Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Mấy kỷ niệm làng văn bị trói (1)

Hồi ký Bùi Minh Quốc

Vào thượng tuần tháng 11 năm 1978, mấy anh em nhà văn chúng tôi (Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung và tôi) đang theo một đơn vị thuộc Quân đoàn 4 tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, tình cờ được đọc trên báo Nhân Dân một tin ngắn đăng trang trọng ở góc đầu trang nhất: Ban Bí thư trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Trong Đảng đoàn, ngoài các nhà văn nhà thơ vốn là cán bộ lãnh đạo chủ chốt quen thuộc của Hội bấy lâu, còn có thêm các gương mặt mới: Nguyên Ngọc, Giang Nam, Nguyễn Khải. Bí thư Đảng đoàn là nhà văn Nguyên Ngọc. Chúng tôi vui mừng bảo nhau: Quyết định của Ban Bí thư đã đáp ứng một yêu cầu khách quan của việc xây dựng Hội sau khi nước nhà thống nhất, tuy có hơi chậm.

Từ những năm còn chiến tranh, nhiều anh chị em hoạt động văn nghệ ở Hà Nội lần lượt vào chiến trường Khu 5, mỗi khi ngồi với nhau, nói đến Hội Nhà văn thường cứ gọi mỉa mai là Hội của mấy nhà văn, và lại đọc cho nhau nghe một đoạn ca dao rất phổ biến cả trong và ngoài giới cầm bút:

Đảng đoàn là Đảng đoàn Thi

Không đi thực tế, chỉ đi nước ngoài

Đảng đoàn là Đảng đoàn Hoài

Chỉ đi nước ngoài thực tế không đi

Đảng đoàn là Đảng đoàn Thi…

Tôi không biết mấy câu ca dao đời mới ấy có chứa đựng một hạt nhân hiện thực nào không, nhưng nghe mãi, trong lòng vừa thấy khó chịu vừa thấy phân vân. Khó chịu vì nó làm tổn thương tình cảm của mình đối với các nhà văn đàn anh mà từ khi còn niên thiếu mình đã quý đã yêu qua tác phẩm. Phân vân, vì nó không khỏi làm nảy sinh mối nghi vấn về tư cách của những người lãnh đạo Hội.

Đối với mấy nhà văn mới có mặt trong Đảng đoàn, tôi cảm thấy có gì đó gần gũi với thế hệ mình. Các anh thuộc lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và tự khẳng định văn tài sau đó, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ lại là những người lăn lộn lâu dài ở những nơi ác liệt nhất, gian khổ nhất. Nguyên Ngọc ở Khu 5, Giang Nam ở Khu 6 rồi Nam Bộ. Nguyễn Khải tuy ít chịu khổ nguy hơn, chỉ đi tuyến lửa từng chuyến thấp thoáng nhưng dù sao cũng đã có mặt ở Vĩnh Linh, Cồn Cỏ. Có thể các anh chưa nhiều kinh nghịêm chính trường, chưa từng trải cung cách ứng xử giữa một thế thái nhân tình cực kỳ phức tạp, giữa một cơ chế vận hành không thuận chiều cho tự do sáng tác, nhưng chắc chắn đông đảo anh chị em hội viên đều có thể tin ở nhiệt tâm và bản lĩnh của các anh khi gánh vác công việc Hội.

Tháng 6 năm 1979, sau một thời gian chuẩn bị, Đảng đoàn Hội Nhà văn tổ chức một cuộc hội nghị gồm phần lớn các hội viên là đảng viên (có lẽ do khó khăn điều kiện ăn ở và các khó khăn khác nên không triệu tập được đầy đủ). Tôi có dự hội nghị này. Như lời công bố rất rõ của Đảng đoàn lúc khai mạc, đây là một hội nghị nội bộ Đảng trước khi tiến tới một hội nghị rộng rãi toàn thể hội viên, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân Dân, cùng nhau đặt ra và bàn bạc những vấn đề cốt thiết nhất của sự nghiệp văn học trong thời kỳ mới. Để gợi ý cho hội nghị thảo luận, Đảng đoàn đã thảo ra một bản Đề cương đề dẫn (thường gọi tắt là Đề dẫn), do nhà văn Nguyên Ngọc, Bí thư Đảng đoàn chấp bút và trình bày tại hội nghị.

Theo tôi được biết, bản dự thảo Đề dẫn này do Nguyên Ngọc chủ động nghiền ngẫm và soạn thảo, có sự tham gia ý kiến của người bạn chí thiết là Nguyễn Chí Trung (anh Trung nói với tôi thế), và sự đóng góp ý kiến đầy trách nhiệm của các uỷ viên Đảng đoàn Chế Lan Viên, Nguyễn Khải.

Nội dung chủ yếu của Đề dẫn tập trung vào mấy điểm cốt thiết với sự nghiệp văn học.

Ở phần nhìn lại và đánh giá tình hình văn học từ sau 1975, Đề dẫn biểu dương một số kết quả đáng khích lệ, đồng thời cũng lên tiếng báo động về một tình trạng trì trệ: cuộc sống thì ngày càng phức tạp mà văn chương thì ngày càng nhạt nhẽo, “Người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra”.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ấy?

Đề dẫn vạch rõ, nguyên nhân ở phía người viết là sự bối rối dao động, còn nguyên nhân ở phía khác là cái không khí căng thẳng, lâu lâu lại thấy vang lên tiếng hô hoán dữ dằn rằng nào là có “tà khí”, nào là có “phản động”, nào là có “chống Đảng” trong văn học.

Với một lòng nhiệt thành, một thái độ tự nghiêm khắc với mình và rất mực cung kính đối với Đảng, Đề dẫn viết:

Nhân đây chúng ta cũng muốn nói rõ: quả là trong thời gian này trong nhiều người chúng ta đã có bối rối, dao động, điều ấy đã hạn chế sức chiến đấu của văn học ta nhiều lắm. Hôm nay chúng ta nghiêm khắc nhận rõ thiếu sót đó. Song cũng cần khẳng định rằng: trong văn học ta, ngay ở thời gian này, không có cái gì có thể gọi là “một luồng tà khí”, “phản động”, “chống Đảng”… như có một số người đã ngộ nhận, ngày càng thêm rắc rối. Chúng tôi nghĩ trong hội nghị này, chúng ta có thể chính thức báo cáo với Đảng kính yêu của mình như vậy”.

Đề dẫn nêu lên một nguyên nhân nữa, có lẽ đây mới là nguyên nhân căn bản, ở tầng sâu:

Một mặt khác đã góp phần không ít vào tình hình trì trệ này là sự chậm trễ kéo dài, sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học! Sự thô thiển trước hết ở một điểm rất cơ bản: Ở quan niệm về chức năng của văn học.”

Sự thô thiển ấy biểu hiện cụ thể ở hai vấn đề rất sinh tử đối với nhà văn, đối với sự phát triển của văn học, ấy là:

1- Dung tục hoá mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. Nó tuyệt đối hoá hiện thực”, “nó hạ thấp văn học xuống thành một thứ sao chép hiện thực, coi giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng hiện thực, có thế thôi. Bởi vì, theo nó, hiện thực đã tốt đẹp đến mức không còn gì có thể tốt hơn, đẹp hơn [đoạn tôi gạch dưới, Đề dẫn để trong ngoặc kép – BMQ]. Quan niệm không mác-xít đó đã từng biểu hiện chẳng hạn ở chủ trương tuyệt đối hoá thể người thật việc thật trong văn học, muốn lấy nó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học ta”.

2- “Quan niệm thô thiển về chức năng của văn học cũng dung tục hoá mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Nó tuyệt đối hóa chính trị, tuyệt đối hoá sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học.”

Phê phán những thô thiển nêu trên, Đề dẫn đồng thời yêu cầu nêu cao vai trò sáng tạo của văn học, của chủ thể sáng tạo đối với hiện thực:

Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, thu hút không những nguyên liệu mà cả linh hồn các tác phẩm của mình từ đấy, nhưng đến lượt nó, nếu như nó muốn có ích, muốn phục vụ trở lại cuộc sống thì nó lại phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống đã cung cấp cho nó. Ăn dâu nó phải nha ra tơ. Nếu nó lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó thành vô nghĩa”.

Và nêu cao vai trò của văn học như thể ngang hàng với chính trị:

Văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó, làm phong phú thêm cho chính trị, bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được”.

Ở phần “Phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới”, Đề dẫn dựa vào nhận thức của mình về làm chủ tập thể, đặt vấn đề phải nhận thức lại cho đúng vị trí của cá nhân, sau một thời gian dài cá nhân hầu như bị xem nhẹ, bị coi thường, bị nhấn chìm giữa tập thể mù mờ, chung chung, nặng tính chất bầy đàn. Đề dẫn coi việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là chìa khoá, là cơ sở của sự phát triển văn học:

Vấn đề của chúng ta ngày nay là kích thích niềm khao khát của con người tự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân của mình đến cao nhất, để chiếm đoạt toàn bộ thế giới chung quanh, làm chủ nó, cho tất cả, cho xã hội, cho mọi người. Chứ không phải là xoá bỏ niềm khát khao tự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân đi, tạo nên một thứ tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt và do đó yếu đuối. Tập thể mà sinh động, tập thể mà tinh nhuệ”.

Vào thời điểm bấy giờ, trong cái bầu không khí ngột ngạt mấy chục năm “văn nghệ phục vụ chính trị” đã thành một định mệnh, một cái vòng kim cô trên đầu mỗi nhà văn, thì những nội dung trên của Đề dẫn quả là chuyện động trời, nhất là lại được nêu ra từ một Đảng đoàn do Ban Bí thư trung ương Đảng vừa mới bổ nhiệm, một Bí thư Đảng đoàn trẻ (trẻ so với các vị cầm quyền già thôi), một nhà văn tài năng từng đuợc giải thưởng quốc gia cao nhất lại lăn lộn lâu dài ở chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt trở về, đương nhiên phải là người được Đảng tin cậy nhường nào, thế nên Đề dẫn lập tức dấy lên một niềm hứng khởi rất mạnh cho những tâm hồn yêu văn chương, khát tự do bị dồn nén trường kỳ, và cũng dấy lên niềm tin: hẳn là sau khi toàn dân dồn sức đã đánh thắng xong đế quốc, thời kỳ tạm gác những yêu cầu dân chủ tự do để đánh giặc đã qua, nay Đảng bắt đầu chủ trương cởi mở để đặt nền móng cho một cuộc phục hưng văn hoá.

Hai ngày đầu, hội nghị thật sôi nổi, hồ hởi. Hầu hết ý kiến phát biểu của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, những tên tuổi nổi tiếng không những trong nuớc mà phần nào cả ngoài nước, đều nhiệt thành nhất trí với Đề dẫn. Mọi người dường như cảm thấy đã bắt đầu được đứng trên một tầm cao hơn trước để nhìn thẳng vào tinh hình văn học với tinh thần phê phán khoa học, thực sự cầu thị. Có một lỗ nhỏ vừa được khai thông nơi cánh cửa đóng kín bấy lâu khiến cho bầu không khí bức bối trong sinh hoạt văn chương học thuật trở nên dễ thở hơn.

Nhà văn Phan Tứ không phát biểu ý kiến riêng, chỉ giở sổ ghi chép cũ ra (anh nổi tiếng là người chịu khó ghi chép tỉ mỉ, chuẩn xác) đọc lại nguyên xi lời phát biểu của một vài cán bộ lãnh đạo văn nghệ trước đây. Nào xã hội ta là một xã hội tốt đẹp, không còn có bi kịch, nào là người thật việc thật là một đề tài có tính đặc thù của văn học cách mạng gắn với sự xuất hiện của con người mới xã hội chủ nghĩa trong xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa –, nào là cần thấy rõ tính ưu việt của sáng tác tập thể, v.v. và v.v. Anh đọc đến đâu mọi người cười rộ đến đó. Cái cười của những con người đã trưởng thành nhìn lại thưở ấu trĩ. Tôi nhớ hồi cuối năm 1974, Phan Tứ trở về chiến trường Khu 5 lần thứ hai, sau mười sáu chuyến đi nước ngoài làm công tác đối ngoại về văn hoá cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Trở lại chiến trường lần này, anh đem theo đề cương khá chi tiết cho một bộ tiểu thuyết trường thiên, không gian rộng, thời gian dài, nhân vật nhiều và đa dạng, các quan hệ, các xung đột đối chọi đan cài chồng chéo nhào nặn trong các sự kiện lớn đầy tính sử thi lẫn những bi kịch cá nhân và gia đình. Thật là công việc đáng mơ ước. Cánh viết trẻ chúng tôi nhìn Phan Tứ với rất nhiều khâm phục và kỳ vọng. Phan Tứ cho biết đề cương bộ tiểu thuyết của anh đã được đích thân đồng chí Tố Hữu, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương xem kỹ và góp ý kiến, đồng thời giới thiệu gửi gắm với các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ Khu 5 tạo điều kiện thuận lợi để anh thâm nhập thực tế, bổ sung vốn sống. Khu uỷ Khu 5 cử một chiến sĩ vừa làm cần vụ vừa bảo vệ cho anh mỗi khi anh đi công tác. Mọi người, từ anh chị em đồng nghiệp già trẻ đến các cấp lãnh đạo đều tin tưởng ở Phan Tứ lắm. Anh xuất thân từ một gia đình có truyền thống học vấn. Ông cụ thân sinh anh, cụ Lê Ấm, từng là thầy học của các vị trí thức cộng sản nổi tiếng sau này như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Sĩ Sách. Mẹ anh là con gái cụ Phan Châu Trinh. Bản thân anh là người có học vấn cao, dùng thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp, lại là người luôn vì nước xông pha chiến trận, thời trẻ từng là trung đội trưởng trinh sát trong lực lượng tình nguyện quân Việt Nam tại chiến trường Lào, đến năm 1961 vừa học xong Đại học Tổng hợp thì trở về chiến trường Miền Nam, năm 1966 ra Bắc chữa bệnh rồi làm công tác đối ngoại đi nhiều nơi trên thế giới và tranh thủ sáng tác xen kẽ giữa các chuyến đi nước ngoài. Cuốn tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của anh viết trong hoàn cảnh đó mới xuất bản đã được bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ rất hâm mộ, sắp sửa tái bản. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Trước giờ nổ súng” của anh, viết khi đang học đại học, thì đã tái bản đến năm sáu lần. Phan Tứ là người có nếp sống, làm việc hết sức cần mẫn, khoa học, ít khi để phí thời giờ vào những việc không đâu. Với tài năng như thế, bản lĩnh như thế, ý chí như thế, từng trải như thế, lại được trên quan tâm tạo điều kiện như thế, Phan Tứ quả xứng đáng một hiệp sĩ cho trận quyết chiến lớn đến thế về văn chương. Anh cũng đã tới cái độ chín để có thể tự tin. Anh bảo với chúng tôi: Thường thì xưa nay trong cái nghề của chúng mình, công bố trước dự định sáng tác là điều tối kỵ. Ấy thế mà mình đã liều gan làm chính cái điều tối kỵ này. Cũng là một cách tự rút ván cầu không cho phép mình quay lui nữa. Tôi hỏi Phan Tứ:

- Cái tiểu thuyết anh sắp viết, thật lý thú, tụi tôi nghe nói mà thèm. Thế cái chủ đề của nó, cái tư tưởng sâu xa, cái tâm sự gan ruột mà anh muốn ký thác, muốn gửi gắm trong đó là cái gì?

Không cần nghĩ, Phan Tứ trả lời ngay cái điều anh hằng ấp ủ:

- Sự trưởng thành của con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay.

Cánh trẻ chúng tôi có một mối băn khoăn thường trực: Cần phải phản ánh hiện thực một cách toàn diện, cả mặt sáng lẫn mặt tối, cả trong chiều rộng lẫn chiều sâu, trong toàn bộ tính phức tạp vô cùng vô tận của nó. Xem ra nhu cầu đó lại dị ứng với quan điểm chính thống. Vậy thì anh giải quyết vấn đề này thế nào nếu anh bắt tay vào một công trình đồ sộ nghiêm túc như thế? – Tôi hỏi thêm Phan Tứ.

Chuyện này thì Phan Tứ phải ngẫm nghĩ. Rồi anh đáp:

- Không phải là tự khen, nhưng mình cũng có cái vui nho nhỏ là trong cuốn “Mẫn và tôi” mình đã chạm nhẹ vào cái chuyện này, chuyện phản ánh mặt tiêu cực trong đội ngũ cách mạng, mà không thấy nhà phê bình, nhà lãnh đạo nào “hỏi thăm sức khoẻ”. Mình có trực tiếp hỏi ý kiến anh Tố Hữu về vấn đề này, anh Tố Hữu bảo cứ phản ánh cái tiêu cực, nhưng ở phạm vi cấp xã thôi.

Xã hội ta rất tốt đẹp, không có bi kịch. Vui thật. Tiếng cười rộ kéo dài trong phòng họp.

Nhà thơ Chế Lan Viên bước lên diễn đàn oai phong như một chiến tướng. Tôi ngắm ông, đầy ngưỡng mộ. Đấy, thần tượng thời trẻ của tôi.

Đường về thu trước xa xăm lắm

Mà kẻ đi về chỉ một tôi

(Chế Lan Viên – Điêu tàn)

Câu thơ tuyệt vời đầy ma lực của thi sĩ thần đồng mười sáu tuổi vụt hiện. Năm nào nhỉ, tôi đã ngồi suốt cả ngày trong căn phòng của nhà thơ Xuân Diệu ở biệt thự 24 Cột Cờ (sau đổi là Điện Biên) để chép vào sổ tay mình toàn bộ tập thơ “Điêu tàn” từ cái bản sách quý có lời đề tặng của tác giả mà anh Diệu không cho tôi mang ra khỏi nhà: “Anh Diệu ơi, tập thơ đầu của em đây, anh nhận ngay đi”. Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên (xuất bản năm 1960) từng là sách gối đầu giường của tôi. Tôi mua hai cuốn, một cuốn cho mình còn một cuốn tôi chép bài thơ cảm tác của mình về tập thơ vào bìa ba và đem đến tặng lại ông để bày tỏ lòng biết ơn về những gì mà ông đã gieo vào hồn mình.

Tổ Quốc thân yêu như quả tim thầm

Ở giữa lòng ta nào ta có biết

Trong xa cách bỗng à ơi giọng Việt

Ru hồn ta qua ngàn dặm quê xuân

(Chế Lan Viên – Ánh sáng và phù sa)

Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương

Như đang dâng thành núi đọng thành cồn

(Chế Lan Viên – Ánh sáng và phù sa)

Hiếm có câu thơ nào nói về cái đất nước bình dị đằm thắm và đau thương cùng cực này hay hơn thế, da diết thế, thấm lòng đến thế.

Chế Lan Viên mở đầu lời phát biểu của mình bằng cách trích dẫn một câu gì đó của một tác giả nào đó, tên nghe như tên Đức hay Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ. Nghe một lúc mới vỡ. Và rất khoái. Hoá ra ông muốn chọc quê một ông tiến sĩ bên Viện Văn học phát biểu trước đó, mới đi tu nghiệp ở Đức về nên đốc chứng thế nào cứ luôn miệng trích các tác giả Đức, dùng các thuật ngữ đều chua bằng tiếng Đức. Rồi tiếp đó, Chế Lan Viên phang tới tấp vào những quan điểm bảo thủ, thói chụp mũ chính trị ác độc trong phê bình văn nghệ. Thậm chí ông yêu cầu giải quyết ngay về mặt tổ chức, không nên để ông Vũ Đức Phúc làm Viện phó Viện Văn học. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông đã bảo rằng: “Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có một Viện phó Viện Văn học như anh Vũ Đức Phúc là một tai hoạ”. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền lúc ấy không hiểu sao không ngồi trên bàn thư ký mà lại ngồi cạnh chỗ tôi, vỗ đùi bình luận khe khẽ: “Hôm nay ông Chế dội B52 vào mấy cha bảo thủ”.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi bước lên diễn đàn. Tiếng nói của ông là tiếng nói rất được chờ đợi. Ông làm Tổng Thư ký Hội liên tục từ 1958. Là người nghệ sĩ đầy tài hoa và nhạy cảm, lại là cán bộ cao nhất của Hội chừng ấy năm, ở ông hẳn phải kết tinh tất cả cái nhu cầu sâu xa và bức bách về tự do của người nghệ sĩ mà người lãnh đạo phải giải quyết.

Với riêng tôi thì nhiều năm dài Nguyễn Đình Thi đã từng là một mẫu người đầy hấp dẫn, một gương mặt rạng ngời tiêu biểu của thế hệ ông, đầy tài trí và giác ngộ cách mạng sớm, dám dấn thân, mới hai mươi hai tuổi ông đã làm rung động bao trái tim Việt Nam yêu nước với những “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông là khi ông đến trường cấp 3 Chu Văn An của tôi nói chuyện với học sinh trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa về quá trình sáng tác của ông. Chúng tôi ngồi đầy sân trường. Tôi chỉ được nhìn ông từ xa, vì tôi ngồi theo lớp tít tận dưới hàng cuối, và khi tan cuộc tôi không thể nào chen nổi qua đám đông các bạn hâm mộ và hiếu kỳ vây kín ông vòng trong vòng ngoài để đến gần ông. Nhưng tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể về những ngày ông ngồi viết tiểu thuyết “Xung kích” ở Việt Bắc. Ông kể nhà văn Nguyên Hồng đã chăm sóc ông những ngày ấy như chăm sóc một người em, thức khuya dậy sớm pha cho ông từng cốc sữa. Có lúc ông nản quá, muốn bỏ bút, Nguyên Hồng lại dỗ dành, động viên.

Tháng Tư năm 1959, ở hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất mà tôi được dự, Nguyễn Đình Thi là người đọc báo cáo. Cũng lại chỉ được nhìn ông từ xa, vì tôi ngồi trong góc cuối hội trường. Ông nói rất hay về cái chợ trời văn chương trước Cách mạng tháng Tám, một cái chợ bát nháo hàng giả hàng thật kể cả nhân cách của nhà văn, đầy rẫy sự chen lấn, chèn ép nhau, tinh vi xảo quyệt có mà sống sượng trâng tráo cũng có. Ông nói thật hùng hồn về một nền văn học mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, được xây đắp bởi một đội ngũ nhà văn mới, một đội ngũ của những tâm hồn lớn, những nhân cách lớn, đầy trách nhiệm xã hội, xa lạ hẳn với những tháp ngà, hũ nút, xa lạ hẳn với cái thế giới nhớp nhúa sa đoạ của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ ngụp lặn dưới vũng bùn bế tắc. Ông đặc biệt nhấn mạnh về tấm lòng của người viết, tấm lòng đối với Tổ Quốc, với Nhân Dân, với Đảng và đối với nhau. Tôi nghe ông như uống lấy từng lời. Làm người, là cái gốc của sự làm nghệ thuật, cốt lõi là thế, tôi tự dặn lòng mình thế. Tôi tâm niệm thế, từ đấy.

Tôi đặc biệt nhớ về một buổi sáng mùa hè năm 1962, tôi tới trụ sở báo Văn học (cũng là trụ sở Hội Nhà văn), một ngôi biệt thự rất đẹp quét vôi màu hồng sẫm ở số 84 phố Nguyễn Du để nhận nhuận bút và báo biếu. Phòng hành chính ở dãy nhà phụ phía sau. Nhận xong rồi mà không hiểu sao tôi chẳng muốn rời bước, cứ đứng vẩn vơ chỗ sân sau. Đây là cái thế giới của những con người mà tôi hằng ngưỡng vọng, thế giới của những tài năng lớn, những tâm hồn lớn, những nhân cách lớn. Cho nên tôi cứ nấn ná, nấn ná, dù chỉ là để hít thở một chút cái không khí riêng biệt chốn này. Ở giữa sân sau, bên gốc cây, có một người vào tuổi sắp ngũ tuần, gầy gò lẻo khoẻo, mặc bộ quần áo ta màu gụ đang đập bụi cho chiếc áo bông cũ bẩn vắt trên lưng một cái ghế tựa. Tôi nhận ra đó là nhà văn Nguyên Hồng, vì ông đã từng đến trường tôi nói chuyện về việc ông đã viết “Bỉ vỏ” và “Những ngày thơ ấu” như thế nào. Dù chỉ được nhìn thấy ông một lần đã lâu, tôi cũng không quên được cái dáng gầy gò lẻo khoẻo và bộ quần áo nông dân thấm bụi vỉa hè kia. Rồi bỗng từ nhà trên bước xuống một người dáng cao cao vai rộng, mái tóc dày, lông mày đen đậm, nước da ngăm ngăm, sống mũi thẳng phảng phất nét Ấn Độ, cặp mắt thăm thẳm thật quyến rũ, tay cầm tờ báo Nhân Dân, dừng lại bên gốc cây chăm chú đọc, và nói với nhà văn Nguyên Hồng: “Đây, trí thức Việt Nam đây, khí phách thế chứ, cứ coi thường người ta mãi đi!”. Người vừa nói đó là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Hôm nay tôi mới được nhìn ông gần như thế này. Ông giơ cho nhà văn Nguyên Hồng đọc hàng tít lớn trên báo, tôi cũng đọc được. Báo đưa tin về vụ toà án quân sự của Mỹ-Diệm xử tử hình giáo sư Lê Quang Vịnh. Vụ án chấn động dư luận nhân dân cả nước và thế giới, và không lâu sau bọn sinh viên chúng tôi đã nồng nhiệt hát bài đầy xúc cảm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (tác giả bài hát “Xa khơi” nổi tiếng) theo giọng hát Quốc Hương không mấy ngày không vang trên đài: “Lê Quang Vịnh người con quang vinh…”

Tôi cứ nhớ mãi cái câu nhà văn Nguyễn Đình Thi bật ra khi đọc tin về vụ án Lê Quang Vịnh: “Đây, trí thức Việt Nam đây, khí phách thế chứ, cứ coi thường người ta mãi đi!”. Khá lâu về sau tôi mới dần hiểu cái tâm trạng nào dồn nén đằng sau câu nói ấy.

Ông bị đòn vì vở kịch “Con nai đen” đâu như từ năm 1961. Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tháng 4 năm 1957, ông chỉ có chân trong Ban Chấp hành gồm 32 vị. Chủ tịch Hội là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tổng Thư ký là nhà văn Tô Hoài. Phó Tổng Thư ký là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau, tháng 9 năm 1958, Tổng Thư ký Hội là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Không thấy nói gì đến cương vị Chủ tịch Hội, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký Hội của các nhà văn nhà thơ Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh nữa.

Gần đây ông lại bị đòn vì vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Một đòn nặng. Vở kịch bị cấm diễn. Nghe nói lệnh cấm bằng văn bản hẳn hoi, một sự hiếm. Và cũng nghe nói người ký lệnh là uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung uơng Đảng, phụ trách cả khối tổ chức và tư tưởng Lê Đức Thọ. Xin nhắc lại, điều này tôi chỉ nghe nói thôi, nêu ra như vậy để rồi sẽ được nghe các nhà văn học sử và chính nhà văn Nguyễn Đình Thi có lời khẳng định hay phủ định.

Xin trở lại hội nghị hội viên đảng viên.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi bước đến bên micro trong sự chờ đợi hồi hộp của cử toạ. Ông nói nhiều, nhưng cái điều găm sâu trong trí nhớ của tôi mãi đến nay là ông nhắc đi nhắc lại rằng anh chị em trí thức ta không xoàng về chính trị đâu, tiếp đó ông kể một câu chuyện trong Đại hội Đảng lần thứ hai ở Việt Bắc mà ông được dự. Ông kể chuyện Bác Hồ chỉ tay lên ảnh Stalin và Mao Trạch Đông và nói với Đại hội: Bác có thể sai, chứ hai ông này thì không sai. Thật là một câu chuyện kinh thiên động địa. Hồi này, sau khi nước bạn láng giềng môi hở răng lạnh theo lệnh của Đảng bạn đem quân đánh ta ngày 17 tháng hai năm 1979 thì trên sách báo chính thức đã đưa ra nhiều thông tin về những tội ác rùng rợn dưới triều Mao. Còn những tội ác dưới triều Stalin thì chưa dám đụng tới, mặc dù không ít người đã biết qua sách báo nước ngoài. Thế mà sau khi kể câu chuyện động trời trên, nhà văn Nguyễn Đình Thi lại nói đến việc các nhà văn Xô Viết tự tử để phản kháng như thế nào, và lời cuối của ông trước khi rời diễn đàn là bày tỏ hy vọng Đảng ta sẽ dân chủ hơn.

Nhưng sự kiện được Đại hội chờ đợi hơn hết, chờ đợi một cách căng thẳng, hy vọng xen lẫn lo âu, là sự có mặt của nhà thơ Tố Hữu, uỷ viên Bộ Chính trị và tiếng nói của ông. Ông sẽ đến và phát biểu vào sáng mai, ngày cuối cùng của hội nghị.

Khỏi nói Tố Hữu đã từng là một thần tượng thế nào trong cõi hồn niên thiếu mê văn chương của tôi.

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Những câu thơ như từng hạt phù sa thanh sạch và mỡ màu lặng lẽ bồi đắp hồn tôi lúc nào không hay và đọng lại mãi, hoà vào máu thịt tôi. Cũng như, từ trước thơ Tố Hữu khá lâu, câu hát Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” tôi hát lên như thể chính lòng mình cất tiếng, câu hát như thể đã ở trong tôi tự bao giờ cùng sữa mẹ.

Rồi tôi học Tố Hữu trong nhà trường. Học thuộc lòng những câu như:

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Xtalin

(Tố Hữu – Việt Bắc)

Những câu này thì không cố học cũng tự nhiên mau thuộc:

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ

(Tố Hữu – Từ ấy)

Sống đã vì cách mạng, anh em ta

Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà.

(Tố Hữu – Từ ấy)

Vì cách mạng, nghĩa là vì sự đổi đời cho những kiếp sống khốn cùng mà mình đã tự nguyện kết thành ruột thịt kia. Những câu thơ như men ngấm, như lửa đốt, vừa triết lý vừa giục giã hành động. Đặc biệt cái câu ông dịch của Marat: “Người ta lớn, bởi vì ngươi cúi xuống. Hỡi nhân dân hãy đứng cả lên!” đã ngấm tận xương tuỷ tôi mãi đến tận giờ.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông là vào cái hôm ông đọc thơ trong cuộc mít tinh khi cả miền Bắc nghe tin vụ thảm sát Phú Lợi ở Miền Nam. Tôi chạy như bay tới cuộc mít tinh và nhìn thấy ông trên bục cao. Ông chẳng khác bao nhiêu so với tấm ảnh mặc áo trấn thủ in trong tập thơ “Từ ấy” hằng quyến rũ tôi bởi sự bình dị đáng yêu, dễ gần, y hệt mấy anh Vệ Quốc Đoàn gầy ốm mà mẹ tôi vẫn đón về nuôi ở nhà thời kháng chiến chống Pháp. Trời rét căm căm trong làn gió bấc vật vã, cái giọng Huế đầy truyền cảm chất chứa yêu thương và căm giận của ông vang lên nấc lên vạch đất xé trời:

Đồng bào ơi, anh chị em ơi

Hỡi lương tâm tất cả loài người!...

Toàn bộ con người tôi rung chuyển theo tiếng kêu này. Tôi nhập vào đoàn người biểu tình trước trụ sở Uỷ ban quốc tế, hô đến khàn hơi các khẩu hiệu lên án tội ác Mỹ-Diệm ở miền Nam. Bắt đầu có một tôi khác trong tôi, một cái tôi không yên ổn. Trong các lớp tôi học từ phổ thông rồi lên đại học đều có các bạn quê ở miền Nam. Thỉnh thoảng lại thấy một bạn nghỉ học mấy ngày, rồi đến lớp với gương mặt buồn thảm, cặp mắt đỏ hoe. Các bạn khác cho biết cha (hoặc mẹ, anh, chị, em) bạn ấy ở trong Nam bị địch giết. Mặt Hồ Tây tĩnh lặng mà tôi thường ngắm qua ô cửa sổ gác ba trường Chu Văn An thân yêu của tôi dường như cũng chứa đựng câu hỏi: giờ phút này, ở Miền Nam có ai đang bị giết?

Sau này, đi B, đi vào chiến trường Miền Nam, về Quảng Nam, tôi gọi là về, trong những dòng thơ đầu tiên tôi viết khi đặt chân tới chiến trường có những dòng này:

Tôi về có chậm không, Quảng Nam?

Sao tôi không có mặt ở đây từ những ngày quân thù điên cuồng tố Cộng

Khi hàng ngàn đồng chí chúng ta bị âm thầm chôn sống

Hàng vạn gia đình yêu nước phải chia tan?

(Bùi Minh Quốc – Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ)

Tôi đã viết thành thơ cái sự thật của lòng mình, một nỗi bất an thường trực giày vò tôi, rằng có thể mình chậm trễ không đến kịp với ai đó đang bị sát hại, tôi học hành không yên, sáng tác không yên, công tác không yên, kể từ khi nghe tiếng kêu thống thiết xé trời của Tố Hữu:

Hỡi lương tâm tất cả loài người!

Mãi từ đó đến bây giờ, hơn hai mươi năm, tôi mới lại được nhìn thấy ông, lần này thật là gần. Ông người thâm thấp, hơi đậm, nước da đỏ đắn, dáng vẻ uy nghi “cao cao tại thượng” của người làm quan to lâu năm. Từ dưới sân trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, khi ông vừa bước xuống xe đã có cả đống người quây đón xúm xít bao quanh theo ông lên cầu thang (lộ thiên) vào phòng họp. Ông gật đầu đáp lại những cái nhìn sùng kính hoặc có vẻ sùng kính, những nụ cười nịnh nọt kín đáo hoặc lộ liễu, bắt tay một số người đứng dọc hai bên lối đi. Ông gần như bá lấy vai nhà văn Nguyên Hồng vẫn gầy gò khẳng khiu như bao giờ trong chiếc áo cánh gụ bạc màu, bộ râu cằm để dài cũng đã bạc. Rồi, như thể bị thôi thúc bởi một tình thân mật bất chợt trào lên, quên mất mình là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông đưa tay vuốt, giật nhẹ bộ râu của Nguyên Hồng, nói to: “Râu giả, râu giả!”. Nguyên Hồng thoáng trân mình, mặt hơi bừng đỏ, không biết vì xúc động hay vì cái vuốt râu bỗ bã không đúng chỗ, không đúng lúc.

Tố Hữu bước đến bên chiếc micro mà ông yêu cầu chuyển từ bục diễn đàn xuống đầu chiếc bàn dài, ngang tầm ngồi của mọi người. Phải kê micro bằng những quyển sách. Có ai đó tìm cách kê cao thêm chút nữa nhưng ông ngăn lại, bảo: “Chẳng cần kê nữa làm gì, tôi cũng thấp lùn như anh Nguyên Ngọc thôi. Chúng ta có ai cao lên được cũng là do Đảng kê lên cho thôi”. Câu nói như là một câu nói vui, nhưng lại nhắc đến Đảng thì ghê quá, nên chẳng ai cười được bởi trong giọng nói êm nhẹ như mây trôi đã báo trước sấm sét.

Quả thế. Vị uỷ viên Bộ Chính trị bắt đầu bài phát biểu của mình bằng chuyện ông mới đi thăm một số cơ sở điển hình ở miền núi. Ông kể về một cái hợp tác xã miền núi tự làm thuỷ điện, có điện thắp sáng cả bản, có hệ thống tưới tiêu khoa học, năng suất cây trồng và vật nuôi lên cao hẳn, đàn lợn tập thể nom rất thích mắt, đời sống bà con khấm khá rõ rệt. Trông coi vận hành trạm thuỷ điện chỉ là một cô gái học lớp ba. Ông kết luận, đấy, từ một xã hội tiền phong kiến, ở đây người ta đã tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội đấy. Mà chẳng có phép màu nào ngoài sức mạnh làm chủ tập thể. Những thực tế tuyệt vời này chẳng đáng được sao chép lắm sao?

Và thế là, tiếp đó, ông quất tới tấp vào cái luận điểm của Đề dẫn muốn hạ thấp vai trò của sự phản ánh, thậm chí là sự sao chép đi nữa, hiện thực xã hội, nhất là khi hiện thực xã hội đã tốt đẹp đến thế. Và (thật quá đỗi kinh ngạc!), ông còn nhấn mạnh rằng khi hiện thực xã hội đã tốt đẹp đến thế thì chỉ cần sao chép cũng có tác phẩm lớn. Rồi cứ thế, cứ thế, ông lần lượt quất, quất mỗi lúc một mạnh vào các luận điểm khác của Đề dẫn, có lúc giọng ông như hét lên, chắc là ông giận dữ lắm (xin nghe lại băng ghi âm và đọc bản ghi của thư ký đoàn hội nghị do nhà phê bình Ngô Thảo, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền thực hiện, lưu trữ ở cơ quan Hội Nhà văn, nếu người ta không vô tình hoặc cố ý làm mất những tư liệu ấy).

Đến giờ nghỉ trưa, cái không khí hồ hởi của hai ngày đầu đã hoàn toàn xẹp xuống thảm hại như một quả bóng xì hơi. Người bàng hoàng, kẻ ngơ ngác. Trên quãng đường đi tới tiệm phở đằng phố Bà Triệu dùng bữa phở trưa được dành cho các cán bộ lãnh đạo và đại biểu ở xa, tình cờ tôi đi gần mấy vị trong Đảng đoàn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương. Trong câu chuyện rì rầm trao đổi đã nghe tiết ra cái mùi uốn lưỡi trở cờ. Một vài người vừa mới hôm qua đây còn đầy hùng biện, đầy khí phách xiển dương những quan điểm mới của Đề dẫn, giờ đã đổi giọng. Đau đớn thay cho tôi, mấy người đó lại là mấy bậc đàn anh trước kia tôi kính yêu biết bao, tin phục biết bao, ngưỡng vọng biết bao, chỉ được đứng gần họ, nghe họ nói, được họ đưa tay cho bắt, tôi đã sung sướng lắm. Nhớ hồi còn ở chiến trường có anh em từ Hà Nội vào đọc cho nghe bài thơ của Xuân Sách tả chân dung một đồng nghiệp đàn anh: “Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa”, tôi đã kêu lên phẫn nộ: “Sao ông Sách ông ấy ác khẩu thế. Không thể như thế được!” Nhưng đến buổi trưa cái ngày cuối cùng của hội nghị này thì tôi thừa nhận đó là lời tiên tri của nhà thơ Xuân Sách.