Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 5)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Lớn lên trong nghèo túng

Kết thúc kháng chiến 9 năm, Việt Minh chỉ có thắng từ vĩ tuyến 17 trở ra, còn ở miền Nam, nói gì thì nói, những người kháng chiến và gia đình họ ở lại với cảm giác nặng trĩu cô đơn, thua trận. Gia đình tôi là một điển hình. Sau khi Việt Minh đi tập kết, lính Ba Cụt vào “lấp chỗ trống”, gia đình tôi về lại quê nhà, xã Nhơn Hưng.

Nhớ đêm theo ba qua nhà bác Hai Dương Hồng Sanh, nghe các bác bàn bạc tình hình chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève, chuyện đi tập kết. Không biết tôi hiểu đến đâu mà nói với ba và các bác là cho tôi xin đi tập kết để được đi học, vì nhìn cái trường lợp đưng mà ba và các bác dựng kế nhà bác Hai chỗ đang họp bị xiêu vẹo sắp sập rồi mà chưa có thầy, tôi rất buồn. Ba tôi ôm tôi vào lòng và nói: “Con còn nhỏ, không ai cho đi đâu. Vả lại, ngoài Bắc lạnh lắm, con nít không quen không chịu nổi”. Các bác cũng nói vào. Đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi biết buồn và suy nghĩ. Vì tôi biết mình sẽ bỏ lại chỗ này mà mình quá quen thuộc rồi. Lính Ba Cụt sắp vào, mà Ba Cụt là ai, như thế nào? Rồi về xứ cũ Nhơn Hưng sẽ lạ hoắc, sống sao đây?...

Về quê, chúng tôi tá túc nhà ngoại, anh Tư chưa dám về, ba gởi nhà ông Mười An ở chợ Sà Tón - Tri Tôn học làm thợ bạc, chờ cơ hội. Cậu Mười và hai cậu Út đều chưa về. Bà ngoại buồn và dẫn tôi tất tả vào chùa Ông Chín ở Ba Chúc, đến nhà bác Năm Cảnh (ba anh Cửu) hỏi thăm, vào thăm dì Năm Lan ở Núi Voi và viếng Phật chùa Phi Lai, ở đấy, nhân ngày giỗ ông Tổ Phi Lai chùa này... Bà không nói đi để làm gì, nhưng qua câu chuyện giữa bà và những người quen, tôi biết bà đi hỏi thăm tin các cậu, nhất là cậu Út Mật, cúng chùa cầu mong các cậu bình an. Đêm đêm, tôi thấy bà mặc áo dài đen ngồi chắp tay niệm Phật bất động như người ta ngồi Thiền, cả buổi tối và mỗi canh Năm khi chùa công phu. Anh Bảy Danh (con cậu Chín Thu) bắn chim đem về, bà không rầy mà mua lại mấy con còn bay được, ra giữa trời phóng sanh, cầu nguyện cho các cậu được tự do trở về. Rồi các cậu cũng lần lượt trở về. Cậu Út Tiến có vợ rồi ra riêng, còn cậu Mười Ngưng và cậu Út Mật ở chung với ngoại. Từ đó tôi mới thấy ngoại vui, nhất là những dịp giỗ Tết. Hôm theo bà ngoại đi dọ tin cậu Út Mật, đến nhà dì Năm Lan, cậu Tư Coi và dự lễ giỗ cụ tổ chùa Phi Lai ở Núi Voi - xã Tú Tề, đâu khoảng rằm tháng Bảy năm 1954, tối có Đoàn văn nghệ Sài Gòn về biểu diễn, tôi xin ngoại đi xem. Thấy họ diễn kịch “Đấu tố”, cán bộ Việt Minh mặc toàn đồ đen, do “bí thư huyện ủy” ngồi xử “địa chủ”... tôi sợ quá, sợ bị chọi lựu đạn như tin đồn ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo - Sài Gòn, nên tôi lật đật bỏ về. Hôm theo bà cúng rằm tháng Bảy 1955 ở chùa Long Hòa Tự của bà Bảy Hữu Chí trong xóm, khi về cậu Út Mật hỏi tôi: Mầy có lạy Phật không? Tôi nói không. Bà ngoại có lạy không? Tôi nói có. Rồi ông nghiêm sắc mặt nói: “Vậy là mầy vô lễ. Vô lễ với bà ngoại chớ không phải với Phật. Tại sao ngoại kính trọng Phật mà mầy không kính trọng như bà?”. Tôi thấy mình có lỗi. Đó là hai lần đi chùa với bà ngoại còn đọng lại trong tôi những điều suy nghĩ.

Ở nhà ngoại mấy ngày rồi tôi theo ba ra bờ kinh ở nhà mấy chú, mấy cô, nhưng thường ở nhà chú Chín Hiến. Ý ba muốn tìm cơ hội làm ăn ở ven biên giới, nơi mà mười năm trước, ba tôi một thời từng trải. Chú thím và các con đối xử rất tử tế với cha con tôi. Thím may cho tôi bộ đồ pyjama sọc ca-rô mới mà tôi rất thích. Cô Hai Ên, con gái lớn của chú còn giặt quần áo cho tôi. Tựu trường, tôi được đi học trường tư ở cống ranh làng, do chồng chị Năm Chanh là anh giáo Nhi, rể của bác Ba tôi đứng dạy. Hồi đó, ai tốt nghiệp tiểu học mới được làm giáo viên và dạy từ lớp ba trở xuống trường công lập. Trường chỉ có một thầy duy nhứt, anh dạy hai, ba lớp, từ vỡ lòng đến lớp tư. Tôi được học lớp vỡ lòng. Thấy tôi đọc viết và làm toán cộng trừ được, anh cho tôi lên lớp Năm (lớp 1 bây giờ). Tôi học không được tập trung, lúc nào cũng nhớ má và chị em, nhất là hai em gái. Cảnh gia đình tôi lúc này, sau mấy ngày bà con gặp lại, vui mừng rồi cũng qua, cái cảm giác “Việt Minh thua trận mới rút đi”, còn ba má tôi thì chân ướt chân ráo không làm gì có tiền, không nhà… toàn là ở đậu, ăn nhờ nên dưới con mắt mọi người không được tôn trọng lắm. Chín năm, cả nước làm được một Điện Biên; còn gia đình tôi thì... chín năm không có một mái nhà, không có cái ăn. Từ ba má đến chúng tôi, ai cũng nặng nề mặc cảm. Còn bản thân tôi sống lâu trong môi trường gần như cách biệt với “xã hội văn minh”, nên dù được gia đình giáo dục tương đối so với một số khác, nhưng tôi vẫn có cái gì hơi thô mộc hơn, phù hợp hơn với vùng đất mới vỡ hoang mà tôi vừa mới rời xa.

Một hôm Chủ nhật, tôi về ngoại thăm má. Gặp má đang chặt củi gần bên mộ ông nội, mừng tủi không xiết. Tôi buồn quá kể chuyện bà con, kể lại cảm giác về thân phận mình, hai mẹ con ôm nhau khóc ròng. Nhưng không hiểu sao tôi vụt nói lên được câu: “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, phải không má”. Má tôi như được an ủi. Bà vuốt ve tôi và động viên: “Ráng chịu khó đi con, học để có được ba cái chữ”. Về, tôi kể lại với ba, không hiểu sao ba lại gởi tôi qua nhà chị Năm Chanh  ở để tiếp tục học. Chị Năm cũng rất thương cha con tôi. Chị bảo tôi quần áo dơ đưa cho cháu Huệ (con gái lớn của chị) giặt cho. Tôi học với anh năm Nhi đâu hơn hai tháng, biết viết chánh tả, mới học làm được toán nhân, toán chia một con thì nghỉ. Lúc này, cô Tám Liên, em của ba cho mượn căn chòi đối diện với nhà bác Năm để gia đình tôi ở tạm. Chỉ có ba má, chị Sáu, tôi và hai em ở đây, anh Tư, chị Năm ở bên ngoại, chị Ba có nhà riêng ở gần ngoại. Một hôm, thím Ba Dồ đi ghe bán bàng (cọng bàng dùng để đan đệm, giỏ xách) ghé thăm, hỏi tình hình ở kinh Tám Ngàn, thấy bọn Ba Cụt cũng không làm khó dễ ai, má tôi quyết định cùng bốn chị em tôi có giang thím Ba trở lại Tám Ngàn. Má không quên mang theo cái khuôn ép bánh tầm và bàn chà bánh lọt. Đây là hai thứ bất ly thân, hư cái này làm cái khác thay; là phương tiện nuôi sống gia đình tôi trôi dạt bốn phương trời suốt hơn mươi năm cho đến ngày miền Nam giải phóng. Ba lúc này không nhớ là đi đâu, nhưng chắc má không muốn ba biết rồi cản đản chuyện hồi cư.

Ở Tám Ngàn đang mùa nước lên, trong khi ở ngoài sông Hậu nước bắt đầu giựt. Nhà cửa còn nguyên nhưng người tản cư hết nên trông nó buồn làm sao. Bọn Ba Cụt lúc này đang ra sức chiêu an dân chúng nên chưa có động tịnh gì. Chúng tập trung ở từ Mũi Tàu ra Vàm Rầy, chỗ xóm tôi không thấy tên nào lai vãng. Có lần chị em tôi đang tắm dưới kinh, một ghe lính chèo qua xuôi về hướng Mũi Tàu; một tên trong bọn nói bóng nói gió một câu: “Bạc trăm mà ngâm dưới nước”. Tôi hiểu rằng, chúng nó ghẹo chị Sáu tôi, chị lúc này chỉ mới 13, 14 tuổi. Tôi cảm thấy khó chịu và có ác cảm với chúng ngay. Ở yên mấy ngày, má tôi bày ra chuyện làm bánh lọt, bà và tôi bơi xuồng đi bán dài ra Mũi Tàu, Vàm Rầy; chủ yếu là bán cho bọn lính Ba Cụt. Nhờ thế mới có gạo ăn. Đi bán xa về, gặp trời tối, tôi rất sợ và hình dung “ma da” từ dưới nước thò tay lên kéo tôi đang ngồi bơi lái xuồng. Mỗi lần sợ là tôi lại liên tưởng nhớ hình ảnh thím Sáu Tòng bị kinh phong giật té chết chìm hồi trước Việt Minh tập kết ở đoạn Mũi Tàu mà tôi đi về đều phải bơi ngang đó. Má tôi lại không biết bơi lội mới ngặt. Tôi cứ hình dung thân tôi nhỏ nhắn, cho dù tôi biết bơi nhưng nếu má bị chìm thì làm sao tôi dìu cho nổi. Nghĩ mà rùng mình, nhưng vì nghèo đói và cũng không thể nạnh chị Sáu đi để bị tụi lính nó chọc ghẹo hay em Gương thì còn quá nhỏ nên tôi liều mạng vậy thôi. Có bữa chiều về gió ngược, tôi phải lên bờ kéo xuồng, má ngồi dưới xuồng cầm lái. Bữa nọ, đang kéo mệt và đói, má kêu dừng lại và vét bánh bán còn thừa, đâu một chén, cho tôi ăn. Vậy mà hồi lúc nãy, có người ăn đòi múc thêm má nói hết rồi. Tôi hỏi má làm thinh. Bây giờ tôi mới biết! Và tôi cũng biết bà đang đói nhưng bà lắc đầu khi tôi hỏi sao má không ăn. Tôi nghe nghẹn ở cổ! Ban đêm, tôi đi giăng câu kiếm cá. Có bữa, bủa câu trước sân nhà bác Hai Dương Hồng Sanh, nước sâu quá rún, thấy cá lăn quơ râu vờn mồi, ham nôn ruột. Khi có cá trắng như cá lăn, cá leo... xuất hiện, tôi biết nước bạc đã vào, cũng là lúc mùa nước ở đây sắp giựt. Ba hay tin mẹ con tôi hồi cư, lật đật vào Sà Tón, viết thư giả danh chú Chín, báo tin ba bệnh, kêu mẹ con tôi về lại Nhơn Hưng, má biết tuồng chữ của ba nên không về. Má còn nói: “Tuồng chữ ba mầy mà dám xưng là chú Chín, gạt tao, nói: Anh Sáu bệnh nặng mê sảng, cứ kêu tên con Điểm hoài”. Vậy là ba tôi phải liều, về bên mẹ con tôi.

Về đến nhà, ba tìm ngay mấy anh cán bộ quen thân nằm vùng để giữ liên lạc với Cách mạng như anh Hai Ánh, cậu Hai Lác… Tôi có cảm tưởng ba tôi vắng Cách mạng như mất chỗ dựa về tinh thần. Có lần, nghe tin thế nào mà ba dẫn tôi và cậu Hai Lác ra biển Lình Quỳnh tá túc nhà vợ chồng ông bà Cà Khol là người Khơme tốt bụng vừa mới quen biết với ba má tôi, nhân dịp ông bà đi qua lại bán khô cá biển ở chợ Sà Tón (Tri Tôn). Rồi dượng Hai Xe Lôi và thằng Ty con dượng ở cùng xóm cũng ra theo để thông tin cho ba về tình hình, hay tìm kế sanh nhai, tôi không rõ, nhưng đùm đậu với cha con tôi ở nhà vợ chồng bà Ca-Khol hết mấy ngày. Ở đây, chiều chiều nhìn ra biển, thấy mặt trời rớt xuống mặt biển rất nhanh, buồn não ruột, tôi khóc! Tối tối, tôi ngồi xuồng theo ba và cậu Hai đi kéo lưới cặp mé biển. Cá thì ít mà rắn biển mà người ta gọi là con đẻn và sứa thì nhiều. Sợ quá, tôi không dám thò chân xuống nước. Không quen ăn cá biển, bữa cơm tôi thường ăn khô hoặc nước mắm dầm với trái bần biển chua chua. Một hôm, tôi muốn ra biển ban ngày để xem sao. Cha con ông Cà Khol chèo ghe cho chúng tôi ra khơi, lúc này đâu hơn 4 giờ chiều. Lúc đầu tôi giành ngồi trước mũi để được “nhồi sóng”, vậy mà khi ra khỏi bờ mới độ mấy trăm thước là gặp sóng nhồi, chiếc ghe giờ như cái bẹ chuối, tôi muốn nôn ra. Thằng Ty tưởng bở, nhảy lên thay tôi, nhưng nó lại la làng sớm hơn nữa: “Chèo vô, chèo vô...”. Ba tôi và dượng Hai cùng theo hai “quí tử” của mình thấy vậy nói với con ông Cà Khol chèo vào. Tôi sợ sóng từ đó!

Ở biển đâu được vài ba tuần lễ thì chúng tôi quay về nhà. Tình hình lúc này rất căng thẳng, Ba Cụt thua trận liên miên, lính Diệm toàn là người Nùng, người Bắc và thêm lực lượng Cao Đài - Trình Minh Thế đầu hàng Diệm nên rất hăng. Bọn Ba Cụt giở trò giết chóc người Khơ-me và thủ tiêu cán bộ Việt Minh còn ở lại. Đúng là “oan oan tương báo”! Sau lần bác Chủ Cự ghé nhà thăm, ba má tôi thấy tình hình mỗi lúc một căng thẳng nên vội vã thu xếp quay về lại Cây Mít. Lúc này là gần Tết Nguyên Đán, chúng tôi tụ họp về nhà ngoại, vui như ở nhà mình trong kháng chiến. Rồi ba vội vàng cất nhà trên vườn dừa, xưa là đất của ngoại trồng bông vải nên thường gọi là Vườn bông. Sau này, tôi mới biết ba không cất nhà trên đất của mình là có ý mấy cậu muốn ba ở nơi vắng vẻ, tiện cho các cậu làm chỗ hội họp, né tránh làng lính.

Tết Ất Mùi 1955, chúng tôi ở nhà mới, là cái Tết đầu tiên tôi được người lớn dạy cho lễ nghi chúc tụng và cúng lạy ông bà, kể cả cách xưng hô trong họ hàng thân tộc. Tôi ra bờ kinh chúc Tết cô bác bên nội, sẵn có anh em bà con vô chợ Tịnh Biên, tôi tháp tùng đi theo vào thăm cô Mười Cư và vào Đường Đấp thăm anh chị Tư Trường, là con nuôi của ba má, lúc trước ở gần nhà tôi tại Đường Củi Giữa. Anh chị gặp tôi mừng quá, lì xì cho tôi 5 đồng. Một món quà quá lớn đối với tôi mà tôi chưa từng được ai cho. Vì ham xem múa lân mà tôi bị mất hết 5 đồng ấy, đành cuốc bộ ra Nhà Bàn về nhà với bụng đói và khát suốt buổi. Đến đầu thế kỷ 21này, xã Nhơn Hưng vẫn là xã nghèo, vùng dân tộc, biên giới được hưởng chính sách theo Quyết định 134, 135 của Chính phủ, vậy mà ngày ấy, tôi luôn luôn có cảm giác ấp Đông Hưng (chùa Cây Trôm) là lạc hậu hơn ấp Bắc Hưng (Cây Mít). Còn xã Nhơn Hưng so với kinh Tám Ngàn là hai thế giới khác nhau, mà kinh Tám Ngàn là nơi tôi mới rời bỏ là một thế giới đơn độc, đơn điệu và cuộc sống của con người đơn giản đến mức không còn đơn giản hơn: không có bà con họ hàng, không chợ, không trường học; ngoài cha, mẹ, anh, chị em trong nhà tôi chỉ có bạn thân duy nhứt là thằng Ty, con dì dượng Hai xe lôi phía dưới nhà tôi. Nó thường rủ tôi trốn ba đi đặt trúm, có lần nó cho mượn trúm rồi đặt giùm cho bốn ống, sáng đi giở trúm cũng có lươn đầy ống, vậy mà ba tôi biết được rầy tôi một trận nên thân. Và cũng do đi đặt trúm mà cỏ bắc cắt đỏ đôi chân trần, má lén ba nhai gạo phun cho bớt dậy mủ, nhưng vẫn để lại hai cái thẹo to hai bên vế cho đến già. Sau này hỏi thăm, nghe đâu Ty bị bắt lính và đã chết. Không gian tuổi thơ tôi chật hẹp và gieo neo vậy, nhưng không hiểu sao lúc nào và ngay giờ này hơn 60 tuổi đời rồi mà tôi vẫn thương, vẫn nhớ mãi trong lòng cái xóm nghèo chùa Cây Trôm và Đường Củi Giữa – kinh Tám Ngàn thuở nào. Quê hương tôi chính là hai không gian bé nhỏ, xa xưa ấy. Và, khi có điều phiền muộn trong lòng, tôi càng nhớ da diết cái xóm Đường Củi Giữa của tôi một thời, mà so với sự đố kỵ, dối trá, lười biếng, xa hoa, trụy lạc, ích kỷ thì nơi ấy là thiên đường!

Hè năm 1955, ba vận động mấy người quen trong Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã cho anh Tư Đào ra dạy học. Trường bằng tre lá cạnh chùa Hòa Thạnh (ấp Trung Hưng), bàn ghế học trò làm bằng tre. Lương giáo viên được 100kg gạo và 400đ tiền Bảo Đại. Trường chỉ có một thầy duy nhứt, dạy từ vỡ lòng đến lớp Tư, mỗi lớp 5-10 học trò. Anh có quyển Quốc văn giáo khoa thư và quyển 100 bài toán đố để phục vụ soạn bài. Tôi giữ sách cho anh và đọc thêm, nên tỏ ra rất khá so trong lớp. Anh chỉ dạy chủ yếu là tập đọc, tập viết, toán, chính tả, văn. Tôi vào học lớp năm rồi lên lớp tư. Học được vài ba tháng, chính quyền Diệm giải tán các Ban trị sự Hòa Hảo, giải giáp lực lượng võ trang giáo phái; anh tôi dạy thêm được ít tháng nữa, bằng học phí tự nguyện của phụ huynh rồi cũng nghỉ luôn. Lúc này lính Diệm toàn là người Bắc, người Nùng vào đóng trong nhà tôi, họ mướn má tôi nấu cơm cho họ, anh Tư tôi nghỉ dạy học, được các cậu vận động đưa vào đoàn làm giấy căn cước của chánh quyền để có điều kiện hợp pháp hóa số cán bộ nằm vùng, chú ruột tôi (Út Thôn) cũng được vận động vào làm Chủ tịch xã, là cơ sở Cách mạng trong lòng địch.

Sau khi nghỉ học, nhờ có cuốn 100 bài toán đố lớp ba (chương trình tự học), tôi tự giải được gần hết. Thấy vậy, anh gởi tôi vào học trường cô giáo Tuyết (là cán bộ kháng chiến nằm vùng) mà tôi gọi bằng chị theo chỗ quen biết trong gia đình. Chị có ngón giữa bàn chân trái (?) xước lên rất lạ nên còn có tên là “Tuyết xước”. Trường đặt ở xóm Bún, đối diện xéo nhà chị tôi, cạnh đoạn đường dốc lên Nhà Bàn đầy cát theo nước mưa chảy tràn đùn lại; là trường tư do cán bộ ta vận động thành lập, cũng chỉ có một cô giáo duy nhất dạy từ vỡ lòng cho đến lớp ba. Hôm tôi mới vào, chị xếp tôi học lớp tư và còn giới thiệu: “Em Nhị học trường Xóm Chùa Ngoài, giỏi lắm đó, các em coi chừng thua sút”. Nghe chị nói tôi đâm hoảng nên rất cố gắng. Cùng học với tôi có cháu Sơn con chị Ba, nó học vỡ lòng. Tôi ở nhà chị Ba đi học là nhằm làm cho chị bớt cô đơn, vì kẻ trộm vừa mới viếng nhà, chưa kịp lấy gì, ngoài ra còn có ý kèm cháu Sơn bớt rong chơi để học. Anh Ba tôi đến lúc này vẫn chưa thấy về, gia đình cứ ngỡ là đã đi tập kết. Tôi vừa đi học vừa phụ chị coi chừng cái quán cóc bán lặt vặt mấy món mà cuộc sống tối thiểu của dân nghèo cần có như muối, đường, nước mắm, nước tương, mắm ruốc, rượu đế, dầu lửa… Sau Tết (1955), vào khoảng mùa đìa, anh Ba tôi trở về. Gặp cháu Sơn đang đánh vành rổ trên đường, anh kêu tên, nó bỏ chạy một mạch về nhà. Vậy là sau đình chiến, anh được lệnh bí mật ở lại, cài vào lực lượng Ba Cụt ở ven biên giới. Chúng phát hiện được, định thủ tiêu, anh và một vài đồng đội khác chạy ngược lên Campuchia, bị lính Sihanouk bắt, anh khai là đi nôm cá. Ngô Trọng Hiếu là đại sứ của Chánh quyền Sài Gòn ở Phnômpênh đến lãnh và bảo về trình diện ở chính quyền xã. Từ đây anh được hợp pháp hóa và cùng anh em ở xóm lên núi Dài nhỏ phá đất rừng làm rẫy.

Học với cô giáo Tuyết đâu khoảng vài tuần, một hôm thấy xe chở lính mặc áo đen dừng lại bên đường, cô giáo nhanh mắt thấy bảo: “Các em ra chơi”, rồi cô lẻn ra phía sau vườn đi mất. Khi lính vào hỏi cô đâu, chúng tôi ngơ ngác trả lời: “Cô vừa mới đây”. Chúng đi lòng vòng quanh trường rồi ra xe. Trường bắt đầu đóng cửa từ đó.

Sau khi dẹp xong lực lượng võ trang giáo phái, chủ yếu là Hòa Hảo sau cái chết ngày 13.7.1955 của Ba Cụt tại Cần Thơ, ngày 23.10.1955, Ngô Đình Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại. Các cậu bàn nhau và bảo tôi đi vận động “Không truất phế Quốc trưởng”. Tôi còn nhớ một thanh niên Khơ-me vò hình Ngô Đình Diệm quăng vào thùng rác, bọn lính kín ập lại đánh anh ta, anh bảo “Tôi bầu cho Vua mà”.

Bọn lính (đa số là người Nùng) sau khi yểm trợ làm xong sân bay dã chiến giai đoạn I để phục vụ cho các chiến dịch tảo thanh lực lượng Ba Cụt ly khai, yểm trợ xây đồn bót rồi rút đi. Hôm chúng dùng xe ủi DT của Mỹ ủi gốc cây trôm cổ thụ cạnh nền chùa cũ, cây to đến mấy người ôm, tỏa bóng rộng hàng trăm mét vuông, để thông thoáng đường lên xuống của máy bay, bọn tôi bu lại xem và lấy hạt trái trôm ăn. Sau khi ủi hết rễ chung quanh, chỉ còn rễ cái to ăn sâu xuống đất mà cây không ngã, chúng dùng thuốc nổ đánh bật gốc, cây mới chịu đổ. Một cây cổ thụ lắm “chuyện ma” hay ám ảnh, làm tôi phát sợ mỗi khi đi ngang qua lúc trời tối, đến phút ngã đổ còn đượm mùi huyền thoại. Đúng là “Thất Sơn huyền bí”! Ngày khánh thành sân bay có văn nghệ của Công dân vụ từ Sài Gòn xuống biểu diễn, tôi có đi xem một lúc rồi về, vì sợ bị ném lựu đạn như ở Sài Gòn mà tôi nghe đồn. Trong chiến dịch đánh vào lực lượng võ trang dưới danh nghĩa Ba Cụt (có cán bộ Việt Minh nằm đoàn) ở Bảy Núi và đồng tràm (Đìa Ổi) máy bay L-19 lên xuống thường xuyên, sau đợt đó không sử dụng nữa do có sân bay ở căn cứ quân sự Chi Lăng mới xây. Lần cuối cùng là một chiếc cũng loại L-19, “đầm già”, của một tư nhân người Pháp đáp xuống ở một đêm để sửa hỏng hóc rồi bay đi Nam Vang, từ đó sân bay bị bỏ hoang, kể cả hai lô cốt ở hai đầu sân bay cũng không có lính. Đêm nổi dậy Đồng khởi của xã, tôi cùng bà con anh em trong xóm đập phá lô cốt, do xây bằng đá hộc rất dày và chắc, búa thầu đập như gãi ngứa nó, các lần phá sau phải lập thế, dùng cây to như cột nhà mắc vô giàn giáo dộng nó mới sập. Sở dĩ tôi nhớ nhiều về Cây Trôm cổ thụ và ngôi chùa lá cũ ở đây là vì nó là nơi cắt rún chôn nhau của tôi. Mỗi lần tôi ra khỏi nhà, khỏi xóm đều phải qua đây để bước ra “thế giới bên ngoài”. Nhà tôi giữa xóm, xóm giữa hai ngôi chùa, chùa Cây Trôm và chùa Long Hòa. Đêm đêm, cứ đến khoảng 4-5 giờ sáng, nghe tiếng chuông chùa công phu là tôi thức học bài. Cái giờ này tâm linh con người đã được giải tỏa, phấn chấn qua một giấc ngủ dài; học giờ này tôi cảm thấy mau thuộc, lâu quên, thậm chí có những bài toán khó đầu hôm không giải được thì giờ này cũng giải được. Dân xóm tôi tuy nghèo nhưng lương thiện, có lẽ, một phần cũng nhờ vào cái không gian thiền-thiện này. Những người cùng thời với nội ngoại tôi ngày xưa đi khai hoang mà ba má tôi xem như ruột thịt, thậm chí tôi bị ngộ nhận là bà con gần, như bà Chín Hội đồng, bà Tư Hợi, bà Hai Bửu, cậu Hai Triệu, cậu Ba Phương, dì Hai Tràng, dì Ba Điệu... mà tôi cứ ngỡ bên ngoại. Ngày xưa đi mở cõi, năm bảy hộ, có người dẫn đầu được triều đình có sắc cho lập làng rồi. Và người thưa xứ lạ, câu “bỏ bà con xa lấy xóm giềng gần” là trong ngữ cảnh đó (bỏ là bỏ xứ đi, còn lấy là quan hệ với người mới quen). Tự ngàn xưa, Tàu thâm nó dịch ra là “bán bà con xa mua xóm giềng gần” hay “nước xa không cứu được lửa gần” là phá hoại luân thường, hù dọa kẻ yếu bóng vía, nhất là bọn tay sai để an tâm làm phiên thuộc cho nó. Ông Lý Quang Diệu lãnh tụ Singapore là người Trung Hoa, mà ông lại “mua bà con xa” là siêu cường Mỹ chớ “không mua dòng họ (huyết thống) gần” là Đại Hán. Nhật, Hàn cũng là dân ăn đũa tre, và cũng là người đi tiên phong hơn Lý Quang Diệu, nên họ mới thoát Hán như ta thấy!

Tháng 9.1955, chị Năm Kiểm đưa tôi đến trường Nhà Bàn, họ xếp tôi học lớp Năm (lớp 1 bây giờ). Vào học thấy mình đã biết trước rồi nên đâm chán, chị tôi xin thầy Nguyễn Văn Rỡ (Hiệu trưởng) cho lên lớp Tư học với thầy Đặng. Học lớp Tư, tôi nghỉ nhiều vì thấy mình dư sức, nhờ chị xin cho lên lớp ba nhưng không được mà còn bị chị tôi cằn nhằn: “Lớp nào mầy cũng chê, thầy nào mầy cũng không chịu, tao biết làm sao?”. Học kiểu này kiến thức lõm bõm dễ chán và theo thời khóa biểu, biết ngày hoặc buổi nào bài dễ, tôi hay xin nghỉ với đủ mọi lý do để phụ việc nhà. Ngoài ra, tôi còn giúp chị Sáu Điểm đi bán bánh ế của chị, sau khi tan chợ Nhà Bàn. Nhớ có lần má bảo tôi đội bánh bò, bánh da lợn ra bán tại chợ Cây Mít, phía trước đồn Cây Còng. Đi bán bánh ế trong xóm thì còn đỡ, chớ buổi sáng mà ra ngồi giữa chợ, dù là chợ chồm hổm nhưng tôi mắc cỡ vô cùng. Đã vậy mà mợ Ba, vợ cậu Hương quản Lũy, còn bảo tôi: “Con lại ngồi chung với mấy đứa (con gái) bán bánh cho có bạn, dễ bán”. Trời đất! Vậy mà tôi vẫn nghe lời, mong sao bán được giúp mẹ và chị bớt vất vả. Nhưng có lẽ, cái mặt tôi nó sượng hay làm sao mà bán không được. Từ đó, tôi chỉ đi bán tiếp khi nào chị bán ế ở chợ Nhà Bàn.   

Nhớ hôm chánh quyền tổ chức ứng cử viên ra mắt và thuyết trình vận động tranh cử tại nhà lồng chợ Nhà Bàn ngày 4.3.1956, bọn học trò bị huy động đi cổ vũ. Dịp này, lần đầu tiên tôi mới biết cô Tám An (Trương Thị An), con gái ông Đốc Phủ sứ Trương Tấn Vị ở Châu Đốc. Theo như cô Tám kể lại sau này, hàm Đốc Phủ sứ là mua của Tây chớ không có quyền. Bà được tổ chức của ta vận động đưa ra ứng cử, mà trước đó tôi chỉ nghe cán bộ nói và có đọc tiểu sử. Bà có vẻ sang trọng, nói năng lưu loát và kết tội cảnh sát Trọng ở Nhà Bàn nói xấu sau lưng bà: “Chỉ biết đi Tây, nhảy đầm”, khiến Quận trưởng Chất phải vất vả giảng hòa. Từ đó, tôi bắt đầu thấy thích hoạt động công chúng. Tôi rất khâm phục cô An và đi vận động cho bà, nhưng bà bị rớt vì gian lận. Gần 50 năm sau, tôi mới có dịp đến nhà thăm, bà chỉ cho tôi nơi bí mật giấu cán bộ Cách mạng như ôngTư Minh và anh Hai Nhung, hồi chiến tranh là cán bộ binh vận. Tiện thể, tôi hỏi bà về người đeo kín đen, đội nón nỉ làm “vệ sĩ” cho bà đi vận động tranh cử là ai mà lúc đó tôi nghi là lính kín (công an chìm). Bà cười và chỉ vào chú Sáu Điền là cán bộ hai thời kỳ kháng chiến: “Là ông này”. Một cuộc hội ngộ sau nửa vòng thế kỷ, nhiều ý nghĩa, rất trớ trêu, làm tôi phải ngỡ ngàng và chạnh lòng: Một đứa học trò nghèo mới lớp Tư (lớp 2 bây giờ), nay làm Chủ tịch tỉnh; một ông Cách mạng hai thời kỳ, học rộng, nói được tiếng Tây mà nay chỉ là một cán bộ lão thành không có chế độ hưu do thời gian công tác đứt đoạn; một phụ nữ học trường Tây, từng đi Tây, trẻ đẹp quí phái nhưng là người yêu nước, cơ sở của Cách mạng mà nay vẫn là một bà lão độc thân ở tuổi bát tuần. Cái bánh “Thành quả Cách mạng”, tôi không thấy họ có phần trong đó. Riêng bà Tám chẳng những không được gì ngoài tấm Huân chương có công Cách mạng mà còn bị mất, bị thiệt vì chánh sách “Đất đai là sở hữu toàn dân”. Sự thành bại của mỗi cuộc đời con người cho dù là có vận may đi nữa, nhưng vẫn không ngoài vận nước. Tôi cảm thấy ngại ngùng vì mình được nhiều quá, điều đó có nghĩa là người khác mất mát quá nhiều để san sẻ cho mình. Như ba má tôi hay nói, khi gặp các anh em thương binh tật nguyền như anh Bảy Quắm chẳng hạn: “Anh em nó gánh cái rủi về nó, mình còn lành lặn, phải biết ơn mà đền đáp con ơi!”

Tôi xin ghi lại “Tuyên ngôn ứng cử” của cô Tám An như là kỷ niệm và cũng là tỏ lòng biết ơn cô một thời với Cách mạng. Hôm thăm cô tại nhà, tôi hỏi, cô nói quên rồi, tôi đọc lại cô nghe và hình như cô cũng muốn quên luôn, nên tỏ ra không mặn mà gì với tác phẩm của mình, mà tôi thì lại vẫn còn trân trọng:

“TRƯƠNG biểu hiệu tuyên ngôn ứng cử

“THỊ anh thư nào sợ gian lao

“AN nhà lợi nước dân giàu

“Ai ơi! Góp phiếu dồi dào, cho đông

“Chớ chê là khách má hồng

“Lòng son, dạ sắt non sông giữ gìn

“Quyết tâm đến tận Quốc đình

“Đấu tranh cải thiện dân sinh quận nhà”.

Phía trên bài thơ có lô-gô “Ngọn đuốc trước ngôi chùa”. Hai quận Tịnh Biên và Tri Tôn là một đơn vị bầu cử, có đâu năm, sáu ứng viên, nhưng chỉ chọn có một nghị sĩ. Cán bộ ta hay nói: “Bầu cử dưới chế độ Sài Gòn là mị dân”. Tôi nghĩ, hồi đó nói vậy là đúng!

*

Sau Tết 1955, ba tôi mượn chú Ba Dẻ (con bà Bảy Chơi, em ruột của ông nội) 100 giạ lúa, bán để mua một chiếc ghe cà-dom mình lườn, chở khoảng 100 giạ (2 tấn) để đi buôn. Để tiện việc làm ăn, ba mua lại căn nhà cũ của một người quen cạnh nhà chú Hai Hồng và dượng Mười Hòn ở xóm Cây Mít, gần mả bà nội ở Bắc bờ kinh Vĩnh Tế. Như vậy, tôi có đến hai nhà, theo bây giờ thì nhà nào cũng dưới tiêu chuẩn “nhà tình thương” (nghĩa là “nhà đá, nhà đạp”). Tôi, thỉnh thoảng lúc nghỉ học, đi theo ghe cùng ba và chị Năm Kiểm, riêng anh Tư Đào lúc rảnh cũng có đi. Đi buôn khoảng nửa năm không có chuyến nào lời, bán ghe không ai mua, phải đổi ngang với một chiếc ghe cui xấu hơn để bán, lại lỗ nữa. Nợ không trả được cho đến ngày bỏ xứ, ba má tôi mang tiếng trốn nợ. Tội nghiệp chú Ba, thương anh, nhưng bị vợ rầy, chú kêu thím lại nói: “Anh tôi không trả nợ được, tôi cạo đầu xuống tóc để trả nợ cho bà, từ nay bà đừng nói nặng anh tôi nữa”. Và chú đã làm thật. Sau ngày Giải phóng, anh em tôi góp từ tiền lương còm cỏi để trả cho chú. Nợ tiền đã xong, nợ ân tình thì vẫn còn đó, không sao trả hết! Má chú Ba là em ruột của ông nội tôi, ngày con chú Ba là cô Tư (cháu nội) lấy cốt bà cùng lúc các con chú Chín, chú Út của tôi đi lấy cốt cụ Cố Phải và bà nội tôi về, do tôi không biết nên cô Tư mới chôn tạm góc đất anh Tư Đào, khi biết, tôi đốt nhang xin lỗi và đem về đất tôi để cạnh ông Cố Phải của tôi là cha của bà.

Cũng cần nói lại cái “xui” của chiếc ghe này: Khi mới đem về đậu dưới bến nhà chú Ba Dẻ, ba làm cặp vịt cúng Bà Cậu, ba tôi từng là dân sông nước, từng làm nghề hạ bạc (làm rạch, làm đáy... bắt cá) nên rất tin. Đang cúng thì con nhạn trắng đang bay, sà xuống nước trước mũi ghe giãy chết. Anh Tư Đào còn lấy cây khều vô định bắt, bị mọi người la quá trời. Ai cũng sợ mà không dám nói ra. Thời gian đi buôn thường là lỗ... Vậy mà còn thêm mấy lần vướng họa: Một lần, ba bị cảnh sát chợ Long Xuyên đánh đập dã man, do ông cự lại việc chúng hành xử vô lối; một lần ghé thăm nền nhà cũ ở Tám Ngàn rồi ra cầu Cây Me gặp bọn Bình Định làm khó trong đêm, anh Tư suýt bị bắt, sáng ra bị Kiểm lâm đón ở cầu sắt Cây Me bắt phạt vì chở củi không thuế. Người cháu kêu ba tôi bằng cậu ruột, có đạo Phật giáo Hòa Hảo, đi phụ tiếp (đi bạn) tự nghỉ rồi còn nói ba tôi là Việt Minh. Ngoài nợ mua ghe, nợ vốn đi buôn cũng không ít. Má ở nhà kêu hụi, tôi phải đi góp mà không tài nào cứu vãn được. Chủ nợ tuy quen biết, nhưng không trả được họ xài xể má tôi, thật đau lòng.  Lúc đi mua bán, ba tôi dành dụm mua từ lần được bộ cột tràm, định cất một ngôi nhà cho khang trang hơn nhà cũ. Cất trên nền đất của mình đối diện nhà ngoại. Nhưng khi chuẩn bị dựng lên thì thiếu tiền, nên cất nhà bếp trước và nhà cũ ở vườn bông vẫn để đi về, mà cái chính là làm nơi hội họp kín. Người ta nói cất nhà bếp trước là không cất được nhà lớn. Đúng y như vậy!

Đầu năm 1957, sau khi nhà cất xong, anh Tư dẫn chị Năm, chị Sáu và tôi xuống Kinh Đào ở nhà cậu Tư Lộc, em của má, cắt lúa mướn, nhân tiện mượn đất rạ lúa mùa trồng dưa leo. Tôi tuy đang học lớp Ba, nhưng do học trước theo kiểu “nhảy cóc” nên hay nghỉ lắt nhắt mà thầy giáo cũng thông cảm cho phép, nên có dịp đi theo mỗi đợt năm ba ngày. Anh quyết tâm gỡ nghèo, làm đến 1 héc-ta dưa leo, dưa hấu. Bọn tôi theo làm hụ hợ với anh mà nghe đau nhừ xương sống. Chị Năm khiếu nại: “Trả bớt đất, anh Tư ơi, làm không nổi đâu”. Anh tôi nói chậm và chắc, như người đánh cuộc: “Tao quyết gỡ nghèo, tụi bây không làm thì tao làm”. Dưa vừa xây bàn thang, anh em tôi rút quân về nhà, chờ thu hoạch. Trước Vía Bà (23.4 âm lịch) vài ngày, một trận mưa như trút, từ sân nhà tôi nhìn về hướng Kinh Đào, một vách tường mây nước đen ngòm buông rơi che kín chân trời đàng Đông. Sáng ra anh Tư và chị Năm thức sớm đi thăm rẫy. Chiều thấy hai người về mặt mày buồn so, tôi thắt ruột! Chị Năm còn kể lại: “Đến nhà cậu Tư Lộc, nghe bà con nói mưa ngập đồng hết rồi. Anh Tư mượn chiếc xuồng nhỏ chống đi thăm. Thật là hy hữu, thăm rẫy bằng xuồng thì đâu còn là rẫy? Tội nghiệp, anh Tư tiếc công tiếc của, bẻ dưa leo non bằng ngón tay, ngón chân cái cho đầy một nón lá rồi đổ bỏ đầu bờ ranh đất, thở dài, rồi hai anh em về luôn”. Cũng thời gian chúng tôi đi trồng dưa ở Kinh Đào, ba xuống Bằng Tăng mượn đất lúa mùa trồng dưa hấu, nhưng gặp hạn dưa bị thất thu lại lỗ vốn. Bỏ dưa, ba xoay qua đi buôn trâu, gặp lúc có dịch bịnh bán không được phải chạy dịch, nhà bặt tin, má sai tôi đi tìm, tôi lần mò xuống Bằng Tăng - Ô Môn rồi đến xã Vĩnh Trinh - Thốt Nốt nơi ba cầm trâu, mới gặp. Bỏ dưa, về nhà, anh chị em tôi cuốc đất vườn tạp của nhà đâu hơn hai công, chuẩn bị chờ mưa để trồng.

Trong thời gian chờ năm học mới, lớp nhì mở ra đầu tiên, tháng 5.1957, tôi theo ba vào nhà bác Tư Văn ở Lương Phi, bạn thân của ba, mua tre làm lọp đường ven. Tre thì mua chịu của bác Tư, bán cá mới trả tiền, ăn thì ăn chung với nhà bác, cha con tôi chủ yếu là hùn gạo, thỉnh thoảng ba gởi tiền mua thịt heo để góp phần. Tối ngủ ngoài trại lọp. Hai bác thật tốt bụng. Nhà có ăn có để, bác Tư giao việc vườn rẫy cho các con. Bác có nhiều con gái, người con trai thứ hai (cả) hy sinh trong chống Pháp, chỉ có người con trai thứ sáu tên Uốt trạc tuổi tôi và một trai út. Bác Tư rảnh rỗi thường ra trại lọp ngồi nói chuyện xưa nay với ba, khi tôi rảnh không vót tre, bện lọp thì đi chơi với Uốt nên cũng đỡ buồn. Tối tối, khi vừa cúng xong, nhà lên đèn, bác trai kêu tôi kể truyện Tàu cho bác nghe, bác thích và khen nhiều làm tôi cũng ngượng với các con của bác. Thấy bác cùng tuổi với ba mà sống an nhàn, tôi chạnh lòng thương ba tôi sao lận đận! Ở xóm có anh Hai Đáng (Cò Tuất) là Việt Minh nằm vùng, anh sống bán hợp pháp, thỉnh thoảng ghé qua trò chuyện thời sự, yêu nước, nghe cũng hay. Ở đây ba quen và làm bạn thêm với bác Tư Giỏi, chú Năm Hinh… đều là người tốt và cũng là bạn làm lọp đường ven. Khoảng cuối tháng 7 dương lịch, nước đồng do mưa chum chớm lên, vì bị nước bạc từ sông Hậu bắt đầu lên từ tháng 8(nhảy bờ) đẩy vào, cha con tôi cũng vừa làm xong 100 cây lọp và 500m đăng ven, mỗi tấm đăng cao hơn một mét (cao hơn mực nước đồng), dài 5m, đặt hai cây lọp hai đầu liền nhau, cứ thế nối thành một đường dài hơn nửa cây số, chận ngang nước, cũng là chận hướng cá đi. Địa điểm đặt đường ven phía trong giồng Bà Thực, gần đường thét của ông Đạo Sáu (tên thật là Trương Minh Thành). Ông có hàng ngàn tín đồ ở miệt Lung Lớn - Hà Tiên, Cái Bè - Tiền Giang và phía ngoài Giồng Cát nay là Lương An Trà. Nơi đây ông lập xóm dân cư, lập ấp, xây lò gạch, sắm máy cày Nhật Bản, lập hợp tác xã qui mô toàn thể tín đồ ở vùng này lấy lên là hợp tác xã Lương An Thành, sau này cũng là tên ấp thuộc xã Lương Phi. Ông phát hoang một con đường thét từ Kinh Tư - Lung Lớn - Tuần Thống về thẳng Bến Bò (Lương Phi), định đào một con kinh, nhưng không hiểu sao rồi bỏ dở. Nghe đâu Cách mạng không cho, vì sợ chia cắt căn cứ rừng tràm. Con kinh T6, sau này ta đào thoát lũ, rước ngọt, rửa phèn cũng gần như trùng hợp với Đường Thét của ông Đạo Sáu hồi ấy. Ông học ai để làm hợp tác xã, mà sau này tôi so sánh thuộc loại “cao cấp”, hơn ở miền Bắc. Xã viên làm theo năng lực, hưởng bình quân theo đầu người. Tất cả đều là của chung hết: lúa gạo để chung, cử người xay giã và cấp phát. Mỗi tháng trước ngày rằm (thường là ngày 14 âm lịch), hợp tác xã làm heo, kho thịt, bơi xuồng phân đều mỗi nhà một tô lớn (loại tô có vẽ hình con gà)… Chính quyền Diệm truy tìm ông, Cách mạng thì cũng “nghi” ông “mưu bá đồ vương”, nhưng tín đồ thì bảo vệ ông tuyệt đối. Chánh quyền Diệm không biết tung tích, chỉ có Cách mạng thì ông luôn luôn gắn bó, lúc ở Điện Rau Tần - Núi Cấm, lúc ở đồng tràm. Nghe đâu ông học ít, nhưng theo tôi ông là người rất thông minh, chỉ tội ở chỗ ông có nhiều vợ, nhất là vợ trẻ tuổi đáng con, nên nhiều người không thích, thêu dệt thêm. Khi Đồng Khởi, ta bắt ông, không tìm ra tội và nhờ bài học lịch sử đối với Phật giáo Hào Hảo, cuối cùng cũng họp dân cảnh cáo “tội lấy nhiều vợ và bóc lột tín đồ”. Nhưng ông vẫn bám theo Cách mạng loanh quanh trong vùng Giải phóng, kể cả vùng căn cứ. Sau Mậu Thân, ngôi chùa chính của ông ở Lò Gạch (Lương An Trà) bị bom na-pan Mỹ, vợ nhỏ ông bị chết cháy. Cho đến những năm 70 trước Giải phóng, ông mới bệnh chết, tín đồ bí mật chôn cất nên không ai biết ông nằm ở đâu. Vả lại, đệ tử ông đã từng làm đám, để tang ông trong toàn đạo, lúc Ngô Đình Diệm triệt hạ các giáo phái. Tôi nghe nói về ông nhiều điều không tốt, nhất là chuyện ông nhiều vợ, nhưng bằng trực quan, tôi thấy ông là người tốt, biết lo cho người nghèo, lo theo kiểu phù hợp với trình độ nông dân ít học vấn, và ông lo cũng giỏi. Sau này, khi tôi chủ trương kéo đường điện trung thế về Lương An Trà, lòng tôi cảm thấy vui vui vì mình lo được cho dân nghèo và cũng là nghĩa cử đáp đền ơn ông, người quá cố đã cùng đồng đạo có công cực khổ với vùng đất nhiều phèn, lắm muỗi này. Và tôi nghĩ, nếu còn sống ông sẽ vui hơn tôi. Cho tới giờ, tôi không biết vì sao có cái tên Lương An Trà? Và, cái tên hợp tác xã Lương An Thành có phải là lấy tên ông (Trương Minh Thành) ghép với chữ Lương An?

Trở lại đoạn dựng trại, đặt lọp đường ven cực thôi khôn xiết. Trại dựng chưa xong, mưa đổ dầm dề. Ba vừa dầm mưa vừa thổi lửa, vừa cầm nón lá che vỏn vẹn trên nồi cơm đang sôi. Cơm mới “tám rưởi” mà ăn ngon vì quá đói. Cá, lươn, rắn, rùa lúc này nhiều vô kể, ban đêm nghe đàn cá đi ăn ụt nước như cơm sôi. Muỗi, đỉa thì thôi... không kể xiết. Sợ nhất là rái cá, đêm nào đàn rái đi qua thì có mấy chục cây lọp bị xé tan hoang hết, cá sợ dạt hết mấy ngày, treo lọp. Hễ nghe có rái cá thì ba tôi lầm thầm vái cúng “Ông Lang lại đại tướng quân”, cái chức mà truyền khẩu nói rằng lúc Nguyễn Ánh thua trận, bị Nguyễn Huệ rượt chạy lạc vào cánh đồng này, nhờ có sẵn cá do rái bắt gom lại cả đống để “làm giỗ hội” họ nhà rái mà ông và quân lính đỡ đói. Sau này làm vua, nhớ ơn phong cho chức “Lang lại đại tướng quân”. Cứ cách nhau một ngày, đổ lọp một lần được khoảng năm sáu chục ký, phần nhiều là cá lóc, cá trê; lươn, rắn, rùa thì cữ nào cũng có, cha con tôi chở ra chợ Cầu Cây Me - Sà Tón bán. Mỗi lần đổ lọp, ba sai tôi ngồi chờ cua từ lọp đổ là dùng cây có đóng đinh một đầu đập mạnh làm bể mai cho cua chết, phòng thả ra nó lại vào lọp, làm động cá sợ nhát vào. Mỗi lần cả chục ký cua đồng to càng phải chết như vậy, ba tôi nghĩ sao rồi bảo tôi thôi làm như vậy mà thả nó trở lại và nói: “Giết như vậy, tội quá, con ơi!”.

Mấy lần ba về núi Dài có việc, một mình tôi ngủ giữa đồng tràm mênh mông, sợ ma thì ít, sợ rái cá và sợ chồn cáo cộc to con, hung dữ và gầm như cọp... thì nhiều, nên không tài nào ngủ được, mắt thao láo, tai lắng nghe chờ sáng. Nhờ theo ba mấy tháng mà tôi biết nghề lọp, lờ khá rành, từ đốn tre, chẻ tre, vót rẻ đến bện lọp, bện đăng, nhất là bóp các loại hom lọp, lờ, trúm, bôn… là bí quyết của những dụng cụ bắt cá tôi đều làm thông thạo, mấy người bạn của ba còn khen tôi làm khéo hơn họ. Tôi được ba dạy nên biết đặt lọp, lờ, câu, lưới..., nhìn biết con đường cá đi để đặt những cây lọp “mồ côi” không có đăng chận mà người ta gọi là “lọp cầu”; biết đường rắn, trăn và rùa đi để giăng lưới bắt; biết đặt bẫy bắt các loại chim cò..., biết làm mắm làm khô một khi ba đi vắng. Nghề làm ruộng rẫy thì dễ hơn nghề hạ bạc, ba dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, tôi càng thạo nhanh hơn. Tôi trở thành lao động trụ cột và có tay nghề mà sau này khi về hưu tôi lại đem ra sử dụng làm lợi cho cá nhân và gia đình rất lớn.

Trong lúc cha con tôi đang làm lọp, thì ở nhà, má, anh Tư và các chị trồng cà pháo, cà gió, ớt trên đất nhà; anh Tư còn theo anh Ba lên Núi Đất cuốc đất rừng trồng khoai lang. Cà pháo chỉ để bán cho dân Bắc di cư, nhưng họ đi về Kiên Giang hết rồi đành nhổ bỏ; cà gió và ớt bị mưa nhiều nên thúi, số còn lại bán ế; khoai lang không củ…, rồi hai ông đổ bệnh thương hàn, má và các chị làm bánh, nấu xôi bán nuôi cả nhà, thật vất vả. Hôm má vào thăm, đem cho cha con tôi cái đầu heo luộc của con heo cúng tạ lễ cho hai anh hết bịnh và kể lại chuyện nhà nghe càng buồn hơn, ăn chẳng biết ngon. Còn khoai lang, anh Tư và anh Ba trồng ở Núi Đất, khi anh Tư đi quân dịch rồi, tuy biết là khoai không củ, nhưng bà ngoại vì thương anh Tư, tiếc công của cháu nên kêu tôi đưa bà lên rẫy khoai đào, dỡ được toàn khoai giãi, nấu không đầy một nồi nấu cơm. Cảnh này người ta hay nghĩ đến thời vận là vậy!

N.M.N.