Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Ngăn sông cấm chợ

Lê Học Lãnh Vân

Đuôi con sông Cửu Long khi đổ ra biển tạo nên một vùng đất phì nhiêu bậc nhất thế giới. Nơi đó, đất và nước hòa vào nhau tạo nên môi trường cực kỳ giàu có về dinh dưỡng, dưới sông tôm cá vẫy vùng, trên bờ hạt thóc rơi xuống là thành cây lúa trĩu bông, dọc sông ven biển rừng tràm, rừng đước mênh mông… Hàng trăm năm nay, nói tới xứ sở này người ta nói tới những cánh đồng cò bay thẳng cánh chó chạy cong đuôi do lưu dân người Việt và người Hoa cùng nhau mở cõi để lại sự trù phú cho cháu con...

Gia đình Vương có mười mấy mẫu ruộng dưới quê. Sau thế chiến thứ hai ông bà Trọng tản cư lên Sài Gòn để ruộng đất lại cho bà con làm lúa sinh sống.

Vùng đất vựa lúa gạo của thế giới đó, từ khi thay đổi chế độ, thiếu gạo trầm trọng. Không đủ gạo ăn, dân chúng phải ăn cơm độn với bo-bo, khoai lang, khoai mì. Thịt cá là thứ xa xỉ, món ăn hàng ngày gồm canh rau muống loãng, nước muối hay nước mắm pha loãng rồi thêm muối vào. Rất lâu mới có một buổi ăn có vài lát thịt nhỏ xíu, mỏng tanh… Những người trẻ tuổi như Vương bất chấp các bữa ăn thiếu dinh dưỡng, vẫn phây phây hồn nhiên lớn! Nhưng lứa tuổi cha mẹ anh, sáu mươi trở lên, sức khỏe suy yếu đi rõ rệt. Răng và bộ máy tiêu hóa không quen với hạt bo-bo cứng, vị giác thay đổi quá lớn so với sự thích nghi của tuổi già. Mối lo về tương lai của con cháu bào mòn tinh thần và thể chất…

Những người bà con dưới quê, trước đây thỉnh thoảng được ông bà Trọng chu cấp, giờ lại đội gạo, xách thịt cá lên Sài Gòn tiếp tế. Họ cũng nghèo, một lần đội chừng mười, mười lăm ký gạo, vài ký thịt gà, thịt heo hay cá lóc kho mặn đựng trong vài lon guigoz. Mỗi chuyến bà con dưới quê lên thăm là một lần bà Trọng đỡ phải lo từng bữa ăn, thấy rõ bà đỡ hốc hác hơn một chút. Mấy chị em bà con dưới quê biết mình có ích cho bà con Sài Gòn nên rất vui. Vừa tới cổng nhà, họ la lên chị Hai ơi, mấy em tới rồi, có gạo nè, có thịt nè, đỡ đói rồi! Bà Trọng trong nhà hối Vương chạy ra mở cửa mau, để tụi nó đứng ngoài đường la lối vậy coi chừng bị cách mạng ghét. Tụi nó la như vậy không khác bôi tro trát trấu lên mặt chính quyền.

Một ngày kia, gia đình Vương nghe tiếng rên rỉ, thở than ngoài cổng. Chạy ra, thấy hai mẹ con người em dưới quê lếch thếch tay không. Tụi nó hổng cho chở đi đâu hết chị Hai ơi. Tụi em đi ba người, ôm hai chục ký gạo, kho ba lon thịt cá kho, bị chận lại hết. Tụi nó nói từ nay không cho đem gạo, thịt qua chỗ khác. Em để thằng Nê ở lại chở gạo với hai lon thịt kho về, em với thằng Cọp lên đây, được cho đem một lon. Tụi nó nói lần này cho chở lần sau tịch thu luôn.

Đó là lúc ba bốn năm sau ngày thống nhất, dự trữ Miền Nam đã hết. Chính phủ cấm người dân đem thực phẩm từ tỉnh này sang tỉnh khác. Lúc cao trào, nhúm gạo chứa chỉ trong một lon guigoz cũng bị tịch thu. Dân chúng gọi đó là chính sách ngăn sông cấm chợ. Chính sách này hoành hành năm sáu năm trời, với hình hài vật chất của nó là các trạm kiểm soát tịch thu từng kí-lô gạo, từng lạng (100gr) thịt trong giỏ xách của người dân. Tại trạm kiểm soát Tân Hương của tỉnh Tiền Giang, những chiếc xe đò từ Sài Gòn đi lục tỉnh và từ lục tỉnh về Sài Gòn phải ghé lại, sắp hàng dài, từng xe từng xe bốn năm chục hành khách bước xuống cho công an bước lên lật từng tấm nệm, xét từng chỗ ngồi, lục từng túi xách coi có ai giấu chút đỉnh hàng hóa nào không. Cả xã hội phải dừng lại, xe chờ xe, người chờ người, dân chúng chờ chính sách. Cả một hệ thống kiểm soát cồng kềnh đó có mục đích chặn bắt không cho người dân mang vài trăm gram thịt hay vài mươi gram gạo từ tỉnh này sang tỉnh khác. Người nào vi phạm bị tịch thu, và thậm chí bị giữ lại không cho tiếp tục chuyến đi. Chính quyền chỉ chăm chăm xét bắt vài trăm gram thịt hay gạo mà cản trở người ta sản xuất hàng tấn, hàng chục tấn, hàng trăm tấn sản phẩm cho xã hội. Trước năm 1975, người dân miền Nam có hoang tưởng tới mức nào cũng không tưởng tượng được một sự kiểm soát như vậy trên đất Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Lúc đó những người buôn bán lanh lợi kiếm ăn được. Những người bạn thời sinh viên của Vương sống nhờ buôn bán liên tỉnh, thực phẩm chở từ quê ra tỉnh, thuốc tây chở về quê…

Một bạn của Vương lần lần giàu có nhờ buôn thuốc tây Sài Gòn - Long Xuyên. Vương có đi hai chuyến với anh, anh Hoàng. Đi vì tò mò, vì muốn học kinh nghiệm từ các ngóc ngách trường đời chứ thật ra gia đình Vương, dù nghèo chung cái nghèo của đất nước, không thiếu tiền tới nỗi phải kiếm thêm bằng cách đó, và cũng không muốn buôn lậu.

Bảy giờ chiều Vương ra ngủ nhà Hoàng cạnh Bến Xe Miền Tây. Sáng mai chúng mình đi sớm, đi sớm trời còn tối mới dễ né tụi nó, Hoàng dặn. Khoảng ba giờ sáng, Hoàng kêu Vương thức dậy. Hai anh em ăn vội tô mì gói rồi chuẩn bị. Các hộp thuốc đã được xổ ra sẵn, các vỉ thuốc đã được chị Hồng, bà xã Hoàng, may dính trên một tấm vải hẹp và dài. Chúng sẽ được quấn quanh bụng, đùi, bắp chân.

- Mình vô sớm cho tụi nó sắp xếp, ông cầm cái túi này, đi tay không tụi nó dễ nghi.

Bên ngoài còn tối, Hoàng chở Vương ra bến xe trên chiếc Honda 67. Xe dừng trước cổng, Hoàng vào bãi gởi xe. Thấy Vương xớ rớ, một tay chừng như bảo vệ bến xe hất hàm: “lạng quạng đâu cha nội?”. Hoàng vừa quay lại, can thiệp ngay, bạn tui đi chung đó!

- A, vậy anh vô trước đi. Anh Hoàng có dặn ảnh hết chưa?

- Tui vô với ổng, đưa ổng lên chỗ ngồi.

- Để tui đưa ảnh vô cho. Nè, anh đi không làm kiểng hay đi có?

Hoàng hớt lời,

- Đi không. Cho ổng ngồi kế bà Tám Nổ.

Đêm qua mưa, đi bộ từ cổng bến xe vào trong bùn sình lẹp nhẹp. Có chỗ nước thành vũng, xác chuột chết vênh râu. Sát mé vũng nước, cạnh đống rác bày vài chiếc bàn gỗ thấp nhỏ, khoảng chục ghế con con. Dưới chiếc đèn nê-ông nhỏ xíu bắt lủng lẳng trên một cây sào đong đưa trong sương mờ, đàn ông, đàn bà gắp, húp hủ tíu sộp soạp, gặm bánh mì thịt cười giỡn vô tư hay gật gù ngái ngủ…

Lên đi anh, tay bảo vệ nhảy lên xe trước. Ấn Vương vào một chỗ ngồi giữa xe, y la lên với người phụ nữ mặc áo bà ba hồng ngồi phía trong, cha Hoàng gởi ảnh cho bà đó, bữa nay có chồng hiền khô nghe! Thì ra bà Tám Nổ, tiếng bà chớ trông còn trẻ khoảng trên dưới hai lăm, con mắt, chân mày sắc lẻm. Chị Tám Nổ đứng lên, dở nệm ghế…

Tay bảo vệ chặn lại. Bà ngồi xuống đi, anh này đi kiểng, đâu có gì bỏ vô đó! Rồi y quay qua Vương, anh ngồi đây nghe, ôm cái túi, tụi nó kêu mở ra thì mở. Nói xong y nhảy xuống xe dông mất.

Một lúc sau Hoàng cũng lên xe, nhưng không ngồi gần Vương: “Vương ngồi dưới này nhé, mình ngồi hàng ghế trên cho dễ xoay chuyển”.

Trời tối nhờ nhờ, xe xuất bến. Ra khỏi bến xe một chút đường đã xấu, xe nghiêng bên này, lắc bên kia rồi bắt đầu lấy thăng bằng lao đi…

- Gần tới trạm rồi. Bà con chuẩn bị nghe!

Phụ xế la lên, xe tấp vô lề. Hoàng tới gần dặn Vương: “Mình xuống có người chở đi đường nhỏ. Qua trạm gặp lại!”. Khoảng sáu bảy chiếc Honda đợi sẵn chở sáu bảy người trên xe bước xuống. Mỗi người cầm một túi. Xe đi tiếp.

- Tới trạm rồi. Ghé trạm nghe bà con. Ghé trạm nghe! Ghé, Ghé, Ghé!

Phụ xế miệng la, tay đập thùng xe rầm rầm. Xe ghé lại, sắp sau một hàng xe dài...

Phụ xế lại la lên:

- Xe đông, chờ lâu nghe, bà con xuống xe đi tiểu, hút thuốc…

Người trên xe lục tục bước xuống gần hết. Chị Tám Nổ thúc Vương, xuống đi anh, tính ngồi đây hoài với em sao!

Đứng bên lề đường, chị Tám Nổ cho biết chị cùng cánh thuốc tây với Hoàng. Còn những cánh khác nữa, tụi này đi thuốc tây. Ảnh lanh lắm, em theo ảnh gần năm rồi mới có chút đỉnh vốn. Mỗi chuyến em kiếm khoảng trăm rưỡi, hai trăm đồng. Ảnh chia em vậy, em một phần ảnh ba phần.

- Một tháng chị đi mấy chuyến?

- Một hoặc hai, hút hàng ba chuyến luôn.

- Chị giàu ghê. Lương tui một tháng sáu mươi bốn đồng!

- Lương nói gì anh! Lương anh nuôi em sao nổi!

Bỗng chị Tám Nổ đẩy Vương. Mấy xe kia xong hết rồi, tới xe mình kìa anh.

Từ dưới đường, Vương thấy các anh mặc đồ giống cảnh sát bước lên xe đi từ trước ra sau. Tới hai băng chót, một anh lật băng ngồi lên. Phụ xế chạy tới nói mấy câu, mời điếu thuốc, khum khum tay che lửa mồi thuốc. Rồi rút túi ra chìa cho mỗi anh kiểm soát một bao thuốc.

Chị Tám Nổ khều Vương, thấy tụi nó ăn chưa! Thuốc gì, bao thuốc chứa đầy tiền đó!

Người người lục tục lên xe. Chị Tám Nổ kề miệng vô tai nói tụi này ăn đã. Tụi tui chưa no tụi nó no rồi! À, nghe anh Hoàng nói anh dạy đại học hả, đại học là gì, chắc cao hơn cấp hai hả? Dám cao hơn cấp ba lắm à nghen. Mà cấp nào cũng kệ tía nó anh ơi, nhảy ra ngoài buôn bán với tụi em mau giàu!

- Nè chị, nếu đút lót được sao anh Hoàng phải tránh vô đường nhỏ?

- Ảnh đi lớn, sợ rủi bữa nào nhằm nhóm hổng ăn cánh thì mất lớn. Thằng lái Honda chở ảnh là em của tài xế đó, đi với nó chắc ăn trăm phần trăm. Có một phần của ảnh gởi em cầm, để dưới ghế. Vậy chớ ảnh cũng chung hết rồi, tiền trong bao thuốc lá có ảnh góp vô…

Chị Tám Nổ hạ giọng, buôn bán bây giờ hao hụt nhiều. Ngăn sông cấm chợ là để tụi đó ăn dọc đường. Anh Hoàng nhả tiền cho tụi nó mà ảnh đâu có chịu, người bệnh mua thuốc chịu hết. Bà con mình nghèo rớt, thấy thê thảm lắm anh ơi!

Ngày 26 tháng 12 năm 1999

L.H.L.V.