại tệ, mua bán vật liệu xây dựng, và trồng trọt.

Phytopharma chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2002 với số vốn điều lệ 14 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của công ty là 254,61 tỷ đồng.

Phytopharma là một công ty cổ phần do ông Nguyễn Thanh Long (sn 1978) làm Tổng Giám đốc. Hội đồng quản trị của công ty chỉ có 3 thành viên gồm: ông Nguyễn Công Chiến (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Thọ Thành, và ông Đoàn Đức Vinh.

clip_image012

Ông Nguyễn Công Chiến (thứ ba từ phải sang) trong lễ ký kết hợp tác với AstraZeneca tháng 7/2020.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Chiến hiện còn là Chủ tịch HĐQT của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dược liệu, dược phẩm, thiết bị y tế, kinh doanh bất động sản. Với gần 30 năm lãnh đạo công ty, ông Chiến đã tham gia 6 nhiệm kỳ HĐQT Phytopharma và hiện là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Dược liệu TW2 tại Hà Nội (công ty con của Phytopharma).

Cùng với ông Chiến, ông Trần Thọ Thành hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược liệu TW2 tại Hà Nội. Ông Thành đã tham gia 3 nhiệm kỳ HĐQT Phytopharma và tiếp tục nhiệm kỳ 2020-2025 với tư cách là thành viên HĐQT Phytopharma.

Trong khi đó, ông Đoàn Đức Vinh, một cử nhân Đại học Văn Hóa hiện là thành viên HĐQT độc lập và đã tham gia tới nhiệm kỳ thứ 3 HĐQT của công ty.

Dù là công ty cổ phần nhưng cơ cấu cổ đông của Phytopharma khá cô đặc với chỉ 4 cổ đông lớn nhưng nắm giữ tới 81,12% cổ phần. Theo cơ cấu cổ đông của công ty tại ngày 31/12/2020, Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam nắm giữ 52,53% cổ phần và là cổ đông lớn nhất; Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm giữ 9,89%; ông Nguyễn Đức Thiện nắm giữ 13,49%; Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Chiến nắm giữ 5,18%.

Tuy nhiên, cá nhân ông Chiến lại đang sở hữu tới 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam (219 tỷ đồng). Như vậy, có thể nói, ông Chiến hiện đang sở hữu gần 68% cổ phần tại Phytopharma.

clip_image014

Cơ cấu cổ đông của Phytopharma.

Phytopharma hiện có 4 công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Dược liệu TW2 tại Hà Nội, kinh doanh thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế, chế phẩm các loại; Công ty TNHH Dược liệu TW 2 Phytopharma Sài Gòn, kinh doanh thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế; và hai doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản là Công ty cổ phần PHYTO Quang Trung và Công ty TNHH PHYTO Land.

Trong năm 2020, công ty đạt 15,21 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 10,6% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2020 chỉ đạt 63,47 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Nợ phải trả ngắn hạn lên đến 5.656 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 2 của công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 của Phytopharma là 21,71 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái do công ty tăng doanh thu tài chính và lợi nhuận công ty con phải nộp về.

Tuân Nguyễn

RNDM CẢM NHẬN TỪ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

Sr. NPL, Rndm – TGP Sài Gòn, 06/08/2021

clip_image016

TGPSG -- Một buổi sáng, tôi cảm thấy mệt, hơi nhức đầu và có lẽ đã bị sốt, tôi được test nhanh và rồi chuyện gì đến sẽ đến thôi: Tôi đã dương tính với Covid 19…

Đại dịch Covid 19  bùng phát trở lại, đây là lần thứ tư cả đất nước oằn mình dưới sức nặng của nó. Sài Gòn thân thương không ngoại lệ, nhưng Sài Gòn vẫn kiên cường, vẫn chiến đấu, vẫn nắm chặt tay nhau cùng vượt qua đại dịch.

Sau hơn một tuần phục vụ trong bệnh viện dã chiến số 10, tôi bắt gặp nhiều bệnh nhân với nỗi sợ hãi rất riêng. Tôi bắt gặp những khuôn mặt căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi… và tôi cũng nhìn thấy những đôi mắt ánh lên niềm hy vọng, những bàn tay dịu dàng chăm sóc và những đôi chân bước nhanh vội vã trong những bộ đồ bảo hộ màu xanh và màu trắng rất đặc trưng.

Khi tình nguyện tham gia vào chương trình "thiện nguyện" do Tổng Giáo Phận Sài Gòn và Ban Tôn Giáo Thành Ủy tổ chức, tôi hiểu hơn tình trạng của những bệnh nhân trong khu cách ly, mỗi người được hưởng những nhu cầu cần thiết và cấp bách, được chăm sóc về sức khoẻ thể xác cũng như được đội ngũ các y bác sĩ, các nhân viên phục vụ động viên, thăm hỏi.

Lần đầu tiên tiếp xúc với các bệnh nhân khi chuyển các bữa ăn đến tay họ, lòng tôi có chút hoang mang lo lắng về sự lây nhiễm của vi rút Covid 19 này, lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện và dâng lên Chúa tất cả và Chúa đã ở bên tôi, giúp tôi vượt qua nỗi sợ.

Những ngày tiếp theo, cảm nhận được niềm vui phục vụ và chia sẻ, tôi chợt cảm thấy hạnh phúc tràn về, tự hào vì mình là một môn đệ Chúa Kitô, cùng phục vụ bên cạnh các anh chị em tu sĩ khác. Niềm vui rất riêng của tôi là tôi đang sống Sứ vụ thần linh trong tinh thần nữ tu Đức Bà Truyền Giáo: "Sẵn sàng được sai đến bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì."

Sự lạc quan, vui vẻ của các bệnh nhân cũng cho tôi thêm sức mạnh, lòng nhiệt thành dấn thân phục vụ. Tôi cảm nhận mình không làm việc một mình nhưng cùng làm với Chúa, với các y bác sĩ, với các nhân viên phục vụ, với anh chị em tu sĩ trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm này, mỗi người đều góp một phần của mình tạo nên sức mạnh vô hình giúp bảo vệ chính anh chị em đồng loại.

Một lần nọ, khi chuyển thức ăn đến các bệnh nhân, có một chú nói với chúng tôi trong sự bức xúc:

- Đồ người thân gửi đến sao tôi vẫn chưa nhận được?

Tôi nhẹ nhàng trả lời:

- Chú ơi, con thấy có rất nhiều đồ của mọi người ở dưới tầng trệt, nhưng phải sau giờ chuyển cơm thì các em dân quân mới chuyển lên được, chú kiên nhẫn chờ thêm một chút nữa nhé!

Lập tức, tôi nhận thấy nét mặt chú dịu lại và chú nói:

- Vì đợi lâu quá nên tôi mất kiên nhẫn.

Tôi cảm nhận được phần nào tâm trạng của bệnh nhân trong khu điều trị tại bệnh viện dã chiến. Hơn bao giờ hết, họ rất cần sự quan tâm, nâng đỡ của mọi người. Một lời hỏi thăm, động viên nho nhỏ cũng đủ sưởi ấm lòng họ, họ sẽ bình an, vui vẻ, lạc quan và sẽ mau khỏi bệnh.

Tôi cảm thấy vui về chứng tá của những người môn đệ Chúa Giêsu nơi đây và về sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa lòng tâm dịch, sự hiện diện đem lại bình an, niềm vui và sự chữa lành cho mọi người. Tâm hồn tôi chợt thanh thản dù thân xác tôi đã mệt nhoài sau một ngày dài phục vụ.

Một buổi sáng, tôi cảm thấy mệt, hơi nhức đầu và có lẽ đã bị sốt, tôi được test nhanh và rồi chuyện gì đến sẽ đến thôi: Tôi đã dương tính với Covid 19.

Tôi được cách ly cùng với vài tu sĩ khác cũng bị dương tính. Nhưng vì đã được tiêm một mũi vaccine trước nên tình hình sức khỏe của tôi không nguy hiểm lắm.

Tôi và các tu sĩ khác tận dụng thời gian cách ly dự lễ trực tuyến, đọc kinh, chia sẻ Lời Chúa với nhau để cầu nguyện cho bệnh nhân và cho anh chị em khác đang phục vụ. Tôi mong ước sau điều trị và nếu được phép, tôi sẽ xin ở lại để tiếp tục phục vụ anh chị em bệnh nhân nơi bệnh viện dã chiến này.

Bây giờ chỉ mới là ngày thứ mười. Phía trước còn 50 ngày nữa: “Cố lên, tôi ơi! Hy vọng lên Việt Nam ơi! Sau cơn mưa trời lại sáng! Sài Gòn trở mình, đã hơn 11 giờ đêm rồi… nghỉ thôi!”

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con giấc ngủ bình an. Xin ban cho chúng con niềm vui phục vụ. Xin ban cho chúng con sức mạnh cùng sự can đảm để chia sẻ bớt gánh nặng của anh chị em con, của quê hương con và xin Chúa cho đại dịch chấm dứt.

Sr. NPL, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

Ghi chú: RNDM (Religieuse de Notre Dame des Missions) - Nữ tu Đức Bà Truyền Giáo

LÊN ĐƯỜNG - DỪNG LẠI - CÁCH LY

Maria Hồng Hà CMR – TGP Sài Gòn, 06/08/2021

clip_image017

TGPSG-- Tôi đã trải qua 2 tuần với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: lên đường - dừng lại - cách ly

Như bao nhiêu tu sĩ, tôi hăm hở lên đường đến phục vụ bệnh nhân covid-19. Ngày đầu tiên với những ca trực liên tiếp, chúng tôi đổi ca cho nhau để chăm sóc các bệnh nhân. Tôi được bước vào ca trực đầu tiên, vừa ra khỏi khoa bệnh, tôi nhận được điện thoại báo: nhóm trực của chúng tôi có người dương tính với Covid do xét nghiệm PCR trễ nên bây giờ mới có kết quả.

Ngay tức khắc, chúng tôi được dẫn đi để Test nhanh kiểm tra lại lần nữa cho an toàn, vì mẫu xét nghiệm trước là mẫu gộp 5 người bây giờ là mẫu đơn để xác định chính xác là người bị nhiễm Covid, hồi hộp và lo lắng bao trùm lấy chúng tôi, trên khuôn mặt ai cũng mang một nỗi âu lo khó tả. Tôi bước tới trước để lấy mẫu xét nghiệm, cây tăm bông đưa vào mũi làm tôi khó chịu, đâu đó hình ảnh những bệnh nhân tại khoa bệnh mà tôi vừa chăm sóc hiện lên với hai ống ở mũi một ống ăn một ống thở làm tôi tự trách bản thân “sao nhát đảm thế”!

Chúng tôi chờ đợi kết quả từng giây phút trôi đi đối với chúng tôi sao lâu thế 30 phút như 3 giờ chậm chạp trôi đi, đưa mắt nhìn xa xa phòng bệnh mà tôi vừa rời đi suốt 8 giờ của ca trực thời gian trôi đi thật nhanh, cái đói vì quá giờ ăn trưa, cái khát vì không uống nước trong khi mang đồ bảo hộ, cái nóng nực, vướng vít khi di chuyển trong bộ áo bảo hộ không là gì khi chăm sóc các bệnh nhân bên cạnh mình, họ đau đớn, mệt mỏi, khó chịu, cô đơn, vật lộn với con virus đáng sợ này họ đau đớn hơn những nhu cầu của cá nhân tôi, nên 8 giờ của ca trực với tôi chỉ như 8 phút thôi, tôi quên đi chính mình khi đối diện với các bệnh nhân, phải chăng nỗi đau ấy chính Thiên Chúa của tôi cũng đã đau đớn đến toát mồ hôi máu trong vườn Dầu, tôi muốn tháp nhập tất cả các đau đớn của các bệnh nhân với nỗi đau đớn của Chúa Giêsu làm nên của lễ dâng trên các bàn thờ mỗi ngày, như lời cầu nguyện ở xa ngay trong hiện tại này tôi hướng về các bệnh nhân “vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Sơ âm tính!

Tiếng gọi thông báo ấy kéo tôi về với hiện tại, niềm vui như thoát được con Virus này, giúp tôi DỪNG LẠI để suy tư và cầu nguyện như nhắc nhở tôi: tôi không chỉ là người tình nguyện viên đi vào để chăm sóc các bệnh nhân nhưng tôi còn là một Nữ tu nữa mang cầu nguyện vào công việc và biến công việc thành lời cầu nguyện.

clip_image019

Tuy nhiên tôi vẫn được chỉ định từ phía trên dừng công việc lại để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm lại PCR. Dừng công việc lại trong khu cách ly để cảm nghiệm hơn câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô “mang lấy mùi chiên” mang lấy thân phận của người nhiễm Covid khó chịu, gò bó, mất tự do đi lại chỉ quanh quẩn trong phòng, để hiểu hơn tâm trạng của biết bao nhiêu người trong các khu cách ly không thể đi đâu được, thất nghiệp, nợ nần, đói khổ, gia đình xáo trộn, vợ chồng, con cái phải đối mặt với nhau với những bực bội của tâm lý nữa, cãi vã là điều có thể xảy ra mà, và còn biết bao những hệ lụy trong cơn đại dịch này. Cái chết có đó, đau khổ còn đây, như cơ hội để tôi ra khỏi chính mình, ra khỏi sự an toàn của khuôn viên nhà dòng để đến vùng ven ôm lấy những đau đớn của anh chị em tôi trong đại dịch khủng khiếp này. Từng vần kinh nhỏ bé của tôi trong khu cách ly này muốn đồng cảm với tất cả anh chị em đang nhiễm bệnh hay đang ở khu cách ly đâu đó trong đất nước Việt Nam này, tôi đặt trái tim mình cùng đập nỗi đau với mọi người vì dâng lên trong Trái Tim Nhân Hậu và Thương Xót của Chúa Giêsu cũng đang đau nỗi đau của nhân loại chúng con.

Maria Hồng Hà CMR

[Văn Việt: CMR (Congregation of the Mother of the Redeemer): Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc]

BÊN TRONG CĂN PHÒNG CỨU BỆNH NHÂN COVID-19: TỪ “CÕI CHẾT” TRỞ VỀ (P1)

Sức khỏe và Đời sống, ngày 6/8/2021

clip_image021

SKĐS - Ngày “con” COVID-19 chuyển nặng, phổi tổn thương nghiêm trọng, Trường được đưa khẩn cấp xuống phòng. Oxy chụp vào, mắt Trường nhòa đi trong mờ ảo rồi trôi vào miên man…

Lời tòa soạn: Phòng cấp cứu COVID-19, là nơi không phải ai cũng vào được, ánh đèn không bao giờ tắt, là nơi thức dậy khát vọng sống. Có những điều mãi không thể quên ở nơi người cứu người khỏi cửa tử. Bao nhiêu lời cũng khó lột tả hết, chỉ biết rằng, lúc này ở Sài Gòn, người ta chỉ mong đừng nhiễm, nhiễm rồi thì đừng trở nặng, nặng rồi thì đừng chết. Và khi tới ranh giới mong manh đó, người ta hiểu thế nào là hồi sinh…

Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi tới độc giả những xúc cảm ấy từ phòng cấp cứu.

clip_image023

Sau gần 7 ngày trôi trong hôn mê, đôi mắt của Trường có thể mấp máy mở ra. Trước mặt anh rầm rập những bước chân vội vã của y bác sĩ, những chiếc máy thở hoạt động hết công suất. Trường không tin nổi mình (một F0 trở nặng) đã vượt qua "lưỡi hái tử thần" cho đến khi bàn tay ấm áp của bác sĩ đặt lên người thăm khám. Cuộc đổi khác, với Trường, bắt đầu, từ đây...

Tảng sáng, rời phòng cấp cứu Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi (TP.HCM) về phòng cách ly riêng của mình, mắt Hà Ngọc Trường (29 tuổi, Quận 1) dán vào cửa sổ, tâm thức bừng lên những hạnh phúc, ngỡ ngàng chộn rộn. Ngày mới mở ra đồng nghĩa với niềm tin được nhen thêm như những tia nắng ấm áp.

Trường bảo rằng: Bây giờ, nâng từng bàn tay, lau từng khuôn mặt, dìu từng thân thể yếu ớt của bệnh nhân hay đỡ đần y bác sĩ từng công việc đến tảng sáng là thường xuyên. Mấy tuần qua, bao đổi thay kỳ diệu ùa đến, neo bền trong lòng Trường như một hành trình của san sẻ, yêu thương. Hành trình đó, xuất phát từ những giọt nước mắt nóng hổi cứ lăn dài trong đêm.

clip_image025

Trường cười hạnh phúc khi gội đầu cho những bệnh nhân nữ.

Gần hai tháng trước, xe cứu thương đưa Trường vào Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi. Anh như người đi giữa mịt mùng.

Ăn không ngon, ngủ không sâu. Những mộng mị rối bời tìm đến. Ít ngày sau, ngực Trường nặng như đá đè, ho dữ dội suốt đêm. Từng bác sĩ hốc hác mắt vì lo âu chăm chút cho Trường miếng ăn, lau rửa, giúp Trường các sinh hoạt cá nhân, dỗ dành anh vào giấc ngủ. Mỗi lần giật thót choàng tỉnh, hai dòng nước mắt anh cứ rớt xuống gò má.

Ngày bệnh chuyển nặng, phổi tổn thương nghiêm trọng, Trường được đưa xuống phòng ICU cấp cứu. Oxy chụp vào, mắt Trường nhòa đi trong mờ ảo rồi trôi vào miên man.

Vậy nhưng, ký ức chớp nhoáng trong phút giây ấy vẫn kịp lưu lại những lời thúc giục: "Trường ơi đừng gục ngã, đừng buông xuôi, rồi em sẽ được ra viện, được thở khí trời".

Đó là những lời từ đáy sâu gan ruột của một bệnh nhân khác vừa "vượt cửa tử" cùng các y bác sĩ phòng cấp cứu. Rưng rưng xúc cảm, Trường bảo giây phút ấy, những lời động viện ấy như ánh đèn lóe sáng giữa mịt mùng.

Trường sẽ nhớ mãi. Xưa kia chỉ thấy hình ảnh cha mẹ mình chăm lo từng việc nhỏ, cuồn cuộn sự lo âu khi mình ốm thì giờ hội đủ cả trong mỗi người thầy thuốc ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi này.

Lúc đó bừng lên khát vọng chỉ mong được thở khí trời. Ít ngày thôi, để nói những lời cảm tạ với các thầy thuốc vì những điều cao cả họ đã làm cho mình.

clip_image027

Ngày ngón tay có thể cử động, mắt hé mở ra, với Trường là ngày đặc biệt nhất. Xoa đôi tay liên tục cho bớt tê sau một ngày dài sát cánh cùng y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, anh thổ lộ: "Đến giờ này tôi vẫn cứ ngỡ mình đang mơ. Lúc mới "từ cõi chết" trở về, nghe bác sĩ báo tin vui xong, víu vào tay bác sĩ lắc mạnh nhiều lần mới tin mình còn sống".

Ngực dần bớt nặng. Hàng ngày các bác sĩ vẫn đến thăm khám chu đáo. Trường bảo rằng: "Khi thoát khỏi nguy kịch, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân khác rơi vào hôn mê hoặc phải thở oxy trong tôi có sự đổi thay rất kỳ lạ".

Lúc nào trong ý nghĩ cũng giục giã khát vọng ở lại nơi này giúp đỡ bác sĩ lẫn các bệnh nhân nặng. 29 tuổi, không còn quá non nên Trường thấm hiểu những đớn đau khi gánh trên mình bệnh tật. Cũng hơn ai hết, anh hiểu tận cùng hai chữ "hạnh phúc" khi được cứu từ vực thẳm trở về.

"Lúc đó tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là nhanh khỏi bệnh. Khỏi để hàng đêm, hàng ngày giúp bệnh nhân và bác sĩ" - Hà Ngọc Trường nói.

Ước nguyện của Trường được đáp ứng hơn 3 tuần trước, các xét nghiệm của anh với COVID-19 liên tục âm tính. Lịch trình của Trường trong mỗi ca làm việc là: Đưa nước uống, phần ăn đến từng bệnh nhân.

clip_image029

Bây giờ, đối với Trường, nâng từng bàn tay, lau từng khuôn mặt, dìu từng thân thể yếu ớt của bệnh nhân hay đỡ đần y bác sĩ từng công việc đến tảng sáng là thường xuyên.

Người mới hay cũ khi nằm một chỗ thì Trường thay tã, cho bệnh nhân xúc miệng, đút cho ăn sáng, đỡ ra giường, ai đi vệ sinh thì Trường dìu đi. Ai móng tay dài thì Trường cắt bớt, gội đầu, hớt tóc, lau cơ thể…

Sợ nhất với Trường là trong những đêm dài, bệnh nhân thở oxy chợt tỉnh quờ tay làm bung dây chụp thở oxy ra ngoài. Anh giãi bày: "Mình phải thường trực ở đó để giúp các bác sĩ. Trong phòng cấp cứu gần như chúng tôi phải tiết kiệm từng phút vì cứ nhìn cảnh bệnh nhân nặng đang thiếu người chăm sóc mà mình lại lãng phí thời gian thì lòng day dứt không yên. Sức khỏe thân thể như được nâng lên bởi sự thôi thúc từ tinh thần".

Những lúc bình thường, Hà Ngọc Trường cũng phải ngỡ ngàng với chính mình. Anh bảo rằng: "Từ "cõi chết" trở về nhưng tôi có thể đêm này nối đêm kia dìu, có người còn phải gần như bế, nhất là các cụ già đi vệ sinh nhưng vẫn làm rất tốt".

BS. Tô Lê Hưng trực tiếp điều trị các bệnh nhân trong phòng cấp cứu ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi chia sẻ: "Người được cai máy thở, điều trị khỏi như Hà Ngọc Trường rồi xin ở lại cũng đỡ đần cho chúng tôi nhiều việc. Chúng tôi huấn luyện cho Trường kỹ các quy định bảo hộ. Rồi cách phản xạ nhanh trong việc đẩy máy móc, bình oxy vào phòng cấp cứu. Thực tế, ở đây lúc nào cũng có 130-140 bệnh nhân thở oxy, có người nặng (trong tổng số 500 giường bệnh nặng, phải hồi sức). Mỗi bác sĩ phải lo cho rất nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ khác".

Y bác sĩ thì phải làm việc gấp 200-300%. Tuy nhiên, 8 chữ "hãy giành giật sự sống cho bệnh nhân" luôn được từng người khắc ghi. Khi mệt mỏi họ đều nghĩ đến điều này để vượt qua. Suốt hai tháng qua, chính bản thân bác sĩ Hưng cũng ngày đêm túc trực trong phòng cấp cứu. Nhà ở gần, anh không dám tạt về. Nhớ người thân quá thì gọi điện thoại sau mỗi ca trực.

clip_image031

Hàng ngày, Trường hay cùng các bác sĩ đi dọn vệ sinh. Lúc rảnh rỗi, Trường lại lau khắp sàn nhà.

clip_image033

Hàng trăm tin nhắn, những lời cảm ơn được gửi đến các y, bác sĩ trong đó có Trường, lòng nhân ái như được nhân lên.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. xúc động kể rằng: "Nhà neo người, lại ở vùng ven giáp Tây Ninh, khi bị nhiễm SASRS-CoV-2 vào đây rất lo. Sức yếu lại mắc đái tháo đường, viêm gan, nhiều lúc thở dốc rồi nằm một chỗ, chả thiết ăn uống gì. Khi ấy bác sĩ đến động viên, còn Trường thì đỡ đi làm từng việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân".

Chung nhịp lo âu với các thầy thuốc, Hà Ngọc Trường buồn nhất là có những đêm người đưa xuống phòng cấp cứu cứ tăng lên dần.

Anh bộc bạch: "Ở phòng cấp cứu này, y bác sĩ bảo tôi luôn phải tập trung cao độ. Có hôm nhanh như chớp khi thấy dây chụp oxy bệnh nhân bung ra tôi gắn lại ngay".

clip_image035

Sau mỗi ô cửa với Trường luôn là nắng mai ấm áp.

Như sự tiếp nối mạch nguồn yêu thương và khát vọng khôi phục sức khỏe cho những bệnh nhân khác trong những ngày sắp tới, Trường bảo rằng sẽ gắn bó ở đây khi nào tan dịch thì thôi dù gia đình anh cũng có mẹ đang ốm nặng, cha lớn tuổi. Tuy nhiên, mọi người thấu hiểu nên động viên Trường giúp bệnh nhân, giúp bác sĩ được càng nhiều càng tốt.

Hiện ngoài giờ làm việc, Trường được bố trí ở riêng một phòng nhỏ trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19, phương tiện bảo hộ luôn đầy đủ.

Nhẩm đốt ngón tay, Trường nở nụ cười: "Có quá nhiều dấu ấn trong bệnh viện COVID-19 này. Đếm không hết được. Có người tôi đỡ đần từ lúc liệt giường, bệnh nặng đến khi đi lại được cứ nhìn nhau rồi quẹt những giọt nước mắt hạnh phúc. Có những người khi tôi nói đùa là mai mình sẽ về họ liền lặng người đi và nói rằng: Trường về rồi, bệnh nhân nhớ quá biết làm sao..."

clip_image037

clip_image039

Tác giả: HÀ VĂN ĐẠO

Thiết kế: Duy Anh

(Còn nữa)

Đón đọc phần 2: Những thầy thuốc đa năng trong Bệnh viện Dã chiến.

 

LỜI KÊU GỌI CỦA BS. TRƯƠNG HỮU KHANH (*)

FB Huu Khanh Truong

clip_image041

(*) Nhan đề của Văn Việt.

HAI TUẦN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN | Nhật ký Phục vụ tại Bệnh viện dã chiến

Tổng Giáo phận Sài Gòn

Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Bản thân, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”

(English below) - LỜI KÊU GỌI TÀI TRỢ TUYẾN ĐẦU TỪ CHỦ TỊCH ĐẠI HỌC FULBRIGHT VIỆT NAM

FB Fulbright University Vietnam

Thân gửi những người bạn trân quý của Đại học Fulbright,

Tôi ước mong mình có thể bắt đầu lá thư này bằng những thông tin tích cực nhưng điều đó giờ đây thật khó khăn. Mới chỉ vài tháng trước, có lẽ không ai trong chúng ta có thể hình dung mình sẽ sống trong những ngày như thế này, giữa sự yên lặng đến đáng sợ của một thành phố từng sôi động không ngủ, với tiếng còi hú đầy ám ảnh của những chiếc xe cấp cứu. Với nhiều người trong chúng ta, đại dịch Covid không chỉ là những con số ca nhiễm, ca tử vong được cập nhật trên báo chí hàng ngày. Mỗi người chúng ta đều có những người thân, bạn bè, hay người quen biết đang từng ngày từng giờ gồng mình chống chọi với đại dịch. Có những người mà ta vĩnh viễn không còn có thể gặp lại, chỉ sau một vài ngày nhập viện.

Tôi tin rằng, bạn cũng như tôi, đều trăn trở với một câu hỏi thường trực: Mỗi chúng ta, trong tư cách một người con được nuôi lớn và bảo bọc bởi mảnh đất thân thương nơi ta đã gọi tên tổ quốc này, hay trong vai trò một công dân có trách nhiệm của cộng đồng nơi chúng ta thuộc về, chúng ta có thể làm gì để cùng cộng đồng đẩy lui cơn sóng dữ, hay ít nhất, góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương của những người cùng chung nguồn cội? Dẫu rằng, Nhà nước nhận lãnh trách nhiệm cao nhất để đưa đất nước vượt qua đại dịch, nhưng như những gì chúng ta đang chứng kiến, hệ thống công đã trở nên quá tải và kiệt sức khi đại dịch đã lan rộng và ngấm sâu trong cộng đồng. Hơn bao giờ hết, đất nước cần sự chung tay góp sức của tất cả chúng ta.

Trong những ngày này, cả đất nước và TP.HCM đang tập trung mọi nguồn lực cho hệ thống y tế để cứu sống càng nhiều sinh mạng càng tốt. Tuy nhiên, ngành y tế đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng các vật tư, thiết bị y tế cần thiết. Trong quá trình nhóm chuyên gia Đại học Fulbright làm việc và tư vấn cho Thành phố nói riêng, Chính phủ nói chung về các chính sách và giải pháp chống dịch, chúng tôi nhận thấy rằng xe cứu thương đang là một nhu cầu vô cùng cấp bách. Toàn Thành phố có khoảng 200 xe cứu thương nhưng đang phải chịu một gánh nặng lên tới cả nghìn ca bệnh Covid trở nặng mỗi ngày, chưa tính đến bệnh nhân của các bệnh khác. Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm về những người mất đi sinh mạng chỉ vì không kịp vào bệnh viện điều trị khi bệnh bất ngờ trở nặng. Đây đang là một điểm nghẽn rất lớn, có thể được khắc phục một phần nếu có thêm nguồn lực hỗ trợ từ xã hội.

Vì lẽ đó, hôm nay, cộng đồng Đại học Fulbright Việt Nam tha thiết kêu gọi các bạn chung tay trong chiến dịch gây quỹ ủng hộ tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi đặt mục tiêu huy động tài trợ ít nhất 3-5 xe cứu thương loại Hyundai Starex (hoặc tương đương) với chi phí khoảng 890-950 triệu đồng/xe. Do tính cấp bách của tình hình dịch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, chiến dịch sẽ triển khai trong vòng 2 tuần (Từ ngày 1/8/2021 đến 15/8/2021). Các xe này sẽ được gửi đến các bệnh viện tuyến cuối đang điều trị các ca bệnh Covid trở nặng hoặc các bệnh nguy hiểm khác. Bằng những nỗ lực này, chúng ta có thể cùng nhau góp phần cứu những sinh mạng quý giá đang bị đe dọa bởi sự quá tải của hệ thống hiện tại.

*** Cập nhật: Hiện Đại học Fulbright cùng Hội cựu học viên Fulbright (FSA) đã huy động và chuyển được 1 xe cứu thương đến Thành phố. Xin chân thành cảm ơn các cựu học viên Fulbright đã luôn hưởng ứng và tham gia rất tích cực trong các nỗ lực hỗ trợ cộng đồng của Trường.

Thông tin liên hệ và tài khoản đóng góp:

Email: development@fulbright.edu.vn

Điện thoại: 0962286801 – Nam Trần (Giám đốc phát triển và dự án chiến lược)

Tên tài khoản: CT TNHH ĐẠI HỌC FULBRIGHT VIỆT NAM

Tên ngân hàng: NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Chi nhánh: THỦ THIÊM

Số tài khoản: 026100 4443345

** Ủng hộ tiền mặt ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể chuyển khoản qua Wire hoặc ACH đến:

Tên tài khoản: Trust for University Innovations in Vietnam

Địa chỉ: 1763 Great Plain Avenue, Curie House, Needham, 02492

Tên ngân hàng: Bank of America

Địa chỉ ngân hàng: 1414 Massachusetts Avenue, Cambridge, MA 02138

Đối với chuyển khoản qua Wire, số định tuyến ABA là 026-009-593

Đối với chuyển khoản qua ACH, số định tuyến ABA là 011-000-138

Số tài khoản: 0046-6729-9360

Đọc toàn văn thư kêu gọi của Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam tại: https://bit.ly/thukeugoi

clip_image043clip_image043[1]clip_image043[2]

MESSAGE FROM PRESIDENT OF FULBRIGHT UNIVERSITY VIETNAM: SUPPORT HCMC HEALTHCARE SYSTEM WITH MORE AMBULANCES

Dear Fulbright community,

I wish I could begin this letter on a positive note, but the devastating impact that COVID-19 is creating in Ho Chi Minh City and across Vietnam does make it difficult to do so. A few months ago, who could have thought such a vibrant city as Ho Chi Minh City could become this solemn, awoken only by the endless sound of ambulances. For the lucky few, the pandemic brings with it news of new infected cases and updated death rate on the newspapers every morning. For the less fortunate, the pandemic devastates their livelihood, or even worse, the prospect of life itself.

Many of us cannot stop asking ourselves what we can do to help our community in this moment of heartbreak, to prevent this pandemic from ravaging this city we call home, or simply, just to offer an act of kindness to alleviate some of the pain and suffering. I understand Ho Chi Minh City is focusing every resource, every member and every leader in medical centers, urgent care locations, health care providers, and public and private organizations on responding to this fourth wave and caring for patients. I have full confidence that the recent stay-at-home orders will “flatten the curve,” and slow down transmission of the infection. However, we can see that these efforts alone are not enough; Ho Chi Minh City needs your help.

These days, health services are completely overwhelmed by a dramatic increase of new cases while medical supplies become scarcer. Specifically, learning from three members who participated in a special task force to aid the efforts of the Ho Chi Minh City’s administration and the government to monitor, prevent, contain, and mitigate the spread of COVID-19, Fulbright identified that the need for more active ambulances is critical.

There are only 200 active ambulances in Ho Chi Minh City – a city with thousands of severe COVID-19 patients a day, plus other critical non-COVID-19 patients. There have been many heartbreaking stories of critically ill patients who could not make it to the hospital in time. Ambulances became the bottleneck of this anguished situation we are in; and we need quick action from the society as a whole to solve it.

Therefore, I earnestly ask you to join me in this meaningful cause to provide added support for the front-line health workers in Ho Chi Minh City. Specifically, we aspire to raise enough money to buy 3-5 Hyundai Starex ambulances (or equivalence), which cost roughly VND890-950 million/ambulance, to help transport COVID-19 patients to hospitals. These ambulances will be gifted to Covid-19 resuscitation hospitals, which are responsible for treating critically ill patients in hope that more lives will be saved. Due the time sensitivity of the current situation in Ho Chi Minh City and the surrounding provinces, we wish to deploy and complete this effort in two weeks (August 1-15, 2021).

*** Update: As of August 05, 2021, Fulbright University Vietnam and the Fulbright School Alumni (FSA) successfully mobilized one (01) ambulance and managed to transport it to Ho Chi Minh City. We would like to sincerely thank FSA and our alumni for always supporting us and for participating in many of our efforts to support our community.

Contact and Donation information:

Email: development@fulbright.edu.vn

Cell: 0962286801 – Nam Trần (Director of Development & Strategic Initiatives)

Account Name: FUV CORPORATION

Bank: NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM (Vietcombank)

Branch: THỦ THIÊM

Account #: 026100 4443345

** For CASH gifts send via WIRE or ACH to:

Account Name: Trust for University Innovations in Vietnam

Address: 1763 Great Plain Avenue, Curie House, Needham, 02492

Bank Name: Bank of America

Bank Address: 1414 Massachusetts Avenue, Cambridge, MA 02138

For Wire transfer the ABA routing # 026-009-593

For ACH, the ABA routing number is 011-000-138

Account # 0046-6729-9360 (business checking)

Read the full message from President of Fulbright University Vietnam at: https://bit.ly/3lz95B9

HỖ TRỢ VÀ GIẢI CỨU

FB Xuân Sơn Võ

Hôm nay, tôi đã làm việc với một nhà vườn ở Đà Lạt. Họ cũng đưa cả người chuyên chở gặp tôi. Đó là một nhà vườn 30ha, hiện đã đến lúc thu hoạch.

Tuy nhiên, do khó khăn về đầu ra nên họ bán với giá khai thác, và chuyên chở tới Sài gòn. Củ cải trắng chưa rửa giá 5.000 đồng/kg, đã rửa trắng sạch đẹp 7.000 đồng/kg, giao tại Sài gòn. Bắp sú (bắp cải) 5.000 đồng/kg, cũng giao tại Sài gòn. Ngoài ra còn cà rốt và nhiều thứ rau khác, tôi sẽ thông báo sau (đa số là mắc hơn 2 thứ nói trên). Nếu bạn nào muốn tặng cụ thể cho ở đâu, tôi sẽ giúp kết nối.

Bạn nào cần liên hệ để mua trực tiếp từ người bán thì comment vào bài này, tôi sẽ inbox số điện thoại để trao đổi trực tiếp.

Riêng tôi sẽ mua thêm vài tấn để tặng các đoàn từ thiện, bếp từ thiện, khu phong tỏa. Chương trình củ cải trắng tôi làm với cô @Nguyễn Võ Xuân Thùy đã chuyển được tổng cộng 1,2 tấn rau, 200kg cà chua (cô Thùy tặng), khoảng gần 1,3 tấn củ cải trắng, và đang tiếp tục chuyển củ cải trắng để giao cho các bạn đã đăng kí.

Sức tôi có hạn, lại phải hỗ trợ cho nhân viên nghỉ mấy tháng nay, chi phí cho đội tiêm vaccine, nên không thể cung cấp nhiều. Nếu bạn nào muốn hỗ trợ, đóng góp mà không có chỗ cho cụ thể, thì có thể chuyển tiền cho tôi, tôi sẽ đứng ra mua và phân phối.

Tôi sẽ phân phối trực tiếp cho các bếp ăn từ thiện, các khu vực bị phong tỏa, hoặc thông qua các cá nhân có uy tín, hoặc các tổ chức từ thiện khác để đưa đến tận tay bà con. Trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tài chính trong nhóm các bạn đóng góp.

Nếu nhiều người đóng góp thì xin phép công khai tài chính trên này luôn. Trong trường hợp phải công khai tài chính trên trang facebook cá nhân và để ở chế độ công khai, tôi xin phép đưa hình ảnh giao nhận lên đây (thực ra tôi không muốn đưa hình ảnh người nhận lên lắm). Và đề nghị các bạn không đóng góp thì không nên thắc mắc hoặc ý kiến tiêu cực, ngoại trừ người cho và người nhận.

Việc này vừa nhằm giúp cho bà con ở Sài Gòn, đặc biệt là bà con nghèo, có rau xanh, đồng thời, cũng giúp cho nhà vườn Đà Lạt, bị ảnh hưởng bởi dịch, không bán được rau cho các đầu mối thu mua do chợ đầu mối bị ảnh hưởng.

Tôi để số tài khoản của tôi ở đây. Tôi để lại trong số tài khoản này 15 triệu đồng, đóng góp cho việc mua rau cho bà con. Nếu các bạn chuyển tiền vào đây, tôi sẽ dùng toàn bộ tiền ấy để mua rau với giá tại Sài gòn và chuyển trực tiếp cho các bếp ăn từ thiện, các khu vực bị phong tỏa, hoặc thông qua các cá nhân có uy tín, hoặc tổ chức từ thiện khác để đưa đến tận tay bà con.

Tất cả các chi phí cho việc di chuyển, kiểm tra, kết nối… tại Đà Lạt tôi sẽ tự chi trả bằng tiền riêng. Tại Sài Gòn, nếu phải chuyển những phần nhỏ lẻ cho từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, người nhận vui lòng tự chuyển từ địa điểm tập kết, hoặc thanh toán tiền ship nếu có.

Hôm nay là ngày 6 tháng Tám năm 2021, ngày Lộc Phát. Ngày này cách đây 5 năm, Đêm nhạc DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG lần đầu tiên được ra mắt (lúc đầu Đêm nhạc DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG mang tên Đêm nhạc Blouse trắng). 5 năm qua, đã có hơn 90 Đêm nhạc DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG được thực hiện. Hơn một năm lại đây, các Đêm nhạc đã bị đình diễn nhiều lần do tình hình dịch diễn biến bất thường.

Tuy vậy, chương trình DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG vẫn đang tiếp tục giúp đỡ bệnh nhân nghèo tại nhiều bệnh viện. Kể từ ngày đầu hoạt động 01-04-2015 cho đến cuối tuần vừa rồi, chương trình đã mang đến 297.056 dĩa cơm cho bệnh nhân nghèo ở 12 cơ sở y tế tại TPHCM.

Nhân đây, xin thông báo về các máy thở xâm nhập của gia đình chị @Phạm Túy Hoa tặng cho Sài Gòn. 6 máy Puritan Bennet 840 mua tại Úc đã được gởi tại sân bay Úc, đang chờ hàng không chuyển về Sài gòn. Gia đình chị cũng đã mua 4 máy Puritan Bennet 980 mới 100% tại Mỹ, đang làm thủ tục để nhập về Sài gòn. Trong những ngày tới, những chiếc máy thở này sẽ cùng với ngành y tế và người dân Sài Gòn chống dịch.

Hi vọng các nhà vườn sẽ không phải khó khăn về đầu ra, cũng hi vọng hệ thống cung ứng rau xanh của Sài Gòn nhanh chóng phục hồi. Và hi vọng bà con nghèo trong các khu vực phòng tỏa sớm có cơ hội di chuyển, làm việc.

Cám ơn các bạn.

clip_image045

clip_image047

TÌNH NGƯỜI TRONG CƠN ĐẠI DỊCH

FB Nguyen Pham Khanh Van

Tôi thương Sài Gòn của tôi xác xơ trong cơn bạo bệnh. Thương cả những người gắn bó với Sài Gòn nay phải khăn gói quả mướp hốt hoảng rời xa. Mấy tháng rồi, biết bao nhiêu người không được về nhà? Công nhân ăn ở tại nhà máy, nhân viên y tế sống luôn trong bệnh viện nằm ngả lưng xếp lớp như cá mòi không khác gì bệnh nhân. Biết bao người không thể nhớ được mâm cơm gia đình nó ra làm sao? Biết bao cuộc chia ly đột ngột đưa khỏi nhà là ra đi mãi mãi ngăn trở kiếp người…

Vậy mà, Sài Gòn với tình người mãnh liệt ngay lập tức mạnh mẽ đứng lên, lập ngay bệnh viện dã chiến và bếp ăn dã chiến rồi phân công nhau: người đi thu mua rau thịt cá trứng đem về cho tặng các bếp từ thiện, các bếp từ thiện nấu cơm canh bỏ hộp đem tặng bệnh viện và người nghèo, người đi mua thực phẩm lặng lẽ đặt trước cửa tặng những nhà đang bị cách ly, người chạy mua máy thở, khẩu trang sữa mì tặng các nhân viên y tế, các mạnh thường quân chi tiền cứu trợ tặng quà tặng tiền mặt, người người chung tay đi vác gạo vác rau củ, tình nguyện viên khắp nơi, doanh nhân bán rau thịt cá 0 đồng, nhà báo đi làm khuân vác, các tu sĩ nam nữ nghe lời kêu gọi của Giáo hội xuống đường lao vào chăm sóc bệnh nhân, xin gạo mắm muối lo cho anh em nghèo khổ… Những dòng chữ hạn hẹp tôi viết chưa thể liệt kê lột tả hết được cuộc sống Sài Gòn bây giờ. Sài Gòn bất ngờ trở thành một cỗ máy khổng lồ vận hành tự do nhưng rất khít nhau. À thì đôi khi cũng lệch tí, thế nên lại sinh ra những đội điều tiết, coi ở đâu thiếu gì thì châm thêm món đó hoặc xin share bớt cho bệnh viện, khu cách ly khác chan hoà.

Hôm trước nói chuyện với ông anh F0 vừa được xuất viện, ảnh nói cơm bệnh viện ngon lắm, rất vừa miệng, từ khi ăn được là anh ăn hết sạch sẽ. Thậm chí nhiều người khen còn ngon và đầy đủ hơn cơm nhà, do nhà bị giăng dây thiếu thốn thực phẩm.

Cơm đó là do bếp từ thiện nấu đem vô bệnh viện, bếp nào cũng có tâm, tuyển toàn những tay nấu ngon đem vô đứng bếp để nấu ra những bữa cơm dẻo canh ngọt. Nếu bếp ăn nào nghe được những lời này, hẳn họ cảm động lắm!

Hôm qua, một bác sĩ nói rằng sau status của tôi, bệnh viện đã nhận mưa quà tặng, mưa quà luôn nhé, bao gồm sữa, nước, bánh, cafe, bvs quần… bs nói rằng từ xưa đến giờ chưa bao giờ nhận nhiều quà như thế, nhân viên y tế rất vui mừng vì giờ vô kho đầy ắp đồ ăn thức uống. Không chỉ một bệnh viện, kể cả trung tâm cấp cứu 115 với 6000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày cũng được quan tâm chăm sóc nhận quà từ anh chị em. Còn anh Văn thần thánh - người đứng ra làm trạm trung chuyển nay nhà đã bị giăng dây thì kể “có người gửi đồ qua tùm lum có kèm theo 4 cái bánh chà bông”. Nghe mà buồn cười lại thương đứt ruột kiểu như vơ vét trong nhà có gì gửi hết đi! Các anh chị em yên tâm, thùng sữa hộp cafe… tất tần tật đều được chở đến các bệnh viện dã chiến, không sứt mẻ đâu ạ!

Bài viết này của tôi không thể kết nếu chưa nhắc đến các anh chị em Việt Kiều ở xa thật xa, người nấu mì bán thu được bao nhiêu gửi về VN, người liên tục nhắn tin kêu đi mua đồ giùm gửi vô bệnh viện, người kêu gọi đóng góp mua máy thở, mua thực phẩm thuốc men cho nvyt và người dân… Họ đã quên hết những giận hờn buồn bã năm trước, chỉ thấy Sài Gòn lâm nguy vội vã chia sẻ.

À lại còn lực lượng chống dịch bằng cách ở nhà, các thánh chế online, các cây cười trên mạng, các mẹ cắt tóc cho chồng rồi lại hùng hục nấu ăn ngon dở pheo lồng lộn mua vui cho cộng đồng mạng nâng cao tinh thần sống tích cực. Để những ai quá mỏi mệt trên kia, ghé mắt qua mạng vẫn thấy niềm vui của tình yêu cuộc sống.

Rồi chúng ta sẽ ổn thôi các mẹ ạ! Chúng ta thương nhau thế cơ mà, dịch bệnh sẽ qua thôi!

clip_image049

clip_image051

clip_image053

Di động Việt đi “bán” rau

 

 

ĐI CHỐNG DỊCH, CHÀNG TRAI NUÔI CHÓ GIÚP CHỦ NHÀ F0 Ở SÀI GÒN

Bảo Vy – Thanh Niên, 3/8/2021

“Xin thương Moon-si. Xin cho nó ăn hoặc nuôi giùm khi nhà đi vắng. Gia đình xin cảm ơn”, dòng chữ trên bìa cứng khiến Nguyễn Duy cảm động. Anh quyết định nuôi chó giúp chủ nhà F0 ở Sài Gòn đang đi cách ly.

clip_image055

Chủ nhà F0 kêu gọi mọi người nuôi giúp con chó - ẢNH NVCC

Nguyễn Duy, sinh viên năm 3, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, phân hiệu tại TP.HCM. Khi dịch bệnh bùng phát, nam sinh viên 21 tuổi tình nguyện tham gia chống dịch tại địa phương mình đang sinh sống là P.5, Q.Tân Bình. Chú chó anh đang nuôi giúp chủ nhà là F0 đang phải đi cách ly tập trung, cũng tình cờ chính là nhà cô giáo dạy môn thể dục của anh thời học THCS.

“Cô biết tôi là tình nguyện viên chống dịch ở phường. Một hôm cô gọi điện cho tôi nói là gia đình cô đều là F0 nên phải đi cách ly tập trung, bây giờ chú chó nhỏ này không biết gửi đâu. Cô nhờ tôi có biết trung tâm thú y nào thì mang chó đi gửi giúp cô không tội nghiệp. Tôi tới nhà cũng thấy tấm bảng cô viết chữ trên bìa các tông để lại là "xin thương Moon-si, xin cho nó ăn hoặc nuôi giùm khi nhà đi vắng" thì rất thương. Tôi quyết định cùng với các tình nguyện viên khác chăm sóc em ấy luôn”, Nguyễn Duy kể.

clip_image056

Tấm biển của gia đình F0 để lại khiến Duy và các tình nguyện viên rất xúc động - ẢNH NVCC

‘Cơ duyên’ với những chú chó trên đường chống dịch

Từ tháng 6, Duy tình nguyện tham gia chống dịch tại P.5, Q.Tân Bình. Là nhóm trưởng của một nhóm với 15 bạn trẻ tình nguyện viên, Duy phân công, điều phối công việc. Khu vực P.5 có 5 khu phố. Thông thường, mỗi sáng các bạn sẽ trực chốt tại các khu phong tỏa trong những khu phố.

Sau đó, họ chia thành những nhóm nhỏ, thực hiện phun khử khuẩn các nhà có người thuộc diện F1 và chuẩn bị phát nhu yếu phẩm cho khu phong tỏa.

Khi TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, nhóm của Duy vào từng nhà kêu gọi người dân tới điểm lấy mẫu đúng giờ. Sau đó, các bạn hỗ trợ điều phối tại khu lấy mẫu, vừa nhập liệu, ghi thông tin mẫu, vừa đảm bảo cho mọi người giãn cách đúng 5K.

 

clip_image058

clip_image060

clip_image062

Các tình nguyện viên trong đội của Duy mỗi người mỗi công việc, người phun xịt khuẩn, người phát nhu yếu phẩm...

clip_image064

Nguyễn Duy đang đi trao các nhu yếu phẩm cho người dân ở P.5 - ẢNH NVCC

“Một lần tôi vào từng nhà để phát phiếu và nhắc mọi người đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 thì con chó trong nhà chưa cột chạy xồ ra, cắn cho một phát vào chân. Cũng may tôi mặc đồ bảo hộ ở bên ngoài nữa, nên không bị làm sao nhưng sau lần ấy là rất sợ. Nhưng như mình có duyên nợ với mấy chú chó. Sau thấy Moon-si của nhà cô giáo là F0, tôi thấy rất thương nên đã cùng nuôi nó trong những ngày chủ nhà đi cách ly”, Duy kể.

Cô giáo để lại chìa khóa nhà cho Duy. Mỗi sáng trên đường đi trực, anh ghé qua nhà cho chó ăn. Chú chó ngoan sau lần đầu còn e dè sợ sệt với chàng trai mặc đồ bảo hộ xanh đầy mùi nước xịt khuẩn đã dần dần làm quen và ăn hết các phần thức ăn mang tới. Chú chó cũng làm quen với hết các thành viên trong đội tình nguyện. Trưa và chiều, các tình nguyện viên ăn gì thì Moon-si lại được ăn đồ dư.

Mới đây, một nữ nhân viên y tế trong P.5, Q.Tân Bình cũng nhờ Duy và đội tình nguyện hỗ trợ chăm sóc một chú chó của chị, vì chị đi chống dịch suốt, không còn thời gian nào dành cho thú cưng. Nhưng lần này Duy không dám đảm nhận. “Chú chó này khá lớn, giống nước ngoài nên chúng tôi không biết cách chăm sóc. Có thể tôi sẽ liên hệ một trung tâm thú y nào đó giúp chị”, Duy nói.

Kỷ niệm những lần đói run tay chân khi đi chống dịch

Duy và các thành viên trong đội tình nguyện chống dịch đã gắn bó với khắp các ngõ hẻm của P.5, Q.Tân Bình từ tháng 6 tới nay.

7 cô gái, 8 chàng trai, họ làm việc từ 6 - 18 giờ. Thời gian trước, khi các địa phương lấy mẫu trên diện rộng, họ có thể làm việc tới tối khuya. Cha mẹ nhiều khi lo lắng, nhưng họ tâm sự, bản thân mỗi người đều được rèn luyện trưởng thành trong mùa dịch này. Đi chống dịch, ai cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế trong việc mặc đồ bảo hộ, giữ khoảng cách, khẩu trang và xịt khuẩn. Thời gian đi lấy mẫu cho bà con, cứ 2-3 ngày nhóm lại test nhanh để kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng người.

clip_image066

clip_image068

Nhóm của Duy chốt trực tại các ngõ hẻm của P.5, Q.Tân Bình từ tháng 6

"Vất vả nhất là các bạn nam trong nhóm khử khuẩn phải vác trên lưng những thùng 20- 30 lít trong thời gian dài rất nặng nhọc. Rồi khi hỗ trợ tổ lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi chia nhau, người điều phối bên ngoài, người nhập liệu, người ghi mẫu. Để an toàn nhất cho bản thân và cộng đồng, chúng tôi không dám động vào đồ ăn, nước uống trong suốt quá trình làm việc nên nhiều khi đói bụng tới run tay chân, khát nước tới khô họng vẫn không dám động tới chai nước, hộp cơm. Phải xong xuôi hết mọi việc, thay đồ bảo hộ, phun xịt khử khuẩn, chúng tôi mới ăn uống.

Có những lúc chúng tôi thấy xót lắm, khi điều phối mời bà con vào lấy mẫu, có những ông, bà lớn tuổi đi run run, mà chúng tôi không dám lại gần đỡ ông bà vì mình đang mặc đồ bảo hộ, sợ lây nhiễm chéo, mọi người cứ đứng xa xa và nhắc “bà ơi bà đi cẩn thận nha”, Duy kể.

Nghĩa tình ấm áp của người Sài Gòn luôn khiến những tình nguyện viên như Duy và các bạn thấy ấm lòng. Nhóm của anh thường xuyên nhận được những phần cơm, bánh, nước giải khát từ các nhà hảo tâm trao tặng. Hay chính bà con dân cư sống trong các khu phố ở P.5, thấy các bạn trẻ làm việc vất vả quá lại mang trái cây, bánh, cà phê ra mời.

clip_image070

clip_image072

Những chàng trai cô gái luôn tin Sài Gòn sẽ chiến thắng dịch bệnh - ẢNH NVCC

Nhóm của Duy mới được tiêm vắc xin Covid-19 mũi đầu tiên vào hôm 31.7. Mọi người đều có sức khỏe tốt, trừ một số bạn nữ bị sốt, song không ai vắng mặt trong buổi trực ngày hôm sau. Hiện tại, cả nhóm cũng đang hỗ trợ địa phương việc điều phối, đảm bảo an toàn, giãn cách trong thời gian tiêm vắc xin Covid-19 đại trà.

"Mong sớm được chia tay nhau, ai về nhà đó. Có gặp nhau cũng ở quán cà phê nha chứ nhìn mặt nhau hoài ở chốt trực phong tỏa ngán lắm rồi nha”, chàng trai đi chống dịch kiêm nuôi giúp chó cưng giúp chủ nhà F0 thường trêu vui với các bạn trong nhóm mình như thế. Duy và những người trẻ đang ngày ngày chống dịch luôn mong và tin Sài Gòn chiến thắng dịch Covid-19, để thành phố bình yên sẽ trở về với tất cả mọi người. Để không còn ai phải "ở giữa Sài Gòn vẫn thấy nhớ Sài Gòn một chút"...

LK TRÔNG CẬY CHÚA & SỐNG TRONG NIỀM VUI

Sáng tác: Lm. Nguyễn Duy Trình bày: Gia Ân Hòa âm: Ns Minh Châu Phòng thu: Minh Châu Studio

ẢNH Minh Hòa

Nhắc đến chợ khu vực trung tâm SaiGon, đại diện anh Cả sẽ là chợ Bến Thành, còn nhắc đến khu vực Chợ Lớn phải nhắc đến anh Hai - chợ BÌNH TÂY - một trong vài chợ đầu mối hàng hoá lớn nhất SaiGon.

Có lẽ từ ngày thành lập chợ 1930 đến nay chưa bao giờ, ngay giờ cao điểm mà không một bóng người & xe ?

SaiGon đêm "giới nghiêm" thứ 12

Aug 5, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

clip_image074