Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (30)

LỜI KÊU GỌI CỦA BÁC SĨ LÊ MINH KHÔI *

FB Lê Minh Khôi

Không thể dùng từ ngữ để nói hết được những gì các thầy cô, đồng nghiệp cùng trang lứa và các đồng nghiệp trẻ đang phải đối mặt nơi đây. Giờ không phải là lúc kêu ca, than trách, trốn chạy.

Chỉ có một cách hành xử: Can trường đối mặt.

Chỉ có một con đường: Tiến lên phía trước.

Phía trước là tiền tuyến - frontline như đúng tên gọi của bạn bè quốc tế, là sức khỏe và trên hết là tính mạng của đồng bào mình. Bộ máy y tế của TP Hồ Chí Minh đã chạy trên công suất thiết kế dự trữ để vừa đảm bảo phòng bệnh (tiêm vaccine hỏa tốc), vừa điều trị những bệnh cấp cứu thường gặp khác và vừa dồn sức vào cứu mạng bệnh nhân mắc Covid.

Đây là lời kêu gọi khẩn thiết hơn lúc nào hết của một người Việt da vàng máu đỏ, của một công dân bình thường, của một thầy thuốc, một người học trò, một đồng nghiệp và cũng là người thầy của nhiều bác sĩ trẻ. Chúng tôi kêu gọi các bác sĩ trẻ chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, gây mê, nội khoa, nhi khoa, điều dưỡng, kỹ thuật viên… và cả những sinh viên Y Dược năm cuối hãy tình nguyện đến với tuyến đầu gian khó. Các bạn có thể đến với Bệnh viện Hồi sức 1000 giường (đầu mối: BS Huỳnh Quang Đại) hoặc có thể đến với Trung tâm Hồi sức Covid Bệnh viện Đại học Y Dược (đầu mối: Bs Lê Minh Khôi) để chung lòng, chung tay, chung sức chiến thắng. Đây là cơ hội để sống những tháng ngày đáng sống nhất trong hành trình làm người, làm thầy thuốc của các bạn. Đây cũng là cơ hội để các bạn học tập, trau dồi chuyên môn thực chiến. Đây cũng là cơ hội để kết nối tình đồng nghiệp, thầy trò trong cộng đồng y giới. Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ chỉ ân hận về những điều mình không làm chứ không phải ân hận về những gì đã làm.

Những bác sĩ trẻ thuộc các chuyên ngành khác, những sinh viên năm cuối có thể đăng ký đến với các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Sự hỗ trợ của các bạn sẽ giúp những bác sĩ, những nhân viên y tế có kinh nghiệm chuyên môn tay nghề thủ thuật đến được với các trung tâm hồi sức covid. Tất cả vì sự sống của đồng bào mình.

Đồng bào đang trong cơn nguy khó, xin đừng ngoảnh mặt.

Thư không thể chuyển tải hết lòng.

Chữ không thể chuyển tải hết ý.

Nghiêm cẩn mượn lời của Đức Thánh Trần gần ngàn năm trước: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng.” Covid đông hơn quân Nguyên và chắc chắn có sức hủy diệt hơn quân Thát.

Xin bày tỏ lời tri ân sâu sắc nhất đến với mọi người đã, đang và sẽ đến với tuyến lửa.

---------------

THỦ TỤC - QUYỀN LỢI

Các bạn tình nguyện xin email đến chuyên viên Trần Thị Kim Cúc: cuc.ttk2@umc.edu.vn và cc cho BS Lê Minh Khôi: khoi.lm@umc.edu.vn.

Trân trọng.

clip_image002

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

LỢI THẾ TEST NHANH

FB Bs.Trương Hữu Khanh

1. Tét nhanh đương nhiên là nhanh

2. Tét nhanh dương khi có 2 vạch C và T. Chỉ một vạch C là âm tính

3. T hiện lên nhanh và đậm hơn C thì khả năng vi rút nhiều đấy

4. T hiện lên mờ thì khả năng là ít vi rút

5. Nếu tét nhanh âm tính có khả năng

- Không bệnh

- Đang ủ bệnh

- Mới bệnh: vì vi rút còn thấp tét nhanh tìm không thấy

- Bệnh hồi nào không biết và sắp hết nên vi rút thấp tét nhanh cũng tìm không thấy

VẬY

1. Nếu bạn là F0 ở nhà

- Không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ đã hết thì bình tĩnh chờ ngày thứ 7 của bệnh tét một cái thấy vạch T mờ hơn lần trước hay biến mất là phẻ rùi đấy.

- Nếu còn đậm thì cũng kệ , chả sao vì mình không triệu chứng và đang khỏe mà.

- Và tầm ngày 14 tét một cái biến mất luôn thì có thể an toàn, tái xuất giang hồ và 5 K cho tới khi giang hồ hết sóng

Còn muốn ngâm cứu thì cứ làm vài ngày để xem đậm nhạt thế nào nhưng cũng hao đạn đấy

2. Nếu bạn là F1:

- Làm một cái 2 cái vạch thì chuyển F 1 thành 0

- Làm một cái âm thì chưa chắc vì có thể ủ bệnh hay nồng độ vi rút thấp vậy thì 3 ngày sau làm lại hay khi có triệu chứng làm lại mà dương thì thành F 0

- Nếu vẫn âm quài thì ngày 15 vẫn âm thì tương đối an toàn. 5 k tiếp

ĐƯƠNG NHIÊN LÀ CÁI GÌ CŨNG CÓ ĐẶC BIỆT VÀ PCR CŨNG VẬY MÀ ĐẶC BIỆT THÌ KỆ

 

 

FB Hoang Minh Tu Van

Đại khái là tới mức hiện nay thì người để người dân tự test nhanh ở nhà là cần thiết. Tuy nhiên có 2 việc mà qua nay có thấy:

1. Test nhanh xong báo phường, phường chửi nói đang khi không đi mua test nhanh về test chi rồi giờ ra cả đám dương. Này sai nha phường nha.

2. Có phường BN test nhanh dương, ở nhà theo dõi, xong có dấu hiệu nặng, gọi báo phường. Phường nói ủa tự test nhanh tự lo đi, chừng nào là PCR của phường dương thì phường mới lo, sau đó kèm theo chửi y như số 1.

2 Vụ nói trên xảy ra ở Tân Bình và Bình Thạnh. Biết là quá tải, nhưng nói chuyện vậy hông đúng nha. Thành ra số ca mỗi ngày nằm ngang gì đó, không hẳn là nằm ngang đâu, vì mỗi ngày vẫn có cả đống test nhanh dương xong bị chửi như số 1, không được cấp số để đếm.

Nếu phường muốn chỉ thị này nọ thì báo đăng PTT kêu để dân tự test nhanh á phường. Báo ngày 4/8

https://nld.com.vn/.../pho-thu-tuong-viec-can-lam-ngay-la...

 

 

[INFOGRAPHIC] - TOÀN BỘ THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ CÁC LOẠI VACCINE COVID-19 VIỆT NAM ĐANG TIÊM

Sức khỏe & Đời sống, 04-08-2021

SKĐS - Tài liệu được xây dựng theo các Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vaccine COVID-19 của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Công văn 5946/BYT-DP về dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 đến hết năm 2021 cho 63 tỉnh/thành, đơn vị, bộ, ngành. Theo đó, dự kiến trong năm 2021, Bộ Y tế phân bổ vaccine đạt tỷ lệ 90% cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó TP. Hà Nội và TP. HCM dự kiến sẽ được phân bổ với tỷ lệ cao nhất là 99%.

Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Mỗi loại vaccine COVID-19 có hiệu quả bảo vệ phòng bệnh khác nhau.

Sau đây là những thông tin cần biết về một số loại vaccine COVID-19 đang được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam. Tài liệu được xây dựng theo các Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Vaccine AstraZeneca

Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Từ tháng 3/2021, vaccine được triển khai tiêm chủng tại nước ta, hiện là vaccine có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới và các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt nam hiện nay của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62 đến 90%.

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

Vaccine Moderna

Vaccine do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 63 quốc gia với khoảng 340 triệu liều.

Vaccine này đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua COVAX Facility và đang triển khai tiêm chủng.

clip_image014

clip_image016

clip_image018

clip_image020

clip_image022

clip_image024

Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech

Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều đã được sử dụng.

Vaccine Comirnaty đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều vaccine Pfizer và đang triển khai tiêm chủng.

clip_image026

clip_image028

clip_image030

clip_image032

clip_image034

Vũ Thủy

 

TS NGUYỄN NGỌC CHU: "CÁI MÀ NGƯỜI NGHÈO KHÓ QUAN TÂM NHẤT: BAO GIỜ HẾT NGHÈO!"

Xuân Ba – VietTimes, 5/8/2021

VietTimes – Với những người lao động nghèo khó “ráo mồ hôi là ráo tiền bạc” thì họ chẳng mấy quan tâm đến các mỹ từ. Cái họ quan tâm nhất là bao giờ họ hết nghèo. Yêu nước trước hết là yêu đồng bào.

clip_image036

Dân về quê được sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan chức năng- Ảnh Tư liệu.

Vâng, thời điểm này chúng ta đang ngồi với nhau thì có nhiều vạn người dân đã tay xách nách mang với phương tiện xe máy là chủ yếu. Thậm chí không ít người cuốc bộ đã rời thành phố Hồ Chí Minh trở về quê cách thành phố nhiều trăm thậm chí trên ngàn km. Thưa TS, ông có nhận xét gì về chủ trương giãn cách giảm tải cho thành phố để giảm thiểu nạn lây lan dịch Covid-19 trước khi Chính phủ có lệnh hỏa tốc để ngưng, dừng việc này?

- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu: Chúng ta đã có những bước đi đúng trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 với các tác nghiệp truy vết và cách ly. Nhưng chiến thuật này chỉ đúng khi dịch mới lây lan ở bình diện nhỏ giai đoạn đầu. Chúng ta đã bỏ quên bản chất của chống dịch là không thể “dựng tường cách ly” mà là “miễn dịch cộng đồng”. Đây là thiếu sót lớn. Bây giờ chúng ta đã ý thức được. Tuy có muộn nhưng chưa phải là tình trạng không có lối thoát.

Xin nói về chủ trương giãn cách trước.

Trong hoàn cảnh chưa có vaccine nhiều, và mới tiêm được cho một cộng đồng nhỏ, vào lúc dịch bùng phát rộng, thì chúng ta lại vấp phải những nước cờ sai. Tiếp tục giãn cách và tăng cường tiêm phòng là chủ trương đúng. Nhưng trong quá trình thực thi giãn cách đã bỏ qua những mắt xích quan trọng, dẫn đến sự hỗn loạn thật đáng tiếc và thương tâm mà nhà báo vừa đề cập.

clip_image038

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu ở tầm quốc gia;

trong tình hình mới phải hết sức tránh quan liêu, "xa dân", phải có cách tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết liệt hơn,

mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, quán triệt phương châm "rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả". Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế.

Cụ thể, là chúng ta đã mắc sai sót.

-"Quy trình giãn cách chưa khoa học" "Nhân sự thực thi giãn cách không tương năng".

1. Quy trình giãn cách không khoa học:

Nói quy trình giãn cách không khoa học là bởi vì quy trình giãn cách đã bỏ sót những nhân tố quan trọng. Xin nêu ra một số nhân tố điển hình.

- Không có nguồn tài chính để sống sót.

Giãn cách không phải vài ngày mà cả tháng cho đến nhiều tháng. Vậy những người lao động làm công ăn lương lấy gì để sống? Họ là những người kiếm sống hàng ngày, “ráo mồ hôi là hết tiền ”. Không có tiền bạc dự trữ, không có công việc để kiếm tiền, vậy họ lấy gì để sống?

Số lượng này rất đông, có đến hàng chục vạn lao động. Giãn cách là bị giam lỏng trong nhà, không có tiền mua thực phẩm, không có tiền trả tiền nhà, tiền nước, tiền điện - chưa chết vì Covid thì đã lử lả dẫn đến chết vì đói. Thêm vào đó, giãn cách còn kéo dài, tương lai kiếm việc làm còn mờ mịt. Họ buộc phải ra đi.

- Cung ứng thực phẩm và đồ vật thiết yếu kém. Giãn cách là cô lập

Trước khi ra lệnh giãn cách thì phải thiết lập hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu - đáp ứng đầy đủ cho người dân bị giãn cách phải ngồi nhà. Nhưng hệ thống này bị què quặt. Gây ra nhiều hoàn cảnh bi đát - không có lương thực, thực phẩm, không có đồ dùng thiết yếu.

- Ngừng trệ lưu thông. Giãn cách không có nghĩa là ngừng trệ lưu thông. Nhưng quy trình giãn cách không khoa học, giãn cách một cách khô cứng, giãn cách máy móc, bắt cô lập nhiều mắt xích không đáng cô lập, làm cho lưu thông bị ngừng trệ. Đây là tai hoạ. Vì phải sản xuất, phải tiếp tục hoạt động để tiếp tục mạch sống.

clip_image040

Đưa dân về quê- Ảnh: Báo CAND

- Về vấn đề nhân sự thực thi giãn cách không tương năng

Chính trình độ phẩm chất hạn chế của cán bộ thực thi giãn cách đã gây thêm nhiều hệ quả không tốt. Đã quá nhiều ví dụ về khả năng yếu kém của cán bộ thi hành giãn cách mà vụ “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu” là một điển hình.

- Về chủ trương giảm tải cho TP HCM bằng cách đưa người ngoại tỉnh trở về địa phương.

Đây là nước cờ sai. Dịch ở đâu dập ở đấy. Cháy đâu, dập đấy. Không thể mang dịch đi nơi khác. Vì thế mà Thủ tướng đã phải kịp thời ra chỉ thị.

Nếu quy trình giãn cách khoa học, không mắc sai lầm, mọi người dân được đảm bảo lương thực thực phẩm để sống, mọi người dân có cơ hội được tiêm vaccine, được cứu chữa khi lây bệnh - thì đã không có dòng người “tháo chạy” ồ ạt khỏi TP HCM như những ngày vừa qua.

Từ khi có chỉ thị của Thủ tướng, dòng người ngoại tỉnh “di tản” khỏi TPHCM giảm hẳn. Nhưng nếu không có nguồn sống, không có cơ hội được tiêm vaccine và cứu chữa khi lây dịch, thì người lao động sẽ vẫn tìm cách tự phát rời khỏi TP HCM.

Thưa TS, ngôi làng bé nhỏ bình yên của tôi ở một góc xứ Thanh hiện có hơn 20 lao động từ Bình Dương đã trở về theo cái cách tự phát và tự túc ấy. Việc cách ly đã được thực hiện nhưng dân làng vẫn cứ nơm nớp sự lây lan cùng hệ lụy này khác. TS có ý kiến gì về sự chịu tải ở các địa phương có người quê mình với kiểu đột ngột hồi hương như thế?

- Có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là lo lắng về lây lan dịch bệnh. Đây là một nguy cơ thực tế, hiện hữu. Nên chính quyền địa phương phải có đối sách thích hợp.

Vấn đề thứ hai là về quá tải nguồn lực vì đột ngột và dồn dập. Đây không phải là điều đáng lo. Vì nó nằm trong tầm tay của chính quyền địa phương - phải hiểu là của chính quyền tỉnh, sau đó mới đến huyện, xã.

Cứu trợ và cách ly những người ở ngoại tỉnh về trước hết là trách nhiệm của tỉnh. Nó liên quan đến chính sách và nguồn tài chính, nguồn nhân lực, phương tiện. Nếu lãnh đạo tỉnh có trách nhiệm “nghĩ thật” thì sẽ có các biện pháp hữu hiệu giải quyết trọn vẹn hai vấn đề nêu trên.

Cuộc di dân bất đắc dĩ ấy, thưa TS đã phát lộ ra điều khuất lấp trước nay ta chưa thấy hoặc không muốn thấy. Đó là dân mình, người lao động xứ mình nghèo quá.

Ở đây ta không lạm bàn (và chưa dám?) nhận xét, đánh giá chất lượng đội ngũ giai cấp công nhân – lực lượng lao động hùng hậu ở các Khu công nghiệp TP HCM và vùng phụ cận đã tồn tại lâu nay. Và, một khi dịch Covid-19 thuyên giảm, vấn đề mưu sinh lẫn an cư lạc nghiệp, nói tóm lại số phận, họ sẽ như thế nào? Rồi họ đang và sẽ ở đâu trong bản đồ và tiến trình CNH-HĐH đất nước?

- Vâng. Anh đã chạm đến cốt lõi của vấn đề. Chúng ta đã có tiến bộ. Phần lớn đã có cơm ăn áo mặc. Phần lớn đã được học hành. Nhưng đó là so với những năm 60 của thế kỷ trước.

Nhìn thẳng vào sự thật, như các Đại hội Đảng đã yêu cầu, thì chúng ta đang nghèo, so với nhiều nước thì quá nghèo. Nhiều vùng quê không đủ cơm ăn. Nhiều gia đình chạy ăn từng bữa. Dân số của nước ta là 100 triệu. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 là 4,8%. Tính bình quân thì có đến 4,8 triệu người nghèo đói. Đó là con số nhức nhối.

clip_image042

Lực lượng cảnh sát giao thông trợ giúp dân về quê.

Cái nghèo đói buộc đồng bào phải rời quê đi kiếm sống. Hàng vạn người ra nước ngoài làm đủ nghề. Họ ra đi hợp pháp và bất hợp pháp. Theo thông báo chính thức của Bộ LĐ&TBXH thì hàng năm có hơn 100.000 người đi xuất khẩu lao động.

Thế còn những người ra đi bất hợp pháp? – cũng là con số hàng vạn thậm chí có ước lượng lên tới hàng chục vạn. Bất hợp pháp đe doạ sự sống của họ. Nhưng họ vẫn liều lĩnh ra đi. Và nhiều người đã bỏ mạng. Không muốn nhắc lại những sự kiện đớn đau, nhưng đó là những cuộc ra đi ngập tràn nước mắt.

Có trường hợp mạo hiểm cuộc đời trong những chuyến vượt biên giới tàn nhẫn hơn phim hành động, tàn nhẫn hơn vì phải bỏ mạng thật, còn trong phim là bỏ mạng giả. Có trường hợp phải đối mặt với các công việc bất hợp pháp phải vào lao tù; phải mạo hiểm cuộc đời trong tay những kẻ buôn người.

Có trường hợp đối mặt với nguy cơ bị mổ nội tạng… Có trường hợp di cư kiếm sống mà không đếm xỉa đến sự nhếch nhác, tủi nhục – vì mỗi bước chân chênh vênh giữa sống và chết. Ở biên giới đó thì mọi thứ đều vô nghĩa, thể diện thậm chí cả nhân phẩm đều phải vứt bỏ.

Một bộ phận rất lớn khác – hàng triệu người, thì rời quê hương đến các địa phương khác mà TP HCM là một địa chỉ ưu tiên. Vì TP HCM là nơi có cơ hội dễ kiếm được miếng ăn qua ngày tháng. Cho nên lực lượng lao động phổ thông đơn giản đến TP HCM rất nhiều.

Họ đóng góp một vai trò và giá trị được thừa nhận trong các khu công nghiệp, trong các xí nghiệp, trong các gia đình. Nhưng họ là những người không có tích luỹ. “Ráo mồ hôi là hết tiền”. Hai tháng không có việc làm là quá giới hạn chịu đựng của họ. Nên họ phải thoát hiểm.

Sự ra đi của họ sẽ tạo nên một khoảng trống lớn trong thị trường lao động TP HCM. Và điều này tác động tiêu cực lên quá trình hồi phục và phát triển kinh tế.

Còn việc họ đang và sẽ ở đâu trong bản đồ và tiến trình CNH-HĐH đất nước ư?

Câu hỏi hay, nhưng rất ngậm ngùi. Họ đang ở đâu thì đã rõ. Họ đang ở thế “ráo mồ hôi là ráo tiền bạc”. Đó không phải ngậm ngùi ư? Còn hơn thế nữa.

Câu hỏi thú vị là bởi nó đánh thức chúng ta. Chúng ta không thể để họ trong thế “ráo mồ hôi là ráo tiền bạc”. Chúng ta không thể để họ trong tình trạng nhếch nhác. Chúng ta không thể để họ trong tình trạng thua kém bạn bè quốc nội mỗi khi ra khỏi nhà, không để họ tụt hậu mất thể diện và yếu thế trước bạn bè quốc tế mỗi khi xuất ngoại.

clip_image044

TS Nguyễn Ngọc Chu: "Cái nghèo đói buộc đồng bào phải rời quê đi kiếm sống. Hàng vạn người ra nước ngoài làm đủ nghề".

Chúng ta là ai? Là tôi là anh, là tất cả những người có cơ hội hơn, có lợi thế hơn. Trên tất cả, chúng ta là những người trong hệ thống quản lý của nhà nước, là lãnh đạo đất nước.

Với những người lao động nghèo khó “ráo mồ hôi là ráo tiền bạc” thì họ chả mấy quan tâm đến cụm mỹ từ CNH-HĐH! Mà họ chỉ quan tâm đến bao giờ thì họ hết nghèo. Yêu nước trước hết là yêu đồng bào. Cho nên dân tộc mới trên hết. Yêu nước hiển nhiên đặt trên tình yêu chủ nghĩa, giai tầng, đảng phái.

Tôi nghĩ phải hiểu cho đúng nghĩa yêu đồng bào thì mới yêu nước đúng nghĩa được. Yêu nước là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Yêu đồng bào cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta là bởi thế. Quyền yêu đồng bào, quyền yêu nước không phụ thuộc vào chức vụ. Nhưng trách nhiệm thì có liên quan đến chức vụ.

Năm đã xa, do công việc, tôi đã có dịp ngồi chuyện với một cụ ông ngoài 80. Cụ rời xứ đạo Móng Cái năm 1954 đi Nam lúc chớm tuổi thanh niên cùng với hàng trăm giáo dân vào Hố Nai Biên Hòa. Rồi cụ lại rời đến xứ đạo Nha Trang sinh sống. Lại từ Nha Trang lên tận vùng Kon Tum sau lại lộn về Sài Gòn. Rồi biến cố năm 1975, cụ và gia đình phiêu dạt sang tận California . Vẫn chưa hết, thời điểm tôi gặp cụ là ở Seattle thuộc bang Washington nhưng gần Canada thuộc Bắc Mỹ.

TS có nhận xét gì về những cuộc di dân của người Việt trong lịch sử? Trong thời bình do mưu sinh và trong cả những biến cố như thiên tai, địch họa, dịch bệnh?

- Xin lỗi nhà báo, câu hỏi ấy trong khuôn khổ cuộc nói chuyện này là không đủ.

Thời nào cũng có di dân. Nhưng nguyên do di cư thì rất khác nhau. Chim nhạn ở biển Bắc Cực mỗi năm trải qua một quãng đường di cư khoảng 96.000 km đến biển Nam Cực và trở lại. Đó là một trong những cuộc di cư kỳ thú của tự nhiên. Không ai khóc cho những cuộc di cư tự nhiên như thế.

Chúng ta sẽ cùng bàn đến nhiều cuộc di cư vĩ đại. Trong số đó, đáng lưu ý là cuộc di dân trải dài trong suốt các thế kỷ 16-19 - đã sinh ra các quốc gia vĩ đại như Hoa kỳ, Canada, Brazil, Australia… mà lập nên các châu lục mới là châu Mỹ và châu Đại dương.

Chúng ta sẽ có dịp trở lại với những cuộc di cư - di dân thấm đẫm máu và nước mắt trong chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên, trong cuộc chiến ở Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan...

Rồi nữa, tôi với anh sẽ có dịp rốt ráo với nhau về những cuộc di dân của Đại Việt từ thời Lê Thánh Tông và nhiều triều đại khác. Và gần hơn cuộc di dân của hơn 1 triệu người từ Bắc vào Nam và hai trăm ngàn người từ Nam ra Bắc theo Hiệp định Genever 1954. Và nữa, không thể không tính đếm đến cuộc di dân [...] sau năm 1975...

Thưa TS, ông có thể chia ở thì tương lại gần vừa hoặc xa những biến động dẫn đến các cuộc di dân của nước mình? Cùng trách nhiệm của các nhà quản trị quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa?

clip_image046

TS Nguyễn Ngọc Chu: "Với những người lao động nghèo khó 'ráo mồ hôi là ráo tiền bạc' thì họ chả mấy quan tâm đến cụm mỹ từ CNH-HĐH! Mà họ chỉ quan tâm đến bao giờ thì họ hết nghèo.

- Câu hỏi rất trách nhiệm.

Từ sau khi có chính sách đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện, số lượng người di cư bất hợp pháp nhỏ dần. Đó là tiến bộ. Nhưng dòng người di cư bất hợp pháp vẫn âm thầm “lầm lì chảy” mặc dù đã ở thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 – sau khi chiến tranh lùi xa hơn 40 năm – làm cho chúng ta phải day dứt.

Sự kiện bi thảm 39 người Việt bị chết ngạt trong container ngày 23/10/2019 ở Essex Anh quốc là vết thương lớn. Vết thương này sẽ còn rỉ máu âm ỉ vì dòng người di cư bất hợp pháp vẫn diễn ra âm ỉ – mà biết chắc là chưa có hồi kết.

Họ là những người di cư bất hợp pháp vì mưu sinh, không phải vì bất đồng chính kiến. Tuy đớn đau nhưng chúng ta phải dũng cảm nhìn vào sự thật. Chỉ khi không né tránh sự thật mới tìm được đường đi đúng.

Chỉ có thể chấm dứt dòng người Việt di cư bất hợp pháp khi đời sống của tầng lớp lao động khá giả - lọt và vào top 40 của thế giới.

Lúc đó số lượng xuất khẩu lao động cũng giảm dần về số 0. Đây không phải là nhiệm vụ không đạt được. Chỉ cần có những nhà lãnh đạo giỏi, biết đặt lợi ích của lương dân của dân tộc lên trên hết. Quốc gia tụt hậu – trách nhiệm lớn nhất thuộc về lãnh đạo. Quốc gia tiên phong – công lớn nhất thuộc về lãnh đạo.

Điều kiện kinh tế là áp đảo. Nhưng di cư - di dân phụ thuộc vào môi trường sống mà chỉ số kinh tế không phải là duy nhất. Cùng với cải thiện chỉ số kinh tế là cải thiện các chỉ số khác – trong đó có giáo dục, y tế, an ninh, môi trường, quyền con người… giúp cho mọi cá thể được tự do phát huy hết năng lực.

Một đất nước đáng sống là một nước mà công dân các nước khác đổ xô đến để cư trú và nhập tịch. Đó là thước đo giản đơn mà không có bài diễn văn cùng những mỹ từ nào có thể che khuất.

Xin vui lòng gặp lại Tiến sĩ ở một cuộc, một dịp khác như TS đã hẹn. Riêng buổi trao đổi hôm nay, thành thực cảm ơn về những thông tin cởi mở và thẳng thắn mà TS đã dành cho bạn đọc Tạp chí điện tử VietTimes!

 

 

GIÃN CÁCH VÀ AN SINH

FB Dũng Hoàng

Nhà nước thể hiện sự lúng túng trong việc chống dịch. Ngày 16/6, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về các địa phương. Sau đó là hàng loạt tỉnh công bố kế hoạch đưa dân về bằng ô tô, tàu hỏa, thậm chí máy bay. Ngày 31/7 TP.HCM đề nghị các tỉnh phối hợp đưa người dân về quê; nhưng ngay tối hôm đó, chính Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Chuyện dân bỏ chạy khỏi Sài Gòn và các tỉnh miền Nam không đơn giản là vi phạm quy định "ai ở đâu ở đó", như một nguyên tắc phòng dịch. Quy định này chỉ khả thi nếu ở lại họ yên tâm không bị đói, khi đau ốm được cứu chữa. Bằng không, có quy định bằng trời họ vẫn vi phạm, và nếu dùng vũ lực cưỡng bách thì ở thế cùng đường, sức mạnh của cái đói sẽ dẫn đến "đại loạn". Tình thế càng nguy hiểm hơn.

Phải kiên trì cùng lúc giãn cách và an sinh. Chỉ một trong hai là hỏng.

Nhà nước đã có những cố gắng nhất định để an dân. Nhưng nói gì thì nói, việc dân tháo chạy như thế là chỉ dấu cho thấy những cố gắng này không thành công, ít nhất là ở giai đoạn hiện nay. Chính sách nào cũng thế, cần có một thời gian nhất định, đủ độ ngấm mới phát huy được tác dụng.

Trong khi đó, cần nghĩ đến những biện pháp mạnh bạo hơn. Mới đây, chuyên gia Huỳnh Thế Du đề xuất khởi động gói hỗ trợ tương đương với 10% GDP gồm hơn 5% phát đại trà cho dân chúng và phần còn lại cho các doanh nghiệp cần tiếp sức (https://vnexpress.net/goi-cuu-tro-toan-dan-4334641.html)

PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19: VÌ SAO KHÔNG NÊN TRIỂN KHAI TIÊM VACCINE DỊCH VỤ KHI NGUỒN CUNG CÒN RẤT THIẾU?

FB Trần Tuấn

Nói ngắn gọn, là vì “lợi bất cập hại”! Tức là, cái lợi thì rất nhỏ, mà cái “hại” đưa lại cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là rất lớn!

LỢI NHỎ! HẠI LỚN!

Tiêm chủng dịch vụ là hình thức cơ sở y tế (công, tư) thực hiện “bán dịch vụ tiêm vaccine phòng COVID-19” cho người có khả năng chi trả theo nguyên tắc “tiền trao, cháo múc”. Dĩ nhiên, người càng trả nhiều tiền, càng có cơ hội cao giành "quyền được tiêm vaccine sớm, vaccine tốt"!

Dịch càng bùng phát dữ dội, nhu cầu được tiêm vaccine càng khẩn cấp, lực lượng y tế càng có nguy cơ thiếu hụt, vaccine tốt càng khan hiếm trên thị trường, “giá tiêm chủng” càng được "điều chỉnh" cao theo thị trường "cung-cầu", cơ hội dành được “quyền tiếp cận vaccine và quyền được tiêm vaccine tốt" càng khu trú lại cho người có "khả năng chi trả nhiều hơn"!

Đối tượng phục vụ của triển khai tiêm chủng dịch vụ, là trực tiếp số "tối thiểu" đó: Người có khả năng chi trả theo yêu cầu "doanh nghiệp y tế" đưa ra!

Thiểu số này, không luôn đồng nghĩa với người cần được tiêm vaccine sớm nhất, tạo hiệu lực chống dịch tốt nhất cho toàn cộng đồng!

Trong khi đó, hệ thống nhân lực y tế bị phân hóa xoay theo "thị trường"! "Lợi nhuận" có sức mạnh "điều phối" dòng chảy nhân lực y tế đi theo phục vụ "cân bằng thu chi" sao cho "dương nhất"! Nguồn cung vaccine từ bên ngoài đổ vào Việt nam bị làm phức tạp lên, đưa lại nguy cơ phá vỡ các nguyên tắc đạo đức làm cơ sở cho hoạch định chính sách sử dụng vaccine trong chống dịch COVID-19 trên thế gới khi nguồn cung vaccine còn thiếu như hiện nay (Tài liệu tham khảo 1). Cụ thể với Việt Nam, chính sách tiêm vaccine lúc này đang cần được tuân thủ:

- (1) Đảm bảo đưa lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, giảm thiểu nhanh nhất sự lan truyền dịch bệnh, giảm số mắc có biểu hiện lâm sàng nặng phải điều trị ở bệnh viện, giảm tỷ lệ tử vong;

- (2) Giảm thiểu tối đa sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe- người/cộng đồng có nhu cầu chăm sóc khẩn thiết hơn, phải được tiếp cận chăm sóc sớm hơn;

- (3) bảo vệ hệ thống y tế khỏi nguy cơ bị khủng hoảng nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp chống dịch một cách hiệu quả, đồng bộ và bền vững theo thời gian dịch lưu hành;

- (4) Đảm bảo minh bạch và giải trình trách nhiệm trên toàn hệ thống chống dịch.

Tức là trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, nguồn vaccine có được phải được tập trung nhập vào, tổ chức quản lý, phân phối, tổ chức tiêm "đúng người, đúng thời gian, đúng vị trí" miễn phí, theo dẫn dắt của khoa học phòng chống dịch trên thực tế, bất kể khả năng chi trả của người dân ra sao!

Nghĩa là, trong phòng chống khẩn cấp sự lây lan của dịch, nhà nước phải sử dụng hệ thống nhân lực y tế có được cho lợi ích cao nhất bảo vệ sức khỏe toàn dân trước nguy cơ tàn phá của dịch bệnh! Không thể và không có cơ sở khoa học nào để cho "thị trường tham gia điều tiết" nhân lực y tế theo mục tiêu thương mại khi dịch bệnh đang diễn ra nguy cấp! Bởi dịch bệnh xẩy ra, y tế trở thành "tuyến đầu chịu trận"! để tình trạng hệ thống y tế, dù chỉ là một phần, chay theo "tối đa hóa lợi ích thương mại", về mặt đạo đức là không thể chấp nhận được, còn về tác động xã hội, thì nguy cơ gây ra hậu quả khôn lường là khó tránh khỏi!

ĐÂU CHỈ VIỆT NAM NÓI KHÔNG VỚI TIÊM CHỦNG DỊCH VỤ PHÒNG COVID-19!

Bởi thế, khi có vaccine phòng COVID-19 đầu năm nay, không nước nào là không đưa ra danh sách ưu tiên được tiêm, rồi điều chỉnh theo thời gian và tình hình dịch bệnh thực tế! Ưu tiên đó, không có chỗ cho mục tiêu "làm kinh tế", không mảy may nhắc đến "dành cho người có tiền"!

Không nước nào, lại tổ chức thực hiện "tiêm chủng thu phí" để chống dịch COVID-19", với giải thích "tiêm chủng dịch vụ" giúp người dân "dễ tiếp cận hơn", giúp tiêm nhanh, tiêm nhiều, sớm đạt chỉ tiêu tạo miễn dịch cộng đồng bằng vaccine!

Bởi sự "mất tiền" từ "tiêm miễn phí" này, thực ra, là chẳng mất gì cả! Trong khi "được" là toàn hệ thống, tập trung dưới tay nhà nước, nhất thể đi theo một kế hoạch chống dịch dẫn đường bởi khoa học!

Còn "lãi" từ "tiêm chủng thu phí" chẳng bù được cho sự làm trầm trọng thêm sự thiết hụt vaccine trong tình hình hiện nay, nhất là nếu để xẩy ra tình trạng không đáp ứng kịp thời cho cho nhu cầu chống dịch khẩn cấp (nơi cần nhất, người cần nhất, lại chưa có)!

Lãi có lớn đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là "hạt cát" so với phí tổn bỏ ra từ sự chậm trễ kiểm soát dịch bệnh hoặc xẩy ra tình trạng rối nhiễu hệ thống y tế trước yêu cầu đặt ra từ công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp!

Mỹ, nơi ra đời vaccine sớm nhất phòng chống COVID-19, nơi lực lượng y tế tư nhân rất hùng hậu, đã làm như thế! (TLTK 1).

Các nước có nền kinh tế thị trường, Anh, Pháp Đức, Nhật... đều làm như thế!

Họ, cũng như Việt Nam cho đến lúc này, nhất nhất đều tiêm MIỄN PHÍ!

THAY CHO LỜI KẾT

Bởi thế, mặc dù có ý kiến của đại biểu quốc hội đoàn tp HCM kiến nghị "mở tiêm dịch vụ để người dân tiếp cận vaccine" (TLTK 2), mặc dù có những ý kiến trên truyền thông đại chúng ủng hộ cho đại biểu này, tôi vẫn tin rằng, Bộ Y tế sẽ luôn kiên định với chủ trương "tiêm vaccine miễn phí " cho toàn dân, theo sự ưu tiên chỉ đường bởi khoa học dịch tễ học!

Còn muốn tiêm nhanh, muốn dân dễ tiếp cận hơn, có nhiều cách đơn giản hơn, thiết thực hơn, dễ dàng nhanh chóng hơn, và lợi ích đưa lại cũng lớn hơn rất nhiều, so với "thương mại hóa" công tác tiêm chủng!

Trần Tuấn

5.8.2021

------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các nguyên lý làm cơ sở cho hoạch định chính sách vaccine trong tình trạng nguồn cung còn thiếu: https://www.cdc.gov/.../vacc.../recommendations-process.html

2. https://tuoitre.vn/kien-nghi-mo-tiem-dich-vu-de-nguoi-dan...

CÔNG BẰNG MÙA DỊCH

FB Xuân Sơn Võ

Hôm nay, thấy mấy em đặt mua cồn và bông gòn, tôi thấy lạ và hỏi. Phòng khám nghỉ mấy tháng nay, có tiêm chích, thay băng cho ai đâu mà lại mua gòn và alcool. Thì ra là mua để cho đội chích vaccine mang đi chích.

Hiện nay, tất cả các phòng khám tư nhân, cả đa khoa và chuyên khoa, đều tham gia chích vaccine hoàn toàn thiện nguyện. Mấy hôm trước, một bạn chủ một phòng khám hỏi trong nhóm, lập đội chích thì phải chuẩn bị gì. Một bạn của một phòng khám đang có 6 đội chích trả lời: Tiền, để trả lương.

Thực ra thì lương cũng mới chỉ là một phần. Mặc dù ban tổ chức có chuẩn bị đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay… nhưng vẫn phải mang đi thêm. Rồi xét nghiệm hàng tuần, và cả khi đột xuất. Rồi có những thứ khá nhỏ nhặt, như bông gòn, alcool để phục vụ việc chích chẳng hạn.

Tất tần tật những thứ đó cũng chiếm khá nhiều tiền. Một đội chích tất cả chi phí cũng khoảng 150 triệu/tháng. Tất cả các cơ sở phải tự bỏ tiền túi ra. Trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Đó là một số tiền lớn. Nếu phong tỏa kéo dài qua tháng 9, Phòng khám EXSON sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn để cắt lỗ, vì ngay bây giờ đã không còn kinh phí duy trì nữa.

Tôi không biết các bệnh viện tư thì thế nào, nhưng nghe nói thì cũng rứa. Tự bỏ tiền túi ra cho tất cả các công việc của nhà nước. Đã vậy, mùa dịch, gần như không có bệnh nhân khám. Thậm chí nhiều người có bệnh, dù nặng cũng không thể đi khám được.

Mấy tháng nay, trên đời này chỉ có một thứ bệnh, là bệnh cô vít. Hầu như cái gì liên quan đến cô vít là quá tải, còn lại trống lơ trống lốc. Thử test nhanh làm giấy thông hành: đông tràn ngập. Xét nghiệm PCR tìm virus Vũ Hán: chạy không kịp thở. Bệnh viện cho người nhiễm virus Vũ Hán: hết giường ngay lập tức. Song song với sự tràn ngập đó là tiền.

Chỉ có chích vaccine cộng đồng và lấy mẫu cộng đồng, cũng chạy không kịp thở, cũng phơi nhiễm khủng khiếp, nhiều cơ sở có nhiều người nhiễm virus Vũ Hán từ công việc đó. Thế nhưng, không những không có tiền, mà còn phải bỏ tiền túi ra để được phục vụ.

Đấy là chưa kể, mọi thứ liên quan đến nhà nước vẫn phải đóng đầy đủ. Thuế không cho chậm báo cáo một ngày. Bữa trước, nộp đơn xin trợ cấp cho nhân viên. Trong khi cả thành phố phong tỏa, đi ra đường là khó, nhưng BHXH, dù có mạng, có chữ kí số, nhưng bắt buộc phải có hồ sơ bản giấy kí tên đóng mộc, mang đến nộp tận nơi. Mà khả năng cao là không được. Giống như tiền BHXH trả cho nhân viên nghỉ việc đi cách li theo lệnh của nhà nước. Sau khi hành chạy lên chạy xuống, file cứng file mềm, BHXH trả lời không được, vì không cách li đủ 21 ngày.

Nhưng bài viết này không phải để kể khổ. Cũng không phải để than thở về chuyện chơi với nhà nước thì nhà nước sẵn sàng lờ đi hàng trăm triệu đồng mình bỏ ra, nhưng thiếu họ 1 đồng cũng ra bã. Mà nói đến một chuyện khác.

Vẫn biết là trên đời không bao giờ có công bằng. Nhưng cái gì thì cũng phải vừa vừa thôi. Chứ một đằng đi chích cộng đồng, vừa tốn tiền, vừa có nguy cơ lây nhiễm. Một đằng, cũng đi chích vaccine miễn phí, nhưng mà ăn tiền công chích. Cùng là một loại công việc, mà sao một bên nai lưng ra làm không công, một bên lại thu tiền?

Nếu nhà nước có chủ trương cho tư nhân chích vaccine thu tiền, thì hoặc là phải bù đắp các chi phí cho các đội chích cộng đồng của tư nhân, hoặc là cho các đội chích tư nhân rút về, đi chích thuê kiếm tiền nuôi quân, hoặc chích vaccine miễn phí, chỉ thu tiền công ở cơ sở của mình.

CỨ NHƯ MUỐI BỎ BIỂN (*)

FB Võ Đắc Danh

Hôm qua gởi thêm một tấn gạo cho khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân vì tấn gạo hôm kia không đủ phát. Sáng nay thằng em cho hay, nó không dám phát ngay vì sau khi thăm dò thông tin qua tổ dân phố thì được biết rằng, khu phố có gần 400 căn phòng trọ, bình quân mỗi phòng 4 người, tính sơ khoảng 1.500 người, chưa kể nhiều cơ sở may gia công, chưa kể những khu phố lân cận, chỉ cần ai đó hô " có gạo ", hàng trăm người sẽ ùn ùn kéo tới, một tấn gạo như muối bỏ biển, người có người không đã xót lòng, rồi vô tình sẽ gây ra sự ồn ào mất trật tự trong lúc nhà nhà đang thực hiện giãn cách. Biết đâu lại gây ra lây nhiễm. Nhìn một tấn gạo để trong nhà giữa lúc bà con chung quanh đang thiếu ăn mà lòng cứ xốn xang, quặn thắt.

Chỉ một khu phố thôi mà đã như vậy. Cả phường Bình Hưng Hòa, cả quận Bình Tân và các quận ngoại thành Sài Gòn, phần lớn là đồng bào nhập cư từ mọi miền đất nước, tạm trú để mưu sinh bằng đủ thứ nghề, công nhân, thợ hồ, lao động phổ thông, bán vé số, lượm ve chai... trong đó nhiều gia đình đã ly hương, lìa xa cố xứ để chạy trốn đói nghèo. Biết bao gia đình đã và đang hết tiền hết gạo. Mỗi ngày, cứ sáng thức dậy, mở điện thoại ra là bao nhiêu tin nhắn hiện lên messenger: Anh ơi khu phố nầy cần giúp, chú ơi xóm trọ nầy đang cần cứu trợ, chú ơi con khổ quá, thất nghiệp mấy tháng nay rồi, không còn tiền mua sữa cho con... Trong hai tuần qua, hàng trăm, hàng ngàn mảnh đời đã lưu trong điện thoại. Trong hai tuần qua, chương trình Vượt Lên Số Phận và quỹ Nhịp Cầu Nhân Ái của chúng tôi đã nhận từ các nơi và chuyển về 25 tấn gạo, nhưng cứ như muối bỏ biển trong khi nạn nghèo đói mới chỉ là giai đoạn khởi đầu.

*Nhan đề của Văn Việt.

YÊU THƯƠNG, ĐÙM BỌC LẪN NHAU, VÀ CÙNG NHAU VƯỢT ĐẠI DỊCH COVID

FB Lâm Minh Chánh

Tôi xin giới thiệu một số chương trình hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau mùa Covid, do bạn bè của tôi thực hiện. (Hình theo thứ tự chương trình).

Các bạn thấy chương trình nào hợp với bản thân thì chung ta nhé.

** QUỸ STRONG VN

Quỹ Strong VN cung cấp gấp vật tư, đồ bảo hộ y tế, bổ sung trái cây, bữa ăn phụ tăng sức khoẻ cho các Bác sĩ tuyến đầu của Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, ND 115, BV NTP, BV Phạm Ngọc Thạch, BV 175, BV Nhiệt đới, BV Bình Chánh, BV Ung bướu 2....... đến các Trung Tâm Y tế Quận, huyện.

Mọi đóng góp hiện kim, xin gửi vào: STK chương trình STRONGVN: Đỗ Châu Giang: 20834467 - NH ACB

Mọi đóng góp hiện vật sẽ được chuyển đến kho chung của StrongVN hoặc chuyển trực tiếp đến BV nơi cần hỗ trợ ngay.

Liện hệ:

Dau Thi Thu Hien 0909316993,

Đỗ Châu Giang, 098 5465462,

Phạm Thị Nhài, 091 9010066

** BẾP ĂN DÃ CHIẾN QUẬN 2

Bếp ăn Dã chiến Quận 2 chăm sóc bữa ăn cho hơn 300 bác sĩ, bệnh viện thu dung khu An Khánh, TP Thủ Đức. Các bác sĩ này đang chăm sóc cho hơn 3000 bệnh nhân cách ly bởi Covid.

Liên hệ anh: Giản Tư Thành - Phụ trách BẾP ĂN DÃ CHIẾN. Sđt: 0903080999 số tài khoản: 20324117 Ngân hàng ACB Phòng giao dịch An Phú.

Địa chỉ nhận nhu yếu phẩm: Nhà B, Lô CD, Chung cư Bình Khánh, liên hệ anh Thành.

hoặc @Phạm Thị Nhài: 0919 01 0066

** BẾP THIỆN NGUYỆN CƠM NÓNG

Bếp thiện nguyện do bạn Tran Tan Thien, Giám đốc, Hello 5 Coffee chủ trì, nấu những phần cơm nóng cho Bà Con vùng phong tỏa. Hoan nghênh mọi sự đóng góp.

Hiện vật: Thịt, Cá, Rau, Củ, Quả, Gạo. Xin gửi về : Bếp trung tâm 254/10 Trần Hưng Đạo B, Phường 11, Quận 5. Tp. HCM

Tiền mặt: Tên: Trần Tấn Thiện , Số tk : 675704060000536 Ngân hàng VIB - Chi nhánh Thành Nam. Ghi rõ nội dung: “ Tên Mạnh Thường Quân - Cơm thiện nguyện COVID”

** APP SOSMAP.NET KẾT NỐI GIỮA NGƯỜI CHO VÀ NGƯỜI NHẬN.

Chương trình Yêu thương mùa covid trên nền tảng SOSmap.net là chương trình kết nối giữa người cần nhận, và người cho.

Hiện chương trình đã lan toả đến được nhiều người, và đang tiếp tục phát triển.

SOS map đang tìm kiếm các nhà hảo tâm để DONATE (quyên góp) và các nhà tài trợ để phát triển dự án thêm nhanh và tốt hơn nữa để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Liên hệ: Pham Vi

** ATM GẠO THÔNG MINH

Chương trình do bạn tôi, Lê Hải Bình, Chủ tịch Mắt Bão chủ trì.

Gạo xin chuyển về: 12A Núi Thành, P13, Tân Bình.

Tiền xin chuyển về tài khoản: Lê Hải Bình

0331000431962 Vietcombank.

(Tài khoản này chỉ dùng cho ATM gạo).

Website ATM gạo: www.atmgao.com sẽ update realtime mọi thông tin.

** CHƯƠNG TRÌNH TỪ THIỆN “NGUYỄN THẾ LỢI”.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là chương trình cứu trợ kéo dài hơn 2 tháng của người bạn, người em Nguyễn Thế Lợi.

Lợi Nguyễn Thế hỗ trợ cho các bệnh viên, khu cư dân. Mọi sự góp sức, hãy liên hệ trực tiếp tại trang của hoặc in box cho cậu em đẹp trai thứ hai này nhé.

** Cập nhật chương trình “CÙNG NHAU NGĂN CHẶN TỬ VONG VÌ COVID”.

Mời cả nhà đọc status này để nắm tình hình chung: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/4219494598137999

Đến hôm nay, sau 11 ngày, chương trình đã kêu gọi được hơn 1.2 tỷ. Đây là chi tiết sao kê tính đến 15:00 chiều 5/8/2021:

https://drive.google.com/.../1hHHDF42WEtJRBw0cGyK.../view...

Tôi đã ký hợp động mua máy thở theo đúng nhu cầu của bệnh viện với giá tốt nhất có thể. Hai hôm nay, hệ thống chuyển tiền nhanh liên ngân hàng bị trục trặc nên chưa chuyển được tiền đặt cọc. Nhưng việc mua máy là ổn rồi. Sau khi bàn giao máy thở cho bệnh viện vào ngày 20/8, tôi sẽ dùng số tiền còn lại để mua khẩu trang đúng chuẩn gởi đến các bệnh viện.

Chúng ta hãy yêu thương, đùm bọc nhau, và cùng nhau vượt đại dịch Covid!

Thân ái

LMC

Các bạn hãy giúp tương tác cho status đi xa, lan tỏa tình yêu và tinh thần tích cực nhé. Cám ơn cả nhà clip_image048

clip_image050

clip_image052

clip_image054

clip_image056

clip_image058

RNDM TẠI TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID 19

Sr.M. Tuyết Mai, Rndm – TGP Sài Gòn, 05/08/2021

clip_image060

TGPSG – “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Chúa trao qua Hội dòng…”

Con đường Võ Văn Ngân vốn đông đúc nhộn nhịp với những cửa hàng buôn bán và các loại xe di chuyển suốt ngày đêm, nay bỗng vắng lặng, chỉ còn tiếng còi xe cứu thương vẫn liên tục vang lên cách vội vã, cấp bách và có phần đau đớn. Trong bầu khí căng thẳng đó, chị em Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG – RNDM [1]) nhận được thư của Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGPSG, mời gọi anh chị em tu sĩ lên đường thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 tại thành phố, dấn thân phục vụ tại tuyến đầu trong các bệnh viện dã chiến.

Chỉ sau 10 phút, khi thông tin này vừa được chuyển đến cho các cộng đoàn ĐBTG đang hiện diện trong TGPSG, một danh sách các chị em tự nguyện đăng ký lên đường đã được gởi về văn phòng của Tỉnh dòng, và cũng rất nhanh sau đó, chị thư ký đã chuyển danh sách của 13 nữ tu ĐBTG về Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGPSG. Tất cả các chị em đều nhanh nhẹn sắp xếp những vật dụng cần thiết vào balô, sẵn sàng lên đường khi có thông báo.

“Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Chúa trao qua Hội dòng” là tâm niệm của tất cả chị em ĐBTG từ khi còn là đệ tử, vì vậy ngay khi nhận được lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse, các chị em đã hăng hái, nhanh nhẹn và vui tươi để bước vào sứ vụ mới. Tuy nhiên, vài ngày sau, Văn phòng đặc trách Tu sĩ thông báo: Chỉ có 8 chị em được “tuyển chọn” lên đường trong đợt đầu tiên, còn lại sẽ đợi đợt 2.

Tám chị em ĐBTG được xe đặc chủng chuyển đến bệnh viện Dã chiến số 10 - bệnh viện có khoảng 3.500 giường bệnh, được tập đoàn Novaland trưng dụng từ khu căn hộ của dự án tái định cư, để phục vụ chống dịch khẩn cấp của thành phố Hồ Chí Minh.

Tám chị em được chia làm hai nhóm: 4 chị làm việc hậu cần và 4 chị phụ giúp các y bác sĩ trong công việc chuyên môn của họ.

Nhóm 4 chị em phụ giúp các y bác sĩ, theo sự hướng dẫn của họ, bao gồm: phát thuốc, dọn dẹp, hướng dẫn, thăm hỏi và giải quyết các nhu cầu cơ bản của bệnh nhân, tiếp xúc hàng giờ với các bệnh nhân. Các chị em làm việc theo ca, mỗi ngày từ hai đến ba ca, mỗi ca từ 4-5 tiếng. Khi vào ca, chị em mặc đồ bảo hộ, bước vào khu bệnh nhân thì tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì, việc đi lại phải theo đúng quy định, để bảo vệ chính mình và bệnh nhân. Trong nhóm bốn chị em này, có một chị hỗ trợ bác sĩ trong phòng hồi sức, làm việc hai ca một ngày từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng và từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều, khu vực này có các bệnh nhân rất nặng. Một chị khác phục vụ tại Đội tiếp nhận và Chăm sóc bệnh nhân với hai ca trực, ca một từ 11g30 đến 15g30 và ca hai từ 2 giờ đêm đến 8 giờ sáng.

Nhóm 4 chị em trong Ban Hậu cần thì chia nhau: chị thì sang khu vực bệnh nhân để phát thực phẩm và nước uống ngày ba bữa: sáng, trưa, tối, đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho những ai cần, giao hàng của người thân bệnh nhân gởi vào và khích lệ động viên tinh thần các bệnh nhân. Những chị còn lại làm việc ở nhà kho và khu tiếp phẩm để phân chia thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân tại hai khu nhà, mỗi khu nhà có 25 tầng; sau khi tiếp phẩm xong, chị em sẽ thu dọn, sắp xếp, dọn dẹp lại nhà kho, khu tiếp phẩm và các khu vực xung quanh, ngoài ra chị em còn đảm trách tất cả các công việc đột xuất và hỗ trợ những công việc bất thường khác.

Đã 12 ngày trôi qua, những tin nhắn vội vàng từ các chị em phục vụ tại bệnh viện vẫn được gởi về nhà Mẹ cách đều đặn. Khối lượng công việc khổng lồ đã làm chị em thấm mệt, nhưng tinh thần thì vẫn hăng hái, vẫn còn đủ sức để gởi về những tin nhắn động viên các chị ở hậu phương: “Chúng em vẫn khỏe ạ, các Sơ an tâm nhé, chúng em tin Chúa đang ở cùng chúng em, chúng em sẽ cố gắng cẩn trọng để tránh bị lây nhiễm.”

Các chị em ĐBTG lên đường đợt 1, đã làm hiện thực lời nhắn nhủ của Mẹ Sáng Lập Dòng: “Thước đo của tình yêu là tình yêu không đo đếm, chị em hãy cố gắng làm bừng cháy ngọn lửa tình yêu ấy nơi mình bằng sự đáp lại ân sủng cách khiêm tốn và trung tín…”

Vâng, mỗi người đều có khả năng đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống bằng cách chia sẻ tình yêu với anh chị em mình, tình yêu mà chúng ta đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Chính vì thế, danh sách 14 chị em lên đường đợt 2 đã được gửi về Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGPSG, và mỗi người cũng đã chuẩn bị sẵn sàng balô lên đường khi có thông báo.

Rồi đại dịch sẽ qua đi, chỉ còn lại Tình Chúa và tình người, chỉ còn lại tình yêu và những nụ cười, chỉ còn lại niềm an bình và hạnh phúc trong tâm hồn mỗi người và trên quê hương Việt Nam thân yêu. Chúng ta tin đại dịch sẽ chấm dứt.

Sr.M. Tuyết Mai- Rndm

clip_image062

Bốn chị em phụ giúp các y bác sĩ trong công việc chuyên môn của họ

clip_image064

Bốn chị em làm việc trong Ban Hậu cần

[1] RNDM (Religieuse de Notre Dame des Missions) - Nữ tu Đức Bà Truyền Giáo

 

 

TỔNG ĐỘNG VIÊN XE CẤP CỨU CHO TP.HCM

Ngọc Tân – Zingnews, 5/8/2021

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận thêm hàng chục chiếc xe cứu thương và taxi cấp cứu để phục vụ vận chuyển F0 trở nặng.

Bên trong chiếc taxi được chuyển thành xe cấp cứu F0 ở TP.HCM: Mỗi chiếc taxi chuyển đổi thành xe cấp cứu được trang bị 2 bình oxy, 10 ống thở, 2 máy SpO2, và nhiều thiết bị y tế. Trên xe có 1 tài xế và 2 nhân viên y tế theo hỗ trợ.

clip_image066Chiều 4/8, 15 chiếc taxi được đưa đến Nhà thi đấu Phú Thọ để lắp đặt bình oxy. Những chiếc taxi này nằm trong số 200 xe được hãng Mai Linh bàn giao cho Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM để phục vụ chuyển bệnh nhân Covid-19 trở nặng.

clip_image068

Trước đó, 25 xe taxi đã được trang bị bình oxy, máy đo SpO2 và bộ xét nghiệm nhanh để đón bệnh nhân Covid-19. Đi kèm theo mỗi xe là một tài xế tình nguyện.

clip_image070

Tài xế được tập huấn kỹ năng sử dụng bình oxy, mặc đồ bảo hộ và kiểm soát nhiễm khuẩn trước khi nhận việc. Họ sẽ đến các trạm y tế tuyến quận, huyện để tham gia vận chuyển F0 khi có lệnh điều động của địa phương.clip_image072

Trao đổi với Zing, bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết trung tâm đã huy động được hơn 100 xe cứu thương chuyên dụng và nhiều xe taxi cải biến cho nhiệm vụ cấp cứu. Trong ảnh là các xe taxi cấp cứu của Mai Linh, 5 xe cấp cứu được chi viện từ 115 Đà Nẵng và 8 xe cấp cứu do đơn vị tổ chức giải đua xe Công thức 1 năm 2020 tài trợ.

clip_image074

8 chiếc xe cấp cứu hiệu Mercedes này vốn được nhập về Hà Nội để phục vụ giải đua xe Công thức 1 năm 2020. Sau khi giải đua bị hủy bỏ, đơn vị tổ chức đưa xe vào TP.HCM.

clip_image076

Những chiếc xe này sẽ được đăng kiểm, cấp biển số trước khi đưa vào vận hành.

clip_image078

Ngoài ra, 5 kíp xe từ Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng đang phát huy hiệu quả khi "tác chiến" tại vùng dịch TP.HCM. Nhân viên theo xe là những người có kinh nghiệm phục vụ F0 tại tâm dịch Đà Nẵng năm 2020.

clip_image080

Bên cạnh các loại xe cấp cứu thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, việc vận chuyển F0 còn có sự góp sức của các tài xế xe cứu thương 0 đồng. Họ là những cá nhân sở hữu xe cứu thương chuyên dụng, đăng tải số điện thoại của mình lên mạng xã hội để tìm các bệnh nhân cần giúp đỡ.

KHÁNH LY | KHI XA SÀI GÒN (LÊ UYÊN PHƯƠNG)

ẢNH Minh Hòa

Em ơi... hãy lắng nghe

Em ơi... hãy lắng nghe, nghe thành phố thở...

SaiGon của mình đó! Con đường ẩm thực hằng đêm luôn đông đúc quanh năm vào những ngày thường, nay nhường lại không gian tĩnh lặng, thi thoảng chỉ vài tiếng xe, hai hàng cây Dầu thẳng tắp, yên tĩnh đến nỗi chỉ nghe tiếng lá gió lay xào xạc, những ngọn đèn xanh đỏ vẫn theo chu kỳ... tích tắc...

...em ơi... hãy lắng nghe, nghe thành phố thở...

- Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ -

SaiGon đêm "giới nghiêm" thứ 11

Aug 4, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

clip_image082