Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 8)

Tiểu thuyết Khuất Đẩu

LÃO TIỀN BỐI

9

Con nhỏ được các bác sĩ đông tây y gật đầu đồng ý không cần khám, vì trông cái thân hình rắn chắc khỏe mạnh tuy có hơi đen, cũng đủ biết là sức khỏe của nó quá dồi dào. Một nữ y tá cởi ngay chiếc bờ lu trắng tròng lên người nó. Một người khác cẩn thận hơn dẫn nó vào buồng lấy cồn thoa lên ngực khiến nó rùng mình. Bên ngoài, cụ chánh cũng đã được tháo dây truyền dịch và ống thở. Cụ cũng được làm vệ sinh miệng mồm, nhất là cắt bớt râu mép để khi bú con nhỏ khỏi bị nhột. Có tiếng nói dỗ dành, có thứ này ăn ngon lắm, ráng ăn nghe.

Con nhỏ định tháo chạy khi thấy một con gì chứ không phải con người, già nua và xấu xí đến phát khiếp. Người ta nói, không sao đâu, coi như ông ngoại ấy mà. Như cho bé bú, có gì đâu.

Nhưng thực ra đâu có dễ, nằm xuống bên cạnh kéo sát đầu một ông lão rồi vạch vú ra, là việc xưa nay chưa từng ai làm. Các vị bác sĩ và y tá vẫn loay hoay chưa biết tính sao. Đặt đầu cụ vào lòng nó cũng không được. Nó thà chết chứ nhất định không chịu làm thế. Sau cùng, một chị y tá có kinh nghiệm mời mọi người ra, đóng cửa lại. Chị kê thêm gối nâng đầu cụ lên. Con nhỏ sẽ đứng dạng chân phía trên đầu cụ, thòng ngực xuống, thế là có thể cho cụ “ăn”.

Và, nó đành làm cái việc lạ lùng khó coi đó, trong khi sữa chảy vào miệng cụ thì nước mắt cũng nhỏ xuống tong tong. Nó là đứa chưa biết nghĩ ngợi xa xôi, nhưng cũng cảm thấy xấu hổ cực nhục. Cụ chánh sau nhiều ngày nhỏng nhẹo không chịu ăn, sức khỏe cũng đã quá suy sụp. Cụ đang trong trạng thái lơ mơ của một người mà hơi lạnh của cái chết đã nhập vào từ chân lên đến gối. Cụ không nói được nữa, một phần vì những cái ống thở lỉnh kỉnh, một phần vì giận những cái trò mừng thọ rùm beng. Bao nhiêu năm chẳng ai thèm ngó ngàng tới, bỗng thằng cháu nội được đẩy lên chức bộ trưởng là y như rằng cụ đào được vàng.

Đang lúc cụ thoi thóp nghĩ tới bà vợ già thì một cái gì tròn tròn nhám nhám ấn vào miệng cụ. Rồi những giọt nước tanh tanh mằn mặn chảy qua lưỡi, trôi qua cuống họng. Cụ nghe ruột gan khô héo của mình được thấm ướt rồi nở ra, nở bung như những cánh hoa và đôi môi nứt nẻ của cụ tiếp tục bập bập, bập mãi một cách tham lam. Cụ lại đưa những ngón tay lỏng khỏng những xương với những cái móng dài co quắp lên sờ cái bầu vừa ấm áp vừa mát mẻ mà không buồn biết nó là cái bầu gì.

Thế là mỗi lần được “ăn” cụ cảm thấy người khá lên một chút. Như ruộng khô nứt nẻ bỗng có nước về, những rễ lúa ẩn sâu trong đất lại rộn rã tiếp sức cho cây lúa nẩy mầm xanh. Giờ, khi hai cái bầu tròn như hai trái cam vàng óng đong đưa trên mặt là cụ lại ấp iu mơn trớn trước khi ngậm hết cái này đến cái khác. Cụ bắt đầu tươi tỉnh với ý nghĩ sống đến 100 năm để được “ăn” cái thứ ngon ngọt quý hiếm này thì cũng thực đáng để mà sống, dù rằng suốt chặng đường dài đó là cả những lọc lừa gian dối nghĩ tới mà kinh.

Con nhỏ, sau những lúng túng, mắc cỡ rồi cũng quen dần. Tuy không cách gì quen được với ý nghĩ rằng đây là lúc đứa con bé bỏng của mình đang tóp tép bú, nhưng ít ra, để cho một người già yếu có thể kéo dài thêm sự sống, cũng khiến cho nó bớt đi sự xấu hổ. Chẳng riêng gì ông cụ, mà ngay cả một người nào đó sắp chết, nếu có thể cứu sống được bằng sữa của mình, nó cũng sẵn sàng cho người ta bú. Vì làm một việc nhân ái, nên dần dần nó cũng thấy mến ông cụ. Một đôi khi nó hài hước cười thầm, chẳng lẽ mình có một “đứa con” già đến như vậy sao! Sau khi cho cụ “ăn” xong, nó lại lau mặt, lau râu tóc, đùa chút chút với cụ như khi con no nê lại nựng nịu con.

Cô Thảnh thấy nó cho cụ “ăn” được, rất hài lòng. Cô cho ngay một chiếc xe xì cần hên như đã hứa và khi ông cụ ngủ, con nhỏ lại cỡi xe chạy nhong nhong đến thăm cái mộ bé xíu mới đắp của con. Nó ngồi ở đó rất lâu, như thể là có tội với con. Nó nói thầm, mẹ rất tiếc, nhưng biết làm sao được. Trời mùa thu xanh thẳm khiến nó buồn muốn khóc. Nó nhẩm tính chỉ còn có mấy ngày nữa là lễ mừng thượng thọ. Xong lễ thì nó sẽ cai sữa, ông cụ có sống hay chết thì mặc ông. Việc của nó đâu phải vắt kiệt xác ra để nuôi một ông già.

Nhìn ngực đầy đặn con nhỏ và cái cách cha mình bú thòm thèm, cô Thảnh cảm thấy gai gai. Bất giác cô đưa tay sờ lên ngực mình. Nó như một miếng da thừa càng làm cho cô thêm cay đắng, nhất là với một người đã gần 70 mà vẫn chưa biết đến một người đàn ông nào trong đời. Không hiểu sao hồi đó cô cay nghiệt đến như vậy. Chẳng những với mọi người mà còn với chính mình. Cô đã quên tất cả, chỉ biết hăng say theo đảng một cách ngu ngốc. Cô coi nhiệm vụ là trên hết, yêu đương là phản cách mạng.

Nhớ anh bộ đội ở trung đoàn 120, người mà mẹ cô chẳng những muốn nhận làm con nuôi mà còn muốn nhận làm con rể nữa. Anh ta trẻ, đẹp trai, con nhà tư sản, đã cùng với các bạn bỏ học nhảy tàu vào nam để tiếp sức cho kháng chiến. Anh yêu cô đắm đuối nhưng cô đã nói một câu mà anh lặng lẽ bỏ đi không bao giờ quay lại. Ấy là lúc trong một tối nọ, hai người âu yếm nhau, bàn tay anh lần xuống định cởi dây rút thì cô giữ lại. Cô nắm lấy cái bàn tay nóng hổi của anh như cái cách người ta bắt được một tên Việt gian đã xâm nhập vào vùng “tự do” để đánh phá cách mạng. Anh hỏi sao vậy em, cô hất bàn tay ra khỏi bụng, nói như thét: kháng chiến chưa thành công! Rồi cô đứng lên như cái cách người ta xử bắn xong những tên Việt gian ở gò Na!

Ôi chao, đợi đến lúc hai cuộc kháng chiến thành công thì cô đã thành một bà già rồi. Giờ có muốn cho không biếu không cũng chẳng có ai thèm. Tuổi trẻ đã vù qua mặt cô như một ánh chớp, để lại một cái lườm nguýt càng nghĩ càng thấm, càng thấm càng đau. Tất cả cũng vì mình theo đảng như một người lỡ ghiền thuốc phiện!

10

Khác với không khí êm ả rù rì thơm mùi sữa và chập chờn những ảnh những hình của những tháng năm xưa cũ, bên ngoài người ta rộn ràng dựng cổng chào, treo cờ phướn, xây lễ đài để đón chào ngày sinh nhật quang vinh thứ một trăm của lão cách mạng tiền bối Lê Trung Kiên (tên thật là Lê Gối, thứ chín). Xe mẹ, xe con, xe honda, xe đạp tới lui chóng mặt với đủ thứ còi thi nhau bóp và rung. Không khí trong làng sôi lên khi người ta tổ chức chơi bài chòi để nhớ lại cái mồ ma của gánh Thanh Bình ban, nhờ nó mà cách mạng mới thành công. Và tên những con bài Bạch Huê, Nọc Đượng, Văn Sách, Tứ Cẳng, ông Ầm, chín Gối, cả thanh và tục lại được xướng lên sau những câu hát ò ơ và tiếng trống tum tum. Hội nhà văn cấp tỉnh còn tổ chức cả một cuộc thi thơ và những câu đối hay nhứt được viết theo thư pháp, (có người gọi là ung thư pháp) với những con chữ nghiêng ngửa ngoằn ngoèo mà những người tốt nghiệp bình dân hay bổ túc không thể nào đọc được. Không khí còn rộn ràng hơn khi những con lân múa may lùng tùng trong tiếng trống thùng thình. Người ta còn đem từ Quy Nhơn lên cả một đội kèn của Nhà thiếu nhi tỉnh và 100 em bé quàng khăn đỏ cầm bông vạn thọ để làm hàng rào danh dự.

Thực ra, người ta còn muốn hoành tráng hơn thế nữa, đưa cụ xuống hội trường tỉnh để các vị khách quý từ Trung ương có thể đáp máy bay vào chúc mừng. Nhưng cô Thảnh chối từ vì sợ rằng ông cụ thay vì bước vào hội trường lại phải khiêng vào bệnh viện. Bà dâu cả đi đi lại lại giữa An Định và Quy Nhơn như con thoi. Bà đã hơn 70 tuổi, nhưng nhuộm tóc và trồng răng giả nên trông cũng hãy còn ra vẻ. Đường đường là vợ liệt sĩ và mẫu thân của ngài bộ trưởng nên bà được nghỉ trong khách sạn hạng sang, được tỉnh cấp cho một chiếc xe 4 chỗ có tài xế lúc nào cũng sẵn sàng đưa rước. Cái công cuộc mừng thọ đối với bà là một cú đánh quả ngon lành. Thay vì thương tiếc những quả cau bằng vàng đã mất, bà tìm cách lấy lại. Trong tiếng rè rè của máy lạnh, bà mơ thấy những chiếc phong bì đỏ tới tấp bay vào nhà còn nhiều hơn cả truyền đơn mà ông cụ đả rải trong bấy nhiêu năm.

Cái không khí tưng bừng ấy ít nhiều cũng làm ông cụ nhớ lại những ngày đầu cách mạng, khiến cụ tươi tỉnh hẳn ra. Cụ đã tự mình ngồi dậy được, bước vài bước đi lại trong nhà. Cô Thảnh đã ướm thử áo đỏ và khăn đỏ của hội Người cao tuổi cho cụ. Trông cũng đẹp lão lắm. Cô hơi tiếc, phải như áo xanh khăn xanh thì hay hơn vì màu đỏ giống như lão phù thủy Ba lúc lên đồng. Con gái của Khâu Thẹo đứng quay mặt vào vách để che mặt cười. Nó lại thấy cụ giống như ông già Noel chỉ khác là cái bụng không bự.

Người ta gội đầu, tắm rửa cho cụ. Khi anh y công kỳ cọ tới chỗ đó, cụ cảm thấy như nó muốn cục cựa. Anh ta đùa, nó cũng trăm tuổi rồi đấy cụ ạ. Cụ cũng đùa, phải chi nó bằng nửa tuổi thôi.

Tất cả mọi sự kể cả cụ đều đã sẵn sàng cho ngày trọng đại 18 tháng 9 hôm sau. Chỉ một đêm nữa thôi là cụ lại được sống trong huy hoàng. Và cũng chỉ một đêm nữa thôi bà dâu trưởng và cô Thảnh sẽ chia nhau một khối tiền to. Còn con nhỏ con Khấu Thẹo cũng được cho chút ít để làm vốn mà xây dựng lại cuộc đời. Đó là một đêm mà người ta mong cho mau sáng hơn cả đêm giao thừa. Một đêm mà những sọ những xương chất chồng từng lớp dưới giếng Hời cũng cựa mình kêu rổn rảng.

Cụ chánh không muốn “ăn” như thường lệ. Cụ chỉ muốn uống trà. Con nhỏ phải ra sau nhà vạch áo vắt sữa vào vách. Từ khi đến đây ngày nào nó cũng làm như thế. Ông cụ thều thào, run lập cập, chẳng “ăn” được bao nhiêu. Đã vậy, chân giò hầm với hạt sen và sâm khiến sữa nó nhiều vô kể. Đến mười ông cụ như thế”ăn” cũng chưa hết. Nó chẳng có việc gì làm, muốn ra quán coi TV (cô Thảnh ghét TV), nhưng sợ ông cụ lại đòi “ăn” trước khi ngủ. Nó đi tắm, thay quần áo.

Bất ngờ có gã y công đứng sẵn. Trong bóng tối nó cảm thấy một cái miệng hôi mùi thuốc lá áp sát vào khuôn ngực ướt át của mình. Rồi lưỡi và nước bọt, những ngón tay như chân rết… Nhưng giờ nó không dại dột ú ớ như lần trước. Nó khép chân lại và rít lên, muốn chết hả, ra ngay! Tui kêu bà Thảnh đó. Gã tiu nghỉu, ngập ngừng rồi lặng lẽ bước ra. Sau đó không bao giờ thấy gã nữa.

11

Lúc đó khoảng 11 giờ. Nước trà làm cho cụ trằn trọc khó ngủ. Cụ trăn quả trở lại. Dưới lưng ngứa ngáy rất khó chịu. Đầu tiên cụ chỉ muốn con nhỏ với những móng tay cứng và nhọn (nó cũng đã biết học đòi kêu người làm móng tay, sơn đỏ chót) gãi giùm. Con nhỏ đang ngủ ở nhà sau được kêu dậy. Nó dụi mắt đến bên cụ. Cụ nói gãi, gãi. Nó ngồi lên giường, nghiêng người cụ, luồn tay vào lưng. Nó đưa lên đưa xuống, một lúc mới tìm được chỗ cần gãi. Cụ nói đã quá, miệng cụ hít hà vì nó cào hơi mạnh.

Gãi xong, nó đứng lên, nhưng cụ lại kéo tay đòi “ăn”. Tuy khó chịu nhưng nó cũng nằm xuống bên cạnh. Nó đã quen với cách nằm nghiêng cho cụ ăn. Nó cởi cúc áo, chìa một bên vú cho cụ. Ngọn đèn ngủ tuy mờ nhưng vẫn soi rõ cái vú màu hồng và chòm râu trắng của cụ.

Cụ hé môi ngậm, bập bập như một người đang hút thuốc sâu kèn mà thuốc bị tắt. Những giọt sữa chảy vào miệng cụ thì ít mà chảy trên râu cụ thì nhiều.

Cụ có vẻ chán “ăn”, đưa tay mân mê.

Con nhỏ kê miệng vào tai cụ “mắng”: hư!

Cụ dời tay khỏi vú, lần xuống bụng.

Con nhỏ lại “mắng”: hư! Nhưng cụ thà bị mắng chứ không chịu dừng lại, vẫn tiếp tục lần xuống, lần xuống nữa.

Nó lại “mắng”: hư quá!

Nó cười rúc rích như bị nhột.

Nó nghe cụ thì thào: mừng tuổi cho ông nghe.

Nó chưa hiểu mừng tuổi là thế nào, thì chiếc quần của nó đã tuột ra và một chân của ông cụ đã gác qua mình nó.

Rồi cụ cố sức chồm lên. Cố sứa đưa một cái gì mềm uột vào cái nơi con nó chui ra.

Nó hốt hoảng kêu lên: không được đâu!

Hơi thở cụ phều phào.

Dù lập bập, run rẩy, cụ vẫn cố.

Nhưng như một trái cây chín rục, cụ bỗng rơi xuống.

Một nửa trên người nó. Một nửa trên giường.

Nó nghe cụ thở hắt ra. Một bàn chân rung rung rồi lặng im.

Nó lật ngửa cụ. Mắt cụ mở nhưng tròng mắt không động đậy.

Nó vội cài cúc áo, sửa lại quần, gọi cô Thảnh.

Cô đến sờ tay lên trán, áp tai xuống ngực, rồi lại đi tìm một tờ giấy đặt lên mũi. Tờ giấy nằm im.

Cô thở dài, bảo: chết rồi!

Nghe nói chết, con nhỏ bật khóc.

Cô nói, thôi nín đi, già thì phải chết, khóc lảm gì. Bình tĩnh để giúp ta làm mấy việc.

Việc thứ nhất là không được nói cho ai biết cụ đã chết. Nếu lọt đến tai người khác là mầy bị kết tội đã giết cụ đó. Người ta sẽ hỏi cụ đang “ăn” sao lại lăn ra chết. Nhớ chưa?

Dạ nhớ.

Việc thứ hai là thay quần áo mới cho cụ để sáng mai người ta đến mừng thọ.

Thôi bắt tay vào việc đi.

Dạ.

Đúng như bản tính cương quyết và mạnh mẽ của cô, xác cụ Chánh được cô lau rửa và thay quần áo mới (bằng cách đắp một chiếc chiếu, luồn tay vào). Cụ lại được mang tất, đi giày, đeo găng tay trắng. Và để che đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn, cụ được gắn thêm một chiếc kính đen. Nếu không sợ bị chê là bất kính, có thể nói trông cụ giống như một ông thầy bói.

Cụ được đặt trên xe lăn. Để khỏi ngã, cô đã kín đáo luồn dây cột cụ vào xe.

Cô nói, giờ tao và mầy thay nhau thức để canh mèo khỏi nhảy qua.

Dạ

Khi đem áo quần đi đốt, dưới ánh lửa cô thấy ở đáy quần của cụ có một vết nhầy nhầy. Cô chẳng hiểu là nước gì, không phải trà, cũng không phải sữa.

Đêm thu đầy tiếng giun dế lảnh lói. Con nhỏ ngồi tựa lưng vào vách, vẫn chưa hoàn hồn. Ngọn đèn soi không rõ khuôn mặt cụ. Sự sống thoát đi như một cơn nước rút khiến nó vẫn còn run.

Phải chi đặt cụ nằm trên giường thì nó bớt sợ hơn, Để cụ ngồi trên xe lăn trông ớn quá. Mấy lần ngọn gió khuya luồn qua cửa làm râu cụ bay bay, áo cụ động đậy làm nó giật thót mình. Không chừng cụ lại lăn xe tới, thọc tay vào ngực nó đòi “ăn”!

Nhưng cũng may, nhờ tuổi trẻ, nên mắt nhắm mắt mở một lúc, rồi nó ngoẹo đầu sang một bên, ngủ. Cô Thảnh ra thăm chừng thấy vậy cũng để mặc.

Cô thản nhiên ngồi chờ trời sáng. Cha chết nhưng cô không thấy gì là buồn đau. Có vẻ như cái thói quen hò hét để biểu lộ lòng căm thù đã khiến cho những tình cảm riêng tư của cô hoảng sợ bỏ đi mất tiêu. Mẹ chết, mình cũng đâu có khóc. Anh chết cũng vậy. Nước mắt đã cạn trong lòng mình rồi. Mình đúng là một đứa con gái hư. Nhưng mà thôi, mỏi mệt quá, đừng nghĩ ngợi gì thêm.

Khi đêm cạn dần, hơi lạnh mùa thu khiến cô có vẻ như thiếp đi. Cô trông thấy những người chết từ nhiều đời trong cái giếng lạng ngoài vườn đứng đầy nhà. Bọn họ cúi xuống sát mặt ông cụ, nâng chiếc xe lên cao định ném xuống đất.

Cô thét lên, giật mình thức dậy.

Lúc ấy, có tiếng chân của bà chị dâu bước vào nhà.

Cô nói nhỏ, cha chết rồi. Sao vậy, bà chị thì thầm, mấy bữa trước tươi tỉnh lắm mà. Như ngọn đèn cạn dầu, cô nói, sáng bừng lên một chút rồi tắt. Nhưng không sao, em đã để cụ ngồi kia, vẫn cứ tiến hành lễ mừng thọ. Chỉ có điều gọn gọn lại một chút. Lâu quá, có khi người ta biết. Bà chị gục gặc đầu, khen, cô giỏi lắm.

12

Chương trình vì thế có ít nhiều thay đổi. Chỉ đưa cụ đến hội trường thôn (là kho lúa của HTX được cải tạo), chứ không đến rạp hát để cầm chầu khai tuồng (doàn tuồng của tỉnh). Không đọc diễn văn, không đọc thơ chúc mừng. Chỉ có tuyên bố lý do và mấy lời cảm tạ của gia đình. Dĩ nhiên cụ không thể phát biểu. Ban tổ chức có hơi tiếc, nhưng cô Thảnh đã bảo là cụ yếu lắm.

Đúng 9 giờ khi quan khách đã ngồi chật kín hội trường, cụ được cô Thảnh và bà chị dâu nín thở đẩy xe lăn đưa cụ đến trong tiếng trống kèn và tiếng vỗ tay vang dội. Đội thiếu niên danh dự, một bên trai một bên gái, tung hoa vạn thọ lên người cụ. Dưới ánh nắng rực rỡ, những cánh hoa lấp lánh như được làm bằng vàng. Xe lăn của cụ được hai anh du kích bồng lên sân khấu.

Vị chủ tịch hội Người Cao Tuổi trân trọng trao bằng chứng nhận 100 tuổi cho cụ. Rồi lần lượt từng vị quan nhớn quan bé lên chúc mừng, bằng cách bỏ phong bì đỏ vào thùng như những lần trịnh trọng quyên góp cứu trợ đồng bào bão lụt để quay phim chụp ảnh. Trước đó cô Thảnh đã xin miễn bắt tay vì sợ cụ mệt. Buổi lễ diễn ra chừng một tiếng đồng hồ, cô Thảnh và bà chị dâu luôn đứng sau lưng cụ, kín đáo nghiêng cái đầu cụ một chút như để đáp lễ. Vì vậy chẳng ai biết là cụ đã tịch từ lúc 11 giờ khuya.

Buổi lễ coi như thành công tốt đẹp. Tốt đẹp nhất là cái thùng đựng đầy bì thư, ít nhất mỗi bì cũng được 1 triệu. Cô Thảnh và bà chị thở phào khi đưa được xe cụ vào nhà. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, đã có ngay một người đến xin chúc mừng. Ông ta tự xưng là một nhà thơ, thiết tha xin được đọc cho cụ nghe một bài vừa sáng tác. Thật chết người, may mà hai người chưa lột áo cụ ra để thay đồ liệm. Đành phải gượng làm vui để ông ta đọc. Bài thơ lằng nhằng chẳng ra câu cú gì cũng được hai người khen hay. Ông ta xúc động cảm ơn, xin để lại bài thơ làm kỷ niệm thay vì tiền, vì như ông ta nói, ai cũng biết là nhà thơ lúc nào cũng nghèo!

Ông ta đi rồi, bà chị dâu liền nằm dài trên di văng, đập đập tay một cách hả hê sung sướng. Một lúc bà ngồi dậy đến bên xe của cụ, nói vào tai như cụ đang còn sống, cảm ơn cha, rất cảm ơn. Xong, bà lại kéo cô Thảnh lại gần, cũng nói vào tai, còn đám tang nữa chứ, hi hi! Nhưng cô Thảnh có vẻ không ưa cái cách vui mừng của bà chị. Cô rút đại một phong bì, kêu con nhỏ, thôi xong việc rồi đó, về nhà nhớ đừng nói gì hết nghe. Con nhỏ lí nhí dạ, nhưng chỉ lui ra sau chứ chưa chịu đi về. Nó áp sát ngực vào vách, nặn cho bằng hết sữa để khỏi căng tức.

Bà chị dâu định làm đám tang cho ông cụ thật to.

- Bộ trưởng đi Nga đã về tới Hà Nội rồi, bà nói. Tôi sẽ gọi điện bảo vào để chịu tang. Cháu đích tôn mà.

- Em muốn nay mai gì chôn cụ cho rồi. Em mệt mỏi quá.

- Chôn ngay sao được. Phải coi ngày giờ, coi có khắc tuổi với ai trong nhà không. Chôn nhằm ngày trùng thì tiêu cả họ.

- Bộ chị để cho đến thúi à?

- Đem vào nhà tang lễ, có phòng lạnh mà sợ gì. Tiêu chuẩn của cụ có nhà nước lo. Mình lo là lo đón những người đến viếng kia. Cụ nội của bộ trưởng mà. Mặc sức mà nhận tiền phúng điếu.

- Mấy người đã bắt ông cụ sống khổ sống sở cho đến ngày mừng thọ. Nhiêu đó cũng đã quá cực nhục rồi. Giờ lại ngâm xác cụ để chờ bộ trưởng về nữa, tôi thấy thế là quá lắm.

- Có gì đâu mà quá, mọi việc an táng cụ để mẹ con tôi lo. Cô chỉ có mỗi một việc mặc đồ tang ngồi ghi tiền phúng điếu.

- Tôi không ham đâu. Gia đình chị lên cỡ đó, kiếm chác người sống không đủ sao, còn moi móc người chết nữa. Các người tham lam quá.

- Cô bảo ai tham. Vừa vừa thôi đó nhé. Tôi chẳng vơ hết vào mẹ con tôi đâu, cũng có phần cô trong đó, không biết sao?

- Tôi chẳng cần, chị đi về bắc đi. Ông cụ là cha đẻ tôi. Ngày mai tôi chôn cụ đó, nói cho chị biết.

- Thôi được, ngu thì ráng chịu. Bà ngúng nguẩy bước tới thùng đựng tiền. Cứ coi như cái xác đó là phần của cô. Cái này là phần tôi. Bà vừa nói vừa chồm tới ôm, đi ra xe như chạy.

Đúng như cô Thảnh nói, một ngày sau lễ mừng thọ, là tang lễ của cụ. Đám tang không trống kèn, không cờ xí. Mười sáu dân đinh của làng An Định thay nhau khiêng cụ rời khỏi nhà, đi qua cầu anh Đức, để an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở đồng Cây Sanh. Chỉ một mình cô Thảnh mặc đồ đại tang và con nhỏ con Sáu Thẹo mặc đồ bộ đi theo sau. Cả xóm Miễu đổ ra xem, vì hiếu kỳ chứ không phải để đưa tiễn. Trong số đó có lão phó Ba được thằng cháu nội cõng đứng ở một bên đầu cầu. Lão khô đét, dài nhằng, chân thòng sát đất như con nhái phơi khô.

Con nhỏ con Khấu Thẹo vừa đi vừa khóc sụt sịt. Dẫu sao nó cũng đã áp đầu cụ vào ngực mình để cho cụ “ăn” và nhờ giòng sữa tinh khiết không tội lỗi của nó, cụ đã sống tỉnh táo đến cái phút giờ bỗng dưng mê muội một cách kỳ lạ đó. Nó cứ băn khoăn không biết vì sao cụ lại ngã lăn ra chết.

Không điếu văn, không đáp từ, người ta lặng lẽ đặt quan tài của cụ xuống lòng huyệt. Cô Thảnh ném cho cụ một nắm đất theo tục lệ. Con nhỏ con Khấu Thẹo cũng bắt chước ném theo, người khác cũng vậy. Người ta kéo cát lấp đầy rồi vun lên. Một tuần sau nhà nước sẽ xây mộ dựng bia cho cụ. Như thế thân xác cũ sẽ không bị nước lũ cuốn trôi như những người chết hồi 9 năm kháng chiến. Cụ sẽ đời đời được yên giấc bên cạnh ông Khứ và thủ ngữ Đực, những người mà nhờ cụ, nhưng cũng vì cụ, mà trở thành anh hùng liệt sĩ.

Lúc ấy là cuối ngày, con sông Cái chảy ngang hông nghĩa địa, bỗng sáng lên dữ dội như một tấm gương bị vỡ, trước khi trôi vào bóng đêm.

Viết xong năm 2006

Hiệu đính năm 2011