Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Đồng Tâm, giai đoạn khốn cùng

Xã luận của Diễn Đàn

Thế là, ngày 14 tháng 9 năm 2020, toà sơ thẩm Hà Nội đã tuyên án 2 án tử hình (hai người con trai cụ Lê Đình Kình: Lê Đình Công và Lê Đình Chức), 1 án tù chung thân  (Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Kình), 3 án tù từ 12 đến 16 năm cho 6 bị cáo dưới tội danh “giết người”. Dưới tội danh “chống người thi hành công vụ”, 9 bị cáo bị tuyên án từ 3 tới 6 năm, trong đó, người bị nặng nhất (6 năm) là bà Bùi Thị Nối.

700 tờ báo, các thứ đài VTV của chính quyền, thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Ban tuyên giáo trung ương, đã kết tội các bị cáo trước khi toà tuyên án, và nhanh nhẹn phản ánh “nhân dân đồng tình” sau khi tuyên bố một bản án mà báo chí quốc tế đều đánh giá là nặng nề. Phải qua các mạng xã hội, người ta mới biết phiên toà đã diễn ra như thế nào, bất chấp mọi thủ tục pháp lý cơ bản nhất.

Chỉ cần nêu ra hai thí dụ. Bà Bùi Thị Nối, người đã đứng lên vạch tội quan toà, và qua đó, cấp tối cao của Nhà nước, bị trục xuất khỏi toà, và nhận một bản án nặng hơn cả đề nghị của Viện kiểm sát. Con và cháu cụ Lê Đình Kình (bị bắn chết trên giường đêm 9.1.2020) bị tuyên án tử hình và tù chung thân. Những người viết ra bản án đã sao y án lệ tru di tam tộc của chế độ phong kiến thời kỳ đen tối nhất.

Bản án phi lý và phi nhân được đọc sau 4 ngày nghị sự của “hội đồng xét xử”. Nhưng ở nước ta, từ em thiếu niên khăn đỏ, ai cũng biết cuộc “nghị sự” diễn ra không ở toà án, mà ở phố Nguyễn Cảnh Chân, tại Ban bí thư Trung ương, nếu không nói là Bộ chính trị  – một số nhà “Ba Đình học” còn vạch tên hai cá nhân cụ thể: Nguyễn Phú Trọng  (tổng bí thư kiêm chủ tịch nước) và Tô Lâm (uỷ viên Bộ chính trị, bộ trưởng công an), hai cái tên đã được quốc tế biết tiếng qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Quyết định giết người ngày 14.9.20 chỉ là hồi II của thảm kịch mà hồi I đã diễn ra trong đêm 9.1.20, khi hàng ngàn công an vũ trang đột nhập vào thôn Hoành, Đồng Tâm, giết cụ Lê Đình Kình, bắn bị thương nhiều người. Cái chết của ba sĩ quan công an, mà chính quyền đổ tội cho các ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, rõ ràng không phải do họ hay người dân Đồng Tâm nào gây ra (xem phân tích của Giáo sư Hoàng Xuân Phú: Tội ác Đồng Tâm  và Viết thêm về tội ác Đồng Tâm). Rồi sau này, với chứng từ của những cá nhân đã nhúng tay vào cái chết của ba công an (không phải ai cũng “xấu”), có thể người ta sẽ biết rõ ai là hung thủ, ai là (những) người đã bắn cụ Kình, cái chết của ba công an phải chăng là nhằm thủ tiêu hung thủ giết cụ Kình để phi tang…

Bất luận trách nhiệm cá nhân cụ thể, cuộc tấn công “biển người” vào thôn Hoành rõ ràng là một quyết định ở cấp cao nhất. Đây không phải là lần đầu xảy ra một vụ xung đột đất đai, nhưng có lẽ là lần đầu tiên, chính quyền vấp phải sự phản đối một khối nông dân “đồng tâm nhất trí”, dưới sự lãnh đạo tinh thần của một cán bộ lão thành 58 tuổi đảng, thuộc lòng lai lịch từng thước đất trong 47 hecta Đồng Sênh (trong khi chính quyền không đưa ra được một văn bản nào chứng minh ngược lại), được kính mến là trong sạch, nếu không nói là ngây thơ (đến giờ chót vẫn  “hoàn toàn tin tưởng ở Đảng” và mong muốn “đóng góp vào công tác chống tham nhũng”). Nghiêm trọng hơn nữa, việc giữ và thả 37 “chiến sĩ công an” và việc thiếu tướng Nguyễn Đức Chung ký giấy cam kết hứa hẹn năm 2017 đã gây ra tiếng vang toàn quốc, tạo ra một “tiền lệ” có một không hai, và cực kỳ nguy hiểm đối với một chính quyền vẫn bám vào “quyền sở hữu toàn dân” để cướp ruộng đất của nông dân. Đồng Tâm không phải là một làng công giáo, hay một thôn xã “xôi đậu” ở đồng bằng sông Cửu Long, cụ Kình không phải là một người “đội lốt linh mục”. Đối với những phần tử phản động nhất trong chính quyền hiện nay, Đồng Tâm là một gương xấu, một ngòi nổ nguy hiểm, Lê Đình Kình phải chết, chết rồi, phải bôi nhọ thành “địa chủ cường hào”, phải tru di tam tộc.

Có hay không, “địa chủ cường hào” ở Đồng Tâm. Nếu có, là ai?

Đọc báo chí (lề phải cũng như lề trái), người ta chỉ thấy những nhân vật tập thể chung chung: UBND Hà Nội, huyện uỷ Mỹ Đức, Quân đội, Không quân (sân bay Miếu Môn)…, cái tên Viettel hầu như không xuất hiện trong các vụ việc xảy ra từ ba năm nay.

Vậy mà Viettel chính là tên “địa chủ cường hào”, hay chính xác hơn “cường hào địa chủ”, nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong vụ Đồng Tâm. Là đại công ti lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam – nguồn thu nhập khổng lồ để chia chác, nhưng của công hay của tư, thì đố ai biết thực hư – Viettel được trao đất sân bay Miếu Môn để làm dự án kinh doanh (không ai biết để làm gì), lại muốn lấn luôn sang Đồng Sênh.

Viettel là thí dụ điển hình, ghê tởm nhất của chủ nghĩa tư bản “bồ bịch” hoang dại, kết hợp giữa một chính quyền nhân danh chủ nghĩa cộng sản với một mafia đỏ – như người ta thấy ở Trung Quốc, Nga và những nước Đông Âu. Vụ Đồng Tâm, mà trách nhiệm chủ yếu thuộc về lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCS, đàn em Viettel đã vượt xa đàn anh Trung – Nga, nếu không về quy mô, ít nhất về sự lưu manh và tàn bạo.

Nguồn: https://www.diendan.org/viet-nam/dong-tam-giai-doan-khon-cung