Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Vé trở về (kỳ 2)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

3. Tìm

“Xin lỗi, anh có phải là anh Phúc?” – người đàn ông trạc năm mươi, dáng bộ mệt mỏi, hỏi y.

“Dạ, đúng, tôi là Phúc, anh…?”.

“Tao là Rô đây, mi Phúc ơi! Mi quên tao hả? Tổ cha mi!”.

“Tổ cha mi thằng Rô, tao tưởng mi chết rồi! Sao đi biệt không thư từ chi hết?”.

“Tao biết lõm bõm mấy chữ, qua bên đó tao quên luôn, đi làm suốt, có thời gian đâu mà viết thư. Lần này tao về thăm mẹ tao để bả dắt tao sang bên kia đèo thăm mẹ ruột, tao tìm ra cha tao rồi!”.

“Ồ, tao tưởng mi gặp ông ấy lâu rồi chứ!”.

“Đâu có, dân con lai qua bên đó, ở trong một khu vực dành cho con lai, có đứa được gia đình tới nhận, có đứa biết cha mình đó nhưng họ không nhận bởi vì họ có gia đình rồi, họ ngại nhận”.

“Ừ…!”.

“Nhưng tao chỉ mới nhận được hộp sọ của cha thôi!”.

“Là sao?”.

“Chuyện dài dòng lắm, thôi từ từ lúc nào tao kể!”.

Rô ngồi im lặng một lúc rồi nhìn y, coi bộ hắn có vẻ ngưỡng mộ y điều gì đó. Bất giác nó hỏi: “Vân đâu rồi, mi biết Vân ở đâu không?”.

“Vân hả, giờ nó ở xa rồi, tận Đài Loan kia. Hồi đó mi bóp vú nó, nó trốn ở nhà mất mấy ngày, sau đó nó đi tìm mi nhưng mi đi rồi, nó lại khóc. Mi ác quá, bóp vú con người ta rồi thả đó mà đi, chơi vậy ai chơi!”.

“Làm sao để gặp được Vân? Mi giúp tao với!”.

“Để làm chi?”.

“Tao vẫn tin là có ngày tao về cưới được Vân. Qua bên đó tao ở vậy tới giờ. Hồi đó biết vậy có vợ bên này rồi đi, qua bên đó tao làm việc quần quật, mà cũng chẳng có con nào ưa một thằng lao động không có chữ, bị xem là gánh nặng, lại kéo thêm cái gánh nặng cha mẹ nuôi sang nữa”.

“Mi nói vậy là sao, mi chưa vợ à?”.

“Qua Mỹ, nghe thì ai cũng thấy sướng, nhưng không phải ai cũng may mắn có việc làm đâu mày ơi! Nói thiệt với mày, nhiều thằng bạn con lai của tao qua đó ăn cơm tù suốt vì trộm cắp, xì ke, giật dọc… Tao may mắn có được chỗ làm việc. Những lúc buồn, tao nhớ Vân lắm, tao nhớ cái cảm giác khi tao… bóp vú nó, ánh mắt của nó, tao biết nó cũng thương tao nhưng nó sợ…”.

“Thương… thương cái đầu mày, Vân nó làm gái gần chục năm rồi mới sang Đài Loan”.

“Chắc có lẽ trong thời gian chờ đợi tao, nó làm gái”.

“Cái thằng này, mày điên hả, có ai chờ đợi người yêu mà tranh thủ làm gái chứ!”.

“Từ nhỏ mày đã được sống đủ ăn đủ mặc nên mày không hiểu đâu!”.

Y và thằng Rô trở nên gần gũi hơn từ lúc chuyển xưng hô từ bạn/tôi sang mi/tao rồi mày/tao, và hình như từ lúc đó, cái cảm giác bạn bè thân thiết hồi nhỏ cũng quay lại. Hình ảnh con Vân vòng tay trước ngực, run rẩy vì khiếp sợ sau cú bóp vú thô thiển của thằng con lai vừa mất dạy vừa tốt bụng này tự dưng trở lại…

*

Nàng, hình như đã hơn mười năm không về nước. Nghe đâu nàng đã có ba đứa con và chồng của nàng lớn hơn cha nàng ngót nghét một con giáp. Thi thoảng, nàng hiện diện ở gia đình, nhưng không phải là nàng mà thông qua căn nhà của cha mẹ và các em nàng. Một mái ngói đỏ phủ lên cái nhà lầu hai tầng đứng ngạo nghễ giữa làng của cha mẹ nàng, ấy là nàng có mặt, một căn nhà hộp có thêm chiếc xe ga dựng trước sân và tiếng nhạc xập xình karaoke làm cho bà con chòm xóm phát bực, ấy là lúc người ta mắng chửi nàng vì nàng đã gián tiếp làm cho họ mệt mỏi với tiếng ồn từ nhà em trai của nàng, tại nàng đã gởi tiền về cho họ làm nhà, mua sắm những thứ đó. Dường như nàng chưa về Tết bao giờ. Mà hình như các em của nàng, cha mẹ của nàng cũng không mong điều ấy cho lắm, họ mong sự hiện hữu của nàng bằng cái phiếu nhận ngoại tệ, bằng căn nhà cũng như sự nâng đẳng trong xã hội bằng cái xe, dàn karaoke nhiều hơn là sự có mặt của nàng.

Và hình như không riêng gì nàng, có rất nhiều cô gái khi lấy chồng ngoại quốc đều có tình trạng giống nàng, thậm chí các cô có chồng xa, ngay trong nước cũng có tâm trạng giống nàng. Nghĩa là họ ngại về thăm gia đình trong bất kỳ dịp nào, đặc biệt là dịp Tết, bởi đó là dịp đoàn tụ, ấm áp, nhưng họ không cảm nhận được sự đoàn tụ, ấm áp ấy, họ thấy lạc lõng khi cha mẹ, anh em lo bận bịu đi chúc Tết người khác và sự có mặt của họ chỉ làm vướng víu gia đình. Cay đắng hơn một chút là khi họ có mặt, nó không giống như cuộc gặp gỡ thân thương gia đình mà là một sự thụ động nộp thuế, họ phải đóng thuế cho gia đình từ tiền mừng tuổi cho đến quà cáp đắt giá, họ có thể bắt gặp cảm giác lạnh lùng, buồn tủi nếu không thực hiện được quy trình đóng thuế ấy bởi năm đó họ có ít tiền quá, làm ăn khó khăn. Cũng không hiếm người cha người mẹ đã tuyên bố thẳng rằng, đã về thì phải cho, phải có quà, nếu không cho không có quà thì đừng về.

Đôi khi, nàng nghĩ rồi buồn cho thân phận người phụ nữ Việt Nam, ngay trong gia đình chồng, họ cũng đóng vai trò như một cái máy đẻ thuê, khi về gia đình mình, họ như một trái chanh để nhiều người xúm vào vắt, vắt cho đến khi nào còn cái vỏ thì vứt. Chính bởi nàng từng chứng kiến bạn bè nàng vì quá nặng lòng với gia đình ruột thịt mà chấp nhận ly hôn, rời bỏ gia đình chồng để có tiền giúp cho gia đình, cũng tại người chồng không sẵn lòng chia sẻ. Để rồi lúc có tiền gia đình xun xoe, anh chị em bưng bê, mãi cho đến lúc hết tiền, sức khỏe xuống dốc thì cũng chính gia đình, anh chị em hắt hủi như một con chó ghẻ. Nàng thấy buồn cho nhân tình thế thái, nàng nhớ da diết Tết quê hương nhưng nàng chưa bao giờ muốn về.

Bởi mỗi khi Tết đến, dù không về rồi đó, nhưng nàng vẫn sợ tiếng chuông điện thoại từ quê nhà.

*

Y nói rằng y rất sợ tiếng mèo kêu đêm, bởi tiếng mèo đánh một thứ gì đó thức dậy trong y và nó ám gợi những bộ hài cốt, trong đó có bộ hài cốt không có hộp sọ mà ông cậu họ của y đã cất giữ trên gác gần hai mươi năm. Nghe đâu trong lúc MIA, một chương trình tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ hoạt động, thì ông này giàu lên nhờ những bộ hài cốt Mỹ. Cho đến khi ông mang bộ hài cốt cuối cùng ra điểm hẹn gần sân bay để giao cho đối tác thì tay buôn hài cốt người nước ngoài này đã khéo léo lấy mất chiếc hộp sọ và thẻ bài, lẻn đi mất, cho ông cậu họ này ngồi chờ cả một buổi trong quán cà phê với chiếc va li chứa bộ hài cốt không đầu. Ông ta không liên lạc được nữa nhưng vẫn hy vọng đến một lúc nào đó sẽ bán được phần xương còn lại để gỡ vốn. Và bộ hài cốt nằm chờ đợi trên gác xép căn nhà cổ gần hai mươi năm. Thi thoảng em gái và em rể của ông nghe tiếng sột soạt, tiếng rên đau. Họ nghĩ rằng mình mớ ngủ và thấy ác mộng gì đó. Chỉ riêng ông ta thì hiểu chuyện, nhưng ông nhất quyết phải gỡ vốn vụ này. Và trên hết là mọi cảm giác sợ hãi trong con người ông ta đã chai lì từ trong chiến tranh.

Tiếng mèo kêu cùng ánh mắt màu lân tinh, có lúc sáng đỏ dữ tợn của nó khiến y nghĩ tới hai hốc mắt trong hộp sọ, nó trống rỗng, vô hồn, nhưng dường như trong cái trống rỗng của nó lại chứa một đôi mắt khác, nó có thể dõi ánh nhìn ra mọi hướng và lắc lư theo mỗi bước chân người bị theo dõi. Những cái camera vô hồn kia theo đuổi người ta từ bãi tha ma cho đến cổng chùa, từ cổng trường cho đến ngã ba liên tỉnh, từ góc bếp gia đình cho đến hải đảo. Dường như nó chẳng từ một ai. Y nghĩ đến đây và rùng mình, bởi đâu đó có một tiếng mèo đang kêu gào, tiếng kêu gào không phải gọi bạn tình, mà nó như đang đánh lại một con vật nào đó, không chừng là một ánh theo dõi phát ra từ chiếc camera ấy.

Y từng nghe ông ta kể về những vụ ông cầm súng nã thẳng đạn vào đầu một ai đó, có thể là bịa mà cũng có thể là thật. Việc bịa ra câu chuyện giết người man rợ như một sự bù đắp cảnh ông ta nhìn thấy hồn ma của mẹ và em ruột mình mỗi đêm nơi bụi tre đầu làng, nơi bà đang ẵm con chạy trốn thì bị một trái nổ, tiêu tan mọi thứ. Cha ông đau buồn, nát rượu và chết sau đó không lâu, bỏ lại đám em loi choi với ông trong căn nhà cổ lợp ngói âm dương. Và chỉ riêng ông, đêm đêm, nhất là những đêm rằm, ông nhìn thấy mẹ mình ẵm em mình ngồi đong đưa ru, có khi trên ngọn tre, có khi giữa bụi tre và cũng có khi dưới gốc tre. Những lúc như thế, ông không sợ mà ông chỉ ứa nước mắt. Và có lẽ ông cũng căm thù Mỹ từ đó. Ông phải nuôi những đứa em mồ côi của mình. Để có tiền nuôi em, ông lại đi làm thuê cho một ga ra sửa xe chuyên sửa xe cho lính Mỹ, và những đồng tiền bo bao giờ cũng nhiều hơn tiền lương. Nhờ vậy ông có tiền để mua sách vở cho em.

Ông ghét Mỹ, ông căm thù Mỹ vì bom Mỹ giết mẹ và em ông, nhưng ông cũng tự thú nhận với mình rằng nhờ tiền Mỹ mà ông nuôi nổi em, và sau này, nhờ buôn hài cốt Mỹ mà ông trở nên giàu có. Cái mối tương hệ lằng nhằng ấy khiến cho ông vừa áy náy vừa thích thú trong việc cất giữ một bộ hài cốt không hộp sọ trên gác, điều ấy như một ấn chứng tâm linh nào đó trước vong linh mẹ và em của ông, mà cũng là một cuộc mua bán chứa đầy thù hận và máu lạnh. Nhưng, có lẽ với ông, nó đơn giản như một luật chơi của việc buôn bán. Mà sâu xa hơn, nó là một cuộc cách mạng. Nói nó là cách mạng kiểu gì, chắc chắn chỉ mỗi mình ông có thể hiểu và chấp nhận được nó! Ông chỉ ghét những con mèo hoang, vì chúng ưa lục lọi khi người ta đi vắng.

Còn với y, y rất sợ bọn mèo hoang, vì cái nơi bụi tre mà ông cậu kể rằng ông từng gặp mẹ, nhìn thấy mẹ và em ấy, y lại hay gặp hai con mèo kêu đêm, mắt của chúng sáng rỡ ánh lân tinh và nhìn y đầy quan sát, tinh nghịch. Chúng có lần chạy đến sát y, y sợ quá, hét lên một tiếng thì thấy chúng đã ngồi cách xa y hàng chục mét. Nhiều lần y thử dùng roi mây để hù dọa chúng nhưng vô nghĩa, càng làm vậy chúng càng hung hăng với y. Chỉ cần quất cây roi vào chúng thì liền sau đó thấy chúng từ đằng xa đang lao về phía y. Có lần y đi lòng vòng quanh bụi tre suốt một đêm để rượt và đánh nhau với hai con mèo hoang. Sáng hôm sau, người ta bắt gặp y đang ngồi bó rọ giữa bụi tre và phải chặt gần hết nửa bụi tre, dỡ toàn bộ các gốc tre đực mới mang y ra được. Sau lần đó, y sốt mê man, bà của y phải mang lễ vật đến chỗ bụi tre để cúng tạ. Y sợ những con mèo và tiếng kêu của chúng.

*

“Tao tìm được xác cha tao rồi, nhưng tao chưa tìm thấy nàng” – Rô nói, giọng nó nghe như đang nói với ai đó ở xa lắm chứ không phải đang nói với mi.

“Tại sao mày phải tìm thấy Vân? Để làm chi, giờ người ta chồng con hẳn hoi thì mày tới, thêm kẻ phá đám thôi!”.

“Mày là bạn tao, mày nói vậy coi như mày chẳng thương tao mà cũng chẳng hiểu tao!”.

“Hiểu là hiểu cái gì? Giờ ai cũng yên phận, mày nên có vợ!”.

“Ừ, mày nói đúng rồi, kể cũng lạ, tao phải yên phận!”.

Thằng Rô nói đến hai chữ yên phận nghe cứ như bị ai đó cầm cái búa tạ è lên cổ. Mi cũng đoán được vì sao hắn lại rơi vào trạng thái này, nhưng rõ ràng, mọi suy đoán chỉ chạm được lớp vỏ, chạm được những sù sì hay tì vết bên ngoài của sự việc hay sự vật gì đó. Mọi thứ vẫn rối mù kể từ ngày cái mùi da thuộc làm điêu đứng tháng Chạp.

Mi còn nhớ như in lần đó, Ba Mươi Tết, mẹ đã dắt mi ra thành phố để mua một đôi giày. Cái mùi da thuộc quyện với sơn aceton và xi thơm nức cả một con đường, hình như đường Hùng Vương thì phải. Hồi đó các con đường khác chỉ có mùi cá kho dưa, riêng đường Hùng Vương có mùi da thuộc quyện với mùi xi và sơn aceton. Hùng Vương được xem là con đường giàu có nhất thành phố. Lựa cả buổi mới được một đôi sandal vừa ý mà cũng vừa túi tiền, về nhà, mi mang được hai bữa thì mẹ cho thằng Rô bởi nó không có cha mẹ và nó không có ai cho đồ Tết, nó nhìn thèm thuồng quá, tội. Bữa sau, mi lại được mẹ dẫn đi mua cho một đôi giày mới, hình như đắt hơn một chút.

Lần đó, năm đó cũng là năm thằng Rô bị dượng ghẻ chính thức đuổi ra khỏi nhà, về ở với ông ngoại và các cậu. Nghe đâu hắn chịu cực đến độ lớn không nổi và bị đánh thường xuyên, bị mắng nhiếc đủ điều vì thân phận con lai của hắn. Có lần hắn ghé thăm gia đình mi và có ý nhờ mẹ mi xin hắn làm con nuôi, hắn hứa sẽ lao động thật tốt để gia đình có cái ăn, có tiền cho mi ăn học, miễn sao cứu hắn thoát khỏi gia đình ông ngoại hắn. Nhưng rồi cũng lần đó, mẹ hắn quay sang dắt hắn về, sau đó bán hắn được ba lượng vàng. Mi và hắn bặt vô âm tín từ đó. Mãi cho đến ngày hắn nói rằng mình đã nhận được cha. “Nhưng cha tao chỉ còn phần hộp sọ, do người ta thử ADN nên tao nhận được cha tao, cha tao chỉ còn một hộp sọ thôi”.

“Sao kỳ lạ vậy?”.

“Tao không biết, hài cốt cha tao do một đồng đội cũ mang về, nghe nói ông phải bay sang tận bên này để mua về và sau đó ông được MIA thanh toán lại các khoản phí, ông là ân nhân của gia đình tao bên đó”.

Nghe đến đây, mi mơ hồ nghĩ ra một điều gì đó vừa thuộc về linh cảm lại vừa thuộc về lý trí, nhưng chưa rõ dạng. Có một thứ gì đó khiến người ta rùng mình và ớn lạnh về cái thế giới người ta đang sống, đang hít thở mỗi ngày. Những thứ thân quen bỗng trở nên rất đỗi xa lạ, từ tiếng dế cho đến những con chim líu ríu sau vườn nhà mỗi sớm mai. Cái tràng âm thanh từng được xem là âm nhạc của đất trời ấy bỗng dưng có gì đó như lời than vãn hay kêu tội một ai đó, về sự tàn nhẫn và lạnh lùng của con người, về những cái cây bị lấy đi sinh mạng, về những con vật bị lấy đi sự sống, về những mạng người bị lấy đi hơi thở, và về cả những bộ xương bị lấy đi đôi phần…

Dường như con người lấy đi mọi thứ của đồng loại và thiên nhiên, không có thứ gì người ta từ, mặc dù sự lấy đi ấy cũng chẳng có nghĩa gì cho mấy.

4. Công điểm

Lão Niên từng làm cán bộ an ninh, ban đầu lão ấy làm tổ trưởng, quản lý một tổ nhỏ trong đội. Hồi sau năm 1975, người ta chia xã ra thành nhiều thôn, xã nhỏ chừng năm thôn, xã lớn lên đến mười thôn hoặc hơn. Mỗi thôn có năm đội sản xuất, mỗi đội sản xuất có năm tổ. Lão Niên làm tổ trưởng sản xuất kiêm tổ trưởng an ninh. Cũng xin nói thêm, Việt Nam từ những năm 1980 mãi đến năm 2010, phó chủ tịch xã sẽ kiêm trưởng công an xã, thôn trưởng kiêm trưởng công an thôn, đội trưởng kiêm đội trưởng an ninh và tổ trưởng thì kiêm tổ trưởng an ninh. Từ một tay tổ trưởng an ninh thôn không có tiền lương, chủ yếu sống nhờ xơ múi công lao động, thi thoảng có bão lụt thiên tai thì chấm mút vài gói mì tôm, cháo ăn liền hay vài cái quần áo cũ, vài ký gạo, quyền lực chủ yếu nhờ vào thứ luật chơi đấu tố ngấm ngầm, lão Niên lọt tọt lên đến chức phó công an huyện, một kỳ tích đối với mọi tay cán bộ. Người làm tổ trưởng an ninh kiêm tổ trưởng sản xuất là người chuyên ghi công điểm của người lao động và trong cuộc họp an ninh vào 16 âm lịch hằng tháng, tổ trưởng an ninh sẽ nêu tội người này, người kia, nạn đút lót cũng có từ thời đó.

“Tao chỉ cần lật bàn tay là mày chết!”. Đó là câu lão Niên đe dọa những ai không nghe lão. Mà nói được lão làm được. Bởi lão chỉ cần ghép tội phản động thì hết đất sống.

Vì hồi đó là ruộng tập thể, mãi đến năm 1995 mới có Khoán 10 giao đất cho dân, từ năm 1976 đến 1986, tất cả nông dân nếu có trâu bò được mua sắm từ chế độ cũ thì phải đem sung hợp tác xã, nhà nước sẽ ghi chú ngày, tháng đó ai nộp thứ gì, sau đó hợp tác xã giao lại trâu, bò cho người nào thấy hợp lý. Nhiều người được giao trâu bò nhưng lại sợ vì nhà toàn bà góa con nít, tiêu chuẩn hồng chuyên của họ khiến họ ôm con trâu hay cái cày mà chẳng thể làm gì được, họ chỉ mong sao có ngày bán được chứ ôm thứ của nợ này quá mệt. Ngược lại, các gia đình từng có trâu bò lại thấy thèm cầm cái cày, lại quay sang thuê lén, nói là cày giùm và trả tiền cho gia đình có trâu có bò.

Chuyện ghi công điểm thì miễn bàn, ông đội trưởng sản xuất sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều lại đạp xe ra ruộng, dựng xe trên bờ, tìm chỗ nào mát ngồi nhìn ra đám ruộng, đôn đốc sản xuất. Có khi nổi hứng, ông bảo các chị em đang cấy thi nhau hát hò khoan hay chơi trò hát “xì điện”, tức là người này hát một bài, nửa chừng bài hát thì dừng, đọc tên một người nào đó, người mới bị đọc tên lại đọc tiếp tên người khác, gọi là điện xì sang người khác, đến khi nào có người ngắc ngứ, không chuyển kịp thì phải hát, bài hát bắt đầu bằng chữ cuối của bài bỏ dở chừng, thường thì hát hò khoan. Đội trưởng đứng gật gù nghe, thi thoảng còn vờ đi qua chỗ chị em, lội xuống ruộng kiểm tra, thực ra là giả vờ vậy chứ mục đích chính là đi sờ mông các chị. Có chị nào đó hỏi “Ông Niên làm chi kỳ vậy”, lão Niên cười hềnh hệch: “Anh làm đội trưởng sản xuất”. Cái câu vừa nói vừa cười hềnh hệch kia tưởng ba lơn nhưng kỳ thực là đầy đe nẹt, rằng mày phải nhớ là chén cơm nhà mày đầy hay lưng là do tao, mày chọn cái mông hay chọn cơm. Câu nói này, sau mấy mươi năm, có một gã tàu chệt cũng sang Hà Tĩnh, hỏi dân miền Trung “Việt Nam cần cá hay cần thép?”. Cái kiểu kệch cỡm, hợm hĩnh và mất dạy thì ở đâu, trước sau gì cũng giống nhau.

Lão Niên, có lẽ thứ làm cho lão không bao giờ thui chột lý tưởng, thứ tạo nguồn cảm hứng vô tận để chịu mọi đắng cay nhục nhã, thứ khiến cho lão không còn thấy ê chề sau khi bị cấp trên mắng chửi, phải là việc này, việc đi trên bờ ruộng, nhìn chị em chổng mông cấy lúa và so sánh độ lớn nhỏ, độ múp míp giữa các cái mông. Và về sau, khi những đám ruộng không còn màu mỡ trong cái nhìn của trung ương, cán bộ địa phương đói rạt mồm, thứ làm cho lão thấy đời sống ý nghĩa, thăng hoa, quyền lực của một cán bộ là có thật, cho dù đói và chỉ dựa vào niềm tin; đó là thi thoảng, lão giả vờ lội xuống ruộng để kiếm tra tay cấy, kiểm tra chất lượng cấy, nhân lúc người ta đang chổng mông, lão sờ mông và làm như đang vịn lúc sắp ngã, nếu người ta giật mình thì lão xin lỗi, hỏi lão đang làm gì thì lão nói đang kiểm tra chất lượng cấy và lão là cán bộ an ninh, nghe tới hai chữ an ninh thì người ta sợ xanh mặt, không dám hỏi thêm.

Nhiều chị em quen với việc này nên xem nó như là chuyện đóng thuế cho lão mỗi ngày, nhờ đóng thuế như vậy mà nhà được thêm chén cơm bởi lão sẽ ghi tăng điểm cho những ai vui vẻ cho lão sờ mông. Những ai chống đối, vừa mất công điểm, tức điểm chấm chất lượng cấy, ví dụ như điểm cao nhất của một ngày lao động là điểm 10 thì quá hiếm, đa phần bị chấm ở mức dưới 5, hiếm lắm mới có 6. Nhưng ai cho lão sờ mông thì điểm lên đến 9, 10. Mười điểm tương đương với 2 ký lúa, đa phần làm ruộng mỗi mùa chỉ lấy 90 ký lúa, hiếm ai lấy được trên 100 ký lúa, ai mang ba, bốn bao lúa về thì đích thị là mối của lão Niên.

Những ai bị lão ghét thì lão theo dõi, chỉ cần ăn thịt một con gà cũng đủ mệt với lão. Lão sẽ lập luận rằng trong lúc đảng và dân quần quật xây dựng đất nước, tại sao lại sống xa xỉ, tại sao lại ăn thịt gà; và khi mắng nhiếc người ta, lão không quên đưa cái bịch ni lông có chứa lông gà ra. Không đợi người ta phân bua, lão đế tiếp rằng đây là tội chứ không phải lỗi, tội này có liên quan đến an ninh quốc gia vì ăn thịt gà thì làm tiêu mất nguồn vốn tập thể, mặc dù đây là con gà của gia đình người ta nuôi nhưng nó là vốn tập thể vì nó phải ăn lúa tập thể mới sống được, lớn được. Và hình phạt của lão là ghi trừ vài chục điểm, cấm xuất khẩu heo. Nói cấm xuất khẩu heo xin đừng nhầm rằng thời đó nông dân có nhiều heo để xuất khẩu, được vậy thì giàu to. Cấm ở đây có nghĩa là cấm mang heo ra trụ sở thôn mỗi khi có đoàn thu mua nhà nước về. Hồi đó cứ ba tháng một lần, đoàn thu mua nhà nước sẽ về đậu chiếc xe tải to đùng ở trụ sở thôn và toàn bộ heo của nông dân đều tập kết ở đây để cân, ghi lại họ tên chủ heo, trọng lượng con heo rồi chở đi. Nhanh nhất thì ba tháng sau, chậm cũng một năm, người bán heo mới nhận được tiền heo. Ngoài kiểu thu mua này, thỉnh thoảng có Bảy Đáp mổ heo lậu đi mua vào đêm khuya nhưng ít ai dám bán vì sợ an ninh bắt.

Hồi đó con heo là tài sản lớn trong gia đình, ngoài con heo, còn có thêm con gà con vịt. Nhưng nuôi ra rồi thì chỉ có một đường bán duy nhất là bán cho nhà nước, họ thu mua theo đợt và ghi sổ. Một khi tổ trưởng an ninh lên tiếng, không cho bán thì chỉ còn nước bán lậu. Mà tổ trưởng an ninh đã để ý thì đố mà bán lậu được, chỉ có cách lên quỳ lụy, xin xỏ thì may ra. Lão Niên từng hù không biết bao nhiêu người về vụ không cho bán heo, cứ mỗi khi lão cần một chai rượu hoặc cần con gà để ăn nhậu thì tới cuộc họp an ninh, lão đưa ra một danh sách sai phạm và kết luận những gia đình này có thể bị cắt tiêu chuẩn bán heo. Người ta nghe đến đó thì chỉ còn nước quỳ lụy, xin xỏ, và đương nhiên mai mang con gà chai rượu lén lút tới nhà, xin xỏ mong bỏ qua. Lão tỏ ra liêm khiết và thương xót, lão nói rằng bây giờ danh sách có nhiều người bị, nếu chỉ ưu tiên cho mình gia đình này thì gia đình kia thấy bất công. Vậy là cả nhóm bị kỷ luật rủ nhau mang gà, mang rượu tới gặp vợ lão mà quỳ lụy, lão vờ như không biết. Nhưng sao không biết được, lão lại lén lút mang con gà đó chai rượu đó lên cấp trên. Chỉ trong vòng chưa đầy mười năm, lão lên làm cán bộ huyện, có thẻ đảng hẳn hoi. Và khi lão làm quan huyện thì cấp xã sợ lão té đái, lão hét ra lửa.

Khi lên làm phó công an huyện, lão có danh sách tội phạm và thành phần đáng chú ý ở cấp huyện. Lão đặc biệt chú ý tới Hai Đen, tay buôn ve chai, nghe đâu Hai Đen đang âm thầm thu gom xác Mỹ. Trong đời lão, Hai Đen là một khắc tinh, hắn không có thân phận làm quan chức nhưng hắn lại rất thông minh và quỷ quyệt. Lão luôn đề phòng Hai Đen trong mọi tình huống, và chỉ có Hai Đen mới là kẻ nắm thóp của lão. Hắn biết lão từng là mật vụ của chế độ cũ, cũng như lão biết hắn từng là sĩ quan biệt phái về dạy học ở trường cấp ba huyện, hắn có thành tích bắt Việt Cộng nằm vùng lẫy lừng, lão cũng phát sợ. Nhưng khi quân giải phóng về, cả hắn và lão, hai thằng bạn đồng môn một thuở gặp nhau phải há hốc mồm khi hắn thấy lão làm trưởng ban an ninh thôn kiêm đội trưởng sản xuất, còn hắn cũng có một tay chạy vật tư trong hợp tác xã nông nghiệp. Thế rồi phần ai nấy, giữ im lặng mà kiếm ăn.

Giờ lão cần nắm thóp thằng này, hắn tàng trữ xác Mỹ, mặc dù chưa biết hắn tàng trữ để làm chi, sưu tập nhằm mục đích gì nhưng lão cần phải biết, để nhỡ…

*

Thi thoảng, bà của y lên cơn loạn trí. Những đêm trời lạnh, bà không ngủ được và hay gọi tên cậu Hai, người con trai bị chết trong chiến tranh. Nghe đâu cậu đi bộ đội đặc công và từng có những trận tề gian diệt địch khiến cho nhiều người lạnh tóc gáy. Cậu bị chế độ cũ tuyên án tử hình vắng mặt và bất kỳ ai bắn được hay bắt được đều có thưởng. Có lần cậu ghé thăm mộ ông cố y, tức ông nội cậu, bị một trung đội nghĩa quân phục kích và đặt chông, cậu bị dính chông, tự rút chông, xé áo bó chân và chạy thoát trong tích tắc, may cũng nhờ ngôi mộ to gần bằng ngôi nhà, tức lăng mộ của ông cố đã che cậu chạy thoát. Hai bên nổ súng quần thảo nhau, có thêm ba người lính nghĩa quân chết dưới tay cậu. Cũng từ trận đó, cậu không về thăm mộ ông cố và cũng không về nhà nữa.

Mãi đến năm 1975, quân giải phóng về, có người mang đến cho bà tờ giấy báo tử, nói rằng cậu đã chết trong chiến tranh và vẫn chưa tìm thấy xác. Bà chết lặng, riêng mẹ y thì tỉnh hơn, bà biết cậu chết không phải do bị bom, nhất là chết mất xác ngay trên căn cứ thì e rằng có quá nhiều vấn đề để hoài nghi. Vì trước đó mười năm, tức 1965, cậu có một lần trốn về giữa đêm, nói với mẹ y hãy cố gắng trốn vào Sài Gòn, làm ăn và tìm một chỗ ở thật kín đáo, cậu sẽ vào sau, cậu không muốn ở trong rừng nữa, và từng có lệnh của cấp trên yêu cầu cậu bắn hạ người bác ruột của cậu. Cậu sợ hãi điều này, cậu không tin vào cái gọi là lý tưởng cách mạng gì đó nữa, cậu quá sợ, cậu chỉ muốn thoát ra bất kỳ giờ nào nhưng chưa có cơ hội.

Cậu cũng nhớ đến những tháng ngày tốt đẹp, lúc còn cắp sách tới trường. Hồi đó, ông nội cậu, tức ông cố của y là một ông tiến sĩ, còn gọi ông nghè, ông là thầy dạy chữ Nho cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Năm 1959, khi lên chấp chính, Tổng thống Diệm có mời ông cố vào Sài Gòn chơi. Những người lính cảnh vệ lái xe đưa cậu đi khắp thành phố Sài Gòn để thăm thú. Lúc đó, trong đầu của cậu chỉ nghĩ đến chuyện một ngày nào đó cách mạng sẽ lấy hết Sài Gòn, sẽ giải phóng cho nhân dân lầm than, và tất cả những hào nhoáng thoáng qua trước mắt, theo như lời bà Cửu, tức người đã gieo cho cậu lý tưởng cộng sản, đều là giả tạo. Nhân dân lầm than và cần được giải phóng. Cậu trở về và bỏ học, nhảy núi kể từ ngày đó. Mãi cho đến khi cậu hiểu ra chuyện thì có vẻ như không còn kịp.

Mẹ của y mang giấy báo tử, đưa cho một người anh em chú bác ruột, nhờ ông lo liệu, khai báo liệt sĩ cho bà. Người này vốn là con của một ông bí thư Quốc dân đảng ở Đà Nẵng, ông bí thư này từng nằm trong danh sách tề gian diệt ngụy mà cấp trên đã lệnh cậu phải bắn bỏ. Thay vì khai báo cho bà của y, người này khai cậu thành con trai của ông bí thư Quốc dân đảng, thời buổi nhiễu nhương, sau chiến tranh và cán bộ chế độ mới chỉ lo việc lục lọi các tủ của cơ quan cũ để tìm thuốc lá, tìm bia, nữ cán bộ cũng kẹp điếu thuốc phì phà, nhưng không biết gì ngoài việc tập ký chữ cho đẹp và có ai mang giấy tờ tới, nói nghe thuận tai, có chút quà cáp thì rút viết ra ký. Việc cậu của y bị khai man, trở thành con của người khác cũng là chuyện dễ hiểu. Sau 1975, ai cầm giấy báo tử thì người đó có một phần sức mạnh rất lớn, cộng thêm tính léo hánh, xô bồ nữa thì nhất định sẽ được việc. Chỉ cần biết khéo léo, nịnh nọt cán bộ một chút thì mọi chuyện xem như trót lọt.

Bà của y bị đẩy về những đám ruộng đầy phân trâu heo, phân người trong thời kinh tế tập thể, vì bà bị xếp vào diện địa chủ phong kiến. Bị mất đứa con trai nhưng khi giải phóng về thì không có bất kỳ tiêu chuẩn gì, bởi tiêu chuẩn thân nhân liệt sĩ đã lọt vào tay cha của lão Trung. Lão ấy đã nhanh tay cầm giấy báo tử của cậu y, đi khai cho cha lão, vậy là cha của lão vừa thoát khỏi nguy cơ vào trại cải tạo vì từng là bí thư Quốc dân đảng, vừa được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ lẫn người có công cách mạng, bởi cái lý lịch mới do lão Trung biên diễn, nào là luồn sâu vào kẻ địch hoạt động và nuôi quân, chở gạo đi cung cấp cho quân đội, cho con vào hàng ngũ cách mạng… Cha của lão Trung mặc nhiên trở thành người có máu mặt trong chế độ mới và được quyền mở cả một hãng bông lớn, sau đó mở tiếp một hãng nhựa, giữ được diện tích đất rộng cả mấy chục ngàn mét vuông dọc bờ biển.

Mãi cho đến hơn mười năm sau, bà của y mới được công nhận mẹ liệt sĩ với bí danh của cậu y. Nhờ người em của bà tập kết ngoài Bắc trở về làm Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chạy giúp giấy tờ mới được cái tiêu chuẩn này. Và khi xã gửi giấy tờ, bằng Tổ quốc ghi công, bằng khen thì gửi cả hai tên, vừa bí danh vừa tên thật. Cuối cùng, ông Trung mới dẫn một tay nói giọng Bắc trọ trẹ vào nhà bà thu hồi cái bằng mang tên thật, nói là bà chỉ được phép giữ một cái bằng mang bí danh mà thôi. Thực ra cái bằng mang bí danh có cấp bậc trung úy, bằng tên thật lại có cấp bậc đại úy. Sau này y mới hiểu rằng cái bằng mang tên thật đó là ông Trung lừa đảo, rủ một lão xe thồ nói giọng Bắc, đội nón cối vào lừa bà để lấy đi.

Bà không thích cái tên bí danh trên tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà thích bằng tên thật, nhưng tại sao nhà nước lại thu hồi bằng thật. Nhiều khi bà bứt tóc vì tức và buồn, nhưng bà chẳng làm được gì bởi bà không biết hỏi ai mà người em của bà thì quá nóng tính, nếu nói ra, không chừng lại làm mọi chuyện trở nên rối rắm, sinh chuyện lớn. Bởi người em của bà vốn ghét cay ghét đắng chuyện ức hiếp kẻ yếu. Ngày xưa ông đi theo cộng sản không vì lý tưởng gì cả, đơn giản là trong một lần nghịch ngợm thuở đi học, ông bị tay trưởng ấp bắt trói, treo hai chân chổng ngược lên trời, người anh cả của ông phải đến xin xỏ nhưng không được. Phải đợi cha của ông là ông Cửu đến quỳ lụy, còn bị mắng té tát rằng bọn phong kiến thối nát hết thời, bây giờ là thời đại cộng hòa… Ông đâm ghét cái gọi là cộng hòa, bỏ theo cộng sản, bằng mọi giá phải thoát ly.

Hình như cái thời đó, người ta đi nhảy núi một phần vì huyễn hoặc lý tưởng, nhưng một phần không nhỏ người ta ghét những cán bộ xây dựng nông thôn hoặc các quan chức hống hách. Nói cho cùng thì chính thái độ của quan chức cộng hòa đã tạo ra không ít cộng sản. Để rồi sau đó vài chục năm, chính những người từng thoát ly tránh sự thối nát lại là những người làm cho dân chúng ghét nhiều nhất, bởi thái độ có phần hằn hộc và kém cỏi hơn những cái mà họ từng ghét. Đất nước của y là một đất nước buồn cười. Nó buồn cười vì giữa người dân và chế độ chính trị chưa bao giờ chịu nhau, bất kỳ thời nào. Thời nhà Nguyễn, người dân đứng vỗ tay xem quân triều đình với quân Pháp bắn nhau; thời cộng hòa, người dân mỉm cười khi thấy cộng sản ám sát cán bộ cộng hòa và người dân âm thầm giấu cộng sản trong nhà; đến thời bây giờ, người dân lại ngứa mắt bởi loại cán bộ mập mạp, béo ú, láng coóng, tham lam vô độ, đạo đức giả và luôn lên giọng thánh nhân…

Dường như người dân chưa bao giờ chịu được một chế độ nào, cái này không phải tự dưng, hình như là vậy!