Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Vé trở về (kỳ 9)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

20. Núi Sọ

Từ núi Sam sang núi Sọ, đường dài chừng bốn chục cây số, đương nhiên núi Sọ là tên của mi đã tự đặt, nếu hỏi ai đó về núi Sọ, có lẽ câu trả lời nhận được sẽ là điên đến quỷ khốc thần sầu. Núi Sam nếu nhìn từ đằng xa, nó giống như một con sam nằm ngủ quên trên cánh đồng Châu Đốc. Đó là về hình dáng bên ngoài, kỳ thực, nơi đây từng mang dấu vết kỷ hà tiền sử nào đó, những tảng đá núi vẫn còn đọng lại rất nhiều vỏ sam. Mi không hiểu các nhà khảo cổ có quan tâm, từng đến đây hoặc các nhà địa trắc học có từng tìm hiểu cặn kẽ về những gì mi được nghe từ một người chạy xe ôm hay không. Bởi đôi khi người xe ôm không có chút tri thức nào về khảo cổ hay địa trắc học kia lại có cả một thế giới trong lòng ngọn núi này. Cái thế giới truyền khẩu từ rất nhiều đời, cái thế giới đã cứu sống, cưu mang gia đình và xóm làng dựa vào niềm tin huyền bí nào đó sau mỗi đợt cáp duồn (chữ phiên âm của Cap Yuon, tức giết bọn người Việt. Một ám chỉ đầy cay độc của người Khmer từ Cam Pốt nhắm vào người Việt lưu dân).

Và cũng chính mấy chữ cáp duồn này đã để lại một núi sọ mà cho đến lúc này, nó vẫn là một ẩn số với rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Nó cũng bí ẩn như cung đường từ núi Sam sang núi Sọ. Một cung đường vắng người, có những cây cọ và thốt nốt mọc giữa ruộng lúa, bên bìa rừng. Thốt nốt là loài cây đặc sản của người Khmer, họ dùng nước và cơm thốt nốt tán nhuyễn nấu thành đường. Nước thốt nốt là một loại dưỡng chất khá ngon nhưng nó khác xa với nước dừa. Nếu như nước dừa lấy từ trái, cơm dừa cũng lấy từ trái thì nước thốt nốt lấy từ thân cây. Người ta bắc một cái thang cao chót vót lên ngọn thốt nốt, làm cho cây bị thương một chỗ nào đó có thể hứng mủ tốt nhất, và treo một thùng nhựa hay thau nhựa bên dưới, chừng hai ngày sau, nhìn lên cây, thấy vết thương đã lành, nhựa thốt nốt không chảy nữa thì người ta trèo lên cây, đưa mấy lít nhựa cây vừa lấy được xuống để uống. Đương nhiên, người ta hái những trái thốt nốt và bổ nó ra, cho vào nước để vừa ăn vừa uống giống như ăn cơm nước dừa. Vị thốt nốt hơi lạt, mềm và hăng so với dừa, nước thốt nốt cũng ngọt lợ, hơi bay mùi hăng hắc.

Thi thoảng, những ngôi chùa cổ, chùa xây hình mái có chóp nhọn hoắc lên trời, nó không giống những ngôi tháp ở các chùa phía Bắc, nhiều người cho rằng mái chùa mô phỏng những mũi đao, nhưng cũng có người cho rằng nóc chùa nhọn hoắc như vậy là một kiểu hình dung cây ăng teng có thể thông thiên giữa con người với vũ trụ, giấc mơ tự độ của các sư sãi dòng Phật Giáo Nguyên Thủy đã ký thác trong kiến trúc chùa. Thực sự, mi thấy những ngôi chùa này rất đẹp nhưng có chút gì đó lạnh lùng, bí mật và hơi dữ tợn, nhưng mi không thể hình dung được sự dữ tợn này ra sao, mi chỉ có cảm giác hơi ớn lạnh khi bước vào khuôn viên chùa, nơi các chú tiểu và các sư mặc áo cà sa không phải theo kiểu áo bá nạp may ghép từ trăm mảnh vải của dòng tu phía Bắc, mà đó là y vàng, bằng một mảnh vải vàng khá dài quấn quanh thân thể, chừa lại một bờ vai. Những ngôi chùa như thế này có mặt khắp xứ Châu Đốc, An Giang. Nhưng có vẻ như ngôi chùa gây ấn tượng mạnh nhất với mi chính là chùa ở Ba Chúc, nằm cách núi Sọ chưa đầy trăm mét.

Nơi mà núi được hình thành từ những chiếc hộp thủy tinh cũng như lòng thù hận, nỗi chua chát và cả sự trêu ngươi chính trị. Một ngọn núi không phải là núi nhưng đích thị là núi. Nó có gắn những chiếc camera.

Nó cũng giống như một ngôi chùa không phải là chùa nhưng đích thị là chùa.

“Thưa, ở đây có sư trụ trì không ạ?” – mi hỏi một vị trưởng lão.

“Không có, chùa ở đây không có nguyên tắc trụ trì, mà trụ trì là chấp nê, sau này mới có khái niệm đó, bởi thực ra ở đây là tịnh xá, đã là tịnh xá thì làm gì có trụ trì. Tịnh xá là nơi tu tập của chư tăng. Đến rồi đi, đi rồi đến, cảm nghiệm, chiêm nghiệm và tư lự để tìm đến đại ngộ, không chấp thủ. Đã không chấp thủ thì làm gì có trụ trì!”.

“Cụ nói hay quá. Lần đầu tiên con gặp một vị trưởng lão có cách nhìn về Phật Giáo như cụ!”.

“Cái này ai cũng biết, riêng gì tôi đâu! Nhưng anh đến đây để làm gì?’.

“Dạ, con muốn tìm hiểu về núi Sọ”.

“Núi sọ nào hè? Tên nghe lạ quá!”

“Dạ, bên kia”.

Mi nói và chỉ tay sang phía ngôi nhà mồ hình hoa sen, nơi có chứa 1.159 hộp sọ và các bộ xương. Hằng năm, người ta xử lý định kỳ cho các hộp sọ và các bộ xương bằng một chất chống vôi hóa và tẩy cho trắng ra bằng một thứ hóa chất tẩy rửa. Những hộp sọ này của người dân làng Ba Chúc, chính xác hơn là dân thôn Ba Chúc. Họ đã bị giết sau một đêm, khi Pol Pot đưa các sát thủ sang đây cáp duồn. Hình như chỉ còn vài người sống sót nhưng không lành lặn. Họ bị tổn thương tâm lý lâu dài. Nhất là sau khi quay trở lại thôn, nhìn thấy một núi xương và thịt đã có ruồi nhặng bâu bám, người ta không thể nhận dạng được ai nữa. Và chùa Ba Chúc, người ta suy nghĩ rất nhiều về ngôi chùa này, bởi lúc đó, tiếng nói của các vị sư chỉ có thể may lắm thì cứu chính các ông, dường như các sư không thể che chở cho người dân. Bọn giết người đã dùng đai cuốc và rựa, gậy để giết những người đàn bà, trẻ con ngay trước sân chùa. Hình như cũng từ đó, không có sư nào nhận trù trì chùa Ba Chúc.

“Anh là nhà báo à” – vị trưởng lão nhìn mi dò xét, ánh mắt của ông ta ánh lên một thứ ánh sáng nào đó rất quái gở. Mi thấy điềm chẳng lành đang vây quanh mi.

“Dạ không, con là một khách du lịch, muốn tìm hiểu thông tin thôi!”.

“Vậy ai cho phép anh ghi hình?”.

“Dạ, xin lỗi cụ, con không biết rằng ở đây không cho phép ghi hình. Con chỉ ghi hình để làm kỷ niệm thôi!”

“Anh cần hỏi gì, cứ hỏi tôi!”.

“Dạ, con muốn biết lúc vụ thảm sát xảy ra, cụ được bao nhiêu tuổi và cụ có chứng kiến cảnh này không?”.

“Cái này… lẽ ra anh phải trình giấy phép trước khi hỏi. Bởi ở đây chúng tôi không thể trả lời bất cứ điều gì cho anh, kể cả việc ghi hình, anh cũng phải xóa đi gấp. Tôi không muốn trả lời đâu. Vì tôi không biết gì cả! Mà rốt cuộc anh là ai? Anh có thẻ nhà báo không?”.

“Dạ, không phải, con không phải nhà báo thưa cụ. Con là khách du lịch thôi. Con muốn bổ sung thêm những khoảng trống kiến thức”.

“Ở đây đã có chỉ đạo, nếu là nhà báo thì phải có thẻ hành nghề và giấy giới thiệu. Nếu là khách du lịch thì mọi chuyện cứ tự tìm hiểu và không được ghi hình chùa, anh thông cảm!”.

Vẻ mặt ông cụ sắc lạnh. Dường như có sự tương phản rất rõ giữa vẻ mặt hiền từ, hồn hậu và có chút gì đó siêu thoát cách đây vài phút với vẻ mặt lúc này, nó có vẻ nặng nề và đang treo móc một thứ gì đó rất tối. Mi tạm biệt ông cụ, mi có hơi lo lắng bởi không biết phía sau sự nóng nảy và hoài nghi kia còn có điều gì khác. Bởi sống và tồn tại giữa xứ sở mà người ta có thể bị cáp duồn bất kỳ lúc nào, người ta buộc phải tự trang bị cho mình sự hoài nghi và khả năng chiến đấu để bảo vệ mạng sống. Mọi thứ bây giờ có thể đổi khác bởi những bước phát triển đáng kể của ngôi làng này, từ một thôn nhỏ lẻ loi, nằm trên lằn ranh biên giới, Ba Chúc đã thay da đổi thị thành một thị trấn biên giới sầm uất, giàu có. Đương nhiên, sự giàu có vượt bậc của Ba Chúc vẫn không làm cho gương mặt u ám, chết chóc của nó được tươi tắn hơn. Mỗi bước đi, mỗi góc đường đều mang mang một thứ gì đó thật đáng sợ. Mi thầm cảm phục những người dân nơi đây, họ quá kiên cường và mạnh mẽ.

Làm sao họ có thể sống bên cạnh một nhà mồ mà trong đó có hàng ngàn hộp sọ và xương khô được bỏ trong tủ gương và trong hàng ngàn bộ xương khô và hộp sọ ấy, có người thân, họ hàng của họ. Mà không chừng vì lý do này, người ta trở nên đông đúc hơn, bởi người ta đã thấy tấm gương trước mắt, nơi mà nếu không đủ sức chống chọi một thứ gì đó thuộc về cừu thù của tổ tiên, người ta chỉ còn con đường chết. Không chừng, mỗi gia đình ở đây đã tự trang bị cho mình thành một tiểu đội chiến đấu, phòng khi có biến. Bởi quân khủng bố bao giờ cũng giống như một thế lực chính trị ngầm, cái khác giữa họ và thế lực chính trị ngầm ở chỗ hành động và thương thuyết. Các thế lực chính trị ngầm chọn thương thuyết nhiều hơn hành động và hành động của họ chủ yếu để đi đến thương thuyết, hiệp thương. Ngược lại, thương thuyết của kẻ khủng bố chính là hành động.

Mi tiếp tục đi băng qua khoảng sân rộng, ở đó có một ngôi nhà rộng chừng hai trăm mét vuông, gọi là nhà lưu niệm, trên tường nhà treo nhiều tấm ảnh đen trắng và ảnh màu mô tả cuộc khủng bố, mi rùng mình nhìn tấm ảnh núi xương lúc chưa được xử lý hóa chất để đưa vào nhà mồ. Người bán vé số tới mời mi mấy tấm vé và bà bắt đầu làm một hướng dẫn viên. Bà dắt mi tới chỗ người ta đặt các cây gậy tầm vông đen đúa, những cái búa và cuốc. Bà nói rằng đây là vũ khí mà nhóm cáp duồn đã dùng để đánh người dân Ba Chúc cho tới chết. Bà nói rằng ngoài những người từng là nhân chứng nổi tiếng ra, bà cũng là một nhân chứng không được nhắc tới. Lúc xảy ra trận giết chóc, bà được tám tuổi, bà chạy miết lên núi, từ hang núi nhìn xuống, bà thấy làng mình cháy ngùn ngụt, đương nhiên bà không nhìn thấy cảnh giết tróc. Và chỉ nhớ là ba ngày sau, đói quá bà quay về làng nhưng không còn thứ gì để ăn, mọi thứ đều bốc mùi tử khí. Bà đã bị lộn ruột liên tiếp ba ngày. Bà cũng không tìm đâu ra căn nhà của mình trong thôn, bởi lúc ấy mọi thứ đã thành bình địa. Bà chỉ tay xuống mặt đất trước mặt bà “Đây nè, chỗ này là điểm bắt đầu của gò xác người, tới đằng kia, chỗ cây phượng đang trổ bông, nó là đỉnh gò, cao phải năm người chồng lên nhau. Khiếp lắm!”.

Mi nhìn ra cây phượng vĩ, nó đang mùa trổ bông, nhưng sắc hoa của nó nhợt nhạt, nó giống như máu của người bị thiếu sắt, nó không đỏ rực rỡ như những cây phượng bình thường. Mi chớm rùng mình vì những bông phượng long lanh nước, nó như ánh mắt hàng trăm người đang khóc, sau một trận mưa.

*

“Ở đây quanh năm suốt tháng, nghe toàn mùi nhang đèn, mình cũng thành người cõi âm” – người bảo vệ khu nhà mồ nói với y.

“Có mấy người bảo vệ giống như anh?”.

“Một mình tôi”.

“Nhang đèn và lễ vật ở đây do anh cúng?”.

“Không phải, đây là của khách thập phương. Phía trước có một quán cơm chay và cơm mặn, người ta có thể mua cả hai loại cơm vào đây để cúng. Đương nhiên điều này không được cho phép. Nhưng anh thử tưởng tượng khi mình bị nguyền rủa nếu không cho họ cúng?”.

“Ai cúng? Người thân của…?”.

“Không phải, hầu hết những cái sọ trong này đều không còn người thân. Bởi người thân của họ đã dồn tụ ở đây, trong những chiếc tủ gương. Hằng năm có một ngày giỗ, vào mười sáu tháng ba âm lịch. Ở đây không ai có người thân để cúng đâu, chết hết rồi. Người trong làng sau này đều từ Bắc vào, từ Trung vào”.

Y xin phép người bảo vệ tới thắp một nén nhang ở bàn thờ trung tâm. Một bàn thờ hình chữ nhật như bao bàn thờ khác, không có gì lạ. Chỉ khác là bàn thờ đặt ở trung tâm đóa hoa sen. Khu nhà mồ được xây hình đóa hoa sen, sơn màu trắng, một đóa hoa sen trắng có đường kính chừng ba chục mét, bên trong mỗi cánh sen là một cái bệ, đặt một hộp gương, bên trong hộp gương chứa chừng hai trăm sọ người, có những hộp gương chỉ chứa xương. Những hộp gương được đánh số thứ tự mà y không hiểu cái số thứ tự đó mang ý nghĩa gì. Y nhìn những hộp sọ trắng, y không thấy sợ, y chỉ thấy một nỗi buồn nào đó rất khó tả. Y chỉ thấy những hộp sọ này thật tội nghiệp và hiền lành. Những hốc mắt như đang nhìn y, y thoáng rùng mình khi nghĩ tới chiếc camera đặt trên tường phòng nghiệp vụ mà y từng ngồi làm việc vì một bài báo.

Y vái bốn phương tám hướng rồi quay ra. Y lấy làm lạ vì nơi đây có những quán cơm bán cho khách thập phương, họ chèo kéo khách mua cơm vào cúng các hộp sọ. Người mời vé số cũng mượn các linh hồn để nói rằng hãy mua một ít vé, các linh hồn ở đây sẽ phù hộ cho trúng độc đắc. Nhìn chung, người ta đến đây để cầu lộc, cầu tài nhiều lắm, không biết lộc tài có đến hay không nhưng nghe ra, mọi thứ có vẻ như chỉ xoay quanh hai chữ này, lộc và tài. Lòng lân mẫn hình như cũng không nhiều cho mấy, bởi mọi thứ đã chai lì.

“Vì sao không chôn đi mà cứ để ở đây vậy chú?” – y hỏi người chạy xe ôm.

“Đây là bằng chứng của tội ác, em nghĩ là vậy. Nhà mồ như một bằng chứng lớn về tội ác diệt chủng của Khmer đỏ. Và có thể, nhà nước mình đã tính đến chuyện bằng chứng này, bởi sau chiến tranh, nếu không đủ mạnh, người ta sẽ bị trút toàn bộ tội ác chiến tranh lên đầu. Không chừng nạn nhân bị biến thành kẻ chủ mưu. Em nghĩ, nhà mồ như một bằng chứng”.

“Phiên tòa xử tội ác nhà Polpot cũng đã diễn ra, sao vẫn chưa trả những người chết về với đất?”.

“Ở trong nhà mồ tốt hơn, được hưởng chính sách chăm sóc hằng năm của nhà nước, được nhang khói và được có ngày giỗ do nhà nước, do đảng tổ chức. Giờ nếu cải táng, lại mất đi một quỹ đất rất lớn làm nghĩa trang. Em nghĩ để trong nhà mồ tốt hơn, được một công đôi chuyện”.

Y im lặng, y không thể hỏi thêm được câu nào khác, vì y nghĩ rằng không cần thiết để hỏi thêm câu nào nữa. Lúc này, trời bắt đầu nhá nhem tối. Đường từ Ba Chúc về Châu Đốc khá xa, băng qua những cánh đồng biên giới, đi dọc theo kinh Vĩnh Tế. Thi thoảng, giữa đồng không mông quạnh có vài xóm nhỏ lẻ loi, chừng mươi nóc nhà. Y đoán có lẽ đây là những cư dân mới, họ khai hoang, làm nhà và xin cấp sổ đỏ, bởi đất trong thành phố đã quá chật hẹp và đắt đỏ, chỉ có những cánh đồng ở những nơi hiểm hóc và hiu quạnh như thế này mới có cơ hội có được cái nhà. Đương nhiên mọi thứ nguy hiểm thì không nên nhắc tới. Mưa, y lấy làm lạ trước một trận mưa biên giới, nó như xối xả và kéo dài nhì nhằng, mưa dữ tợn và hiu quạnh. Y vuốt mặt.

Mưa nhập nhoạng, những đốm tối làm y nhớ tới những hốc mắt buồn bã và lạnh lùng, y không thấy sợ, y chỉ thấy buồn. Và y càng buồn hơn khi nghĩ tới những ánh nhìn.

21. Chiêm bao

Gương mặt của vị trưởng lão lúc chiều lại hiện ra, lần này, ông có nét rất giống gương mặt người đàn ông trong giấc chiêm bao trước đó, cũng râu dài, tóc bạc và cũng có vết thương ở bụng, cái chân bị gãy. Nhưng có vẻ như nét cương nghị đã thay thế bằng vẻ giận dữ. Ông bước qua những hòm chứa các ống xương, trong lúc này có vẻ như bản thân ông cũng là một bộ xương được phản chiếu và kết tạo bởi hàng ngàn bộ xương khác. Nhưng mi không hiểu vì sao ông lại có một vết thương nơi ổ bụng, nói đúng hơn là một vết rạch khá dài và chân ông bị gãy. Chòm râu trắng, bạc phơ của ông ánh lên màu sáng bạc và hình như ông đang nhìn mi, mỉm cười độ lượng trong chốc lát.

“Tại sao ông bị… cái chân…?”. Mi cố lấy hết sức mở miệng để hỏi, dường như là hỏi để khỏi sợ hãi hơn là hỏi để biết vì sao. Ông mỉm cười, không trả lời. Ông lẳng lặng đi tiếp, mi đi theo ông, ông bước đi thong thả và có vẻ như cái chân gãy không tồn tại, không phát huy hiệu dụng hay tính năng gãy của nó. Điều này khiến ông bước đi khoan thai, ung dung. Ông ngồi xuống mép nước, bên cạnh một hồ cá, chiếc áo đại cán màu cháo lòng của ông bê bết máu trên cỏ ướt. Ông lấy thuốc lá ra hút và thi thoảng búng vài hột cơm khô xuống hồ cá, đàn cá quẫy đuôi đớp mồi. Điều này làm gương mặt của ông giãn dần ra và thoáng một nụ cười hơn mỉm. Ông đốt thuốc liên tục. Thi thoảng, ông lại ngoái nhìn ngôi nhà sàn của mình. Một ngôi nhà sàn nhỏ, đơn sơ nhưng rất sạch sẽ nằm trong một vườn cây, có đủ loại cây cả ba miền,mát rượi, lá tre được quét dọn sạch sẽ. Ông cứ ngồi lim dim nhìn đàn cá rồi lại nhìn vào nhà sàn. Mi cố gắng tiến đến gần để hỏi thăm ông một chuyện nhưng không tài nào tới gần ông được. Mi càng cố gắng tới gần thì đôi chân của mi như dán cứng vào nền đất. Cho đến lúc ông đứng dậy, đi về phía mi, mi toan bỏ chạy thì không kịp nữa rồi. Mi cũng không hiểu vì sao mi bỏ chạy, vì ông chỉ nheo mắt cười với mi trước khi đi vào nhà sàn. Dường như sau lưng ông là cả một dải hào quang dài chảy theo và nhanh chóng đổi màu thành một dải khói đen rất khó hiểu. Mi lẻn vào nhà, lúc này không có khó khăn nào với đôi chân. Ông không ngồi bên cửa sổ nhìn ra như mi hình dung mà đi tiếp về phía đường xuống bếp, ở đó có một đường dẫn ra một ngôi chùa nổi trên mặt nước. Ngôi chùa khiến mi nhớ tới phim Xuân Hạ Thu Đông. Tiếp tục bước đi, con đường trở thành một đường hầm mát lạnh, trong hầm người ta cũng trồng cây xanh và hoa quả, có những con sóc nhỏ chuyền cành và thi thoảng có một con chuột chạy ngang qua lối đi.

Cụ già dẫn mi đi đến một căn hầm lạnh, chính xác hơn là một phòng lạnh trong hang núi. Cụ chỉ tay, mi nhìn theo hướng tay, có một ai đó đã đặt một chiếc hòm thủy tinh trên một tảng đá. Bên trong hòm thủy tinh chứa một xác người. Mi nhìn kỹ, xác một cô gái da dẻ hồng hào, tuổi chưa đầy đôi mươi, cô không có mảnh vải nào trên người, dường như cô nằm chết trong trạng thái mỉm cười, mãn nguyện về một điều gì đó diễn ra trước khi cái chết ập đến. Đôi mắt cô nhắm nghiền, hai nhũ hoa của cô hồng phớt, bầu vú không đến nỗi quá to nhưng nó cũng có dấu hiệu vượt xa tỉ lệ chuẩn so với kích cỡ cơ thể cô. Mi đặc biệt chú ý đến chòm lông đen mượt, có đính mấy hạt kim cương hay tuyết gì đó, và các hạt kim cương rải đều từ khóe miệng cô xuống ngực, xuống rốn và xuống chỗ chòm lông đen. Một màu đen mượt khiến mi nhớ đến những con mèo đen hay kêu gào mỗi khi chúng làm tình ở sau vườn.

Mi rất sợ tiếng mèo kêu đêm. Nó khiến mi nghĩ đến những con người không có thật trên mặt địa cầu và họ có thể hiện ra bất kỳ giờ nào để trao một điềm gở nào đó cho loài người. Mi định đi lui nhưng không kịp nữa, ông cụ tiếp tục bước đi và mỗi bước đi của ông như có lực hút, rút mi bước tới. Cho đến khi núi Sọ hiện ra, một ngọn núi sừng sững, đẹp như một bức tranh, hoàng hôn trải một lớp ánh sáng cam và tím tía lên nó. Mi muốn reo lên vì được nhìn thấy một kiệt tác. Thế nhưng chân mi dẫm vào một thứ gì đó, ướt át và lạnh. Mi nhìn xuống. Mi không thể tin được, một chiếc hộp sọ, trơ hai hốc mắt nhưng vẫn còn dính một chòm râu của ông cụ lúc ban nãy. Mi kêu gào vì sợ hãi.

*

“Đó chỉ là một giấc chiêm bao, nó làm anh khiếp hãi…” – nàng nói và nắm lấy tay mi đặt lên bầu vú của nàng. Điều đó giống như một người mẹ đang an ủi con mình mỗi khi đứa bé bị hốt hoảng.

“Nhưng không hiểu vì sao anh chỉ mơ thấy toàn chuyện hộp sọ và thi rớt, trễ học, bị gạch tên khỏi đoàn trường!”.

“Cái này khó nói quá, nhưng anh cũng không cần giải mã nó đâu, nhiều khi đó là những vết rạn phân tâm học thôi, không có gì đáng lo đâu!”.

“Ừ, anh hiểu…!”.

Nàng đặt ly cà phê trên bàn rồi im lặng bỏ đi, như mọi ngày, nàng ít nói và chỉ nói những gì khi mi cần nghe. Mi nhấp một ngụm cà phê, cái cảm giác miên man khi ngồi cà phê ở một góc quán cóc trên đỉnh sương mù Hoàng Thu Phố ập đến, mặc dù ngoài trời không có chút lạnh nào cho mi.

Những gốc chè tuyết sơn ngàn năm tuổi, mi nghĩ là nó không tới mức ngàn năm tuổi, nhưng chắc chắn nó không dưới vài trăm tuổi, du lịch đã đắp thêm cho nó vài trăm tuổi để hút khách, da của nó sù sì và tán lá rộng của nó cũng cong cớn, uốn lượn, thân của nó rắn chắc, có cảm giác nó phải cứng như sắt.

Vàng A Thồi nói rằng vườn chè là của gia đình anh, trước đây có tới vài ngàn cây trên một ngọn đồi. Nhưng sau này, có một thời gian không ai màng tới chè tuyết sơn, người ta còn cho rằng chè của dân tộc thiểu số mang hơi mọi rợ, uống chẳng ngon. Đồi chè bị chặt dần để làm củi đốt, cho đến khi người ta than phiền quá nhiều về các đồi chè dùng thuốc hóa học của Trung Quốc. Vậy là chè tuyết sơn trở nên có giá, người ta mua với giá rất cao. Nhưng lúc này, đồi chè của A Thồi chỉ còn lác đác mấy chục cây. Nó trở thành gia tài của dòng họ.

Và câu chuyện trở nên xấu đi khi có một người Trung Quốc xuất hiện, xúi đứa cháu họ trong nhà anh bán bớt một gốc với giá vài trăm triệu đồng. Nó đã lén bán, sau đó anh không cho bán những gốc còn lại. Nó bắt đầu tìm hiểu về luật thừa kế và kiện anh, đòi chia cho nó năm gốc. Vậy là anh phải mời cả gia tộc và công an đến để phân chia nhưng bắt nó viết một cam kết không được bán, chỉ được hái chè, vì đây là gia bảo của dòng tộc, nó gật đầu đồng ý. Khi mọi thứ ký đấm đã xong, nó lại kêu người tới bán với lý lẽ rằng của nó, có toàn quyền quyết định. Vậy là anh phải nhờ đến công an kiềm chân nó chậm bán và xin ngành văn hóa du lịch công nhận đây là tài sản của tỉnh. Thằng cháu không bán được những gốc chè, đâm ra oán A Thồi. Anh lại có nỗi lo khác. Một khi cả gia đình chấp nhận đây là tài sản của tỉnh, mối nguy nó bị trưng thu hoặc tác động giống như nhà của vua Mèo là rất cao. Mọi thứ đều mang đến mối lo mơ hồ, núi rừng không còn tĩnh lặng như xưa.

Nàng nói rằng mọi tộc người thiểu số, thậm chí người Việt cũng bắt đầu tự biến mình thành một cái cây trang trí trong khu vườn du lịch. Điều đáng sợ nhất đã đến, bởi có hai thứ mà ngành du lịch chưa bao giờ để ý, và cả những người làm du lịch đều không nghĩ tới hoặc cố tình bỏ qua. Bởi du lịch trên xứ sở này người ta đến vì hai thứ, đó là bề dày lịch sử phong kiến và chiều dài cộng sản đương đại, nếu mất hai thứ này, e rằng núi rừng hay cảnh quang không còn hấp dẫn cho mấy.

Bởi không phải chỉ Việt Nam mới có vịnh Hạ Long, cũng không phải mỗi Việt Nam mới có biển, núi rừng hay các lăng tẩm, đền đài. Tất cả những thứ đó có thể tìm ở nơi khác. Nhưng một khi nó gắn với bề dày lịch sử của những triều đại luôn cố gắng bứt thoát ra khỏi đô hộ phương Bắc thì câu chuyện trở nên ly kỳ và máu lửa, thậm chí, đôi khi du lịch được rủ rê bởi những bóng ma lịch sử. Nhưng, nếu chỉ những bóng ma không thôi cũng sẽ không bao giờ đủ sức quyến dụ người ta nhiều đến vậy. Thử nhìn Cuba sẽ thấy ngay vấn đề, chỉ cần Cuba mở rộng chính sách, mở cửa du lịch thì chắc chắn lượng khách đổ bộ vào Cuba không hề ít, thậm chí còn nhiều hơn cả Việt Nam. Người ta đến không phải vì hiếu kỳ cảnh quan không thôi mà người ta muốn trải nghiệm ở cái nơi mình có thể bỏ tiền ra sống một cách an toàn, tự do trước một cộng đồng vốn đã quen trong độc tài, thậm chí người ta muốn trải nghiệm đời sống của xứ sở độc tài. Điều đó cũng giống như người Việt chạy lên núi để tìm một gia đình H’mong hay Tày, Nùng nào đó để sống, trải nghiệm và tìm hiểu những luật lệ khắc khe của đồng bào vùng cao, của tộc trưởng. Sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi của du lịch Việt Nam nằm ở chỗ này, tức là trải nghiệm mọi thứ một cách tự do, đáng đồng tiền bát gạo trong một xứ sở độc tài mà không lo bị ám sát hay mất mạng. Nạn trộm cướp hay giật dọc thì xứ nào chả có, vấn đề là con người càng ngày càng thích ăn ngon, ngủ yên, thưởng thức gái đẹp, gái xứ độc tài càng quyết liệt ái tình.

Mọi thứ gần như đóng băng, ngành du lịch cũng đóng băng, gái điếm trở nên ngoan hiền và hiếu đạo hơn mọi năm, bởi thời gian đi ra đường không nhiều, khách cũng chẳng là bao, thôi thì quanh quẩn ở nhà với mẹ già con thơ, ngày rằm mồng một lại đi chùa, may mắn thì chim được thầy, mà thời bây giờ, có ai giàu hơn thầy chùa. Một năm dịch kéo qua dường như mọi ngành kinh doanh đều đình trệ, trừ ngành kinh doanh chùa chiền. Một năm dài mọi thứ trôi qua như chiêm bao, người ta chiêm bao mình sống sót, chiêm bao mình giàu có, chiêm bao mình an toàn, chiêm bao mình vượt qua mọi tai ách, và cái thứ chiêm bao ấy cũng có thể đang bày trước mắt một cách rất chiêm bao.

(Còn tiếp)