Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Tưởng niệm nhà thơ - nhạc sĩ Đặng Đình Hưng: Chớm xuân, nhớ về Bến lạ

Nam Dao

Mỗi buổi chuyển mùa, nhất là lúc chớm Xuân, tôi cảm nghiệm được những giây phút huyền nhiệm khi bắt gặp loài hoa crocus. Cuối Đông, crocus nhụy vàng, cánh phơn phớt xanh, trồi ra từ thảm tuyết chưa chịu tan. Thời gian đó trời không còn lạnh lắm, nắng tươi vàng đã rực rỡ bám vào những cành cây còn trơ trụi lá. Sự sống vận hành sau 5, 6 tháng Đông buốt giá. Hoa crocus báo tin mầm sống bung ra, mãnh liệt, bất chấp… nhưng chỉ sống được dăm ngày phù du, sau nhường chỗ cho những loài thảo mộc khác đâm chồi nảy lộc. Mùa Xuân nơi tôi sống là khi tuyết tan, đường phố lầy lội bùn, con người ai nấy mong Xuân qua mau cho Hè tới. Và tôi, nếu được đấng Cao Xanh cho thêm một kiếp người, tôi mong sẽ trải nghiệm sự huyền diệu hòa cả thân lẫn tâm vào “thế giới phun trào như nước chảy trong thân. Cây cối rộ hoa trên cơ thể” (Tagore).

Rời đất Bắc ở độ 8, 9 tuổi, tôi di cư vào Nam chưa kịp mang theo nhiều kỷ niệm Tết. Nhưng nhớ nhất, tôi chỉ còn nhớ những cơn mưa. Mưa bụi, mưa nhẹ hồ không có thực, là những hạt bụi nước chưa kịp đậu lại đã tan biến đi như trong những chuyện hoang sơ cổ tích có Thạch Sanh có Lý Thông. Mưa phùn, rả rích, ngày qua ngày mênh mang, mưa cứ mưa như hành phạt loài người trong thảm kịch Tấm với Cám, loay hoay trong những chiếc áo mưa kết bằng rơm ở thôn quê, hay làm bằng nhựa plát-tích đùng đục những con mắt vô hồn trong thành phố. Thời đó, gia đình tôi ở Hải Phòng, phố Chevassieu, tên phố sặc mùi thuộc địa. Cứ vào đêm Giao Thừa, bọn nít chúng tôi đứa nào đứa nấy sẽ bị một trận đòn Tất Niên, đánh xả xui năm cũ để cả nhà đón “năm mới cái gì cũng mới”. Sợ đòn, tôi lỉnh ra đường, và khi pháo nổ râm ran đường phố thì tôi lấm lét về nhà. Lạ, ông bà bô đón tôi, cười nói hân hoan. Sợ rớt ngày Tân Niên, cả nhà phải vui, và chúc tụng tôi là kẻ xông nhà năm mới. Năm sau thì truyền thống đòn Tất Niên đành phải quên. Những người xông nhà sau đó đều là những người có tuổi, áo quần trịnh trọng, thường thì ôm một cành đào mừng Xuân, và chẳng một ai bị lột quần đánh vào đít như bọn nít.

Sau di cư vào Sài Gòn là những năm dài tha hương, phải trên ba mươi năm sau tôi mới được sáp gần một cái Tết phương Bắc ở ngay thủ đô Hà Nội. Vào độ Giao Thừa năm Dậu cách đây ba con giáp, tôi sắp về Sài Gòn nên có thời gian là tôi la cà với mấy ông anh Nhân Văn Giai Phẩm. Sáng sáng. cứ khoảng 5 giờ, tôi đến Hải Thượng Lãn Ông, ới Lê Đạt rủ anh cùng cuốc bộ đúng sáu vòng hồ Hoàn Kiếm. Trưa trưa, tôi đến quán nước chè ngõ Phan Huy Chú, im ắng ngắm Trần Dần, con cọp ngày đang ngồi rình một tứ thơ. Tối tối, tôi la cà quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, con phố kề cạnh Nhà Thờ, uống dăm chén rượu mơ, lẳng lặng đắm mình nghe chuyện Quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ, thả Tượng vàng cưới Chị võng mây trôi... Ấy, cái tật lỉnh đi hoang từ thời thơ dại tôi vẫn không chừa, mặc dầu nay không phải không còn những trận đòn Tất Niên của thế quyền trong cơn còn mê muội. Bạn bè thời nay đều khẩn khoản lưu ý, các anh ấy đều là những người có vấn đề. Tôi mặc, thời bình rồi, cái cần làm là xây dựng lại đất nước từ những đổ vỡ thời chiến. Ôi chao, một thời tàn khốc!

*

Chuyện về các anh ấy tôi đã kể trong tập bút ký Những con người những bóng ma này. Trong số các anh, tôi nói rất ít về Đặng Đình Hưng. Không trong nhóm chủ trương Nhân Văn và Giai Phẩm, anh vẫn bị “liên quan” vì anh không phủ nhận tình bạn của anh với những người “có vấn đề”. Anh cũng bị trù dập, cũng phải đi “học” và “lao động cải tạo” để quán triệt tính giai cấp trong xã hội công nông vào giữa những năm 50.

Đặng Đình Hưng ở khu Trung Tự, hơi xa trung tâm Hà Nội nên tôi ít dịp đến anh chơi. Tường trong căn hộ chưa được 30 mét vuông của anh dán những bài thơ anh viết bằng chữ đại tự, và ôi chao, thật bất ngờ, thơ anh lạ lùng. Phải nói, thơ anh khi đó chẳng giống một ai, âm điệu nhạc jazz tràn đầy, chất văn xuôi trí tuệ mà vẫn ăm ắp cảm tính. Anh chép tặng tôi:

Và lạ miệng! tìm bàn chân xào xạo của Têta,

thì ra Alfa là con số đợi ở hai vai nở vội

tôi đuổi theo níu lại hai mùa

Rồi anh đèo thêm một vế với ký hiệu = trong Toán học: Thanh Xuân = Hạnh Phúc. Đặng Đình Hưng là bào huynh của G.S Toán Đặng Đình Áng trong miền Nam trước những năm 75. Có thể vì thế anh Hưng sử dụng những alpha, bêta, gamma… là những ký hiệu chữ Hy Lạp khá thông dụng trong Toán học và Khoa học.

*

Đặng Đình Hưng sinh 9-3-1924 tại làng Thụy Dương, huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Mất 21-12-1990 tại Hà Nội. Bắt đầu làm thơ từ cuối những năm 1950, đến khi qua đời (21-12-1990) nhà hoạt động nghệ thuật Đặng Đình Hưng để lại tất cả sáu tập thơ. “Tất cả đều chưa từng công bố rộng rãi, song một vài đoạn trích được in trên các báo vào dịp ông qua đời khiến công chúng thơ sửng sốt vì một tính cách thơ, một thi pháp hết sức độc đáo. Bến lạ là tập thơ tác giả viết trên giường bệnh lúc ông bước vào tuổi 60. Từ không gian chật chội cầm tù thân xác: Tôi cứ đi… jữa cái nong hình dáng lưng tôi…, ông hành hương vào thế giới vô tận của nội tâm.” (Bến lạ, NXB Văn Nghệ, t.p. HCM, 1991).

Thời đó, năm 1981, tôi nào biết những câu thơ trên sẽ nằm trong tập Bến lạ in sau khi anh lìa trần vào năm 1990. Nhưng tôi biết là thơ anh hay, và thật khác lạ với cái ngân nga vần điệu XHCN khá nhàm. Anh trầm, thường khép kín, và chỉ thi thoảng mới “bốc” lên với những người thật thân. Tôi xin gợi lại vài kỷ niệm để nói lên tính cách Đặng Đình Hưng, rất phóng khoáng, hồn nhiên, cởi mở. Đầu năm 82, tôi đến chơi với anh ở khu tập thể Trung Tự, hội ngộ với những người mến mộ anh, bạn bè đùa gọi là “triều đình” Đặng Đình Hưng. Nhà anh, độ đâu 30 mét vuông, tường treo đầy thơ, chiếu trải sàn thì đầy... rượu. Và thật bất ngờ, cô diễn viên trong phim Tội lỗi cuối cùng mà tôi đã đến thăm ở dốc Hàng Than có đó, nhưng không ra mặt. Anh Hưng bảo: “Cô ấy đau bụng. Chú vào buồng trong xoa bụng cho cô ấy, người ta chờ đấy...”. Chao ôi, vào cũng dở, mà không vào thì... hóa ra phụ lòng người ta ư? Và trong cái triều đình lổn nhổn này, 10/10 là có công an, thế nào lại cũng thêm một báo cáo. Thôi, anh hùng bất quá mỹ nhân quan mà! Tôi vào, trong bóng đen chập chùng, chỉ có cặp mắt ấy sáng lên. Đặt tay lên trán (chứ không phải bụng) thấy đầu cô ấy hâm hấp nóng. Chuyện trò một lát, anh Hưng thò đầu vào, nói: “Cho chú ấy ra với anh em, chiếm lấy một mình à?”. Dĩ nhiên là tôi phải ra thôi. Và cô ấy thì cứ ở trong buồng khiến lòng tôi nổi lửa, lát sau cô giận hờn xuống thang lấy xe đạp về một mình. Chao ôi, lại chao ôi, đường Hà Nội tối mùa đông vừa gập gềnh, vừa giá lạnh. Thế mà tôi chỉ biết tần ngần trông theo, lỡ hẹn với một khúc quanh có ai đó gọi là định mệnh chăng? Kể lại kỷ niệm này, để ta thấy anh Hưng phóng khoáng, không “nghiêm” như mấy ông anh thơ khác của tôi!

Trước Tết ít hôm, anh Hưng đến tìm tôi ở khách sạn Hoàn Kiếm. Anh gọi xích lô (như cái xe ba-gác trong Sài Gòn), bắt tôi lên ngồi cạnh, bảo bác xe đánh một vòng Bờ Hồ. Tôi ngượng tím người (thời đó, ngồi xe như thế chướng lắm, chẳng có tính giai cấp (!) gì cả), nhưng chiều anh. Cất cao đầu, anh nhìn trước mặt, không nói năng. Thời đó, cứ tối trời là Hà Nội mất điện. Trên con phố Trần Hưng Đạo, những người đàn bà luống tuổi bán thuốc lá lẻ đã châm những ngọn đèn Hoa Kỳ le lói chút nửa tối nửa sáng vàng ệnh soi tỏ lề đường. Anh bảo người đạp xe đi về phía Khâm Thiên, và khi đi ngang nơi còn trưng bày một cái xác máy bay Mỹ-Ngụy trong đám lổn nhổn gạch đá, anh thở dài, chép miệng. Gần đê sông Hồng, gió đông thốc cái lạnh buốt đến thấu xương. Anh Hưng nói bác đạp xe cho về Bờ Hồ. Khi xe trờ tới Bưu điện, anh nhẹ giọng, báo tin Đặng Thái Sơn con anh vừa qua một vòng (tôi không nhớ có phải vòng 3 hay không?) trong giải Chopin ở Liên Xô. Rồi anh lẩm bẩm: “Nó như sao Bắc Đẩu cõi này”. Rồi như bừng tỉnh, anh quay lại nhìn, giọng chân thành: “…. anh nói bậy rồi!”. Lúc đó anh ôm vai tôi, miệng nhếch cười, rạng rỡ, không giấu được niềm tự hào hẳn rất tự nhiên. Bóng ma chiến tranh mới tái hiện đây thình lình chợt biến mất. Chỉ còn anh, với ánh mắt long lanh lửa tương lai trong màn đêm đang ụp xuống vạn vật.

Thời gian sau, Đặng Thái Sơn đoạt giải. Cả nước reo hò, và đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, ơ kìa nào ta có thua kém chi ai. Đám chính trị gia ùa lên ăn theo. Truyện kể, trong một buổi liên hoan có đông các vị “đầy tớ” cấp cao cả Trung Ương lẫn thành phố Hà Nội, người ta trao những vòng hoa rực rỡ vinh quang cho Sơn và mẹ là bà Thái Thị Liên. Đặng Đình Hưng có đó, nhưng người ta lơ đi như không có. Sơn ôm vòng hoa của mình đến dâng cho cha đẻ. Quí hóa thay tình phụ tử!

Nhớ lại, trước đó vài năm, ngực anh bị một khối u, chẳng hiểu u lành hay u ác. Hoàng Cầm làm “U gì”, chép cho tôi, ghi để em nhớ chuyện anh Hưng, thơ rất hay nhưng ít phổ biến... Tôi nhớ: “Bao giờ về quê trong khoanh một cái ao ngồi giặt áo cả ngày.”. Thơ Đặng Đình Hưng đấy. Nhớ, nên trong đoạn thơ viết tặng anh, tôi cũng ra cầu ao, nhưng biết cái ngày xưa đó qua rồi, và hong tóc để trong khoang mơ không có cái ướt át của những giọt nước mắt. Xin ghi lại đây để viếng anh:

Cầu ao ngồi gió đợi

Ngày xưa chẳng bao giờ

Xõa tóc hong kẻo ướt

Trong khoang một cơn mơ

Thơ Đặng Đình Hưng đầy tính nhạc. Đó là phong vị đặc thù khiến anh khác với những “Tư mã” bạn anh như các anh Dần, Cầm, Đạt... Tập thơ Bến lạ là một đột phá thơ, óng ánh sắc thiên hà, chắc chắn vẫn đọng lại nhiều dư âm trong những tâm hồn yêu thơ hôm nay.

Trích từ Bến lạ:

Tôi ghé Bến lạ cắn một quả vả và những kỳ lạ màu xanh chưa chín ngọn đèn chín rũ của lần đầu gặp gỡ những khoảng cách là… lạ Alpha Mêga.

Và lạ miệng! Tìm bàn chân xào xạo của Têta, thì ra Alpha là số đợi ở hai vai nở vội tôi đuổi theo níu lại hai mùa.”

“Tôi đi đây, từ mỗi ngón tay rút ra một chiếc chìa khóa chuông lách cách tra vào ổ khóa nằm trong ký ức bằng vàng của không khí kỳ lạ mặt hễ soi gương cứ là một bàn zạo đầu.”

Cứ thế, Bến lạ trào lên những con sóng chữ. Loại chữ không bó mình vào những cái nghĩa quen thuộc. Loại chữ mang khả năng tạo ra nghĩa mới, cái nghĩa mỗi người đọc tìm cho mình, như hít vào cho đầy một hơi ma túy rồi buông thả thần trí vào một triền sáng tạo tự do không có bất cứ chế độ hay chính sách nào kiềm giữ nổi.

Đọc thơ Đặng Đình Hưng, tai tôi văng vẳng tiếng đại hồ cầm trầm lắng trong một khúc nhạc jazz thê thiết đệm vào tiếng trom-pét vút lên nức nở. Đọc thơ anh, có lúc tôi lại cảm nhận tiếng nghẹn ngào than thở một điệu blue gục gãy đổ xoài như thân phận những người nô lệ da đen ở miền Nam nước Mỹ cuối thế kỷ qua. Phải chăng nhạc trong thơ anh là tiếng rên của những kẻ bị thế quyền gạt sang bên lề? Như chính anh. Và các bạn anh!

Mở tập thơ Bến lạ lưu giữ gần hai mươi năm nay. Tập thơ vỏn vẹn 21 trang, bìa cạc-tông mỏng dính, in 250 bản bởi Văn Nghệ T.P, HCM năm 1991, người thực hiện là GS Đặng Đình Áng, bào huynh của nhà thơ. G.S Áng ký tặng nhà thơ Nguyễn Duy, và Duy tặng lại tôi, dặn may mà còn thơ hay, giữ lấy. Vâng, tôi đã giữ với lòng trân quí. Và nay, tôi không khỏi ngậm ngùi.

Ngậm ngùi? Việt Nam ta là cường quốc thơ cơ mà! Đúng thế, chúng ta gần 100 triệu thì số người yêu thơ chắc đâu đó mười triệu, làm thơ chắc một trăm ngàn, và in thơ mỗi năm trong thời buổi hội nhập này chắc trên dưới vài ngàn bài. Thơ hay, thơ dở, xin miễn bàn. Nhưng thơ Đặng Đình Hưng nghe nói có sáu tập thì chẳng thấy nhắc, chưa nói chuyện in ra, và những nhà thơ tự bỏ tiền ra in thơ mình để tặng cứ xông lên thừa thắng trong một nền kinh tế thị trường có định hướng dư luận ồn ào. Cái văn hóa nước mình, nó vậy!

*

Đó là lần cuối, đâu đó dăm ngày trước Tết năm 1982. tôi đến chào nhà thơ-nhạc sĩ Đặng Đình Hưng ở Hà Nội. Vào Sài Gòn thì chỉ dăm bữa sau Tết tôi được Hoàng Cầm báo chớ mang tập Về Kinh Bắc đi ra ngoài, anh đang gặp khó! Khi tôi qua đến Paris thì Cầm bị bắt. Tội anh là bán rượu lậu, như tội dưới thời Tây thuộc địa. Nhẩm lại, anh đã bán những cút rượu ngâm mơ từ hàng chục năm nay, kể từ khi anh không còn lòng dạ nào để tiếp tục ngâm Đêm liên hoan cơ mà! Mơ ngâm rượu thành thơ là tội, và là tội nặng?

Phần mình, từ 1982 cho đến 6 năm sau, tôi bị cấm cảnh về quê hương gốc gác mình. Đến năm 1990, năm anh Hưng vĩnh viễn xa đi, tôi về đến Nội Bài thì được thế quyền “mời” đi, và đi luôn cho đến gần chục năm sau. Tôi nhớ những ngày chua xót nằm dài ở Thái Lan đợi máy bay dể bay trở lại Bắc Mỹ. Nhớ sao là nhớ màu hoa phượng đỏ rừng rực thuở đầu hè. Và nhớ nhất là màu tương lai, như sức trồi loài hoa crocus mỗi năm thuở chớm xuân. Hoa nhụy vàng cánh trắng phơn phớt ánh lân tinh trổ ra xuyên tuyết những mùa đông rồi sẽ bị đẩy lùi trong thuở chuyển mùa của vạn vật. Hy vọng thế, và mất gì thì cứ mất nhưng nhất quyết không bao giờ mất hy vọng.

Chỉnh sửa 10/08/ 2020

In trong tập bút ký Những con người, những bóng ma

NXB Thi Văn tái bản 2017, phát hành Amazon, USA

131029125_233620288161461_9155775069509168755_n

 

131045975_473928110238469_6398504722343929198_n

130722525_3652616894802587_6301074333732720472_n

130963566_679864892712207_6868042994629428748_n