Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

LỊCH SỬ CÁI XẤU - Chương I: Cái xấu trong thế giới Cổ điển

Umberto Eco

Hà Vũ Trọng dịch

CHƯƠNG I

CÁI XẤU TRONG THẾ GIỚI CỔ ĐIỂN

Peter Paul Rubens, Đầu Medusa, kh. 1618, Vienna, Kunsthistorisches Museum

1. Một thế giới chủ tể là cái Đẹp?

Chúng ta thường có một hình ảnh rập khuôn về thế giới Hi Lạp, vốn nảy sinh từ những lí tưởng hoá đã được tạo ra về Hi Lạp trong thời kì tân cổ điển. Trong các bảo tàng, chúng ta thấy những bức tượng Aphrodite hoặc Apollo, nhờ màu trắng của đá cẩm thạch thể hiện một vẻ đẹp lí tưởng. Vào thế kỉ thứ 4 TCN, Polycleitos đã tạo ra một bức tượng, sau được đặt tên là Canon (Quy điển) trong đó thể hiện tất cả các quy tắc về tỉ lệ lí tưởng, và sau này Vitruvius đã đề xuất tỉ lệ cơ thể chính xác của các bộ phận thành những phân số của toàn cơ thể con người: khuôn mặt phải bằng một phần mười tổng chiều dài, đầu một phần tám, chiều dài ngực một phần tư, vân vân.

Vì thế, căn cứ vào quan niệm về vẻ đẹp này, đương nhiên là tất cả những sinh vật nào không có tỉ lệ như vậy đều bị coi là xấu xí. Nhưng nếu người cổ đại đã lí tưởng hoá cái đẹp thì chủ nghĩa tân cổ điển lại lí tưởng hoá người cổ đại mà quên mất rằng họ (thường chịu ảnh hưởng của truyền thống phương Đông) cũng lưu truyền cho truyền thống phương Tây những hình tượng thể hiện không đúng tỉ lệ và phủ định mọi quy điển.

Lí tưởng về sự hoàn hảo trong tiếng Hi Lạp được tiêu biểu bằng kalokagathia, một thuật ngữ được kết hợp bằng hai đơn từ kalos (thường được dịch là ‘đẹp’) và agathos (thường được dịch là ‘tốt/thiện’, nhưng bao hàm cả một loạt các giá trị tích cực). Người ta cũng chỉ ra cho thấy kalosagathos thường định nghĩa trong tiếng Anh sau này để miêu tả một gentleman, một người với vẻ trang nghiêm và dũng đảm, phong cách, có năng lực và chứng minh những đức tính thượng võ, quân sự và đạo đức. Dưới lí tưởng này, văn hoá Hi Lạp đã sản sinh một kho văn hiến lớn về mối quan hệ giữa cái xấu về thể chất và cái xấu về đạo đức. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được liệu cái ‘đẹp’ mà người cổ đại muốn nói tới có phải là tất cả những gì vừa ý, khơi dậy sự ngưỡng mộ, thu hút con mắt, thoả mãn các giác quan nhờ hình thức của nó, hay là nhờ vẻ đẹp ‘tinh thần’, một phẩm chất của tâm hồn, mà đôi khi không đi với vẻ đẹp của thân thể. Rốt ráo, cuộc viễn chinh thành Troy được thúc đẩy bởi vẻ đẹp tuyệt thế của nàng Helen. Gorgias cũng viết một thiên tụng ca Helen. Tuy nhiên, Helen, người vợ không chung thủy của Menelaus, chắc chắn không thể được coi là hình mẫu của đức hạnh.

Plato tin rằng thế giới ý niệm là thực tại duy nhất, và thế giới vật chất của chúng ta chỉ là cái bóng và là sự mô phỏng thế giới ý niệm. Vậy thì cái xấu phải được coi như không tồn tại, vì trong thiên đối thoại về Parmenides, ông phủ nhận sự tồn tại những quan niệm về những thứ bẩn thỉu và đáng khinh như vết bẩn, bùn hoặc lông. Vì thế, cái xấu chỉ tồn tại trong thế giới cảm quan, là mặt không hoàn hảo của thế giới vật chất so với thế giới lí tưởng. Sau này, Plotinus định nghĩa vật chất là xấu xa và sai lầm, rõ ràng là đánh đồng cái xấu với thế giới vật chất.

Quan niệm về những thứ xấu xí

Plato (tk. 5-4 TCN)

Parmenides, 130

Parmenides tiếp tục:

- Ngài nghĩ rằng có những ý niệm tuyệt đối về công lí, cái đẹp và cái thiện?

- Vâng, Socrates nói, tôi nghĩ là có.

- Và ngài đang nói rằng có một ý niệm về con người độc lập với chúng ta và mọi nhân loại khác, hay ý niệm về lửanước?

- Tôi thường không quyết định được, Parmenides, về việc liệu tôi có nên đưa chúng vào hay không.

- Vậy ngài Socrates, ngài vẫn cảm thấy không quyết định được về những điều được đề cập đến có thể khiến người ta bật cười? Ý tôi là những thứ chẳng hạn như lông, bùn và bất cứ thứ gì khác thấp hèn và nhạt nhẽo; ngài có giả sử rằng mỗi thứ trong số này có một ý niệm khác biệt hẳn với những đối tượng thực sự mà chúng ta tiếp xúc hay không?

- Chắc chắn là không, Socrates nói; những thứ hữu hình là những gì chúng ta thấy như thế, và tôi e rằng thật phi lí khi giả định bất kì ý niệm nào về chúng…

*

Cái xấu về đạo đức

Plotinus (tk 3 CN)

Enneades, 1, 6

Chúng ta hãy xem xét một linh hồn xấu xí, không biết tiết độ và bất chính. Nó chứa đầy dẫy những ham muốn và những lo lắng hết sức. Nó sợ hãi vì hèn nhát, ghen tị vì tinh thần thấp hèn… nó sống cuộc đời đam mê của thể xác và tìm thú vui chỉ trong cái xấu xa. Chúng ta có thể nói rằng cái xấu xa của linh hồn này đã đến với nó từ ngoài vào như một căn bệnh làm hại nó, làm cho nó ô uế và biến nó thành một mớ bòng bong của những căn bệnh? … Linh hồn sống một đời sống trong cái bóng ô uế của cái ác, một đời sống bị ô nhiễm bởi mầm mống của cái chết. Nó không còn có thể nhìn thấy những gì một linh hồn nên thấy: nó không còn có thể yên tĩnh bên trong hữu thể bởi vì nó thường xuyên bị lôi cuốn do những thứ bên ngoài thấp kém và tối tăm hơn cả bóng đêm. Nó ô uế, và bị cám dỗ từ những thứ của giác quan thu hút và áp đảo từ mọi phía, và nó bị pha trộn vào với nhiều đặc tính của nhục thể. Bởi vì linh hồn này đã chấp nhận hình dạng vật chất vốn khác hẳn với nó, nó bị nhiễm bởi vật chất, và bản chất của nó bị ô nhiễm bởi cái thấp kém hơn nó…

Chẳng hạn, nếu chúng ta đọc lại Symposium (Bữa tiệc), cuộc đối thoại của Plato dành cho Eros (là ái tình) và cho cái đẹp, chúng ta có thể nhận thấy nhiều sắc thái khác. Trong cuộc đối thoại này, cũng như trong những đối thoại khác và nói chung trong hầu hết các cuộc tranh luận triết học về cái đẹp và cái xấu, những giá trị này được nêu tên nhưng không bao giờ được làm rõ bằng các ví dụ (do đó, như đã đề cập trong Phần dẫn nhập, cần phải so sánh những diễn ngôn triết học với những sáng tạo cụ thể của các nghệ sĩ). Thật không dễ miêu tả những cái đẹp đã khơi dậy khát khao của chúng ta. Đối với quan niệm về cái thiện, chủ đề của cuộc đối thoại ở nhiều khía cạnh là sự ca ngợi pederasty (thiếu niên ái), theo ngữ nghĩa là tình yêu đối với vẻ đẹp của những trai trẻ của một người đàn ông trí tuệ và trưởng thành. Hành vi này thường được xã hội Hi Lạp chấp nhận, nhưng trong cuộc đối thoại này tự nó tiết lộ cái pederasty được Pausanias ca ngợi (ham muốn nhục dục với vẻ đẹp của trai trẻ) và cái pederasty thăng hoa (ngày nay chúng ta sẽ nói là ‘platonic’) của Socrates là hai thứ khác nhau.

Pausanias phân biệt hai loại Tình (Eros): Tình Aphrodite Pandemia, điển hình dành cho loại đàn ông nhỏ bé này, đối với họ yêu phụ nữ hay trai trẻ thì cũng y như nhau, vì họ yêu thể xác hơn tâm hồn; còn loại Tình Aphrodite Urania, chỉ yêu trai trẻ – không phải với những bé trai thiếu kinh nghiệm mà với những thiếu niên thành thục mà ‘râu đã bắt đầu mọc’. Nhưng chính Pausanas cũng thừa nhận nếu yêu trai trẻ người ta phải yêu những người cao quý nhất và đức hạnh nhất trong số họ (‘ngay cả khi họ xấu hơn những người khác’), vì vậy yêu thể xác hơn linh hồn là điều xấu xa. Theo nghĩa này, pederasty, ngay cả khi không loại trừ mối quan hệ thể xác, thì nó cũng là một hình thức liên minh triết học-sắc tình (erotico-philosophical) được thiết lập giữa người được yêu (chàng trai trẻ chấp nhận bầu bạn với người đàn ông lớn tuổi hơn sẽ dẫn đạo chàng vào trí tuệ và đời sống thành nhân, và là người mà chàng trao trả ơn huệ để đổi lấy) và người yêu, là người đàn ông trí tuệ say mê vẻ đẹp và đức hạnh của chàng trai trẻ

Sau Pausanas, Aristophanes chen vào và cho chúng ta biết: ban đầu có ba giới tính là nam, nữ và song tính (androgyne), và chỉ khi thần Zeus chia mỗi giới tính ra thành hai, nên có người nam ‘thích ôm ấp người nam khác’, có người nữ ‘thích tìm tới người nữ khác’ (cả hai giới này ‘không quan tâm đến hôn nhân và sinh đẻ con cái, nhưng bị buộc phải theo luật pháp’), và những người mà ngày nay chúng ta gọi là dị tính (heterosexual). Ở điểm này, Agathon tham gia cuộc đối thoại và miêu tả thần Ái tình Eros mãi mãi trẻ trung và anh tuấn. Đây là một chủ đề đã nhiều lần xuất hiện trong thế giới Hi Lạp kể từ thời Pindar: sắc đẹp đi cùng tuổi trẻ, và xấu xí đi cùng tuổi già.

Thế nhưng Socrates (bày tỏ quan điểm bằng cách gán cho một nữ tư tế hư cấu có tên là Diotima), cho thấy rằng nếu mỗi người chúng ta khao khát những gì mình không có, thì Eros sẽ không đẹp cũng không thiện, mà là một loại ‘quỷ thần’(daimon) khá mơ hồ, luôn cố hướng tới những giá trị lí tưởng mà mãi mãi không đạt được. Eros là con trai của Penia (Thiếu thốn, Bần cùng) và Poros (Thủ đoạn) và như vậy, kế thừa từ mẹ mình khía cạnh khốn khổ (bờm sờm, chân đất và vô gia cư) và từ cha mình khả năng ‘rình rập’ và ‘săn lùng’ tìm những gì là tốt. Theo nghĩa này, dục vọng sinh sản là đặc trưng của Eros, để thoả mãn dục vọng bất tử của con người. Tuy nhiên, ngoài sự sinh sản vật lí còn có sự sinh sản các giá trị tinh thần, từ thơ ca đến triết học, qua đó đạt được sự bất tử bằng vinh quang. Có thể nói rằng người thường sinh ra con cái, còn người tu dưỡng khí chất quý tộc của tinh thần sinh ra vẻ đẹp và trí tuệ.

Trong tiêu chuẩn này, một người đàn ông của kalos (đẹp) và agathos (thiện) tin rằng ‘cái đẹp tâm hồn có giá trị lớn hơn cái đẹp thân thể’ và tìm kiếm một chàng thanh thiếu niên có nhiều phẩm chất dù thân thể không đẹp, và ông cũng không dừng lại ở vẻ đẹp của một thân thể. Qua trải nghiệm về những người đẹp khác nhau, ông sẽ cố gắng đạt đến sự hiểu biết về Cái-đẹp-tự-thân (Beauty-in-itself), Cái đẹp ‘siêu phàm’ (hyperuranian), Cái đẹp là Ý niệm.

Đó là loại tình yêu dành cho các chàng trai trẻ mà Socrates đã dâng hiến hết mình, và chúng ta hiểu điều này khi Alcibiades đẹp trai, say rượu, xông vào bữa tiệc, bảy tỏ cách mong muốn được Socrates chia sẻ trí tuệ, dù chàng đã đề nghị hiến thân thể của mình nhiều lần, nhưng Socrates chưa bao giờ chịu khuất phục ham muốn xác thịt và chỉ nằm cạnh chàng một cách thanh sạch.

Chính trong bối cảnh này Alcibiades đã làm bài tụng ca nổi tiếng về dung mạo xấu xí của Socrates, người có ngoại hình của một Silen nhưng dưới diện mạo đó ẩn chứa một vẻ đẹp nội tại thâm trầm.

từ trái sang phải:

Tượng bán thân bằng đất nung một Silen, tk 3-1 TCN, Munich, Antikesammlungen;

Tượng chân dung Socrates, tk 6 TCN, Selkuk (Thổ Nhĩ Kì), Ephesos, Ephesos Museum

Socrates giống như một Silen

Plato (tk. 4-5 TCN)

Bữa tiệc (Symposium), 203 c-d

Do đó, tôi nói rằng ông ta [Socrates] trông rất giống những Silen bày trong các xưởng điêu khắc. Những satyr cầm khèn và ống sáo và khi mở bụng những pho tượng này ra, bên trong chứa những tượng thần.

* Hình tượng Silen ban đầu giống một người rừng, có tai ngựa và đôi khi có đuôi và chân ngựa. Những Silen sau này là những tín đồ say xỉn của Dionysus, thường là những kẻ đầu trọc, mập mạp với đôi môi dày và mũi to bẹt và có đôi chân của người. Về sau, hình tượng ‘Silen’ (ở số nhiều) không còn được sử dụng mà để chỉ về một cá nhân tên là Silenus, người thầy và người bạn đồng hành trung thành của thần rượu vang Dionysus.(ND)

Và như vậy, chỉ trong một cuộc đối thoại, các ý tưởng khác nhau về cái đẹp và cái xấu được tương phản, vì thế khiến cho quan niệm đơn giản cho rằng xấu chỉ đơn thuần là đối lập với kalokagathia (mĩ-thiện) trở nên phức hợp hơn. Hơn nữa, văn hoá Hi Lạp luôn ý thức về tính phức hợp này, như được chứng minh qua một tụng ca sau này cho một người đàn ông khác có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại có tâm hồn cao thượng và trí tuệ vĩ đại, là Aesop.

Chân dung Aesop, tranh khắc kẽm, 1490, Basel

Diego Veláquez, Aesop, 1639-42, Madrid, Prado Museum

Vẻ xấu xí của Aesop

Vô danh (tk. 1-2 CN)

Truyện Aesop (The Aesop Roman), I

Aesop, ân nhân vĩ đại của nhân loại, nhà viết truyện ngụ ngôn, mặc dù là một người nô lệ, nhưng lại xuất thân là người Phrygian sinh ở Amorium: trông bề ngoài đáng ghét… đáng ghê tởm, bụng phệ, đầu to phình, mũi hếch, như khỉ, da ngăm đen và lùn, với bàn chân bẹt, cánh tay ngắn cũn, chân vòng kiềng, môi dày… Hơn nữa - một khuyết tật còn nặng hơn cả dị dạng - ông ta không nói được, nói lắp bắp và hoàn toàn không thể tự bày tỏ được.

*

Thersites

Homer (tk. 9 TCN)

Sử thi Iliad, II, 282

Thersites… là một gã xấu xí vô cùng, đứng trước thành Illium: chân vòng kiềng và cà thọt, lưng gù với bắp vai u tròn gập xuống tới ngực. Đầu gã nhọn, tóc thưa và mỏng. Achilles và Ulysses ghét gã hết sức, vì gã hay xúc phạm họ.

 

Thế giới Hi Lạp cũng bị đan xen với những mâu thuẫn khác. Trong Cộng hoà, Plato cho rằng cái xấu được hiểu là sự thiếu hài hoà là đối lập với sự tốt đẹp của tâm hồn, và khuyên rằng những người trẻ nên tránh sự miêu tả những cái xấu. Nhưng ông cũng thừa nhận, trên cơ bản, mọi thứ đều có mức độ đẹp khác nhau, miễn là chúng phù hợp với khái niệm tương ứng. Do đó, bạn có thể nói một cô gái, một con ngựa cái hoặc một cái chậu là đẹp, nhưng mỗi cái sau thì xấu hơn so với cái trước.

Trong Thi pháp, Aristotle đã đề xuất một nguyên tắc vẫn được chấp nhận phổ biến qua nhiều thế kỉ, đó là có thể tạo ra những mô phỏng đẹp từ những thứ xấu xí - và ngay từ những thời đại sớm nhất, người ta đã ngưỡng mộ cách Homer đã khắc hoạ tuyệt vời một Thersites khó ưa về thể hình và đạo đức.

Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy trong phái Khắc kỉ (Stoic), Marcus Aurelius đã công nhận rằng ngay cả sự xấu xí, thậm chí không hoàn hảo, chẳng hạn như những nết nứt trên ổ bánh mì cũng góp phần tạo nên tính dễ chịu cho tổng thể. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá nguyên tắc này vốn đã là chủ đạo cho quan điểm triết học giáo phụ và kinh viện thời Trung Cổ: trong đó cái xấu được cứu chuộc trong bối cảnh tổng thể và góp phần vào sự hài hoà của vũ trụ.

Tránh miêu tả những cái xấu

Plato (tk. 5-4 TCN)

Cộng hoà, III, 401

Cái xấu xí, sự bất đồng và sự thiếu hài hoà có họ hàng với ngôn ngữ xấu và bản tính xấu. Trong khi cái đẹp và hài hoà là chị em của những phẩm cách tốt và đức hạnh, và tương tự với chúng…

Vì vậy chúng ta có cần phải giám sát các nhà thơ, buộc họ truyền vào trong tác phẩm của họ phẩm cách tốt, nếu không thì cấm chỉ họ làm thơ trên quốc thổ của chúng ta? Hoặc chúng ta có nên giám sát các nghệ sĩ khác, ngăn họ miêu tả những thứ xấu xa về đạo đức, thiếu kiềm chế, thô tục và xấu xí cho dù đó là hình tượng sống động, những toà nhà, và bất kì sản phẩm nào? Và những kẻ không làm được điều này, chúng ta nên cấm họ làm việc giữa chúng ta, vì sợ rằng những công dân của chúng ta, lớn lên giữa những hình ảnh đồi bại này thì giống như trên bãi thảo mộc xấu, ngày ngày ăn những thứ xấu xa ấy, dần dần và vô tình đã tích tụ trong tâm hồn họ một khối ác lớn?

*

Mô phỏng đẹp

Aristotle (tk. 4 TCN)

Thi pháp, 1448b

Nghệ thuật thơ dường như nảy sinh từ hai nguyên nhân, cả hai đều theo lẽ tự nhiên. Ngay từ đầu, sự mô phỏng vốn tự nhiên ngay khi còn nhỏ và điều này làm cho con người khác hẳn với những động vật khác, vì trong số mọi tạo vật, con người có xu hướng mô phỏng rõ rệt nhất. Thứ đến, chính qua sự mô phỏng mà chúng ta học được những bài học đầu tiên, và tất cả đều vui sướng với những gì mô phỏng được. Bằng chứng cho điều này nằm trong những kinh nghiệm thực tiễn. Những thứ mà chúng ta thường nhìn với sự ghê tởm nhưng lại nhìn bằng sự thích thú khi chúng được miêu tả với sự chính xác, chẳng hạn như hình ảnh dã thú ghê tởm và những xác chết. Lí do cho điều này là học tập mang lại niềm vui lớn, không chỉ với các nhà triết học mà còn với những người khác, bất kể họ thu hoạch được thật ít ỏi từ quá trình này. Do đó, con người thích nhìn thấy cái tương tự, khi chiêm ngưỡng chúng, họ học tập và lí giải về chúng.

*

Không có cái xấu trong tự nhiên

Marcus Aurelius (tk. 2 CN)

Trầm tư, III, 2

Khi ổ bánh mì nướng xong, có chỗ này chỗ kia nứt ra, nhưng những chỗ nứt này, tuy không đúng cách với nghệ thuật của người thợ bánh, nhưng theo nghĩa nào đó chúng vẫn đẹp và trên hết là chúng kích thích mạnh mẽ sự thèm ăn. Tương tự, những quả vả chín cũng nứt ra. Hãy xem những quả olive khi đã chín hoàn toàn: chính cái vẻ ngoài gần như thối rữa đó đem lại một vẻ đẹp đặc thù cho quả olive. Những thứ như quả bắp cong oằn xuống đất, vẻ cao ngạo của sư tử, nước dãi chảy ra từ răng lợn lòi, và vô số những ví dụ khác, khác hẳn với cái vốn được coi là đẹp. Tuy nhiên, vì chúng tuân theo trật tự của tự nhiên, chúng giúp tô điểm cho trật tự đó và tạo cảm giác thú vị. Vì vậy, nếu một người vừa yêu thích vừa hiểu hiện tượng tự nhiên, y sẽ thấy rằng bất kì sự vật gì, ngay cả khi nó là những sự kiện với hệ quả ngẫu nhiên, đều có tiết nhịp điệu và duyên dáng của nó.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thế giới Hi Lạp và sự kinh hãi

Những nhân mã Centaur trong triều đình của Vua Pirithous, tranh tường ở Pompeii, tk. 1 CN,

Naples, Museo Archaeologico Nazionale

Tượng đồng một Satyr, nửa sau tk 4 TCN,

Munich, Staatsliche Antikensammlungen und Glyptotek

Antony Van Dyck, Satyr say rượu, kh. 1620,

Dresden, Gemalde Galerie, Alte Meister Staatliche Kunstsammlungen

Thế giới Hi Lạp bị ám ảnh bởi nhiều loại xấu xí và ác độc. Không cần phải đề cập đến sự đối lập giữa ApollonianDionysian: mặc dù những nhân mã Satyr say xỉn, vừa gớm guốc vừa khôi hài xuất hiện tại cuộc rước Tửu thần Bacchus; và trong Symposium (Bữa tiệc) Socrates chống lại việc ca ngợi người có tửu lượng cao nhất được xem như chiến công hiển hách. Nhưng dẫu sao ở đó vẫn còn dấu vết mơ hồ về vai trò của âm nhạc, là thứ khơi dậy niềm đam mê; nhưng mĩ học Pythagore coi âm nhạc là sự hiện thực hoá những quy luật lí tưởng, những quy luật toán học về tỉ lệ và sự hài hoà.

John William Waterhouse, Ulysses và bầy Siren, 1891, Melbourne, National Gallery of Victoria

Bầy Siren

Homer (tk. 9 TCN)

Sử thi Odyssey, XII, 52-82

Trước tiên bạn sẽ gặp bầy Siren, chúng mê hoặc tất cả những ai tới gần. Nếu có người không để ý, đến quá gần thì nghe thấy tiếng hát của bầy Siren, thì vợ con thân yêu sẽ không còn có dịp đón ngày anh ta về nhà nữa, vì chúng ngồi trên một bãi cỏ xanh và véo von anh ta cho tới chết bằng giọng hát ngọt ngào của chúng. Có một đống xương lớn người chết la liệt xung quanh và vẫn còn dính thịt đang thối rữa. Vì vậy khi bạn đi ngang qua chúng, đừng dừng lại, mà hãy dùng sáp bịt kín tai để không còn nghe thấy tiếng hát của chúng nữa; nhưng nếu bạn thích bạn có thể tự nghe, vậy thì bạn hãy nhờ bạn đồng hành trói bạn trong tư thế đứng thẳng vào cái xà ở độ cao bằng nửa của cột buồm và buộc sao cho thoải mái khi nghe tiếng hát. Nhưng nếu bạn có cầu xin họ cởi trói, thì họ phải trói càng chặt hơn.

Khi thuỷ thủ đoàn đã đưa bạn qua khỏi bầy Siren đó, bạn sẽ có hai hướng đi, tôi không thể nêu cho bạn hướng dẫn rõ ràng về việc chọn một trong hai thuỷ trình nào; tôi sẽ đưa cho bạn hai lựa chọn, và bạn phải tự đắn đo. Một đằng là những vách đá lởm chởm nhô ra và những đợt sóng xanh biếc của nữ thần biển Amphitrite đánh xô vào đá với cơn thịnh nộ khủng khiếp; chư thần gọi những tảng đá này là Lãng Du Thạch…

Ulysses và bầy Siren, chi tiết trang trí trên bình, tk. 3 TCN, Berlin Staalitche Museen

Bầy Harpie

Virgil (tk. 1 TCN)

Aeneid, III, 354-358, 361-368

Sau khi thoát khỏi tàu đắm chúng tôi tới được một nơi người Hi Lạp gọi là Strophades, mà loài Harpies sống ở đó. Ngay cả cơn thịnh nộ từ trời cũng không bằng thảm hoạ đáng ghê tởm hơn, ở dòng sông mê bùn lầy Styx cũng không có dịch bệnh nào khủng khiếp hơn bầy chim có khuôn mặt của con gái, nhưng chúng bốc ra mùi hôi thối với đôi tay có móng vuốt, khuôn mặt gầy gò trắng bệch.

*

Scylla và Charybdis

Homer (tk 9 TCN)

Odyssey, XII, 112-141

Trong đó, Scylla ngồi kêu ăng ẳng như tiếng con chó săn còn nhỏ, nhưng thực sự nó là con quái vật kinh khiếp mà không ai, thậm chí bất kì vị thần nào dám đương đầu với nó mà không kinh hoàng. Nó có mười hai bàn chân dị dạng, và sáu chiếc cổ dài ngoẵng phi thường, và cuối mỗi chiếc cổ là cái đầu ghê sợ mỗi đầu có ba hàng răng xếp với nhau rất chặt để nhai nát bất cứ ai trong thoáng chốc…

,

Gustave Moreau, Chimaera, 1867, Cambridge Massachusets, Fogg Art Museum

Perseus cắt cổ Medusa, chi tiết từ phù điêu của ngôi đền Selimunte, 540 TCN,

Parlemo, Museo Nazionale

Kebele thổi kèn trumpet, cuối tk 4 TCN

Peter Paul Rubens, Saturn nuốt ngấu con mình, 1636-37, Madrid, Prado Museum

Arezzo Chimera, tượng đồng Etruscan, tk. 5 TCN,

Florence, Archaeological Museum

Tuy nhiên, nền văn hoá Hi Lạp có những khu vực dưới lòng đất nơi thực hành những nghi thức Bí tích (Mysteries) và những anh hùng (như Ulysses và Aeneas) mạo hiểm vào vùng sương mù âm u dưới Địa phủ (Hades) mà những nỗi kinh hoàng đã được Hesiod kể lại.

Thần thoại cổ điển là một danh mục về sự tàn ác không thể kể xiết: Saturn đã nuốt ngốn ngấu con cái mình; Medea giết lũ con mình trả thù người chồng không chung thuỷ; Tantalus nấu thịt con trai mình là Pelpos và thết đãi các vị thần để thử sự sáng suốt của họ; Agamemnon đã không ngần ngại hi sinh con gái mình là Ifigenia để làm nguôi dịu các vị thần; Atreus đã giết các con của anh mình Thyestes và đưa thịt cho anh ta ăn; Aegisthus đã giết Agamemnon để cướp vợ là Clytemnestra, người sau đó bị giết bởi con trai của nàng là Orestes; Oedipus, mặc dù vô tình, đã phạm phải cả tội giết cha và loạn luân… Đó là một thế giới bị cái ác thống trị, nơi ngay cả những sinh vật đẹp nhất cũng gây nên những hành động tàn bạo ‘xấu xí’.

Suốt cái thế giới này những sinh vật đáng sợ lang thang, bẩn thỉu vì chúng là những giống lai tạo vi phạm quy luật của các hình thái tự nhiên: hãy xem các Siren trong Homer, vốn không phải là những nàng tiên cá hấp dẫn như mô tả của truyền thống sau này, mà là loài tham tàn và kinh tởm. Sau đó là Scylla và Charyddis, Polyphemus, Chimera; trong Virgil chúng ta thấy Cerberus và bầy Harpies; những Gorgon đầu đầy rắn quấn và móng guốc heo rừng, con Sphinx có mặt người và mình sư tử, Furies là ba nữ thần báo thù, Centaur đầu ngựa mình người xấu xa giảo hoạt, Minotaur đầu bò mình người, Medusa… Mặc dù hậu thế đã tưởng tượng về thời đại kalokagathia (mĩ-thiện) ấy, nhưng họ cũng chịu ảnh hưởng từ những biểu hiện kinh dị này từ Dante cho tới ngày nay.

Và trên thực tế, thế giới Kitô giáo (mà như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, đã phát triển những ý tưởng đáng sợ về cái xấu xí), ví dụ như trong tác phẩm của Clement Alexandria hoặc Isidore Seville đã sử dụng những quái thú được người xưa mô tả làm cái cớ để chứng minh cho sự lầm lạc trong thần thoại của ngoại giáo (pagan).

 

Polyphemus

Homer (tk. 9 TCN)

Sử thi Odyssey, IX, 235-244, 364-382), 474-479, 484-491, 498-502

Đây là nơi trú ẩn của con đại quái vật, lúc đó gã đang chăn cừa ra ngoài. Gã không hề qua lại với ai khác…

Đột nhiên với một cú chộp, gã bóp chặt hai người thủ hạ của tôi rồi ném mạnh họ xuống đất như thể họ là những con rối. Óc họ vỡ ra phọt trên mặt đất, và đất nhuộm đỏ máu. Gã xé tứ chi họ ra rồi ngoạm từng miếng, ngấu nghiến như một con sư tử nơi hoang dã, thịt, xương, tuỷ và nội tạng, ăn sạch không chừa miếng nào.

Còn chúng tôi, nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng như vậy, chẳng biết làm gì khác, chỉ khóc lóc và giơ tay lên trời; tuy nhiên sau khi gã khổng lồ Cyclops đã no bụng và rửa sạch bữa ăn thịt người bằng sữa tươi, gã nằm ngửa duỗi tay chân trên mặt đất…

Cái cổ khổng lồ của gã nặng nề bật ra phía sau và cơn buồn ngủ xâm chiếm gã. Một lúc sau gã trở mình khó chịu, ợ lên vài tiếng rồi ói ra cả rượu lẫn những miếng thịt người mà gã đã xơi…

Mặc dù khúc gỗ vẫn còn tươi xanh nhưng đã bắt đầu cháy, tôi rút nó  ra khỏi đống lửa đang nóng hừng hực, đám thủ hạ bao quanh tôi, nhờ trời đã rót đầy lòng họ sự dũng cảm. Tôi đâm đầu khúc gỗ đã vót nhọn vào con mắt của gã quái vật, và dùng hết sức lực chọc xuống rồi ngoáy liên tục…

Bằng cách đó, chúng tôi đã khoét thanh gỗ cháy đỏ vào trong mắt gã, cho tới khi máu nóng sôi trào ra, và khi chúng tôi ngoáy ngoáy, hơi nước bốc lên từ tròng mắt đang bị nung, bỏng cháy cả mí mắt và lông mày của gã, chọc sâu xuống dưới hốc mắt xèo xèo trong lửa…

*

Cerberus

Virgil (thế kỉ 1 TCN)

Aeneid, VI, 612-629

Nấp trong hang động, con Cerberus khổng lồ có ba cái mõm cất tiếng sủa đánh thức những vương quốc Địa phủ. Cái đầu tua tủa bầy rắn, vị nữ tế sư đã đánh dấu và ném cho nó một mớ bánh mì tẩm mật ong và thuốc mê. Trong cơn háu đói ba cái hàm răng của nó nhoài ra đớp và rồi sau đó nó sóng xoài trước cửa hang, vật xuống đất, tứ chi xuội như chết.

*

Âm phủ

Hesiod (tk 7 TCN)

Thần phổ (Theogony), 736-73

Đây là một nơi u ám và bẩn thỉu, nơi mà cả các thần linh cũng gớm ghét. Một khi bạn bước qua ngưỡng của cái vịnh mênh mông này, thì cả năm bạn cũng không đi hết tới cuối, bởi vì những cơn bão cuồng sẽ cuốn bạn sang hết hướng này rồi hướng nọ, không cho bạn dừng lại thở… Đây là trú xứ của Đêm mịt mùng, bao bọc trong những đám mây xám xịt. Ở đằng trước, con trai của Iapetus chân trụ vững, chống đỡ các tầng trời bằng đầu và hai tay không biết mệt mỏi. Ở thời điểm đó, Đêm (Nyx) và Ngày (Hemera) gặp và chào nhau khi họ đi ngang qua ngưỡng cửa vĩ đại bằng đồng, một kẻ đang ra đi còn kẻ kia đang trở lại, hoặc ngược lại. Chúng không bao giờ ở cùng một nhà; mà một kẻ luôn di chuyển bên ngoài trên trần gian, trong khi kẻ kia ở nhà chờ tới lúc ra đi. Một kẻ mang ánh sáng soi rọi cho mọi người trần gian; kẻ kia, bóng Đêm khoác lên mình màn sương dày đặc, và bồng giấc Ngủ trên tay, em trai của Thần chết. Đây là trú xứ của giấc Ngủ và cái Chết, là những đứa con trai của Đêm mịt mùng và những vị thần khủng khiếp. Mặt trời rực rỡ không bao giờ chiếu tia sáng lên chúng, bất kể khi lên trời cao hay khi chìm xuống. Trong hai vị thần này, một kẻ thì lang thang yên bình trên mặt đất và biển khơi. Còn kẻ kia có trái tim bằng thép, và nhẫn tâm như đồng: một khi y đã tóm lấy ai thì không bao giờ buông tha, và ngay cả những vị thần bất tử cũng căm ghét y. Ở đó, xa hơn nữa là nơi ở của vị thần Âm phủ, Hades quyền năng và Persephone đáng sợ.

*

Chimaera

Homer (tk. 9 TCN)

Sử thi Iliad, VI, 222-26

Chimaera vốn không phải người, mà là một nữ thần, nhưng có đầu sư tử, đuôi rắn, mình dê, và miệng phun ra lửa, nhưng Bellerophone đã giết nó, vì chàng được hướng dẫn từ những dấu hiệu từ trời…

*

Cái xấu của những vị thần ngoại giáo

Clement Alexandria (150-215)

Protrepticus (Những lời khuyến đạo gửi người Hi Lạp), 61

Đây là những lời dạy của thần linh các bạn và họ tự đàng điếm với bạn!... Vậy còn những hình tượng khác? Một số tượng thần Pan, những tượng đàn bà loã lồ, bầy satyr nửa người nửa thú say sưa với dương vật cương lên, chúng được vẽ mà không mảnh vải che, thật trơ trẽn và đáng xấu hổ!

Tuy nhiên, giờ đây như các bạn thấy công khai ngoài công cộng – những bức tranh miêu tả đủ loại buông thả, phóng túng, mà các bạn không thấy xấu hổ gì cả. Không chỉ vậy, các bạn còn treo chúng lên giống như ảnh các vị thần, và trong nhà của bạn còn thờ lạy chúng như là linh thiêng thay vì chỉ là những phiến đá vô liêm sỉ, mà không thèm quan tâm liệu chúng miêu tả những tư thế tục tĩu của Philenides hay những kì công của Hercules!

*

Tín đồ Kitô đánh giá những quái vật của ngoại giáo

Thánh Isidore Seville (570-636)

Etymologiae (Từ nguyên), XI, 3

Cũng có đủ loại truyền thuyết kì lạ khác về những con người, tuy nhiên, không có thật, mà là hư cấu: chúng chỉ là những biểu tượng cho một thực tại. Đây là trường hợp của Geryon, vua xứ Tây Ban Nha, tương truyền được sinh ra với ba cơ thể: trên thực tế, có ba anh em, ba enh em này hoà hợp với nhau tới nỗi như thể ba thân thể đều chung một linh hồn. Điều này cũng xảy ra với Gorgons, là những cô gái điếm mà bộ tóc là những con rắn mà đàn ông nhìn vào liền bị hoá đá. Tương truyền họ chỉ có một con mắt và thay nhau dùng. Thật ra, họ là ba chị em đều xinh đẹp bằng nhau, gần như là một trong con mắt, mà đàn ông khi nhìn thấy họ, anh ta chết lặng tới nỗi tưởng như rằng mình bị hoá thành đá. Những Siren được cho rằng có ba phần, phần cô gái, và phần chim với đôi cánh, và móng vuốt: một con hát, con thứ hai thổi khèn, và con cuối chơi đàn lyre. Họ dùng khúc hát để dụ dỗ đám thuỷ thủ đâm vào những tảng đá khiến đắm tàu. Thực ra, những siren là gái điếm: bởi họ kéo khách qua đường vào tình cảnh khốn khổ, cho nên bị cho rằng họ làm tàu bị đắm… Người ta cũng cho rằng Hydra là một con rắn có chín đầu, tên Latin là excetra, bởi vì caedere, hay cắt đi, từ một cái đầu thì ba cái đầu mới sẽ mọc lên. Thực ra, Hydra là một nơi, từ nơi này phun ra những dòng nước làm ngập một thành phố gần đó: nếu một miệng xả bị chặn thì nhiều miệng xả khác sẽ mở ra. Nhìn thấy điều này, Hercules đã rút cạn nước nơi này, nhờ đó các miệng nước trào ra bị đóng lại. Thực vậy, Hydra là cái tên bắt nguồn từ nước…

Một số người cho rằng Chimaera là một con thú với đầu sư tử, đuôi rồng và cơ thể của dê. Một số học giả về hiện tượng tự nhiên cho rằng Chimaera không phải là con thú, mà là một quả núi ở Cicilia, ở một số nơi của ngọn núi này cung cấp nguồn dinh dưỡng cho sư tử và dê, một số nơi bị hoả hoạn, trong khi có những phần khác thì đầy rắn. Bellerophon đã làm cho nó có thể sinh sống được và đó là lí do tại sao người ta cho rằng anh ta đã giết Chimaera. Còn những nhân mã Centaur, nửa người nửa ngựa, được đặt tên vì ngoại hình của chúng: theo một số người, họ là các kị sĩ xứ Thessalia, trong chiến tranh họ phi nước đại khắp các chiến trường, gây nên ấn tượng về một thân thể được tạo ra từ ngựa và người.

 

---------

*Dịch theo bản tiếng Anh:

On Ugliness, do Alastair McEwen dịch, Harvill Secker, London 2007

Nguyên tác:

Storia della bruttezza, Umberto Eco biên tập, Bompiani 2007