Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Thảo mai trên dốc gió

Truyện Nguyễn Viện

KỲ II

Mỗi ngày, tôi đếm ngược khoảng thời gian còn lại bằng những cuộc làm tình. Tôi thích im lặng nhìn ngắm hơn đọc sách. Cũng tàn tạ như các bộ phận khác trong cơ thể, mắt tôi đang mờ dần. Tôi cũng không thể tập trung được. Cùng lúc, tôi có nhu cầu giải trừ những phiền toái của ràng buộc không cần thiết.

Bà mẹ dân tộc nói:

“Đôi khi ôm anh, em chỉ thấy một khoảng trống”.

Tôi bảo:

“Anh đã thành ma rồi”.

Bà ấy nói:

“Bụp là thực tại”.

Tôi bảo:

“Đôi khi, thực tại cũng chỉ là ảo giác”.

“Sướng là hiện thực”. Bà ấy nói.

Tôi mơ hồ giữa thực và ảo. Có thể đấy là một trạng thái của sự cô độc thâm niên. Tôi có cần phải khác đi không? Tôi cũng không biết nữa. Dẫu sao, tôi cũng đang hạnh phúc.

Bà mẹ dân tộc là bầu trời của tôi. Yêu đương và làm tình đong đưa tôi giữa sống và chết.

Bà ấy nói:

“Anh không được bi quan”.

Tôi vẫn yêu cuộc đời này. Yêu bà mẹ dân tộc của mình. Tôi muốn tận hưởng bà một cách trọn vẹn giữa sự mong manh của từng nhịp tim, từng hơi thở.

Bà mẹ dân tộc dạy tôi:

“Anh cứ buông thả mọi ham muốn và anh sẽ thấy một cảm xúc mạnh mẽ và chan hòa của một thực tại tuyệt đối. Đó là bản lai diện mục”.

Nhưng lý trí kiểm soát tôi. Lực bất tòng tâm. Tôi luẩn quẩn đi ra đi vào. Thỉnh thoảng nhậu với bạn bè, cũng là ra vào luẩn quẩn. Những câu chuyện không dẫn tới đâu.

Bà mẹ dân tộc của tôi nói:

“Anh cần phải thoát ra khỏi chỗ này, hiện thực này. Đi chơi xa được thì càng tốt”.

Rồi bà ấy lấy xe chở tôi ra biển.

Gió và sóng biển khuấy đảo tôi bớt tù đọng. Bà mẹ dân tộc mặc đồ tắm vẫn còn đẹp. Tôi nghĩ, tôi cần được thay máu. Khi thần khí tràn vào, bạn sẽ biết bạn phải làm gì. Nhưng tôi chẳng biết phải làm thế nào. Thần khí làm tôi căng lên. Tôi muốn tràn vào bà như sóng. Chúng tôi đi ăn rồi chúng tôi về khách sạn ôm nhau. Nồng nhiệt hơn.

Quả thật, thay đổi không khí làm hồi phục tôi.

Cứ khoảng hai tuần, bà mẹ dân tộc lại đưa tôi đi đâu đó. Bà ấy nói:

“Chăm sóc anh, em cảm thấy vui. Anh phải cố gắng sống, nghe không”.

Tôi bảo:

“Dạ, còn má, còn con”.

Dẫu thế nào, tôi cũng đáng được sống. Nhưng điều gì khiến tôi chỉ muốn chết? Đấy là một mơ hồ khác của tôi.

Ở ngôi chùa dường như không tưởng ngoài Côn Đảo, bà mẹ dân tộc chỉ vào từng góc, nói:

“Em có cảm giác ông kiến trúc sư là một hiện hữu khác của em. Ông ấy đã thực hiện những ý tưởng của em một cách không thể tuyệt vời hơn, biến cái hoang đường thành hiện thực. Em từng nghĩ đây sẽ là nơi em có thể nằm xuống và không bao giờ dậy nữa cho sự giải thoát. Nhưng đáng buồn, nó lại trở thành nơi chất chứa oán hận. Đôi lúc, em nghĩ chẳng lẽ cả niềm tin cũng chỉ một cuộc lừa đảo”.

Tôi muốn nói một niềm tin đích thực chỉ có thể đến từ chính mình và cho mình, nhưng tôi im lặng. Tôi cũng chỉ là con người hoài nghi.

Tuy nhiên, bầu khí của ngôi chùa khiến lòng tôi dịu dàng.

Chúng tôi rời khỏi ngôi chùa và đi sâu vào rừng. Tôi nhận ra, cho dẫu kỳ vỹ đến đâu, sẽ chẳng có công trình kiến trúc nào kỳ diệu hơn thiên nhiên. Và tôi hít thở sâu hơn cái nguyên khí trong lành, ngọt ngào của trời đất. Tràn đầy lòng biết ơn, tôi ôm bà mẹ dân tộc của tôi và tôi bú bà ấy như tinh túy từ nguyên thủy.

Một cảm thức hậu hiện sinh viên mãn, chúng tôi nằm trên mặt đất tận hưởng cái bao la từ ngoài vào trong và tôi nhận biết mình đang sống những phút giây đáng sống nhất.

Khi ấy, tôi nghĩ về thần khí và thần khí an lành trong huyết quản tôi, thấm vào từng tế bào tôi, cả linh hồn và thể xác. Tôi cũng nhận ra, sự biết ơn là một ân sủng khác của thần khí và hiện hữu tôi trở nên thuần khiết.

Tôi tin rằng, cả bà ấy cũng thuần khiết như tôi, ít nhất trong lúc này.

Nhưng khi đứng lên, ngay lập tức tôi ý thức được một hiện hữu khác của tôi. Phàm tục và buồn chán. Tôi lại phải sống với những điều tầm thường nhất. Yếu đuối và bệnh tật.

Chúng tôi đi ăn. Lạc thú ăn uống của tôi và bà mẹ dân tộc rất khác nhau. Tôi vẫn thích những món ăn thuần Việt, món ngon mẹ nấu. Trong khi bà ấy thích ăn đồ Tây. Tuy nhiên, chúng tôi có thể chia sẻ điều này bằng cách thay đổi quán. Khẩu vị ăn uống và quan điểm xã hội không phải lúc nào cũng nhất quán. Tôi ăn uống truyền thống nhưng nghĩ và sống phi truyền thống như một cách thực hành nghệ thuật. Đành rằng sống không phải để ăn, nhưng ăn cốt chỉ để tồn tại cho thanh cao thì không phải là tôi. Ăn ngon mặc đẹp không chỉ là một nhu cầu chính đáng mà còn là một tinh hoa văn hóa. Sống là một nghệ thuật. Nhưng làm sao để chết cũng là một nghệ thuật thì không dễ. Cho dù người ta hoàn toàn có thể lựa chọn.

Thú vui ăn uống là thứ không thể ép, nhưng trang phục thì bà mẹ dân tộc buộc tôi phải theo sở thích của bà ấy. Một cách đơn giản, bà ấy mua quần áo cho tôi. Tôi không thể không mặc.

Bà ấy bảo:

“Trông anh trẻ trung, có gu hơn đấy”.

Tuy nhiên, tôi cũng có thể hiểu được khi bà ấy nói:

“Em rất thích kiểu đàn ông ăn mặc đồng phục theo kiểu như mấy ông thầy tu, lính Mỹ hay bọn police. Nó kín đáo nhưng sexy kinh khủng. Nói thật, em chỉ muốn lột quần áo họ ra hiếp. Họ hùng dũng bao nhiêu thì em mê mẩn hùng hổ bấy nhiêu”.

“Phạm thánh” là một cảm xúc phấn khích, gay cấn và bạo liệt. Đó cũng là một cảm thức nổi loạn mang tính nghệ sĩ. À há, tôi chợt nhận ra bà chính là một nghệ sĩ đương đại. Cả cuộc đời bà là một tác phẩm. Tự biên tự diễn.

Mặc quần áo của bà ấy mua, tôi thấy mình đẹp hơn. Đôi khi, tôi bị lột truồng ngay sau khi vừa mặc đồ xong.

Khi ở nhà, thường thì tôi chỉ mặc một cái quần xà lỏn. Tôi muốn để da thịt mình như cây cỏ cọ xát với gió trời. Tôi không cần phải lịch sự với đồ đạc trong nhà.

Tôi vốn thất thường, khi dửng dưng vô tâm, lúc say đắm ân cần. Giữa chúng tôi là sự xa lạ.

Tôi yêu sự thinh lặng và những khoảng trống trong đời mình. Khẩn thiết như cốt tủy. Và tôi biết, chính bà đã làm hiện hữu tôi bao la thinh lặng hơn. Sâu thẳm hơn. Nhưng cũng đầm đìa hơn bởi một tình yêu vồ vập và những ham muốn tình dục tràn trề.

Tôi đắm chìm vào tôi, nhưng bản lai diện mục là gì và tôi cần chấm dứt cái sinh mệnh dở hơi này thế nào, để làm gì vẫn ám ảnh tôi.

Bà mẹ dân tộc bảo:

“Anh giống như con sâu đo hay con cuốn chiếu. Tóm lại anh chỉ là một loài sâu bận rộn với chính mình”.

Tôi choáng váng bởi nhận xét phũ phàng này. Tại sao tôi không thể thoải mái, vô tư tận hưởng cuộc đời này như bà?

Bà dạng chân ra bảo:

“Bú em đi”.

Minh triết của trần gian có mùi nếp sữa.

Tôi lại trôi đi như sóng. Cơn mưa chiều nay tăm tối. Tôi bị ướt. Mềm nhão.

Bà mẹ dân tộc nói:

“Em không hiểu tại sao em lại thích anh được”.

Tôi cũng không hiểu. Có thể chúng tôi đáp ứng cho nhau những khao khát chưa từng biết tới.

Tôi muốn đi đâu đó một mình. Vạ vật giữa nghìn trùng.

Bà ấy nói:

“Thế giới không đủ rộng lớn để tìm kiếm sự xa lạ”.

Quả thật, sự quen thuộc và những quán tính của đời sống như thể con người chỉ có một lịch sử được lặp đi lặp lại. Tôi muốn đái vào lịch sử.

Bà ấy lại bảo:

“Làm cho em sướng đi”.

Tôi ngồi trên mông bà và xoa bóp lưng cho bà ấy. Vai và cánh tay bà vẫn thon thả gợi cảm.

Bà ấy nói:

“Em thích cái kiểu cuộn cuộn”.

Tôi dùng mấy ngón tay cuộn từng miếng da thịt chỗ giữa sống lưng và hai bên theo chiều từ dưới lên, nhiều lần. Sự chuyển động của da thịt giống như khai hoang, vỡ đất.

Bà ấy nói:

“Đê mê. Bóp mông em nữa”.

Và tôi đã massage cho bà đến từng ngón chân.

Bà bảo:

“Lao động cho nên người”.

Việc ấy trở thành nhiệm vụ của tôi mỗi khi chúng tôi ngủ với nhau. Và cả hai chúng tôi đều vui sướng. Phục vụ và được phục vụ.

Theo một cách nào đó, quả thật tôi nên người.

Tôi nói:

“Em cần phải được gọi là mẹ”.

Bà cười:

“Anh muốn gọi em là gì cũng được”.

Từ đó, tôi gọi bà là “bà mẹ dân tộc”. Tôi được sinh thành trong tình yêu và sự đĩ thõa của bà.

Cơn mưa đầu mùa vẫn chưa dứt. Tôi vẫn như còn đang tắm mưa. Bà mẹ dân tộc là một cơn mưa khác, gột rửa và hồi sinh. Như thể tôi mãi mãi sơ nguyên. Và tôi tin bà mẹ dân tộc của tôi cũng cảm nhận được sự sơ nguyên tinh tuyền ấy.

Bà nói:

“Đôi khi, em thấy anh giống như trai tân”.

Tôi cười:

“Em can tội phá trinh anh”.

Bà ấy cũng cười:

“Phước cho anh được em khai hóa”.

Rồi bà lại trầm ngâm:

“Anh như một vực thẳm. Quyến rũ. Yêu anh là một cách tự hủy diệt”.

Nếu tôi là vực thẳm, thì liệu bà có phải là đỉnh núi để tôi ngưỡng vọng? Có điều gì đó không thể chạm tới, như vực thẳm và núi cao. Có lẽ cũng vì thế, sự hấp dẫn giữa chúng tôi với nhau dường như vô tận.

Quốc lộ 28 đi từ Đắc Nông qua Di Linh chen giữa cheo leo và mơ màng của núi và hồ. Nếu được chọn,đây sẽ là chỗ để tôi sang bên kia thế giới hay an nghỉ ngàn thu. Tôi nói với bà mẹ dân tộc ý nghĩ ấy, bà bảo:

“Nếu anh muốn, em sẽ mua đất dựng cho anh một cái cốc để anh an nghỉ với thiên cổ, nhưng đừng chết. Em không muốn chết. Và em cũng thích làm tình với anh giữa ngàn thu tịch lặng và những khoảnh khắc thơ mộng đìu hiu này”.

Nhưng thực tế nhất vẫn là dừng xe lại giữa đèo để đái và ngây ngất trong cảnh giới mấp mé hư ảo.

Đái là giải thoát.

Bà ấy bảo:

“Em cũng muốn đến cõi miền cực lạc”.

Chúng tôi cùng xuống xe. Trong khi tôi chọn đứng ở chỗ quang đãng để phong lưu nhìn ngắm thung lũng, bà kiếm chỗ kín đáo ngậm ngùi với mộ cỏ Đạm Tiên.

Giữa những điều to lớn hay khắc khoải siêu hình, đái là một giải pháp. Chẳng có gì vô duyên hơn chết vì vỡ bọng đái.

Có vẻ như những mặt hồ đang bị bỏ quên giữa rừng núi, câm nín và diễm lệ. Tôi muốn ngạo nghễ đái cầu vồng xuống bao la phía dưới nhưng không thể. May là cũng không đến nỗi ướt giày.

Tôi thích thú đi bộ luồn lách giữa những bụi cây. Mùi ngây ngây của rừng vẫn quyến rũ tôi. Và tôi nghĩ đây là lúc tôi có thể biến đi, không tăm tích. Nhưng tôi thấy sợ. Chán và mệt. Tôi quay lên. Vươn vai hít thở đầy lồng ngực không khí trong lành để lấy lại sức, tôi vẫn chỉ là kẻ hèn mọn.

“Anh muốn nằm xuống”.

Bà hỏi:

“Anh bị sao vậy?”.

Tôi bảo:

“Anh không sao. Chỉ là anh muốn nằm”.

Bà nói:

“Đừng nằm. Anh sẽ không dậy nổi. Ngồi xuống với em đi”.

Bà ngồi xuống với tôi, ôm tôi và hôn cổ tôi.

Tôi nhìn trời rồi lại nhìn xuống mặt hồ. Lòng tôi mênh mang quá. Tôi chưa muốn chết. Sự tịch lặng vĩnh cửu tràn vào tôi.

Bà đưa tôi một viên kẹo. Chất đường làm tôi tỉnh táo. Chúng tôi đứng dậy lên xe đi tiếp.

Chỗ nào đẹp, chúng tôi dừng lại. Chậm rãi nhìn ngắm. Chậm rãi hít thở. Chậm rãi hôn nhau. Tôi níu kéo cuộc sống.

Dẫu thế nào, tôi vẫn thấy cuộc đời đáng sống. Sự truy tìm ý nghĩa của nó vừa nghiêm trọng vừa nhảm nhí. Giữa nghiêm trọng và nhảm nhí là dở hơi, nhưng để thong dong vô tư lự cũng không dễ. Từ thế hệ này qua thế hệ kia, con người bơ vơ giữa vô tận và người ta không ngừng tìm kiếm một cứu cánh. Tình yêu trở nên khẩn thiết như một cứu rỗi, nhưng tình yêu với tôi dường như có dường như không. Tôi trở thành nạn nhân của chính tôi. Vạ vật.

Bà ấy lại nói:

“Không được bỏ em”.

Tôi cũng nói lại với bà ấy:

“Anh không muốn chết”.

Đấy là một điệp khúc mong manh ràng buộc chúng tôi.

Một cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống lưng đèo. Bà cho xe đi chậm lại. Rừng núi trở nên hoang mang.

Cũng hơi sợ, tôi nói:

“Có lẽ nên kiếm một chỗ rộng ngừng xe lại đợi cho bớt mưa. Trời còn lâu mới tối”.

Bà im lặng không nói gì. Một lúc sau, chúng tôi cũng tìm được một cái quán bên đường. Bước vào quán, chúng tôi kêu cà phê sữa nóng. Cà phê không ngon lắm nhưng vẫn sướng bởi độ nóng và chút hương vị ma mị của nó. Dẫu sao cũng đã an toàn, tôi nhìn bà trìu mến. Người đàn bà phong trần trong mắt tôi bỗng yếu đuối. Tôi muốn ôm bà. Quán nhìn xuống phía dưới là dòng suối mù mịt.

Người đàn bà trong quán hỏi:

“Ông bà có muốn ăn gì không? Quán có trứng, gà nướng và cơm lam”.

Tôi hỏi bà mẹ dân tộc của tôi:

“Mình ăn luôn nhé?”.

Bà gật đầu. Chỉ trong vòng ba mươi phút, đã có cơm lam và gà nướng thơm phức. Cơn mưa cũng đã tạnh. Tuy chẳng có gì vội, nhưng chúng tôi cũng ăn nhanh để có thể đến Bảo Lộc trước khi trời tối.

Không phải lần đầu đi cung đường này, nhưng đi với bà mọi cảm giác của tôi đều khác. Nó là một cuộc phiêu lưu khác của tâm tưởng về cõi miên viễn của cái chết và tình yêu. Lần đầu tiên, tôi sợ mất bà.

Ở một nơi lành lạnh, nhàn nhạt như Bảo Lộc, không thể không uống cà phê vào buổi sáng và sữa đậu nành nóng vào buổi tối. Tuy thế, cũng không nên uống hai thứ đó với đường. Cái ngọt sẽ làm cho trời đất vốn đã phai nhòa lại thêm thớ lợ. Cũng may, đấy là gu của bà. Sau khi nhận phòng khách sạn, tắm rửa, chúng tôi ra phố tìm sữa đậu nành. Lề đường, khúc cuối nhà thờ chính đã có rất đông người ngồi. Mỗi người hai ly, sữa đậu nành bùi. Sướng thỏa và tỉnh người. Đi bộ qua vài con phố cho Bảo Lộc thấm vào người, bà ấy muốn vào ủ trong quán bar.

Bù Khú nằm trên một con dốc giăng đầy đèn xanh đỏ. Lòe loẹt hình như là một thể loại để xác định những chỗ vui chơi. Chúng tôi uống rượu cho đến khi buồn ngủ.

Gần sáng, qua một vài cơn mơ đứt khúc, tôi ôm bà từ phía sau và hứng. Nhưng bà vẫn ngủ vì mệt.

Trong quán cà phê có tầm nhìn rộng, chập chùng đồi núi và nương rẫy, bà nói:

“Tối qua uống rượu, em nhớ những ngày còn bán bia ôm, thấy thương mình ghê gớm. Em không mặc cảm gì, nhưng em không muốn làm tình với anh trong tâm trạng của một gái bia ôm”.

Tôi đặt tay trên đùi bà bóp nhẹ.

“Lẽ ra, anh đã hiếp em đêm qua, nhưng cũng tự dưng anh ngại ngùng”.

Không phải giấc mơ nào cũng đẹp.

Bất ngờ bà ấy nói:

“Nếu má em còn sống, không biết má có thích anh không”.

Tôi im lặng không phản ứng gì, bà tiếp:

“Ngày xưa, má và em vẫn tiếp chung một người đàn ông”.

Tôi bảo:

“Anh là rể ngoan”.

Bà nói:

“Má em háo thắng lắm. Đôi khi má cũng ghen với em. Em thây kệ. Em sống đời em, những gì cần để gọi là báo hiếu thì em cũng đã làm. Em không biết có phải vì thế mà em cũng không muốn có con không”.

Tôi bảo:

“Anh cũng chưa từng nghĩ mình cần một đứa con để nhờ cậy lúc tuổi già hay nối dõi tông đường. Anh không muốn đòi hỏi gì ở người khác, kể cả một đứa con”.

Câu chuyện trở nên buồn bã, mặc dù đấy không phải là những điều tôi quan tâm, cũng như bà. Tôi nghĩ sống và chết đời mình cũng đã quá đủ.

Trời trở lạnh. Tôi khoác lên vai bà chiếc áo ngoài tôi đang mặc. Chúng tôi kêu thêm cà phê. Hình như sắp mưa. Quán không còn ai. Gió bắt đầu thổi. Thật thú vị, vẻ đẹp u buồn của trời đất làm tôi xao xuyến.

Bà nói:

“Ôm em đi”.

Tôi kéo sát ghế ngồi cạnh bà, nhìn mưa đổ hạt. Cô chủ quán mang cho chúng tôi bình trà nóng.

Khuôn mặt bà nhòe nước mắt.

Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra trong lòng bà. Tôi chùng xuống và muốn ôm bà nhưng không thể, không phải vì ở nơi công cộng. Dường như có một khoảng cách không vượt qua nổi, dù đó chỉ là một ý nghĩ. Chúng tôi như hai ngôi sao đơn độc.

Chúng tôi ngồi rất lâu cho đến khi bụng đói. Vào quán cơm gà ở khu trung tâm, cơm ngon khiến chúng tôi dễ chịu hẳn.

Tôi bảo:

“Bảo Lộc dễ thương”.

Bà nói:

“Nó êm đềm quá mức cần thiết”.

Khi trở về, bẵng đi một thời gian rất lâu, chúng tôi không gặp nhau.

Trong số quán vẫn đi ăn sáng, tôi không chỉ thích món bánh canh cá lóc rau đắng nhất mà còn thích đôi chân thon đều dưới chiếc váy ngắn của cô gái bán hàng ở đó. Có thể cô không biết gì về việc tôi vẫn thích nhìn ngắm đôi chân của cô ở ngang tầm mắt, nhưng tôi luôn được tưởng thưởng bằng sự ân cần của cô. Dĩa rau dành cho tôi bao giờ cũng đầy. Tôi đáng được tội nghiệp chăng?

Cô nói chú cần ăn nhiều rau, rau đắng tốt lắm. Tôi không biết rau đắng có tốt không, nhưng tôi thích lòng tốt của cô. Tôi bảo, tôi ít có cơ hội ăn rau. Cô hỏi sao thế? Tôi nói vì tôi lười đi chợ. Cô lại hỏi không có ai đi chợ cho chú sao? Tôi bảo không. Nhờ thế, mỗi khi ăn sáng ở quán cô, tôi còn được cô gói cho ít rau đủ thể loại, khi giá sống, khi rau muống chẻ cho đến xà lách, rau đắng mang về. Đôi khi cô còn tặng tôi cả trái cây.

Tôi phải đáp đền cô thế nào? Tôi bảo giá như tôi có một người như cô. Cô bảo, thuê cô làm ô sin đi. Tôi cười bảo, ô sin tôi không có tiền trả, nhưng tôi cần một bà chủ hơn. Thế là cô không nói chuyện với tôi nữa, từ bữa ấy.

Đúng lúc bà mẹ dân tộc của tôi quay lại, bà lục tủ lạnh, nhìn thấy gói rau, bà hỏi:

“Rau anh mua à? Siêng vậy?”.

Tôi nói của con bé bán bánh canh cho.

Bà sựng lại:

“Sao nó lại cho anh?”.

Tôi bảo:

“Tại nó thấy anh không có rau ăn”.

Bà hỏi tiếp:

“Nó tới đây hay sao?”.

Tôi bảo không.

Bà vẫn hỏi:

“Sao nó biết anh không có rau? Sao nó lại cho anh?”.

Tôi nói:

“Cũng tại chuyện cà kê dê ngỗng ở quán thôi”.

Bà trở giọng khó chịu hơn:

“Anh tán tỉnh nó hả?”.

Tôi bảo:

“Không, chuyện đãi bôi vậy thôi”.

Bà nói:

“Anh coi chừng”.

Bà vất gói rau vào sọt rác. Tôi không vui, nhưng không nói gì. Phụ nữ ghen thì cứ để họ ghen.

Tôi mới mua cái võng. Nằm đu đưa như không có chuyện gì, lát sau bà mang cho tôi một ly cam vắt.

Tôi nói:

“Không ai có thể thay thế em”.

Chúng tôi nằm đối diện nhau trên võng. Tôi bóp chân cho bà.

Bà nói:

“Gần nhà em có đám ma. Em qua đây tị nạn ít ngày”.

Có lẽ không ở đâu, đám ma lại man rợ như Việt Nam. Kèn trống và ca hát ầm ỹ như rước quỷ. Suốt ngày suốt đêm. Không chỉ vì không chịu nổi cái dàn âm thanh giết người ấy, mà còn là cái cách người sống ứng xử với người chết, mê muội và phô trương, khiến bà kinh tởm.

Thế là tôi lại được ăn ngon giữa những cơn hứng tình dạt dào.

Bà kể, vừa qua bà được người ta thuê làm event rửa tay gác kiếm cho một quan chức lớn về hưu. Người thuê bà yêu cầu một chất lượng “đỉnh của đỉnh” và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của bà.

“Em cũng hơi ngạc nhiên. Em hỏi người môi giới sao biết và tìm tôi ở đây. Anh ta bảo chúng tôi biết từng bước đi của bà, nhất là người đã tạo ra hai kỳ quan, cao tốc lên đỉnh trời ở ngoài Bắc và ngôi chùa huyền hoặc ở Côn Đảo”.

Tôi nói:

“Cái gì họ cần biết thì không ai giấu được”.

Bà hỏi tôi:

“Anh có thể tưởng tượng “đỉnh của đỉnh” là như thế nào không?”.

Tôi nói:

“Thật ra, cũng khó biết thế nào là đỉnh. Vấn đề là sở thích”.

Bà cười:

“Đúng. Và em đã hỏi người môi giới, ông ta thích là “vua của các vua” hay muốn là thần thánh?”.

Người môi giới nói để anh ta hỏi lại. Hai ngày sau anh ta cho biết, ông chủ đã nói nguyên văn thế này: “Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, vua của các vua thì cũng đến lúc chết. Chỉ có thần thánh là bất diệt”.

Ăn chơi, gái gú xưa rồi.

Sau đó em được đưa tới gặp trực tiếp người muốn bất diệt. Quả thật, ông ta không phải dạng vừa. Muốn làm thánh thì em cho làm thánh. Em đưa ra hai option, một là sẽ dựng ông ta lên như một giáo chủ với đầy đủ tín lý học thuyết, hai là nhập tượng bồ tát như lai gì đó bằng chân dung ông ta trên núi. Tất nhiên phương án một sẽ mất thời gian và tốn kém hơn. Em cũng đã dự kiến trong đầu sẽ thuê anh làm chuyện này.

Tôi chỉ biết cười thay vì khóc thét.

Tôi hỏi:

“Cuối cùng ông ta chọn phương án nào?”.

Bà nói:

“Ông ấy ngông cuồng nhưng vẫn tỉnh táo, ổng khen ý tưởng tốt. Về phương án hai ổng có thể tự thực hiện được. Ông ta quá khôn ngoan để cắt hợp đồng với em ngay lúc đó. Tuy nhiên, ông ta vẫn đàng hoàng hỏi em muốn lấy bao nhiêu? Em bảo em chỉ muốn được an toàn sống tới già thôi. Em cũng đâu có ngu”.

Tuy nhiên bà vẫn được tặng một chiếc xe hơi nhãn hiệu Đức màu huyết dụ tinh tế hợp mệnh. Và tôi cũng hiểu không nên bép xép về thú vui của các ông lớn.

Tôi bắt đầu chú ý tới chung quanh hơn. Tôi hiểu thêm rằng, tôi bị soi mói kỹ lưỡng không chỉ bằng camera phòng trộm cướp gắn trên cột điện trước nhà.

Khi bạn biết tất cả mọi hành vi và ngay cả ý nghĩ của bạn đều được quan sát và lưu trữ, bạn sẽ sống như thế nào?

Tôn giáo và toàn trị trở thành một. Bạn chẳng còn cách nào khác là kệ mẹ nó.

Chúng ta không những cần thoát ra khỏi mọi khổ lụy của cuộc sống, mà còn phải thoát ra khỏi chính mình. U mê tuyệt đối và minh triết tuyệt đối cũng chỉ là một. Ở giữa là luân lý đạo đức đần độn. Con người hành hạ nhau vì giáo điều.

Đôi khi chúng ta vẫn lầm tưởng về sự lựa chọn của tự do. Nhưng thực tế cũng chỉ là một lộ trình của định mệnh. Rồi chúng ta chết với cái nghiệp đó.

Chúng ta an ủi nhau bằng tình yêu và những ý nghĩa vớ vẩn. Tôi chia sẻ với bà mẹ dân tộc của mình tất cả những ý nghĩ ấy, nhưng bà bảo bà không quan tâm, bà chỉ lo lắng cho sức khỏe của tôi thôi.

Tôi nhìn thấy ở bà sự vô tư, bất cần nhưng vẫn luôn đầy lòng trắc ẩn.Tôi cảm thấy an bình hơn. Ít ra bà cũng là người thân thích của tôi, trong mọi tình huống. Tôi không mường tượng được đời tôi sẽ ra sao nếu không có bà, mặc dù, gần như cả đời tôi đã sống cô quạnh. Và dù có bà, làm sao tôi có thể hết cô quạnh khi tôi vẫn là một cõi tăm tối hư vô.

Hiện hữu là một nghịch lý. Giữa có và không, tôi không đủ xác tín về bản thể cũng như cứu cánh của tôi trong cuộc đời này.

Dẫu thế nào, tôi vẫn cần bà. Khi ôm bà, hôn hít bà, ngửi mùi bà… tôi mơ hồ một nguồn cội.

Chen giữa những cơn mưa là nắng gắt. Thời tiết oi bức làm tôi ngạt thở. Thỉnh thoảng nghe tin người này người kia bị bắt, nhân dân bị khủng bố, đất nước bị xẻ thịt. Quê hương thành quán trọ. Và tổ quốc chỉ là một khái niệm lừa đảo. Kẻ cơ hội và người khốn cùng. Văn minh và mọi rợ. Vòng xoáy nhân sinh đảo chiều. Bà bảo kệ mẹ chúng nó. Tôi nói không một ai ngoài cuộc.

Bỗng nhiên, tôi quên tất cả. Ký ức trống trơn. Tôi đang ở đâu và tại sao có mặt ở đây? Con người vẫn đi lại, nhưng đây là thế giới nào?

Không một dấu hiệu báo trước của cú đột quỵ đang đến. Tôi vội nhờ người đưa đến bệnh viện.

Huyết áp trên 18. Đo điện tâm đồ và thử máu. Truyền dịch và ngậm dưới lưỡi viên Captopril 25mg, kèm thuốc an thần và lợi tiểu. Sau hai giờ, trí nhớ phục hồi từng phần, và năm tiếng sau huyết áp xuống còn 15. Tôi xin về. Như giỡn chơi.

Giữa sống và chết là cái mong manh của hơi thở và nhịp tim đập hụt.

Hậu quả của cơn tai biến đó để lại cho tôi một cái đầu nằng nặng. Một thân xác nghiêng ngả và phập phù.

Não. Không phải lúc nào nó cũng thuộc về mình. Vì thế, đôi khi tôi sống bằng một sinh mệnh khác của ám ảnh. Hoặc tưởng như thế. Nhưng tôi không nghĩ mình là kẻ đa nhân cách. Cũng không hẳn là sự đánh mất mình. Có thể có một tôi dự phóng và một tôi của quán tính. Trở thành chính mình thật sự là một khái niệm hàm hồ.

Tôi chỉ muốn dưỡng não bằng những ý nghĩ nổi loạn. Nhưng nổi loạn thì đau tim. Bạn có thể bị ghép tội hình sự vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc phản động chống phá chính quyền. Sự lưng chừng phân vân biến bạn thành kẻ trùm mền bạc nhược. Nếu có một chút lãng mạn, bạn có nguy cơ lỡ chuyến đò trở thành kép cải lương.

Người ta thường tự an ủi, “thì thôi, vui là chính”. Vui được cũng còn là may. Đò ngang hay đò dọc thì cũng có nghĩa là buông mình cho kẻ khác.

Buông. Minh triết đôi khi cũng trở thành trò lập lờ đánh lận con đen của những kẻ rảnh háng.

Nghĩ lại. Rồi lại nghĩ lại về tất cả mọi vấn đề thường ngày của cuộc sống, tôi không biết mình đã lẩn thẩn chưa. Nhưng có điều chắc chắn rằng, với tôi, những chuẩn mực về giá trị vốn được coi là vĩnh cửu cũng tùy tâm, tùy thân, tùy thời. Bởi thế, tôi ít bận tâm phải sống như thế nào, mặc dù không ai có thể buông thoát khỏi những hệ lụy văn hóa đạo đức.

Bà mẹ dân tộc khoe:

“Tụi bạn em rủ tham gia nhóm Phụ Nữ Nhà Giàu Cô Đơn. Làm em cười quá trời”.

Tôi hỏi:

“Giúp nhau hết cô đơn à?”.

Bà nói:

“Đại khái vậy. Chia sẻ những phi công trẻ tài năng”.

Tôi bảo:

“Cũng vui mà”.

Bà nói:

“Em đâu cần thứ đó. Mà thích thì chơi chứ cần gì hội nhóm”.

Tôi bảo:

“Bầy đàn cũng là một nhu cầu”.

Bà nói:

“Đám này có tới vài chục ngàn thành viên. Dù sao em cũng công nhận rằng, đú đởn cũng phải có bạn bè mới vui”.

Chậm rãi, bà nói tiếp:

“Anh không phải là tất cả thế giới đàn ông, thậm chí nhiều cái chưa đạt chuẩn đàn ông, nhưng anh là một người đàn ông đích thực em cần”.

Tôi cười:

“Để em trở thành bà mẹ dân tộc vĩ đại, phải không?”.

Bà lắc đầu:

“Không, không. Không bao giờ em có ý nghĩ trở thành một bà mẹ, dù là mẹ của anh hay một đứa bé nào đó”.

Điều đó hiển nhiên, nhưng có vẻ như tôi vẫn là một đứa bé. Tôi cầm tay bà hôn. Bàn tay mềm hơi xanh, truyền cảm chất chứa. Tôi hôn mu bàn tay rồi tôi lật ngược hôn lòng bàn tay và giữ nguyên như thế một lúc lâu. Không thể khác, tôi vẫn muốn bà mẹ dân tộc là mẹ tôi.

Tôi chợt nghĩ, tại sao tôi lại không thể là đứa con hoang của bà? Qui luật hay lô-gic là cái mả mẹ gì.

Như thể trời mưa rất to. Tôi nghe nước đổ dồn dập. Tôi chìm trong nước. Mịt mù. Bà kéo đầu tôi lên.

“Nghe đây. Anh phải hứa với em không được chết”.

Hình như tôi đã hứa nhiều lần. Tôi không được chết. Điều ấy cũng không phải vô nghĩa.

Một người bạn chỉ tôi một số phương pháp luyện tập thân thể, nhưng rồi anh ta đã chết trước tôi. Tôi muốn sống. Rất nhiều người từng nói về ý muốn “đi trọn đường trần”, theo những cách khác nhau về “đường trần”, tôi chỉ thấy buồn cười. Dẫu sao, cũng chỉ là một cách sống. Tận cùng tôi có là một đường trần? Cơn mưa sẽ không bao giờ tạnh. Nước đổ ào ào như trời sập. Tôi vẫn chìm trong nước. Bà nâng mặt tôi lên và hôn. Tôi thích những nụ hôn ướt át đầy nước bọt. Cơn mưa lại dìm tôi xuống. Mưa là một cảm xúc. Và mưa không có mùa.

Bất khả và bất chấp. Giới hạn và không giới hạn. “Đường trần” của tôi là một bài ca vọng cổ đủ sáu câu trước khi lìa đời. Và tôi trần trụi, trơ trọi. Trôi đi.

Tôi nói với bà mẹ dân tộc:

“Anh muốn chúng mình sống khác đi”.

“Nghĩa là sao? Anh muốn bỏ em hả?”. Bà ấy lồng lộn.

Tôi vội giải thích:

“Làm sao bỏ em được. Anh chỉ muốn thay đổi theo cách là tổ chức lại cuộc sống, cho cả anh và em”.

Bà bảo:

“Anh bận tâm làm gì. Cuộc sống tự nó sẽ điều chỉnh để thích nghi, để phù hợp”.

Tôi nói:

“Anh cũng không biết anh có đang sống không nữa”.

Bà xoa đầu tôi:

“Anh lại bi quan rồi. Để em tính”.

Hai tháng sau, bà đưa tôi đến một tiệm sách và nói:

“Đây là của anh. Và công việc của anh là làm ông chủ. Mọi thứ cứ để nhân viên làm”.

Công việc kinh doanh kiếm tiền không phải là của tôi. Tiệm sách trở thành thư viện của tôi. Nhưng người đọc sách chăm chỉ nhất lại là cậu nhân viên giao dịch. Trao đổi sách và tìm kiếm sách mới đều do cậu quyết định. Tôi thích cái gu đọc sách của cậu.

Cũng vẫn là kẻ vô tích sự, nhưng ít ra tôi tìm thấy niềm vui khi nhận ra những người trẻ khao khát tri thức. Tuy nhiên, tôi không muốn làm quen hay nói chuyện với ai.

Tôi chán tất cả nhân loại.

Bà hỏi tôi:

“Sao anh lúc nào cũng dọn đường để chết vậy? Tại sao không tích cực hơn để sống với em?”.

Tôi nói:

“Anh không thể thiếu em”.

Bà nói:

“Anh chỉ nghĩ đến anh. Còn em thì sao?”.

Tôi nghĩ bà ấy có cả thiên hạ, nhưng không dám nói.

“Anh vẫn nghĩ đến em như một phần của anh”. Tôi bảo.

Bà ấy thừa thông minh để hiểu rằng tôi không yêu bà ấy như tôi nói.

“Cứ như là thuyền và biển ấy nhỉ”. Bà mỉa mai tôi.

Không muốn biện hộ hay giãi bày lôi thôi, tôi bảo:

“Dù thế nào, em cũng đã làm cho anh trở nên có ý nghĩa”.

Một cách để thay đổi đơn giản nhất là kiếm một chỗ ngồi ăn mới. Tôi nói với bà ấy:

“Tự dưng anh anh thèm món canh cá rô dễ sợ”.

Bà hỏi vẫn kiểu chọc ghẹo:

“Nhớ mẹ à? Có định méc mẹ không?”.

Tôi bảo tôi là một thằng cha không có nguồn gốc.

Bà ấy nói:

“Em biết có một người nấu canh cá rô ngon nhất Việt Nam, có dịp em sẽ dẫn anh tới đó. Bây giờ thì kiếm cái quán cơm Bắc ăn đỡ vậy”.

Chúng tôi ra xe. Suốt đường đi bà không nói gì.

Tôi bảo kiếm cái gì khác ăn cũng được, vì tôi biết bà không thích món ăn Bắc. Chúng tôi đến một quán của người Đài Loan. Vẫn là cơm kiểu gia đình, có lẽ lạ miệng, tôi thấy ngon.

Tôi không biết gì về Đài Loan, ngoài một đất nước đáng được kính trọng vì sự văn minh và tính kiên cường của họ. Nhưng bà mẹ dân tộc của tôi thì biết khá nhiều, đặc biệt về ẩm thực. Bà ấy đã từng sống bên đó một thời gian để làm gái, không kể những chuyến đi lại sau này làm việc với ông kiến trúc sư kiêm thầy phong thủy, người đã thiết kế ngôi chùa ở Côn Đảo.

Bà còn cho tôi nếm thử nhiều món ăn khác của người Hoa, từ ẩm thực của người Quảng Đông đến Bắc Kinh. Tất cả đều ngon, nhưng điều thú vị nhất với tôi lại là phát hiện về tính cách của các ông chủ quán người Hoa. Nói chung, họ đều toát ra cái vẻ cần cù khiêm cung. Trong khi ấn tượng của tôi về người Hoa là những hình ảnh văn học ngất ngưởng kiểu Lý Bạch bợm rượu, hay những kiếm khách coi trời bằng vung.

Ra đường nhiều hơn cũng có nghĩa là ít ngột ngạt hơn. Nhưng không phải vì thế mà tôi bớt suy nghĩ lẩn thẩn. Tôi vẫn mong muốn làm thế nào có thể chết như một quả pháo thăng thiên. Nhanh và đẹp. Cuộc sống vốn đã quá rườm rà, lê thê. Mọi thủ tục hay quan hệ xã hội đểu phiền hà, nhàm chán.

Nhưng trước khi chết, dù thế nào cũng phải sống cái đã. Với một người già và bệnh hoạn thường xuyên như tôi, không phải chỉ cần sự yên tĩnh mà tôi cũng cần niềm vui, từ tinh thần đến thể xác.

Tinh dịch tôi tràn trề.

Khi cho bà mẹ dân tộc uống thứ nước nhờn có mùi tanh của mình, tôi mường tượng những mầm sống ấy sẽ tung tăng trong huyết quản bà. Tôi không cần lưu truyền nòi giống. Tôi muốn mình được chấm dứt vĩnh viễn.

Niềm vui là không bận tâm điều gì.

Tôi đến tiệm sách mỗi ngày như kẻ rỗi rãi la cà. Những cuốn sách dạy làm người bán được nhiều nhất. Các triết gia vẫn bị dè bỉu ở quê nhà nhưng xem ra con người vẫn không ngừng đi tìm sự khôn ngoan. Tuy nhiên, những con mọt sách thông thái vẫn thường bị rối loạn kinh mạch. Dở hơi.

Như bị tự kỷ bất chợt, các thể loại tri kiến dồn ép tôi đến độ không chịu nổi. Tôi cần phải chạy thoát khỏi chỗ này.

Tôi nói với bà:

“Anh trả tiệm sách lại cho em”.

Sự trống trơn mới là nhu cầu của tôi. Nhưng tôi không lường được phản ứng của bà ấy.

“Anh điên à?”.

Tôi không thể giải thích. Bởi tôi biết, càng giải thích, tôi càng trở nên điên hơn. Tôi nói như một kẻ vô tích sự:

“Anh không thích sách vở. Chỉ nhìn thấy nó, anh cũng rối loạn”.

Bà ấy vặn lại:

“Sách vở đầy trong nhà anh là giấy chùi đít hết à?”.

Tôi cười trừ:

“Có lẽ đến một lúc nào đó thì cũng nên thế thật”.

Bà ấy bảo:

“Anh hết thuốc chữa”.

Bà ngúng nguẩy bỏ đi.

Tôi cũng không ra tiệm sách nữa.

Dù thiếu bà và không còn bận bịu gì với công việc, tôi cũng không thể trở nên trống rỗng như tôi muốn. Thiếu bà, lòng tôi lại đầy lên những mong đợi. Bà hoàn toàn cắt liên lạc với tôi.

Tuy nhiên, người quản lý nhà sách vẫn đưa tiền cho tôi theo định kỳ hàng tháng. Tôi cũng chưa biết tính sao với số tiền ấy.

Ba tuần sau, bà quay lại.

“Em đi Đài Loan để tìm thầy phong thủy cho một cớm”.

Bà cho tôi mấy hộp an cung ngưu hoàng và đông trùng hạ thảo do ông thầy phong thủy tặng. Coi như không có chuyện gì, tôi ôm bà trong lòng. Hân hoan.

Chúng tôi ra tiệm sách, sau đó đi ăn. Có phải tôi chỉ là kẻ đi dạo trên mặt đất này không?

Những cơn mưa kéo dài từ ngày này qua ngày khác tưởng như sẽ không bao giờ dứt. Nước đổ về từ thượng nguồn làm thành phố ngập lụt. Tôi nằm nhà như con sâu. Bà lặn lội đến và che chở tôi giữa hai bầu vú êm ấm.

Khi làm tình, tôi gọi bà là mẹ.

Không biết làm gì ngoài việc nấu ăn và ôm nhau.

Con đập lớn nhất vừa bị vỡ. Nước tràn vào nhà. Tôi không biết phải dọn dẹp như thế nào, mặc kệ chờ cho nước rút.

“Nếu nước tiếp tục dâng lên thì sao nhỉ?”. Tôi nói với bà như tự hỏi mình.

“Em chẳng muốn nghĩ gì cả”. Bà nói.

Tôi cũng không muốn nghĩ thêm. Ít ra, trong lúc này, tôi có bà.

Cùng lúc ấy, một dịch bệnh mới vừa xuất hiện tại Trung Quốc, lây lan nhanh và không có thuốc chữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, trận dịch đã bao phủ khắp mặt đất. Mỗi ngày có hàng ngàn người chết. Các thành phố bị phong tỏa. Biên giới các quốc gia đóng cửa. Giãn cách xã hội, và cuộc sống ngừng đọng.

Một cách giam hãm khác khu biệt mọi hoạt động con người. Tôi tự hỏi đây là tai nạn của thế giới hay sự trả thù của thiên nhiên? Có thể mọi thứ sẽ khác đi để thích nghi với tình huống mới hay sẽ là khởi đầu cho sự tàn lụi?

Tình yêu trở thành chỗ an trú cho sự chạy trốn của đời sống, tôi không biết làm gì hơn là ôm ấp bà và để bà ôm ấp. Tôi cũng không biết mình chờ chết hay hy vọng điều gì.

Cuối cùng những cơn mưa lê thê cũng chấm dứt. Bà thuê người dọn nhà cho tôi.

Dịch vẫn tiếp diễn. Thất nghiệp tràn lan và lòng nhân từ nào cũng có giới hạn. Cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn.

Tiệm sách của chúng tôi cũng ế ẩm. Có nhiều thì giờ bên nhau hơn, cũng có nghĩa là chúng tôi đi chơi nhiều hơn. Không chỉ để nhìn ngắm phong cảnh và hòa giải với trời đất, sung sướng nhất là được hít thở không khí trong lành giữa rừng hay bên bờ biển giống như một cơ may để thanh lọc thể xác và nuôi dưỡng tâm hồn. Đôi khi, tôi nghĩ đến một tầng trời khác. Một loài người khác trong suốt như một loài sứa. Tình yêu và dục vọng là một, thuần khiết linh thiêng không bến bờ.

Tuy nhiên, tôi đang sống những ngày ẩn dật khép kín nhưng cũng phơi mở đến cùng tận. Khi ôm bà, tôi chỉ muốn chui vào trong bà hư vô hóa nỗi tuyệt vọng vô nghĩa của đời sống, như cách tôi tự phóng thích mình khỏi những giam hãm phi lý và ước lệ. Tôi cảm thấy mình thật hơn. Và đáng sống hơn.

Bà nói:

“Em không biết tại sao lại có thể yêu anh được”.

Tôi chẳng có gì “ngon lành”. Thậm chí hơi tệ. Tôi cũng thật sự không biết tại sao tôi lại cần bà đến thế. Không hẳn vì chúng tôi thích dâm đãng.

Cho dẫu thế nào, tôi cũng không thể tránh được cảm thức mình đang sống những ngày cuối cùng. Không phải vì dịch bệnh lây lan đe dọa mạng sống chúng ta một cách trực tiếp, tự tôi dường như cũng đã đến mép bờ của sự chết.

Không hãi sợ. Nhưng tôi cũng không thể tránh khỏi nỗi xao xuyến trước sự thật của cái chết.

Tôi nói với bà:

“Anh không mường tượng được nếu ngay lúc này không có em, anh sẽ thế nào”.

Bà bảo:

“Thì anh lại kiếm một con mụ khác”.

Chẳng có gì nghiêm trọng. Tôi bật cười.

Bầu trời ảm đạm. Sông đầy. Nước đứng mênh mang làm tôi cảm hoài một điệu vọng cổ của lưu vong kiếp người.

Tôi nói:

“Khi nào thu xếp được, theo ghe thương hồ ngao du một chuyến phương Nam chắc thú vị lắm”.

Bà bảo:

“Muốn đi thì đi thôi. Nhưng em ngại rồi anh sẽ chán. Nằm trên ghe tù túng quẩn chân buồn lắm”.

Tiếng máy nổ đều đều làm vỡ từng mảng không gian hiu hắt có lẽ không phải là điều dễ chịu. Tôi từng lau lách qua miệt vườn sông nước Cà Mau, chết đuối với thiên cổ.

Cuộc sống cần được buông thả như mây trời. Nhưng cuối cùng con người cũng đến để ràng buộc nhau. Tự do và cái đẹp được đúc khuôn.

Tự dưng, tôi muốn nhảy xuống nước. Vùng vẫy và lờ lững. Nhưng tôi vẫn ngồi yên đó. Cầm chai nước lọc tôi đổ lên mặt.

Bà nói:

“Ướt át gợi cảm quá đỗi”.

Nhắm mắt, tôi thả trôi tôi bồng bềnh đến vô tận. Mường tượng bà đang liếm khuôn mặt tôi. Một xác chết.

Mở mắt ra, tôi thấy mình đang ngủ gục trong lòng bà. Mùi bà nồng cỏ dại. Bà bảo tôi như một đứa bé. Có lẽ thế, lúc nào tôi cũng muốn gọi bà là mẹ. Mưa nguồn thác lũ của tôi.

Bà gãi đầu cho tôi. Con sông chảy qua thành phố mang theo nỗi buồn của những giề lục bình trôi vô định. Tôi nhắm mắt ngủ tiếp giữa thinh không vắng lặng. Chiếc nôi của đời tôi dường như chỉ là một khoảng trống.

“Em chợt nhận ra, anh chính là sự êm ả mà em vẫn đi tìm”.

Có lẽ đấy là điều chân thật nhất của một người sống giữa sóng gió và sự trá ngụy của những chân lý. Tôi ôm bà chặt hơn.

“Con yêu mẹ”.

Bà cúi xuống hôn tôi. Dòng sông chảy qua tôi tràn bờ.

Tôi có đủ can đảm để chọn cho mình một cách chết hay không? Tôi vẫn tự hỏi nhưng chưa bao giờ trả lời cho mình. Dường như mọi dũng khí của con người cũng chỉ là để sống và chết thuận theo tự nhiên.

Người đàn bà của tôi giống như mặt đất. Tôi cắm rễ vào và vươn lên cho đến khi tự tàn úa. Ý nghĩa hay vô nghĩa, chỉ là một cách nói.

Thế giới đang thay đổi. Tôi vặn mình đứng dậy. Làm vài động tác thể dục cho giãn người, tôi nói với bà có thể sẽ đến lúc người ta phải chọn lựa sống uy dũng một mình, hoặc gắn bó với một ai đó hoàn toàn khép kín. Thế giới đóng hộp và những tương quan xã hội được thay thế bằng những “avatar”. Các hoạt động kinh tế sản xuất sẽ do trí tuệ nhân tạo và các robot đảm trách. Hẳn nhiên, văn hóa đạo đức xã hội lúc ấy cũng sẽ khác. Nhưng tôi không mường tượng được tình yêu sẽ như thế nào.

“Có nghĩa là anh không tin tình yêu sẽ tồn tại?”. Bà hỏi.

Tôi nói:

“Anh không biết”.

Nghĩ đến những ngày sắp tới, tôi sẽ yếu hơn và bà sẽ già hơn. Sẽ cô đơn hơn. Cuộc sống sẽ đáng chán hơn, không chỉ vì sự tù túng mà còn là sự bất lực của bản thân.

Sự khẩn thiết được có nhau, sống bên nhau,vì thế không chỉ là tận hưởng mà còn là cánh chung của cuộc đời.

OK. Amen. Nhắm mắt đưa chân. Tôi ngã vào lòng bà.

Dịch cúm Vũ Hán không có dấu hiệu gì sẽ chấm dứt. Thậm chí, còn tạo ra những biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Cuộc sống như một cuộc chờ đợi cái chết. Nhưng trước khi chết, con người vẫn cần đẹp. Một cuộc cách mạng khẩu trang ra đời với những mẫu mã đa dạng mang một vẻ gợi cảm khác cho những khuôn mặt bị che giấu.

Bà mua khẩu trang cho tôi được thiết kế như cái quần lót, nói:

“Để anh luôn nhớ nguồn cội”.

Khuôn mặt con người được trang trí và mang tính biểu cảm sân khấu. Nhưng cũng chưa bao giờ con người lại bị kiểm soát chặt chẽ đến vậy. Mọi giao tiếp xã hội đều được hệ thống an ninh y tế theo dõi. Tôi chợt nhận ra, khẩu trang không chỉ dùng để tránh lây lan dịch bệnh mà còn là cách chống đỡ của con người trước sự soi mói xã hội, mặc dù chính sở thích các mẫu mã, kiểu dáng của khẩu trang đã tự tiết lộ những ẩn ức chính trị hoặc sinh lý của từng cá nhân. Đồng thời, đeo khẩu trang cũng là cách con người diễu cợt, đề kháng mọi săm soi thô lỗ của hệ thống.

Tôi nói:

“Vô thức và ý thức, những phơi bày và che giấu của con người với nhau, xét cho cùng cũng chỉ là sự hoài phí. Vô ích”.

“Ngay cả sự bận tâm của anh cũng không phải là sự hoài phí sao?”. Bà nhẹ nhàng búng vào miệng tôi.

Tư duy và tồn tại. Descartes không phải người đầu tiên cũng không phải người cuối cùng lẩm cẩm.

Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy mình cần phải tập thể dục.

Tôi đi bộ loanh quanh gần nhà, sau đó tập Dịch Cân Kinh. Mỗi cái vẫy tay, tôi muốn vất đi một điều gì đó. Nhưng “không còn gì” lại là điều khó nhất. Hít thở sâu, tôi vọng tưởng chan hòa trong trời đất. Cho dẫu đấy chỉ là một ý niệm, nhưng tôi vẫn cảm nhận được thanh khí trong cơ thể, nhẹ nhàng và đầy ân sủng.

Hàm ơn sự sống, những giấc ngủ đầy và cơn gió dịu dàng thổi qua cửa sổ, tôi mơ màng một cõi nhân sinh vô nhân ảnh.

Con người đã sai lầm khi đặt tình dục trong phạm trù tội lỗi và bản năng thú vật. Con người cũng không cần phải được thần thánh hóa bằng những khát vọng tâm linh. Sự thiêng liêng của con người vốn hằng hữu như bản chất của tất cả mọi sinh linh. Và sự thiêng liêng ấy được biểu hiện qua tình dục, động lực của sự sống và nhất thể hóa sự sống.

Tôi ôm choàng lấy bà. “Vừng ơi, mở cửa”. Tôi đạp chân tới chân trời và ba ngàn thế giới nổ tung. Chân như ứ hự. Mẹ ơi. Con ơi. Em ơi.

Không còn biết mình ở đâu, tôi như kẻ vô trọng lực.

Những người yêu nhau thì biết bay. Những bức tranh của Marc Chagall bảo thế. Hơn cả biết bay, tôi tan biến vào hư ảo trên các tầng trời và thấm xuống lòng vực sâu của hiện hữu.

Thấy tôi im lặng, bà hỏi:

“Anh có mệt không?”.

Tuy không mệt, nhưng tôi không muốn trả lời. Tôi muốn được im lìm như chết. Tận cùng tôi là người khác. Quả là một trải nghiệm bất thường. Nhưng đấy không phải vong thân hay tha hóa. Bất nhị là chuyển hóa và hợp nhất.

Bà bảo:

“Anh ngủ đi”.

Bà đứng dậy và đi đâu đó. Tôi ở lại một mình trong căn nhà u tối. Ngủ và ngủ. Tôi không muốn nghĩ ngợi gì nữa. Không phải chỉ có ba ngàn thế giới của chư Phật. Thế giới chồng lấn thế giới. Không có khe hở. Con người dập nát.

Có tiếng đập cửa và gọi tên tôi. Kệ mẹ mày. Nhưng người đập cửa không bỏ đi, họ tiếp tục gọi và hỏi ông có sao không? Sợ họ sẽ phá cửa tìm, tôi lười nhác chậm chạp bước ra.

Bà tổ trưởng dân phố nói lồm bồm trong cái khẩu trang:

“Ông đang ngủ à. Tôi xin lỗi. Tôi sợ ông bị gì”.

Tôi quạu:

“Bị gì là sao?”.

Bà tổ trưởng nói:

“Tôi sợ ông chết thối trong nhà chứ sao”.

Rồi bà dí vào tay tôi tờ giấy bảo:

“Đây là tờ khai y tế. Ông khai đầy đủ chi tiết, chút tôi quay lại lấy”.

Tôi đóng cửa ngủ tiếp. Ngày và đêm. Tôi như giẻ rách trong thùng rác.

Bà mẹ dân tộc của tôi trở lại và lôi tôi ra lau chùi. Thật ra, tôi vừa để lau vừa được lau.

Bà kể mới làm xong một event khá thú vị. Dạ hội hóa trang và bí mật. Để tránh lây nhiễm cúm tàu, tất cả khách tham dự đều phải bịt mặt kín chỉ để hở hai mắt. Khăn bịt mặt do chính bà thiết kế với dòng chữ “Tôi là của bạn” nổi bật ở giữa. Có đủ kiểu dáng và tính cách cho khách lựa chọn. Không ai biết ai. Tiệc buffet trong sảnh một biệt phủ có sân vườn rộng.

Cuộc chơi đầy thử thách. Bạn có thể thuộc về bất kỳ ai, cũng như bạn có thể sở hữu bất cứ ai.

Bà bảo tôi, anh có thể mường tượng nó đú đởn đến cỡ nào khi người ta đeo một mặt nạ để vất đi tất cả mọi mặt nạ khác.

Tôi cười nói:

“Em vĩ đại và quang vinh”.

Bà bảo:

“Sau đó, em phải tự cách ly hơn hai tuần bằng cách về quê. Chán nhưng cũng êm ả”.

Tôi nói:

“Đánh mất quê hương hay không quê hương, có khi còn thú vị hơn”.

Bà nói:

“Em cũng không cho quê hương là quan trọng. Ở đâu mình yêu thích thì đấy là quê hương. Nhưng những kỷ niệm thời thơ ấu thì không quên được và gọi nó là quê nhà có lẽ biểu cảm hơn”.

Thật ra, tôi cũng từng có một quê giữa cánh rừng miền Đông Nam bộ. Và quê nhà tôi đã biến mất trong chiến tranh, không một dấu vết. Tôi cũng có những hoài niệm về nó. Nhưng tôi chỉ muốn nhìn về phía trước hoặc không nhìn gì cả. Giữa mặt đất và bầu trời, tôi lưng chừng đảo lộn.

Bà rủ tôi về quê bà sống một thời gian cho an lành. An lành thì không chắc, nhưng tôi cũng muốn thay đổi.

Tôi nói:

“OK. Lúc nào chán thì về”.

Cũng chẳng có gì để thu xếp. Sáng hôm sau chúng tôi lên đường.

Không giống một ngôi làng, những căn nhà nằm rải rác trong những khu vườn rộng. Cây ăn trái bạt ngàn. Bà đưa tôi đến một căn nhà ngói có hàng hiên chung quanh, sân phơi và cây bồ đề lạc điệu. Vật trang trí duy nhất trong nhà là cái mõ lớn đặt trước bàn thờ Phật.

Bà nói, đây là ngôi chùa của em. Ở đây, anh sẽ phải ăn chay.

Tôi đùa:

“Có phải tình chay không?”.

Bà nói nghiêm túc:

“Chay luôn”.

Cũng bất ngờ, tôi chỉ biết cười. Bà mẹ dân tộc vĩ đại và vinh quang, người tổ chức thành công mọi cuộc vui, lúc nào cũng thú vị.

Phòng ngủ hai giường. Chúng tôi có thể nằm nói chuyện hoặc tịnh tâm. Tôi nghĩ, đĩ tính phổ quát.

Có tất cả mọi thứ rau củ quả trong vườn. Bà chỉ đi chợ mua thêm ít nấm và đậu hũ. Trong lúc bà nấu nướng, tôi thả bộ trong xóm. Được biết những cây cầu từ ngoài lộ chính vào đều do bà bỏ tiền tự làm. Vì thế, ai cũng quý mến bà. Và mọi người tôn trọng sự riêng tư của bà, một cách ngoại lệ.

Cơm chay làm cho người nhẹ nhàng, khinh khoái. Giữa vườn cây xanh mát, tôi tu như một ngọn cỏ. Phất phơ và độ trì thinh không.

Không thấy bà tụng kinh, nhưng thỉnh thoảng ngồi gõ mõ, tôi không nghe ra trong âm vọng tiếng mõ hiu hắt ấy điều gì trong lòng bà hồi hướng.

Chúng tôi như hai cái bóng biết cười nói.

Dẫu sao, điều quan trọng nhất là chúng tôi được thanh thản. Xét cho cùng tôi còn mong muốn điều gì khi ăn ngủ đụ ỉa viên mãn.

Vừa về đến nhà, chúng tôi được an ninh văn hóa mời làm việc.

Tiệm sách bị niêm phong đóng cửa. Lý do, công an phát hiện có một số sách in lậu được bày bán. Quả thật, tình ngay lý gian. Sách được trao đổi qua lại, chúng tôi không thể biết sách nào in lậu, sách nào in có giấy phép hợp lệ. May chỉ là một đầu sách tiểu thuyết ngôn tình, không phải phản động chống phá chính quyền hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Họ hỏi tôi có phải là tác giả không? Tôi bảo tôi không giỏi thế.

Tôi cảm nhận được mình trở thành đối tượng để an ninh theo dõi. Tuy cuộc sống không bị xáo trộn gì một cách cụ thể, nhưng tôi đã là một thực thể khác. Không chỉ là sự nhột nhạt, tôi như bị lột truồng trước công đường. “Điều gì các con nói trong tối sẽ được nghe trong ánh sáng, và điều gì các con thì thầm trong phòng kín sẽ được rao to trên nóc nhà”. (Luca 12.)

Cho dẫu có vắc xin cúm tàu hay không thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Không chỉ cúm tàu, có rất nhiều bệnh cũng như tai nạn để con người chết nhanh, chết nhiều. Sợ rồi cũng quen. Ngạt thở vì khẩu trang hay bất cứ điều gì khác rồi cũng quen. Thích nghi là một bản năng tồn tại. Nhưng trong nhiều trường hợp, thích nghi lại là điều làm cho con người trở nên tồi tệ.

Có những khác biệt giữa bà mẹ dân tộc và tôi. Nhưng tình yêu và sự chiều chuộng đã cải biến những khác biệt ấy thành sự san sẻ. Chúng tôi ít cãi nhau hơn. Vả lại, chúng tôi cũng hoàn toàn hiểu rằng, cuộc đời đã vốn ngắn ngủi và cuộc sống còn lại của tôi chỉ là một triển hạn. Vì thế, điều gì có thể làm được cho nhau hạnh phúc thì làm và không hối tiếc. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vui sướng. Đôi khi tôi muốn buông bỏ mọi sự, kể cả tình yêu của mình. Tôi không cho rằng, một mình là ngạo nghễ nhưng một mình cũng cần thiết như sự gắn kết với một ai đó, một cộng đồng.

Dẫu sao tôi cũng phân vân không biết có nên nói với bà ý định bỏ đi hay lẳng lặng tan biến.

Tận cùng tôi cũng chỉ là một huyễn hoặc.

9/2020

(Hết)

Nguyễn Viện và Thảo Mai Trên Dốc Gió

Nam Dao

A, bạn ta tiếp tục sáng tạo, cái định nghiệp của loại tằm ăn những chiếc lá dâu vương lại của đời. Lần này, bạn liều, cũng như nhiều lần, đụng những hình tượng tabou người đời tôn kính, là “bà mẹ dân tộc”. Bà rất dâm đãng (mẹ đĩ trong ngôn ngữ bình dân), quan hệ loạn luân (với tác giả Nguyễn Viện), nhưng bỏ tiền ra xây chùa trên Côn Đảo và nếu chưa có thì hẳn bà đã xây Lăng ở thủ đô. Vành trong vành ngoài bảy tám chữ, bà sử dụng với tay nghề, cụ Tiên Điền phải bật dậy thốt, thế thì ta chưa tả cho đủ cái nghệ thuật cao cả nhất của chúng sinh cõi này. Nhưng thôi, nói thêm sợ bị hiểu lầm là rao bán một tác phẩm văn học với giá rẻ của những kiểu cò mồi thời thượng. Chỉ xin tác giả và  độc giả lượng thứ cho sự hậm hực khiến kẻ ngu si này làm liều “một cú góp ý”: nếu tôi mà là tác giả (chắc khó, tác giả tài lắm), tôi sẽ  cho bà mẹ dân tộc đẻ rơi trăm con (trứng), đắm đò nhảy tòm xuống sông, miệng la lối chồng “thằng bần, con lớn, cái bé! Không, anh phải sống!”, rồi bơi tót vào bờ. Góp ý kiểu này, tôi giơ sẵn lưng ra chờ người ném đá.

Đọc tiểu thuyết, biết truyện, dĩ nhiên khoái cảnh này chuyện kia, tâm lý nhân vật nọ, rồi mạch văn, ngôn ngữ, nghệ thuật. Và sau rốt hỏi tác giả là người thế nào, nói gì, nói cho ai nghe, vân vân… Xin đừng cho tôi một bản lý lịch, nào là Nguyển Viện bị đuổi khỏi nghề báo nên xoay qua viết văn, Nguyễn Viện là một nhân vật phản biện không trung thành nên được an ninh chiếu cố… Nguyễn Viện nghĩ gì và là ai? Anh tự khai:

“Con người đã sai lầm khi đặt tình dục trong phạm trù tội lỗi và bản năng thú vật. Con người cũng không cần phải được thần thánh hóa bằng những khát vọng tâm linh. Sự thiêng liêng của con người vốn hằng hữu như bản chất của tất cả mọi sinh linh. Và sự thiêng liêng ấy được biểu hiện qua tình dục, động lực của sự sống và nhất thể hóa sự sống”.

Chính vì thế mà Nguyễn Viện ôm choàng lấy bà mẹ dân tộc, kêu lớn: “Vừng ơi, mở cửa”. Tôi (tức Viện) đạp chân tới chân trời và ba ngàn thế giới nổ tung. Chân như ứ hự. Mẹ ơi. Con ơi. Em ơi”.

Chúng ta vừa qua COVID-19 giai đoạn 1 và nay thì 2. Ở nơi tôi sống, đã tàn thu. Mùa đông về, lạnh sẽ -10 cho đến -20 độ C, và số người vô gia cư tăng hàng ngàn đến đáng sợ. Số nhiễm bệnh ngày một nhiều. Số tử vong cũng vậy. Nghe nói nay COVID chuyển thể, nàng COVID-20 sẽ thế nào, và rồi thế giới lại chạy đua tìm vắc xin mới sao?  Hy vọng, rồi băn khoăn thất vọng. Bao giờ hết dịch? Thế giới đang biến dạng, biên giới quốc gia dựng lên ngổn ngang  thay chỗ cho ước vọng toàn cầu hóa nay đang lui dần đi như ảo ảnh. “Bao giờ chết bảy còn ba/ Chết hai còn một mới ra thái bình”

Sấm truyền như một lời nguyền rủa. Thì thôi, đành đồng tình với Nguyễn Viện. Câu kết của Thảo mai trên dốc gió, anh viết: “Tận cùng tôi cũng chỉ là một huyễn hoặc”.

Vanitas vanitatum et omnia vanitas

18-10-2020