Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Nuôi Sẹo (kỳ 5)

Triều Sơn

CHƯƠNG VIII

Công việc của Nuôi Sẹo chẳng còn bao lâu nữa: chỉ còn hai cái sân đình phải quét dọn cho sạch sẽ. Bên trong đình mờ mờ, tôi tối như một buổi chiều hè lúc sắp có cơn mưa lớn. Tất cả mọi đồ vật ở đây, Nuôi Sẹo đều quen thuộc như bạn thân: cái hương án sơn son thiếp vàng đặt ở giữa đình, bên trên nào đỉnh đồng, nào bát hương, nào độc bình, song bình, nào mâm bồng lủng củng, những cột lim cao lớn sừng sững lên tận mái nhà, cái trống cái lớn nằm ngang trên giá gỗ, cái lộng trước hương án, vàng khè và đã lỗ chỗ rách tự bao năm nay. Cũng quen thuộc cái lớp ánh sáng, phơn phớt tự bên trên tỏa xuống ở phía sau hương án, đằng trước hậu cung, giữa khe hở của hai mái ngói, cái mùi âm ẩm, mốc meo lẫn mùi bụi, mùi của những đồ vật cũ thiếu bàn tay người sờ mó, săn sóc. Gió lạnh ở bên ngoài theo lớp ánh sáng tuôn vào trong đình. Nuôi Sẹo vừa quét vừa run run. Gã muốn chui vào phía sau hậu cung để làm một giấc nhưng gã sợ Lý Phát hay Trương Nghê ra đình, bắt chợt gã bỏ việc.

Hôm kia, cụ Tuần Đan ra thăm đình, thấy đình nhơ nhớp quá có bảo cho Lý Phát biết. Lý Phát sai tuần đi tìm Nuôi Sẹo về quét dọn đình. Tuần sục sạo khắp nơi trong làng, ngoài phố không thấy mặt gã đâu. Đến chiều, người ta mới thấy gã về. Lý Phát hỏi gã đi đâu. Gã nói đi đẩy xe cho anh Bủng đi tới một làng ở cuối huyện, từ hai hôm nay vừa mới về. Bị hỏi dồn mãi, gã lắp bắp nói cho Lý Phát biết rằng khi tới nơi, gặp nhà người ta có đám, gã ở lại mổ lợn làm giúp nhà đám cùng với anh Bủng cho tới giã đám. Lý Phát giận quá đánh cho gã cái bạt tai. Gã cúi đầu co cẳng chạy. Ngay chiều hôm ấy, Lý Phát bàn với chức dịch trong làng hoặc đuổi cổ gã đi hoặc không cho gã đi đâu ra khỏi làng hết. Nhưng phần lớn các chức dịch đều nhận thấy rằng Nuôi Sẹo làm mõ làng không có lương thì phải làm phụ bên ngoài mới có ăn những khi trong làng không có đám xã. Vả lại, ông Bá Tỉnh hỏi: “Đuổi thằng Nuôi Sẹo đi rồi kiếm sao được một người như nó”. Các cụ không ai trả lời được. Đến khi Lý Phát ngỏ ý với cụ Tuần, cụ gạt phắt đi thì không ai dám nghĩ đến chuyện đuổi Nuôi Sẹo nữa. Và từ hôm ấy đến nay, Lý Phát cùng Trương Nghê đã giao cho gã việc quét dọn đình. Thỉnh thoảng họ lại nhào ra đình để xem Nuôi Sẹo còn có mặt ở đình và còn làm việc không.

Khi Nuôi Sẹo quét xong cả hai cái sân đình, gã chờ một lúc vẫn không thấy Trương Nghê hoặc Lý Phát ra. Gã để chổi vào góc đình rồi mở hé cửa đình lững thững đi ra ngoài. Gió bấc thổi ù ù, vèo vèo vào đầu đình, thổi xuống mặt sông. Sông hơi cạn để trơ mảnh sò, mảnh hến ở hai bên bờ. Nuôi Sẹo đứng ở hè đình, nhìn hai cái nhà thuyền chài nằm im trên mặt nước. Trên bè tre đằng trước nhà nhưng gọng vó chổng lên trời như chân một con nhện khổng lồ bị chết khô. Nuôi Sẹo biết các nhà thuyền chài ở đây đều đi đạo. Vào những buổi xâm xẩm tối, đứng trên bờ sông, gã vẫn nghe thấy tiếng họ rì rào đọc kinh. Có lần vào trong căn nhà nhỏ, thấp lè tè của họ nằm trên mặt nước, Nuôi Sẹo thấy họ thờ một bức tượng nhỏ cởi trần, râu đen quai nón hai tay bị đóng vào chữ thập. Nhiều lần gã tự hỏi sao mấy người đi đạo lại thờ một ông thần cởi trần như thế. Gã định đem chuyện này ra hỏi Ba Đèn. Nhưng sau gã tự khám phá ra: mấy người đi đạo này làm nghề đánh cá nên thờ ông thần đánh rậm: và ông lão đánh rậm râu đen quai nón này chắc ngày xưa đi đánh cá trộm nên đã bị người ta đóng đinh vào hai tay. Bọn này thờ thần đánh rậm thì cũng chẳng khác gì nhiều làng thờ thần gắp cứt, thần ăn trộm, thần ăn mày. Nuôi Sẹo tin chắc thế nên gã chẳng cần phải hỏi ai nữa. Gã còn nhớ nhiều lúc gã thấy những đứa trẻ tinh nghịch hay chạy theo mấy đứa con nhà thuyền chài mà hát chế giễu: “Đi đạo lấy gạo mà ăn” hoặc “đi đạo ăn gạo té re, ăn chè tháo lỏng, ăn bỏng thì lành, ăn canh thì độc”. Bây giờ thì gã hiểu rồi: chả là bọn thuyền chài thờ ông thần đánh rậm ăn trộm nên trẻ con mới chế giễu họ như vậy, người lớn trong làng không mắng gì chúng mà những người thuyền chài kia lại không dám chửi lại chúng. Đã đi thờ đến cái anh đánh rậm ăn trộm thì còn nói vào đâu được nữa, Nuôi Sẹo nghĩ.

Lúc này, Nuôi Sẹo đang nghĩ vẩn vơ về bọn thuyền chài thì gã thấy một đứa con gái lớn cùng hai đứa trẻ nhỏ không quần ở trong một cái nhà thuyền chài bước ra. Ba đứa bước vào chiếc thuyền mủng rồi đứa con gái cầm bơi chèo thoăn thoắt đẩy thuyền lướt sóng gợn vào phía bờ ngay cửa đình. Khi thuyền tới bờ, đứa con gái buộc thuyền vào một rễ đa ở bờ sông rồi cả ba đứa cùng đi lên. Lúc đứa con gái tới gần Nuôi Sẹo theo sau là hai đứa trẻ ôm lấy nhau vừa đi vừa run, gã buồn miệng nói: “Đi đa đa đa đạo lâ lâ lâấy gạo ma mà ăn”.

Đứa con gái trừng mắt túm ngay lấy ngực áo Nuôi Sẹo và vừa chửi “cha tiên nhân đồ mõ”, vừa đấm gã đùm đụp. Hai đứa trẻ như quên lạnh thụi vào mông đít, cạnh sườn gã. Nuôi Sẹo vung tay đấm trả lại vào môi lập bập, xám xịt và chảy xuống nền ngực vào lưng đứa con gái. Nhưng nó vẫn không bỏ gã ra, cứ cào cấu gã vào cổ vào ngực vào gáy mà kêu ầm ĩ. Nuôi Sẹo thoáng nhìn thấy một người đàn ông ở trong một cái thuyền gỗ đang vào gần bờ. Gã có sức giằng tuột được ra, chạy về phía đầu đình thẳng về lối giếng xây rồi rẽ vào phía xóm nhà bà Đồng Mi. Chạy được quãng dài trong ngõ hẹp, gã dừng chân, thở. Gã quay lại không thấy ai đuổi theo, chỉ thấy một con chó đen chạy băng ngang qua đường. Một người mua nước giải đang quay gánh đi ra đường cái làng và một người khác tóc quăn rối lòa xòa, gánh hai cái bồ nhỏ miệng rao: “Ai tóc rối lông vịt bán không”. Nuôi Sẹo sờ cổ ngực thấy đã bị cào sứt sát ở mấy chỗ, gã cúi xuống nhìn thấy hai chân lấm đất be bét. Ngay lúc đó, gã nghe thấy tiếng chó sủa ran. Gã tự hỏi không biết bây giờ là mấy giờ. Gã nhớ lại từ lúc nãy giờ đến không nghe thấy còi tầu. Gã lững thững bước ra phía đường cái làng. Tự nhiên gã thấy thèm thuốc lào, thèm đến khô cả miệng, khan cả cuống họng. Gã tưởng đến Bá Tĩnh nằm cạnh cái bàn đèn để trên sập gụ giữa căn nhà ngói năm gian. Bá Tĩnh vẫn bảo gã có thèm thuốc thì cứ việc đến “chơi”. Bà Bá lại gọi gã là “chú Nuôi”. Gã liền đi một mạch đến Bá Tĩnh.

Thấy Nuôi Sẹo đến nhà, bà Bá nhanh nhảu miệng: “Ấy chú Nuôi vào chơi”. Bao giờ cũng vậy, cái sẹo giần giật nhấp nháy. Nuôi Sẹo ra vẻ cảm động về hai tiếng “chú Nuôi” này lắm. Bà Bá lại gọi mình là “chú Nuôi”. Gã nghĩ. Nuôi Sẹo còn loanh quanh chưa biết làm gì thì ông Bá ngồi cạnh bàn gụ trước cái ghế ngựa có khay đèn thuốc phiện, đã vuốt râu cười và nói: “Nào chú Nuôi vào đây nào. Làm điếu thuốc lào hút chơi”. Nuôi Sẹo biết chắc là hôm nay ông Bá không sai gã đi đòi nợ. Gã cũng chắc mẫm được một bữa thuốc lào no “ỉa ra khói” theo lời của Ba Đèn. Ông bá gọi cô An con gái thứ hai tầm người choi choi tóc mới vấn còn ngắn rơi xõa xuống trán và tai - bảo mang cái điếu sụ trên bàn xuống đặt dưới đất giữa nhà. Nuôi Sẹo biết ý đến ngồi xổm cạnh điếu cầm xe điếu. Ông Bá đã móc ra cái hộp thuốc lào tròn làm bằng vỏ bưởi khô, nắp có ghi chìm chữ “THỌ”. Ông vừa từ tốn mở hộp thuốc, vê một mồi thuốc lớn nhét chặt vào nõ điếu vừa nói: “Cho mày hút no hôm nay xem sao. Hút hết hộp này cũng được”. Nuôi Sẹo lặng im, cái sẹo buồn buồn, lâm nhâm. Tay cầm xe điếu rung rung, gã đợi cô An mang đóm lửa lên.

Thường ngày, Nuôi Sẹo luôn luôn thèm thuốc lào nhưng không bao giờ có hộp thuốc hay gói thuốc trong túi. Gặp người cũng vào hạng nghèo khổ như gã: anh Bủng ngoài ga, thằng Khiễng xóm chợ chẳng hạn, gã thường ngửa tay vê vê: “xi xi xin đi điê điếu thuôoốc”. Nhiều khi gặp họ đang hút, gã chờ hút xong, trong lúc thuốc chưa tàn hết lửa, gã ngậm miệng vào đầu xe điếu hút cái sái nhì. Nay đến nhà ông bá, thuốc được hút thả cửa, làm gì gã chẳng hút cố. Cho nên khi cô An mang đóm lửa lên, cầm đóm dí vào nõ điếu, gã bập chặt hai cạnh môi thêu lểu vào đầu xe điếu rồi nóp má đến gập đôi cái sẹo, nổi gân cổ, trợn mắt mà kéo một hơi dài làm gần biến tất cả tàn thuốc. Ông Bá lại tiếp cho gã mồi thuốc thứ hai và thứ ba. Rồi ông ngồi chờ kết quả. Cô An gọi chị dâu vợ anh cả Mịch bụng chữa phưỡn cũng lên xem. Lửa mồi thuốc thứ ba chưa tàn trong nõ điếu. Nuôi Sẹo đã lờ đờ đôi mắt. Gã bỏ vội xe điếu xuống, mắt trợn lòng trắng, tay run run nhóm chuồn chuồn. Rồi cái sẹo nhợt, gã ngã quật xuống nền đất thành một đống thịt thở khò khè rung chuyển hỗn độn, oằn oại từ đầu đến chân. Nước giãi tóe xùi ra trên mép, trên hai môi lập bập, xám xịt và chảy xuống nền đất. Trong khi ấy, ông Bá ngồi trên ghế ngựa theo rõi cuộc biến chuyển. Cô An và chị cả Mịch đã xem trò này không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn thấy thú, đứng cạnh bàn thờ, chăm chú nhìn. Bà Bá lẳng lặng đi xuống bếp rót một bát trà tươi đem lên để ở chân bàn thờ. Cái khối Nuôi Sẹo rung chuyển dưới đất lúc này chỉ còn là một giống gì kỳ dị phần thuộc loại thảo mộc, phần thuộc loại động vật.

Một lát sau, mặt đỡ tái, tay hết bắt chuồn chuồn, cái sẹo lốm đốm hồng, hai con ngươi đen đã trở về giữa mắt lờ đờ đưa đi đưa lại: Cái khối Nuôi Sẹo trở dần về loại động vật. Mắt vẫn còn lừ đừ. Nuôi Sẹo cựa mình, đưa cánh tay vệt ngang miệng hãy còn nhầy nhợt nước giãi. Gã chậm chạp chống tay ngồi dậy, đầu hơi lắc lư. Bà Bá cầm bát nước trà tươi đưa cho gã. Bát nước trà hết thì cái Sẹo xám săn lại.

Đợi cho mặt gã hết đần, bà Bá mới nói:

- Bây giờ chú làm hộ chị cái này. Thật phí tay chú không xong.

Lần nào bà Bá cũng nói câu này để mở đầu bảo Nuôi Sẹo làm bất cứ việc gì: giã một cối gạo, sửa cái cầu ao, cuốc vài luống rau, thậm chí có khi giặt hộ bà ít quần áo bẩn. Hôm nay Nuôi Sẹo theo bà ra góc vườn đổ hộ bà một cái gốc mít khô thành củi vụn để nhà ông Bá có củi đun nấu vào dịp tết sắp tới.

Nhiều lần trước kia, gặp khi Nuôi Sẹo đang làm, bà Bá thường giới thiệu với ông chồng:

- Chú Nuôi tuy vậy mà hay làm lắm cơ. Nghỉ tay làm là không chịu được. Tiền đưa cho không bao giờ lấy.

Hôm nay, Nuôi Sẹo không thấy ông Bá ra, chỉ có khi Nuôi Sẹo nghe thấy tiếng còi và tiếng xe lửa chạy ình ình gã đoán là tàu mười giờ rưỡi sáng vì thấy đói đói. Lúc này, mặc dầu gió lạnh, Nuôi Sẹo đã toát mố hôi trán, mồ hôi ở lưng chảy ra dính nhơm nhớp vào lưng áo. Nhìn Nuôi Sẹo hùng hục bổ củi, bà Bá nói:

- Chịu khó rồi tao làm mối cho con vợ.

Bà Bá nói làm mối cho Nuôi Sẹo đã nhiều lần lắm. Nhưng từ khi gã biết “đến chơi” nhà bà đến giờ, bà chưa hề giới thiệu với gã một người đàn bà nào, cũng như bà chưa hề đưa cho gã một xu tiền công. Toàn chỉ là những câu chuyện để nói. Nuôi Sẹo biết thế nhưng vẫn tin như gã tin hát tuồng ở ngoài đình gã cũng thấy đó là việc tự nhiên, tự nhiên như người ta gặp nhau thì phải chào hỏi, tết phải chúc nhau: “Bằng năm bằng mười năm ngoái”.

Đang làm có lúc Nuôi Sẹo quên đói vì thèm thuốc lào. Nhưng gã theo kinh nghiệm đã biết chắc chắn rằng ông Bá không bao giờ chịu bỏ hộp thuốc lào vỏ bưởi của ông ra và ông cũng đã giấu kỹ cái điếu đi đâu rồi. Chỉ có lúc khát nước, gã đi vào bếp, nghiêng ấm đất rót uống một bát nước trà tươi, lờ đờ vàng đục, đặc chát.

Vào khoảng một hai giờ trưa, bà Bá cho gã ăn cơm với dưa chua cà muối sổi, và ít tép lép kho. Gã ăn bốn năm bát vẫn không ra vẻ no. Chị cả Mịch định lấy cơm nguội thêm cho gã ăn thì ông Bá gàn con dâu: “Thôi thì cho nó ăn no thì biết thế nào. Nó có biết nó là cái cóc khô gì đâu. Nhà nó chắc đói truyền kiếp từ đời cha đời ông gì nó dồn lại. Mà chẳng hiểu người nó thế, nó ăn thế thì nó đựng cơm vào đâu cho hết. Chắc nó đựng cả trên ngực trên đầu. Bổ đầu nó ra chém chết cũng hớt được cơm trong ấy”. Nuôi Sẹo chẳng để ý xem câu nói của ông Bá có vẻ khinh bỉ, chế giễu hay có đúng với sinh lý học không. Ăn xong, gã lại làm, khát nước lại vào bếp giốc ấm nước trà tươi uống. Và cứ như thế gã ở bên nhà ông bá cho đến chiều.

Khi Nuôi Sẹo hết việc, sắp về, bà Bá theo như thường lệ cho gã cút rượu, gã ngồi ở đầu hè cầm cút rượu tu từng hớp dài. Rượu xong, gã cáo lui:

- Ừ chú về.

Bà Bá còn dặn với:

- Hôm nào rảnh việc cứ sang chơi tự nhiên. Đừng nề hà gì cả.

Nuôi Sẹo bước ra đường người hơi chuếnh choáng. Có nhiều hôm như hôm nay, gã uống ít mà cũng say. Cái sẹo hung hung nong nóng. Một người mà Nuôi Sẹo không nhận rõ người nào, hỏi gã:

- Mày đi đâu về đấy, Nuôi Sẹo?

- Chơ chơ chooơi bê bê bên bà Bá.

Gã thoáng nghe thấy người kia chửi gã nhưng gã vẫn bước. Gã nhớ đến cái hộp thuốc lào vỏ bưởi có ghi chìm chữ “Thọ”. Giá có cái hộp ấy mà đựng thuốc lào Vĩnh Bảo thì phải biết, gã nghĩ. Bao giờ bà Bá mới làm mối vợ? Không có con, phải húp cháo lá đa thì đói lắm. Sao cái lão Bỉ xuyễn sống dai thế? Gã bước thất thểu, đầu lắc lư:

- Ơ ơ ơ mâ mâ mâââu hậu ơi là là là mẫu hââậu ơi ây ây ây âyây.

Mấy con chó đuổi theo gã mà sủa gâu gâu. Làng lúc này vắng thật. Cái con vàng ghẻ sao lại thâm xì thế? Có đôi giầy săng đá mà đá đít con nó thì phải biết. Gâu gâu khỏe lắm nhưng ông cứ thách chúng mày ngoạm vào chân ông đi. Đồ chó ăn cứt. Hai chân vẫn bước đều, dậm thuổng chuếnh choáng. Tới gần giếng xây, gã muốn nhếch miệng lên cười nhưng hai môi như bị sức gì giữ lại cứng đờ:

- Mâu hã hã hââậâu ơi ơi ơi ơi. Tiếng gã chỉ ấm ớ. Nuôi Sẹo tự nhiên hốt hoảng, sợ tiếng của chính gã. Lần đầu tiên gã có cái sợ này. Gã muốn chạy nhưng chỉ đi được rảo bước, chuếnh choáng.

- Gâu gâu gââgâââuââ... tiếng chó sủa ran.

Nuôi Sẹo nghe thấy tiếng chó mới yên tâm, chầm chậm bước lại. Rồi gã theo nhịp tiếng chó sủa gâu gâu, gã lảo đảo đưa những bước thấp bước cao, chập chờn có có không không như đặt vào Vô định.

CHƯƠNG IX

Nuôi Sẹo ra tới sân ga đã thấy cái xe ngựa của hai Thung đứng ở góc sân ga và bốn cái xe tay đứng thành hai hàng ở lối cửa ga ra. Hai Thung cùng các cu li xe chui ở đâu sạch, Nuôi Sẹo chỉ trông thấy anh Bủng đứng tì tay vào cái chắn bùn một xe tay, nhìn về phía bơm nước. Gã nhìn vào trong phòng đợi nhà đã thấy thấp thoáng khách đi tầu.

Nuôi Sẹo tới gần anh Bủng, hy vọng anh có gì sai gã làm. Anh Bủng nhìn thấy gã, cứ đứng nguyên chẳng nói với gã nửa câu. Người anh gầy, mặt anh dài, hàm vểu ra như hàm ngựa. Mặc dầu tuổi anh gần năm mươi, dân phố vẫn gọi anh là “anh Bủng” vì da anh vàng ủng như da đu đủ ủng. Anh là một người kéo xe vào hạng lâu nhất ở phố ga này. Ít lâu nay, anh để cho vợ kéo và thằng con nhỏ đẩy. Thỉnh thoảng gặp lúc chở đồ nặng anh thường gọi Nuôi Sẹo đẩy giúp. Nuôi Sẹo biết lúc này, anh Bủng chẳng có gì sai gã làm giúp vì tầu chưa đến. Một cái xe tay ở phía bơm nước đi lại: ông ký rượu chột một mắt ngồi trong xe để áo tơi xe phủ kín một nửa người từ bụng xuống đến chân. Hai ba người hành khách ở dưới hàng bà Lý Chắn đi lên nhà ga. Một chị con gái chít khăn đen mỏ quạ che kín cả nửa mặt, gánh hai đầu đòn gánh đôi quang nồi đi mua nước giải, rao: “Ai nước giải bán không?”, tiếng rao lanh lảnh.

Người con gái mua nước giải vừa đi khuất về phía những bụi găng trơ trụi thì Nuôi Sẹo thấy hai người lính cơ ở huyện tới sân ga, một đeo súng trường, một cầm đầu xích sắt khóa tay một tù nhân quặt về đằng sau. Anh Bủng quay lại khẽ nói với Nuôi Sẹo: “Hương sư Tân bên làng Hiên đấy”. Nuôi Sẹo nhìn thấy mặt tù nhân chỗ thì thâm tím, chỗ thì đỏ nổi cục, nổi lằn lên như bị bỏng; đi sau hai người lính là hai ông bà già và một người đàn bà trẻ tuổi: bà già lưng hơi gù, đi không, ông già thì ô trắng cắp nách, giầy da láng cầm tay còn người đàn bà trẻ tuổi bụng chửa đã lớn vừa đi vừa đưa vạt áo lên lau nước mắt. Anh Bủng nói: “Vợ có chửa không khéo sắp đến tháng đẻ”. Khi mấy người đã đi vào nhà ga anh Bủng lại thêm: “Đéo mẹ. Làm hương sư chả biết sướng đời lại còn đi làm giặc cách mệnh”. Nói dứt lời, vẻ mặt buồn buồn, anh đi xuống hàng bà Cả Luận. Nuôi Sẹo đứng một mình, nghĩ: làm giặc cách mệnh thì tội nặng lắm. Nhưng không biết giặc cách mệnh là giặc gì? Gã lững thững đi về góc sân ga, đưa chân vào những lằn bánh xe tay, còn in rõ trên nền sân phủ rơi nhưng đã trơ đất. Gã nghĩ: “Vợ không khéo sắp đến tháng đẻ mất”. Nhìn thấy bà cụ mẹ bác phu trạm Tẩm ngồi thu trong cái áo tơi lá để bán bánh khúc ở góc sân, sát tường ga, gã thấy đoi đói. Gã đi xuống phía hàng bà Cả Luận.

Đến trước cửa hàng bà Cả, gã đã thấy cu Tý con phó Cối đứng trước cửa nhìn vào. Vẫn cái mặt choắt như mặt chuột và cái quần cụt rách tua tủa ở đầu gối. Gã đứng đến cạnh cu Tý cũng nhìn vào như nó.

Nuôi Sẹo thấy hàng bà Cả vẫn như mọi ngày. Bà Cả vẫn đi lại sau chõng hàng, hai vú rung rinh, nhún nhẩy sau lần yếm trắng. Phía trên chõng hàng, vẫn những miếng thịt mặt thâm xì như mặt gỗ. Ở trên các ghế chung quanh chõng, Nuôi Sẹo thấy một người khách lạ, mặt ngắn chủn, với bộ râu dê, còn thì toàn người quen biết anh. Đám cu li xe tay sù sụ trong cái áo tơi xe, bằng vải dầy cồm cộm, tư Gù, người gầy nhỏ và mặt dài, choắt, hơi gù lưng, chuyên môn lê la ở những đám bạc, và anh Bủng. Đằng sau chõng hàng, như thường ngày, ông cả Luận: da mặt vàng, rỗ đâm như da chuối trứng quốc, mắt hấp him, lông quặm ngồi trên ghế, sau lò sưởi than nhỏ để dưới đất, hai cục chân cụt ủ kín dưới cái chăn màu hạt dẻ. Ở gian bên cạnh, tôi tối vì cánh liếp cửa để nguyên, Nuôi Sẹo trông thấy hai mẹ con một bà già ngồi trên góc cái giường tre kê sát tường. Dưới đất, hai cha con lão xẩm khàn - bao nhiêu năm nay, Nuôi Sẹo vẫn được nghe tiếng hát khàn khàn vịt đực của lão - Lão ngồi gò lưng gần chân tường, chìa ra hai mắt mù viền đỏ nhòe nhoẹt những nước mắt và nhử mắt, đứa con gái độ mười bốn, mười lăm - dân phố thường gọi là con Tý Toét - mắt toét, người gầy và xanh như một tàu rủ cải. Cạnh cái đàn bầu và cái chậu sắt trắng, men đã sứt, mẻ, rỉ, hoen, hai cha con không nói, không nhìn nhau, ngồi im lặng chúi vào lưng gánh vàng giấy và hai lô thuốc lào để nghênh ngang ở giữa gian nhà. Dưới gầm giường, con chó đen cộc gối mõm và 2 chân mắt lừ đừ nhìn ra phía chõng hàng.

Không có ai ăn bún riêu. Nuôi Sẹo thấy sinh hoạt trong nhà này như ngừng lại một giây: không tiếng nói, không cử động, cả đến 2 cái vú của bà Cả cũng không phún phẩy trong làn yếm trắng. Rồi anh Bủng đột nhiên nói ra một câu như đã sắp sẵn từ lâu:

- Bà cho tôi cút rượu.

Bà Cả quay lại phía sau, nhìn lên cái bản gỗ mộc đầy những chấm, khoanh tròn, chữ thập vẽ bằng vôi để ghi nợ của những khách hàng:

- Nợ sáu hào rồi. Uống nữa rồi tôi cười trừ với anh phải không?

Anh Bủng nhìn bà Cả chậm chậm nói:

- Nhà tôi nó có chửa rồi.

- Từ bao giờ?

- Mới đây.

- Thật không?

- Tôi nói dối bà thì giời đánh thánh vật tôi.

Bà Cả Luận rót cho anh Bủng một cút rượu. Anh Bủng rót rượu ra chén, uống suông. Ở bên ghế đằng này, tư Gù rít xong hơi thuốc lào, thở khói ra vẻ thỏa thuê. Gã có chùm râu dê nhìn tư Gù nói:

- Thuốc tôi thuốc Tiên Lang hương thơm, xuân đẹp mà lại có hậu lắm.

Tư Gù gật gật đầu. bà cả Luận hỏi anh Bủng:

- Bao giờ nó đẻ.

- Cũng phải bảy tám tháng nữa.

- Bảy tám tháng nữa, bà Cả nhắc lại. Chẳng phải tôi mà chờ. Có tiền phải giả dần đi.

Ông cả Luận chơm chớp hai mắt lông quặm và thở dài, hai cục đùi của ông như có đời sống riêng cứ ngọ ngoạy chẳng khác gì hai con chó con im lặng bù khú với nhau ở dưới cái chăn hạt dẻ. Anh Đấm ngồi ở đầu ghế, gần tư Gù, nói:

- Tàu lại chậm, sao hồi này khỏe chậm thế?

Người anh không động đậy mảy may, hình như chỉ có hai môi anh nói. Không ai tiếp lời, anh lại buồn buồn:

- Khách thì không có, mà gạo thì cứ lên mãi.

Ngay lúc ấy, Nuôi Sẹo nghe thấy ở phía sân ga đưa lại tiếng trong sang sảng của bác tư Kẹo: “Kẹo kéo vừa dẻo vừa dai, các bà ăn đẻ con giai ầm ầm. Kẹo kéo đây”. Một lát sau, vẫn giọng ấy: “Kẹo kéo đây. Già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng, nạ dòng ăn đẻ con thơ”. Hôm nay lão tư Kẹo nghỉ bán bánh rán, lại đi bán kẹo kéo. Nuôi Sẹo nghĩ. Đã nướng hết cả vốn liếng vào đám bạc nào rồi hay sao? Chỉ nghe thấy tiếng rao, gã cũng tưởng được ra ngay cái áo vải cứt ngựa của lão cáu mỡ bám đen nhánh cả phía đằng trước, bộ râu lão quặp xuống hai bên cái miệng đầy những răng. Nuôi Sẹo nhớ lại những ngày đầu tháng kỳ lương của phu kíp, người ta hay lập đám bạc ở nhà lão cai Kíp. Lão tư Kẹo chém chết cũng không khỏi lê la ở đấy đánh bạc, mặc dầu vợ thỉnh thoảng lại làm một trận lôi thôi rầm cả phố. Gã nhớ lại ngày ông Cả Luận chưa cụt chân, còn làm nghề bẻ ghi, ông cũng vẫn lảng vảng ở đám bạc này. Một đêm nối tầu, ông chẳng may bị bánh xe lửa nghiến cụt cả hai chân. Ông được đưa đi nhà thương Phủ Doãn: người ta cưa lần đầu; chân bị mưng mủ, người ta cưa lần thứ hai và thứ ba nên khi ông ở nhà thương về thì mỗi chân chỉ còn một khúc ngắn. Khi ông mới về, ông hay kể chuyện “nghe thấy các quan đốc tờ cưa chân cồn cột”. Mới đầu người ta để ý nghe, sau nghe mãi nhàm tai, mọi người cho là ông nói láo nên không ai chú ý nghe và ông Cả cũng không kể chuyện cưa chân cồn cột nữa.

Nuôi Sẹo quay ra nhìn trời. Trời không mưa, cũng không gió nhưng vẫn âm u. Gã định đi lên ga nhưng hai chân vẫn không cử động. Gã thấy thằng cu Tý đứng co vai, nhìn vào trong hàng vẻ mặt mệt nhọc. Gã nghe thấy ở phía bơm nước đưa lại tiếng chửi kéo dài lê thê: “Đéo mẹ cha tiên sư bố con đẻ ra thằng cha mày”. Nuôi Sẹo biết ngay là tiếng chửi của lão hai Mài, lão già mài dao vẫn lẩn quẩn ở phố này không biết tự bao giờ. Rồi gã thấy trên đường lão hai Mài, người cao lêu nghêu, chân như chân sếu, gánh tõn tẽn như thường ngày ở hai đầu một que tre hai ống bô sắt rỉ, một ống đựng nước, một ống đựng đá mài, chân lão bước lững thững, lảo đảo mà ra vẻ chắc chắn. Im lặng môt lát, tới ngay trước cửa hàng bà cả Luận, lão chẳng nhìn bên phải, bên trái, mặt điềm nhiên, lão rao: “Ai mài dao không”. Rồi vẫn giọng ấy, lão lại chửi đều đều: “Đéo mẹ cha tiên sư con mẹ đẻ ra thằng cha mày...”

Bác râu dê - lúc này Nuôi Sẹo đoán chắc là lái thuốc lào - nhìn ra đường hỏi:

- Ông lão chửi ai thế?

Lão xẩm Khàn như chợt tỉnh dậy ở bên này nói chõ sang:

- Ông hai Mài hử? Bố ông ấy ngày xưa bị Tàu giết, ông ấy chửi những thằng Tàu ấy. Thù cha là khiếp lắm. Thế nào cũng có thằng Tàu mất đầu với ông ấy thôi. Ông ấy mài dao, dao sắc, ông ấy thiếu gì.

- Không phải, ông cả Luận vừa nói vừa cúi gằm, chớp chớp mắt, nhìn ra phía ngoài. Ông ấy vờ điên khùng thế đấy. Rồi ông ấy lấy cái kho vàng ở bãi ông Đống cho mà xem. Mà nếu không có số được của, quên câu thần chú thì thần vật chết cũng chưa biết chừng.

Nuôi Sẹo đứng dựa vào cột, chú ý nghe. Gã xưa nay vẫn thích nghe chuyện bãi ông Đống lắm. Dân trong làng, ngoài phố thường kể chuyện ngày xưa Tàu có đào hầm dưới bãi để chứa của, họ mua con gái đồng trinh về gắn trám đường vào miệng. Sau trăm ngày, trăm đêm con gái thành thần giữ của. Đã lâu, có một lão ăn mày thường nằm ngủ ở bãi, một đêm chết ở chân bãi. Sáng hôm sau người ta thấy cạnh xác ông có những vết đào đất. Người ta mới phao tin rằng ông lão định đào của ở bãi nên bị thần vật chết ở chân bãi. Người làng đồn ông lão ăn mày này linh thiêng, đi qua lại mỗi người vất một hòn đất lên mồ nên cái bãi cứ mỗi ngày một lớn. Có nhiều người thường cắm hương, đốt vàng, khấn vái ở ngay trên mồ. Gần đây, người ta đồn rõ ràng rằng ông lão biết chỗ để của, nhưng số không được của, quên mất nửa câu thần chú nên bị thần quật chết tươi ngay. Từ ngày ông lão chết, người ta gọi bãi này là bãi Đống.

Tư Gù nói:

- Nếu ông hai Mài định lấy của ở bãi ông Đống thì ông ấy phải ra đây rình mò luôn chứ sao tôi không thấy ông ấy ra đây bao giờ. Cái kho vàng ngoài ấy mà ai lấy được bây giờ thì tha hồ... chẳng sợ gì nghèo khổ nữa.

Bà cả Luận nói:

- Ông hai Mài này không phải ông ấy định lấy của ở bãi Đống đâu (bà hạ thấp giọng). Thấy người ta bảo ông ấy là một mật thám đấy.

- Lấy gì làm bằng mà bảo ông ấy là mật thám? Anh Bủng hỏi vẻ mặt nửa tin nửa ngờ.

- Thì còn phải bằng mới chẳng bằng gì nữa. Ở Gia Lâm tôi biết có thằng ăn mày nằm ngủ ở ga để lòi ra ở cạnh sườn một khẩu súng lục đen nhánh. Khiếp! Mãi về sau người ta mới biết nó là mật thám. Đời bây giờ ghê lắm.

Anh Đấm nói:

- Ở đâu thì tôi không biết chứ lão hai Mài thì tôi cho lão ấy điên khùng thật.

Anh Bủng để chén rượu xuống, gật gù, cau mày nói:

- Không khéo lão ấy là mật thám thật chứ điên khùng gì mà lắm lúc lại nói khôn như ranh. Thử không trả tiền mài dao lão ấy xem.

Câu chuyện đến đây ngừng một lát rồi anh Bủng đột nhiên hỏi.

- À lúc nãy các ông các bà có trông thấy hương Tân không?

- Ai mà còn không trông thấy, anh Đấm trả lời.

- Người đã học hành như thế mà còn đi làm giặc. Ông Luận nói.

- Giặc đâu mà giặc. Người ta làm cách mệnh chứ.

Đấm ngẩng mặt lên cãi lại.

- Thì giặc cách mệnh chứ còn gì nữa.

Nhưng anh Đấm không chịu, cãi lại ông cả Luận.

- Thế ông có biết cách mệnh, hội kín, chính trị, cộng sản là gì không?

Nhưng không ai chịu ai, bác râu dê mới phân giải.

- Đời này được làm vua, thua làm giặc chứ quái gì. Nhưng ông cả Luận không chịu:

- Làm hương sư chả nên thân còn làm vua cái nỗi gì. Làm giặc thì cứ là mất đầu.

- Làm giặc mất đầu dễ như chơi, tư Gù nhắc lại. Cướp cũng đã tù mọt gông rồi còn gì nữa.

Ông cả Luận được thể nói liền:

- Không biết bây giờ đốn đời ra hay thế nào ấy. Có phải nghèo đói khổ sở gì đâu mà cũng xoay ra làm giặc. Như cái thằng Chuẩn đấy. Nghe thấy người ta nói nó làm thợ nguội giỏi lắm. Có mẹ già có vợ con mà cũng xoay ra làm giặc cộng sản. Hồi nào quan huyện có hiểu dụ giặc cộng sản nó còn tàn ác hơn tất cả các thứ giặc cho nên nhà nước mới treo đầu cái thằng Chuẩn là năm chục bạc.

Tư Gù ngẩn mặt:

- Ừ mà mình gặp được thằng Chuẩn thì có món tiền tiêu kể cũng sướng, chẳng cần gì đến cái kho vàng bãi ông Đống. Anh Bủng nói:

- Chú tư Gù nói giữ mồm giữ miệng một tí chứ người ta đã làm giặc cộng sản là người không vừa, cái ngữ anh trói gà không nổi hòng bắt được người ta đấy.

- Mình thấy thì đi báo quan chứ, tư Gù trả lời.

- Thôi vừa vừa chứ, anh Bủng nói. Đời bây giờ tai vách mạch rừng. Người ta cũng có người ở khắp các nơi cả đấy. Cứ xem những truyền đơn người ta vứt đấy. Gớm dám dán ở ngay cổng huyện. Khiếp chửa.

Ông cả Luận chặc lưỡi nói:

- Trò đời đã đến phải vứt giấy mày kêu gọi là chẳng ra gì. Chứ như bác đốc Tít kia bác ấy kêu gọi ai đâu mà sao vẫn có người theo. Như bác hai Cón kia, bác chỉ có mộ phu đi Nam Kỳ, Tân Thế giới chỉ có một lá cờ đỏ con tí trước cửa sao những đứa nghèo khổ vẫn bỏ nhà trốn cha mẹ ra đi.

Anh Đấm hỏi:

- Thế ông đã được coi những giấy ấy của người ta chưa?

Bà cả Luận cắt ngang:

- Ở cái thằng cha này mày hỏi mới ngang chứ. Coi những giấy mà ở tù à. Nhà tôi không tốt phúc không có mả làm giặc, không có mả đi ở tù.

Đấm gân cổ cãi:

- Người ta có làm giặc đâu. Người ta làm cách mệnh làm việc dân việc nước chứ.

- Việc dân, việc nước gì, ông cả Luận cãi. Chống nhà nước mà còn nói là làm việc dân việc nước. Giặc hết.

- Không phải là giặc. Anh Đấm vẫn giữ giọng bướng bỉnh. Lão xẩm Khàn nói chõ sang:

- Bác Đấm nói phải. Không phải đâu. Người ta làm việc dân việc nước đấy. Tôi thấy người ta nói rằng ở trong giấy truyền đơn chả có nói đến việc cướp bóc gì cả mà. Nói toàn chuyện phải cả, cũng như ông Cai Vàng và ông Đề Thám ngày trước.

- Phải cái gì. Nói chuyện chống nhà nước mà lại còn chuyện phải. Ông Cả Luận cãi lại. Cai vàng Đề Thám chẳng là giặc thì còn là gì?

- Không phải giặc. Anh Đấm cãi. Anh Chuẩn tôi biết anh ấy là người tốt lắm chỉ làm ơn cho người khác thôi.

- Tốt mà đi làm giặc cũng vứt đi. Mười ba cái đầu ở Yên Bái độ nọ đấy tao còn nhớ rành rành.

Lão xẩm Khàn chêm vào:

- Nghe thấy nói ông Chuẩn ông ấy biết phép tàng hình. Năm ngoái ông ấy về thăm mẹ, lính huyện vây bắt thế mà ông ấy biến ngay đi đâu mất.

Bà Cả Luận quay nhìn lão xẩm Khàn thưỡi môi ra nói:

- Biến chẳng thấy đâu chỉ thấy làm khổ cho mẹ và vợ. Hôm ấy lính bắt mẹ và vợ giam bao nhiêu hôm. Đã làm được gì báo hiếu cho mẹ. Bây giờ còn ai dám chứa mẹ nó nữa. Đến như cụ lớn tuần kia, người ta còn có hiếu với mẹ, cụ cố còn nằm sấp ra mà đánh. Đằng này đồ bất hiếu, bất mục giặc cướp nó cần gì mẹ với vợ.

Mọi người im lặng một lát. Nuôi Sẹo mãi nghe chuyện, bây giờ nhìn bên cạnh thấy thằng cu Tý đã đi đâu tự lúc nào. Gã ngồi phệt xuống bờ hè đất, quay lưng vào cái liếp chặn cửa, quay mặt ra ngoài đường. Gã cau mày tự hỏi: giặc cách mệnh là giặc gì? giặc cộng sản là giặc gì? Từ lâu người trong làng, ngoài phố cứ thì thào nói chuyện với nhau về cách mạng, hội kín, chính trị, truyền đơn.

Anh Bủng đột nhiên nói ra vẻ ái ngại:

- Vợ có chửa sắp đến tháng đẻ.

- Vợ ai? bà cả Luận hỏi.

- Vợ hương sư Tấn.

- Thì ai bảo đi làm giặc. Ông cả nói. Người có học mà còn đi làm giặc tội còn nặng hơn người thường.

Bác râu dê từ lúc nãy đến giờ im lặng nghe chuyện, bây giờ mới hỏi:

- Ông hương sư Tấn và ông Chuẩn này người trong làng hay người ngoài phố?

Ông cả trả lời:

- Hương sư Tấn thì người làng Hiên còn thằng Chuẩn thì người ngoài phố. Mẹ và vợ thằng Chuẩn bán hàng mía, lạc luộc ở chợ huyện này ai còn không biết con vợ nó là con gái cựu Ngôn ở trong làng Ngò đấy. Cựu Ngôn tưởng là được thằng con rể khá, ai ngờ nó đâm đốn, bỏ cả mẹ, cả vợ đi làm giặc.

Nghỉ một lát, ông lại thêm:

- Trong làng thì làm gì còn có cái giống ấy nữa. Từ ngày cụ Tuần Đan về hưu thì bói cũng chẳng có. Chết ngay với cụ lớn. Đến ngay bác Đốc Tít kia các quan phủ, huyện ai chả gờm thế mà từ ngày cụ lớn về làng Ngò cũng chả còn bị cướp gì nữa. Một người làm quan cả họ được nhờ lây. Mấy năm nay có giặc cướp bóc gì đâu. Chỉ còn trộm vặt thôi. Oai của cụ Tuần cũng có khác chứ.

Anh Bủng uống đã cạn rượu, như chợt tỉnh, quay ra hỏi Nuôi Sẹo:

- À Nuôi Sẹo. Hôm nay ở trong làng hai họ đánh nhau ra sao?

Nuôi Sẹo bị hỏi bất ngờ, ngớ mặt một lát rồi gật gật đầu ậm ọe:

- Đá đá đá đánh đánh nha nhau.

- Đéo mẹ khỉ. Ai chả biết đánh nhau. Nuôi Sẹo lại gật gật đầu. Anh Bủng nói:

- Đéo mẹ, hỏi mày thì cứ vạch cái đầu gối ra mà hỏi cho xong.

Ông Cả Luận nói:

- Đánh nhau to lắm mà. Nhưng có cụ lớn tuần đây ăn thua gì. Lôi thôi thì họ Đoàn tù bỏ mẹ cả một lũ. Đến giặc cộng sản kia mà cụ còn trừ như chơi nữa là mấy đứa họ Đoàn. Đấy rồi các ông xem tôi nói có sai không. Cứ là tù bỏ mẹ cả với nhau một lũ.

- Tôi xin ông đừng nói đến giặc cách mệnh nữa đi. Không biết thì đừng nói.

Cả Luận nổi khùng, chơm chớp hai mắt lông quặm, hai cục chân run rẩy lùng nhùng trong chăn.

- Tao không biết à? Tao bằng tuổi bố mày mà mày bảo không biết.

Đấm ngồi im, không cãi lại nhưng giữ vẻ mặt bướng bỉnh. Bà cả Luận vột phá tan câu chuyện:

- Thôi tôi xin các ông. Nhà tôi không có phúc xin các ông đừng nói chuyện ấy nữa. Vạ miệng cũng đủ chết. Đời nay tai vách mạch rừng. Mà tao bảo thằng Đấm này: mày còn có mẹ già, đừng có học đòi với người ta. Túng đói nghèo khổ thì cựa làm chi xẩy vẩy. Cứ yên phận mà làm ăn chứ mà theo đòi, người ta nói cái giống ấy thì rồi lại chết rũ xương ở trong tù cho mà xem.

Bà liền gọi lớn: “Tảo ơi, Tảo ơi”. Tảo em trai bà chạy lên, đầu tóc dựng ngược như chổi xể. Bà hỏi em đi đâu từ trưa đến giờ, Tảo lúng túng, bà đấm thùm thụp vào lưng: “Này đàn, này đàn này”.

Tảo chạy, bà chạy theo đấm hai ba cái nữa: “Thể thao này, thể thao này”. Tảo có tật bỏ việc để gảy đàn tàu và hay bỏ nhà đi đá banh với những học trò lớn trường huyện.

Bà cả trở về chỗ cũ.

Bà già ngồi bên kia hỏi bà cả Luận:

- Chưa đến giờ bán vé hở bà?

- Chưa! Bà cả trả lời. Nếu bán vé thì đây đã nghe tiếng. Mẹ con bà cứ ngồi đấy không lo gì. Tôi lấy vé hộ cho.

Anh Bủng ngồi trên ghế bắt đầu gãi. Rồi anh lên giọng mần tuồng “Tống tửu Đơn Hùng Tín”. Mọi người chú ý nghe, chỉ có anh Đấm là giữ vẻ mặt thản nhiên như chẳng thèm nghe. Anh Bủng đứng dậy, lên giọng lâm ly, nói “bớ phu nhân” thì hét lớn, nói “phu quân ơi” thì thu gọn giọng đùa cao lên the thé để giả giọng đàn bà. Đồng thời, anh nhặt một khúc đóm gài vào đầu các ngón tay làm bật ra những tiếng tách tách khi mau khi thưa để giả tiếng đàn phụ họa với tiếng hát.

Nuôi Sẹo quay vào hếch miệng lên nghe. Anh Đấm cúi đầu im lặng đứng dậy bước ra. Bác râu dê khen: “Ông có giọng hay đấy”. Anh Bủng trả lời: “Không bận mẹ con nhà nó thì cũng ở trong gánh hát của kép Thanh chứ phải chơi đâu. Mà không khéo lấy cô đào Tý có đến mấy con rồi cũng chưa biết chừng”. Anh nhe hai hàm răng ngựa cười hể hả. Rồi anh lại múa may, gảy đàn que đóm, khi thì nhanh miệng, khi thì vờ vuốt râu, khi thì xong xóc như đi ngựa, miệng ca dè dè như tiếng chảo vỡ.

Anh Bủng ca hát, múa may một lúc mệt, ngồi xuống ghế nghỉ. Tư Gù nói:

- Cha con xẩm Khàn bây giờ làm một bài nghe chơi. Hát đi, một vài bài rồi ông lái ông ấy cho tiền. Rét mướt này thì còn đi đâu hát hỏng gì?

Bà Cả nói tiếp:

- Hát gì mùa này. Mình thương tình cho cha con nó ở nhờ đậu. Thừa gì cho ăn mãi. Cho vay đến 4 hào rồi. Ai có của đâu mà cho mãi được. Đói mấy hôm nay, làm gì còn giọng mà hát. Đỡ lạnh thì tôi tống cha con nó đi cho xong nợ.

Hai cha con xẩm Khàn chẳng nói gì, con Tý Toét nghiêng mắt nhìn lên phía chõng rồi lại cúi mặt.

Tư Gù giục:

- Thì bây giờ hát đi. Ông lái ông cho xu nào được xu ấy. Anh Bủng tiếp:

- Thì hát bài anh khóa đi xem nào.

- Tôi không biết bài ấy. Lão xẩm Khàn trả lời.

- Mẹ cắp có thằng xẩm nào mà lại không biết bài ấy. Không có thì kể tích vợ ba Cai vàng đi cũng được.

Bà cả Luận gàn:

- Thôi cứ trêu người ta làm gì để cho người ta làm ăn. Ai mà chả sợ tù tội.

Nuôi Sẹo thường biết anh Bủng thường hay trêu cha con lão xẩm Khàn bảo hát bài anh khóa hay hát tích vợ ba Cai vàng; có lần anh còn đặt tiền bảo cha con hát mà cha con không dám hát.

Câu chuyện hát bị đứt ngang ở đây vì ông cả Luận kêu buồn và nhức ở hai cái chân cụt.

Vợ gắt:

- Có chân khỉ đâu mà kêu buồn với nhức.

- Không có mới buồn chứ có mình chạy nhảy thì buồn thế nào được. Ông cả nói chậm chạp, chắc chắn, mắt chơm chớp. Đã lâu lắm, Nuôi Sẹo vẫn nghe thấy ông than buồn với nhức chân và bao giờ bà vợ cũng gắt nói một câu ấy. Rồi như mọi ngày bà tiếp:

- Ngứa nhức thì sang bên này đẽo đục cho hết ngứa với nhức.

Vừa nói bà vừa kéo tung cái chăn hạt dẻ và cắp nách ông chồng mang sang nhà tôi tối bên cạnh như người ta mang một gốc củi lớn. Đoạn bà sồng sộc bưng cái hỏa lò sang cho chồng.

Khi bà ra thì tiếng canh cách bấm vé đã nổi lên ở ga, đưa lại. Bà cả bảo hai mẹ con bà già đưa tiền cho bà để bà lấy vé. Bà gọi em lên coi hàng và quay bảo tư Gù: “Thôi về đi chứ tàu sắp đến rồi ngồi ăn vạ người ta ở đây hay sao”. Tư Gù ra vẻ ngượng với bác râu dê nhưng cứ ngồi ỳ. Bà sồng sộc đi lên phía ga. Anh Bủng bước ra theo. Nuôi Sẹo cũng lững thững bước lên phía sân ga. Bước mới được mấy bước, gã lại thấy đói.

Tới trước cửa phòng đợi nhà ga, gã nhìn vào bên trong thấy người ta đã ngồi đứng đấy cả. Một người đàn bà rách rưới vạch vú cho con bú ở một góc, cạnh mấy kiện sợi vuông vắn nằm im lìm. Mấy đứa nhỏ ăn mày lải nhải xin cạnh hai mẹ con, một bà già đang ăn vội miếng cơm muối vừng trên một miếng vỉ bườm. Cu Tý con phó Cối lởn vởn cạnh hai bộ đồ mã cao lênh nghênh và mấy lồng gà lẫn gà sống gà mái.

Những người bắt tê đang gia công khuân hàng lên cân và bác Ngoạn bẻ ghi, người gầy mặt lủng củng toàn xương, đang đứng sau cái cân sắt, cậm-cạch cân hàng. Nhìn về cái cửa sổ nhỏ bán vé, Nuôi Sẹo thấy cái bàn tay nổi gân xanh của ký Giang đi ra đi vào nhảy nhót như múa rối. Trước cửa sổ, người ta chen chúc nhau đứng thành hàng dài. Trong đám người này, Nuôi Sẹo nhìn thấy bà cả Luận. Gã mỉm cười, quay ra giữa sân ga.