Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Thương lượng và hòa giải, từ Lạc Long Quân đến Donald Trump

Nguyễn Hoàng Văn

Những ý tưởng trong bài này được thai nghén từ một đề tài

trong cuộc trao đổi với nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng:

tác phẩm đồ họa là sự thương lượng giữa tác giả và khách hàng.

 

Nếu lịch sử, nói theo Edward Hallett Carr, là một sự tương tác và đối thoại bất tận giữa hiện tại với quá khứ thì hành trình này cũng có thể diễn giải như một cuộc thương lượng không hồi kết. [1] Và nếu đỉnh cao của bất cứ nỗ lực thương lượng nào cũng là một mức độ hòa giải nào đó thì điều kiện cần để đạt đến phải là tư thế bình đẵng giữa những thế hệ trước sau.

Nhưng quá khứ - lịch sử của chúng ta, trước những hậu thế… không xứng tầm hay, có thể nói, những hậu thế nhỏ nhen, đã không có được cái tư thế công bằng ấy khi những di sản để lại, theo những dụng ý chính trị thực dụng, đã bị kiểm duyệt một cách thô bạo, bị tùng xẻo không thương tiếc hay, thậm chí, bị chôn vùi không dấu vết. Quá khứ, hình dung qua những nhân vật lịch sử như Quang Trung, đã bị triều Nguyễn của Gia Long trói chặt bằng danh từ “ngụy Tây”, bị bịt hết mồm miệng để giành trọn quyền kể chuyện rồi, đến lượt, Gia Long hay một đại thần của nhà Nguyễn như Phan Thanh Giản, cũng hoàn toàn không có cái quyền đàm phán với kẻ sinh sau bằng chính những di sản của mình mà bị phủ nhận tất cả, bị trùm lên đầu cái mũ “bán nước”, “đầu hàng”. [2] Quá khứ, như thế, đã bị hậu thế trói chặt, không thể cựa quậy trong sợi dây chằng buộc của những thâm thù hay thành kiến chính trị, của những chính sách thực dụng hay khuôn khổ giáo điều. Chỉ thỉnh thoảng, theo những biến chuyển thời cuộc như qua câu chuyện của Gia Long và Phan Thanh Giản gần đây, sợi dây trói ấy mới được nới lỏng đôi chút qua tiếng nói yếu ớt bên lề và, tất cả, chỉ có thế, thế thôi.

Mà lịch sử chúng ta, trớ trêu thay, lại hình thành từ những chuỗi dài những thương lượng nhọc nhằn, dữ dội. Ngay từ chương đầu tiên, cái chương truyền khẩu cực kỳ mơ hồ và xa xăm, lịch sử đó đã khởi sự bằng một cuộc thương lượng như thế rồi. Khi Lạc Long Quân, thuộc dòng dõi nhà Rồng, đến với Âu Cơ, thuộc dòng dõi nhà Tiên, đó đã là một cuộc thương lượng gian nan. Cuộc hòa giải Rồng - Tiên ấy hẳn phải là bế tắc lắm nên mới, sau khi đã có một trăm mặt con, phải thú nhận là không thể tiếp tục ăn ở, phải cắt đôi gia đình, năm mươi về núi, năm mươi về xuôi.

Kể ra thì thương lượng luôn là một phần tất yếu của đời sống. Nó đơn giản như khi chúng ta bàn bạc trong gia đình để tương nhượng nhau giữa những sở thích trái ngược nhau cho một chương trình nghỉ mát cuối năm, một ngày nghỉ cuối tuần, một bữa tiệc nhỏ hay, thậm chí, cho tấm thực đơn bữa sáng, bữa chiều. Nó cũng có thể đơn giản lẫn phức tạp và, nhất là, cực kỳ xôm tụ như một cuộc “thương lượng giữa hai nền văn hóa” theo cái nhìn của Umberto Eco khi chúng ta loay hoay diễn đạt một khái niệm mới mẻ nào đó từ một ngôn ngữ khác, một nền văn hóa khác trong tiếng mẹ của mình. [3]

Cũng không phải chỉ lịch sử của chúng ta mới khởi đầu bằng một cuộc thương lượng huyền hoặc như câu chuyện Rồng - Tiên. Ngày nay, khi những tín đồ Hồi giáo ở bất cứ nơi đâu khom người hướng về thánh địa Mecca để cầu nguyện năm lần trong một ngày, hẳn họ phải tri ân nhà tiên tri Moses của “kẻ thù Do Thái” bởi đã đóng vai vị quân sư sáng suốt trong cuộc thương lượng gay go giữa Giáo chủ Muhammad với Đấng Tối Cao. Kinh Qur’an, chương 17, “The Night Journey, Children of Israel”, đoạn 1, chỉ giới thiệu khái quát chuyến du hành thiên đường gọi là Mi’raj của Muhammad nhưng truyền thuyết dân gian lại mở rộng với những lớp lang về cuộc đàm phán “phải người phải ta” giữa Muhammad với Thượng Đế nhờ vào sự cố vấn của Moses. Thoạt đầu Muhammad toàn tâm vâng mệnh Thượng Đế, chấp nhận mỗi ngày năm mươi lần vọng bái nhưng Moses cho rằng không nên chấp nhận vô điều kiện mà phải thương thuyết lại dựa trên căn bản đời sống của mình. Muhammad quay lại ngã giá và năm mươi giảm xuống còn mười nhưng Moses – bằng sự thấu cảm của người đã từng lăn lộn dưới thế với dân Do Thái trong thời khổ nạn và cả sự thấu cảm của đấng tiên tri đầu tiên với đấng tiên tri cuối cùng – vẫn cho là nhiều và, đang ngụ ở tầng trời thứ sáu, Moses đích thân đưa Mohammed quay ngược lên tầng bảy để mặc cả với Thượng Đế. Từng bước, từng bước một, Moses bày tỏ những khó khăn của việc phải cầu nguyện mười lần trong một ngày để con số giảm dần và, cuối cùng, đạt đến sự hòa giải với con số năm. Thực tâm thì Moses cũng cho rằng năm lần là hơi nhiều nhưng chủ trương rằng thôi, không nên cò kè bớt một thêm hai, không nên lạm dụng sự rộng lượng của Đấng Tối Cao. [4]

Thực ra thì năm mươi mà hạ xuống còn năm đã là một cuộc thương lượng thành công nhưng điểm thú vị trong truyền thuyết này không hề nằm ở yếu tố... đại hạ giá. Nó thú vị khi cho thấy rằng cả đấng toàn năng cũng không hề… toàn trí. Đấng ấy, ngự ở trên cao, đã hoàn toàn… xa rời quần chúng. Đấng ấy không hề biết gì về đời sống của cõi trần nên, để đạt đến quyền lợi tối ưu cho mình, người trần không nên chấp nhận vô điều kiện: từ một vị trí thực thấp, người trần cũng phải biết khẳng định cái quyền thương lượng của mình dẫu phía bên kia đang ngự ở vị trí thực cao, cao đến tột đỉnh, cao đến… vô thượng.

Nếu cuộc thương lượng giữa Muhammad với Thượng Đế có thể đạt đến một cái hậu thành công thì cái kết giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ khó mà xem là một sự hòa giải tốt đẹp. Lịch sử có thăng có trầm và, từ đó về sau, những pha trầm trong lịch sử của chúng ta thường đánh dấu bằng những thương lượng bất thành. Cứ như một quy luật, những khúc quanh đau đớn trong lịch sử chúng ta luôn là những cuộc thương lượng thất bại và những nỗ lực hòa giải dở dang.

Dở dang, thất bại trong cuộc hòa giải Rồng - Tiên lại mở ra một huyền sử khác về triều đại Hùng Vương 18 đời nối tiếp mà, trong đó, đời vua cuối cùng, còn lưu dấu với truyền thuyết về cuộc thương lượng dữ dội mang tên Sơn - Thủy. Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng muốn làm con rể vua Hùng nhưng chỉ có mỗi một cô công chúa thôi nên mới nảy sinh cái điều kiện đến trễ phải về không. Đến trễ nhưng không chấp nhận về không, Thủy Tinh hùng hổ dùng sóng nước đòi người khiến vua Hùng phải gian nan đối phó, may mà có Sơn Tinh dùng phép màu giúp sức.

Giao kết “trước được - trễ mất” chính là một quy ước về quyền sở hữu dựa trên trật tự, điều mà ngày nay chúng ta gọi là lề luật. Cuộc hòa giải bất thành này, phải chăng, là dấu ấn của một thời kỳ chuyển tiếp ở đó lề luật mới đã hình thành nhưng thói tục cũ vẫn chưa triệt bỏ? Đó, phải chăng, là thời mà nhà nước Văn Lang đã hình thành được “mười tám đời” nhưng những tập quán của thời kỳ bộ lạc vẫn còn lay lắt? Nếu nhà nước tập quyền hàm ý một cơ chế bảo vệ trật tự và quyền sở hữu cho từng thành viên của cộng đồng thì, chắc hẳn, trật tự và quyền sở hữu đó phải được xây dựng trên những quy ước tương tự “trước được - trễ mất”. Như thế, phải chăng, khi dấu ấn của cái thời trai gái lấy nhau thoải mái và lấy nhau theo luật mạnh được yếu thua theo thói tục bộ lạc vẫn chưa dứt hẳn, Thủy Tinh mới bộc lộ cách thế ứng xử “mạnh được - yếu thua” vẫn chưa gột rửa hoàn toàn? Và như thế, trong cách kiến giải này, có lẽ, thất bại trong nỗ lực hòa giải của Hùng Vương 18 với Sơn Tinh và Thủy Tinh, đã xuất phát từ chính tư thế thương lượng của mỗi bên? Bên thì xác định quyền sở hữu theo trật tự, theo những giao ước đã đồng thuận. Bên thì nằng nặc quyền chiếm hữu, dựa theo sức mạnh và, xem ra, kẻ cậy vào sức mạnh như Thủy Tinh chính là kẻ không thể nào hòa giải với một cộng đồng đang thay đổi bởi thời thế đã đổi thay.

Triều đại vua Hùng kết thúc thì đến nhà Thục, cái triều đại, theo truyền thuyết, kết thúc bằng cuộc hòa giải đẫm máu giữa An Dương Vương với thần Kim Quy. “Kẻ thù ở sau lưng vua”, thần bảo thế và An Dương Vương, không còn chọn lựa nào khác, rút gươm chém chết con gái mình để có thể theo thần tỵ nạn trong vương quốc nằm sâu nơi đáy nước.

Sự thay đổi thánh thần này lại là một màn thương lượng khác giữa tín ngưỡng của con người với môi trường sống. Sống trên cao ắt phải nương nhờ thần thánh trên cao nên Thủy Tinh mới đóng vai phản diện còn Sơn Tinh thì đứng cùng chiến tuyến với vua Hùng. Nhưng khi đã định cư tại châu thổ sông Hồng, sống bám vào môi trường sông bể thì phải quay sang nương nhờ thần nước. Thế nên mới có chuyện Thủy Tinh, trong cái tên mới Kim Quy, giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần. Thế nên mới có chuyện ông “tân Thủy Tinh” này mở đường cho An Dương Vương vào ẩn thân nơi đáy nước!

Bước ra khỏi những trang huyền hoặc ấy, lịch sử lại tiếp nối bằng vô số những thương lượng lớn nhỏ khác nhau. Thương lượng giữa vua tôi nhà Lý với Trung Hoa, với các thủ lĩnh sắc tộc vùng biên giới để bảo toàn lãnh thổ. Thương lượng giữa Trần Thủ Độ với Lý Huệ Tông để đoạt ngôi vua về tay Trần Cảnh. Thương lượng giữa Trần Thủ Độ với Trần Liễu để Trần Cảnh, trong danh xưng Trần Thái Tôn, có lấy tấm con trai nối dõi. Cuộc thương lượng “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” của Trần Thủ Độ với Trần Thái Tôn. Rồi trong âm vang của cuộc thương lượng dữ dội này là hành trình tự vấn “thương lượng hay không thương lượng” của Trần Quốc Tuấn, giữa mối thù nhỏ mà người cha Trần Liễu đã trối trăng với mối thù lớn khi đất nước đối mặt với giặc ngoại xâm. [5]

Và đó lại là yếu tố xuyên suốt trong những cuộc thương lượng mang tầm vóc lịch sử. Cũng như cuộc “thương lượng” của Trần Quốc Tuấn với thế lực chính trị từng làm tan vỡ gia đình mình, mối đe dọa chung từ bên ngoài luôn luôn là nền tảng căn bản cho sự “hòa giải” tốt đẹp giữa những trí thức - nhân tài với những nhà cai trị hay kẻ nuôi mộng làm nhà cai trị. Mối thù ấy không còn, tư thế thương lượng của họ cũng không còn và, như lịch sử đã cho thấy, khi “quân cuồng Minh” không còn “thừa cơ gây họa” thì đầu Trần Nguyên Hãn lại rơi còn Nguyễn Trãi thì, thê thảm hơn, bị tru di tam tộc!

Nếu những pha trầm trong lịch sử luôn đánh dấu bằng những nỗ lực thương lượng bất thành thì những tầm vóc lịch sử lớn nhất hay triều đại thành công nhất lại thuộc về những nhân tài hay nhà cai trị có năng lực hòa giải nhất. Như Trần Quốc Tuấn, nói trên, một anh hùng dân tộc. Như Lê Thánh Tông, một ông vua sính thơ văn và cũng là một ông vua giỏi cai trị, người mà, dù không đối mặt với mối đe doạ bên ngoài, đã thực sự hoà giải với bậc trí thức đã bị tru di tam tộc nói trên. Hay như, những vị Chúa đầy tự tin nhà Nguyễn trong cuộc hòa giải với những cựu thần phản Thanh phục Minh từ phương Bắc để, nhờ vậy, đất nước mới có thêm một miền Nam từng rất trù phú.

Nhưng những cuộc hòa giải tốt đẹp như là nền tảng cho sự phồn thịnh như thế không nhiều và lịch sử chúng ta luôn rối ren vì những thương lượng bất thành. Cuộc thương lượng giữa ông anh rể Trịnh Kiểm với ông em vợ Nguyễn Hoàng bất thành: đất nước chia đôi suốt mấy trăm năm, đâm chém nhau đến kiệt quệ trong bảy cuộc chiến kéo dài gần nửa thế kỷ. Cuộc thương lượng giữa những anh em Tây Sơn bất thành: tuổi thọ của chính triều đại Tây Sơn này càng ngắn lại. Rồi sau sự kết thúc của triều đại Tây Sơn lại là cuộc hòa giải sượng sùng giữa những cựu thần hoài Lê với triều đại mới mang họ Nguyễn mà, trong đó, thấp thoáng hình ảnh của một Nguyễn Du ngượng ngùng, hiếm khi bày tỏ chính kiến đến độ ông vua lớn của triều đại phải quở trách là “rụt rè, sợ hãi, chỉ vâng vâng, dạ dạ”. [6]

Nhưng đó là một Nguyễn Du, nhà chính trị. Đến một Nguyễn Du nhà thơ, trong kiệt tác Truyện Kiều, thiên tài văn chương này không chỉ không còn rụt rè mà, thậm chí, còn dám thương lượng với cả ý Trời.

“Chữ tài liền với chữ tai một vần”, tự thân Thúy Kiều, nhân vật chính, đã là một bản hợp đồng giữa cá nhân với Trời, đấng toàn năng chi phối “muôn sự”. Đã tài sắc như thế thì mệnh số ắt phải như thế và, chính từ bản hợp đồng đã ký kết với Trời này, cuộc đời Kiều trôi nổi theo một loạt những thương lượng với những nhân vật lớn bé khác nhau, tốt xấu khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng, bao trùm trên hết, lại là nhân vật trung tâm trong cuộc thương lượng của chính Nguyễn Du với Trời.

Mở đầu câu chuyện bằng mô thức “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” rồi kết thúc bằng cái quy luật “Mới hay muôn sự tại Trời” cùng lời nhân sinh quan “Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, Nguyễn Du ắt phải ý thức rất rõ rằng những kẻ đẩy Kiều vào “đoạn trường” – từ Bạc Hạnh, Bạc Bà đến những Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà rồi Mã Giám Sinh, v.v. – chỉ là những con cờ sắp đặt trong bày tay của Trời, vậy thì tại sao chính tay Nguyễn Du lại tạo ra cái cảnh “Máu rơi thịt nát tan tành / Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời”? Phải chăng, chính vì Nguyễn Du không cam lòng chấp nhận “số Trời” nên mới có cảnh báo oán với chính những con cờ nằm trong sự sai khiến của Trời? Cứ như là Moses đằng sau cuộc thương lượng giữa Muhammed với đấng toàn năng, Nguyễn Du đã đẩy Thúy Kiều yếu đuối vào tư thế thương lượng với đấng có thể chi phối vạn vật: muôn sự có thể “tại Trời” nhưng, từ những gì mà nàng hằng chịu đựng, Trời phải nhượng bộ, phải chấp nhận cho một vài sự “tại người”!

Nhưng “muôn sự” trong những thất bại đớn đau của đất nước chúng ta lại khác, hoàn toàn không phải “tại Trời”. “Muôn sự” của đất nước luôn là “tại người”, từ những cuộc thương lượng mang tầm vóc lịch sử. “Tại người” trong cuộc thương lượng bất thành giữa những nhà cải cách với phe thủ cựu trong triều Tự Đức. “Tại người” trong nỗ lực Duy Tân bất thành vào đầu thế kỷ 20. Rồi “tại người” trong trong cuộc vận động “Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự” dở dang vào ba thập nhiên sau đó của Tự Lực Văn Đoàn. [7] Và cũng là “tại người” trước những cái giá to nhỏ khác nhau mà đất nước phải gánh chịu từ các cuộc thương lượng bất thành giữa nếp tư duy chính thống đã cũ với một xã hội cùng thời đại đã thay đổi: cái giá phải trả ấy, luôn luôn, là “tại người”, chẳng hề là “tại lịch sử” hay “tại thời đại” như những thân tằm gánh chịu trăm dâu trong diễn ngôn chính thống.

Lịch sử đang lập lại và, trong những trang sử mới nhất chúng ta còn thấy lật đật những bóng dáng cũ xưa. Bóng dáng của những “tân Thủy Tinh” ngang tàng xé bỏ giao ước từng đồng thuận, ngang tàng giẫm trên lề luật để hung hăng khẳng định quyền chiếm hữu dựa trên sức mạnh. Bóng dáng những nhà cai trị họ Lê lúc đã an cư khi “quân cuồng Minh” không còn “thừa cơ gây họa” với những trí thức - nhân tài bị chà đạp dưới chân. Bóng dáng của những “Gia Long” tự làm cho tầm vóc của mình bé lại khi hành xử như những người thắng trận nhỏ nhen với mối thâm thù bám chặt. Rồi dáng điệu lụp chụp của những kẻ đầu cơ trên thị trường “nương nhờ thần thánh” khi, sau cái thời ầm ầm đập chùa phá miếu, lại là cái thời rầm rập xây miếu dựng chùa. Những đền chùa tông miếu đồ sộ, hoa hòe nối tiếp nhau mọc lên; những phẩm vật hiến tế lòe loẹt, giả tạo thi nhau phô trương và, sự mê tín mang tính chất phì đại này, nhất định, phải là hệ quả từ sự “thương lượng” vô hình giữa tình trạng mất mát niềm tin và sự bất an với sự “ổn định” xây dựng trên những niềm tin giả tạo, những quan hệ giả tạo và những giao kết ăn liền, chụp giật! [8]

Lịch sử đang lập lại như thế và số phận của dân tộc chúng ta, cơ hồ, luôn là số phận của những khúc quanh lẩn quẩn và những chia cắt đau lòng. Trong cái khúc quanh phì đại đó, bây giờ, chúng ta lại chứng kiến thêm một khúc quanh nhỏ nhỏ khác, với một độ sâu chia cắt khác, theo “thiên thời” của nhà đầu tư địa ốc Mỹ Donald Trump.

Theo cái khúc quanh kỳ dị của nền chính trị Mỹ, sự chia cắt giữa người Việt đã lún sâu xuống một tầng thấp mới ngỡ không thể nào xảy ra. Bạn bè thân thiết qua bao thử thách và thăng trầm thời cuộc đã chia rẻ nhau, vì ông tổng thống tên Trump. Những chiến hữu từng lăn lộn trận mạc và tù đày từ nhau, cũng bởi Trump. Anh em ruột, thậm chí, không nhìn mặt nhau, cũng là do Trump. Và, tự dưng, tiếng Việt lại thêm phần tạp nhạp với “cuồng Trump” và, như một nỗ lực phản biểu tình, “cuồng chống Trump”.

Từ nhau, không nhìn mặt nhau là bởi không thể thương lượng với nhau. Nếu những sản phẩm mang tính nghệ thuật – từ đồ họa, kiến trúc, điêu khắc đến điện ảnh – là kết quả của sự thương lượng ở đó người nghệ sĩ phải tương hợp những dự phóng nghệ thuật của mình với những ý đồ thực dụng cùng năng lực thẩm mỹ và tài chính của khách hàng thì, để đạt đến sự “hòa giải” đó, người nghệ sĩ phải xuyên qua chặng hành trình tự vấn trước những khách hàng không xứng tầm. Khách hàng càng không xứng tầm bao nhiêu, hành trình đó càng nhọc nhằn bấy nhiêu để, cuối cùng, là giới hạn không thể hạ thấp hơn: “Thương lượng hay không thương lượng”.

Thương lượng hay không thương lượng? Bằng sự kiên nhẫn và bao dung, chúng ta có thể thương lượng với một kẻ kém hiểu biết, một kẻ ngu si nhưng, dẫu có kiên nhẫn và bao dung đến mức vô cùng tận, chúng ta cũng không thể nào thương lượng với một kẻ cuồng tín. Không ai có thể thương lượng với những môn đồ của Osama bin Laden, những kẻ tin rằng sẽ có bảy mươi hai trinh nữ đang chờ đợi mình trên thiên đường sau một sứ mạng tử đạo. Không ai có thể thương lượng với Abu Bakr al-Baghdadi và Mullah Omar, thủ lĩnh của “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và Taliban, những kẻ tin rằng tiền đồ mai hậu của chúng cần xây dựng nền móng trên những thủ cấp đã chém hay những đống tay chân mình mẩy bê bết máu sau những vụ đánh bom.

Nhưng Trump không phải là một giáo chủ mà là một nhà chính trị dân túy. Trong chính trị, quốc gia hay quốc tế, không ai có thể tìm ra một phép màu đơn giản cho những vấn đề nghị sự phức tạp, mà cũng không ai có thể tìm ra một giải pháp ăn liền cho một vấn nạn lâu dài. Nhưng, bất kể những hệ quả lâu dài, chính trị dân túy là thứ chính trị của sự đơn giản, ăn liền. Khai thác những ẩn ức dồn ứ theo năm tháng của tầng lớp bình dân với những chiêu tiếp thị rẻ tiền, những chính trị gia dân túy khiến tầng lớp này say sưa, tuý luý với những phép màu đơn giản, tưởng là có thể giải quyết ngay trong nháy mắt. Người được tiếp thị càng say sưa túy lúy, nhà tiếp thị dân túy ấy càng túy lúy say sưa, như một mối quan hệ cộng sinh.

Như đã nói, không ai có thể thương lượng với những kẻ cuồng tín mà cũng không ai có thể đàm phán với những người đang tuý luý cơn say. Nghĩa cuộc thương lượng bất thành và nghĩa là chỉ có nước chờ, chờ lúc tàn tỉnh cơn say. Nhưng mỗi lần chờ như thế là thêm một lần thua thiệt, một lần thất bại. Như ngày xưa Phan Châu Trinh đã chờ và đất nước đã thua thiệt, thất bại. Nhà duy tân chờ trong vô vọng còn dân tộc bị thua thiệt vì kỳ vọng của nhà duy tân ấy về điều gọi là “dân trí” và “dân khí” không thành.

Sydney 24.7.2020

[1] Edward Hallett “Ted” Carr, sử gia Anh (1892-1982). Ý tưởng này trình bày trong cuốn What is History (University of Cambridge & Penguin Books. 1961)

[2] Trần Huy Liệu. “Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan-Thanh-Giản”

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3411&rb=0302

[3] Umberto Eco, (2008), Experiences in Translation, University of Toronto Press.

[4] Sabeeha Rehman, “If It Weren't For Moses...”

http://www.sabeeharehman.com/blog/meeraj

Theo truyền thuyết này thì Muhammad được thiên thần Gabriel đón ở cổng, được mời giải khát bằng nước, rượu vang và sữa nhưng chỉ chọn sữa.

Tại tầng một Muhamad gặp Adam (thủy tổ của nhân loại, được Thượng Đế nặn ra từ một cục đất sét), đến tầng hai gặp gỡ thánh John, con của Zachriya và Chúa Jesus, con của thánh nữ đồng trinh Maria. Tại các tầng 3, 4, 5 Muhammad đều gặp những vị thánh từng lưu tên trong Cựu ước và Tân ước nhưng cảm động nhất, phải là cái cảnh gặp gỡ ở tầng thứ sáu!

Moses đã òa khóc sau khi gặp Muhammad vì mình là đấng tiên tri đầu tiên còn Muhammad là đấng tiên tri cuối cùng.

Đến tầng cao nhất, tầng trời thứ bảy, Mohammed lại gặp Hoàng đế Abraham, tổ phụ của dân Do Thái, và nhân vật này đưa Muhmaad vào yết kiến Thượng Đế (Allah) và xảy ra câu chuyện trên.

[5] Lý Huệ Tông có hai con gái: Thuận Thiên và Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ sắp đặt để hai anh em Trần Liễu và Trần Cảnh lấy hai chị em, sau Chiêu Hoàng “nhường ngôi” cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tôn). Thuận Thiên đẻ cho Trần Liễu một hai con trai là Trần Quốc Tung, Trần Quốc Tuấn nhưng Chiêu Hoàng thì không thể sản sinh hoàng tử. Sốt ruột, Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường vợ cho em, mẹ Trần Quốc Tuấn phải sang làm vợ em chồng giữa lúc đang mang thai Trần Quốc Khang. Trần Liễu phẫn uất nổi dậy còn Thái Tông chán nản bỏ đi lên Yên Tử nhưng bị Trần Thủ Độ ép phải quay về. Sau Trần Liễu biết thế thua, tìm gặp em xin tha tội, Trần Thủ Độ toan giết Trân Liễu nhưng Trần Thái Tông lấy thân mình che chở. Trần Liễu được tha chết nhưng toàn bộ tay chân đều bị giết sạch,

Năm 1251, khi hấp hối Trần Liễu dặn dò Trần Quốc Tuấn phải cướp ngôi nhà Trần để trả thù. Trần Quốc Tuấn nhận lời nhưng không thực hiện.

[6] Lời vua Gia Long trách cứ Nguyễn Du: “Nhà nước dùng người, cứ ai hiền tài thì dùng không phân biệt gì Nam với Bắc cả. Nhà người đã làm quan đến chức Á Khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức trách của mình, có lễ đâu cứ rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng, dạ dạ hay sao?” (Đại Nam chính biên liệt truyện)

[7] Mười điều tâm niệm, Hoàng Đạo.

Điều tâm niệm thứ nhất: Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự. (Tuyệt đối bỏ văn hóa cũ để theo văn hóa ở Âu Tây. Tinh thần riêng của dân tộc sẽ đào thải những cái gì không thích hợp).

[8] Câu chuyện về những bánh chưng khổng lồ độn xốp và những “đại tự” sặc mùi thương mại!