Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Cơ chế và nỗi sợ hãi cá nhân

Lê Học Lãnh Vân

Bài viết gần đây trên trang Phây của anh Lưu Trọng Văn tiếc thương ông Vũ Mão vì đức độ công chức của ông, và tiếc hơn nữa cho việc ông để mình dính vào sự việc thất nhân tâm trong đám tang tướng Trần Độ.

Từng nghe một số vị quen biết ông Vũ Mão kể về ông, tôi không ngạc nhiên lắm khi đọc bài viết của anh Văn. Tuy nhiên, tôi có cảm nhận “sao sao ấy” khi đọc những dòng về sự dính líu của ông Vũ Mão.

Không hề quen biết ông Vũ Mão, bài này viết về suy nghĩ của một người đứng xa nhìn về đám tang vị tướng khí phách Trần Độ và vai trò ông Vũ Mão trong đó.

Anh Lưu Trọng Văn viết:

Điều tai tiếng duy nhất mà ông [Vũ Mão] vướng phải và đau lòng cho đến khi giã biệt cõi đời là lễ tang Trần Độ, ông là trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn

Ông Vũ Mão đau xót với những gì mình vướng phải vì ông là người luôn kính trọng Trần Độ

Xin nói rõ, bài viết này không hề nghi ngờ sự thành thực của những dòng trên.

Chính vì không nghi ngờ, tôi phải suy nghĩ về sự đau lòng, đau xót của ông Vũ Mão, và về lòng kính trọng của ông dành cho tướng Trần Độ.

Tướng Trần Độ quả thực được rất nhiều người kính trọng. Lòng kính trọng dành cho khí phách của vị tướng, cho tác phong trí thức dấn thân, cho tầm nhìn và hoài bão vì tương lai dân tộc của ông.

Ông Trần Độ xuất thân gia đình “thông phán” khá giả, có điều kiện học cao và thăng tiến trong xã hội tiền chiến. Vì lý tưởng giành độc lập dân tộc, ông tham gia hoạt động chống Pháp, bị tù đày. Tài ba vượt trội, ông tiến rất nhanh, hai mươi ba tuổi là chính ủy mặt trận Hà Nội; ba mươi hai tuổi chính ủy quân khu 3; ba mươi lăm tuổi, thiếu tướng… Khi đất nước thống nhất năm 1975, ông là trung tướng đương nhiệm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Một thời gian sau, hiều biết rộng, tầm nhìn xa cho ông thấy Việt Nam đang ngày càng xa hơn những nguyên tắc dân chủ và xa hơn con đường phát triển bền vững. Dù đang ở vị trí tót vời cùng những ưu đãi tương xứng của chế độ, ông vẫn thành tâm và trung thực lên tiếng để sau đó bị đẩy ra lề, bị khai trừ khỏi đảng.

Rõ ràng, Trần Độ luôn sống một cuộc đời biến chuyển theo biến chuyển của thời cuộc. Điều này được chứng minh qua hai lần ông vượt lên chính mình, vượt khỏi những cám dỗ của ưu đãi từ chế độ đương thời để hòa nhập vào ước muốn rộng lớn của dân tộc. Sẵn sàng từ bỏ lợi danh, đối đầu uy vũ để sống trung thực!

Cuộc đời ông, so với những lời rao giảng trống rỗng và giả dối, so với những chiếc ghế sơn son dát vàng, những biệt phủ cùng lăng tẩm hiện đại mênh mông… càng sáng ngời ngọn đèn nhân cách!

Đám tang tướng Trần Độ là một sự kiện nhiều người đau lòng, tiếc thương!

Trong tang lễ đó, ông Vũ Mão đóng vai trò người lãnh đạo phong trào hạ bệ vị tướng anh hùng, ứng xử thất nhân tâm với một người có công lớn giành độc lập, có đức độ gắn bó với xã hội, dân tộc, tổ quốc. Ông Vũ Mão bị chính tang gia phản đối, bị xã hội lên án!

Lòng tự hỏi, một người thực lòng kính trọng tướng Trần Độ có thể để mình vướng vào sự việc đó không?

Theo tâm sự thông thường, tôi không nghĩ ra được lời giải thích!

Giả sử chấp nhận rằng ông Vũ Mão thực lòng kính trọng tướng Trần Độ, thì hệ thống mà ông sống làm việc trong đó thực có sức mạnh toàn năng! Nó đã khiến ông Vũ Mão phải cam tâm làm một việc ông không muốn làm, mà ông ý thức được là nhẫn tâm, thất đức, xúc phạm người ông kính trọng ngay phút thiêng liêng nhất trong tang lễ người đó! Nó khiến ông im lặng cả đời, cho tới lúc trước khi “cái quan định luận” mới nói ra bí mật, tên tuổi người ép ông làm việc đó!

Ông Vũ Mão đâu phải là bất kỳ ai. Quá khứ đóng góp của ông, vị trí đương thời của ông, một vị ủy viên trung ương đảng năm khóa liên tiếp, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội. Hệ thống đó có sức mạnh ghê gớm gì có thể sai khiến một người như ông cắn răng, cúi mặt làm điều mà ông biết trước sẽ có ảnh hưởng rất xấu trên danh tiếng của mình?

Hệ thống có sức mạnh tuyệt đối trên cá nhân như vậy, hệ thống đó có thể lắng nghe, hiểu biết các biến chuyển của thời cuộc, của lòng người không? Hệ thống đó thể cho phép nó dễ dàng tự sửa đổi, tự thích nghi với vô vàn thay đổi bên trong và bên ngoài đang liên tục diễn ra không?

3) Tôi nghĩ, ông không nhận làm việc đó cũng không ai giết hại hay bỏ tù ông được. Tướng Trần Độ mất năm 2002, thời thế đã rộng mở hơn rất nhiều so với thời khắc nghiệt của những khí phách Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Hữu Loan…

Không nhận làm việc đó, có thể ông Vũ Mão không được tin cây như trước, có thể bị ghét bỏ, không thăng tiến được nữa. Tệ lắm thì mất chức, về hưu là cùng! Cái giá như thế mà ông cũng không thể đánh đổi, không dám đánh đổi, thì chúng ta, người đứng ngoài, nghĩ gì? Hệ thống đáng sợ hay chính nỗi sợ tự thân trong mỗi cá nhân mới đáng sợ?

Mỗi người chúng ta có phải chịu trách nhiệm về nỗi sợ hãi xuất phát tự chính mình không? Lý do gì mà nỗi sợ hãi này nơi ông Vũ Mão lớn tới vậy? Vị trí của ông, để sự sợ hãi lấn át như vậy có khiến nỗi sợ lan truyền trong xã hội, nhất là trong thanh niên, góp phần khiến xã hội bạc nhược hơn, thụ động hơn, đông cứng lại trong nỗi sợ hay không? Nỗi sợ này bắt nguồn từ điều gì, từ khi nào?

Câu nói thường nghe trong dân chúng “về hưu mới mở miệng” phê phán điều gì?

“Tại cơ chế”, câu than vãn thường nghe của các quan chức thực ra nói lên tâm trạng gì, tâm lý gì, văn hóa gì?

Xin nói rõ, bài viết này không đặt câu hỏi về tính trung thực trong bài viết của anh Lưu Trọng Văn, một người bạn văn đáng yêu mến. Bài viết này trăn trở câu hỏi về logic trong tâm lý, suy nghĩ, tình cảm và từ đó về thái độ, tác phong, cách sống của nhân vật anh Văn nêu lên, nhân vật này trên một số phương diện có thể coi đại diện một lớp người. Bài viết đặt câu hỏi về văn hóa, về tâm lý xã hội của lớp người đó, của thời đại đó.

Thời đại đó còn rất gần, và đang có ảnh hưởng bao trùm trên tương lai Tổ Quốc, tương lai từng gia đình, từng con người công dân! Thái độ và tâm lý mang nỗi sợ hãi liên quan gì tới đạo đức xã hội được cảm nhận đang suy thoái toàn diện, liên quan gì tới những xâm phạm vào các nguyên tắc căn bản tổ chức xã hội đang được cảm nhận xảy ra ngày càng nhiều và càng ngang nhiên hiện nay?

Ngày 03 tháng 6 năm 2020