Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Vụ kiện chất độc da cam: xin mọi người hãy lên tiếng!

Trần Tố Nga

Thứ Hai 22 tháng 2 năm 2021

Đã ngưng viết từ ngày 18 tháng giêng 2021, và bây giờ thì sẽ tập trung viết về ngày 25/1 là ngày tôi ra tòa.

Thực ra, lâu lắm rồi, tử vi nói sẽ có lúc tôi có liên quan tới luật pháp. Nghe điều đó tôi cười, nghĩ rằng nào mình có làm gì để có liên quan đến luật pháp. Vậy mà có thật, ngày 25/1/2021, Trần Tố Nga ra tòa, mà là một phiên tòa mang tính quốc tế tại một tòa đại hình của nước Pháp!

Trần Tố Nga ra tòa! cả đời mình cũng không hình dung được rằng có lúc nào đó mình là một bên của một vụ kiện!

Người ta hỏi lúc ngồi trong phòng xử, mình nghĩ gì. Thực ra đâu có nghĩ gì ngoài việc chờ xem mọi việc sẽ diễn ra như thế nào. Không lo ngại cũng không lo sợ, cho nên ngoài việc cười và chào hỏi mọi người khi đến tòa thì cả ngày ngồi trong phòng xử án, hầu như tôi không thay đổi sắc mặt. Mọi người khen tôi can đảm khi phải đối diện với bao nhiêu là ác độc và dối trá, nhưng tôi lại thấy bình thường do đã lường trước trong đầu các tình huống và tự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Có lúc, ngay khi các luật sư bên bị đang nói một cách hằn học, dùng những từ rất nặng để chỉ trích thì đầu tôi lại nghĩ đến những việc khác, thú vị hơn như hình ảnh mọi người đang đứng chật cửa phòng xử, như việc chính mình đang dự một phiên tòa mang tính quốc tế.

Trong một phỏng vấn của VnExpress, tôi có nói: cám ơn Việt Nam, cám ơn thời kỳ tham gia cách mạng, cám ơn cả những ngày tháng ở tù đã tôi luyện cho tôi có một ý chí và sức mạnh để có thể đi qua mười năm gian khó. Và đó là tiếng nói của chính lòng mình

Diễn tiến của phiên tòa

Sáng sớm, trời chưa tỏ, mưa lăng phăng, tôi vất vả lái xe đi cùng Hồ Thủy Tiên đến tòa. Thả Thủy Tiên xuống trước cổng, tôi tìm một chỗ đậu xe không tốn tiền, hồi hộp không biết xe có bị kéo đi hay không. Mặc kệ vậy.

Đi bộ lơn tơn vào tòa, đã rất đông người đứng chờ nét mặt hơi căng thẳng, có nhiều nhà báo với đủ các loại máy quay phim, những người bạn đã quen biết và những người không quen. André Bouny, bà thượng nghị sĩ Hélène Luc, hai người thị trưởng và một số các bạn khác băn khoăn cho sức khỏe của tôi, khiến lòng tôi thấy ấm hơn bởi tình người.

Phóng viên của France Info, một đài phát thanh lớn của Pháp kéo tôi ra phía ngoài, nhất định phỏng vấn cảm nghĩ trước khi vào phiên xử. Bỗng dưng tôi nghĩ đến giây phút tôi cũng anh Hòe ngồi chờ xe tăng Mỹ trong trận càn Johnson City và tôi cười, trả lời: “Bình thường”. Có một câu trong loạt câu hỏi: Hòa bình lâu rồi, sao bà không tận hưởng mà kiện làm gì quá khứ? Sao bà không kiện chính phủ Mỹ mà kiện các công ty chỉ làm theo lịnh?

Tôi sẽ còn gặp rất nhiều lần các câu hỏi này từ ngày ấy trở về sau.

Trời sáng dần, người đến đông dần, tôi được vây quanh ngày càng nhiều hơn. Hai bạn trẻ đến nói nhỏ vào tai tôi bằng tiếng Pháp: Cô yên tâm, tụi con được phân công bảo vệ cô! Trời đất, tôi có là gì mà phải có người bảo vệ? Nhưng tôi thầm cám ơn các bạn trẻ đã hết lòng vì công lý mà đâm ra thương yêu tôi.

Ba luật sư của tôi đến, luật sư William Bourdon vừa bị mổ nên phải đi với hai nạng và hai luật sư trẻ Amélie và Bertrand Repolt được báo chí bao quanh phỏng vấn và người đến dự chào hỏi nồng nhiệt. Đây là những con người đã cống hiến 10 năm thời gian, sức khỏe và cả tuổi trẻ của mình cho một cuộc chiến vì con người, vì những nạn nhân da cam ở cách xa họ những đại dương. Chỉ đứng nhìn họ được chào đón, tôi thấy dâng lên trong lòng niềm tin và tự hào.

Luật sư bên bị đi thành một nhóm 14 người, gương mặt khép kín, lặng lẽ vào phòng xử, không có một người chào hỏi.

Sự khác biệt đã bắt đầu từ đây, từ cảnh này.

Phòng xử đã đầy người khi tôi bước vào, phóng viên đang tranh thủ tác nghiệp khi các thẩm phán chưa đến, nhờ vậy mà bây giờ, mình có những hình ảnh có thể lưu giữ lâu dài về không khí của phiên tòa, về cảnh một bên là 14 luật sư của bên bị ngồi im, một bên là 3 luật sư của bên nguyên và hàng trăm người đang ngồi chật phòng dù đang thời kỳ giãn cách Covid.

Bà chủ tịch phiên tòa đến và yêu cầu mọi người ra bớt khỏi phòng xử vì tình trạng dịch bệnh. Không ai đi ra, cuối cùng phải yêu cầu đến cảnh sát để lùa mọi người ra bớt nhưng người dự vẫn đứng chật cửa và hành lang.

Chủ tịch dừng lại rất lâu ở chi tiết nhầm lẫn mà bên nguyên đã thông báo từ nhiều ngày trước, và bên bị cũng như tòa án đã nhận được thông báo.

Không hiểu vì sao bà chánh án vẫn xem đó là một sai sót lớn với lời như khẳng định là bên nguyên đã thêm yếu tố mới vào hồ sơ là điều không được phép, buộc luật sư bên bị phải lên tiếng rằng, để chứng tỏ tính trung thực, họ xác nhận chỉ là đánh số nhầm, còn nội dung vẫn được giữ nguyên không có gì thay đổị. Tòa tuyên bố tạm dừng để hội ý. Tôi muốn đứng tim, chỉ sợ lại nảy ra một sự kiện để dừng phiên tòa 6 năm trông đợi này.

Vì đây là một vụ kiện mà toàn bộ tiến trình đã được thực hiện bằng văn bản, nên các lập luận và phản biện của hai bên đã được nộp tòa từ trước. Theo nguyên tắc, đã có thể đưa ra phán quyết nhưng vì tính chất đặc biệt của vụ kiện nên phải xét xử công khai nhưng chỉ kéo dài trong vòng một ngày, bên nguyên được nói 90 phút, bên bị bốn tiếng.

Theo qui định của luật, trong tranh tụng, luật sư bên nguyên nói trước. Luật sư William Bourdon được phép ngồi nhưng ông đã đứng trên hai nạng của mình bình tĩnh phân tích, phản bác những luận điểm của phía đối phương. Ông nhấn mạnh việc các công ty không phải theo lịnh của chính phủ Mỹ như họ tự bảo vệ, mà sự thật là họ đã đáp lại lời gọi thầu của chính phủ Mỹ dù họ đã biết tính độc hại của hàm lượng dioxine rất cao có trong chất khai quang mà họ không lọc ra được. Ông cũng nói, do tính chất lịch sử, các thế hệ sinh viên ngành luật sẽ còn thảo luận và học tập về phiên tòa đầu tiên lên án tội ác hủy diệt môi sinh này.

Có một điều mà đến hôm nay tôi mới biết là trong phản biện của mình đối phương đã tính ngông cuồng và vô lý đến mức nói rằng “Bà Trần đã ngu ngốc không chạy ra khỏi khu vực rải chất độc để bây giờ nói là mình bị nhiễm độc”.

Hai luật sư trẻ Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt tiếp tục phân tích các tình tiết pháp lý và kỹ thuật, đảm bảo đúng thời gian tranh tụng quy định.

Đến lượt các luật sư bên bị tranh tụng, chủ tịch phiên tòa điểm danh lại. 14 luật sư đại diện cho 14 công ty có mặt. Có hai công ty vắng mặt.

Phải nói rõ là năm 2015, tôi gởi đơn kiện cho 26 công ty Mỹ, đến 2016, 19 công ty đã trả lời và trình tòa đại hình Evry của nước Pháp với 38 luật sư do họ thuê, trong đó có hầu hết các luật sư giỏi nổi tiếng của Pháp. Trong quá trình 6 năm với 19 phiên tòa thủ tục, đã có 3 công ty con yêu cầu đưa ra khỏi danh sách kiện vì họ chỉ mua lại công ty sau chiến tranh Việt Nam. Tôi đã chấp thuận cho 3 công ty ra khỏi danh sách kiện, vì vậy chỉ còn có 16 công ty trong đó, 14 công ty có mặt trong phiên xử ngày 25 tháng 1 năm 2021.

Luật sư của Monsanto đã hằn học gọi những người đến dự là một đám đông mà bà Trần đã huy động để làm áp lực. Liên tiếp trong bốn tiếng, hầu như chỉ có 4 luật sư của bốn công ty lớn Monsanto, Dow Chemical, Hercules luân phiên nhau kết tội tôi bất chấp sự thật và công lý, với những điểm nổi bật:

* Chất khai quang chẳng những không độc, hơn nữa nó chỉ được rải với lượng rất nhỏ, khi rơi xuống chỉ là những giọt rất nhỏ chỉ có thể rơi đụng các lá trên ngọn cây thì làm sao ảnh hưởng đến đất đai, súc vật và con người được? Vì thế, bà Nga nói dối khi nói là mình nhiễm độc da cam.

* Dù không độc nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng để bảo vệ quân đội của chúng tôi chống lại những kẻ nổi loạn và VC.

* Bà Nga không bị nhiễm chất độc da cam, mà chỉ bịnh do tuổi tác và điều kiện sinh hoạt khắc khổ. Con gái của bà chết không vì bịnh tim mà chỉ vì điều kiện sinh sống khắc khổ, v.v. trong khi gần 30 chứng thư của các đồng chí cùng công tác trong đó có cả chứng thư của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, của ông Dương Quang Trung thành viên của Viện Hàn lâm Pháp, kể cả của các bác sĩ đã từng chữa bịnh cho mẹ con tôi trong chiến tranh đã được trình tòa và giao cho đối phương từ 6 năm trước mà họ xem như không có giá trị!

* Bà Nga đã từng bị tòa án Mỹ, tòa án Bỉ bác đơn nên quay lại Pháp kiện để kiếm tiền, chỉ vì tiền mà kiện. Kể cả một việc lớn như vậy mà họ dám nói sai sự thật trước tòa thì có thể hiểu những kết án khác của họ có trung thực hay không bởi tôi không hề nộp đơn kiện ở bất cứ tòa án nào ngoài tòa án Pháp, mà cũng chỉ có tòa án Pháp mới có một bộ luật cho phép các luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế.

* Đây là vấn đề của chính phủ Mỹ, tòa án Pháp không có thẩm quyền. Không có thẩm quyền mà 6 năm qua các công ty bị đơn vẫn tham dự đầy đủ 19 phiên tòa và luôn tạo ra các sự kiện nhằm kéo dài quá trình xét xử? Sao họ vẫn nộp đủ các kết luận và phản biện theo yêu cầu của tòa? Và sao họ có mặt trong phiên tòa này với tư cách là bên bị?

* Bà Nga đã tạo ra một phiên tòa dư luận trước phiên tòa chính thức nên yêu cầu dừng ngay phiên tòa này... Nếu không có chính nghĩa, liệu tôi có được sự ủng hộ ngày càng đông của công chúng không chỉ trong nước Pháp mà cả trên thế giới?

Khi chủ tịch phiên tòa hỏi bà Trần có muốn nói gì hay không, tôi chưa kịp trả lời, một luật sư bên bị đã bật dậy: Bà Nga đã nói đủ trong 6 năm qua, chúng tôi không muốn nghe bà nữa.

Thái độ của họ tự nó làm cho người dự có thể hiểu rằng họ sợ người phụ nữ lớn tuổi đang một mình đối mặt với họ này. Thực ra, nếu tôi có nói thì cũng làm sao nói được gì trong một vài phút ấn định?

Phiên xử kết thúc với thông báo ngắn gọn của chánh án: ngày 10 tháng Năm tòa sẽ thông báo kết luận.

14 luật sư bên bị ra về trong cô đơn như lúc họ đến, từ chối trả lời báo chí. Các nhà báo vẫn kiên nhẫn chờ chúng tôi ra để hỏi cảm nghĩ sau ngày xử, những người ủng hộ vẫn kiên trì chờ để nói rằng họ luôn ở bên tôi, và nhiều người khóc. Không khí và khung cảnh diễn ra lúc bắt đầu cũng như kết thúc với sự tương phản tự nó đã nói đâu là sức mạnh của chính nghĩa.

Sau phiên xử

Khi ra khỏi phòng xử, tôi chưa kịp suy nghĩ gì ngoài việc cảm nhận được tình cảm của mọi người đối với mình và một nỗi lo mơ hồ là bà chánh án có thể bị tác động bởi 4 giờ tranh tụng độc ác của đối phương. Nhưng với thời gian tôi cũng tìm được những hy vọng trong những nỗi lo ấy.

Tuy nhiên liên tiếp những ngày sau đó cho đến tận hôm nay, các báo lớn và các đài truyền hình lớn của Pháp tiếp tục phỏng vấn và viết bài về vụ kiện, vẫn với tiêu đề “Vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga” và với những câu hỏi tạo cho mình có thể phân tích kỹ về những gì đã xảy ra ngay trong phiên xử, cũng như về những điều dối trá của đối phương.

Với 85 bài báo của Pháp, Anh, Đức, Nga, Thụy Sĩ, Mỹ, kể cả Bresil và các nước khác, và hơn 10 buổi truyền hình trực tiếp, hy vọng rằng tiếng vang của sự thật sẽ đến tai bà chủ tịch phiên tòa và các thẩm phán.

Tôi tạm chia cuộc đấu tranh của mình làm hai giai đoạn trước và sau 25/1/2021

Trước 25/1/2021

Chúng tôi, Trần Tố Nga, luật sư William Bourdon, nhà văn André Bouny bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến này đã hơn 10 năm, từ 2009 khi lần đầu gặp nhau tại Tòa án Lương tâm Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, lúc tôi làm chứng với tư cách là nạn nhân da cam. Thực chất lúc ấy tôi đơn giản chỉ muốn lợi dụng việc tôi có mặt tại Paris để nói thay cho những người đã hy sinh và những nạn nhân không thể đến Pháp tham dự phiên tòa, không nghĩ rằng đó là bắt đầu cho cuộc chiến đấu cuối cùng của cuộc đời mình.

Tại đây, tôi gặp André Bouny và luật sư William Bourdon và hai người hỏi tôi có muốn kiện các công ty sản xuất chất độc da cam Mỹ hay không. Câu trả lời đầu tiên của tôi đương nhiên là “không” vì đã từng này tuổi đầu rồi, tôi còn gì tiếc với đời mà kiện với tụng, nhất là khi với những khả năng nhỏ nhoi của mình, mấy mươi năm qua tôi vẫn âm thầm có ích với đời và với người khổ hơn mình.

Sau nhiều trao đổi, giải thích của hai người kể trên và bác luật sư Lê Văn Đạt của VAVA, tôi đồng ý đứng đơn kiện vì hiểu rằng tôi là người duy nhất hội đủ điều kiện để kiện các công ty hóa chất Mỹ đã từng sản xuất chất khai hoang giúp cho quân đội Mỹ rải chất độc xuống lãnh thổ Việt Nam, tạo nên thảm cảnh cho môi trường, con người và đời sống của nhân dân Việt Nam cho dù hơn 50 năm đã qua sau chiến tranh. Không kiện, thảm họa da cam có thể sẽ bị vùi trong im lặng lâu hơn nữa.

Suy nghĩ của tôi rất đơn giản: nếu vì 4 triệu nạn nhân, thì tôi kiện. Chúng tôi từ chối khả năng của một cuộc thương lượng ngoài tòa, vì mục đích chính không phải là tiền đền bù. Luật sư William Bourdon có cảnh báo rằng sẽ lâu và khó, nhưng lâu như thế nào, khó ra sao thì tôi không hình dung được.

Ngỡ rằng tôi sẽ được sự đồng tình trước tiên là từ trong nước, nhưng không ngờ, tôi vấp trước tiên với những suy nghĩ không biết nên vui hay buồn. Người thương thì khuyên tôi đừng kiện vì tôi cô đơn quá nơi xứ người, người ghét thì cho là tôi ham tiền, muốn làm nổi mình, ác hơn thì cho là tôi đã phản bội đất nước khi nhận một quốc tịch khác, người bên này thì đặt câu hỏi phải chăng tôi chỉ là “Việt cộng” trá hình. Khốn một nỗi, không có cái quốc tịch khác ấy thì làm sao mà kiện được. Hóa ra, muốn sống tốt cũng không dễ chút nào, dù cả đời tôi đã chịu không ít thị phi và oan khiên.

Hai năm trôi qua, những hiểu lầm cũng theo thời gian mà vơi đi.

Năm 2011, tôi được VAVA giới thiệu với phòng thí nghiệm EUROFINS ở Đức để truy tầm dioxine. Một hũ máu được gởi đi, gần ba tháng sau, kết quả được gởi về, nồng độ dioxine trong máu của tôi cao hơn so với các chuẩn của người Châu âu, càng cao hơn so với chuẩn Châu Á. Tôi vui mừng vì vụ kiện có thể bắt đầu.

Nhưng rồi cũng không dễ như tôi tưởng tượng. Sau khi có các phân tích của các giáo sư chuyên ngành về chất độc, về huyết học và các nghiên cứu về di chứng của chất độc da cam lên người thì tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gỡ điều khoản trong bộ luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế. Phải đến ba năm sau, khi François Hollande làm tổng thống, dự luật ấy mới lại được thượng nghị viện thông qua, mở đường cho vụ kiện và các luật sư thảo đơn kiện.

Năm 2014, khi luật pháp cho phép rồi thì chúng tôi không có tiền cho chi phí, bởi hồ sơ phải dịch qua tiếng Anh do một phiên dịch quốc tế hữu thệ, mà chi phí dịch phải tính theo từng chữ. Đơn kiện của tôi gồm 30 trang, cần có ít nhất 36.000 euros, khoảng 972.000.000 đồng Việt, mà lúc ấy chúng tôi không có một đồng nào. Trong một buổi chiếu phim tài liệu về chất độc da cam, chúng tôi công bố chính thức trước hơn 20 người về vụ kiện mang tên Trần Tố Nga dù không ai biết tôi là ai. Một tuần lễ sau, các bạn đã gởi giúp 16.000 euros – 432.000.000 đồng Việt, một số tiền không hề nhỏ mà quí giá biết bao khi mỗi người góp từng đồng của mình cho một công trình chưa biết kết quả ra sao, ủng hộ một người mà họ không hề quen biết. Số tiền còn lại do Việt Nam ủng hộ thông qua VAVA Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Lần đầu tiên, tôi nhận ra tính nhân văn, lòng yêu công lý và tình yêu của mọi người đối với Việt Nam. Cũng lần đầu tiên tôi vui khi thấy một số người lúc ban đầu có phản ứng rất mạnh vì nghĩ tôi là “tay sai” của chính phủ Việt Nam đã hòa vào với cuộc đấu tranh này và luôn sát cánh bên tôi từ hơn 6 năm nay, cho tôi hiểu rằng dân tộc có thể hòa hợp khi cùng chung mục đích vì con người.

Ngày 14 tháng 5 năm 2015, trước đúng một ngày hết thời hiệu để kiện, Tòa Đại hình Evry vùng Essonne chấp đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã từng cung cấp chất khai hoang cho chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đơn kiện được gởi đi và tôi lại mỏi mòn chờ đợi.

Gần một năm sau, tháng 4 năm 2016, tòa triệu tập phiên thủ tục đầu tiên, cũng là lần đầu tiên tôi biết được là có 19 công ty trình tòa trong số 26 công ty tôi gởi đơn kiện, đứng đầu danh sách là Monsanto và Dow Chemical, hai tập đoàn được gọi là hai tên khổng lồ trong ngành hóa chất thế giới. Đêm đó, tôi không ngủ được, hình dung rõ hơn bộ mặt của kẻ đối đầu, hiểu rõ hơn bản chất của việc mình làm là mở một cuộc chiến chống Mỹ thông qua một hình thức khác không kém phức tạp và gian nan – cuộc đấu tranh chính trị và pháp lý trong điều kiện hòa bình để vạch trần một tội ác không dễ gì vạch trần khi nghĩ đến tương quan lực lượng. Đêm hôm đó, tôi nhớ đến câu ca dao: nực cười châu chấu đá voi, ngỡ rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng. Ở bên Pháp, các bạn hay ví đây là cuộc chiến đấu của người tí hon David với tên khổng lồ Goliath!

Tôi chỉ có một mình, ngơ ngác trước những diễn tiến pháp lý, trước những phiên tòa thủ tục luôn bị đối phương tạo những biến cố để kéo dài thời gian, có lẽ hy vọng tôi chết trước khi vụ kiện kết thúc, với tất cả những chứng bịnh tôi đang mang, với tuổi đời chồng chất theo năm tháng. Tuy nhiên, với thời gian, dù vẫn không hình dung được điểm kết thúc, tôi ngày càng được bạn bè, công chúng và các tổ chức phi chính phủ ủng hộ, trợ giúp và tôi cũng nhận chân ra rằng nhiệm vụ của tôi, với sự giúp đỡ của các tổ chức, nhất là Hội hữu nghị Pháp Việt là làm sống lại thảm họa da cam và nói cho cả thế giới biết về nỗi thống khổ của nạn nhân da cam “những người khổ nhất trong những người khổ”. Nếu nghĩ rằng thắng lợi của vụ kiện là tôi được bồi thường một số tiền thì hẳn tôi không đủ nghị lực và đủ gan đi tới bởi tôi càng ngày càng hiểu rằng tôi thực sự đang ở trong một trận chiến không cân sức về mọi mặt. Từ một số bạn yêu công lý ủng hộ, một ủy ban ủng hộ vụ kiện của Trần Tố Nga được thành lập, đến nay đã tập hợp gần 20 hội đoàn luôn sát cánh với tôi trong mọi lúc, mọi diễn biến của từng phiên tòa.

Và trong 6 năm qua, với sứ mạng làm cái gạch nối, tôi đã đi gần hết nước Pháp, đi Đức, Canada, Thụy Sĩ, Bỉ, Luxembourg, tùy từng hoàn cảnh mà nói về tội ác chiến tranh hóa học, về thảm họa da cam, về những gì dân tộc Việt Nam đã gánh chịu trong các cuộc chiến. Có khi đi cả ngàn km chỉ để gặp 20 người, tôi vẫn vui, vẫn nói say sưa khi nhìn những giọt nước mắt xúc đông của những người có mặt. Rất nhiều người khi đến họp chưa hề nghe nói đến chất độc da cam.

Đến hôm nay, khi các bạn trẻ nhập vào cuộc chiến đấu, mang đến không chỉ nhiệt tình tuổi trẻ mà cả những hiểu biết về kỹ năng và kỹ thuật truyền thông mới thì vụ kiện của Trần Tố Nga đã vượt rất xa lãnh thổ nước Pháp với những cuộc hội thảo có cả chục ngàn người tham gia và theo dõi, với những chương trình truyền thông liên tục trong tám giờ, trong 36 giờ ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam dù Covid-19 đang làm mưa làm gió khắp nơi.

Trong sáu năm, cuộc chiến của một người đã trở thành của tất cả, của xã hội. Trong sáu năm, từ chỗ không ai biết chất dộc da cam là gì, hôm nay cả thế giới lên án tội ác chiến tranh hóa học lớn nhất do Mỹ gây ra ở Việt nam và hiện nay đang tiếp tục gây thương tâm, chết chóc trên khắp thế giới với những chất độc mà chất độc da cam là nguồn gốc đầu tiên.

Trong sáu năm, chúng ta đã đi một bước rất dài để cho hôm nay, tôi có thể vui sướng mà nói rằng Trần Tố Nga không đơn độc, để có thể đón nhận hạnh phúc lơn lao khi trong phiên tòa tranh tụng, tôi được tình thương bao bọc bởi những người yêu công lý và yêu Việt Nam.

Sau 25 / 1 / 2021

Sau phiên tòa tranh tụng, cuộc chiến đã rõ, lần đầu tiên các đối phương biết mặt nhau.

Bắt đầu từ đây, tiếng nói của cộng đồng, của xã hội sẽ có sức mạnh lan tỏa, ủng hộ và thúc đẩy kết luận cuối cùng. Dù sẽ còn kéo dài trong mấy năm nữa do sẽ có kháng án từ bên này hay bên kia, nhưng nếu ngày 10 tháng 5, phán quyết thuận lợi thì xem như công lý và chính nghĩa đã thắng hung tàn.

Vì lẽ đó, xin mọi người hãy lên tiếng.

Ngày 8 tháng 3 năm 2021

162084774_480949409745720_3235421568290490433_n

161544950_442336233702344_1676804071200893863_n

156189296_182964380255430_5939169354968317385_n

 

162029485_196793058462907_7915680149214411251_n

161771016_137732834923619_8119067843979232046_n

 

161565035_444553596597547_4844241385063120926_n