Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Làm báo Văn Nghệ (kỳ 1)

Hồi ký Nguyên Ngọc (trích)

Sau Đại hội VI của Đảng ít lâu, một hôm tôi nhận được một mẩu giấy của anh Trần Độ:

“Chiều nay đến chơi. Cậu không đi được xe đạp, mình sẽ cho xe đón. Ghé qua rủ cả Nguyễn Minh Châu nữa nhé”.

Châu hơi chần chừ. Tôi biết tính anh, rất ngại đến với “cấp trên”. Tôi giục: “Đến nói chuyện linh tinh chơi thôi mà, đi đi!”. Mãi anh mới chịu.

Nói chuyện linh tinh thật. Anh Độ là người rất chịu khó đọc. Anh đọc nhiều của Nguyễn Minh Châu và rất thích. Câu chuyện lúc đầu loanh quanh về mấy cái truyện ngắn mới của Châu. Nhưng Châu lảng đi. Anh không bao giờ muốn tự mình giải thích những điều anh đã nói trong tác phẩm. Hình như chúng tôi lại chuyển sang chuyện điện ảnh hay sân khấu gì đó.

Đột ngột Châu bảo:

– Thôi, ông Ngọc về làm báo Văn Nghệ đi! Cái tạng ông Ngọc làm báo được đấy. Để tờ báo như bây giờ, chán bỏ xừ.

Hôm trước Châu đã nói với tôi như ra lệnh, hôm nay anh lại nói luôn với anh Độ.

Tôi biết Châu rất quyết liệt trong sáng tác, anh ngoan cố một cách im lặng, cặm cụi viết theo con đường đã chọn, ai chửi ai đánh, mặc. Nhưng chưa lần nào thấy anh can thiệp chuyện tổ chức nhân sự. Đây là lần đầu tiên. Vậy là anh đã nghiền ngẫm lâu rồi, nay mới đột ngột bật ra.

Tôi thì tuyệt nhiên chưa bao giờ nghĩ đến việc này.

Tôi vẫn chưa viết được gì, thấy anh em viết mà thèm, nhưng vẫn đang cố, đang muốn chuyển mình mà thử viết lại xem. Với tôi sẽ rất gian nan. Quán tính cũ ở ngòi bút tôi còn mạnh quá. Cảm thấy lơ mơ rất nhiều điều, sau chuyến đi Nam Bộ và qua những chuyển động trong xã hội, qua sáng tác của anh chị em, qua Đại hội VI. Nhưng vẫn chưa biết viết gì. Vẫn ở trong cái tình trạng như ông Blanchot nọ nói, một anh chàng nhà văn chẳng có gì để nói cả.

Độ này chẳng hiểu sao ở ta và cả trên thế giới cái chuyện thiền với trực cảm lại rộ lên dữ thế. Tôi nghe nói người trực cảm muốn ngộ ra chân lý mới thì phải làm cho bộ óc mình hoàn toàn trống rỗng đi, cái mới sẽ đến, chiếm lấy khoảng trống ấy. Lúc này có lẽ óc tôi đã trống đi thật, nhưng cái gì mới thì chưa thấy đến rõ rệt.

Vả lại, tôi chưa thật sự làm báo bao giờ. Có làm phóng viên mặt trận thời 9 năm, làm tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng…, nhưng đấy chưa phải là làm báo, nhất là tuần báo hay nhật báo. Thậm chí đến mise (dàn trang) một trang báo tôi cũng chưa sành. Hồi anh Giang Nam làm báo Văn Nghệ, tôi là Bí thư Đảng đoàn, Phó Tổng thư ký trực, thỉnh thoảng có ghé qua tòa soạn, có hôm gặp anh em đang làm mise. Tôi thấy cái cảnh ấy rất vui, rất không khí, nhưng rồi cũng bỏ qua, chưa bao giờ nghĩ sẽ đến lúc tự mình làm.

Châu bảo:

– Nắm lấy tờ báo lúc này là quan trọng nhất. Cái Hội (Hội Nhà văn) lừ đừ, chết yểu quá rồi. Có thể dùng tờ báo mà vực nó dậy.

Không ngờ Châu, vốn im ỉm thế, bây giờ lại hăng vậy.

Anh Độ bảo:

– Ý Châu hay đấy. Nhưng còn ý Ban Thư ký, Ban Chấp hành hội nữa. Để lúc nào mình thăm dò thử xem.

Suốt buổi ấy tôi không nói gì. Nghĩa là còn hết sức phân vân.

Trên đường về, Châu lại giục.

– Làm đi, đừng chần chừ nữa. Ý kiến mình là sáng suốt nhất rồi đấy!

Nguyễn Khải cũng giục tôi.

Ít lâu sau, anh Độ lại rủ tôi đến chơi. Anh kể vừa rồi anh có gặp Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu, có bàn về việc cần củng cố tờ báo Văn Nghệ. Hóa ra lại chính Nguyễn Đình Thi nói ra trước: Hay là mời Nguyên Ngọc về làm Văn Nghệ?

Anh Độ bảo anh Thi:

– Đó cũng là một ý kiến hay. Các anh về trao đổi lại trong Ban Thư ký, nếu thống nhất thì làm đề nghị lên Ban (Ban Văn hóa Văn nghệ).

Thỉnh thoảng anh Độ lại cho người (Nguyễn Trung Thu) xuống hỏi Ban Thư ký đã bàn xong chưa, quyết thế nào. Thì Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu lại chần chừ không quyết. Cuối cùng đưa chuyện ra Ban Chấp hành. Phiên họp Ban Chấp hành tiếp đó quyết định bổ sung Nguyễn Khải làm Phó Tổng thư ký Hội và tôi làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ. Trước đó, Ban Thư ký có mời tôi đến hỏi ý kiến. Tôi ừ. Nguyễn Khải làm Phó Tổng thư ký thì Hội ra quyết định ngay. Còn tôi làm Tổng Biên tập báo thì mới chỉ nói miệng, bởi còn phải làm các thứ thủ tục lên Bộ Thông tin.

Ấy là vào tháng 6-1987.

Và đó cũng là toàn bộ sự thật về cái điều mà sau này không ít kẻ gọi là “sức ép”, “sự áp đặt” của Ban Văn hóa Văn nghệ, của anh Trần Độ đối với Hội Nhà văn để tôi nắm lấy tờ báo của Hội mà “khuynh loát”, được nói đến cả trong một cái gọi là “tờ trình” của Ban Thư ký hội gửi lên Ban Bí thư Trung ương Đảng, một năm rưỡi sau, khi quan hệ giữa báo và Ban Thư ký hội đã căng thẳng lắm. Buồn thay, ký tên dưới tờ trình ấy có cả Nguyễn Khải.

Cuối tháng có 6-1987 quyết định chính thức tôi về làm báo, nói rõ bắt đầu nhận nhiệm vụ từ số 27, tức số ra đầu tháng 7-1987.

Tôi về báo Văn Nghệ trong tình hình khá đặc biệt, thực tế là tôi nhận một tờ báo… đã chết.

Số là bấy giờ giá giấy, giá công in lên vùn vụt, mỗi tuần mỗi giá, tăng theo cấp số nhân. Số lượng báo thì tụt dài, còn không tới vài ngàn. Lỗ, nợ đầm đìa.

Nhưng đấy cũng chỉ mới là mặt bên ngoài của tình hình. Còn một mặt khác quan trọng hơn: phong trào báo chí sau Đại hội VI đang lên ồ ạt. Một luồng gió dân chủ, công khai, cởi mở thổi qua trên tất cả các mặt báo…, trừ báo Văn Nghệ. Anh Đào Vũ nói công khai, anh chủ trương giữ một cái marge (cái lề) an toàn rộng cho tờ báo. Anh chỉ đá bóng giữa sân, nhất thiết tránh không bao giờ “leo biên”. Tức là anh tránh gió. Anh đứng ngoài cuộc. Thỉnh thoảng cũng có đôi bài chống tiêu cực khe khẽ, gọi là. Thời gian ấy, những cuộc giao ban báo chí hằng tuần ở Ban Tuyên huấn Trung ương không bao giờ mời báo Văn Nghệ họp. Tức là người ta không coi Văn Nghệ là một tờ báo. Nó là một thứ trang sức sang trọng mà vô thưởng vô phạt gì đó cho chế độ được giao Hội Nhà văn làm, cái hội cũng đang tránh gió.

Báo mất độc giả, nằm ế mốc meo trên các quầy. Ban Tuyên huấn không coi nó là báo. Người đọc cũng không coi nó là báo nữa.

Giữa tháng 6-1987, Đào Vũ, quyền Tổng Biên tập, không hỏi ý kiến Ban Thư ký hội, Ban Tuyên huấn, Ban Văn hóa Văn nghệ, gửi công văn đi các nơi thông báo, chứ không phải báo cáo, báo Văn Nghệ đình bản. Rồi anh bỏ đi Sài Gòn, giải quyết công việc gì đó. Tờ báo trở thành vô chủ.

Để cho một tờ báo lớn như Văn Nghệ đình bản thì lôi thôi quá, rất dễ mang tiếng. Ban Tuyên huấn hơi hoảng. Ban Thư ký Hội, hình như có cả anh Vũ Tú Nam lúc đó là Bí thư đảng ủy hội, vội mời chi ủy báo Văn Nghệ sang, giao nhiệm vụ cho chi bộ báo “bằng bất cứ giá nào” cũng phải ra cho kỳ được số 26.

Có những sự tình cờ rất lạ: truyện ngắn Tướng về hưu nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp chính là được đăng trên số báo vô chủ này! Bởi vì Đào Vũ đã bỏ đi rồi, bản thảo này nằm lưu cữu đã lâu nhưng Đào Vũ nhất định không đăng. Bây giờ không còn chủ, anh em mới moi ra. Lúc này tôi đang nằm bệnh viện 108 vì cần một giải phẫu nhẹ ở trực tràng. Chị Thiếu Mai trong Ban Biên tập vào thăm và mang truyện của Nguyễn Huy Thiệp vào hỏi ý kiến tôi. Tôi chưa có quyết định chính thức làm Tổng Biên tập, chưa có quyền gì. Tôi chỉ nói:

– Nếu tôi làm thì tôi đăng ngay.

Lúc này anh Võ Văn Trực, Phó Tổng Biên tập, là Bí thư chi bộ. Nhưng vụ đăng Tướng về hưu có công lớn của Ngô Ngọc Bội, Trưởng ban Văn của báo. Bế Kiến Quốc cũng rất hăng hái hùn vào. Số báo 26 này dày cộp vì dồn ba số làm một. Lúc về báo, tôi có khen anh Ngô Ngọc Bội Trưởng ban Văn của báo một câu: Cái giỏi nhất của anh là chỉ thò bút sửa đúng mỗi một từ của Thiệp, ở đoạn ông tướng lại đi mặt trận, đứa cháu nội hỏi ông: Đường ra trận mùa này đẹp lắm hả ông? Ông mắng nó “Tếu!”, Bội sửa lại thành “Láo!”. Thiệp phục lắm, có nói thêm lúc đó mình là giáo viên lèm nhèm ở Tây Bắc mới về thủ đô đâu đã dám “láo” với câu thơ nổi tiếng đó của Phạm Tiến Duật.

Tôi làm báo Văn Nghệ đúng một năm rưỡi, từ đầu tháng 7-1987 đến cuối tháng 12-1988. Sau này Đào Vũ có lần mỉa mai: Anh Nguyên Ngọc chiếm kỷ lục về thời gian giữ chức Tổng Biên tập ngắn nhất ở báo Văn Nghệ. Đúng thôi. Thậm chí ngay từ đầu tôi đã linh cảm chắc cũng khó dài hơn; và như thế cũng là vừa. Vừa đủ để “làm một cái gì”. Mở đầu có thể hơi chậm. Nhưng chấm dứt ở đấy là vừa đủ. Không thể và cũng không nên khác. Tôi sẽ xin nói vì sao mà có linh cảm đó.

“Làm một cái gì”, tổng quát và cụ thể là làm gì?

Tôi là một nhà tổ chức tồi. Về báo, tôi chủ trương giữ gần nguyên vẹn tổ chức cũ, chỉ để một ít anh dự kiến có thể gây khó đi sáng tác tự do, được trả lương đầy đủ; cố gắng tránh gây xáo trộn nhiều về nhân sự, cũng tức xáo trộn về tâm trạng anh chị em trong cơ quan. Sau này nhiều người trách tôi không biết củng cố hậu phương trước khi vào trận. Có thể đúng thế thật. Nhưng ý định của tôi lúc này tập trung vào một điểm rất rõ rệt: chấm dứt sự tránh gió, dứt khoát và mạnh mẽ đưa ngay tờ báo vào cuộc, vào chính giữa dòng xoáy gay gắt nhất của thời cuộc. Tôi diễn đạt ý tưởng ấy bằng hai chữ Đối diện. Tờ báo phải Đối diện với cuộc sống, không được quay mặt đi, quay lưng lại. Tôi tin tất cả các anh chị em trong tòa soạn, đã là người cầm bút, đều có tâm huyết. Lâu nay người đứng đầu tránh gió thì anh chị em cũng chẳng dại gì tự mình đương đầu. Bây giờ có hướng rõ và quyết, vẫn đội hình đó, có thể có sức mạnh mới. Có thể tôi ngây thơ quá chăng, nhưng quả lúc ấy tôi tin như vậy.

Tôi trình bày chủ trương cải tiến tờ báo với Ban Thư ký. Nguyễn Khải rất tâm đắc. Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu đồng ý, nhưng không mặn mà lắm.

Có một chủ trương chung rồi, nhưng thực hiện cụ thể như thế nào?

Ngay số đầu, tôi vấp một phốt kỹ thuật. Tháng 6 vừa họp Quốc hội, có thay đổi trong cơ quan lãnh đạo nhà nước. Tôi đưa ngay ảnh ba vị nguyên thủ quốc gia lên trang 1, cả thông cáo của Quốc hội nữa. Số tiếp, lại đăng ngay trang 1 chỉ thị của Ban Bí thư về văn hóa văn nghệ.

Phạm Hữu Nhuận, Thư ký tòa soạn rất kinh nghiệm, biết, nhưng có lẽ ngại, chưa hiểu tính tôi ra sao, không can.

Hai số báo ế ngay. Nhiều quầy không nhận. Vố đầu như thế là đau. Đã nghe xì xầm:

– Ông này đếch biết làm báo!

Cũng may tôi nghe, kịp nhận ra. Đã là báo Văn Nghệ, trang 1 bao giờ cũng phải đăng sáng tác, thường là sáng tác “đinh”, gây ấn tượng. Trong nghề làm báo, ấn tượng là rất quan trọng. Đơn giản thế, mà tôi chưa biết. Thôi được rồi, đã biết thì sửa, chẳng sao. Và cũng không khó.

Khó hơn là tìm một con đường vào cuộc như thế nào đây cho báo Văn Nghệ.

Đang thời kỳ nở rộ của báo chí. Các báo đều có thái độ đối diện với các vấn đề xã hội nóng bỏng – Tuần Tin tức, Lao Động, Đại Đoàn Kết, Hà Nội Mới, Độc Lập, Tổ Quốc, ngay cả báo Nhân Dân nữa.

Văn Nghệ cũng phải “đối diện”, nhưng phải có cách đối diện riêng của nó.

Văn Nghệ là báo, nhưng nó yếu hơn các báo khác ở tính thời sự báo chí. Nó là báo, mà cũng không hoàn toàn là báo. Nó không thể đua được với các báo khác ở tính thời sự xã hội nóng hổi hằng ngày. Các báo khác, chỉ cần một mẩu tin đưa thật đắt, đã có thể gây chấn động.

Nhưng Văn Nghệ lại có chỗ mạnh riêng của nó, nếu biết thật sự khai thác: nó là báo mà là văn, nó đứng trên cái ranh giới rất hay giữa báo và văn. Tức là nó có thể thời sự, có thể xã hội một cách sâu hơn. Nó có thể từ cái rất thời sự mà không dừng lại ở thời sự, tiếp tục đi đến tận gốc rễ. Từ sự việc nóng hổi hằng ngày đi đến tận con người, số phận con người, những cơ chế kìm hãm, gây đau khổ, và những cơ chế giải phóng con người.

Ai cũng biết, trong nghề làm báo, thể tài quan trọng như thế nào. Diện mạo riêng của tờ báo hiện ra ở thể tài đặc sắc riêng của nó.

Tôi nghĩ đến phóng sự.

Nhìn lại lịch sử văn học hiện đại ta, có thể thấy một hiện tượng rất đáng chú ý: một thời từng có những phóng sự-văn học rất hay, những nhà văn viết phóng sự đặc sắc – Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Trọng Lang, Lan Khai… Nhưng rồi phóng sự lặng đi, mất hút suốt mấy mươi năm. Vì sao?

Có nguyên nhân và quy luật bên trong đấy. Phóng sự rộ lên trong những thời kỳ văn học đứng trước những vấn đề xã hội phức tạp, gay cấn, nóng bức, khi nó cần và muốn phanh phui, đào bới, mổ xẻ, bày rõ ra xã hội. Chính phóng sự đem đến, cung cấp cho văn học tính vật chất ngổn ngang, sần sùi, thô nhám, sống động của xã hội. Nó kéo văn học vào xã hội ngổn ngang, và kéo xã hội ngổn ngang vào văn học.

Còn một giai đoạn văn học anh hùng ca thì lại không có đất sống cho phóng sự. Đó là thời của tùy bút, của những hịch tướng sĩ vang dội, những trường ca bao quát sử thi hùng hồn. Khi đó cái riêng, cái xã hội vụn vặt mà thiết yếu hằng ngày riêng tư của từng số phận cá nhân chìm đi, bị và tự nguyện quên mình, lặn đi trong số phận chung của cộng đồng rộng lớn đang đứng trước sự mất còn tử sinh. Khi đó, trong văn học, được vẽ bằng những đường nét đậm và lớn một cái khung lớn bao trùm, bên trong là một khối cô đặc và đồng nhất.

Phóng sự, vốn là thể loại của sự sống hằng ngày vụn vặt, cũng lặn mất đi trong đó là phải thôi.

Đó là lịch sử, lịch sử văn học một thời. Lịch sử là để suy gẫm, chứ không phải để phán xét, càng không phải để làm nguyên lại.

Tôi nghĩ nay đã đến lúc có thể cần làm sống lại phóng sự. Nó sẽ là thể loại khai phá, mở đường cho một giai đoạn văn học mới. Giai đoạn số phận chung của cộng đồng cơ bản đã được trả lời xong. Tới lúc của những quan hệ rối rắm, phức tạp trong nội bộ cộng đồng.

Như vậy phóng sự không phải chỉ là vấn đề của riêng tờ báo Văn Nghệ. Nó là vấn đề của văn học hôm nay. Báo Văn Nghệ là cơ quan của Hội Nhà văn. Vấn đề của nó cũng là vấn đề của Hội, của cả văn học.

Tôi đã không làm được cho các anh trong Ban Thư ký hội thấu hiểu hết những ý tưởng của tôi. Và rõ là thậm chí các anh không thể hiểu, các anh không thể, không dám quan tâm đến điều tôi đang tha thiết quan tâm. Họ quan tâm chuyện khác. Sự rạn nứt trong quan hệ giữa báo và Hội có thể đã manh nha ngay từ đó. Các anh có lẽ đã cảm thấy tôi tự động, tôi độc lập quá đối với Hội. Tôi thì lại thấy các anh hờ hững với những điều tôi cho là bức bách và tờ báo của Hội phải xông vào giải quyết.

Chúng tôi quyết định phóng sự từ nay sẽ là một thể loại chủ chốt trên mặt báo. Tôi nói chúng tôi vì đã bàn bạc tập thể trong Ban Biên tập và mọi người đều nhất trí, rất nhanh.

Chúng tôi mời một số anh chị thường viết phóng sự ở các báo bạn đến tham khảo ý kiến thêm, và thử tung ra một vài phóng sự đầu tiên, để tập dần và cũng để thăm dò phản ứng. Sách và ba điều vô lý của Trần Việt Dũng, Tiếng hú của con tàu của Vân Anh.

Phản ứng rất khác nhau. Anh Huỳnh Ngọc Lý, Giám đốc Tổng Công ty Phát hành Sách, cũng là người quen cũ của tôi thời chống Mỹ ở rừng, viết cho tôi một lá thư dài gay gắt, trách tôi đánh ngành phát hành sách của anh bất công, còn gửi kèm theo cả một lô tài liệu chứng minh. Vì là thư riêng gửi cho cá nhân tôi, nên tôi cũng trả lời anh bằng thư riêng: không phải chúng tôi đánh Tổng Công ty Phát hành Sách của anh, chúng tôi đánh cái cơ chế phát hành sách bao cấp vô lý kỳ quặc mà chính anh cũng là nạn nhân. Không thấy anh Lý nói gì nữa. Gặp nhau cũng cười xòa thôi.

Tiếng hú của con tàu thì Tổng Bí thư Đảng lại rất chú ý, còn đưa ra đọc giữa một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng và chỉ thị phải giúp ngành đường sắt giải quyết khó khăn. Tổng cục Đường sắt mời cả báo và tác giả đến cảm ơn, lại có quà riêng cho tác giả nữa!

Nhưng tôi biết đấy mới chỉ là đôi bước thăm dò, vài cái phóng sự vừa rồi thật ra còn hoàn toàn báo chí, chưa là văn học như tôi mong muốn và hình dung.

Báo Văn Nghệ thời Đào Vũ làm quyền Tổng Biên tập có đăng một bút ký viết về ông Nguyễn Văn Chẩn, một người làm lốp xe đạp nổi tiếng. Bài viết ký tên Nhật Linh và đã được giải thưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi muốn trở lại vụ này, một cách khác. Nhật Linh chính là Trần Huy Quang, bấy giờ đang làm phóng viên báo Độc Lập của Đảng Dân Chủ. Tôi mời anh đến, trao đổi. Tôi đã gặp Quang một lần, mấy năm trước, khi Nhà xuất bản Quân đội nhờ tôi đọc giám định một cuốn tiểu thuyết của anh. Tôi mến anh từ đấy. Quang rất ít nói, nhỏ nhẹ và ngượng ngùng như con gái, khiêm tốn đến rụt rè. Nhưng tôi linh cảm anh là một cây viết rất nhạy, thông minh và có tài. Tôi đề nghị Quang viết lại chuyện ông Chẩn.

– Viết lại? Viết thế nào nữa anh?

Tôi nói:

– Cứ thử đi lại xem, tìm lại xem. Lần trước anh đã viết câu chuyện, lần này thử tìm hiểu số phận con người ấy. Có thể sẽ tìm ra cái gì khác chăng.

Tôi gợi với anh một ý: Cái cơ chế xã hội của ta bây giờ lạ lắm: anh làm giàu đến một mức nào đó thì tôi “chặt đầu”, cấm, bỏ tù. Còn anh nghèo thì tha hồ, càng nghèo càng tốt, không giới hạn.

Câu nói đó không phải của tôi. Đó là câu nói của anh Vũ Hữu Ngoạn, thời anh còn làm tờ nội san trường Nguyễn Ái Quốc, sau này anh về làm Trưởng ban Tuyên huấn Hà Nội, thay đổi cương vị chức tước rồi, không biết anh có còn giữ được cái ý cũ ấy của anh nữa không?

Quang bảo:

– Để em đi thử. Chưa dám hứa gì đâu.

Mười ngày sau, Trần Huy Quang mang đến cho tôi phóng sự Lời khai của bị can.

Chúng tôi đăng ngay trang nhất. Nó lập tức gây chấn động.

Chúng tôi căng thẳng với Hà Nội vì nó một thời gian khá dài.

Một hôm tôi nhận được thư Thường vụ Thành ủy Hà Nội mời các báo có lên tiếng về vụ ông Vua Lốp đến họp. Buổi chiều trước ngày họp, tôi mời đại diện một số báo đến chỗ tôi trao đổi.

Cuộc họp ở cơ quan Thành ủy do ông Nguyễn Thanh Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội chủ trì, có mặt đầy đủ Thường vụ, Giám đốc Sở Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Trưởng ban An ninh, Tuyên huấn, Văn hóa… chẳng thiếu ai.

Vừa vào cuộc, ông Nguyễn Thanh Bình phủ đầu tôi ngay:

– Tôi biết chiều hôm qua anh Ngọc đã họp các báo để bàn đối phó với Thành ủy.

(Về sau chúng tôi biết anh chàng Tổng Biên tập báo Hà Nội Mi đến chỗ chúng tôi họp rồi tối về méc lại với ông Bình.)

Tôi trả lời:

–Vâng, được Thành ủy mời về chuyện Vua Lốp bị Hà Nội bắt, chúng tôi có gặp nhau bàn, mình là báo chí nên đến cung cấp thông tin gì thêm để giúp Thành ủy giải quyết đúng vụ này.

Ông Bình vẫn gay gắt:

– Sao các anh cứ tập trung bôi nhọ Hà Nội? Bọn người Việt phản động ở nước ngoài bây giờ đang ra sức đề cao Sài Gòn là thành phố cũ của Mỹ Ngụy, và hạ uy thế Hà Nội là thành phố xã hội chủ nghĩa của ta. Vậy mà báo chí…

Tôi nói:

– Thế anh bảo chúng tôi tiếp tay cho kẻ thù? Mà Sài Gòn bây giờ của ta rồi, sao anh còn gọi nó là của Mỹ Ngụy? Chúng tôi chẳng bôi nhọ ai cả, chúng tôi chỉ lên tiếng về một cơ chế quản lý mà chúng tôi thấy là vô lý. Phế liệu là thứ quốc doanh thải ra, vứt đi, cho mục ruỗng, ô nhiễm môi trường nữa, đáng lẽ cần nhặt cho sạch thành phố, đằng này ông Chẩn bỏ tiền đi mua về, tái chế thành mới, làm ra lốp, các anh cứ thử đi hỏi những người sử dụng lốp xem, họ bảo lốp quốc doanh phải gọi lốp của ông Chẩn là ông nội, quốc doanh thua xa. Vậy mà các anh bắt người ta, bỏ tù, còn tịch thu hết máy móc…

Dự họp có anh Phạm Tâm Long, Giám đốc Công an Hà Nội, chính anh là người đã bắt ông Chẩn. Tôi để ý thấy anh nhìn tôi rất lâu, và hơi mỉm cười, không rõ vì sao.

Họp được một lúc, tôi đứng dậy hỏi:

– Xin phép đồng chí Bí thư cho chúng tôi được biết, chúng tôi được mời đến đây hôm nay là với tư cách gì? Để tham gia bàn bạc với các đồng chí về vụ này hay để nghe các đồng chí trả lời báo chí? Để cung cấp thêm tài liệu giúp các đồng chí giải quyết vấn đề? Hay để dự thính, nghe các đồng chí thảo luận và quyết định?

Tôi hỏi vậy vì tôi có cảm giác chúng tôi là những bị can, được gọi đến một phiên tòa chờ phán xét.

Ông Bình hơi lúng túng một lúc, mới trả lời:

– Các anh được mời đến để nghe. Có ý kiến gì cũng có thể phát biểu thêm.

Thực tình, tôi muốn đứng dậy ra về ngay. Nhưng tôi cố kiềm mình lại, gắng ngồi xem cho hết, cho rõ khuôn mặt thật và sự vận hành của cái bộ máy kỳ quái này, cũng hay. Tôi cố ngồi lại như một người viết tiểu thuyết, chú ý quan sát sự đời, chứ không phải như một nhà báo. Tôi biết khó tìm ra ngôn ngữ chung để đối thoại. Và tôi sực nhớ lại hồi chiến tranh, có lần anh Võ Chí Công từ chiến trường ra Hà Nội họp, trở về anh kể lại với chúng tôi, ở ngoài ấy thứ gì cũng thiếu, tới cái bát ăn cơm, bát sành chớ đâu được bát sứ, mà cũng tem phiếu chen chúc khổ sở, chỉ có một thứ hơn hẳn miền Nam là dép nhựa Tiền Phong, đẹp, bền, tốt tuyệt. Hỏi ra mới biết đó là mặt hàng duy nhất nhà nước không quản lý. Ở ngoài đó, hậu phương lớn của chúng tôi đang trên chiến trường, sao lại ngự trị một thứ kỳ quái thế? Nhưng đánh nhau căng thẳng hằng ngày, nên cũng bỏ qua, quên đi, bây giờ mới giáp mặt nó đây.…

Cuộc họp với Thành ủy Hà Nội khiến tôi suy nghĩ lâu. Không chỉ là về chuyện mối quan hệ với họ đã trở nên rất căng. Mà nghĩ tại sao con đường ta đi đã gần thế kỷ nay, khởi đầu bằng những ước vọng phải nói là rất tốt đẹp chứ, lại có thể đưa tới chỗ tạo ra một xã hội kỳ quặc với những con người kỳ quặc có những cái đầu kỳ quặc như tôi đang thấy ngồi trước mặt tôi đây? Có trục trặc ở chỗ nào, bằng cách nào, từ bao giờ, để ra nông nỗi này? Lần đầu tiên tôi nghĩ đến khả năng một trục trặc ngay từ đầu. Vậy thì sự làm lại, cũng phải từ đầu…

Tôi cũng để ý đến anh Tâm Long. Lẽ ra anh là nhân vật chính trong cuộc này, chính anh đã bắt, bỏ tù và tịch thu mọi thứ của ông Chẩn. Trong suốt cuộc họp anh hay nhìn tôi, lúc đầu hơi mỉm cười, sau càng lúc càng trầm ngâm. Và từ đầu đến cuối, anh không nói câu nào. Đó là một người trắng trẻo, trông rất thư sinh. Về sau làm đến Thứ trưởng Bộ Công an. Và giữa tôi với anh rồi còn có quan hệ, cũng khá lạ…

Họp xong, về đến hồ Thiền Quang thì gặp anh Tô Hoài và anh Nguyễn Văn Bổng. Hóa ra các anh đang lo lắng theo dõi và chờ tôi ở đấy. Anh Bổng hỏi:

– Thế nào rồi?

Tôi bảo:

– Còn căng. Nhưng chả sao.

Tôi nói “chả sao” vì thực tình tôi không lo lắng lắm đến vụ ông Chẩn. Chúng tôi đã có trong tay đầy đủ hồ sơ vững chắc về vụ này. Tôi mừng vì báo Văn Nghệ với Lời khai của bị can đã tìm được một con đường riêng để nhập cuộc. Trần Huy Quang thật tài. Thiên phóng sự của anh rất báo chí mà rất văn học. Chính xác, chặt chẽ, kín kẽ như một bài báo mẫu mực. Mà xúc động như một truyện ngắn hay. Là số phận một con người, một tài năng. Chân dung một con người rất nhân hậu nữa, nặng lòng thương người, quan tâm đến cả chuyện nhỏ gây khó cho con người, cố tìm cách giúp cho người ta bớt khổ. Thấy con đi học phải cầm theo cây bút sắt với bình mực đổ lên đổ xuống lấm lem cả quần áo, ông tẩn mẩn đi tìm nhựa hỏng người ta vứt đi, về mày mò lọc sạch nấu lại, chế cho con chiếc bút máy gọn gàng và đẹp. Cho các bạn của con nữa. Công an mà biết, chắc cũng bắt giam rồi. Bài báo của Trần Huy Quang là lời tố cáo một cơ chế bất công vô lý tất yếu vùi dập mọi khát vọng và sáng tạo của con nguời. Nó vượt xa một bài báo thông thường. Nó là tác phẩm văn học thật sự. Nó không còn chỉ là vụ ông Chẩn, nó đặt vấn đề thân phận con người trong một xã hội có những điều phải đặt lại từ gốc.

Tôi biết con đường đi của tờ báo như thế là đúng rồi, nhưng sẽ rất gian nan. Trước mặt chúng tôi không phải chỉ là những con người cản trở cụ thể và có thế lực. Mà là cả một nếp, một hệ cơ chế xã hội, một hệ tư tưởng sẽ quyết liệt chống lại.

Gặp tôi đi ăn một nắm xôi buổi trưa ở cuối phố Trần Quốc Toản – chúng tôi say sưa làm việc thông tầm suốt cả ngày ở tòa soạn –, Dương Ngọc Đức, bấy giờ là Bí thư Đảng đoàn Hội Sân khấu, bắt tay rất chặt:

– Rất cừ, rất hoan nghênh!... Nhưng mà cậu cưỡi lên lưng hổ rồi đấy!

Tôi cũng nghĩ như vậy. Cuộc chiến đấu sẽ rất gay go. Nhưng tôi tin.

Chúng tôi được sự hộ trợ rất quý của các báo bạn và của người đọc. Người ta đánh hơi ra rất nhanh và tinh định hướng mới của Văn Nghệ. Và cũng rất nhanh người ta nhận ra ngay chỗ mạnh riêng của tờ báo này trong thế trận chung của báo chí bấy giờ. Những đòn tấn công của nó sắc nhọn hơn vào tung thâm cuộc đột phá vào cái mới.

Báo lên. 3 vạn, 5 vạn. 8 vạn. Rồi 10 vạn số. Báo chính thức ra ngày thứ Bảy, nhưng thường khoảng 10 giờ sáng ngày thứ Sáu, đã có những số đầu tiên từ nhà in đưa về tòa soạn. Từ 8 giờ sáng người mua báo đã tụ tập đứng chờ ở 17 Trần Quốc Toản. Xích lô chờ chở báo đỗ chật trước cửa tòa soạn. Báo in ở nhà in báo Nhân Dân, nhà in còn lén in lậu thêm hàng nghìn bản bán ra ngoài kiếm tiền.

Đặc biệt quý với chúng tôi là sự hợp đồng của báo chí trong Nam. Sài Gòn là đất của báo chí, từ xưa vẫn thế. Anh em trong ấy làm báo rất nhạy, xông xáo, rất có nghề, và rất coi thường báo chí miền Bắc. Miền Bắc chỉ giỏi nghề văn chương thánh thót!

Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lập tức đăng lại Lời khai của bị can. Hình như đây là lần đầu tiên một tờ báo Sài Gòn đăng lại bài của một tờ báo Hà Nội.

Ít lâu sau tôi vào Sài Gòn gặp Kim Hạnh. Hạnh bảo:

– Em nghe anh về làm báo Văn Nghệ, em không tin. Chắc là ông Ngọc nào đó chớ không phải anh. Đời nào “người ta” chịu để cho anh làm Văn Nghệ.

Tôi hỏi:

– Bây giờ tin chưa?

– Tin. Tức là họ phải chịu rồi! Mà gian nan đấy nhé…

Tôi gặp Kim Hạnh lần đầu từ ngày mới vào Sài Gòn, sau quen hơn qua giới thiệu của Ngô Thị Kim Cúc. Rồi thân. Thậm chí có lần tôi đã âm mưu làm mối cho một người bạn thân của tôi, nhưng không thành. Hoặc duyên số, hoặc tôi là một ông mối quá vụng về.

Hạnh theo dõi rất kỹ thời kỳ Đề dẫn, bằng con mắt rất tinh của một người làm báo, tuy hồi đó chị chưa làm báo. Theo tôi, Kim Hạnh là một trong số không nhiều những nhà báo sắc sảo, dũng cảm và có bản lĩnh nhất ở ta. Đến bây giờ vẫn vậy.

Trong văn học thường có sự “gọi nhau”. Cái hay khắc gọi cái hay. Trong văn học báo chí càng rõ hơn.

Chỉ ít lâu sau Lời khai của bị can, chúng tôi nhận được phóng sự Đá nổi xôn xao của Hoài Tố Hạnh từ Đồng Nai gửi ra.

Tôi cũng đã có biết Hoài Tố Hạnh từ vài năm trước, khi chị ra Hà Nội thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Chính tôi đã chấm bài của chị và đánh rớt chị chuyến ấy. Chắc lúc đó tôi mù.

Đá nổi xôn xao viết về công trường xây dựng thủy điện Trị An, nhưng là một Trị An hoàn toàn khác những gì ta vẫn nghĩ vẫn nghe đọc trên đài, trên các báo, kể cả đài và báo Sài Gòn. Trị An trong Đá nổi xôn xao của Hoài Tố Hạnh là một Trị An ngổn ngang, với vô số vấn đề, vô số con người anh hùng và bi đát. Nó nêu một câu hỏi dữ dội: Có quyền quên đi từng con người, từng số phận người vô danh, nhỏ nhoi, đau khổ và hạnh phúc tầm thường, trước mắt, hằng ngày… trong cái ồn ào, rộn rã, hăng hái đi tới của một sự nghiệp chung to lớn không?

Hóa ra văn học không phải chỉ là văn chương. Một thiên phóng sự ngồn ngộn số liệu và sự kiện rất báo chí, vẫn cứ “văn học” khi trung tâm ngọn đèn chiếu của nó rọi thẳng, sâu vào những số phận người.

Tuổi Trẻ đăng lại Đá nổi xôn xao ngay. Kim Hạnh là một Tổng Biên tập báo nghiêm khắc và thật nhạy. Nghe nói chị kiểm điểm các phóng viên của chị một cuộc ra trò: Tại sao Tuổi Trẻ ở gần Trị An thế, bao nhiêu phóng viên đi lại bao nhiêu lần mà không ai thấy ra một Đá nổi xôn xao? Rồi chị nhân bài báo đăng lại của Văn Nghệ ấy lên, bằng một loạt bài điều tra về số phận cụ thể từng nhân vật đã được nói đến trong bài báo của Hoài Tố Hạnh, gây thành cả một phong trào đi tìm đến những con người ấy, hộ trợ, giúp đỡ họ.

Cái cầu nối văn học-báo chí-cuộc sống hình thành, thật đẹp.

Đó là giai đoạn đầu phóng sự trên báo Văn Nghệ từ giữa đến cuối 1987. Chúng tôi xen kẽ những phóng sự vừa vừa, tương đối nhẹ nhàng với những phóng sự dữ, mạnh, găng.

Song tôi nghĩ, dẫu sao đó cũng chỉ là giai đoạn thăm dò, thử sức, tập dượt. Sau đó mới là giai đoạn tập trung vào cuộc thật sự.

Vào cuộc thật sự thì phải chọn vấn đề tập trung, làm một vệt dài và đậm, có bước đi được tính toán trước, có dự kiến những tình huống sẽ nảy sinh và phải ứng phó.

Cân nhắc đi lại, chúng tôi quyết định, cho cả năm 1988, sẽ đi suốt một vệt vấn đề nông thôn-nông dân-nông nghiệp. Là mặt trận hàng đầu, là địa bàn phức tạp và nóng bỏng nhất – là cái nền của xã hội, của mọi vấn đề khác.

Dự định bắt đầu triển khai từ đầu năm 1988.

Bấy giờ đang có vụ Bí thư Hà Trọng Hòa ở Thanh Hóa, một mũi nhọn của cuộc đấu tranh báo chí đang lên rầm rộ. (Sau này, anh Lê Huy Ngọ, Bí thư Vĩnh Phú được điều về Thanh Hóa thay Hà Trọng Hòa, trong một cuộc gặp đại diện các báo có nêu một câu hỏi thật ý nghĩa: “Có phải Thanh Hóa được chọn làm bãi thử của dân chủ hóa?”). Xung kích trong vụ này là Tuần Tin tức, Lao Động, Đại Đoàn Kết, Đài Tiếng nói Việt Nam, Vô tuyến Truyền hình Việt NamVăn Nghệ vào cuộc chậm hơn.

Tháng 12-1987, Phùng Gia Lộc, bạn của Bế Kiến Quốc, từ Thanh Hóa chạy ra Hà Nội lánh nạn. Anh đang bị cánh Hà Trọng Hòa ở địa phương truy đánh, thậm chí có thể bị hãm hại. Cho đến nỗi bạn bè cảnh giác không cho anh lên ga chính Thanh Hóa mà lên ga xép dọc đường và cho người gác chặt hai đầu toa. Trông Lộc đến thảm thương, bơ phờ, đói rách, gầy còm, bệnh tật. Báo Văn Nghệ hồi đó chưa xây được trụ sở mới như bây giờ. Nhiều anh chị em chưa có cả nhà ở. Cả gia đình Bế Kiến Quốc, hai vợ chồng, hai đứa con bé, hai bố mẹ già chui rúc trong một cái ổ chuột vốn là cái nhà kho cũ của tòa báo, chật cứng, tối tăm, mốc meo. Thế mà lại thêm ông khách lánh nạn Phùng Gia Lộc, phải nuôi ở, nuôi ăn.

Tôi hỏi chuyện Phùng Gia Lộc, anh kể ngay chuyện gia cảnh của anh, chuyện người ta kéo đến nhà, lật tung cả cái áo quan sắm sẵn chờ ngày trăm tuổi của mẹ anh để cướp lấy thóc, nghe đến rợn người. Tôi đề nghị anh cứ ngồi đây, chúng tôi sẽ cho canh gác cẩn thận phòng đám tay chân Hà Trọng Hòa còn truy theo tung tích anh, ngồi đây và viết lại chính những gì anh đã kể. Buổi tối, cơ quan đóng cửa, chỉ có một người bảo vệ – anh Từng – và Chi, lái xe, được giao thêm nhiệm vụ canh gác cho Lộc. Còn có thêm gia đình Bế Kiến Quốc ở dưới nhà. Lộc tha hồ ngồi ngay chiếc bàn rộng ở gác hai, chỗ chúng tôi thường làm mise báo mà viết, mệt thì nằm luôn mặt bàn đó mà ngủ. Anh chị em bộ phận trị sự báo rất thương Phùng Gia Lộc, mỗi người góp vài cân gạo và thức ăn nuôi anh. Cũng có khi góp cả gạo, vải, quần áo để anh tìm cách lén gửi về cho chị và các cháu đang khốn đốn ở quê.

Chính trong những đêm rét ấy, Phùng Gia Lộc viết Cái đêm hôm ấy… đêm gì!

Tôi đọc bản thảo cứ phải ngưng lại từng lúc, không cầm được nước mắt.

Tung ra cái thực cảnh nông thôn này trên mặt báo bấy giờ sẽ là một tiếng sét. Nó phơi trần sự thật xã hội nông thôn kinh khủng quá. Sẽ vấp phản ứng quyết liệt. Nhưng tôi không chần chừ. Tôi cho rằng sự thật này phải nói rõ, nói thẳng với Đảng, với dân. Tôi hỏi ý kiến anh Hoàng Minh Châu, anh Võ Văn Trực, hai Phó Tổng Biên tập. Các anh bảo:

– Tùy anh.

Hỏi vậy, chứ tôi đã quyết.

Tôi quyết định mở đầu đề tài nông thôn cho cả năm 1988 bằng phóng sự của Phùng Gia Lộc.

Nhưng dự định cả một vệt dài, đậm, nên phải chuẩn bị ngay cả những cái tiếp theo. Lúc này, Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”, tự tuyên bố giải tán, báo Độc LậpTổ Quốc của hai đảng ấy cũng tự đình bản. Chúng tôi xin được Trần Huy Quang về Văn Nghệ. Có được một phóng viên giỏi rồi, nhưng vẫn còn quá thiếu. Chúng tôi tìm thêm sự cộng tác của một số phóng viên ở các nơi: Hoàng Hữu Các, Trần Khắc, Vũ Đình Minh…, gợi ý với các anh, đề nghị các anh đi và viết.

Số 1-1988, chúng tôi chưa đăng ngay Cái đêm hôm ấy…, đầu năm đầu tháng, dẫu sao cứ nên vui vẻ một chút đã. Phóng sự của Phùng Gia Lộc được in ở số 2, trên trang nhất.

Quả là một tiếng sét nổ tung, rúng động. Trong một ngày, báo bán sạch trên tất cả các quầy. Suốt ngày lúc nào cũng có người đến tòa soạn hỏi đòi mua báo, hỏi thăm Phùng Gia Lộc. Hàng chục, hàng trăm lá thư gửi về chia sẻ, hoan nghênh.

Báo Tuổi Trẻ trong Nam in lại ngay. Về sau tôi vào trong ấy, nghe kể có cả tình trạng “đọc thuê” báo Văn Nghệ ở các quầy – như kiểu đọc thuê sách. Giá báo chính thức 800 đồng một số. Người ta sắp hàng ở các quầy, trả 4 hay 5 trăm đồng để đọc trong 10, 15 phút, rồi trả lại, người sau lại trả tiền thuê, đọc tiếp. Anh Nguyễn Khắc Viện ở Pháp mấy chục năm nói với tôi, cả ở bên Tây anh chưa bao giờ thấy cảnh phải sắp hàng thay nhau đọc báo thuê như vậy. Nguyễn Duy, phụ trách văn phòng phía Nam ở 43 Đồng Khởi, Sài Gòn, là một đầu mối quan trọng ở đô thị lớn và sôi nổi nhất nước. Anh tìm mọi cách lan rộng ảnh hưởng của báo ở phía Nam, và thu hút thêm bài của anh chị em trong ấy.

Phản ứng ngược lại không nhiều, nhưng dữ dội. Tiêu biểu là bức thư của ông Đặng Bửu ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông viết: “Cái tên Lộc ấy, tên nào?”.

Tôi đăng nguyên văn bức thư ông Đặng Bửu lên báo. Và sau đó, chọn đăng một số ít trong mấy trăm bức thư trả lời ông, trên hai số báo.

Anh em trong tòa soạn đang bị cuốn theo đà, giục tôi đăng tiếp. Nhưng tôi dừng lại. Vừa đủ rồi. Không được đánh hội đồng.

Sau này, khi lên án báo Văn Nghệ, một số người, cả trong Ban Chấp hành và Ban Thư ký hội cho rằng đó là một vụ “đàn áp công luận” theo lối lấy thịt đè người, là một hành động tàn bạo.

Tôi thì đến nay tôi vẫn nghĩ chúng tôi đã làm đúng. Chúng tôi đã phản ánh công bằng và đến mức vừa phải sự công phẫn chính đáng của dư luận xã hội đối với những cản trở xu thế dân chủ hóa, công khai hóa đang là yêu cầu bức thiết của đổi mới.

Mãi đến gần đây, anh Thợ Rèn phụ trách văn hóa văn nghệ ở báo Nhân Dân còn bảo Văn Nghệ đăng Cái đêm hôm ấy… vào thời điểm đó là rất nguy hiểm. Nhiều nơi đang đói, bài báo gây kích động thêm. Tôi không nói gì lại, chỉ thấy buồn. Cho đến bây giờ vẫn thường xuyên luận điệu ấy, giấu đi sự thật để đánh lừa người ta, giữ an toàn giả tạo cho xã hội, hay tệ hơn nữa, đổ cho thế lực thù địch xúi gây rối. Kỳ thực càng tích tụ thêm ẩn ức của nhân dân, càng nguy hại.

Lương tâm người cầm bút, mỗi kẻ hiểu một cách. Biết làm sao?

Tiếp sau Cái đêm hôm ấy…, Văn Nghệ đăng Người đàn bà quỳ của Trần Khắc.

Là một sự tính toán kỹ lưỡng: Cái đầu phơi trần thực cảnh đời sống của người nông dân, cái sau là tình trạng mất dân chủ trầm trọng ở nông thôn.

Và tôi quyết định mức căng thẳng của những vụ được nêu ra đến mức như Phùng Gia Lộc là tạm vừa. Tôi nói “tôi”, là vì tôi có chủ trương rõ rệt trong đầu và chịu trách nhiệm. Nhiều bài viết rất hay, thống thiết, như bài của anh Kiều Vượng, cũng ở Thanh Hóa, anh em trong tòa soạn tha thiết giục đăng, nhưng tôi kiên quyết gác lại.

 

TRAN HUY QUANGNhà văn Trần Huy Quang

PHUNG GIA LOC.BE KIEN QUOCNhà văn Phùng Gia Lộc và nhà thơ Bế Kiến Quốc

GIA DINH PHUNG GIA LOCGia đình nhà văn Phùng Gia Lộc