Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Giữa những tấm căn cước

(Đọc tiểu thuyết CĂN NHÀ GIỮA NHỮNG ĐÁM MÂY của VŨ THÀNH SƠN; nxb Phụ Nữ, 2021)

Mai Sơn

Viết như một cách chữa thương | Văn Việt

1/

Mười lăm năm trước tôi (MS) có viết vài suy nghĩ về văn xuôi trong một bài viết, đại khái: “Tôi cho rằng nhà văn nào không bị đè nặng bởi trực cảm và bản năng sẽ bị lý tính chi phối, và một ngày nào đó họ sẽ sáng tạo nên một hay nhiều nhân vật mà tâm trí của hắn thường xuyên đắm chìm trong suy tư. Nhân vật ấy sẽ vật lộn với chính mình. Và tinh thần của hắn trở thành bãi chiến trường của chính hắn.” Có một nhân vật như vậy, và là nhân vật chính, tên Lân, xưng tôi trong tiểu thuyết “Căn nhà giữa những đám mây” của Vũ Thành Sơn.

Cái tựa đề gây tò mò. Bối cảnh của tiểu thuyết ở đâu vậy? Thật khó trả lời. Nhưng cũng cái tựa đề đó đã phần nào gợi ý rằng, trong tiểu thuyết này có một gia đình, nhưng được tác giả ngăn chặn hầu hết mọi tiếng ồn điển hình của xã hội, mọi tác động ngoại cảnh thường ngày, xét như những kiện tính chung của cuộc sống. Nó rất khác với nhiều tiểu thuyết xưa nay viết về một gia đình bị những tác động xã hội-chính trị-tôn giáo-truyền thống làm biến đổi các thành viên trong đó, thậm chí đẩy họ vào những xung đột. Chẳng hạn tiểu thuyết “Hard Times” của Charles Dickens – giữa lúc cả xã hội đang ầm ầm chuyển động công nghiệp hóa, người cha của một gia đình quyết tâm mang những nguyên tắc thực dụng dạy dỗ cho các con; ông không dạy cho chúng văn chương và sự tưởng tượng, và yêu cầu chúng đừng tin vào cảm xúc của mình. Để rồi về sau khi lớn lên chúng bị suy đồi hư hỏng, ông đâm ra ân hận.

Thật ra, trong “Căn nhà giữa những đám mây” có hai chi tiết mang tiếng vọng xã hội nhưng chỉ được nhắc thoáng qua: “công việc làm ăn của gia đình đã sa sút”, và, “một cơ ngơi gia đình đang rệu rã”. Như thế, khung cảnh gia đình của Lân được quy giản đến mức tối thiểu thành một khung cảnh trần gian phổ quát. (Thế giới hiện tượng và đồ vật chung quanh trong tiểu thuyết này vừa thấy quen quen với người Việt vừa rất… quốc tế.) Nổi bật trong khung cảnh đó, mất tích và những cái chết, vốn là hai hằng số của cuộc sống, lần lượt đi qua. Có thể tác giả có một cảm quan bi thảm sáng suốt giống như Blaise Pascal, người hình dung thấy trước mắt những con người bị xích chặt tay chân, “đợi Godot đến” mang đi, và ông ngồi đó chờ tới lượt mình. Và ở đây, trong tiểu thuyết này, Lân được đặt vào một tình trạng tương tự. Không vì một tác động xã hội nào, một mình Lân làm nên cả một thảm kịch nội tâm bắt nguồn từ chủ quan tính của anh, từ tính cách bi quan của anh.

Từ nhỏ, Lân dường như cảm thấy mình đối diện với những câu hỏi nhọc nhằn: Cái quá khứ cha mẹ tôi làm ra tại sao tôi phải gánh? Tôi sẽ làm gì khi sinh ra đã bị quy chiếu, lệ thuộc bởi một thế giới đã tiền định, đã có đó với mọi thiết chế của nó rồi. Tâm hồn anh bị bào mòn vì sự thường tình, thường nhật. Dần lớn lên, anh thấy mình không có lý tưởng, không dự phóng mảy may, không niềm tin, không dám thể hiện một động thái phiêu lưu nào. Chưa lúc nào ta nghe thấy tiếng reo vui của Lân. Chỉ nghe âm vọng tiếng cười đùa sảng khoái và những tiếng động vô trật tự nhưng đầy khí lực từ xa xăm của một người đã mất tích là Lâm, anh ruột của Lân. Lâm là người mà Lân sẽ theo đuổi tìm kiếm suốt đời (như sẽ phân tích thêm dưới đây.)

Trong ba phương diện của một nhân vật – lời ăn tiếng nói, suy nghĩ, hành vi –, với Lân ta chủ yếu chỉ có thể “đọc” được tâm tưởng của anh. Đó là một con người yếu đuối, sống giữa gia đình mà không hiểu rõ sự kết nối tình thân; luôn luôn xa lạ với mọi người; luôn thấy mình có một khoảng cách với họ; không thể cùng họ xây dựng nên một ý nghĩa nào về đời sống. Và trên hết, không có nhiều thực tại kiện tính mà những người bình thường đang có, với những bận tâm về cuộc sống hàng ngày. Chỉ có những ngấn vết thực tại thoáng qua trong tâm cảnh của anh. Những gì từ cuộc đời vô nghĩa ngoài kia lắng xuống tâm hồn anh, làm nên một cuộc hiện sinh. Tuy nhiên, chính những suy nghĩ “đầy hình ảnh” của anh làm cho cuộc hiện sinh của anh trở nên sống động, đáng theo dõi. Suy nghĩ mới mất nhiều năng lượng chứ đơn thuần tồn tại thì mất bao nhiêu!

Dù làm ta mệt mỏi, và e ngại, nhưng Lân mới cởi mở và can đảm làm sao!

“Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về sự có mặt của mình trong cuộc đời này.” (tr. 9)

“Tôi nhận ra mối liên hệ máu mủ không thể làm nên sự ràng buộc giữa chúng tôi với nhau.”(9)

“Chúng tôi đã sống cạnh nhau suốt một thời niên thiếu… như những tờ giấy rời rạc được đóng lại thành một tập.” (9)

“[Chúng tôi như] những ngôi sao cô đơn, cháy một mình và tắt lịm, ngay cả trong thời kỳ đẹp đẽ nhất khi còn căn gác cũ.” (16)

Có phải sự sụp đổ các giá trị và sự suy đồi của xã hội làm cho một người đồng loại của chúng ta trôi dạt và lạc lõng không? Tiểu thuyết “Căn nhà giữa những đám mây” không nói rõ điều đó, nó chỉ trình bày một hiện thực tối thiểu, trong đó những cấu trúc vận hành chính của xã hội bên ngoài không góp mặt. Nhưng biết đâu mai kia có một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, xã hội nào đó nói rằng vào thời kỳ “có những tiến bộ về vật chất trong xã hội” thì cái giá mà nó phải trả là đây, trong tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn: một chàng trai từ nhỏ cho đến tuổi trung niên vì sống bằng nội tâm quá nhiều, suy tư quá nhiều nên thấy cuộc đời ghẻ lạnh.

2/

Như ta thường thấy trong truyện ngắn hay tiểu thuyết, một nhân vật khi đứng trước một tình thế, một biến cố khẩn bách thường buộc phải bộc lộ bản chất đích thực của mình. Trong tiểu thuyết này một thủ pháp giống như vậy được vận dụng nhưng ở quy mô khác hẳn: cả quãng đời dài của Lân là một tình thế, một biến cố cực độ. Lân sớm có cái nhìn thấu suốt và chết người về hiện sinh. Một nhận thức đột ngột, hiển linh (như thuật ngữ văn học “epiphany” mô tả). Nghĩa là Lân nhìn thấy tính khẩn bách trong cuộc đời tẻ nhạt, đồng thời thấy tính tẻ nhạt trong cuộc sống ồn ào khẩn bách, tựa như Parmenides giữa dòng chảy điên loạn của thực tại vẫn múc được khoảnh khắc lắng đọng, bất biến của nó.

Làm sao có thể nói về một cảm giác lạ lùng như vậy một cách rành mạch? Vũ Thành Sơn đã dựng lên một khung cảnh đìu hiu trơ trọi; bây giờ là một khí quyển nặng nề. Như người nhạc sĩ thiết đặt ngay từ đầu một tông màu nào đó cho một nhạc phẩm, Vũ Thành Sơn để cho giọng điệu buồn chán ngự trị cuốn tiểu thuyết ngay từ trang đầu và lan dần qua từng trang.

“Hành lang đầy những lo âu, bất ngờ chờ đợi phía trước. Những gương mặt mất ngủ, chỗ nằm tạm bợ và đồ đạc cũ bốc mùi. Anh đèn huỳnh quang như lưỡi dao nhọn lạnh lùng, không chừa cho ai một góc riêng tư.” (Trang đầu chương 1)

“Hồi tưởng về mẹ, có lẽ trong trí nhớ một thời tuổi thơ xa vắng của tôi cũng chẳng còn mấy kỷ niệm sâu đậm.” (12)

“Sự lỏng lẻo, kết dính tạm bợ, mà trước đó chúng tôi đã lầm tưởng bởi những cái tên gọi đẹp đẽ, các loại bổn phận và vô số những điều cao cả, trong khi thực sự chúng chỉ là một chất liệu có thời hạn sử dụng nhất định.”

“Dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ…”

“Nhung nói tôi bị nhiễm độc quá nhiều bởi quá khứ… [và] có lẽ Nhung nói đúng, tôi đang bị nhiễm độc.”

“Những cánh đồng và núi đồi thay thế những dãy phố, màu xanh ốm yếu thay thế cho cái lam lũ xám xịt tiêu điều. Sự khác biệt thực ra chỉ ở mặt hình thức. Ở một con phố, nhỏ mịt mù bụi... […] người ta ngó đăm đăm vào khối sắt hai màu xanh vàng nhàu nhĩ xình xịch ấy [di chuyển].” (61)

Rõ ràng là những ý nghĩ chua chát, cay đắng, những tâm trạng vừa muốn chạy trốn vừa muốn đối mặt với thực tại. Một bản án dành cho mình. Một điếu văn dành cho mình. Những ngày tháng sắp tới là vô nghĩa, không hứa hẹn với anh điều gì, anh cũng không trông mong gì vào nó, vì anh thấy mình không thể thay đổi được gì cả.

Với bao nhiêu nỗi niềm tàn tạ, héo úa, hoài nghi và chán chường như thế, chứa đựng sự nguy hại chẳng khác gì con bọ cạp có thể giết chết ngay tức khắc một con cọp dữ, chứ đừng nói một tâm hồn mỏng manh; ấy thế mà tác giả đã đủ ngôn từ lần theo cả một cuộc đời bị đầu độc từ ngày người anh thương mến bỏ nhà ra đi cho đến khi cái chết của người mẹ như lớp sóng cuối cùng đập mạnh vào một ghềnh đá hoang lạnh lâu ngày. Và đó là dòng hồi tưởng miên man, như một cơn đại mộng được nhân vật kể lại, tiết lộ toàn bộ ý nghĩa cuộc đời anh. Một tổng kết ngắn gọn cho đến lúc đó, lúc người mẹ qua đời, là anh không thể sống mãi như vậy được nữa. Với biển mênh mông trước mặt, và anh đột nhiên thèm thuốc sau hai mươi năm. Nhưng có lẽ đã không còn kịp thay đổi gì nữa rồi. Với cả một “di sản tâm thức” đè nặng sau lưng, nhiều lắm thì anh, dẫu biết rằng Lâm đã mất, chỉ có thể tìm kiếm Lâm theo một cách khác.

Và một âm vọng bất lực khi đọc hết tiểu thuyết này: Chỉ khi tất cả chết đi Lân mới thấy tự do, mới thèm thuốc lá, muốn đi bơi đêm...

3/

Trọng tâm tư tưởng của tiểu thuyết này là trình bày một hoàn cảnh hiện sinh, một tính cách trong sự đối lập như hình bóng với một tính cách khác, và kỹ thuật là đặt hai tính cách đó trong sự đối chiếu, giao thoa, đuổi bắt nhau liên tục. Một bên là tự do, can đảm và một bên là thụ động, bi quan. Cần phải nói rằng chưa chắc tính cách nào là đúng hơn. Vì rõ ràng “con người tự do” kia đã chết sớm sau khi sống một cuộc đời bạt mạng.

Ta hiểu rõ tận tâm can của nhân vật chính, nhân vật xưng tôi, vì một mặt, anh ta tự trình bày mình thật trong suốt, mặt khác anh ta luôn quy chiếu đến Lâm, luôn đi tìm Lâm, trong tâm tưởng và trong thực tế. Muốn nên một/đồng nhất với Lâm. Cách đặt tên hai nhân vật này, đọc và viết gần giống nhau (Lân – Lâm) chắc chắn là có dụng ý của tác giả. Lâm gần như là một bản ngã khác của anh, một cái tôi dự phóng của anh đã vụt bay ngoài tầm tay lúc nào không rõ. Tìm Lâm là tìm cái bản ngã khác ấy mà anh ngỡ là mình có, phải có, nên có để đương đầu với cuộc sống này.

Thuở nhỏ Lân hay quan sát Lâm vượt thoát dễ dàng những bế tắc của sinh hoạt thường ngày và thầm kêu lên: “Chính lối sống hoang đàng của anh quyến rũ tôi từ lúc đó” (25). Lâm luôn có giải pháp cho mọi trò chơi và cho toàn bộ cuộc sống; vì anh luôn có tự do, và sẵn sàng đi tìm tự do nếu thấy mình bị câu thúc. Lân thấy “Lâm đã sớm biết cách tự cứu lấy mình […] mang tâm hồn nổi loạn mà có lẽ thông minh và nhạy cảm hơn tôi nghĩ.” (79)

Lân nhận ra “lối sống tự do của Lâm” là sức mạnh chống chọi trước cuộc đời đầy cạm bẫy này. Và anh tự phản tỉnh: “Nỗi bất hạnh lớn nhất của tôi, có lẽ, là đã chấp nhận làm một đứa trẻ bị tước đoạt quyền nổi loạn. Và quyền được rủi ro.” (80)

Nói chung, trong mọi trường hợp, trước “cái bánh thèo lèo cuộc đời”, Lân luôn thấy cái lỗ trống không, còn Lâm dễ dàng thấy cả cái bánh và sẵn sàng tận hưởng mọi vị ngọt của nó.

Khi nghe tin Lâm đã chết sau nhiều năm bỏ nhà ra đi, Lân quyết tâm “Phải tìm Lâm cho bằng được” (tr.17), một phần vì bản năng tìm kiếm người anh ruột thương yêu, một phần có lẽ là tiếp tục cuộc đi tìm cái tôi thất lạc của mình.

Anh đi tìm cái tôi đã mất, và dường như thấy nó nằm đâu đó trong con người Lâm? Thật vô lý. Anh không thể tự xây dựng cho mình một cái tôi độc lập hay sao? Nhưng rõ ràng đây là màu sắc siêu thực dễ chịu và đầy an ủi thỉnh thoảng xuất hiện đột ngột qua những câu văn ngắn hoặc in nghiêng.

4/

Thận trọng và trau chuốt trong từng chữ, từng câu, từng đoạn, trong sự mô tả chính xác dòng tư tưởng, dòng ý thức, các hình ảnh, âm thanh… (chỉ còn thiếu mùi vị, mùi hương là tác giả không miêu tả được thôi, nhưng nếu hiểu mùi vị theo nghĩa bóng thì nó tràn ngập trong tiểu thuyết, đó là mùi vị buồn bã của kiếp sống) – đó đã là Vũ Thành Sơn trong tiểu luận, trong thơ, và truyện ngắn bấy lâu nay, nhưng cuốn tiểu thuyết này đẩy cái “chất” mẫu số chung đó lên một cấp độ cao hơn, phức tạp hơn, đẹp hơn, để ông chiếm lĩnh hẳn một chỗ riêng, một phong cách văn chương riêng. Viết như thể băng qua cõi đời hướng tử, vị tử, tất tử, mất mát, thất lạc, bệnh tật, lạnh tanh này, trừng trừng nhìn vào nó một cách can đảm, hiểu hay không, múc cạn được ý nghĩa nào hay không không quan trọng.

Viết một tiểu thuyết như thế, với một nhân vật chính chỉ suy nghĩ, cảm nhận, cảm giác và không tác động gì nhiều đến “hoàn cảnh chung quanh” để cho tiểu thuyết “chuyển động dần đều” là thách thức nhiều độc giả vốn quen với tiểu thuyết có sức hấp dẫn từ những thủ pháp quen thuộc. Tác giả không tạo ra những xung động căng thẳng, tương tranh thành xung đột, lớn dần thành cao trào-đỉnh điểm, và thắt nút rồi giải tỏa hay bỏ lửng như thường thấy.

Như vậy, ta biết mình cần theo dõi nhng thước phim cuc sng ngột ngạt của Lân như thế nào để được đền bù bằng nhng trang văn chương tươi sáng đích thực.

Tháng Ba, 2021