Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Lập lòe lửa lựu

Truyện Hà Thúc Sinh

clip_image001

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

(Nguyễn Du)

Ông Vượng năm nay đã ngoài bảy mươi nhưng trông không đến nỗi nào. Bà về ở với gia đình anh con út để nom chừng giùm hai đứa cháu nội còn nhỏ mãi bên Cali. Còn ông thì ở với gia đình anh con cả bên Houston. Nhà ông gần năm nay do vậy khóa trái để đó bên North Carolina.

Mùa hè Houston khó chịu lắm. Những cơn gió làm người già ngầy ngật, khó thở, nhưng các con có tổ chức đi biển hay vào rừng cắm trại thì ông lại không tham dự, viện đủ cớ để nằm nhà.

Sáng sáng ông dậy sớm, chống ba-toong thả bộ trên con đường trước nhà ra đường cái. Đây là con đường ông thích. Những cây bạch kinh đào khoe những chùm hoa trắng đẹp mê hồn như trinh tiết gái cấm cung của thời không bao giờ có lại trên trái đất này, bên cạnh những cây lựu mà màu đỏ của hoa ông chỉ có thể nhắm mắt mà tưởng tượng ra thôi, rồi lại tiếc sao thi hào nhà mình không buông thêm một hai chữ nữa về cái màu đỏ ấy có phải đỡ cho mình không? Thế rồi ông đành tự định nghĩa lấy. Ông gọi cái màu đỏ hoa lựu là máu người thánh nữ chịu xử trảm vì tình... Ôi máu thánh nữ trộn trong sự trinh bạch của gái cấm cung hỏi còn gì rực rỡ hơn nữa.

Và ra tới đường cái, chỗ nhà bà Cảnh ngay góc đường thì ông quẹo mặt, đi mãi và mốc đến cuối cùng trước khi quay về là tiệm rượu Total Wine and Spirits.

Ông cứ đi như thế, chẳng để ý gì tới đám ông già bà cả người bản xứ chạy bộ bên lề đường, và nhiều khi họ chào ông nhưng ông cứ lờ đi. Hay đám trai gái trẻ dẫn chó chạy men dưới đường mương mục đích chính là cho chó ỉa.

Trên con đường trở về, hình như phần lớn thời gian ấy đầu ông đầy ắp nhiều dấu hỏi lẫn dấu than về người đàn bà tên Cảnh.

Vâng, bà Cảnh tuổi chắc quãng năm mươi, năm lăm. Nhưng chắc là chưa tới sáu mươi. Ủa, mà sáu mươi hay hơn nữa thì mắc mớ gì tới mình! Cũng dám hơn sáu mươi ấy chứ. Vì con bà ta, cậu Thành, mỗi hai tuần lại về chăm cỏ tỉa cây cho mẹ đã không nói với mình cậu ấy đã sắp bốn mươi rồi sao?

Và cứ theo tiết lộ của cậu Thành thì bà Cảnh, mẹ cậu, ở góa tính đến nay đã hơn hai chục năm, từ khi cha cậu qua đời vì một cơn sốt cấp tính lúc cả nhà mới giạt được vào đảo Pulau Bidong, Mã Lai được một tuần, lúc cậu mới hơn mười tuổi.

Ông còn nhớ lần đầu gặp bà Cảnh. Lúc ấy bà đang phụ con tỉa những cành lựu xanh ngắt và dầy đặc bên hông nhà. Ông dừng chân nhìn một lát rồi đưa nhận xét.

“Hoa thì rực rỡ như nhau nhưng quả ở Mỹ thì dường như lớn hơn quả ở Việt Nam mình”.

“Dạ, bác nói đúng. Trước nhà em ở Sài Gòn cũng trồng mấy cây lựu. Khi về mua cái nhà này em cũng trồng cây này để nhớ đến nhà em. Và của đáng tội, từ Việt Nam sang tới đây mang tiếng nhà trồng lựu nhưng nào đã bao giờ em ăn một quả lựu”.

“Thực thì tôi cũng chưa bao giờ, nhưng có lần nếm thử mấy hạt thấy ngọt lờ lợ, chua chua thế nào ấy”.

Bà ta cười, bảo:

“Vâng. Bác nói đúng đấy”.

Tự dưng ông buột miệng hỏi:

“Năm nay bà được bao nhiêu?”.

“Dạ, bao nhiêu gì ạ?”.

“À, tôi nghĩ chắc bà ngang tuổi với cô em tôi”.

Bà lại cười:

“Thế bác đoán thử xem em bao nhiêu?

‘Tôi nghĩ ngoài năm mươi”.

“Ấy, đâu mà trẻ thế. Em gần sáu mươi lăm rồi đấy bác ạ”.

Rồi bà Cảnh lại cười. Và đến lúc đó ông mới lưu ý đến môi cười của bà. Nó ấm áp và tươi như một đóa hoa lựu lập lòe trong đám lá xanh kia.

Rồi ông cáo từ và lang thang trở về nhà, nhưng nụ cười của bà Cảnh thì cứ như rạng rỡ mãi trong đầu.

Thấy mấy đứa cháu đang đạp xe phía trước nhà, ông tự cười thầm cho mình:

Người ta nói đúng thật, đàn ông khi cắt đầu gối không còn thấy máu thì hắn ta mới hết tìm được một vẻ đáng mê nơi người đàn bà!

***

Rồi ông Vượng và bà Cảnh đâm thân nhau. Mỗi sáng đi qua, ông hay ghé khi thấy cửa mở.

Một lần ông hỏi:

“Nhà có hai mẹ con, sao cháu nó không ở với mẹ cho vui?”.

“Con nít xứ này nó chỉ muốn ở riêng bác ạ”.

“Rồi cô làm gì cho hết một ngày?”.

Bà Cảnh chỉ vào cái bàn viết nhỏ trong góc phòng khách:

“Em viết bác ạ”.

“Cô viết gì?”.

Bà Cảnh ra chiều khó nói. Sau bà thú thật:

“Em viết văn từ Việt Nam, tính đến nay đã ba mươi năm”.

“Hóa ra tôi có hân hạnh quen một nữ văn sĩ mà đâu có hay”.

“Bác nói thế em xin vâng. Nhưng mất quê hương là mất tất cả. Bên này viết chẳng còn là một nghề nữa, vì nó không nuôi được mình. Mà viết là một cách đong đếm thời gian đi dần đến chỗ chấm hết. Vâng, dưới mỗi truyện em đều ghi rõ ngày tháng, và do đó em biết khá rõ ràng em đi tới đâu”.

Ông Vượng nhìn bà, chợt nói:

“Tôi nghĩ không biết có đúng không, rằng kiếp nhà văn rất khổ”.

Bà cười:

“Vâng, kiếp nhà văn nhìn thoáng thì thấy nó thẳng nhưng khi ép vào trang giấy mới thấy nó cong. Em thì em nghĩ nếu thông cảm được người đàn bà thôi xấu hổ khi sinh nở thì người ta cũng cần thông cảm cái khó coi của người nghệ sĩ khi họ sáng tạo”.

Ông Vượng nhìn đồng hồ rồi đứng lên, trước khi cáo từ, ông bảo:

“Nói chuyện với giới nhà văn tôi thấy có cái thú như được thưởng thức một tuần trà đặc biệt không bán ngoài thị trường”.

“Bác quý mà dạy thế chứ hà tất không có ngoài thị trường đã là trà ngon”.

***

Một buổi trưa trên đường về nhà, ông Vượng thấy có một người đàn ông thơ thẩn phía trước nhà bà Cảnh. Nom ông ta cũng cỡ ông thôi, và ông đâm tò mò. Ông dừng chân, ra cái điều mình là người nhà của gia chủ, ông hỏi:

“Ông ơi, ông kiếm bà Cảnh hả?”.

“Vâng, lái xe vào khu này lạc tới lui mãi, tìm ra nhà thì bà ấy lại đi đâu mất”.

“Ông quen thế nào với bà Cảnh?”. Nghĩ câu hỏi của mình bất nhã quá, nhưng lỡ rồi, ông nói luôn: “Tôi nghĩ bà ấy không đi xa đâu, quẩn quanh đâu đó một lát rồi về thôi”.

“Vâng, tôi lẩn quẩn ở đây đợi bà ấy về vậy”.

Tự dưng, ông Vượng buột miệng:

“Hay ông qua tôi ngồi chơi đợi bà ấy về. Nhà tôi ngay kia. Mình đồng hương cả”.

Ông kia có vẻ lưỡng lự, nhưng sau cùng cũng theo ông Vượng băng qua đường tiến đến căn nhà trong góc là nhà ông Vượng.

“Ông anh ở đây lâu chưa?”. Ông ta hỏi.

“Nhà tôi ở tiểu bang khác. Còn đây là nhà con trai tôi. Lâu lâu tôi qua ở chơi với các cháu ít tháng. Thế ông và bà Cảnh quen nhau thế nào?”. ÔngVượng lại hỏi khi hai người vào ngồi nơi chiếc bàn kê ở góc sân.

“Dạ, trước ở Sài Gòn chúng tôi là đồng nghiệp, làm cùng một nhật báo, và tôi vốn là bạn anh Cảnh ngày anh còn sống”.

“Ôi, thế thì thân nhau quá. Vậy chúng ta làm tuần trà nhá”.

Ông Vượng vào nhà lấy tách chén ra rồi loay hoay pha trà.

***

Ông bạn cho biết tên ông là Tín. Ông sang Mỹ cũng đã lâu nhưng ở bên Cali, mới về Houston đươc hơn năm và gặp lại bà Cảnh trong một dịp cộng đồng tổ chức tất niên vừa rồi, và ông có chân trong ban tổ chức.

“Thế ra ông anh có sinh hoạt cộng đồng?”.

“Nói thế thì cũng hơi quá. Níu kéo cả đấy thôi. Chúng ta già hết rồi, sức đâu nữa. Ấy chẳng qua trong cộng đồng tôi cũng có vài ông bạn còn hăng, có dịp này dịp nọ hay kéo tôi vào và bảo... cho tuổi già đỡ vô vị”.

“Vâng. Giờ làm được gì thì làm, ngày mai ngày mốt lắm khi giơ tay không lên. Có muốn làm gì cũng chịu chết”.

“Vâng, thật thế ông anh. Chuyên đời nó như môt người đàn bà ấy thôi. Khi mình còn sức làm được gì cho nó, nó bảo như thế là yêu, là nâng niu. Khi mình hết xí quách, nó nghĩ mình ghét nó thì nó bảo mình giày vò. Nâng niu và giày vò, hai chữ duy nhất chỉ tìm thấy trong cẩm nang cư xử được cất kỹ trong ví người đàn bà”.

Bất giác ông Tín reo lên: “Về rồi kìa!”. Cả hai nhìn sang bên kia đường. Họ thấy bà Cảnh đang thơ thẩn trên đường về. Ông Tín uống nhanh thêm miếng nước rồi đứng lên, cáo từ, đoạn ông bước ra cổng, băng qua đường như ráng bám bén gót bà Cảnh.

***

Trưa nay ông ghé bà Cảnh và nghĩ sẽ khéo léo tìm mọi cách để hỏi bà vài việc, chẳng hạn ông Tín lúc này thế nào? Ông nhớ bà Cảnh có lần “thú nhận” là me-xừ ấy góa vợ. Nhưng góa từ bao giờ? Góa từ Việt Nam hay sang Mỹ mới góa? Và bên Cali thì ông ấy ở với ai? Nhất là giờ sang Houston, ông ở với ai, sống ra sao, gặp lại bà Cảnh, ông ấy có “chương trình” gì không? Và từ hôm gặp nhau ở đây, hai người có gặp lại? Và gặp ở đâu? Ông ngẫm nghĩ mà rùng mình. Ôi chao, trai góa vợ, gái góa chồng! Rồi óc ông cứ thế mà chạy túa lua theo bao ngả của tưởng tượng. Ông hình dung ra nét mặt bà Cảnh sau những câu hỏi của ông. Rõ ràng đó là một bộ mặt rất là kém vui và nó đổi sắc nhiều lần. Hết đỏ sang vàng, hết xanh sang tím. Khi bình tĩnh, ông lại tự trách: Mình vớ vẩn quá. Họ thế nào thì mặc kệ họ, ăn nhậu gì tới mình mà cứ suy nghĩ lăng nhăng cho nó nặng đầu!

Vừa lúc ấy, mấy đứa cháu đạp xe qua báo tin inh ỏi:

“Ông ơi, về, bà vừa tới đấy!”.

Vợ ông từ Cali bay qua. Bà bảo xa nhà mấy tháng nhớ nhà quá, mai phải về thôi. Và ông bảo ừ về thì về. Rồi ông ngả người trên ghế xa-lông, nhìn mấy con nhện đang đan qua đan lại một sợi tơ. Vừa lúc ấy, cả một rừng ve nối nhau rộ lên nơi rừng cây sau nhà. Như sực nhớ ra điều gì, ông vội bảo anh con trai:

“Con gọi Greyhound lấy vé xe cho bố mẹ đi tối nay cho nó mát. Về bên đó chắc cũng nửa đêm. Và chút nữa chạy sang cô Cảnh nói với cô hái cho bố một hai quả lựu già để về bên đó bố lấy hột trồng”.

Nói rồi ông lại ngả người trên ghế, đâu đó thoáng thấy một môi cười đằm thắm như hoa lựu, lập lòe mãi không thôi.

Houston, 27-7-2020