Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (676): Xuân Vũ (kỳ 20)

20

Năm Cà Dom đang nằm im bỗng bất thần gọi tôi: 
- Ê này, nhà “răng”!
- Gì đó nữa?

- Mình có đề tài hay lắm, cậu có “siêu” tầm không? 
- Thôi đi, giấy má đã nhóm bếp hết rồi. 
- Bỏ qua cái này thì rất uổng! Tớ hứa với cậu là một ngàn năm trước một ngàn năm sau, không thể gặp. 
- Ăn thịt kỳ đà xong cổ nói toàn chuyện đâu đâu không hè! 
Năm Cà Dom bật ngồi dậy, nghển cổ sang phía tôi. 
- Này, cậu có tưởng tượng chôn sống thương binh không? 
Năm Cà Dom ngả người ra trên võng, như một trái bóng bơm căng bất thần bị chọc thủng. Năm Cà Dom rên rỉ: 
- Đù mẹ. Tàn nhẫn quá, không chịu được. 
- Mà cái gì vậy? 
Tôi gắt và bị Năm Cà Dom gắt lại: 
- Thì đã bảo là nó chôn sống thương binh mà cứ hỏi. 
Tôi lịm người ra. Không biết Năm Cà Dom nói thiệt hay nói chơi. Vừa rồi, vào bệnh xá, tôi cũng có nghe một người nói: “Ở bệnh xá khác thì người ta đem người chết vào nhà xác, còn ở đây thì người ta đem người bệnh vào đó cho họ chết.”
Ở cái bệnh xá của bác sĩ Cường cũng thế chăng? 
Mãi về sau, tôi gạn hỏi Năm Cà Dom thì anh ta mới kể lại chuyện đó. Số là hôm đó, ăn thịt kỳ đà xong tôi đưa Hồng về chỗ tôi ở, Nam Cà Dom ở lại. Lúc đó người ta đem thương binh vào chật ních cả khu rừng. Cường phải lẩn tránh vì không có thuốc men. Một lúc sau, Năm Cà Dom đi ra rừng. Năm Cà Dom đang ngồi bỗng nghe tiếng rên rỉ từ dưới lòng đất. Rõ ràng là tiếng người. Nhưng Năm Cà Dom bị sự xui xẻo của con kỳ đà ám ảnh. Cho nên anh ta tưởng ma quỉ hiện hình. Anh ta chạy vào vừa thở hổn hển vừa gọi bác sĩ Cường và kể lại tự sự cho Cường nghe. 
Bác sĩ Cường suy nghĩ mãi mới thú thật với Năm Cà Dom rằng đó là một cách trị bệnh nhân đạo nhất mà Cường đã phát minh sau những ngày làm trưởng bệnh xá ở đây. Năm phản đối ngay: 
- Vô nhân đạo, dã man! 
- Ừ đúng thật. Vô nhân đạo, dã man, tán tận lương tâm nữa, nhưng mà nếu để cho họ rên siết, vật vã, lăn lộn, mà mình không cứu chữa cũng không kéo dài được sự sống của họ thêm phút nào, thì lại càng dã man, tán tận lương tâm hơn. Tớ đã suy nghĩ rất nhiều, thấy mình ác, tệ thật. Nhưng làm sao? Đứt động mạch, vỏ não bị thương, gãy đốt xương sống, v.v. cậu có là thánh cũng đành co tay ở đây. Nhưng tớ không ra lệnh. Tớ cứ để cho tổ lao động họ làm. Bề nào cũng chết thà chết sớm cho đỡ đau khổ. 
Năm Cà Dom gạt phắt: 
- Làm như thế, tụi thương binh chung quanh mất mẹ hết tinh thần. 
- Úy! Chúng nó đâu làm sao biết được! Chứ nếu để nó cứ rên la, chửi bới thi tụi kia càng mất tinh thần hơn. Thôi thà bỏ xuống hầm, như núp máy bay vậy. Rồi lấp đất luôn. 
Tôi gạn hỏi mãi Năm Cà Dom xem đó có phải là sự thực không? Năm Cà Dom chỉ lắc đầu: 
- Thật là ngoài sức tường tượng. Thảo nào tôi trông thấy những cái hầm giống như những cái huyệt mộ dưới đó thấy có những thương binh nằm sẵn. Khi cần, cứ lấp đất, tiện lợi biết bao. 
Năm Cà Dom nói tiếp: 
- Có cái chuyện này thì tôi không trông thấy thật! 
- Chuyện gì? 
- Chuyện mình bắt dân công người Thượng khiêng thương binh mệt quá, nó ghét nó đào lỗ chôn sống luôn. 
- Có thật không? 
- Ai biết đâu nhưng nghe tụi nó nói thế! 
Thật là toàn những chuyện oái oăm kỳ cục cứ ít hôm lại gặp trên con đường này. 
Càng đi những chuyện như thế này càng nhiều ra và càng kỳ cục hơn lên. Càng đi tư tưởng con người càng phân tán, như một cái cây càng mọc lên thì càng tủa ra vô số nhánh nhóc. Những nắm tay không còn vung lên nổi vì chúng bận tìm củi, hái rau, nấu cơm vác súng mất hết cả sức lực. 
Vô tới đây bao nhiêu tâm sự chất chứa hàng chục năm ở miền Bắc mới xì ra. Ai kín mồm nhất tới đây cũng xì ra. Nằm trong cái khe suối âm u này với những đêm mưa dầm, những cơn sốt dai dẳng thì người ta buồn, người ta thất vọng cho nên người ta hay tâm sự. Như cái thiên tâm sự của ông Chín, ông ta về Nam vì bị chèn ép không ngoi lên nổi và về để khỏi gởi xương nơi đất khách. 
Năm Cà Dom thì về nuôi ngựa đua. Còn Thu thì không muốn đi nữa. Tôi biết rõ điều đó. Nhất là ngay trong những giờ phút này, sau khi xảy ra cuộc gặp gỡ bất ngờ cậu em trai. Tôi nghe tiếng võng khua sột soạt của Thu rồi thỉnh thoảng có tiếng hít mũi. Tôi biết Thu cố nén không cho tôi và Năm Cà Dom biết nàng khóc. 
Ngày mai trở đi thì cuộc sống của chúng tôi vô cùng phức tạp về tình yêu, về tình chị em, và sự bế tắc của con đường.
Tôi càng nghĩ mà càng ngán ngẩm và càng thấy con đường xa vời vợi. Hôm qua cái nhà bếp của chúng tôi xiêu, tôi phải đốn câv chống lại, những sợi dây nhợ căng tăng đã mục, tôi phải bứt dây mây rừng để thay. Vài lỗ thủng trên nóc tăng... Thì ra chúng tôi đã ở đây như đã cất nhà, và hình như người nào cũng yên tâm đóng quân ở đây vô thời hạn. 
Tôi đang nằm miên man nghĩ ngợi thì có tiếng kêu thất thanh của Thu, như có ai bóp họng Thu: 
- Á á… 
Tôi ngồi bật dậy và chụp lấy cái đèn bấm treo trên cổ như một thói quen, bấm rọi sang Thu. 
-Gì vậy? Gì vậy? 
- Á á … á!… 
Tôi chạy vụt sang. Thu đang ngồi trên cái võng lắc lư, đầu tóc rối tung, một tay nàng bám chắc một đầu võng cho khỏi ngã, mắt nàng quắc lên nhìn ra bóng tối như hai tia sáng chọc thủng màn đen dày đặc. 
Tôi nắm tay nàng giặt giặt và hỏi: 
- Gì vậy em? 
- Nó về... về anh ạ! 
- Nó nào? 
- Thằng Hồng… Hồng về! 
Tôi rọi đèn chung quanh một chập chờ Thu tỉnh hẳn lại rồi mới hỏi: 
- Em nằm chiêm bao hả? 
- Em đâu có ngủ mà chiêm bao. 
- Em trông thấy em Hồng thật à? 
- Nó ở ngoài bước vào lều em thật mà. 
Năm Cà Dom vẫn nằm trên võng nói vọng sang: 
- Cô nằm chiêm bao đấy, chẳng có đứa nào về đâu. 
Thu nói: 
- Em đâu có ngủ mà chiêm bao? 
- Thằng nào mà lại mò tới đây được! Không phải đâu cô! Tại cô nghĩ tới nó nhiều quá, rồi tự nhiên cô trông thấy nó như hiện lên rước mặt cô. Tôi đã biết một “ca” như vậy rồi. Đó là hồi tôi ở trong Nam. Có lần má tôi trông thấy tôi về. Bà đang ngủ bỗng ngồi dậy chạy ra mở cửa và giơ tay chụp vào vai tôi, chẳng ngờ không có ai cả. Vì lúc đó, tôi đang ở cách xa bà ba tỉnh. 
Nhưng Thu cứ quả quyết: 
- Em trông thấy nó rõ ràng. Tóc nó dài xõa xuống trước ngực. Nó bước vào chạm võng em, em quơ tay ra đụng tay nó rõ ràng. – Thu xòe tay ra và nói tiếp – Em đụng nó ở chỗ này này! 
Tôi hỏi: 
- Sao em không gọi nó? 
- Em không nói ra tiếng được. 
- Sao em không rọi đèn theo? 
- Em đâu còn nhớ đèn đuốc gì. 
-Sao nó lại làm kỳ vậy nhỉ? 
- Ai biết... em không hiểu sao nó làm khổ em như vậy? 
Tôi ngồi xuống đất. Tôi thở dài. Rồi tôi ngồi nhích lại võng Thu. 
Từ một chuyện oái oăm lại đẻ ra thêm một chuyện khác không kém phần oái oăm. Đã bảo là trên đường này không có người nào bình thường, cho nên không thể có sự gì bình thường được. 
Tôi nói với Thu: 
- Em có chắc chắn nó là Hồng không? 
- Chắc trăm phần trăm. 
- Bằng chứng gì? 
- Nội cái nó gọi em là chị Bích thì cũng đủ rồi. 
- Tại sao? 
- Cái tên Bích chỉ có bố mẹ em và nó biết thôi. Cái tên ấy đã không dùng từ mười năm qua. Với lại cái tuồng chữ của nó anh ạ.. Cái gì thì thay đổi, chứ tuồng chứ không thể thay đổi được, huống chi mới cách đây có mười tám tháng. 
Thu ngưng một chốc, lại tiếp: 
- Với lại sự linh cảm và những trực giác của con người. Trước khi nó đến, em có kêu với anh là sao em thấy khó chịu quá, nhưng không phải bệnh. Còn về phần thằng Hồng thì tuy nó có thay đổi nhưng cái dáng dấp nó không khác mấy. Thôi đích rồi mà, anh đừng có hỏi gặn em nữa làm cho em thêm khổ tâm. 
Đêm thật là dài. 
Tôi cứ ngồi như thế, không đốt lửa cũng không nói năng chi. Cảm thấy mình như con sinh vật đang lặn ngụp giữa một đại dương đau khổ về vật chất lẫn tinh thần. 
Thu bỏ một tay trên vai tôi. Tôi mân mê những ngón tay gầy guộc của nàng như ve vuốt những kỷ niệm đã qua. 
Thu nói: 
- Yêu em, anh khổ nhiều hơn hạnh phúc. 
- Không có tình yêu nào không đau khổ 
- Nhưng anh đau khổ nhiều quá thì lòng em không đành. 
- Đau khổ gì đâu. 
Anh không cho em biết nhưng em vẫn biết, nỗi nọ niềm kia. Anh đừng giấu em. Em cũng như anh. Đau khổ quá, nhưng khi yêu thì chỉ có yêu, những tình cảm khác thì dù mình có muốn hay không, chúng cũng biến đi hết cả. 
Tôi cười khẩy: 
- Còn một tình cảm: Giận! 
- Giận cũng vì yêu… Nhưng thôi em không bao giờ giận anh.
Tôi bóp mạnh bàn tay nhỏ nhắn của nàng kéo qua mũi tôi nhưng không hít vào. Tôi nghe sự giá lạnh của tim nàng qua làn da ở lưng bàn tay. 
Tôi biết nàng sắp sửa nói những chuyện không vui, nên tôi rẽ sang hướng khác. Tôi vẽ ra một tương lai xa vời. 
- Nè bây giờ hai đứa cùng về Hà Nội thì anh sẽ làm gì, và em sẽ làm gì? 
Tôi giặc giặc tay Thu để đánh thức trí tuệ nàng. Nhưng nàng vẫn lặng thinh và rụt tay lại, nàng khẽ sờ tìm nốt ruồi trên má tôi. 
Nàng vuốt ve nốt ruồi làm tôi xúc động. Tôi biết nàng muốn nói gì qua cái cử chỉ nhẹ nhàng ấy. Những lần âu yếm nàng bao giờ cũng đặt vào đấy những chiếc hôn, và hầu như nàng chỉ hôn cái nốt ruồi ấy và kêu lên khe khẽ: “Của em, của em, anh giữ lấy cho em.” 
Bây giờ nàng không nói gì, nhưng nàng cứ mân mê cái nốt ruồi, như ngón tay cố bấm lại phím đàn quen thuộc làm cho cây đàn lòng rung lên với tất cả âm thanh. 
Tôi tựa vào võng và nàng ngả đầu trên vai tôi, tóc nàng chảy dài trên vai tôi vừa mát vừa ấm như một vệt suối. Tôi hỏi:
- Sao em không đáp? 
- Em không thể đáp được. 
- Sao vậy em? 
- Vì đó là những chuyện không có trong đời chúng mình. 
- Tại sao? 
- Anh cũng thừa hiểu rồi, còn hỏi em làm gì nữa. 
- Em cứ nói cho anh nghe. Dù sao chính em nói thì vẫn hay hơn. 
Thu thở dài não nuột: 
- Vào Nam mà vào tận quê anh là điều không thể có, vì như anh biết, em không thể đi nổi nữa. Ở đây mới độ một phần ba đường, mà sức khoẻ của em thì đã cạn. Hơn thế nữa, em không muốn đi để thêm gánh nặng cho anh. 
Tôi nói: 
- Được rồi… 
- Anh để yên, em nói hết cả. Đối với anh, em không còn một “ẩn số” nào nữa cả. Thì những sự suy nghĩ sâu kín nhất của em em cũng nói cho anh. Nhất là từ khi em gặp lại thẳng Hồng thì em đã phác họa ra một kế hoạch. 
- Ghê gớm nhỉ! 
- Thật tình anh ạ. Có nó rồi, em sẽ cương quyết hơn. 
- Làm “bê quay” hả? 
- Đã hằn rồi. Em nhất định sẽ quay ra với thằng Hồng! 
- Làm sao mà đi được em? 
- Em sẽ xin vô làm ở bệnh xá. Vì theo anh nói thì thằng Hồng sẽ phục vụ cho bác sĩ Cường cho đến ngày nào bác sĩ Cường về Hà Nội thì ông ấy sẽ mang nó về. Thay vì ông ta có một thằng em phục vụ thì ông ta sẽ có cả con chị phục vụ, lẽ nào ông ta lại không chịu? 
- Nhất là cô chị lại đẹp quá phải không? 
- Anh không nên đùa như thế. Em cho là em đang ở một khúc ngoặc quan trọng nhất của đời em. Em phải quyết định dứt khoát. 
- Trở ra? 
- Cố nhiên rồi? 
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi: 
- Còn nếu trường hợp thứ hai xảy ra? 
- Chuyện đó không bao giờ có. 
- Tại sao? 
- Không bao giờ anh trở ra Hà Nội. Tình cảm quê hương và gia đình của anh ghê gớm lắm. Em biết anh xem Hà Nội như một nơi xa lạ. Anh như con chim đậu trên cành cây Hà Nội, không bao giờ anh lót tổ ở đó. Anh chỉ đậu ở đó để gióng hướng về. Con đường này hay những con đường nào khác khả dĩ đưa anh về tới quê anh, anh đều chấp nhận cả. Hà Nội và tất cả những gì thuộc về Hà Nội dù chỉ mới hôm qua đều đã ở lại phía sau của anh chìm mất trong sương mù. 
Thu nói tiếp: 
- Em muốn nói Hà Nội đã rơi lại phía sau anh, cả em nữa. Nghĩ tới đó, em thấy buồn, nhưng đó là sự thật. – Thu tiếp – Anh ạ! Em yêu anh đến thế này cũng còn là ít, nhưng cũng đã quá nhiều. Anh đối với em cũng thế. Tình yêu không biết đong đến đâu cho đầy. Em ngẫm về em mà em biết. Cứ đầy lại vơi, đang vơi bỗng chốc lại đầy. Bây giờ giữa anh và em có một giới tuyến. Giới tuyến đó là một con sông, một vách đá hay một lằn kẽ của nét bút chì rất nhuyễn, nhưng nó chia cắt chúng ta mãi mãi. 
- Sao em khẳng định như vậy? 
- Vì nó đã như vậy mà. Có lẽ anh không còn luyến tiếc cái gì ở Hà Nội cả. Nếu có thể có thì cái đó là em. Em có thể nói một cách không quá đáng như vậy. 
- Em nói đúng. 
- Nhưng rồi anh sẽ quên em ngay. Không quên ngay, nhưng mà rồi anh sẽ quên đi vì trước mắt anh là cả một chân trời rộng mở. 
Thu tắt ngang câu nói. 
Tôi nghe những tiếng sau cùng đẫm nước mắt. Thu nghẹn ngào. Tay Thu càng ve vuốt nốt ruồi trên má tôi. Tôi nghe trên vai tôi âm ấm. Tôi không dám cử động nữa. Thu nuốt ực. Rồi đột nhiên hai tay nàng bám vào cổ tôi, kéo mặt tôi ngửa ra để cho đôi mắt đầm đìa của nàng áp sát xuống làm cho cả khuôn mặt tôi hứng nhận một trận mưa… 
Trời đã sáng. 
Tôi và Thu đi lên bệnh xá để tìm Hồng. Năm Cà Dom bảo: 
- Nhớ đi nhanh nhanh, kẻo có chuyện gì ở ngoài này mất hết đồ đạc! 
Tôi và Thu đến bệnh xá gặp ngay Cường. Tôi nói ngay không để trễ một giây: 
- Xin giới thiệu với bác sĩ đây là cô Thu, chị ruột của cậu… Úm Ba La! 
- Không ạ? Không ạ! Thu xua tay lia lịa. Tôi là chị ruột của cậu Hồng, Vũ Phương Hồng. 
- Đây đâu có cậu nào… 
- Dạ Hồng chính là Úm Ba La đấy bác sĩ! Tôi nói. 
- Hả? Anh nói gì? Thu tròn xoe đôi mắt. Hồng nào lại là Úm Ba La? Sao em tôi lại mang cái tên gì kỳ quặc như vậy? 
- Chuyện đó để khoan hãy nói! Bây giờ xin bác sĩ cho gọi cậu bé lên đây giùm. Tội nghiệp cô ấy đau khổ quá. 
Tôi kể sơ lược câu chuyện gặp gỡ của hai chị em và chuyện tối hôm qua cho Cường nghe. Cường ngơ ngác: 
- Cậu ta đâu có trở về đây. Tôi lại tưởng cậu ta vui chuyện ở chơi với anh ngoài đó. 
Thu hỏi: 
- Dạ thưa anh, thường thường cậu bé có mặt ở đây vào lúc nào ạ? 
Cường hơi mất tự nhiên đáp: 
- Cậu ta thì tự do. Cậu ta đến với tôi bất chấp ngày giờ. Có khi tôi đang ngủ, cậu ta lại tọng vào mùng tôi một giề ong mật rồi chạy đi mất, có khi tôi ăn cơm cậu ta về, tôi ăn chưa xong cậu đã chạy đi. Nghĩa là tôi không thể bắt buộc cậu ta làm việc với tôi với một cái thời dụng biểu nào cả. Tôi chỉ yêu cầu một điều là đừng phá phách bệnh xá, và cũng chỉ hứa với cậu ta một điều là: Khi nào tôi trở ra Hà Nội, tôi sẽ mang cậu ấy theo. Chỉ có thế thôi. 
- Nó ở đây với bác sĩ được bao lâu rồi, bác sĩ? Thu hỏi. 
- Độ gần một năm. 
- Tại sao nó cứ ở đây mà không đi vô nữa, bác sĩ có bao giờ hỏi nó không? 
- Tôi không hỏi, nhưng vẫn biết. Là vì nó không muốn đi. Là vì nếu đi thì đi không đến được, và nếu có đến được thì không có ngày về, trong lúc gia đình cần sự có mặt của cậu ta hơn. Tất cả những cậu “bê quay” dầu già hay trẻ đều có chung một lý do đó. 
Thấy không có Hồng, tôi bảo Thu trở về, nhưng Thu nằn nằn đòi ở lại để chờ Hồng về. Điều đó làm hài lòng Cường, nhưng trái lại tôi không vui. Nhưng dù tôi bảo thế nào Thu cũng cương quyết ở lại đây Thu nói: 
- Em chờ đến chừng nào gặp nó thì mới về. Nếu anh thấy cần về thì anh cứ về trước đi. Còn riêng em thì em thấy không cần gì hơn cần gặp nó. Em phải gặp nó thì em mới sống yên ổn được. 
Tôi đành tìm chỗ mắc võng nằm, để cho Thu tiếp tục hỏi thăm bác sĩ Cường về Hồng. 
Trời càng ngày càng trưa, rồi càng ngày càng tối, vẫn không thấy bóng Hồng. Rồi trời tối. Tôi vẫn phải chìu Thu mà ở lại. 
Thu nói với tôi nghe thương tâm quá: 
- Em tin rằng lòng thương của em đối với nó sẽ truyền tới nó làm cho nó đứng ngồi không yên và có sức lôi kéo nó đến với em. Để anh xem, tối nay nó sẽ về. Đêm nay nó sẽ về. Đêm nay anh cứ chuẩn bị đi nhé! Hễ nghe em kêu thì chạy ra túm giữ nó lại. 
Thu thao thức trăn trở mãi để chờ thằng em, nhưng cho đến lúc tia nắng xuyên qua kẽ cây rừng, thằng em kỳ quặc kia vẫn mất hút bóng hình. 
Tôi và Thu ra về, không quên nhờ bác sĩ Cường báo tin cho khi nó trở lại. 
Chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau, bất mãn tràn lòng. 
Thu không về mà lại đi thẳng ra lều của Ngân. Ở đó có mấy cô bạn gái Thu vừa mới làm quen, nào dược sĩ, y sĩ, kỹ sư, v.v. Thấy vậy tôi cũng không về, bỏ mặc cho ông Cà Dom nằm queo ở nhà coi chừng đồ đạc, tôi đi đến chỗ ông bạn Hoàng Việt của tôi. 
- Đói quá! Có gì ăn không? 
- Vô đây ăn phở, xong rồi làm cà phê… 
- Cha nội nữa! 
- Ủa thật mà! Phở “gió” và cà phê cũng “gió”.
Tôi lấy võng ra mắc và ngả lưng. Tôi kể ngay câu chuyện của hai chị em Thu cho Hoàng Việt nghe. 
Họ Hoàng lắc đầu, nói bằng tiếng Pháp: 
- Thật là dã man! Rồi bây giờ nó ở đâu? 
- Nó lủi mất đi rồi. 
- Không tìm được à? 
- Có ai đi tìm đâu. 
Hai đứa đang vui chuyện với nhau bỗng thấy ngoài đường người ta ùn ùn chạy ra. Họ giẫm lên nhau, chạy bừa như chạy thoát chết. 
- Cái gì thế? 
- Cái gì thế? 
- Biệt kích! Biệt kích! 
Có hai tiếng súng nổ gọn ở phía lều của Ngân. Lúc nãy Thu đã ghé vô đó để thăm Ngân. 
Tôi chạy vô tới đó. Thì ra biệt kích đánh ngay vào cái cụm lều của Ngân. Người ta đang lúm xúm ở đó. Một người chạy vọt ra. Tôi hỏi: 
- Có ai làm sao không? 
- Một người chết. 
- Đàn ông hay đàn bà? 
- Không rõ. 
Tôi chạy vô tới nơi thì thấy một người đàn bà đang ôm một người đàn ông kêu la thất thanh để giật anh ta dậy, còn chung quanh thì người ta đang tán loạn, kẻ chạy lủi vô bụi người chui dưới đít võng. Tôi kêu lên: 
- Thu ơi! Thu! 
Không thấy Thu đâu cả. Thấy mọi người chạy tản ra một cách hốt hoảng nên tôi cũng không dám đứng ở đấy. 
Có tiếng thét xé màng tai tôi: 
- Biệt kích! Sao đứng đó? 
Tôi lủi vào một gốc cây. Chẳng ngờ cả Thu lẫn Ngân đều đang chui trốn ở đó. Thế mới biết trong cơn hốt hoảng thì trí khôn không còn nữa. Cái gốc cây to không đầy một ôm mà hai người núp. 
Nhưng giá chỉ có Ngân hoặc Thu thì đỡ ngỡ ngàng cho tôi. Đằng này lại có cả hai…. 
Bên kia cái tiếng kêu gào của người đàn bà ôm cái xác cứ vang lên nhưng đáp lại tiếng kêu ấy dội lại từ vách đá mà thôi. 
Chập sau mới có một người lồm cồm bò ra dáo dác nhìn quanh rồi mới nói: 
- Tụi nó đi hết rồi! Thôi ra đi bà con! 
Tôi nhìn chung quanh xem có ai bò ra không. Thì có người ở gốc cây bên kia khoát khoát tay bảo tôi: 
- Coi chừng! Đó chính là biệt kích giả trang. 
- Thế à! 
- Ừ, ở rừng này thường xảy ra những chuyện như thế. 
-Kỳ vậy? 
- Kỳ gì. Đó là cái món biệt kích mà! 
Nhưng người đứng ngoài kia đã kêu lên: 
-Thôi ra đi bà con ơi! Nó bắn có người chết đây này. Ra phụ chôn đặng mà dời chỗ. Ở luống cuống đây nó trở lại bây giờ. 
Người lóp ngóp bò ra và lần lượt những người khác thấy không có nguy hại gì cũng dớn dác chui ra khỏi lùm bụi. 
- Ai chết? 
- Ai chết đâu? 
- Ông y sĩ đang tiêm thuốc cho bà vợ. 
- À, cái ông y sĩ… hai vợ chồng đó hả? 
- Đúng rồi. Vợ cũng là y sĩ. 
Tôi đi đến nơi. Anh y sĩ bị bắn đúng giữa ngực. Anh ta đang nằm quằn quại dưới đất trên vũng máu. Không biết làm gì hơn, người vợ chỉ nhào lăn quanh xác chồng mà khóc, mà gào. 
Còn những người khác cũng trơ mắt đứng ngó. Chớ làm gì khác được? Một người bảo: 
- Thôi chôn đi. 
- Ừ chôn nhanh đi. Không khéo biệt kích nó trở lại. 
Chưa dứt sự bàn tán thì anh giao liên hớt hải chạy tới. Anh ta là một gã thanh niên giò cẳng khẳng khiu với mớ tóc che bít cả mặt và cây súng trên vai. 
- Gì thế? – Anh ta hỏi. 
- Biệt kích. 
- Ấy chết, gặp biệt kích Thượng rồi đó! Đi mau! 
- Biệt kích Thượng là biệt kích gì? 
- Đã bảo đi, đừng có hỏi. Mau lên! Mau lên. – Anh ta quát. – Cuốn đồ đi ngay bây giờ. 
- Còn chồng tôi đây làm sao? 
- Ôi để đó! Lo người sống trước. Chết rồi làm gì thì cũng chết. 
Một người bảo: 
- Chôn đã đồng chí. 
Anh giao liên gắt: 
- Ở đó mà chôn! Anh xung phong ở lại chôn nhé! Đi mau lên! Ai ở đây tôi không chịu trách nhiệm. 
Thế là anh ta biến đi trước nhất. 
Mọi người ùn ùn bứt tăng màn, giật võng thồn vào ba lô, tay xách cà mèn, vai mang ba lô lếch thếch láo tháo chạy đi không ai chờ đợi ai kêu gọi ai, ai cũng chỉ lo cho mình trước nhất.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=20