Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (27)

Thụy Khuê

Ngày Nay tranh đấu

Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí

 

image

Hoạt động của báo Ngày Nay liên hệ tới tình hình cai trị ở thuộc địa.

Phong Hóa ra đời năm 1932 và bị đóng cửa năm 1936, trong thời gian này nước ta ở dưới chế độ cai trị của hai toàn quyền Pierre Pasquier (1928-1934) và René Robin (1934-1936).

Toàn quyền Pasquier trách nhiệm việc chém đầu Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ, triệt hạ Việt Nam Quốc Dân Đảng; đàn áp và tiêu diệt phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Robin ra lệnh bỏ bom Cổ Am từ khi còn là Thống sứ Bắc kỳ.

Phong Hóa trước khi bị đóng cửa, là tờ báo có nhiều độc giả nhất lúc bấy giờ: phát hành mỗi kỳ 20.000 số, mà dân ta thời đó chỉ có 20 triệu người. Ảnh hưởng của Phong Hóa rất lớn, vì thế Robin ra lệnh đóng cửa Phong Hóa, trước khi Mặt trận Bình dân (Le Front Populaire) lên cầm quyền tại Pháp, để trừ hậu họa.

Phong Hóa bị đóng cửa từ số 190 (5-6-36), tức là một ngày trước khi Mặt trận Bình dân chính thức lên cầm quyền, ngày 6-6-1936[1]

Nhưng chức vụ của Robin cũng chấm dứt ba tháng sau đó, Đặng Hữu Thụ viết:

"Vào tháng 6-1936, ông Nguyễn Thế Truyền người Hành Thiện khi ấy ở Paris có trình thỉnh nguyện thư của dân Đông dương lên chính phủ Pháp yêu cầu triệt hồi Toàn quyền René Robin về Pháp vì viên Toàn quyền này tán ác, tàn sát dân Việt Nam"[2]

Robin bị gọi về Pháp ngày 9-9-1936.

Ngày 3-5-1936, cánh tả chiếm đa số trong nghị viện Pháp và ngày 6-6-36, Mặt trận Bình dân chính thức lên cầm quyền, do Léon Blum, chủ tịch Đảng Xã hội (SFIO, Section Française de L'Internationale Ouvrière) lãnh đạo[3].

Mặt trận Bình dân ban hành một số nghị định bênh vực giới cần lao, chính quyền thuộc địa bớt hà khắc. Các phong trào ái quốc dần dần thành hình, tuy vẫn chưa có quyền lập đảng.

Nhưng đến tháng 9-1939, thế chiến thứ hai bùng nổ, các quyền tự do tối thiểu bị thu hồi, báo chí bị kiểm duyệt gắt gao, nhiều nhà cách mạng trong Nam, ngoài Bắc bị truy lùng và bị bắt.

Báo Ngày Nay số 16 ra ngày 12-7-36, tức là ba tháng sau khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền. Ngày Nay lợi dụng tình thế tương đối cởi mở dưới chính phủ Bình dân (từ tháng 5-36 đến tháng 4-38) để tranh đấu. Tới cuối năm 1939, đại chiến bùng nổ, mọi sự khép lại, Tự Lực văn đoàn phải đổi phương hành động.

Với báo Ngày Nay, Tự Lực văn đoàn bước vào giai đoạn tranh đấu bằng ngòi bút.

Trên Ngày Nay số 16 (12-7-36), Nhất Linh chia nội dung làm hai phần:

1- Ngày Nay Tiểu Thuyết

2- Ngày Nay Trông Tìm (do Hoàng Đạo phụ trách)

Nhưng tới Ngày Nay số 25 (3-9-36), ông đổi lại làm ba phần:

1- Ngày Nay Trông Tìm (Hoàng Đạo chuyên hẳn về chính luận)

2- Ngày Nay Trào Phúng

3- Ngày Nay Tiểu Thuyết

Những bài chính luận của Hoàng Đạo sẽ là cơ sở chỉ đạo. Từ đây, Hoàng Đạo trở thành lý thuyết gia của Tự Lực văn đoàn. Trên Ngày Nay, bài chính luận đăng ở trang đầu, vạch đường lối, tiểu thuyết đi sau, làm nền.

Thời kỳ Ngày Nay sống động hơn thời kỳ Phong Hóa, vì sự tranh đấu đã được thảo luận, có phương pháp và có chiến lược chặt chẽ: văn nghị luận của Hoàng Đạo, hý họa của Nguyễn Gia Trí, phóng sự của Trọng Lang, tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, chia nhau nhiệm vụ: khởi tố chính sách cai trị của thực dân, trình bày bộ mặt nát rữa của xã hội quan quyền, bên trên là lớp quan lại tham ô, bên dưới là lớp dân quê bị đàn áp bóc lột và ở thị thành là sự chơi bời, nghiện ngập, sa đọa.

Trong chương Ngày Nay Phóng sự, chúng tôi đã trình bày nội dung của Ngày Nay từ số 1 đến số 15, thời kỳ Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) trách nhiệm: Ngày Nay chuyên về phóng sự, qua 16 số báo đã kín đáo vạch trần mặt trái xã hội: lai căng, tội ác, trụy lạc, lầm than, trái ngược với mặt phải của một Hà thành thanh lịch, xa hoa, quần áo Lemur Cát Tường.

Kể từ chương này, chúng tôi khảo sát Ngày Nay, giai đoạn kế tiếp, từ số 16 trở đi.

Sau khi Phong Hóa bị đóng cửa vĩnh viễn, toàn bộ biên tập dồn về Ngày Nay, lúc đó cũng đã đóng cửa được hơn ba tháng.

Ngày Nay số 16 ra đời ngày 12-7-36 là sự sống lại của cả hai tờ Phong Hóa Ngày Nay trong một.

clip_image006

Ngày Nay số 16, bià của Nguyễn Gia Trí

Kịch Chết của Khái Hưng được đăng như một bài chính luận có tính cách chỉ đạo, sau khi Phong Hóa chết, với những lời lẽ:

"Dù ta mới bắt đầu làm việc mà vụt ta chết đi ta cũng đã tới mục đích rồi."

"Công việc ta bỏ dở đã có bạn đồng chí ta, con cháu bạn đồng chí ta theo đuổi".

"Sau khi tôi chết, các anh tìm chọn lấy một người thay tôi, rồi cùng nhau làm việc như không hề xẩy ra một việc gì. Đó là ý tưởng của chúng ta và là ý tưởng cuối cùng của tôi".

Như vậy, nhiệm vụ của Ngày Nay là tiếp tục con đường Phong Hóa đã vạch ra.

Ngoài những thành viên chính của Phong Hóa, trên Ngày Nay, từ số 16, còn có rất nhiều văn nghệ sĩ ở ngoài tham gia để ủng hộ một tờ báo mới sống lại, ủng hộ tinh thần quật khởi đứng lên sau khi ngã ngựa. Các họa sĩ cộng tác thường xuyên luân phiên nhau vẽ bìa và tranh phụ bản như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Trân, Nguyễn Cát Tường, Trần Bình Lộc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung... kể cả những họa sĩ ở ngoài như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nam Sơn cũng tặng phụ bản... Và các nhà văn ở ngoài tờ báo cũng đóng góp bài vở nhiều hơn trước. Ngày Nay khởi sắc, đa dạng, phần trào phúng trở lại vị trí đã có trên Phong Hóa. Riêng Nguyễn Tường Long ký bút hiệu Hoàng Đạo lần đầu tiên trên Ngày Nay số 16, trở nên ngòi bút tranh đấu hàng đầu của Tự Lực văn đoàn.

Chúng tôi sẽ khảo sát Ngày Nay trên những khía cạnh sau đây:

- Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí mở đầu cuộc tranh đấu.

- Ngày Nay xây dựng nhà Ánh sáng.

- Bốn chủ đề lớn của Hoàng Đạo: Vấn đề thuộc địa, Vấn đề đảng phái, Vấn đề cần laoCông dân giáo dục.

- Ngày Nay tiểu thuyết.

- Ngày Nay và các tác giả trẻ.

Thuộc địa và đất bảo hộ

Đây là một chủ đề lớn của Hoàng Đạo, mà bài Thuộc địa và đất bảo hộ in trên Ngày Nay số 22 (23-8-36) là bài viết đầu tiên, bàn về nguồn cội vấn đề thuộc địa và sự lạm quyền: Pháp đã bất chấp các hòa ước ký với triều đình Huế, để áp dụng chính sách thuộc địa trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, mà thực ra, chỉ có miền Nam là đất thuộc địa còn miền Trung do vua cai trị và miền Bắc là đất bảo hộ.

Hoàng Đạo có lẽ là người đầu tiên công khai nói lên điều này, và ông còn trở lại nhiều lần, để lật mặt chính sách thực dân: đã đơn phương thay đổi hòa ước Giáp thân 1884, để biến miền Trung và miền Bắc nước ta từ chế độ bảo hộ sang chế độ thuộc địa.

Nhưng muốn hiểu rõ vấn đề này, ta phải nhìn lại các hòa ước ta đã ký với Pháp, từ 1874 đến 1884.

Hòa ước Giáp Tuất (1874)

Sau khi Pháp chiếm xong Lục tỉnh Nam Kỳ, và hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), Nguyễn Tri Phương bị bắt, không chịu băng bó, nhịn ăn mà chết. Ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Tuất (15-3-1874), Vua Tự Đức phải ký hòa ước Giáp Tuất (1874) là một thương ước gồm 29 khoản, trong có những điểm chính sau đây:

Pháp nhận quyền độc lập của vua nước Nam, nhưng nước Nam phải theo chính sách ngoại giao của Pháp. Vua nước Nam phải nhượng đứt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Phải mở các cửa Thị Nại (Quy Nhơn), Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và sông Hồng cho người ngoại quốc vào buôn bán.

Hòa ước Quý Mùi (1883)

Năm 1882, Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhì, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Pháp chiếm Hòn Gay, Nam Định. Thủ tướng Jules Ferry tăng ngân quỹ, viện thêm binh, cốt chiếm nốt Bắc Kỳ. Giữa lúc tình hình căng thẳng vua Tự Đức băng hà ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (19-7-1883).

Lợi dụng triều đình đang bối rối, quan tài vua còn quàn ở điện Cần Chánh, ngày 15-8-1883, Harmand và Courbet đem sáu tàu chiến đến đậu ở cửa Thuận An, đưa tối hậu thư cho Đô thống Lê Sĩ, trấn thủ Trấn Hải thành.

Chiều 16-8, hạn tối hậu thư chấm dứt, quân Pháp khai hoả. Ngày 20-8-1883, quân Pháp đổ bộ. Quân ta chống trả mãnh liệt. Thống chế Lê Chuẩn tử trận. Đô thống Lê Sĩ, Chưởng vệ Nguyễn Trung chiến đấu đến chết. Thành mất. Tham tri Lâm Hoàng, Trần Thúc Nhẫn nhẩy xuống sông tự vận. Triều đình bắt buộc phải ký hòa ước Quý Mùi (25-8-1883), gồm 27 khoản. Với những khoản chính sau đây:

Nước Nam nhận nước Pháp bảo hộ: việc ngoại giao do Pháp chủ trương.

Tỉnh Bình Thuận sáp nhập vào xứ Nam Kỳ (của Pháp). Triều đình Huế cai trị từ Bắc Bình Thuận đến Đèo Ngang, không có người Pháp kiểm soát.

Ở Huế sẽ chỉ có một quan Trú sứ (Résident) hay Khâm sứ đại diện chính phủ bảo hộ, Khâm sứ không được xen vào việc nội trị, nhưng có quyền xin yết kiến nhà vua.

Ở Hà Nội và Hải Phòng, mỗi tỉnh có một Trú sứ (sau này gọi là Công sứ). Sẽ lập thêm Trú sứ các tỉnh khác. Trú sứ tránh không can thiệp vào việc nội trị, nhưng nếu các quan Việt tỏ ra không tốt với quan Pháp [tức là chống Pháp] thì có thể bị đổi.

Tóm lại theo hòa ước Quý Mùi (1883), chúng ta chỉ chịu sự bảo hộ của người Pháp về mặt ngoại giao, còn về nội trị, vẫn giữ được chủ quyền. Ở ngoài Bắc, dù có các Trú sứ, họ cũng không có quyền can thiệp vào việc nội trị của các quan Việt Nam.

Hòa ước ký rồi, nhưng việc áp dụng không dễ dàng. Một mặt vì nhiều quan trong triều không nhận hai chữ bảo hộ, nhất là hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.

Ở Bắc, Hoàng Tá Viêm, Tổng thống Quân vụ, đóng ở thành Sơn Tây kết hợp với quân Lưu Vĩnh Phúc tiếp tục đánh Pháp. Các tướng khác lập các vùng chiến thuật: Tán tương Nguyễn Thiện Thuật, Đề đốc Tạ Hiển, Tôn Thất Hòa, Tổng đốc Trương Quang Đản, Đề đốc Ngô Tất Ninh, Lê Văn Hổ, Nguyễn Văn Chư, Tán lý Lương Qui Chi. Về phiá chính quyền Pháp, các quan Trú sứ mới đặt ở các tỉnh, một số tỏ ra tàn ác làm mọi người oán giận. Thủ tướng Jules Ferry nhất quyết chiếm nốt Bắc Kỳ, bèn sai quân Pháp đánh chiếm Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hóa, và ký hiệp ước Fournier với Tàu, để quân Tàu rút khỏi Bắc Việt.

Được tin hòa ước Fournier đã ký kết, nhân dịp Patenôtre, Công sứ Pháp ở Tàu ghé qua Sài gòn, Jules Ferry triệu ông ra Huế, sửa lại bản hòa ước Quý Mùi cho nhẹ nhàng hơn, để lấy lòng triều đình.

Hòa ước Giáp Thân (1884)

Do Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan ký với Patenôtre, trên nguyên tắc, nhẹ nhàng hơn hòa ước Quý Mùi: Nguyễn Văn Tường đã sửa hai chữ bảo hộ (protéger) thành bảo trợ (aider). Nhưng theo Nguyễn Quốc Trị[4], thì Jules Ferry chỉ cho lệnh sửa hai chữ này trong bản tiếng Việt, còn bản tiếng Pháp vẫn để như cũ, tức là bảo hộ. Và trong điều 19, vẫn ghi: nếu có tranh chấp thì lấy bản Pháp văn làm gốc.

Hòa ước Giáp Thân ký ngày 6-6-1884, gồm 19 khoản, trừ những khoản giống hòa ước Quý Mùi (1883) còn có mấy điểm đáng chú ý sau đây:

- Quân Pháp chiếm đóng Thuận An. Triều đình phải triệt thoái hết các đồn lũy phòng thủ hai bên bờ sông từ Thuận An về đến kinh đô.

- Từ đất giáp tỉnh Biên Hòa của Nam Kỳ, đến đất giáp tỉnh Ninh Bình của Bắc Kỳ, các quan nước Nam cai trị dân như cũ.

- Trong các tỉnh của nước Nam, quan Bố chánh vẫn coi việc thu thuế cho triều đình như trước, không có quan Pháp kiểm tra. Ở các tỉnh Bắc kỳ, Trú sứ hiệp với Bố chánh, coi việc thu thuế, sau khi chi, còn bao nhiêu nạp cho triều đình.[5]

Như vậy, hòa ước Giáp Thân (1884) chỉ thêm có một điểm: quân Pháp đóng ở Thuận An, quân ta phải rút hẳn từ Thuận An đến Huế, là để cho Pháp khỏi lo lắng về quân sự.

Còn biên giới miền Trung, tức là địa hạt vua cai trị, được mở rộng hơn so với hòa ước Quý Mùi 1883, vì Jules Ferry cho rằng bốn tỉnh: Bình Thuận (phía Nam) và Thanh, Nghệ, Tĩnh (phía Bắc) không có nguồn lợi gì đáng kể, trả lại cho triều đình cũng chẳng mất mát gì.

Trên nguyên tắc, hòa ước Giáp Thân 1884, sẽ áp dụng đến năm 1945.

Tóm lại, hòa ước Giáp Thân quy định:

- Chỉ có Nam Kỳ lục tỉnh là đất thuộc địa tức là của Pháp.

- Miền Trung từ bắc Biên Hòa, đến bắc Thanh Hóa, thuộc triều đình Huế.

- Miền Bắc thuộc chế độ bảo hộ.

Ta chỉ nhượng cho Pháp quyền ngoại giao.

Paul Doumer và sự lạm quyền

Nhưng trên thực tế, từ năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) đã tự ý thay đổi các điều khoản trong hòa ước Giáp Thân 1884, để biến nước Việt Nam thành một thuộc địa toàn phần. Ông kiêu hãnh kể lại công lao của mình trong cuốn L'Indo-Chine française (souvenirs)- Đông Dương Pháp (kỷ niệm), với những lời lẽ:

"Tôi đã nói tại sao ngay từ năm 1897, tôi đã phải bỏ chức Kinh Lược Sứ tức Vice Roi ở Bắc Kỳ, bởi vì nó không làm lợi gì cho chính quyền ta mà còn duy trì nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại Annam, dễ ăn tiền hay nhận quà cáp. Các quan ở tỉnh được đặt dưới quyền trực tiếp của quan Công sứ (Résident)"[6]

Câu này nói rõ sự lạm quyền: Paul Doumer không có quyền gì trong việc bổ nhiệm quan lại của triều đình Huế, thuộc địa hạt nội trị của nước Nam. Quan Kinh Lược là đại diện nhà vua, đứng đầu ở Bắc, trông coi việc nội trị. Các quan ở Bắc ở dưới quyền quan Kinh Lược, phụ thuộc trực tiếp vào triều đình Huế. Nay Doumer bỏ chức Kinh Lược Sứ, thay thế bằng chức Thống sứ (Résident Supérieur), các quan ở Bắc không còn thuộc về triều đình Huế nữa mà ở dưới quyền trực tiếp của viên Thống sứ người Pháp! Chính viên Thống sứ này cai trị. Nghị định bãi bỏ Nha Kinh Lược Bắc kỳ sẽ được Paul Doumer trá hình dưới dụ của vua Thành Thái ký ngày 26-7-1897.

Sau đó, Paul Doumer kể lại thành tích ông đã thuộc địa hóa cả nước Nam ra sao, đoạn này rất dài, chúng tôi chỉ tóm tắt những ý chính:

Tháng 9 năm 1897, vua Thành Thái trưởng thành, hội đồng nhiếp chính bị bãi bỏ, các thành viên của hội đồng nhiếp chính trở thành những vị thượng thư đầu tiên trong viện Cơ mật. Viện Cơ Mật họp dưới sự chủ tọa của quan Khâm sứ (Résident Supérieur). Những quyết định của hội đồng Cơ Mật, phải được quan Khâm sứ phê chuẩn trước rồi mới được đóng ấn vua để thi hành"[7]. Các Quan chức Pháp được phái đến để kèm các Thượng thư, kiểm soát công việc của họ và cho họ thấy quyền lực của nước Pháp ở Huế. Ở tỉnh thì ta [Doumer] cho quan Công sứ đủ quyền hành để cai trị. Mới đầu số lượng còn ít, nhưng sau ta tăng lên mỗi tỉnh đều có một Công sứ.

Như vậy là từ thời Thành Thái (1897), vua không còn cầm quyền nữa mà là Khâm Sứ Pháp.

Cùng với những thay đổi này, Paul Doumer ban hành thêm những luật lệ khác:

- Nhà vua phải nhường cho Toàn quyền đặc quyền sử dụng của cải và đất đai chưa xung công, có nghiã là để Toàn quyền được khai thác những vùng đất hoang hay vô chủ.

- Một luật khác cho phép người Pháp có quyền sở hữu đất trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam.

Những điều trên đây cho thấy Paul Doumer đã tự ý thay đổi chính sách, bất chấp hiệp ước đã ký với triều đình.

Xin nhắc lại: theo hòa ước Giáp Thân, miền Trung, thuộc địa phận của vua, Pháp không có quyền gì cả, còn miền Bắc là đất bảo hộ, công sứ Pháp chỉ có quyền cộng tác với bố chánh Việt, để thu thuế, và sau khi chi dùng, gửi phần còn lại về triều.

Năm 1898, Doumer còn đòi viện Cơ Mật phải làm việc này: bắt vua phải ký một chỉ dụ trao toàn quyền quản lý thuế khoá và tài chính cho chính quyền bảo hộ.

Và Paul Doumer tuyên bố: Chỉ với nguồn lợi thuế (bằng thuế nhà nước Annam thu ngày trước) mà ngân quỹ đầu tiên của chính phủ Bảo hộ, ngân quỹ năm 1899, sau khi trừ tiền chi cho chính quyền Pháp ở đây và tiền chi cho dân bản xứ, vẫn còn một số thặng dư quan trọng. Vậy sự đổi mới đã có kết quả không ngờ, và kết quả chính trị cũng vậy: Chính quyền Pháp đã chiếm lại chỗ đứng của mình trong vương quốc này, chỗ mà Pháp phải có.

So với những năm lỗ lã trước: năm 1895 lỗ 1.266.000 đồng (piastres), năm 1896 lỗ 748.000 đồng; sự thặng dư năm 1899 [vì thuế do chính quyền Bảo hộ thu], được ghi nhận ngày 20-10-1899, lên tới 1.164.923 ở Bắc kỳ, và 500.000 piastres ở Trung kỳ[8].

Tóm lại, Paul Doumer đã biến cả nước Việt Nam thành thuộc địa Pháp và chính sách của ông đã đem lại nguồn lợi khổng lồ cho nước Pháp, chưa kể việc độc quyền thị trường nha phiến. Viện Cơ mật, là cơ quan lập pháp và hành pháp tối cao ở bên vua, trở thành bù nhìn dưới sự lãnh đạo của Khâm sai. Viên Khâm sai này, ngày trước, muốn yết kiến vua phải xin phép, bây giờ trụ trì trên đầu Viện Cơ Mật, thay vua. Ở Bắc, các công sứ, trên nguyên tắc, không được xen vào việc nội trị, bây giờ trở thành quan giám sát các ông phủ, huyện, bố chính, án sát.

Hệ thống cai trị này, càng làm tăng sự hèn hạ của các quan không có nhân cách, chỉ muốn làm vừa lòng viên công sứ để không bị đổi, bị đuổi, được lên chức nhanh, nên đã lấy tiền hối lộ để làm giàu và đút lót quan trên, tạo ra một hệ thống quan lại thối nát tệ hại chưa từng có, được Khái Hưng mô tả trong tiểu thuyết Gia đình.

Hoàng Cao Khải là Kinh lược sứ cuối cùng đã sát cánh với quân Pháp "dẹp loạn" Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, và nhất là phụ giúp Paul Doumer trong việc thuộc địa hóa miền Bắc và miền Trung. Làm gương cho những thứ quan lại bán nước cầu vinh như Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan, cầm quân tiễu trừ Đề Thám; Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, truy nã Việt Nam Quốc Dân Đảng và các nhà cách mạng khác, v.v.

Khi đã nhìn thấy tình hình như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Hoàng Đạo lấy đề tài Thuộc địa bảo hộ làm chủ đề đầu tiên cho cuộc tranh đấu của ông.

Sách của Paul Doumer có lẽ những nhà viết sử người Việt không đọc, nên chỉ biết sự biến đổi bảo hộ thành thuộc địa của chính phủ Pháp, nhưng không biết đích xác tác giả là ai. Vì thế, Paul Doumer vẫn được coi là người "có công" xây dựng hệ thống cầu đường ở Việt Nam. Nhờ cuốn L'Indo-Chine française (souvenirs) ta mới thấy rõ mặt trái cái "công lao" này.

Thuộc địa và đất bảo hộ

Trên Ngày Nay số 22 (23-8-36) Hoàng Đạo viết bài Thuộc địa và đất bảo hộ để phân biệt hai thể chế bảo hộ thuộc địa khác nhau như thế nào.

Với giọng rất nhẹ nhàng Hoàng Đạo cho biết: Thực ra chỉ có Lục Tỉnh mới là đất thuộc địa, ngoài ra tất cả đều là đất bảo hộ, rồi cũng vẫn với giọng ôn tồn ông đi vào cốt lõi của vấn đề:

"Thuộc địa là đất thuộc quyền sở hữu của thượng quốc. Thí dụ như Lục Tỉnh hay nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng). Dân thuộc địa ở ngay dưới quyền thống trị của chính phủ Pháp, tuy họ không được hưởng quyền lợi của công dân Pháp (...)

Đất bảo hộ, khác với thuộc địa, không thuộc quyền sở hữu, không chịu sự thống trị của mẫu quốc. Nước chịu bảo hộ vẫn là một nước tự chủ, nhưng chỉ nhường một ít quyền [ngoại giao] của mình cho nước đi bảo hộ vì nước này bênh vực, giúp đỡ, nếu bị nước khác lấn áp."

Rồi ông nhắc khéo tới hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874) và hòa ước Giáp Thân (6-6-1884) vẫn bằng những lời nhẹ mà chắc:

"Có khi nước bị bảo hộ giữ toàn quyền về việc cai trị trong nước mình. Thí dụ như nước Madagascar hay nước Annam ta... theo hòa ước ngày 15-3-1874.

Nhưng phần nhiều thì quyền cai trị nhiều ít vào tay chính phủ bảo hộ. Như ở nước ta dưới chế độ hòa ước ngày 6 tháng 6 năm 1884, chính phủ Nam triều vẫn coi việc hành chính trong nước, nhưng sở thương chính, sở lục lộ và tất cả những công cuộc gì cần đến người Pháp đều do chính phụ bảo hộ trông coi cả".

Nhận xét trên đây của Hoàng Đạo rất tinh vi: ý nói, sau hòa ước Giáp Tuất (1874) ta vẫn còn toàn quyền tự chủ, sau hòa ước Giáp Thân (1884) ta cũng vẫn còn quyền tự chủ, chỉ nhường cho Pháp việc thương chính (thuế buôn bán ở các cửa biển) và việc xây cầu cống.

Tuy vậy "phần nhiều những đất bảo hộ dần dần bị thượng quốc chiếm đoạt hết quyền, trở thành một thuộc địa, tuy vẫn có cái tên là đất bảo hộ." Câu này để chỉ tình trạng Việt Nam: Pháp đã đổi đất bảo hộ thành đất thuộc địa.

Hoàng Đạo có lẽ là người đầu tiên, dám vạch ra sự lạm quyền của chính phủ Bảo hộ sau 39 năm Doumer thi hành chính sách này. Bài Thuộc địa và đất bảo hộ là bài đầu tiên. Một năm sau, tháng 8 năm 1937, Hoàng Đạo sẽ trở lại vấn đề này, sâu sắc và toàn diện hơn, trong loạt bài Vấn đề thuộc địa trên Ngày Nay kể từ số 74 (29-8-37), sẽ nói đến sau.

Trong năm 1936, ông chú ý đến ba chủ đề: Kích động tuổi trẻ dấn thân với 10 điều tâm niệm; cực lực đấu tranh đòi tự do báo chí và tố cáo đời sống Bùn lầy nước đọng của dân quê.

Mười điều tâm niệm in trên Ngày Nay từ số 25 (3-9-36) đến số 41 (3-1-37), là cuốn cẩm nang khuyên tuổi trẻ làm mười điều:

1- Theo mới. Hoàn toàn theo mới không chút do dự. 2- Tin ở sự tiến bộ. Một ngày có thể một hơn. 3- Sống theo một lý tưởng. 4- Làm việc xã hội. 5- Luyện tính khí. 6- Phụ nữ ra ngoài xã hội. 7- Luyện lấy bộ óc khoa học. 8- Cần sự nghiệp. Không cần công danh. 9- Luyện thân thể cường tráng. 10- Cần có trí xếp đặt.

Mười điều tâm niệm chỉ có tính cách hướng đạo thanh niên, khuyên họ nên luyện tập tư tưởng và thân thể, trau dồi sức mạnh tinh thần và thể xác để xây dựng tổ quốc. Qua sự truyền đạt của báo Ngày Nay, đã có ảnh hưởng sâu rộng trong giới thanh niên lúc bấy giờ.

Đòi quyền tự do báo chí

Từ khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền (tháng 6-1936), báo chí Việt Nam đầy hy vọng, họ vận động để đòi quyền tự do báo chí, phong trào bắt đầu từ trong Nam.

Trên Ngày Nay số 23 (30-8-36) Hoàng Đạo viết bài Báo chí tự do với tranh Gia Trí đi kèm, để ủng hộ phong trào:

"Trong Nam, hôm 11 tháng 8 tây vừa qua, ông Nguyễn Văn Sâm, hội trưởng hội liên hữu báo giới Việt Nam, có mời anh em viết báo nhóm tại báo Đuốc Nhà Nam để thảo bản thỉnh cầu (...) với những khoản dưới đây:

1- Tự do báo chí.

2- Tự do tư tưởng về mọi phương diện: xã hội, chính trị, kinh tế, mỹ thuật.

3- Tự do hội hiệp.

4- Tự do du lịch.

5- Quyền lập liên đoàn.

6- Yêu cầu cho 5 khoản thỉnh cầu trên khỏi bị hạn chế.

Trong những khoản tự do yêu cầu trên, có sự tự do báo chí là là đáng chú ý đến hơn cả. Nói cho đúng, tự do báo chí mới thực sự là tự do. Là vì nó hàm súc hầu hết những sự tự do khác. Thí dụ như tự do tư tưởng, ta có thể coi như bao hàm trong sự tự do báo chí: nếu tư tưởng không được tự do, thì không thể có báo chí tự do được.”

Bài này đi đôi với bức tranh của Nguyễn Gia Trí, vẽ mụ già kiểm duyệt, cực kỳ sắc bén, làm tăng sự khắc nghiệt và tàn ác trong việc truất quyền tự do báo chí của chính quyền thuộc địa.

clip_image008

Tranh của NGT, trên Ngày Nay số 23 vẽ mụ già kiểm duyệt

Hoàng Đạo lúc này đầy hy vọng, nhất quyết tranh đấu, đặt quyền tự do báo chí lên hàng đầu.

Tháng 9-1936, chính phủ Bình dân dự định gửi một Uỷ ban điều tra đến Đông Dương để biết rõ nguyện vọng của người dân thuộc địa. Các nhóm dân sự tấp nập hội họp để bàn những điều thỉnh nguyện lên chính phủ Pháp.

Nhất, Nhị Linh viết bài: Một ý cùng ủy ban báo giới, bàn nên cử một phái đoàn báo giới sang Pháp để vận động đòi tự do ngôn luận. Tiền lộ phí sẽ do các báo góp lại. Riêng Ngày Nay sẵn sàng đóng từ 50 đến 100 đồng (Ngày Nay số 30, 18-10-36). Việc này không đi đến đâu, sau không thấy nhắc đến nữa.

Một năm sau, vẫn không thấy Ủy ban điều tra sang, Nguyễn Gia Trí vẽ bức tranh Núi vọng...Uỷ ban trên Ngày Nay số 108 (1-5-38) nói lên nỗi cay đắng đợi chờ của người Việt.

clip_image010

Tranh Ritg: Núi vọng... uỷ ban, Ngày Nay số 108

Và trên Ngày Nay số 110 (15-5-38), Nguyễn Gia Trí vẽ bức tranh Mẫu quốc (nước mẹ) mỉa mai châm biếm sâu sắc hơn, tỏ sự bất tín hoàn toàn vào uỷ ban điều tra này:

Lý Toét: Này bác, Uỷ ban điều tra sắp làm xong công việc rồi đấy. Chắc sẽ có kết quả tốt.

Ba Ếch: Ồ, trông mong... nước mẹ gì!

clip_image012

Tranh Mẫu quốc (nước mẹ), Ngày Nay số 110

Trên Ngày Nay số 34 (15-11-36), Hoàng Đạo viết bài: Tự do hội họp và tự do lập hội:Ta vẫn có quyền tự do hội họp, chứ chưa có quyền tự do lập hội, để xác định: Hiện ta chỉ có tự do hội họp để bàn về một vấn đề gì, chứ chưa có quyền tự do lập hội.

Mười tuần lễ sau, có tin ông Toàn quyền mới sẽ sang Việt Nam, mọi hy vọng lại bùng lên.

Đón chào toàn quyền mới

Ngày Nay số 44 (24-1-37) đón chào Jules Brevié (1937-1939), vị Toàn quyền của chính phủ Bình dân.

Hy vọng tràn đầy: từ nay cáo chung chế độ tàn ác, khắc nghiệt của Pasquier (1928-1934) và Robin (1934-1936), biết bao nhiêu tờ báo đã bị chết oan dưới bàn tay đao phủ của hai vị toàn quyền này.

Hoàng Đạo viết bài Nước bài cuối cùng: Tự do Ngôn Luận. Ông toàn quyền Brevié đã tới Đông Dương thay mặt Ngày Nay, chào đón Toàn quyền Brévié bằng câu:

"Ông Brévié có nói: "Giờ chúng ta cùng làm việc". Báo giới chúng tôi cũng muốn làm việc lắm. Làm việc trong sự tự do. Chúng tôi cũng muốn nâng cao trình độ vật chất và tinh thần của quần chúng. Nhưng muốn cho ý mong ấy thành sự thực, vận mệnh tờ báo phải chắc chắn, không bấp bênh, không biết sống chết ngày nào như dưới chế độ báo chí hiện thời. Nghiã là phải có: Tự do ngôn luận.

Báo Ngày Nay, tờ báo dư luận viết bằng quốc văn độc nhất ở Hà Nội còn sống sót rất mong mỏi ở ông sự tự do ấy.

Các bạn đồng nhiệp của chúng tôi đã lần lượt theo nhau chết dần. Mong tiếng kêu độc nhất của chúng tôi không phải là tiếng kêu thương của con bạch nga".

Ngày Nay

Lập luận khéo léo, đầy hy vọng gửi tới ông Brévié, người lãnh đạo toàn cõi Đông Dương, thuộc cánh tả, của chính phủ Bình dân, có truyền thống bênh vực những kẻ yếu kém "sẽ không nề hà cúi xuống những nỗi thống khổ cơ cực của hạng cùng dân, và sẽ can đảm thực hành một chính sách khoan hồng và nhân đạo, chứ không theo chính sách ác nghiệt là chính sách thông thường ở đất nước này".

Tiếp đó Hoàng Đạo đi vào vấn đề tự do báo chí:

"Một tờ báo, muốn cho dân lao động đọc được, thế tất phải rẻ tiền, nghiã là phải có rất nhiều độc giả. Muốn cho tờ báo có nhiều độc giả, cần phải có tự do ngôn luận. Lúc đó tờ báo mới có thể đem tư tưởng tiến bộ truyền bá đi các hang cùng, ngõ hẻm, các làng mạc hẻo lánh ở những nơi ánh sáng văn minh chưa lọt tới. Muốn cho công cuộc chung có kết quả hay, tự do ngôn luận là một điều cần thiết nhất. Nguyện vọng phức tạp của nhân dân, làm thế nào mà chính phủ biết được một cách rõ rệt, nếu báo chí không dám bầy tỏ một cách công nhiên?

Tự do ngôn luận, chúng tôi cần phải nhắc lại nhiều lần, là một phương pháp mầu nhiệm, để quảng thông những tư tưởng nền tảng của văn minh mới, và để tỏ cho nhà chức trách biết những điều mong mỏi chân thành của hết thảy hạng người."

clip_image014

Ngày Nay số 44 Hy vọng cuối cùng

Bài Nước bài cuối cùng đi đôi với tranh bià: Hy vọng cuối cùng không đề tên, nhưng chắc chắn của Gia Trí, in trên nền đỏ, vẽ con đại bàng báo chí trên đầu ông Brévié, bị trói chân, buộc dây vào cột Các nghị định bó buộc. Toàn quyền mới, y phục đen, tay cầm kéo sắp cắt dây. Dưới đề: Ông Brévié có cắt thì cắt dây, xin đừng cắt cánh.

Hiệu quả chập lại của bài Hoàng Đạo và tranh Gia Trí cực kỳ mạnh mẽ: văn tha thiết, tranh đe dọa, không ai có thể chối cãi được.

Hoàng Đạo và Gia Trí đối đầu với Toàn quyền Brévié

Ngày Nay số 45 (31-1-37), vẫn tiếp tục tranh đấu cho Tự do báo chí.

Bìa vẫn là bức tranh ở số 44, nhưng đổi nền đỏ thành xanh lá cây, ở dưới ghi câu này: "Ông Brévié không cắt, lấy cớ rằng báo chí Annam còn thấp kém. Ông nói thế mà đúng: bị trói buộc thế kia thì nó bay cao thế quỷ nào được.... thử cắt xem đã!"

clip_image016

Tranh Gia Trí trên bià Ngày Nay số 45

Tranh này đi đôi với bài Tự do ngôn luận có thực như vậy chăng? của Hoàng Đạo, buộc tội không nhân nhượng lời phát biểu và chính sách của vị toàn quyền mới.

Giống như bất ngờ ta bị ai tát vào mặt, sự kinh ngạc lên tới cực điểm, Hoàng Đạo hỏi: Có thật như vậy không? Có thật ông Toàn quyền Brévié đã nói với Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo câu này:

"Trình độ và tư cách báo giới ở xứ này còn kém lắm. Ở trên thế giới mà nghe đến báo giới ở Đông dương thì ai cũng ít thiện cảm. Vì vậy tôi không muốn cho tự do ngôn luận".

Tiếp đó là sự công kích thẳng thừng lập luận của ông Toàn quyền, Hoàng Đạo viết:

"Câu nói ấy, đăng trong báo Đuốc Nhà Nam, đã gieo sự ngạc nhiên vô cùng vào óc hai mươi triệu dân Việt Nam đương mong đợi ông toàn quyền của chính phủ Bình dân như một người đem sự công lý, nền tự do của nước Pháp đến đất nước vô duyên này.

Vậy ra, theo ông Brévié, báo chí quốc ngữ Đông dương đã có tiếng, có tăm trong thế giới. Từ nước Tây-ban-nha qua nước Phổ-lỗ-xĩ, nước Lỗ-ma-ni bên Âu châu đến nước Chi-li, nước Paraguay, nước Bolivie bên nam Mỹ, đâu đâu cũng vang lừng danh xấu của báo chí Đông dương, của báo Việt Nam.

Danh xấu đó vậy ra không phải là vô cớ. Danh xấu đó, chính do ở trình độ và tư cách kém hèn của báo chí ở xứ kém hèn này. Tư cách hèn, trình độ kém, thì để cho người ta trói, người ta buộc, người ta muốn để sống thì được sống, bắt chết thì phải chết, là đáng đời lắm rồi, còn kêu ca gì nữa cho bận lòng người đại diện của chính phủ Bình dân, một chính phủ nhân đạo, tự nhận lấy cái nhiệm vụ nâng cao trình độ và tư cách của những dân tộc kém hèn".

Và Hoàng Đạo chỉ ra sự "bất cẩn" trong lời nói của vị cầm quyền Đông Dương:

Một người cẩn thận, dè dặt, chín chắn như vậy lẽ đâu chưa cầm qua một tờ báo chữ quốc ngữ, chưa đọc qua một giòng văn người Việt Nam, đã vội vàng liệt ngay báo chí Annam vào hạng đê hèn không đáng kể, không đáng sống trong ánh sáng của tự do? (...) Ông Brévié không thể nào lại như thế.

Vậy chúng tôi chắc là một sự hiểu lầm. Một sự hiểu lầm đáng tiếc. Chúng tôi chắc nói đến báo chí Đông dương kém hèn, ông Brévié chú ý đến báo chí chữ Pháp nhiều hơn là vì dư luận thế giới ít thiện cảm là ít với báo chí tiếng Pháp, chứ đối với báo quốc ngữ thì có lẽ họ không biết rằng có nữa. (...)

([Hôm sau] Nhắc lại sự đê hèn của báo chí Đông Dương ông toàn quyền có giảng giải rằng ý ông muốn trỏ những hành động đê tiện của bọn làm báo hăm dọa để ăn tiền (combines de chantage), nghiã là hành động của báo chí chữ Pháp hơn là của báo chí chữ ta)."

Từ kinh ngạc ban đầu, Hoàng Đạo chuyển sang đối đầu: ông toàn quyền nói như vậy thực à?

Ông nói như vậy là nói chính báo Tây của ông ở Đông dương đấy. Báo Tây mới được cả thế giới biết đến chứ báo quốc ngữ của chúng tôi thì ai đọc?

Ông nói như vậy khi chưa đọc báo Việt Nam (chưa biết đọc chữ quốc ngữ) mà dám nói như vậy là nói quàng.

Rồi khi bị phản đối, ông chữa lại: ý ông muốn nói những hành động đê tiện của bọn làm báo chantage, thì những hành động đê tiện này cũng chỉ là của báo Pháp các ông, chứ báo tiếng Việt chúng tôi không ai làm như vậy cả.

Văn nghị luận viết đến thế là tuyệt, không sơ hở chỗ nào, lại dùng gậy ông đập lưng ông, sở trường của Hoàng Đạo.

Nhưng Hoàng Đạo vẫn kết luận bằng một câu nhũn nhặn đầy tin tưởng: "Chúng tôi mong ông toàn quyền Brévié sẽ thành thực nới quyền ngôn luận cho chúng tôi, sửa đổi lại chế độ hiện thời để chúng tôi được hưởng ánh sáng của sự tự do ngôn luận".

Cùng với bài Tự do ngôn luận có thực như vậy chăng? Ngày Nay in bức tranh Đứa bé Annam của GTRI vẽ một đứa bé Việt Nam bị lột trần, quan Tây, quan Ta mặc sức xâu xé dưới đây của Nguyễn Gia Trí:

clip_image018

Tranh Đứa bé Annam (năm cha, ba mẹ) của GTRI, Ngày Nay số 45

Bức tranh này như gáo nước lạnh dội vào mặt quan Toàn quyền, làm lễ ra mắt: Gia Trí đã công khai tố cáo tình trạng dân Việt Nam bị thực dân và tham quan xâu xé, đàn áp, bóc lột.

Hai tuần sau, trên Ngày Nay số 47 (21-2-37), Hoàng Đạo viết bài: Tự do ngôn luận, chưa nên thất vọng, bài cuối cùng, mở đầu bằng những hàng:

"Tôi không thể cho báo chí quốc ngữ được tự do"

Đó là lời ông toàn quyền Brévié tuyên bố với ông Nguyễn Văn Sâm, hội trưởng hội Báo giới Liên hiệp ở trong Nam.

Lần này thật không có thể lầm lẫn được nữa.

Ông toàn quyền của chính phủ Bình dân, ông toàn quyền mà chúng tôi vẫn tin là dè dặt, thận trọng, đã rõ ràng cho chúng ta biết cái cao kiến về vấn đề quan hệ ấy.

Báo chí quốc ngữ sẽ không được tự do."

Biết rằng không còn đòi hỏi được gì nữa, Hoàng Đạo đề nghị điều chót:

'Một tờ báo cũng có thể bị đóng cửa, nhưng quyền đóng cửa ấy không phải ở chính phủ, mà phải ở toà án. Chúng tôi chỉ muốn có nơi để tự bênh vực lấy quyền lợi, để khỏi phải ân hận không biết tại sao bị thu giấy phép, không biết vì cớ gì còn sống sót. Báo chúng tôi bằng chữ quốc ngữ, mà hội đồng chính phủ hầu hết không biết tiếng annam, nên đành phải dựa vào những bài dịch; mà dịch tức là làm lạc nghiã đi. Hơn nữa, hội đồng chính phủ chỉ biết tới những mẩu văn, không có ý kiến gì về toàn thể một tờ báo, nên không thể nào định đoạt một cách công minh được."

Là luật gia, Hoàng Đạo đòi: sự đóng cửa một tờ báo phải do toà án quyết định, tức là toà án phải xác định được tờ báo ấy đã phạm những điều luật nào. Và khi bị buộc tội, tờ báo ấy có quyền biện hộ cho chính mình. Còn sự quyết định của chính phủ là do một nhóm người không biết tiếng Việt, thì không thể định đoạt số phận của một tờ báo Việt ngữ.

Lời Hoàng Đạo trong những bài đối đầu với Toàn quyền vừa đanh thép, vừa có lý, nên dù ông Brévié không cho báo chí quốc ngữ quyền tự do, nhưng vẫn phải nể tờ Ngày Nay và trong những ngày sắp tới, Ngày Nay tranh đấu quyết liệt hơn, cũng chỉ bị kiểm duyệt, chứ không bị đóng cửa.

Tuy vậy, chính phủ Bình dân cũng có những quyết định nhân đạo, Ngày Nay số 48 (28-2-37) trong bài xã luận Phiến đá trắng, Hoàng Đạo nói về chỉ dụ luật lao động của chính phủ Bình dân. Đây là mấy điểm chính:

- Cấm cưỡng bách lao động.

- Cấm việc phạt lương.

- Lương thợ sẽ không được ở dưới một mức tối thiểu.

- Cấm mượn trẻ con dưới 12 tuổi.

- Đàn bà có thai được nghỉ tám tuần lễ để ở cữ.

- Bị tai nạn lao động, nếu không làm việc được trong quá bốn ngày, sẽ có trợ cấp.

Bộ luật này, xoá sự bóc lột tàn nhẫn, đem lại sự nhân đạo cho người lao động, và là động tác đầu tiên của chính phủ Bình dân.

Tuy nhiên những xoa dịu của Luật lao động: người đi làm được nghỉ ngày 1 tháng năm (Lễ Lao động) không thay đổi được cỗi rễ chế độ thực dân và con người thực dân.

Ngày Nay số 58 (9-5-37) có tranh bìa tựa đề Quan tân chế độ tân của RIGT, Nguyễn Gia Trí vẽ một ông cảnh sát Tây vĩ đại, đứng trước công sở, nhà máy, trường học, treo cờ tam tài, dùi cui giấu sau lưng. Lý Toét và học trò hân hoan lặp lại khẩu hiệu Tây lai: NGHỈ 1er Mai.

clip_image020

Tranh bià Ngày Nay số 58.

Bức tranh châm biếm đớn đau, chỉ cho dân ta biết: vì chính phủ Pháp ban hành một chính sách nhân đạo, chính phủ thực dân bắt buộc phài thi hành, nhưng sau lưng họ vẫn giấu cái dùi cui, không biết lúc nào sẽ nện trên đầu người Việt. Vậy chúng ta phải cảnh giác, đừng ngây thơ như Lý Toét.

Hoàng Đạo đã ngừng nhưng Nguyễn Gia Trí vẫn tiếp tục đòi tự do báo chí trên nhiều số báo nữa.

Ngày Nay số 59 (16-5-37), tranh bià Bút đàm của RITG, vẽ hai anh nhà báo, một tiếng Tây bị bịt miệng, một tiếng ta, bị nhét kẹo đầy mồm, phùng mang trợn má, bút đàm với nhau:

- Mồm anh đầy quánh những kẹo thế kia, còn nói sao được.

- Dễ thường anh thì nói được.

clip_image022

Bút đàm, tranh bià Ngày Nay số 59

Ngày Nay số 61 (30-5-37), có tranh bià Làng báo lễ cầu mát của RITG. Nhà báo cầm đơn đứng trước bàn thờ. Trên bàn thờ ba ông quan đội mũ cánh chuồn: một ông vừa được mở khoá xiềng xích, một ông đeo các chỉ dụ Bó Buộc, một ông cầm kéo (kiểm duyệt). Bên phải bàn thờ là đội ngũ cảnh sát Tây kề sát.

clip_image024

Làng báo lễ cầu mát, bià Ngày Nay số 61

Ngày Nay số 64 (20-6-37), tranh bìa của RITG: Ông quan lớn Tây cầm con dao cạo to hướng về phiá nhà báo Annam, nói: "Tự do thì các ông vẫn được tự do đấy chứ, tôi chỉ giữ đằng chuôi hộ các ông mà thôi".

clip_image026

Tranh bià Ngày Nay số 64

Hoàng Đạo ngừng vì biết không thể nào lay chuyển được quyết định của toàn quyền về tự do báo chí, ông xoay sang tranh đấu bằng cách khác.

Trên Ngày Nay số 51 (14-3-37) Hoàng Đạo bắt đầu viết loạt bài Bùn lầy nước đọng.

Bùn lầy nước đọng

Bùn lầy nước đọng là những bài tiểu luận, đăng như xã luận trên trang đầu, trong năm tháng, từ Ngày Nay số 51(14-3-37) đến số 73 (22-8-37), chiếu ánh sáng vào những lầm than của dân quê, sống trong vòng luẩn quẩn: "dốt nát vì đói khổ, đói khổ vì dốt nát" cứ thế không ngóc đầu lên được. Họ là nạn nhân của trăm thứ tệ đoan: bọn nhà giàu cho vay lãi nặng, bọn cường hào cướp hết những quyền lợi chung trong làng, nạn tham ô, nạn cửa quyền...

Bùn lầy nước đọng khảo sát nhiều vấn đề, Hoàng Đạo không chỉ đả kích, ông luôn luôn đề nghị những cách sửa đổi.

Bắt đầu bằng vấn đề Quan trường, ông tìm hiểu tới tận gốc việc sai lầm: vì trao cho các quan (tri huyện, tri phủ) quá nhiều nhiệm vụ, quá nhiều quyền hành, mà họ không đủ khả năng, từ việc thuế khoá đến việc xây cất, trị an... vì thế gây ra hỗn độn. Cần phải thực hiện chế độ phân quyền từ trong làng xã: việc xây cất giao cho sở lục lộ, việc kiện tụng giao cho quan tòa, việc trị an giao cho sở cẩm, v.v.

Trong bài Tiếng trống ngũ liên (Ngày Nay số 53) Hoàng Đạo bàn đến nỗi sợ trộm cướp của dân quê, cứ nghe thấy tiếng trống ngũ liên (báo cướp) là người dân khiếp đảm, thất thần, vì họ không có cách gì chống lại, không biết khi nào đến phiên mình bị tra khảo, đánh đập. Mà cướp không chỉ người giàu (xem phóng sự Ngày Nay điều tra ăn cướp của Trọng Lang và Thế Lữ, trong chương Phóng sự) cướp cả người nghèo, cướp gà, cướp lợn, bất cứ thứ gì cũng có thể bị cướp. Việc canh gác giao cho tuần phiên là những trai làng canh phòng, với khí giới giáo mác thô sơ, thấy cướp đến thì chạy mất. Còn lính đóng ở phủ, huyện, xa, khi đến nơi thì cướp đã cao chạy xa bay rồi.

Hoàng Đạo đề nghị việc Phá đình (Ngày Nay số 55). Một đề nghị can đảm và tân tiến: Đình là nơi tập trung những cổ lệ, những miếng ăn, những chiếu trên chiếu dưới, là nơi thờ phụng Thần hoàng làng, một tục lê bán khai, mê tín dị đoan, trào lộng, đến độ nếu Thần hoàng là một tay ăn trộm, chết vào giờ thiêng, thì mỗi lần cúng tế phải diễn lại trò đạo chích. Nếu Thần hoàng là kẻ hoang dâm, thì mỗi khi con gái đi qua đình phải tốc váy!

Trong bài Vũng nước tù (Ngày Nay số 56) Hoàng Đạo viết:

"Sau lũy tre xanh óng ả, cuộc đời vẫn như trước (...) những ngõ lầy lội, bẩn thỉu, những gian nhà chật hẹp mái thấp tỏa xuống đất như bị mãnh lực nào đè bẹp, không cất đầu lên được.

Bên cạnh những căn nhà ấy là những vũng ao tù nước cáu đen. Trong ao người ta rửa chân rửa tay tùy thích. Nước ao còn có khi lại dùng để ăn nữa (...)

Họ không biết vệ sinh là gì; vì thế, những lúc ông dịch tác hại, họ lấy cách lễ tạ quan ôn làm thượng sách; vì thế, trẻ con sài rồi chết, họ cho là một sự quá thường".

Bức tranh Nguyễn Gia Trí dưới đây, đi kèm với bài viết của Hoàng Đạo mô tả tất cả, không cần phải nói gì thêm.

clip_image028

Tranh RITG, Ngày Nay số 56

Trên Ngày Nay số 58 (9-5-37) và Ngày Nay số 59 (16-5-37), Hoàng Đạo viết bài Nỗi lo lắng hằng năm của dân quê.

Ông kể lại một ký ức tuổi thơ:

"Hồi đó, tôi học ở một trường huyện, hàng ngày qua một cái chợ nhỏ, quán thấp lè tè và sơ sác. Chiều hôm ấy, tôi về sớm, ghé vào chợ tìm tổ chim. Chợ đã vãn, dưới những quán siêu vẹo, chỉ còn rác bẩn và bã mía (...)

Bỗng tôi chú ý đến một người đàn ông ở góc chợ. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ rằng lúc ấy tôi thấy người ấy có bộ mặt khó đăm đăm. Người ấy chống đòn gánh đứng cạnh đôi thúng, mà, tôi lấy làm lạ quá, trong thúng là một thằng bé con. Thấy tôi lại gần, người đàn ông ngập ngừng như muốn nói lại thôi. Tôi nhìn thằng bé, thằng bé nhìn tôi, mỉm cười. Tò mò tôi hỏi:

- Sao bác lại cho em ngồi trong thúng thế?

Tôi nghĩ bụng rằng được ngồi trong thúng để bác gánh chắc cũng dễ chịu như người ngồi xe. Nhưng tôi ngạc nhiên hết sức khi nghe bác ta trả lời:

- Tôi đem bán cháu đấy, cậu ạ.

- Bán?

- Bán để làm gì hở bác?

Bán để lấy tiền đóng thuế.

Rồi bác ta mỉm cười chua chát:

- Cả ngày chả có ai mua, khốn khổ quá. Đấy, cậu có mua tôi bán rẻ cho".

Đoạn văn viết cách đây 84 năm, mà nay đọc ta vẫn thấy xúc động vô cùng bởi những ý nghĩ ngây thơ của cậu bé Hoàng Đạo và nỗi hy vọng-tuyệt vọng của người bán con.

Nhưng nếu ta lại xem bức tranh Nguyễn Gia Trí vẽ trên Ngày Nay số 59 kế tiếp, minh họa cho bài Thuế đinh điền, thì niềm xúc động sẽ trở sang một chiều hướng mới:

clip_image030

Ngày Nay 59, tranh RITG minh hoạ Thuế đinh điền

Nguyễn Gia Trí vẽ bức tranh cực kỳ châm biếm bi đát: người dân quê rách rưới gánh con và bát điã đi bán (để trả thuế), gặp bà đầm phóng viên dẫn chó đi làm phóng sự:

Nữ phóng viên:

- Đi đâu mà vội vàng thế?

- Thưa bà đầm, con đi đóng thuế.

"Bà đầm" chưa chắc đã hiểu câu "con đi đóng thuế" nghiã là "con đi bán con để đóng thuế", chỉ có người Việt hiểu. Bức tranh này tạo cho sự bán con một tính chất exotique (phong vị xứ lạ) dưới mắt ký giả Pháp, cần phải chụp ngay để bất tử hóa. Văn Hoàng Đạo và tranh Nguyễn Gia Trí đã làm tăng nồng độ bi đát lên một mức nữa, nhờ hai yếu tố vô tìnhhài hước trộn lẫn, nhờ sự cách biệt sâu xa giữa người đầm cai trịngười dân bị trị, không chỉ ở mức độ quyền lực mà còn ở cả mức độ không thông cảm vì văn hóa và tư tưởng hoàn toàn khác nhau.

Bìa Ngày Nay số 88 (5-12-37), RITG vẽ bức tranh không lời: trong công viên, đặt hai bộ máy, máy thuế thân, máy cư trú, dân Việt sắp hàng đợi đến phiên mình được nghiền nát trong hệ thống thu thuế của mẫu quốc. Cửa Vườn hoa thành phố cắm bảng: "Vào xem không mất tiền". Bên ngoài là hàng rào cảnh sát giữ an ninh, canh chừng trường hợp những bộ xương người sau khi qua máy ép, có thể nổi loạn:

23-NN88

Tranh không lời của RITG, bià Ngày Nay số 88

Sự giành giật địa vị ngôi thứ trong làng, tranh nhau ghế tiên chỉ, đánh nhau vì miếng ăn được Hoàng Đạo trình bày trong bài Miếng thịt giữa làng (Ngày Nay số 67), không chỉ ở dừng lại ở trong làng mà còn lan ra tỉnh, đến cả các công chức cao cấp trong phủ toàn quyền, qua bức minh hoạ của RITG:

clip_image034

Tranh RITG, minh hoạ bài Miếng thịt giữa làng của Hoàng Đạo, Ngày Nay số 67

Người dân quê chưa có ý thức về cá nhân, về tự do. Nhưng không phải vì người ta chưa biết tự do là gì, mà không cho người ta tự do. Cũng như không thể lợi dụng câu: cầm dao có ngày đứt tay để từ chối không cho một người – dẫu là dân quê u tối – cả đời không được cầm đến con dao! Lập luận của Hoàng Đạo trong bài Tự do với dân quê (Ngày Nay số 68, 18-7-37), đi đôi với tranh Lý Toét Xã Xệ của Nguyễn Gia Trí dưới đây:

clip_image036
Tranh minh hoạ cho bài Tự do với dân quê, Ngày Nay số 68

Bức tranh biểu hiện lối tự trào cay đắng của Gia Trí về dân tộc mình: sự dốt nát đã dẫn đến những suy luận vô cùng thiển cận và độc hại:

Lý Toét dơ cao chai rượu nói với Xã Xệ: "Tự do! Tự do! Chúng mình đã được tự do uống rượu rồi còn gì nữa!"

Nhưng ta lại cũng có thể hiểu rằng: câu nói của Lý Toét có nghiã cực kỳ mai mỉa: Lý Toét muốn nói: sự tự do mà "chúng nó" ban cho ta chỉ có nghiã là chúng nó độc quyền bán rượu và ta có quyền tự do nghiện rượu mà thôi. Tranh Nguyễn Gia Trí thường có ít nhất hai nghiã.

Để chống lại những cái chết âm thầm không tiếng động, những cảnh bán con để nộp thuế mà không ai mua:

- Hoàng Đạo chỉ ra những bất công, tàn ác, sai lầm, trong toàn bộ chính sách thực dân được áp dụng: từ việc định thuế khoá, thuế dinh điền, thuế thân, đến việc cho hãng Fontaine độc quyền nấu rượu, buôn thuốc phiện, đến tình trạng công nghệ, công điền, di dân, nạn cho vay nặng lãi, vấn đề giáo dục...

- Nguyễn Gia Trí thực hiện những bức hý họa bày tỏ tình trạng tương phản giữa sự đói rách bùn lầy nước đọng của dân quê với đống tiền Đông dương cao như núi của chính phủ bảo hộ, mà Toàn quyền Doumer đã khoe khoang ở trên: từ khi ông độc quyền thu thuế ở nước Nam, thì ngân quỹ Đông Dương tăng vọt.

Nguyễn Gia Trí tóm tắt tình hình trong bức tranh trên bià báo Ngày Nay số 53 (4-4-37) dưới đây, vẽ núi tiền Đông Dương mà mẫu quốc sở hữu, làm các nước khác thòm thèm và nhòm ngó:

23-NgayNay-So53

Ngày Nay số 53

Bức tranh diễn tả sự giàu có của Đông Dương, đề tài phỏng theo hai nguồn tin:

1- Tin các báo Âu Châu: Đức muốn Pháp nhường Đông Dương cho mình.

2- Tin các báo Nam Bắc: Nhật cũng nhòm ngó Đông Dương.

Bức tranh vẽ Hitler cao ngồng tay gắn dấu hiệu Đức Quốc Xã có xe tăng và súng đạn hậu thuẫn sau lưng, cầm bó hoa đưa cho Thực dân Pháp, thấp tè, cũng chìa bó hoa tặng lại quan thầy Hitler, cô dâu Đông dương ngồi chễm chệ trên đỉnh tiền cao ngất của núi của hồi môn.

23-NgayNay-So70

Tranh Khu Đông Pháp tại Đấu Sảo Paris 1937, Ngày Nay số 70

Để trình bày sự tương phản giữa cảnh bùn lầy nước đọng của dân ta với nền văn minh Đại Pháp và để chào mừng cuộc đấu xảo quốc tế 1937 ở Paris, trên bìa Ngày Nay số 70 (1-8-37), có bức tranh Khu Đông Pháp trong trường đấu xảo quốc tế Paris 1937 (ảnh chụp của đặc phái viên Ngày Nay RITG). Nguyễn Gia Trí vẽ hai túp lều tranh có Lý Toét Xã Xệ mặc quần áo đại lễ bên cạnh toàn bộ chó, mèo, heo, con nít, hát xẩm... đại diện cho Việt Nam trong "căng" đấu xảo, ở dưới chân tháp Eiffel.

Ngày Nay số 71 (8-8-37) có tranh bìa của RITG dưới ghi hàng chữ: Ông toàn quyền Sarraut có nói: "Xứ Đông Pháp là cái bao lơn trên Thái Bình Dương (le balcon du Pacifique)".

Sự tương phản giữa cảnh cảnh bùn lầy nước đọngnước Đại Pháp ở đây được nhìn dưới góc độ khác, bí hiểm hơn: Con tàu khổng lồ treo cờ Đức Quốc Xã, có vẻ như tàu du lịch (croisière) vì thấy bóng hành khách thướt tha thanh lịch, mà lại có hai tầng súng, ca nông chiã thẳng vào căn nhà xiêu vẹo, đổ nát, có Lý Toét cởi trần nằm trên bao lơn, kinh thành Huế bốc khói sau lưng.

Thâm ý của họa sĩ: ngay cả tàu du lịch của nước Đại Pháp cũng có ca nông, và khách du lịch trên tàu sẵn sàng đổ bộ chiếm cửa Thuận An, ban công trên Thái Bình Dương, trong nháy mắt, khiến Huế sau lưng tan tành ra sương khói.

23-NgayNay-So71

Bià Ngày Nay số 71

Tranh hài hước của Nguyễn Gia Trí luôn luôn thâm thúy, châm biếm bi đát và đồng tâm với Hoàng Đạo trong Bùn lầy nước đọng.

Trước thực trạng dân chúng lầm than đói khát, bên cạnh núi tiền thực dân ăn cướp ở thuộc địa, không ai dám phê bình, trừ Nguyễn Gia Trí và Hoàng Đạo; cho nên khi bị bắt năm 1941, cả hai đều bị tra điện dã man. Hậu quả việc này là Hoàng Đạo bị đau tim, dẫn đến cái chết của ông năm 1948.

"Dân quê nghèo khổ đến cực điểm.(...) Vợ chồng nhìn nhau, nhìn con, rồi lẳng lặng nhịn đói nhịn khát, rồi nếu không nhịn được nữa, thì đành chết, có thế thôi. Thật là giản dị, một sự giản dị cay nghiệt, đau đớn".

(Sinh kế ở thôn quê; Ngày Nay số 54)

"Tình trạng đáng thương ấy không thể để lưu liên mãi được. Đến nay còn như vậy là chậm lắm rồi. Nhà đương cuộc cần phải để ý hơn nữa đến dân quê"

(Vũng nước tù, Ngày Nay số 56)

Bùn lầy nước đọng là những bức phác họa bằng chì, bằng chữ của Gia Trí - Hoàng Đạo, về đời sống dân quê dưới thời Pháp thuộc, vẽ nên bộ mặt lầm than cay đắng của một xã hội rã nát, tàn tạ.

Bùn lầy nước đọng như tiếng kêu cứu khẩn cấp, hy vọng được chính phủ Mặt trận Bình dân nghe, nên đã xuất bản lần thứ nhất ngày 26-9-38, nhưng vừa bày bán đã bị chính phủ thuộc điạ ra lệnh cấm tàng trữ và lưu hành.[9] Thì ra chính phủ Pháp, dù là Mặt trận Bình dân, cũng không muốn nghe những lời chân thực này.

(Còn nữa)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

[1] Liên minh cánh tả thắng thế trong cuộc bầu cử ngày 26-4-36 và 3-5- 36 (Pháp bầu cử hai vòng). Ngày 6-6-1936, Léon Blum chủ tịch Đảng Xã hội, giới thiệu thành phần chính phủ liên minh, tức chính phủ Mặt trận Bình Dân, tại Quốc hội.

[2] Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954, quyển thượng, tác giả tự xuất bản, Melun, Pháp, 1999, trang 31.

[3] Mặt trận Bình dân đắc cử ngày 3-5-1936, chính thức cầm quyền từ ngày 6-6-36 đến ngày 12-4-1938.

[4] Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, tác giả tự xuất bản, 2013, tại Maryland, Hoa Kỳ.

[5] Theo Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), Sài Gòn 1961, Sống Mới in lại tại Hoa Kỳ, trang 230-329.

[6] Paul Doumer, L'Indo-Chine française (souvenirs), Nxb Vuibert et Nony, Paris, in lần thứ nhì, 1905, trang 321.

[7] L'Indo-Chine française (souvenirs), trang 322.

[8] L'Indo-Chine française (souvenirs), các trang 322-325-327-329.

[9] Theo bản in năm 1959, Cơ sở báo chí và xuất bản Tự Do, Sài Gòn.