Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

W. H. Auden: Bảo tàng Mỹ thuật

Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu

clip_image002

Wystan Hugh Auden (1907-1973) được xem là một nhà thơ với kỹ thuật bậc thầy, có thể viết tất cả các thể thơ. Ông có tài kết hợp các sự kiện đời sống, sự kiện lịch sử, văn hóa dân gian, lối nói chuyện cao sang hoặc bình dân, kết hợp giữa một bên là lý thuyết xã hội, triết học, các kiến thức về khoa học, và một bên là đời sống trần tục.

W. H. Auden sinh ở York, nước Anh, ngày 21/2/1907, lớn lên ở Birmingham nhiều năm và học tại trường Christ, Oxford. Thời trẻ chịu ảnh hưởng của các nhà thơ Thomas Hardy, William Blake, Emily Dickinson, Robert Frost. Năm 1930 tập thơ Thorn được xuất bản làm cho tên tuổi của Auden trở nên lừng lẫy. Auden nổi tiếng vì có khả năng bắt chước phong cách nhà thơ khác, Dickinson, Yeats. Ông tham gia vào cuộc chiến tranh nội chiến Tây Ban Nha vào năm 1939, di dân đến nước Mỹ, ở đó ông gặp người yêu của mình, Chester Kallman, trở thành công dân Hoa Kỳ. Niềm tin của Auden thay đổi, từ một người xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phân tâm học thời trẻ tuổi, đến một người Thiên Chúa giáo. Ông sáng tác nhiều, thơ, kịch, phê bình, biên tập. Từ năm 1954 đến 1973 ông là một giám đốc của Hàn lâm viện Thơ ca Hoa Kỳ, sống ở Nữu Ước và nước Áo. Ông mất ở Áo ngày 29/09/1973.

Để đọc bài thơ “Bảo tàng Mỹ thuật” (Musée des Beaux Arts), chúng ta cần nhìn bức tranh nổi tiếng, tên đầy đủ là Landscape with the Fall of Icarus, gọi tắt là bức tranh Icarus, tranh sơn dầu kích cỡ 28.9x44.1 inches ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật của nước Bỉ tại thủ đô Brussels. Bức tranh được xem là của hai họa sĩ Bruegels, mặc dù có nhiều tranh cãi về vấn đề này. Nhan đề bài thơ chính là tên của Viện Bảo tàng Mỹ thuật ở Brussels. Trong bức tranh ta sẽ thấy mặt đất, bầu trời, làn nước biển xanh trong, con thuyền, người thợ cày, con ngựa kéo, người chăn cừu, đàn cừu của ông ta. Bức tranh được vẽ vào khoảng năm 1558.

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Icarus bay lên với đôi cánh được chế tạo bởi cha của mình, dùng các loại lông chim gắn với sáp ong. Không nghe lời khuyên của cha, Icarus bay lên quá gần sát mặt trời nóng bỏng, làm cho nhựa trong mật ong chảy ra, chàng rơi xuống biển, chết đuối. Bức tranh cũng vẽ hình Icarus rơi xuống với hai chân trồi lên mặt nước. Mặt trời đã lặn đâu đó ở chân trời, tuy vậy chuyến bay của còn lâu mới tới được. Người cha của Icarus, Daebalus, không có mặt trong bức tranh, có lẽ còn bận bay đi đâu đó, về phía mặt trời. Trong tranh có người thợ cày, người chăn cừu, có con ngựa, bầy cừu. Đó là một bức tranh tuyệt đẹp, cân đối. Bài thơ của Auden viết về bức tranh và dùng bức tranh như một ẩn dụ. Nhà thơ suy nghĩ về tác phẩm nghệ thuật, mà tác giả có thể là một trong hai anh em Breugels. Bài thơ nói về hai câu chuyện song song được mô tả trong bức tranh, sự sinh ra của Đức Chúa Trời và sự rơi của Icarus. Ý nghĩa lớn của bức tranh là mô tả các nhân vật, cuộc đời bình thường của họ, vẫn tiếp tục sống và làm việc, cũng như súc vật vẫn tiếp tục những công việc hàng ngày, cảnh vật vẫn xinh tươi, ngay cả khi có người rơi xuống biển, ngay cả khi có người trong chúng ta đau khổ. Và trong khi chúng ta chờ đợi sự ra đời của Đức Chúa, trong khi những người già kính cẩn chờ đợi, thì bọn trẻ vẫn thản nhiên chơi đùa trượt tuyết. Những khúc quanh lịch sử quan trọng không được con người chú ý tới, vào giờ phút hiện tại. Trong bài thơ của Auden, người dân bình thường, trong cuộc sống hàng ngày của họ vẫn nhìn thấy sự đau khổ ở nơi này nơi khác, cái chết bi thảm của Icarus, nhưng vẫn ngoảnh mặt đi, làm ngơ sống cuộc sống bình thường của họ. Nhà thơ mô tả một nông dân có thể nghe tiếng rơi tõm xuống nước của chàng Icarus, nghe tiếng thét thê lương của chàng, nhưng vẫn nghĩ rằng điều đó không có chi quan trọng, tiếp tục luống cày của mình. Cũng như vậy, mặt trời tiếp tục tỏa sáng vì nó phải thế. Cũng vậy, thủy thủ trên thuyền trên mặt biển rõ ràng có thể nhìn thấy Icarus rơi xuống nhưng họ thản nhiên đi qua tiếp tục hành trình không quay lại. Cũng như thuyền nhân vượt biển năm xưa. Tác giả không sử dụng một ngôn ngữ châm biếm hay đả kích, trong tiếng Anh những chữ must, have to, biểu hiện sự tất nhiên phải xảy ra, sự tất nhiên của thái độ bàng quan.

Như vậy có một sự tách rời lạnh lẽo, sự lãnh đạm của con người, và điều đó là phổ biến trong vũ trụ. Tất nhiên những cuộc thảm sát rùng rợn sẽ được nhớ lại, cũng như cuộc tử đạo kinh hoàng phải đi con đường của nó, và làm cho Bethlehem thành một nơi bừa bộn. Tác giả hay người phát ngôn trong bài thơ cho rằng cái chết của Icarus là tai họa đau đớn nhưng là một thất bại không quan trọng. Câu hỏi: Thế thì điều gì làm cho người ta chú ý? Người phát ngôn trong bài thơ cho chúng ta thấy sự vô cảm lãnh đạm của nhân loại.

Bài thơ “Bảo tàng Mỹ thuật” được xem là tiêu biểu cho nghệ thuật của Auden, nhà thơ bậc thầy trong việc diễn tả các sự kiện và các cảm xúc bằng nhiều thể loại thơ khác nhau, với giọng tiết chế buồn rầu nhưng dí dỏm. “Bảo tàng Mỹ thuật” là một bài thơ tập trung nói về sự đau khổ của con người, các bi kịch, một bên, và một bên là cuộc sống bình thường của những người không phải nạn nhân. Các cuộc cách mạng được tuyên truyền ầm ĩ thực ra chỉ là sự vận động của một thiểu số đau khổ hay bị áp bức, còn đa số người dân vẫn sống bình thường. Bài thơ mô tả một tác phẩm hội họa nổi tiếng, mang tính triết lý, tính đối thoại, sự kết hợp cực đẹp giữa sự quan sát sắc sảo và tính âm nhạc. Bài “Bảo tàng Mỹ thuật” được viết năm 1958, ngay trước ngày Đệ nhị thế chiến bùng nổ, báo hiệu sự đau khổ của con người, sự lãnh đạm của thế giới trước tai họa của người Do Thái và các dân tộc khác, cũng báo hiệu khúc quanh trong nghệ thuật của Auden.

Từ đây Auden rời bỏ tác phẩm nghệ thuật với các nhân vật chính trị và phát triển một thứ nghệ thuật nặng về tính tinh thần - tâm linh. Khoảng thời gian này, nhà thơ rời bỏ châu Âu, đến định cư tại Hoa Kỳ, và ở đây ông sẽ bắt gặp tình yêu lâu bền của mình với người yêu đồng phái. Thơ Auden nói về tâm hồn, các sự kiện xã hội, các suy nghĩ về lịch sử, các biến động thế giới. Thơ Auden vừa truyền thống vừa hiện đại; bài thơ “Bảo tàng Mỹ thuật” là một bằng chứng.

Nguyễn Đức Tùng

 

 

BẢO TÀNG MỸ THUẬT

Về nỗi khổ đau họ chẳng hề sai

Các bậc thầy xưa ai cũng hiểu

Bằng cách nào trên thế gian chúng tới

Khi người khác đang ăn, vội mở cửa sổ, dạo gót âm thầm

Làm thế nào chuyện đau khổ xảy ra, khi người già bước đi thành kính say mê chờ đợi

Sự ra đời kỳ diệu, nhưng gần đó thôi

Những đứa trẻ không hơi đâu để ý, vẫn trượt băng

Trên ao nhỏ bìa rừng:

Chúng không bao giờ quên

Ngay cuộc tử đạo sầu thương cũng phải đi con đường riêng của chúng

Dù sao ở khúc quanh kia, nơi bừa bộn

Những con chó nhỏ tiếp tục sống kiếp chó, ngựa của kẻ tra tấn vẫn cựa cái mông ngây thơ của mình lên gốc cây

 

Ví dụ đây, Icarus của Breughels: Mọi thứ ngoảnh mặt ra sao, vui vẻ thế nào bên thảm họa; người thợ cày có thể

Nghe tiếng rơi xuống nước, tiếng thét kinh hoàng của cậu bé, nhưng đối với anh đó không phải là chuyện quá đau buồn; mặt trời luôn chiếu sáng

Như nó vẫn thế, trên đôi chân trắng toát biến mất vào làn nước

Xanh trong; con tàu xinh đẹp đắt tiền kia ắt

Nhìn thấy

Khung cảnh tuyệt vời một đứa bé từ trên trời rơi xuống

Phải có một hải cảng nào để tới, giăng buồm ra đi trên sóng biển xa khơi.

 

Musée des Beaux Arts

W. H. Auden

About suffering they were never wrong,
The old Masters: how well they understood
Its human position: how it takes place
While someone else is eating or opening a window or just walking dully along;
How, when the aged are reverently, passionately waiting
For the miraculous birth, there always must be
Children who did not specially want it to happen, skating
On a pond at the edge of the wood:
They never forgot
That even the dreadful martyrdom must run its course
Anyhow in a corner, some untidy spot
Where the dogs go on with their doggy life and the torturer's horse
Scratches its innocent behind on a tree.

In Breughel's Icarus, for instance: how everything turns away
Quite leisurely from the disaster; the ploughman may
Have heard the splash, the forsaken cry,
But for him it was not an important failure; the sun shone
As it had to on the white legs disappearing into the green
Water, and the expensive delicate ship that must have seen
Something amazing, a boy falling out of the sky,
Had somewhere to get to and sailed calmly on.

(Thơ Nước Ngoài. Bài 3)

Nguồn: http://english.emory.edu/classes/paintings&poems/auden.html