Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – các cách dùng chúa nhật/chúa tàu/chúa nhà/thiên chúa (phần 6A)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng chúa so với chủ vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ này được kí âm bằng chữ quốc ngữ và phản ánh cách đọc chính xác của chữ 主. Phần này cũng bàn về các danh từ chúa nhật, chúa nhà, chúa tàu, thiên chúachúa ý từng hiện diện vào thời LM de Rhodes. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Bài này đánh số 6A vì liên hệ trực tiếp đến bài viết phần 6 trước đó "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian", do đó người đọc nên tham khảo bài viết phần 6 cho được liên tục. Ngoài ra, ngữ cảnh của từng trường hợp cũng không kém phần quan trọng so với tần số xuất hiện (tần suất) của các cách dùng: thí dụ như chúa nhà, nhà thương và nhà thương xót từng có phạm trù nghĩa khá rộng và cần phải đọc nguyên đoạn văn để nắm vững nét nghĩa (đặc biệt là vào TK 17). Từ bài viết phần 6 về (ngày) chủ nhật, có thể tóm tắt quá trình hình thành cách dùng (ngày) chủ nhật như sau:

Ngày thứ nhất ~ (ngày) Du minh/Do minh ~ ngày Đức Chúa Trời[2] ~ ngày cả > ngày nhất lễ lạy ~ ngày lễ cả > ngày chúa ~ ngày chúa nhựt > (ngày) chủ nhật …(1)

Chỉ trong các cách dùng trên mà ta thấy dấu ấn của tôn giáo qua "ngày thứ nhất, lễ nhất, ngày lễ buộc, ngày nhất lễ lạy" và lịch sử VN thời kỳ có chúavua "chủ nhật, chúa nhật" (td. vua Lê chúa Trịnh). Chúng ta hãy xem lại các tài liệu viết về cách dùng chủ và chúa vào giai đoạn đầu của chữ quốc ngữ để thấy rõ hơn các thành phần thay đổi trong tiến trình (1) bên trên. VBL có ghi "giữ lễ nhít" (servare Dominicam diem/L ~ giữ ngày Chúa nhật[3]/NCT – trang 497), nhưng trong PGTN thì lại dùng "ngày thứ nhít" và "ngày Dominh" và "ngày đức Chúa blời (trời)": điều này cho thấy vào thời gian này (khoảng đầu hay giữa TK 17) thì chưa có cách dịch rõ ràng[4] cách gọi ngày cuối tuần này.

clip_image002VBL trang 407

1. Chúa tàu, chúa nhà và thiên chúa - thế kỷ 17

1.1 Vào thời LM de Rhodes đến Đông Nam Á, các tài liệu bằng chữ quốc ngữ như VBL/PGTN đều cho thấy cách dùng chúa tàu, chúa nhà và thiên chúa (~ thiên chủ/VBL). Tại sao mà ta biết đọc là chúa thay vì chủ, trước hết hãy xem qua các cách dùng chữ Nôm vào cùng thời VBL/PGTN. Chúa nhà (chủ nhà) chữ Nôm dùng trong các bản Nôm của LM Maiorica có một dạng là 主茹; chúa tàu (chủ tàu) có một dạng chữ Nôm là 主艚; chúa quán (chủ quán) có một dạng chữ Nôm là 主舘; chúa đất (chủ đất) có một dạng chữ Nôm là 主坦, chúa thành (chủ thành) có một dạng chữ Nôm là 主城 "Bởi chúa[5] nhà ở lâu thì đầy tớ ngủ hết, kẻ thì ngủ lắm" trích từ Đức Chúa Giê Su quyển chi thập trang 145; “Chúa nhà phải lo vì chầy kíp Đức Chúa Trời phạt" trang 160 Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, để ý thêm là Chúa trong cụm danh từ Đức Chúa Trời cũng viết là 主 nhưng không đọc là chủ (xem chi tiết phần sau).

Các Thánh Truyện/CTTr Tháng Tám trang 66, 156 "Vì chưng chúa nhà người ở chẳng có đạo thật ... Khi khách đến thì người ngôi trên hết như chúa nhà ăn uống vui vẻ", trang 103 "Người liền kêu rằng: kẻ trộm, kẻ trộm. Chúa quán ngủ liền thức, kẻ muốn ăn trộm đồng trinh liền chạy".

CTTr Tháng Hai trang 156 "13 tàu đầy những gạo thóc là của nhà thờ phải phong ba mất hết, nhưng mà chúa tàu thấy làm vậy thì ẩn mình kẻo thầy quở".

CTTr Tháng Ba trang 34, 36 "Ông thánh này sinh ra ở thàn Môn Phê Li E trong nước Pha Lang Sa, cha mẹ là chúa đất ấy ... dân thì tiết vì mất chúa đất mình hiền lành".

CTTr Tháng Năm trang 87 "thì chước cho chúa thành Da Ma Sen ghét người ... đoạn gửi thư cho chúa Da Ma Sen … Bấy giờ chúa ấy chẳng cho nói nhiều lời".

CTTr Tháng Mười Một trang 43, 57 "Thói nước ấy khi có ai đến thì rót một chén rượu dâng cho chúa nhà ... Vừa nói điều ấy đoạn, liền thấy chúa ngựa đến lạy người mà xin tha sự lỗi mình khi trước".

CTTr Tháng Bảy trang 32, 75 "dể cho nó ăn cơm những muối mà thôi, ở như các tôi tá (tớ) vậy, chẳng phải chúa nhà nữa ... Song le, chẳng quên nghĩa chúa nhà vì đã nuôi nó nhiều năm".

CTTr Tháng Giêng trang 191 "song le muông dữ nên lành hơn người ta, nó liền mừng cùng liếm chân cho hai ông Thánh ấy như mừng chúa nhà vậy".

Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 119 "kính Đức Chúa Trời 德主 vì là Chúa dựng nên ta ... kính chủ mình 主命". Để ý trong cùng một đoạn, hai dạng chủ và chúa dùng để ghi âm 主 - đây là tiếng Việt hiện đại (thời VBL thì dùng chúa cho cả hai trường hợp như sẽ rõ hơn trong phần sau).

1.2 Cách dùng trong VBL và PGTN

Chúa nhà dùng trong PGTN (nhưng không có trong VBL) 3 lần trong trang 6 và 2 lần trong trang 7, tất cả là 12 lần trong PGTN – xem hình chụp từ nguyên bản ở bên dưới. Điều thú vị là trang diễn dịch ra tiếng Việt hiện đại thì tác giả dùng chủ nhà thay vì chúa nhà. Các bản chép tay vào cuối TK 18 và đầu TK 19 cũng được chụp lại để so sánh với bản PGTN năm 1651. Phần sau (mục 2) sẽ viết chi tiết hơn về các cách dùng này vào TK 18 đến TK 19

clip_image004PGTN trang 6

So sánh với tiếng Việt vào cuối TK 18 (các bản viết tay[6] trang 6 PGTN):

clip_image006

Một bản chép tay của trang 6 PGTN vào cuối TK 18 - để ý cách dùng chúa nhà

clip_image008

Một bản chép tay của trang 6 PGTN vào cuối TK 18 (LM Philiphê Bỉnh) - để ý chúa nhà

clip_image010

Một bản chép tay của trang 6 PGTN vào năm 1797 (LM Philiphê Bỉnh) - để ý ‘chúa nhà’.

VBL dùng chúa tàu một lần trong mục trưởng[7] (chú ý: chúa tàu không nằm trong mục chúa hay mục tàu) - trang diễn dịch ra tiếng Việt hiện đại[8] thường dùng chủ tàu

clip_image012VBL trang 836

Đức Chúa Trời (blời) xuất hiện rất nhiều lần trong PGTN, so sánh với định nghĩa trong VBL (xem hình chụp ở dưới) và một dạng chữ Nôm là 德主 trong các tài liệu của LM Maiorica: cho ta khả năng đọc 主 là chúa[9] chứ không phải là chủ

clip_image014VBL trang 240

Chúa cũng xuất hiện thay vì chủ trong các trường hợp khác hơn - như trong cách nói "linh hồn là chúa thân xác" - xem trang 131 PGTN

clip_image016PGTN trang 131

Một cách dùng cũng đáng quan tâm là chủ ý 主意, xuất hiện 9 lần trong PGTN qua dạng "chúa í" - xem trang 303 khi chúa í xuất hiện 3 lần dùng để giải thích một lỗi phạm phải một cách vô tình hay cố tình:

clip_image018PGTN trang 303

Tóm tắt quá trình thay đổi nói trên

主意 (Hán) chúa í (ý) > chủ ý (tiếng Việt hiện đại) …(2)

Nên nhớ là chủ cũng đã hiện diện vào thời VBL, td. bàu chủ (~ bảo lãnh) và thổ chủ (~ chủ đất), ngoài ra thiên chủ[10] cũng dùng như thiên chúađức Chúa trời (~ dominus cæli/L - xem mục đức của VBL trang 240 chụp lại bên trên), nhưng tốt hơn thì dùng thiên chúa hay thiên đàng, nhà trời:

clip_image020

VBL trang 116 - không thấy[11] định nghĩa "bàu chủ" bằng tiếng La Tinh?

clip_image022VBL trang 762-763

clip_image024VBL trang 770 - thổ chủ[12] là chủ dất/địa chủ

Tóm tắt quá trình thay đổi nói trên: 天主 (Hán) thiên chủ ~ thiên chúa …(3)

1.3 Xuyên suốt qua các cách dùng trên là chữ chúa hay chủ HV 主, hãy xem cách đọc của chữ chủ: (thanh mẫu chương 章 vận mẫu ngu 虞 thượng thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết như sau

之庾切 chi dữu thiết (TVGT, ĐV, QV, LT) - dữu 庾 tương ứng với vựa tiếng Việt

之乳切 chi nhũ thiết (NT, TTTH)

朱戍切 chu thú thiết (TV, LT)

腫庾切 trũng dữu thiết (TV, VH, CV, LTCN, TĐTAT)

TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 主 麈 炷 枓 斗 䰞 褚 紵 陼 渚 柱 拄 (chủ chú đẩu trữ chử trụ)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 著 箸 翥 註 注 主 霔 咮 澍 鑄 軴 䪒 炷 馵 屬 紸 燭 爥 曯 祝 (trứ chứ chú chử chú/chúc)

腫與切 trũng dữ thiết (TVi) - TVi ghi âm chư 音諸 thượng thanh (chư đọc là zhū BK bây giờ)

陟慮切 trắc lự thiết (CV, TVi)

當口切,音斗 đương khẩu thiết, âm đấu (TVi, CTT)

知雨切,音煮 tri vũ thiết, âm chử (CTT) - âm chủ và chử đều đọc là zhǔ giọng BK bây giờ, v.v.

Giọng BK bây giờ là zhǔ so với giọng Quảng Đông zyu2 và các giọng Mân Nam 客家话:[宝安腔] zu3 [梅县腔] zhu3 [台湾四县腔] zu3 [客英字典] zhu3 [东莞腔] zu3 [海陆丰腔] zhu3 [客语拼音字汇] zu3 [沙头角腔] zu3 [陆丰腔] zhu3 潮州话:zu2(tsú). Một dạng âm trung cổ phục nguyên của chúa là *tɕi̯o (đọc gần như chi-ô) và bảo lưu phần nào qua dạng chúa của tiếng Việt. Tương quan chủ - chúa còn thấy qua các liên hệ sau đây

捕 bộ - bủa (vây)

驅 khu - khua

斧 phủ - búa

府 phủ - búa - bủa (bủa vây)

符 phù - bùa

寡負 quả phụ - góa bụa

敺 (樞) [khu] xu - xua (đuổi)

註 chú - chua (chua con là viết chữ nhỏ hơn để giải thích bản văn chính viết bằng con chữ lớn hơn - theo VBL)

趨 xu - hùa

盂 vu - vùa

諛 du - dua (a du 阿諛 - a dua)

dữu - *vụa > vựa (tiếng Việt hiện đại) vần dữu dùng bởi ĐV/QV/TV/LT/CV

vụ - mùa

vũ - múa (để ý tương quan thanh điệu: tiếng Việt không dùng *vủ - vũ - múa so với chủ - chúa, phủ - búa)

chủ – chúa, v.v.

Chúa vẫn liên tục được dùng sau thời VBL và PGTN so với chủ. Chúa ngoài nghĩa là chủ, từ thời nhà Hậu Lê lại mang một nét nghĩa quan trọng chỉ người có quyền tối cao trong nước nhưng không có địa vị chính thống (chính danh, td. vua Lê chúa Trịnh). Do đó một số ca dao tục ngữ liên hệ đến chúa thường mang tính cách tiêu cực như "vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm, vắng chúa nhà gà bới bếp, ăn cơm chúa múa tối ngày, chồng chúa vợ tôi ...". Khi CG truyền đến ĐNA thì Chúa được dùng để chỉ Thiên Chúa (Chúa trời đất), đấng tối cao trong đạo cũng như Chúa Giê Su, đức Chúa bà. Phạm trù nghĩa và chức năng của chữ chúa còn mở rộng hơn để chỉ mức so sánh hơn/nhất hay "rất mực, nói về những sự không tốt" (trích Việt Nam Tự Điển trang 137/sđd):"chúa bướng, chúa ghét, chúa tham, chúa liều".

2. Các cách dùng vào TK 18 đến đầu TK 19

Vào giữa TK 18, chúa vẫn là kí âm (chữ quốc ngữ) của 主:

clip_image026

“Sách Các Phép” của LM Halario de Jesu: chữ quốc ngữ - chữ Nôm - chữ La Tinh

Vào TK 18, chúa tàu - chúa nhà - đức Chúa trời đều xuất hiện trong tự điển của LM Béhaine (1772/1773), lặp lại trong tự điển của LM Taberd sau đó (1838). Tuy LM Taberd chép lại hoàn toàn tự điển Béhaine trong các mục chủ, chúa và nhà trong tự điển Việt - La Tinh (1838), nhưng trong cuốn tự điển La Tinh - Việt cũng xuất bản vào năm 1838 thì có những thay đổi. Lời giới thiệu các trang đầu của tự điển La Tinh - Việt kể lại chuyện vua Gia Long qua đời vào năm 1820 và vua Minh Mạng lên trị vì, ngay cả các hình vẽ đồng tiền trong tài liệu này cũng cho thấy tên là Minh Mạng Thông Bảo. Hai thay đổi chỉ hiện diện trong tự điển La Tinh - Việt: đây là cách dùng chủ nhà khác với nhà chủ, cho thấy từ đứng sau (phụ) bổ nghĩa cho từ đứng trước (chính). Ngoài ra, trong mục domus (nhà, gia) thì có ghi dominus domuschúa nhà, chủ nhà, gia trưởng. Đây là lần đầu tiên chủ nhà (chữ quốc ngữ) xuất hiện, tuy nhiên có thể chỉ hạn chế cho Đàng Trong, để ý là chủ nhà đứng sau chúa nhà trong tự điển La Tinh - Việt vì là cách dùng hậu kỳ. Điều thay đổi thứ hai là sự xuất hiện của cách dùng ngày Chúa - ngày Chúa nhật - Chúa nhật so với tự điển ‘nguồn’ của LM Béhaine không có dùng các từ này. Đây cũng là lần đầu tiên ngày Chúa/ngày Chúa nhật/Chúa nhật (chữ quốc ngữ) xuất hiện[13].

clip_image028

Tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd chép/in lại (1838)

clip_image030

Taberd/1838 - ngày Chúa/ngày Chúa nhật/Chúa nhật

clip_image032 Taberd/1838

Một điểm nên ghi lại ở đây là tuy tự điển LM Béhaine (chép tay năm 1772/1773) không có dùng ngày Chúa nhật, nhưng trong tài liệu "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" của ông được chép lại từ năm 1774 thì bắt đầu có cách dùng này lẫn lộn với ngày Do/Du Minh thời PGTN (xem hình chụp một đoạn bằng chữ Nôm bên dưới). Một dữ kiện quan trọng nữa là trong bản viết tay của chính LM Béhaine (năm 1774, Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ sđd), ông cũng viết là "Ta phải giữ ngày Duminh". Trong tài liệu ghi từ vựng tiếng Việt giao cho trung úy hải quân Mỹ John White (1819) của LM J. M. Morone (sđd) thì ghi ‘ngày diu minh’.

clip_image034TGYLQN clip_image036ngày diu minh” (LM Morone)

Hình trên chụp lại từ cuốn TGYLQN/”Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" trang 41r, chữ Nôm dịch ra chữ quốc ngữ hiện đại/NCT "Giới thứ ba. Hỏi: giới thứ ba dạy những điều gì - thưa: dạy ta phải giữ mọi ngày Chúa nhật - gọi là Du Minh. Hỏi: giữ ngày". Đây là lần đầu tiên ngày chúa nhật xuất hiện (qua dạng chữ Nôm) - cuốn chữ Nôm này soạn vào năm 1774 bởi LM Béhaine (dựa vào tờ 4r ghi "Giám mục Bá Đa Lộc tự đề - Cứu Thế nhất thiên thất bách thất thập tứ niên"). Tuy nhiên, tờ đầu của tài liệu này lại ghi năm 1789, như vậy là thời điểm chính xác 1774 cần phải xét lại vì có nhiều bản chép lại sau này từ nguyên bản "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ". Ngoài ra, bản chép tay bằng chữ quốc ngữ của LM Béhaine ghi "ngày Duminh", do đó dựa vào các dữ kiện trên một kết luận là ngày Chúa nhật xuất hiện sớm nhất vào khoảng thập niên 1770 qua dạng chữ Nôm. Đến thời tự điển Taberd ra đời (1838) thì cách dùng "ngày Chúa nhật (nhựt)" đã xuất hiện trong tự điển Việt - La Tinh (một lần) và tự điển La Tinh - Việt (hai lần). Chú ý: bản Nôm "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" năm 1837 hoàn toàn dùng ngày Chúa nhật (6 lần so với 3 lần dùng ngày Chúa nhật và ngày Du Minh dùng 4 lần trong bản 1789); thí dụ như đoạn trên (xem hình chụp) thì ghi "Giới thứ ba. Hỏi: giới thứ ba dạy những điều gì - thưa: dạy ta phải giữ mọi ngày Chúa nhật - hỏi: giữ ngày". Trang 130 của bản Nôm năm 1837 đổi ngày lễ lạy (các bản Nôm cũ hơn, td. bản Nôm của LM Maiorica) thành ngày Chúa nhật[14]:"Thứ ba, giữ ngày Chúa nhật" so với bản 1789 "Thứ ba, giữ ngày lễ lạy". Tóm tắt quá trình thay đổi nói trên:

Ngày thứ nhất ~ (ngày) Du minh/Do minh ~ ngày Đức Chúa Trời ~ ngày cả > ngày nhất lễ lạy ~ ngày lễ cả > ngày chúa ~ ngày chúa nhựt - chúa nhật/nhựt …(3)

Trong khi Đàng Trong bắt đầu dùng ngày Chúa nhật thì Đàng Ngoài vẫn dùng ngày lễ cả, phản ánh qua các tài liệu viết tay của LM Philiphê Bỉnh[15]:

clip_image038

"Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong" trang 531 - LM Philiphê Bỉnh dùng "ngày lễ cả".

Thời LM Philiphê Bỉnh (1759-1833) thì ta thấy ông vẫn dùng hoàn toàn là chúa nhà trong các tác phẩm của ông, thí dụ như trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc (viết tắt là SSS) trang 580, chúa nhà xuất hiện 4 lần (so với 18 lần xuất hiện trong toàn cuốn sách). LM Philiphê Bỉnh cũng hoàn toàn dùng chúa tầu[16] trong SSS, td. trang 163 chúa tầu xuất hiện 5 lần (so với 21 lần xuất hiện trong toàn cuốn sách). - xem các hình chụp bên dưới.

clip_image040 Sách Sổ Sang Chép Các Việc trang 580 clip_image042 Sách Sổ Sang Chép Các Việc trang 163

3. Các cách dùng vào cuối TK 18 đến đầu TK 20

Sau tự điển La Tinh - Việt của LM Taberd (1838) thì chủ nhà[17] cũng xuất hiện trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895) của cụ Huỳnh Tịnh Của, tuy nhiên không có dùng chủ tàu so với chúa tàu. Đây là một trong những sự khác biệt trong ngôn ngữ Đàng Trong (Nam Kỳ, Pháp thuộc) và Đàng Ngoài (Bắc Kỳ). Đại Nam Quốc Ngữ của cụ Nguyễn Văn San cũng ghi nhận gia chủ 家主 là chúa/chủ nhà 主茹, ốc chủ 屋主 là chủ/chúa nhà 主茹 có nhà cho người ở nhờ (sđd), chủ mẫu 主母 là chủ nhà 主茹 gái. Ngoài ra, chủ nhật cũng bắt đầu phổ thông hơn ở Đàng Ngoài so với cách dùng ngày lễ cả/lễ cả, ngày nhất lễ lạy. Năm 1877, LM Theurel (Kẻ Sở/Đàng Ngoài) chỉ dùng ngày lễ cả/lễ cả (giống như các tài liệu viết tay của Philiphê Bỉnh), ngày nhất lễ lạy để chỉ Dominica/L so với cách dùng ngày Chúa, Chúa nhựt ở Đàng Trong (Taberd, 1838).

clip_image044

clip_image046Taberd (1838)

Tóm tắt quá trình thay đổi nói trên: 主茹 (Nôm) chúa nhà > chủ nhà …(4)

Gia Định Báo số 1 (1/1866) dùng ngày chúa nhật và chúa tàu:

clip_image048

"Ngày chúa nhựt" cũng hiện diện trong Lục Tỉnh Tân Văn (Đàng Trong):

clip_image050Lục Tỉnh Tân Văn số 514 - 3/1/1908

clip_image052Bonet[18] (1899)

Để ý cách dùng "chúa ong" ở trên - so với cách dùng "ong chúa" trong tiếng Việt hiện đại - cũng như thứ tự chữ[19] (word order) của cách dùng "chúa mối, chúa ong" trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (sđd).

clip_image053

clip_image055Ravier/Dronet – 1903. Các tác giả Vallot, Ravier/Dronet đều ở Đàng Ngoài so với J. Bonet ở Đàng Trong. Tự điển Việt - La Tinh của LM Theurel ở Đàng Ngoài (Kẻ Sở, 1877) dựa hoàn toàn vào tự điển Việt - La Tinh của LM Taberd (1838), nhưng đã thay thế các cách dùng của Đàng Trong (Béhaine/Taberd) bằng các cách dùng Đàng Ngoài. Mục nhật của tự điển Béhaine (1772/1773) không có ngày chúa nhật so với mục nhật của tự điển Taberd (1838), nhưng tự điển Theurel lại không có ngày chúa nhật (trong mục nhật) mà có ngày lễ cả, ngày cả, ngày nhất lễ lạy (~ Dominica/L). Các các dùng này vẫn còn hiện diện thời tự điển LM Vallot (1898, Hà Nội - xem hình chụp bên trên) ra đời. Từ đầu TK 20, tuy vẫn dùng dạng chủ nhật và đôi lúc chúa nhật (ảnh hưởng từ Đàng Trong - như bài dạy tiếng Việt của học giả A. Chéon - xem bên dưới), Đàng Ngoài đã dùng "ngày chủ nhật" (chúa > chủ) trong các hoạt động truyền thông như báo chí, td. Đăng Cổ Tùng Báo hay Nam Phong Tạp Chí/NPTC chẳng hạn:

clip_image057

clip_image059

A. Chéon[20] (Cours de Langue Annamite/1901/1904) - mục 275 dùng chúa nhật (dimanche) nhưng mục 430 lại dùng chủ nhật.

clip_image061

Đăng Cổ Tùng Báo số 794 dùng chủ nhật - 4/4/1907.

clip_image063

NPTC số 11dùng chủ nhật - 5/1918

Tóm tắt quá trình thay đổi nói trên:

主日 (Nôm) ngày Chúa ~ chúa nhựt > chủ nhật …(5)

Tóm lại, cách dùng chủ nhật đã trải qua nhiều thay đổi đến ngày nay: từ dạng kí âm gần đúng ban đầu là ngày Do/Du Minh[21] cho đến dạng phiên nghĩa ngày thứ nhất, ngày lễ lạy cách đây gần 4 thế kỷ khi các giáo sĩ CG Tây phương đến ĐNA truyền đạo. Cách đây 2 thế kỷ, dạng ngày Chúa, Chúa nhật, ngày Chúa nhật bắt đầu phổ thông ở Đàng Trong trong khi các bổn đạo CG Đàng Ngoài vẫn dùng các dạng cổ hơn như ngày lễ cả/ngày lễ lạy (từ thời LM Maiorica), ngày nhất lễ lạy, ngày thứ nhất (từ thời LM de Rhodes, Maiorica). Cho đến cuối TK 19 thì Đàng Ngoài mới bắt đầu dùng ngày chủ nhật, cũng là vào thời kỳ nước Pháp đặt chế độ bảo hộ xứ Bắc Kỳ. Từ đầu TK 20, chữ quốc ngữ bắt đầu được truyền bá, nhất là qua các phong trào duy tân như Đông Kinh Nghĩa Thục và qua môi trường truyền thông như báo chí (Đăng Cổ Tùng Báo, Nam Phong Tạp chí ...), cho đến ngày nay thì chủ nhật và chúa nhật cùng hiện diện nhưng chủ nhật có tần suất[22] lớn hơn. Không những chỉ có quá trình thay đổi Chúa nhật thành Chủ nhật, các danh từ kép hiện đại dùng chủ như chủ tàu, chủ nhà, chủ ý đã từng có dạng chúa tàu, chúa nhà và chúa ý (í) vào TK 17 qua các tài liệu như VBL và PGTN. Các dữ kiện này cho thấy khả năng chúa là dạng cổ hơn của chủ. Tuy thời gian biến đổi cách dùng (chúa > chủ) không đồng loạt, td. khi dạng chúa nhật và chủ nhật bắt đầu phổ thông ở Nam Kỳ thì dạng chúa tàu vẫn còn duy trì từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài vào đầu TK 20. Sự phân cực của hai từ cùng một gốc Chúa và chủ qua ảnh hưởng của CG (qua khoảng 4 TK) - so với hai danh từ bụt và Phật qua lăng kính PG (qua khoảng 20 TK) - rất đáng khai triển thêm để thấy ảnh hưởng của tôn giáo trong quá trình hội nhập vào ngôn ngữ bản địa và làm cho tiếng Việt thêm phong phú. Hi vọng người đọc sẽ thấy thích thú qua bài viết này và sẽ tìm tòi thêm những đặc tính rất thú vị của tiếng Việt.

clip_image065Đại Nam Quấc Âm Tự Vị - trang 158

Chủ nợ có hai nghĩa trái ngược: người cho vay (chủ động) hay người mắc nợ[23] (thụ động) - trích “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” (sđd - xem trang 158 chụp lại ở trên) - so với cách dùng ‘chúa nợ’ trong tiếng Việt hiện đại (thường hàm ý tiêu cực/NCT).

Một hệ luận từ bài viết này là khả năng đọc chủ hay chúa của chữ 主, so sánh với khả năng đọc thì hay thời của chữ 時 khi đọc Nôm. Các tài liệu chữ quốc ngữ cho thấy là chúa và chủ đã hiện diện từ TK 17, khác hẳn với dạng thời chỉ bắt đầu xuất hiện sau thập niên 1870 ở Đàng Ngoài[24] so với Đàng Trong (Pháp thuộc). Đây là những vấn đề đáng tra cứu thêm để hiểu rõ quá trình biến âm với nhiều nguyên nhân sâu xa mà ít người nhận ra.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ). Tham khảo thêm bản Nôm "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" trong thư viện tòa thánh La Mã.

2) Phillipe Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(khoảng 1794-1802) "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo" - xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh cùng các tài liệu chép tay như "Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong", "Truyện nước Anam Đàng Trong - quyển nhị", "Truyện các Thánh, Đức Mẹ ...", "Truyện các thánh tử vì đạo", "Tự điển Việt Bồ", "Phép Giảng Tám Ngày" (chép lại từ bản của LM de Rhodes) ...

3) Jean Bonet (1899) "Dictionnaire annamite-français, langue officielle et langue vulgaire" NXB Imprimerie nationale, E. Leroux - Paris (Pháp quốc).

4) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (Saigon).

6) Lã Minh Hằng (2013) "NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 - QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU" - bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 - có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html

(2013) "Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ - nguyên bản Nguyễn Văn San" NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội

7) Hội Khai Trí Tiến Đức - ban văn học (1931/1954) "Việt Nam Tự Điển" NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội)

8) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (Saigon)

(1867) "Abrégré de Grammaire Annamite" Imprimerie Impérial – Saigon

9) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

10) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) "Lexicon Cochin-sinense Latinum" đăng trong cuốn "A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing" viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích. Chữ nôm và chữ quốc ngữ ("ngày diu minh" ~ ngày Chúa nhật) cùng hiện diện trong cùng một tài liệu này (hình chụp trong bài trên).

11) Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh (2001) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" La-Vang Tùng Thư (Palacios, Texas - Hoa Kỳ).

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

14) J. S. Theurel (1877) "Dictionarum Anamitico-Latinum" LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) - Ninh Phú (Đàng Ngoài).

15) Nguyễn Cung Thông (2019) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6)" có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2018/06/22/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-cach-goi-ngay-thang-thoi-gian-phan-6/, v.v.

(2010) "Bụt hay Phật?" có thể xem loạt bài này trên trang này chẳng hạn https://thuvienhoasen.org/a5101/but-hay-phat-phan-1, v.v.

16) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, Hanoi.


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Dựa vào PGTN/VBL của LM de Rhodes và bản Nôm của LM Maiorica "Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông". Phần sau bài viết này sẽ cho thấy rõ hơn quá trình thay đổi này.

[3] Đây cũng là điều răn thứ ba theo PGTN trang 289 "giữ ngày lễ lạy". Câu này cũng được LM Maiorica ghi lại trong Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 119 và trang 140 (bản Nôm, sđd).

[4] Có thể khái niệm 7 ngày trong một tuần và thứ tự ngày rất mới mẻ nên vấn đề lễ lạy dễ hội nhập hơn, cũng như là điều quan trọng cho ngày cuối tuần này (để lo về phần hồn/nghĩ về Chúa) so với 6 ngày trước lo về phần xác. Nên nhớ là một tuần 'thường' có mười ngày, LM de Rhodes đã ghi rõ nét nghĩa này: một tuần là mười ngày (decem dies/L), hai tuần là hai mươi ngày (viginti dies/L), v.v. (VBL trang 820). Một tháng có 3 tuần HV 旬 hay 30 ngày và chia làm trung tuần, hạ tuần và thượng tuần.

[5] Các bản dịch ra chữ quốc ngữ (sđd) đều dùng chủ nhà, chủ tàu, chủ quán (theo tiếng Việt hiện đại) - nhưng người viết (NCT) vẫn duy trì các dạng chúa nhà, chúa tàu, chủ quán cho bài này vì các tài liệu chữ quốc ngữ đều dùng như vậy cho đến ít nhất là cuối TK 19 (xem toàn bài cho thấy rõ hơn).

[6] Trích từ các bản chép tay, chép lại cuốn "Phép Giảng Tám Ngày" của LM de Rhodes, vào khoảng cuối TK 18 và đầu TK 19, kể luôn các bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh khi ở Bồ Đào Nha. Các tài liệu này còn lưu trữ tại thư viện tòa thánh La Mã, các hình chụp trực tiếp từ nguyên bản.

[7] Tàu trưởng, thuyền trưởng đều là những cách dùng HV cũng như gia trưởng 家長. Thứ tự chữ tương đương như lớp trưởng ~ trưởng lớp, ti trưởng ~ trưởng ti rất đáng chú ý trong tiếng Việt nhưng không nằm trong phạm trù bài viết này. Xem thêm chi tiết trong phụ chú 16 về gia chủ ~ chủ gia ...

[8] "Phép Giảng Tám Ngày" Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) tác giả Nguyễn Văn Xuyên. Một tác giả khác, khi đọc PGTN, vẫn dùng chủ nhà (cho hợp với tiếng Việt hiện đại) so với chúa nhà, tham khảo thêm tài liệu trên trang này https://kholuu.files.wordpress.com/2015/07/phep_giang_tam_ngay.pdf...

[9] Trong mục đức, LM de Rhodes phân biệt rõ ràng đức vua, đức chúa (trung phụ) so với đức Chúa Trời (thượng phụ) và cha đẻ (hạ phụ) - đây là khuynh hướng hội nhập tư tưởng Đông phương (tam phụ, từ thời LM Matteo Ricci ở TQ) của các giáo sĩ Dòng Tên khi sang Á Châu truyền giáo. Đây cũng là nỗ lực sử dụng truyền thống văn hóa xã hội địa phương (td. Khổng giáo) trong quá trình truyền đạo CG cho dễ được chấp nhận hơn.

[10] Thiên chủ HV 天主 lần đầu tiên dùng để chỉ thượng đế (Đức Chúa Trời ~ God/A) bởi LM Dòng Tên Michele Ruggieri vào năm 1584, sau đó LM Matteo Ricci diễn giải chi tiết hơn về khái niệm mới này theo truyền thống CG so với nghĩa cổ đại của Thiên Chúa (~ hoàng đế Trung Hoa). Một chi tiết đáng ghi lại ở đây là trong "Truyện Anam Đàng Trong" đoạn 26 (trang 310 đến trang 326), LM Philiphê Bỉnh kể lại chuyện thầy giảng Phêrô Ki tử vì đạo vào ngày 27/1/1665. Thầy Ki rất thông thái và đã đọc các sách viết bởi LM Matteo Ricci, cho nên ông biết đến hai chữ Thiên Chúa mà các quan nhà nước chưa ai được thấy (vì không có đạo CG). Các quan từng bàn luận gay gắt cũng hỏi thầy Ki đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của hai chữ Thiên Chúa này trong văn bản - xem chi tiết trong đoạn 15 (trang 179 đến trang 198). Truyện này cho ta thấy tài liệu giảng đạo bằng Hán văn của các LM Dòng Tên tiên phong như Matteo Ricci đã có mặt ở Việt Nam trễ nhất là vào giữa TK 17, và cách gọi Thiên Chúa (chữ quốc ngữ, không phải Thiên Chủ) đã phổ thông vào thời LM Philiphê Bỉnh (cuối TK 18 - đầu TK 19). Theo LM Philiphê Bỉnh thì chính LM Matteo đã chế ra danh từ 天主 (Thiên Chúa) này trong các sách giảng của mình khi truyền đạo ở TQ (trang 181, sđd), đặc biệt cho các nước đồng văn (dùng chữ Hán). Đây là những đề tài rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

[11] Đây là trường hợp rất hiếm trong VBL, chỉ ghi hàng chữ Việt và Bồ - cho thấy LM de Rhodes có thể đã sử dụng 'tài liệu Việt - Bồ' nào đó đã có sẵn và chỉ thêm giải thích bằng tiếng La Tinh (không thấy trong mục này!).

[12] Thổ chủ HV 土主 thời Minh chỉ tượng dắp bằng đất.

[13] Không phải như ý kiến của tác giả Vương Trung Hiếu cho rằng chúa nhật/chủ nhật HV 主日xuất hiện từ thời Hán Việt từ điển giản yếu (1932) của cụ Đào Duy Anh. Thật ra, cụm danh từ ngày Chúa nhật/Chúa nhật (nhựt) đã hiện diện trước đó ít nhất là cả trăm năm. Xem chi tiết của bài viết "Lắt léo chữ nghĩa: Chủ nhật không đồng nghĩa với chúa nhật" trên trang này chẳng hạn (30/8/2020) https://thanhnien.vn/van-hoa/lat-leo-chu-nghia-chu-nhat-khong-dong-nghia-voi-chua-nhat-1272517.html, v.v. Cũng không như nhận xét của Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo/1932-1954):"Chủ nhật: ngày thứ nhất trong tuần lễ, có nơi gọi là chúa-nhật"; "có nơi" chính là Đàng Trong qua các tài liệu bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ (Béhaine/1772/1773 - Taberd/1838- các bản Nôm "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" từ năm 1774).

[14] Chúa nhật 主日 có khả năng là một dạng phiên dịch từ thuật ngữ CG, ngày của Chúa (dominica die tiếng La Tinh), từ các giáo sĩ Dòng Tên khi sang Á Châu truyền đạo. Cách dùng này từng hiện diện trong Kinh Thánh từ khoảng TK 2, KhảI Huyền 1:10 (Relevation 1:10) "fui in spiritu in dominica die et audivi post me vocem magnam tamquam tubae" (tạm dịch: Vào ngày của Chúa, tôi được Thánh Linh cảm hóa và nghe phía sau tôi có một tiếng lớn như tiếng kèn). Danh từ Chúa nhật đã xuất hiện ở Trung Hoa và Nhật Bản từ truyền thống CG địa phương, giải thích được phần nào sự ra đời của cách gọi này ở VN vào khoảng cuối TK 18. Chủ nhật khó mà mang nét nghĩa ‘ngày chính trong tuần’ (do đó khác với Chúa nhật, theo một số ý kiến) như chủ ý, chủ trương, chủ đề vì văn hóa truyền thống/ngôn ngữ VN không quen với khái niệm ngày chính/tháng chính/năm chính!

[15] Trong cuốn "Truyện nhật trình Fernão Mendes Pinto", LM Philiphê Bỉnh dùng "ngày thứ nhất" thay vì "ngày lễ cả" như trong trang chụp lại ở trên, cũng thuật lại cùng câu chuyện sửa soạn đi qua Bồ Đào Nha.

[16] LM Philiphê Bỉnh cũng dùng "chúa thuyền" trang 52 (SSS, ít dùng), thuyền nhỏ hơn so với tàu (nghĩa khác với HV - tàu 艚 là 小船也 tiểu thuyền dã/Ngọc Thiên, phù hợp với định nghĩa VBL) chỉ dùng cho sông rạch địa phương. Có lúc ông dùng chúa nợ (ít dùng td. trang 484 Borg.tonch.15) so với chúa tàu, chúa nhà thường gặp.

[17] Theo LM Theurel thì chủ nhà, gia chủ cùng nghĩa (sđd), tuy nhiên cách dùng chủ gia (thứ tự chữ ngược lại với gia chủ) cũng được các học giả Taberd, Huỳnh Tịnh Của, Génibrel ghi nhận. Cách dùng tương đương chúa nhà - chủ nhà - gia chủ - chủ gia đáng quan tâm nhưng không thuộc phạm vi bài viết này.

[18] J. Bonet từng làm Chánh Tổng Tài tờ Gia Định Báo (1872 hay 1873-1881). Ông cũng là tác giả cuốn "Dictionnaire annamite-français, langue officielle et langue vulgaire" (1899).

[19] Thứ tự/trật tự từ có chức năng quan trọng trong tiếng Việt, HV như các nghĩa khác nhau của lao công - công lao, nhân công - công nhân, chúa công - công chúa, v.v.

[20] A. Chéon là chủ tịch Hội đồng phụ trách chữ viết (Tiểu ban cải cách chữ quốc ngữ) trong Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn Đông lần thứ nhất (Hà Nội, 1902) - xem thêm chi tiết trong bài viết "Tài liệu liên quan tới cuộc vận động cải cách chữ quốc ngữ ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX" trên trang này chẳng hạn https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lien-quan-toi-cuoc-van-dong-cai-cach-chu-quoc-ngu-o-viet-nam-vao-dau-the-ky-xx-40682.

[21] Giai đoạn đầu tiên thường là ghi âm gần đúng như ngày Do/Du Minh (PGTN - gốc từ Domingo), Crux (PGTN - gốc từ crux) sau đó là đơn âm hóa thành câu-rút, thánh Anjo (VBL - gốc từ La Tinh angelus và cổ Hi Lạp ἄγγελος/ángelos) cho đến khi hoàn toàn dùng tiếng Việt hay HV như ngày nay: ngày Do/Du Minh ------> ngày chủ nhật, crux - câu rút ------> (cây) thánh giá, thánh Anjo ------> thánh thiên thần. Vào TK 17, dòng Đa Minh (Domingo) gọi là dòng ông Thánh Du Minh (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, trang 49, sđd). Vào TK 17, dòng Đa Minh (< Domingo tiếng Bồ cổ < Dominicus/L là đức Chúa trời) gọi là dòng ông Thánh Du Minh (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, trang 49, sđd). Đa Minh 多明 là âm HV hậu kỳ (hay Đạo Minh 道明 ...).

[22] Thí dụ như dùng google (18/10/2020) để tra hai cách dùng chủ nhật (được 454 triệu lần) và chúa nhật (46,3 triệu lần). Ngoài ra, Chúa nhật thường được các bổn đạo CG dùng vì liên hệ đến lịch sử tôn giáo/Kinh Thánh.

[23] Xem thêm "tư duy tổng hợp" so với "tư duy phân tích" từ các bài viết trước (cùng tác giả/Nguyễn Cung Thông) về cách nói có vẻ mâu thuẫn như trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền, ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh, v.v.

[24] Về hiện tượng kỵ húy và âm cổ, tham khảo thêm các bài viết ‘Tản mạn về từ Hán Việt thời - thì (phần 6.2)" hay loạt bài "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - sinh thì là chết?" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông).