Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Tản mạn chung quanh cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà

Trần Văn Chánh

Tôi chọn lối “tản mạn” luận bàn về cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà là để cho phép mình được tự do nghĩ đâu nói đấy không cần phải có tính hệ thống mạch lạc khoa học. Khi mới lướt qua cái bìa sách, do không được thông tin gì trước, tôi cứ tưởng đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống đời thường đầy xáo trộn của các gia đình người Việt Nam trong thời hiện đại, như khá nhiều tác phẩm hiện nay mà chúng ta thường thấy trưng bày trong các hiệu sách hoặc được quảng cáo trên mạng Internet. Nhưng khi lật vào trong, đọc bài “Những nếp nhà những phận người” của Đại tá-Nhà văn Thái Kế Toại, viết như thay cho lời tựa sách, mới biết đây là một sách viết riêng về cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) vốn có tiếng là kinh thiên động địa và độc ác đã diễn ra ở miền Bắc Việt Nam khởi đầu lai rai từ 1946 và đạt đến cao điểm trong những năm 1954-1956.

Đây là một trong những đề tài lịch sử tôi đã chú ý từ lâu. Sau cuộc triển lãm về CCRĐ do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 9.2014, chỉ mở cửa được 4 ngày rồi ngưng (thay vì kéo dài cả tháng như dự kiến) có lẽ vì lý do tế nhị sợ “hiệu ứng ngược”, tôi được đọc mà cảm thấy tay chân rụng rời hàng loạt bài kể chuyện CCRĐ 70 năm về trước của một số người vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân, trong số này có vài người là nhà văn, nhà báo được nhiều người biết. Nếu tập hợp các bài viết lại, chúng sẽ trở thành một bản cáo trạng đồng thời cũng là tài liệu lịch sử sống động để các lớp hậu bối Việt Nam tham khảo viết lại một giai đoạn lịch sử đặc thù đầy đau thương của dân tộc.

Nay cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà vừa do NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành cũng là một tập hợp các bài viết phi hư cấu/ kể chuyện thật tương tự như trên, gồm tất cả 19 bài, nhưng do tác giả bỏ rất nhiều công phu đi hỏi chuyện các chứng nhân trong 19 gia đình vốn là nạn nhân của CCRĐ để ghi lại một cách sinh động những thực tế bi thảm đã diễn ra mà các đương sự khi nhớ kể lại vẫn còn rùng rợn. Được biết Phan Thúy Hà tuổi còn tương đối trẻ, từng là biên tập viên lâu năm của Nhà xuất bản Phụ Nữ, đột ngột xin nghỉ việc ở nhà chăm con và viết văn, viết báo; trước đó đã cho ra được vài tác phẩm viết về chiến tranh và thân phận người lính gây chú ý người đọc, như Đừng kể tên tôi, Qua khỏi dốc là nhà, Tôi là con gái của cha tôi

Tiểu thuyết, bút ký, hồi ký viết về CCRĐ thì đã khá nhiều, nhưng mỗi tác giả chỉ hé ra được một vài khía cạnh. Do bức xúc trong lòng không thể nhịn được, dưới chế độ kiểm duyệt gắt gao của ngành văn hóa và tuyên huấn, một số tác giả đã cố gắng phản ảnh “nhích lên từ từ” được bao nhiêu hay bấy nhiêu cuộc CCRĐ trong chừng mực có thể lọt được kiểm duyệt, tiêu biểu như Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, cùng với khoảng trên chục tác phẩm khác. Nên có thể nói, với mức độ cao bóc trần sự thật của nó, Gia đình của Phan Thúy Hà tuy chỉ là cuốn sách nhỏ nhưng có thể coi là công trình “tập đại thành” đầu tiên về CCRĐ đáng được những người quan tâm tìm đọc.

Trước hết, phải hoan nghênh NXB Phụ Nữ Việt Nam và những nhân vật phụ nữ phụ trách công việc tại đây. Cùng với tác giả nữ Phan Thúy Hà, giám đốc và biên tập viên NXB đã can đảm làm được một việc đầy ý nghĩa mang lại lợi ích chung, thể hiện lương tâm và trách nhiệm rất cao của người làm xuất bản trong điều kiện trên đe dưới búa bị ràng buộc đủ thứ. Tôi cho rằng khi quyết định cho ra cuốn Gia đình, họ đã nêu được tấm gương tốt cho những NXB khác, mà phần lớn cũng do phụ nữ làm giám đốc (như tại TP. HCM có các NXB: Tổng Hợp, Văn Hóa Văn Nghệ, Trẻ). Tôi cũng tin rằng, ở không ít cán bộ phụ trách các ngành văn hóa, tuyên huấn, trong âm thầm, họ vẫn luôn ủng hộ công lý và lẽ phải, nên những công trình lương tâm của Phan Thúy Hà gần đây mới có cơ hội xuất hiện được, và vì thế chúng ta vẫn còn hi vọng rất nhiều vào sự thay đổi tư duy tốt đẹp của Ban Tuyên giáo trung ương.

Tại đây xin mở một dấu ngoặc: theo sự hiểu biết của tôi, bằng trực giác và kinh nghiệm, phụ nữ Việt Nam thường gan dạ dám nghĩ dám đấu tranh cho công lý hơn cánh đàn ông. Tôi biết truyền thống này còn do đọc được lời nhận xét rất vui sau đây của một ông Tây, Léopold Pallu, viên sĩ quan theo đoàn quân viễn chinh Pháp vào đánh chiếm xứ An Nam năm 1861: “Người đàn bà An Nam được tự do hơn bất cứ một nơi nào ở Á châu. Người ta kể rằng ảnh hưởng của họ rất lớn ở thôn quê làng mạc. Nếu có một người nông dân nào bị tù tội phi lý, vợ hắn bế con trên tay tìm đến cổng quan mà kêu oan: không ai có thể cản nổi bà này” (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ, bản Việt dịch của Hoang Phong, NXB Phương Đông, tr. 200). Trong công cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội chống lại mọi hình thức độc tài trong tương lai, người phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ giữ một vai trò hết sức quan trọng.

Trở lại cuốn sách của Phan Thúy Hà, tôi đã đọc mà mấy lần chảy nước mắt, nhiều lần đặt sách xuống trầm ngâm nghĩ ngợi. Cho một người bạn vong niên 86 tuổi vốn là cán bộ cách mạng lão thành mượn đọc, ngay buổi chiều hôm đó ông anh này gọi lại: “Đọc qua vài câu chuyện, tôi không thể tưởng tượng trong cõi nhân gian này lại có xảy ra những chuyện động trời đến như thế…”. Tôi bảo anh cứ đọc tiếp đi thì sẽ rõ, thấm sâu thêm vấn đề.

Tại đây tôi không muốn lặp lại những gì mà người khác đã viết nhiều rồi về CCRĐ, như việc con tố cha, vợ tố chồng, hệ thống gia đình bị phá nát đẩy con người vào thảm cảnh, “tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây” … Tôi chỉ muốn nói trước hết rằng cái địa ngục trần gian thì trên đời đâu đâu cũng có thể có, như khi người ta phải sống trong tình trạng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh ác liệt, hoặc bị chủ nghĩa phát xít đày đọa. Ở đây, trong điều kiện hòa bình lập lại (sau năm 1954), cái địa ngục trần gian đó lại do một tổ chức chính trị cầm quyền nhân danh giải phóng con người làm nên!

Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, dân số miền Bắc VN chỉ khoảng 16 triệu người, với 90% là nông dân nghèo, có thể một phần do chế độ thực dân phong kiến gây ra, nhưng sự phân hóa giàu nghèo thành phú nông-bần nông ngoài lý do chế độ chính trị thối nát bất công, còn tùy thuộc vào tố chất khác nhau của từng cá thể con người: nhiều trường hợp trí thông minh và ý chí giữa mỗi người không giống nhau; có người siêng ăn nhác làm ham mê cờ bạc rượu chè, hoặc do xui xẻo bệnh hoạn, trở thành bần nông; có người trái lại suốt ngày làm lụng vất vả chăm lo cải thiện đời sống gia đình trở thành phú nông hoặc địa chủ. Ngoài ra còn có vấn đề số phận mà tạo hóa ban ra cho mỗi con người nữa (Cây khô tưới nước cũng khô/ Người nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo…). Giả định cứ để tự nhiên không can thiệp, người nghèo không ruộng đất làm tá điền vẫn có thể sống được, thậm chí chỉ đi mót lúa hoặc đi ăn xin thì tình trạng cũng không đến nỗi tan tác như khi thực thi CCRĐ theo cách cướp của người giàu chu cấp cho người nghèo mà kết quả tất yếu là gây nên lòng thù hận, “oan oan tương báo”, muốn tiêu trừ đấu tranh giai cấp mà đấu tranh giai cấp lại càng tăng thêm theo hướng ác hóa. Nếu so sánh với chính sách người cày có ruộng của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thực thi vào những năm 70 của thế kỷ trước sẽ thấy khác nhau một trời một vực: chủ đất bị truất hữu rất vui mừng vì được đền bù thỏa đáng, thậm chí họ còn phải chạy vạy lo lót cho các nhân viên sở điền địa để sớm được truất hữu, vì đây là hình thức nhà nước mua lại đất dư thừa của người giàu để chia lại cho người nghèo thiếu đất. Sự so sánh này có chỗ khập khiễng, vì VNCH có chỗ dựa ngoại viện, nhưng cũng cho thấy sự khác nhau rõ rệt giữa cách làm thất nhân tâm với cách làm đắc nhân tâm. Giờ lịch sử đã qua rồi, thử giả định miền Bắc sau 1954 thay vì cầu ngoại viện vũ khí để đánh giặc “giải phóng” miền Nam, các nhà lãnh đạo chỉ chuyên cầu ngoại viện kinh tế để kiến thiết xứ sở, thì tình hình có lẽ đã hoàn toàn đổi khác? Tất nhiên, do ý đồ chính trị của họ, hai nước đồng minh Liên Xô và Trung Quốc không muốn viện trợ nhiều về kinh tế mà chỉ đồng ý tập trung viện trợ quân sự để gây ra cuộc chiến tranh tương tàn nồi da xáo thịt giữa hai miền Nam Bắc.

Lại nữa, các nhà lãnh đạo chủ trương CCRĐ cũng không thấu hiểu tâm lý, nhân tình, phong tục tập quán của người dân Việt với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của nó. Để cho bần cố nông đấu tố phú nông-địa chủ thì tất yếu phải có sự oan sai cho người bị đấu tố vì lòng ganh tị của kẻ nghèo mà dốt nát được trao cho quyền lực và vũ khí trong tay. Họ dạy cán bộ phải sâu sát quần chúng nhưng lại không hiểu tí gì về truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của người dân Việt và giá trị gia đình như là nền tảng của sự thịnh trị quốc gia. Từ trung nông đến địa chủ, thay vì được coi là thành phần tinh hoa của nông thôn thì bị coi là đối tượng kẻ thù cần phải tiêu diệt. Rồi còn có bệnh thành tích cố hữu nữa nên bắt buộc phải có làm sai trong việc quy thành phần cho đạt được chỉ tiêu trên giao (với trên 5,68% là địa chủ, theo ý của các đoàn cố vấn Trung Quốc). Có một nhà trí thức du học ở Pháp về tham gia cách mạng được bố trí vào đội cải cách xuống xã để “bắt rễ” (tìm được cố nông), “xâu chuỗi” (từ một cố nông tìm thêm ra những cố nông khác), kể lại rằng ông truy tìm mãi không ra địa chủ đích thực đủ tiêu chuẩn, chỉ có một ông nông dân đúng là trung nông cấp trên thôi, nhưng anh đội trưởng nói rằng nếu chúng ta không tìm ra một địa chủ thì anh ta bị kỷ luật nên yêu cầu phải nâng tay này lên địa chủ thì mới cứu được anh ta và cả đội khỏi mang tiếng (xem Lê Tâm, Tưởng rằng đã quên, NXB Hội Nhà Văn, 2017, tr. 292).

Trước đây tôi cứ tưởng chỉ có địa chủ miền Nam dễ có điều kiện hơn để sống tốt với tá điền, nhưng đọc Gia đình của Phan Thúy Hà, mới thấy nhiều phú nông-địa chủ miền Bắc thời trước cũng tốt như thế. Phần lớn họ đều do thông minh, lao động cật lực, biết dè sẻn và biết tổ chức công việc làm ăn mà trở nên khá giả với một vài mẫu ruộng vườn; vợ con đôi khi còn phải chạy vạy buôn bán vất vả để kiếm thêm, bổ sung cho nguồn thu nhập nông nghiệp. Khi họ khá lên rồi thì tự nhiên cũng có lòng từ thiện (phú quý sinh lễ nghĩa), như một nhân chứng kể chuyện về o Liên của mình là con gái nhà địa chủ: “Những người cấy ruộng rẽ nhà tôi đến ngày gặt mong được o Liên coi. Chị coi dễ dãi. Lúc phân chia lúa chị không xét nét, luôn dành phần lợi về cho người cấy ruộng” (Gia đình, tr. 156). Chỗ khác, một nhân chứng khác kể: “Ông nội mất vào mùa thu năm 1944. Cha tôi duy trì, phát huy những việc làm phúc đức của ông. Năm đói bốn lăm gia đình tôi nuôi cả làng… Không chỉ cưu mang dân trong làng, cha tôi còn cứu cả một toán cướp…” (Gia đình, tr. 186). Cho nên, dù có quy đúng thành phần địa chủ trong CCRĐ đi nữa (không có oan sai), cũng cần phải tìm ra một đường lối xử sự khác hẳn, nhân văn hơn, không thể để vì muốn cứu đói cho người này mà làm cho người khác phải vong gia thất thổ, trong khi tất cả mọi người đều là con dân cùng sống chung trong cộng đồng dân tộc, dưới lũy tre làng.

Còn bần nông thì sao? Không phải ai cũng xấu ác, như có người dượng nghèo nói với cháu: “O dượng nghèo nhất làng, cháu nhìn thì biết, nhưng dượng không thèm tơ hào quả thực. Gọi đến lấy quả thực dượng còn chửi, nhà tau không có mả ăn cướp” (tr. 230). Cán bộ đội CCRĐ cũng vậy, không ít người có lương tâm trong sáng: “Chú Bành đi làm cán bộ cải cách ở Thái Bình. Chú không chịu ký vào một án tử hình. Chú nói, thằng đó 21 tuổi, không có tội gì, chỉ vì bố mẹ nó giàu mà tử hình. Chú không ký, bị thải hồi khỏi đội cải cách” (tr. 235-236).

Một số địa chủ bị đấu tố nhưng việc qua rồi thì cũng rất khoan dung với những kẻ chơi xấu mình: “Bị giam một thời gian ông Đức được thả về. Người làng lại chào cụ như trước. Ông cho qua hết, trong lòng không giận ai. Đi lại trong làng gặp những người trước đó dựng chuyện chửi bới ông, ông cười, coi như không có chuyện gì xảy ra” (tr. 165)…

Vậy sự tha hóa cùng cực, con người đối xử tàn ác với nhau trong môi trường làng xã nông thôn miền Bắc Việt Nam là tại đâu, do ai, chúng ta đã có thể phần nào thấy rõ. Nhìn chung, theo tôi, cách làm CCRĐ của ban lãnh đạo chính trị miền Bắc thời 1954 là bất cận nhân tình, mà nói như học giả- nhà văn Lâm Ngữ Đường (1895-1976) thì cái gì bất cận nhân tình cũng đều xấu cả, “một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng”. Chủ nghĩa xã hội, nếu đúng là chủ nghĩa xã hội đích thực với tất cả tính nhân văn nhân đạo của nó, không phải chỉ biết lo giải quyết về cái đói cái no, mà còn phải quan tâm sâu sắc đến vấn đề quan hệ con người.

Giờ mới thấy lời nhận xét của ông cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại đã thoái vị sau Cách mạng tháng Tám) đối với nhóm lãnh đạo chính trị thời đó là chính xác, khi ông viết: “Các người cầm đầu chính phủ này chẳng phải là nhân vật chính trị…, họ cũng chẳng biết làm cách nào để đặt một kế hoạch cho tương lai đất nước… Than ôi, ở vùng thôn dã, đây quả là một cuộc cách mạng đổ máu và tàn bạo, một sự nhiễu loạn, rối bời” (Con rồng An Nam, Nguyễn Phước tộc xuất bản, 1990, tr. 201). “Các đồng nghiệp của tôi bây giờ, lại chỉ là những nhà lý thuyết suông. Họ ngây thơ đối với tâm lý con người, đến độ không tưởng” (tr. 209).

Nhưng CCRĐ xong rồi thì người nghèo vẫn không hết nghèo. Sau khi CCRĐ đã bộc lộ hư hỏng thảm hại thì có việc tổ chức “sửa sai”, “xin lỗi” (năm 1956) nhưng một khi mọi sự đã tan nát với bao người chết oan chết thảm con cháu ly tán khắp nơi và bao nhiêu hồn ma phiêu dạt vất vưởng khắp đó đây thì có sửa cũng không vãn hồi gì được, nên có lẽ chỉ là một cách cứu chữa tạm bợ nhằm làm giảm áp lực không còn chịu nổi từ cơn thịnh nộ và oán than của phía quần chúng. Trong “sửa sai”, vài cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật, đương nhiên như vậy rồi, nhưng cũng chỉ dưới hình thức chuyển họ qua vị trí công tác khác để rồi sau đó, với tư tưởng cũ kỹ lạc hậu và cực đoan, họ vẫn còn y nguyên tiếp tục phá hại nhân dân dưới những hình thức khác. Lý luận kiểm tra thực tiễn, nếu thực tiễn sai chứng tỏ lý luận cũng sai, trong trường hợp thực thi cuộc CCRĐ.

Sau CCRĐ, trong giai đoạn 1955-1975, nông dân miền Bắc bị đưa vào hợp tác xã hàng loạt, bắt chước một số nước XHCN anh em, nhất là Trung Quốc, nói là trên cơ sở tự nguyện tự giác nhưng thực tế o ép bằng mọi cách, ai không vào thì bị quy chụp cho là có kẻ địch xen vào phá hoại. Lề lối làm ăn tập thể này làm nảy sinh bao nhiêu thứ quái trạng, như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, vun quén cá nhân, tệ nạn ăn cắp của công, lối sống hai mặt, sự tập trung quyền lợi cho các nhóm quản lý đặc quyền, “một người làm việc bằng hai/ để cho chủ nhiệm sắm đài sắm xe”…, tiếp tục đẩy nhân dân miền Bắc vào cảnh khốn cùng; phụ nữ phải gánh phân tưới ruộng rẫy không có được cái quần xilip để mặc, không đủ giấy vệ sinh để dùng, mà toàn dân còn phải cung ứng lúa gạo, nhân lực vật lực hi sinh xương máu hàng triệu người cho chiến trường để “giải phóng” miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ hơn mười ngày nay!

Tới đây có lẽ ta cần phải suy nghĩ lại khái niệm chính xác thế nào là yêu nước, vì mọi cuộc tuyên truyền phát động phong trào trong dân thời đó đều dựa trên sự kích động tinh thần yêu nước chống xâm lăng. Thiết nghĩ, dù muốn định nghĩa thế nào thì yêu nước trước hết phải thương dân, mà thương dân thì trước hết phải bảo vệ sự an toàn tính mạng của dân và tìm mọi cách để nâng cao đời sống cho họ, để ai ai cũng được no đủ, cũng được học hành… Để cho nhân dân phải chịu cảnh đời rách rưới khốn khổ như thời CCRĐ và hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc mà không biết xót thương, không biết hổ thẹn, thì không thể gọi yêu nước thương dân chân chính được.

Tôi lấy làm lạ là BS Hồ Văn Châm, với tư cách tổng trưởng Bộ Dân vận Chiêu hồi thời chính quyền Sài Gòn, khi viết tựa cho quyển Đường đi không đến của nhà văn Xuân Vũ (tác giả xuất bản, 1973), ông không có một câu nào chỉ trích cộng sản miền Bắc, mà chỉ ôn tồn khuyên: “Yêu nước thì phải thương dân, trước hết phải lo cho dân có cơm áo… Yêu nước lại càng không phải là cưỡng bức nhân dân thắt lưng buộc bụng, nhịn đói chịu khát để tập trung tài nguyên nhân lực vào việc dùng vũ lực mưu toan áp đặt một nền nếp suy tư và những phương thức hành động đã được khuôn đúc mà dân chúng không mong muốn. Các nhà cầm quyền miền Bắc nên ra khỏi tháp ngà để ngẫm nghĩ về điều đó” (tr. III-IV).

Không ít người cho rằng, chuyện cũ xin cho qua, chỉ nên hướng về tương lai thôi. Loại ý kiến này theo tôi có phần đúng nhưng cũng có phần chưa ổn. Vấn đề cốt lõi ở đây là thái độ ứng xử đối với quá khứ. Nghiên cứu-phân tích quá khứ bằng một thái độ khoan dung khách quan, chứ không phải để mặc cảm và thù hận, từ đó có thể có được những suy nghiệm đúng đắn nhằm hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, kiên quyết đoạn tuyệt với những việc làm kiểu cũ đã từng gây nên những kỷ niệm đau buồn cho đất nước. Cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà nhắc lại quá khứ đau thương của thời kỳ CCRĐ vì thế là cần thiết và có giá trị đóng góp tích cực.

Theo một quy luật phổ biến áp dụng được chung cho cả giới tự nhiên và hoạt động xã hội, tất cả những gì biến đổi đều không hoàn toàn bị mất đi mà chuyển hóa và tồn tại dưới những dạng thức/ hình thái khác, có thể kéo dài khá dai dẳng. Hiểu theo nghĩa này thì hầu như tất cả những gì tệ hại trong thời kỳ CCRĐ, hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế quốc doanh bao cấp,… đều vẫn thấp thoáng tồn tại mãi cho tới ngày hôm nay, với một độ nhạt hơn, như chủ nghĩa lý lịch phân biệt thành phần, tư tưởng ăn bám nhà nước, tệ nạn ăn cắp của công, nếp sống giả dối hai mặt, thói đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, tập quán hô khẩu hiệu, bệnh thành tích…, tất cả đều đang là những nhân tố tiêu cực cản ngại con đường đi lên của đất nước. Cần phải đoạn tuyệt với tất cả những thứ di sản tệ hại này của quá khứ bằng cách thay đổi thể chế kinh tế-chính trị một cách căn bản theo hướng dân chủ hóa, tự do hóa mọi mặt đời sống xã hội, đặt dưới sự điều tiết vĩ mô của một nhà nước lành mạnh chỉ huy theo pháp luật.

Chúng ta biết rằng đồng bào Việt Nam ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc khởi đầu đều thật thà chất phác khả ái như nhau. Sự thay đổi tính cách ở một miền nào đó theo hướng xấu đi đều phần lớn do thể chế kinh tế-chính trị nhào nặn nên, đặc biệt ở miền Bắc qua các giai đoạn CCRĐ, hợp tác hóa nông nghiệp, quốc doanh hóa công thương nghiệp, với nền kinh tế chỉ huy phủ nhận thị trường đi kèm với chế độ quan liêu bao cấp cung ứng vật phẩm bằng tem phiếu. Sự tha hóa về đạo đức nếu có ở một bộ phận dân tộc căn bản là do chế độ chính trị kiểu cũ gây nên, mà người dân chỉ là nạn nhân chẳng tội tình gì, vì thế giả định mai kia mốt nọ nếu có xảy ra những thay đổi lớn về chính trị, mà nhà cầm quyền hiện nay đang có vẻ rất sợ (họ đã viết thẳng ra trong các bản nghị quyết để cảnh giác đề phòng), dẫn theo sự sút giảm tất yếu quyền lợi của một số nhóm lợi ích nào đó, thì trong ý thức đồng cảm cùng là nạn nhân của một thể chế kinh tế-chính trị lạc hậu như trên mô tả, chúng ta tin rằng, nhân dân hai miền Nam Bắc vẫn sẽ thương yêu đùm bọc đoàn kết để cùng nhau xây dựng lại một đất nước Việt Nam tươi đẹp ngày mai, trên cơ sở diệt bỏ mọi thứ tị hiềm, nghi kỵ, và nhất định không quay trở lại làm những điều sát phạt như trong thời kỳ CCRĐ.

Chúng ta cũng không được quên rằng, những tàn tích của quá khứ vẫn còn tồn tại đến nay trong một số điều khoản ghi trong Hiến pháp 2013, mà Điều 51 “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, Điều 53 “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” là dã man nhất, dễ bị lợi dụng nhất, trở thành căn cứ pháp lý để các nhóm lợi ích trục lợi tham nhũng, khai thác giá trị thặng dư từ đất, gây nên tình trạng động loạn bất mãn trong dân trong suốt mấy chục năm nay.

Cuộc CCRĐ lần thứ hai, nếu có thể gọi như vậy, thiết yếu phải là sự từ bỏ cái nguyên tắc sở hữu toàn dân này một cách triệt để hơn. Bối cảnh lịch sử xã hội hiện nay đã đổi khác. Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất canh tác của nông dân đang được thu hẹp, vấn đề sở hữu ruộng đất ở các vùng nông thôn như hiện nay là tương đối ổn, nhưng phải mở rộng hơn nữa quyền tự do sử dụng đất cho người dân, để họ được hoàn toàn chi phối trên mảnh đất sở hữu của mình, thay vì cứ quy định bắt buộc đây là đất ở, kia là đất ruộng, đất vườn, đất đào ao nuôi cá …, đồng thời giảm tối đa các thủ tục rườm rà về xây dựng, chuyển nhượng, chỉ tạo điều kiện cho các cán bộ ngành quản lý nhà đất lợi dụng tham nhũng, làm khó dân. Ở tại các khu đô thị, vấn đề quyền sở hữu nhà đất cũng cần được giải quyết thông suốt tương tự như thế, bằng cách bãi bỏ thủ tục “chuyển quyền sử dụng”, với điều kiện người sử dụng nhà đất phải tuyệt đối tuân theo quy hoạch chung của cả khu đô thị thuộc thành phố, tỉnh, quận huyện. Trước mắt, phải tức khắc triệt bỏ toàn bộ các khu “quy hoạch treo” trên cả nước; nơi nào nhà nước có khả năng ngân sách cần triển khai các công trình xây dựng vì lợi ích công cộng thì phải bồi thường thích đáng cho người dân theo đúng hoặc gần với giá trị thị trường.

Từ tập hồi ký nhiều tác giả do Phan Thúy Hà chấp bút, tôi đã bình luận phăng ra dài dòng đủ thứ vấn đề, như vậy có đi quá xa không, có gì quá lố phạm phải sai lầm không, rất mong được các vị thức giả vui lòng chỉ giáo.

24.7.2020

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 24-7-20

Nguồn: http://viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_ChungQuangCuonGiaDinh.html